- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mẫu Gốc Électre Từ Thần Thoại Cổ Đại Đến Kịch Hiện Đại Của Jean Giraudoux

17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 26845)

ltduong_0_300x244_1Nằm trong lịch sử sân khấu phương Tây với những nghi lễ tôn giáo từ thời Hi Lạp cổ đại, sân khấu Pháp đã có sự phát triển bền bỉ và có nhiều thành tựu theo chiều dài các thế kỉ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tình hình kịch Pháp về cơ bản là kế thừa kịch nửa sau thế kỉ XIX. Khoảng 20 năm đầu thế kỉ XX là thời kì sung mãn, đầy sức sống, các nhà nghệ thuật hoàn toàn tin tưởng vào cuộc sống của bản thân trong giai đoạn mở màn của kỉ nguyên mới, họ từng bước xâm nhập vào địa hạt của nghệ thuật kịch, khai phá ra những hình thức biểu hiện mới tựa như đang xâm nhập vào vũ trụ thần bí. Sáng tác kịch ngày càng sôi nổi theo nhiều khuynh hướng với sắc thái đa dạng (bao gồm: khuynh hướng tình yêu, tân lãng mạn, kịch vui nhộn, kịch vui đường phố, kịch đùa hiện thực, kịch đùa hùng ca,...). Cục diện phồn vinh sinh động này chưa từng có trong lịch sử kịch Pháp.

Sân khấu Pháp theo chiều dài của lịch sử đã gắn liền với các tên tuổi: Racine, Corneille, Molière (thế kỉ XVII), Voltaire, Beaumarchais, Marivaux (thế kỉ XVIII), Hugo, Mérimée, Musset (thế kỉ XIX), Claudel, Giraudoux, Ionesco, Beckett (thế kỉ XX). Trong đó, Jean Giraudoux, một nhà tiểu thuyết lừng danh bên cạnh một nhà ngoại giao, đồng thời được đánh giá là một nhà viết kịch lẫy lừng nhất giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Là một trí tuệ sâu sắc và đầy hoài nghi, Giraudoux lấy sân khấu làm phương tiện bộc lộ thái độ của con người đang phải tuyệt vọng chống chọi lại định mệnh vô hình. Con người không sao hiểu được sự bí ẩn, huyền vi của đấng sáng tạo. Các nhân vật của ông có lẽ sẽ tiên tri cho sự ra đời của các nhân vật phi lí sau này một chút: họ nói năng, hành động khinh khoái nhưng đầy nghịch lí và mâu thuẫn, đồng thời vô ích. Ngôn ngữ sân khấu của Giraudoux đã trở thành mẫu mực: nhịp nhàng, đầy tiết điệu mà lại sâu xa, thâm trầm.

Giraudoux đã góp phần làm vinh danh nền kịch Pháp ở thế kỉ XX nói riêng và nền văn học Pháp nói chung - một nhà văn đã khiến cả nước Pháp và châu Âu phải đi từ "kinh ngạc đến thán phục" - một nhân vật được mệnh danh là "nhà thơ của sân khấu Pháp" - một nhà viết kịch với những vở kịch kiệt tác đã từng làm "nóng" các sân khấu kịch suốt trong nhiều năm.

Kịch J.Giraudoux dù viết về vấn đề gì cũng luôn chứa đựng giá trị thời sự, đặc biệt trở thành "tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại". Nhiều vở kịch đặc sắc của ông đan bện một cách vừa ngẫu hứng vừa điêu luyện giữa nội dung hiện thực với một vấn đề xuyên suốt từ thời khởi thuỷ cho đến tận hôm nay - huyền thoại. Kết hợp lòng dũng cảm, sự nhẹ nhàng, cảnh thần tiên và chất dí dỏm, Giraudoux sử dụng cái phi thường như một phương tiện cho phép ông đưa lên sâu khấu cuộc hội ngộ giữa cái có thật và cái không có thật, giữa thực tại và phi thực tại, đồng thời đề cập đến mối quan hệ giữa người sống và người chết. Và trong kịch Jean Giraudoux, người ta tìm thấy "một trò chơi của bóng tối và ánh sáng, của cuộc sống và cái chết, trò chơi diễn ra trong khoảng rừng thưa bí ẩn, mà ta không xác định được, của tâm hồn".

J.Giraudoux khởi nghiệp từ các truyện: Người tỉnh nhỏ (1909), Đọc dưới bóng (1917) và tiểu thuyết Suzane và Thái Bình Dương (1921),… sau đó ông chuyển hướng sang viết kịch nhờ sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với đạo diễn Louis Jouvet. J.Giraudoux đã nhanh chóng gặt hái được thành công đầu tay với vở Siegfied (1928) và được hoan nghênh như một hiện tượng.

Đề tài tác phẩm của J.Giraudoux rộng rãi, nội dung phong phú. Ngay từ thời còn là học sinh, Giraudoux đã rất có hứng thú với văn học Hi Lạp. Chính vì lẽ đó, về sau, trong sáng tác của mình, ông thể hiện rất rõ sự ưu ái đối với đề tài cổ điển. Sau bước khởi đầu tốt đẹp với vở Siegfried, trong các vở tiếp theo: Amphitryon 38, Chiến tranh thành Troie sẽ không xảy ra, Électre, Ondine, Judith.., J.Giraudoux lựa chọn những câu chuyện, những nhân vật của sử thi, thần thoại, truyền thuyết, hoặc Kinh Thánh... làm chất liệu sáng tạo, nhằm tái hiện đồng thời hướng tới giải quyết những vấn đề hiện thực của thời đại ông.

J.Giraudoux viết bi kịch nhiều hơn hài kịch, một phần là do chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh đương thời. Nhờ vào khả năng phân tích tâm lí tinh tế, cộng với lời văn điêu luyện, Giraudoux đã gói gọn những vấn đề xuyên suốt mọi thời đại và mọi xã hội trong những vở kịch mang đậm màu sắc huyền thoại, đó là định mệnh, chúa trời, chiến tranh, hạnh phúc gia đình, những mâu thuẫn đời thường, xung đột giữa các dân tộc, chính trị - đạo đức, sự phán xét của công lí, cùng những trải nghiệm của cá nhân trên hành trình kiếm tìm lí tưởng; và tất nhiên, không thể thiếu những nỗi thất vọng trước sự tàn khốc của chiến tranh giống như những bóng đen đang bao trùm lên lịch sử nhân loại.

Cái tên J.Giraudoux còn rất xa lạ đối với nhiều độc giả và khán giả Việt Nam, trong khi đó ở Pháp và một số nước châu Âu, J.Giraudoux là một trong những "cây cao bóng cả" - một "Racine của thế kỉ XX" được rất nhiều thế hệ công chúng yêu thích và ngưỡng mộ.

Hiện nay, vở kịch duy nhất của J.Giraudoux được dịch ra tiếng Việt là vở Électre (Ngô Dư dịch, Nxb. Thế giới, 1999).

Vở Électre lấy tên nhân vật chính làm tên gọi tác phẩm. Électre xuất hiện lần đầu tiên trong thần thoại Hi Lạp, về sau trở thành hình tượng khá "có duyên" với các tác giả viết kịch. Nhiều tác giả đã lựa chọn mẫu cổ Électre làm chất liệu cho những sáng tác của mình, nhưng đến J.Giraudoux, Électre lại bước lên một đỉnh cao mới.

Électre trong thần thoại Hi Lạp là con gái thứ hai của Hoàng đế Agamemnon và Hoàng hậu Clytemnestre. Mẹ nàng được người tình là Égisthe giúp sức đã hãm hại cha nàng khi ngài chiến thắng từ thành Troie trở về. Em trai nàng là Oreste bị phát vãng xa xứ hai mươi năm trời. Và khi chàng trở về, sự thật về việc cha nàng bị giết được làm sáng tỏ. Clytemnestre bị trừng phạt bởi chính thanh gươm của con trai mình.

Mẫu gốc Électre cổ đại có ba đặc trưng chủ yếu sau: thứ nhất, nhân vật nằm ngoài lề của cộng đồng. Thứ hai, nhân vật bị định mệnh chi phối. Thứ ba, nhân vật luôn gắn với vấn nạn tự do và trách nhiệm. Bước ra từ huyền thoại để đến với các vở kịch, Électre đã có những biến thái mới để chuyên chở những nội dung khác nhau. Có thể nói, các nhà viết kịch cổ đại Pháp nói riêng và phương Tây nói chung rất hứng thú với hình tượng Électre. Chúng tôi sẽ điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu được xây dựng trên cơ sở huyền thoại này:

Năm 458 trước công nguyên, Eschyle đã sáng tác một vở kịch bộ 3 Oreste: vở thứ nhất nói về cái chết của Agamemnon; vở thứ hai nói về sự trả thù (của các tiểu nữ - tượng trưng cho sự trả thù); vở thứ ba nói về sự trừng phạt của con trai Agamemnon.

Ở Eschyle, ý nghĩa về sự tuẫn tiết của người anh hùng (Oreste – em trai Électre) xuyên suốt cả ba vở, và trật tự được thiết lập trong đó vẫn mang tính chất thần linh do Apolong chi phối và Apolong cũng là người dẫn dắt cánh tay chi Oreste trả thù.

Năm 415 trước công nguyên Sophocle lấy lại đề tài về Électre, trong đó Électre được chọn làm nhân vật trọng tâm và được phú cho một ý chí trả thù mãnh liệt. Vở Électre của J.Giraudoux về sau cũng đi theo hướng này. Cùng thời đại đó, Euride cũng cho ra mắt một vở kịch về Électre nhưng mang vẻ giễu "bi kịch tư sản" (tính chất sướt mướt). Trong vở kịch này, cô gái (Électre) đối lập với mẹ mình, chống lại mẹ mình.

Suốt một quãng thời gian dài tiếp sau đó, hình tượng Électre tưởng như bị lãng quên. Nhưng huyền thoại này sau hàng chục thế kỉ lại được phục hưng và khẳng định tính vĩnh cửu của nó cũng như của thần thoại Hi Lạp nói chung bằng những đỉnh cao mới trong nền kịch thế giới. Đến thế kỉ XVII, XVIII các nhà viết kịch lại lấy lại đề tài này. Vào đầu thế kỉ XVIII (năm 1708), tác giả Crébillon đã cho công diễn vở kịch có tên Électre. Trong vở kịch này không thiếu sức mạnh quyền lực lẫn cái tàn bạo, dữ dội, gần với vở kịch của Eschyle thời cổ đại. Đến giữa thế kỉ XVIII (năm 1750), kịch tác gia lừng danh Voltaire đã cho ra đời vở Oreste. Một thời gian khá lâu sau đó (năm 1783), một tác giả khác là Alfieli đã giới thiệu hai vở AgamemnonOreste. Cả hai tác giả này đều xây dựng những nhân vật và ngữ cảnh ít tàn bạo hơn và khá xa với vở của Eschyle thời cổ đại.

Sang thế kỉ XX, Électre vẫn là đề tài được nhiều tác giả ưa thích và khai thác. Năm 1931, Eugen O’neila sáng tác một số vở về Électre. Năm 1943, J. Satre tiến thêm một bước nữa trong việc trình diễn vở kịch đầu tiên của ông với cái tên ngắn gọn Ruồi. Vở kịch này thực ra được gọi là "sân khấu tình huống", trong đó Électre và Oreste trở thành những người đi chinh phục một cách có trách nhiệm về tự do của mình. Égisthe (người tình của Clytemnestre) cũng được xây dựng thành một chính khách có trách nhiệm chứ không phải là một tên bạo chúa giết người. Xuất phát từ ham muốn quyền lực, ông ta có trách nhiệm dàn xếp xung đột giữa "lí do quốc gia được viện dẫn để biện minh cho hành vi lạm quyền và lí tưởng triệt để về công lí và liêm chính, trong khi bạo chúa giết người gán cho tội ác của Oreste một tầm quan trọng chính trị và triết học: trong một tình cảnh bạo ngược, kẻ sát nhân được bào chữa là không sai, vì y xây dựng tự do".

Sáu năm trước khi vở Ruồi của J.Satre xuất hiện, Giraudoux đã cho ra mắt vở Électre. Điều đáng nói trong vở kịch này là nhân vật Électre, theo lời kể của con trai Giraudoux – Jean Pierre Giraudoux - được lấy cảm hứng từ chính người vợ J.Giraudoux. Sinh thời Giraudoux vốn nổi tiếng về tính độc đáo và tính độc đáo đó được thể hiện khá đầy đủ trong vở Électre.

Vở Électre được viết đúng vào thời điểm tài năng của J.Giraudoux đã chín muồi, và nó là sự đền bù ngoạn mục cho sự thất bại một nửa của vở kịch trước đó – Judith. Nó chỉ đơn giản đề là Électre mà không đề thêm một con số nào, thậm chí ông không dám ghi thêm từ "bi kịch" sau tên vở diễn như đã từng làm với vở Judith, vì từ ấy "có vẻ khơi gợi trong khán giả, nhất là trong giới phê bình chuyên nghiệp một sự nghi ngờ". Song trên thực tế, đây là một bi kịch thực sự, "một vở thảm thiết hơn hẳn, không ngắt quãng, không nể nang, khéo léo". Tác phẩm này có thể ngang hàng với những bi kịch của Hi Lạp thời kì huy hoàng nhất, đồng thời cũng sánh vai với vở Oreste của Eschyle.

Vở Électre ngay từ khi mới công diễn đã được hoan nghênh. Trên cơ sở kế thừa mẫu gốc của huyền thoại Hi Lạp cổ đại, Giraudoux đã có nhiều cách tân mới lạ và phức tạp, đem lại cho vở kịch "đỉnh cao không ngờ" (theo đánh giá của tạp chí sân khấu L’Impromptu de Paris). "Giraudoux đưa ra nhiều thách thức trong vở này. Ông hãnh diện vì viết "Điệu ca ai oán của người làm vườn - độc thoại dài nhất cho đến nay trên sân khấu". Sự thống nhất về thời gian kịch được tôn trọng tốt hơn: chỉ cần 12 giờ chứ không phải 24 giờ như kịch cổ điển. Cốt truyện chính vẫn giữ nguyên, bắt nguồn từ sự việc Clytemnestre giết chồng, người tình của bà ta – Égisthe mưu đồ lên ngôi Hoàng đế. Mâu thuẫn giữa Électre và mẹ càng lúc càng bùng lên dữ dội, nhất là khi em trai Oreste của nàng trở về. Và một vụ trả thù đẫm máu đã xảy ra. Oreste giết mẹ, thành Aros rơi vào cảnh hỗn chiến. Song song với tuyến nhân vật chính và xung đột chủ đạo giữa họ là các tuyến nhân vật phụ cùng các mâu thuẫn khác. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự hiện diện của những nhân vật mang tính chất tượng trưng, ám dụ, như: người làm vườn, người ăn xin, các tiểu nữ thần cùng các nhân vật vô danh khác.

Trên nền đề tài cổ xưa ấy, Giraudoux muốn viết về bi kịch của thế kỉ XX, với hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng. Điều dễ nhận thấy là suốt hai hồi của vở kịch, không một vị thần cổ đại nào được nêu tên. Ông nói chung chung về số phận các vị thần, và người ta có thể coi vị thần đó là một – đó là Chúa trời, thậm chí vị thần duy nhất này cũng có thể không xuất hiện. Vở kịch xoay quanh bi kịch một gia đình, nhưng người ta thấy vang vọng trong đó những thanh âm của lịch sử hiện đại, của cuộc chiến đấu không khoan nhượng giữa những kẻ mạnh và người nghèo khổ, giữa những người nắm quyền lực và những nhà cách mạng, thấy cả những cuộc nội chiến và sự can thiệp của nước ngoài như trong cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha (1936 - 1939). Vở kịch còn khiến người ta băn khoăn về thân phận của người phụ nữ và vị trí của người đàn ông trong xã hội. Bấy nhiêu vấn đề quan trọng trong một vở bi kịch hai hồi cho thấy sức nặng của nó.

Tác giả Jacques Body bình luận: "Bằng cách mượn lối diễn tả của tiểu thuyết trinh thám, ông đem lại một sức sống mới cho tấm sợi ngang đã lỗi thời của bi kịch cổ điển". Đó là cả Électre lẫn Oreste đều không hay biết gì về căn nguyên cái chết của cha mình. Cuộc điều tra truy tìm nguyên nhân cái chết của Agamemnon do nhân vật nữ chính hướng dẫn đã trở thành nội dung chính của vở kịch. Điều đáng nói trong vở kịch này là: tội ác thứ nhất (Clytemnestre giết chồng) bị trừng phạt bởi một tội ác còn kinh khủng và nặng nề hơn (Oreste giết mẹ). Đây cũng là cái vòng luẩn quẩn kì quái mà nhân loại phải đối mặt. Và Giraudoux qua đó đã chỉ ra rằng: bi kịch của con người nảy sinh từ chính "sự va chạm giữa những giá trị không thể hoà giải: trật tự và công lí, quyền lực và yêu thương, sự thật và hạnh phúc".

Xét về nội dung, trong vở Électre, J.Giraudoux đặc biệt quan tâm đến một vấn đề hết sức quan trọng, đó là: cái gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, phải chăng là sự kiếm tìm vật chất hay sự theo đuổi một lí tưởng nào đó? phải chăng là thắng lợi của một kiểu lí tưởng này hay một dạng công lí kia? Mỗi người đọc sẽ tự tìm ra cho mình câu trả lởi của riêng mình, đây cũng là chủ ý của J.Giraudoux.

Văn hoá cổ đại, đặc biệt là những văn bản lớn về bi kịch đã có ảnh hưởng suốt chiều dài sự nghiệp sáng tác của ông. Được thừa hưởng nguồn tư liệu phong phú thời cổ đại, cộng với niềm ham thích, say mê đối với các giá trị truyền thống, trong các vở kịch của mình, Giraudoux có sự chăm lo đặc biệt đến việc tái hiện lại và chuyển tải sang thời hiện đại những vấn đề muôn thuở của con người. Tham vọng của ông rất khiêm tốn, ít nhất ông cũng làm phục sinh một vài gương mặt lớn trong huyền thoại cổ đại và làm cho nó trở lại với chúng ta. Trong những gương mặt lớn đó thì Électre cùng với số phận bi kịch của cô đã ám ảnh hầu hết các vở kịch lớn của Jean Giraudoux. Dưới đây chúng tôi sẽ điểm qua một số cách tân tiêu biểu của Giraudoux đối với hình tượng Électre.

Có thể coi huyền thoại là sự trung chuyển (trung gian) cho phép sự tự do của phát ngôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà văn trong quá trình sáng tạo. Những mẫu gốc và những huyền thoại cổ đại đã có mặt trong tiềm thức của độc giả, do vậy, khi tái tạo lại các mẫu gốc hay huyền thoại đó, tác giả có thể đi thẳng vào câu chuyện một cách sống động, và nhanh chóng đi đến phân tích bản chất của vấn đề. Đối với những huyền thoại vốn đã phổ biến và nổi tiếng, nhà văn cần phải tôn trọng văn bản gốc và hình tượng gốc nhiều hơn để bớt đi phần tô vẽ. Còn đối với các huyền thoại ít được các thế hệ sau đề cập đến, một mặt nhà văn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tái hiện lại, mặt khác, họ lại được tự do sáng tạo. Và như vậy, việc sử dụng huyền thoại rất co giãn ở các tác giả khác nhau. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua trường hợp mẫu gốc Électre và những "biến thái" của hình tượng này.

Trong thần thoại Hi Lạp, Électre là nhân vật phụ, được xây dựng nhằm làm nổi bật thêm bi kịch của gia đình vị anh hùng Agamemnon. Còn Oreste là nhân vật chính, người đảm nhận nhiệm vụ báo thù và khá chủ động trong hành động của mình.

Những chi tiết trong thần thoại này phần nào phản ánh bước phát triển của xã hội loài người: Giai đoạn quá độ từ chế độ công xã thị tộc phụ quyền sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Đó là cuộc đấu tranh giữa chế độ mẫu quyền đang suy tàn với chế độ phụ quyền vừa nảy sinh.

Nét độc đáo của Jean Giraudoux khi sử dụng lại huyền thoại này là: khi quay trở về với cội nguồn, tác giả phát hiện ra từ bi kịch của Électre một bản chất bi kịch của con người nói chung. So với thần thoại Hi Lạp và kịch của các tác giả khác cũng viết về Électre, Giraudoux đã không cho thấy sự lặp lại nào.

Tên của nàng, Électre – có nghĩa là tia sáng, nàng muốn mình là toàn bộ ánh sáng, nàng sẽ thực hiện điều đó cho đến khi có "bình minh" máu, hoả hoạn và chiến thắng. Nàng là "người nội trợ của sự thật", là "công lí hoàn toàn", là quyền lực tinh thần chống lại quyền lực tạm thời, là trạng sư của những người vô sản, thuộc tất cả các nước". Sự xuất hiện của nàng "khuấy trộn ánh sáng và đêm tối, gây mờ ảo ngay cả vầng trăng tròn".

Nhân vật Électre trong thần thoại Hi Lạp là một thiếu nữ không nổi bật, thậm chí khá "im hơi lặng tiếng". Còn trong kịch của Giraudoux, nàng được phú cho tính cách mạnh mẽ: "Cần thẳng thắn thì nàng là người ngay thẳng. Như mọi bông hoa không hề tin vào mặt trời", đồng thời lại "thuộc loại đàn bà lắm chuyện". Chính tính cách mạnh mẽ, có phần quyết liệt và cực đoan cùng những ẩn ức tâm lí sâu kín của nàng đã dẫn tới bi kịch chính của vở kịch. Trí nhớ và sự bảo thủ của nàng luôn ra sức khẳng định rằng: mẹ nàng đã đẩy em Oreste ngã mặc dù khi đó nàng chỉ mới mười lăm tháng tuổi. Hai mẹ con tranh cãi và đổ lỗi cho nhau. Cuộc tranh cãi này đã bộc lộ rõ nét nhất tính cách của Électre: "được trực giác trí tuệ dẫn dắt hơn là có những dấu hiệu, nàng tiến hành cuộc chất vấn, lột mặt nạ những kẻ phạm tội và chỉ bằng lòng sau khi trừng phạt chúng". Mặt khác, cuộc cãi cọ này có thể dẫn tới sự liên hệ đến một vấn đề quan trọng hơn, nặng nề hơn: liệu có phải Hoàng hậu Clytemnestre định xóa bỏ hay phế bỏ quyền kế thừa ngôi báu của con trai mình không? Clytemnestre dù bề ngoài là một phụ nữ cao sang nhưng thực ra là một người thất vọng, hạnh phúc duy nhất của đời bà là được thú tội trước khi chết, nói lên sự hổ thẹn về trọng tội của mình. Bà bị cưỡng hôn và sống cùng chồng trong nỗi căm ghét. 7 năm trước bà đã giết chồng, đuổi con trai đi, con gái bà không yêu bà, tình nhân lừa dối bà, và dần dần bà ta bị khép tội, bị cô lập và rỉa rói như một con vật. Bà là kẻ gieo tội ác nhưng trước hết bà cũng là một nạn nhân.

Con gái của bà - nàng trinh nữ Électre trong sáng tác của Giraudoux có những vùng tối thuộc lĩnh vực phân tâm học: những tổn thương tâm thần thời thơ ấu, sự muộn màng về tính dục, lòng hận thù mẹ, tình yêu bệnh hoạn đối với người cha chuyển sang em trai (nàng từ chối tất cả những người đàn ông khác, mà chỉ yêu người em trai vốn là bản copy của cha nàng). Électre mang trong mình một phức cảm lớn: giết mẹ lấy cha, trái ngược với phức cảm Odipe: giết cha lấy mẹ. Vở kịch của Giraudoux đã cho thấy hình ảnh những người phụ nữ gắn liền với những mơ mộng về quyền lực. Électre đã chiến đấu vì một lí do vĩ đại – Công Lí. Nàng đòi hỏi sự thật, nọc độc duy nhất không có thuốc chữa, cuối cùng nàng cũng đạt được công lí, mà nhờ có công lí đó, người vô tội chém giết lẫn nhau và tất cả đều đổ vỡ.

Em trai Électre trở về sau 20 năm bị phát vãng, trong kịch của J.Giraudoux, anh được các tiểu nữ thần dẫn đường. Trước đó, trong vở Oreste, anh là một người hùng báo thù cho sự thật. Électre khi đó chỉ khuyến khích và phụ giúp anh. Nhưng đến các vở bi kịch của Socphocle, Euripide và sau này là Giraudoux, người chị Électre đã thay thế em báo thù, và Oreste từ đó chỉ còn là công cụ của trọng tội. Trên thực tế, dưới ngòi bút của J.Giraudoux, Oreste là một chàng trai hiền lành, luôn chỉ muốn được "hưởng dù chỉ là một giờ" hạnh phúc gia đình êm dịu. Chị anh – Électre đã đồng ý "em có một giờ" (đầu hồi II của vở kịch), rồi nàng đã đánh thức Oreste (Hồi II, cảnh 3), để rồi từ đó, chàng vĩnh viễn bị cuốn vào cỗ xe bi kịch.

Thông qua việc tái tạo nhân vật thần thoại Électre, J.Giraudoux đã làm sáng tỏ bi kịch của một gia đình thần thoại (Agamemnon - Clytemnestre) – đồng thời đó cũng là bi kịch của chính xã hội loài người. Việc Clytemnestre giết chồng và rồi lại bị chính con trai giết cho thấy: Những tội lỗi mà thế hệ trước gây ra, thế hệ sau sẽ phải gánh chịu, thậm chí, thế hệ sau tiếp tục phạm phải tội lỗi lớn hơn.

Kịch huyền thoại của J.Giraudoux nhìn chung tập trung ở hai đề tài lớn: gia đình và chiến tranh. Dù phỏng theo thần thoại Hi Lạp, truyền thuyết hay Kinh thánh, kịch của J.Giraudoux đều hướng tới những nội dung hiện đại, mục đích cuối cùng là thông qua huyền thoại để giải quyết các vấn đề thời đại. Yếu tố huyền thoại trong kịch J.Giraudoux một mặt hiện lên trên bề mặt ngôn từ (tên nhân vật, cốt truyện chính, những diễn biến quan trọng), mặt khác ngầm ẩn dưới lớp ngôn từ hiện đại.

Có thể nói, nỗi lo âu day dứt về thân phận con người không phải là yếu tố mới đối với tâm hồn Pháp. Trong hoàn cảnh lịch sử thế kỉ XX, nỗi lo âu day dứt đó càng thêm sâu sắc và mang những sắc thái mới. Điều này cũng được bộc lộ khá rõ nét trong kịch huyền thoại của J.Giraudoux, đó là những băn khoăn của nhà văn về hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, trách nhiệm cá nhân, mối quan hệ mẹ con - vợ chồng, về các giá trị sống, về vị trí của phụ nữ và đàn ông trong xã hội, thậm chí về tính dục, về những ẩn ức sinh lí… lớn hơn nữa là những lo âu về nguy cơ chiến tranh, xung đột dân tộc, tôn giáo,… Bên cạnh đó, kịch huyền thoại của J.Giraudoux còn thể hiện một khuynh hướng khá phổ biến của các nhà văn Pháp thế kỉ XX, đó là khuynh hướng trung thành với giá trị truyền thống cổ điển. Sự phục hưng lại các huyền tích, huyền thoại không nằm ngoài khuynh hướng này.

Do đâu mà huyền thoại được hồi sinh một cách mãnh liệt ở một thời đại đã quá xa so với huyền thoại như vậy? Partrick Brunel – tác giả cuốn Văn học Pháp thế kỉ XX lí giải như sau:

Thứ nhất: do bắt nguồn từ sự ham thích một nền sân khấu có tính văn chương đã tồn tại được sau các nghệ thuật tiên phong những năm mười. Bên cạnh đó, cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất thảm khốc đã nuôi dưỡng nhu cầu rằng cuộc chiến cần phải được "neo đậu" lại trong một nền văn học đậm chất lo âu nhân đạo chủ nghĩa.

Thứ hai: Những năm 30, tình hình kinh tế - chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của một cảm nhận bi kịch. và không đâu bằng sân khấu - có thể bộc lộ một cách tối ưu loại cảm nhận này.

Nhìn lại lịch sử kịch Pháp, thế kỉ XVII và nửa đầu thế kỉ XX chính là hai thế kỉ vàng với những kịch tác gia và những tác phẩm kiệt xuất đã làm rực rỡ nền văn học Pháp. Trong hai giai đoạn này, các nhà viết kịch thường tập trung phản ánh các nội dung: chiến tranh, tôn giáo, định mệnh - vốn là những đề tài lớn và quen thuộc của các huyền thoại cổ đại. Những vấn đề này trở đi trở lại, không chỉ trở thành nỗi băn khoăn của bản thân tác giả mà còn là nỗi nhức nhối của nhân loại mọi thời đại. Vấn đề là với một nội dung phổ biến như vậy thì cách thức phản ánh và thể hiện của mỗi tác giả có gì khác nhau. Điều này đã làm nên các tầng ý nghĩa phức tạp, đa dạng cho từng chủ đề một. Thế kỉ XVII và nửa đầu thế kỉ XX cũng là hai giai đoạn lớn chứng kiến sự vận động và phục hưng của các thần thoại Hi Lạp. Thậm chí không nhà viết kịch nào tập trung toàn bộ sáng tác của mình vào việc dùng lại chỉ một huyền thoại. Xu thế quay trở về với Hi Lạp cổ đại phần nào phản ánh giá trị và sức sống của các thần thoại, các huyền tích. Đồng thời huyền thoại hoá đã trở thành một phương thức phổ biến và có hiệu quả rõ rệt trong việc diễn tả tình hình thực tế và tâm lí của xã hội đương thời.

Cảm hứng huyền thoại của Giraudoux hoà quyện với sự phóng túng bất tận, tạo nên những vở kịch huyền thoại thấm đẫm không khí "mơ khi thức" và "tuỳ hứng". Phần lớn tác phẩm sân khấu của Giraudoux dựa chắc vào truyền thống huyền thoại. Từ Kinh thánh (Judith, 1931) đến thần thoại Hi lạp cổ đại (Chiến tranh thành Troire sẽ không xảy ra - 1929; Électre - 1937) hay viết về nước Đức (Intermezzo – 1933; Ondine - 1939) Giraudoux vẫn không tách rời truyền thống đó để "thoát khỏi mimesis và chủ nghĩa tâm lí, trong khi, dưới vẻ ngoài của sự giãn cách huyền thoại, ông bày tỏ cảm nhận bản thân về những sự kiện thời sự nóng bỏng nhất: chuyện chiến tranh sắp nổ ra chẳng hạn, về những băn khoăn riêng tư hơn và có tính tiểu sử: cuộc sống lứa đôi là chủ yếu".

Từ những mẫu gốc cổ đại (Électre, chiến tranh thành Troie,…), Giraudoux đã tái tạo lại thành những hình tượng mới vừa cổ điển vừa gần gũi. Để giải mã ý nghĩa sâu xa của những hình tượng đó, đòi hỏi phải truy ngược về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xét từ nhiều góc độ của lí thuyết hiện đại như phân tâm học, huyền thoại học… Vở Électre là một bi kịch theo đúng nghĩa của nó. Dựa vào huyền thoại nổi tiếng của thời cổ đại, J.Giraudoux chắc chắn đã viết vở kịch hay nhất của mình. Dù mang tính bi kịch mạnh mẽ, và chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc và lớn lao của thời đại, vở kịch không vì thế mà phải "trang trí" chất triết lí khiên cưỡng, trái lại vẫn lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ, của chất hài hước đã khiến cho J.Giraudoux trở thành một "Racine của thế kỉ XX".

Khi phát biểu về sân khấu, Giraudoux đề ra cho mình một ý tưởng nghệ thuật rất cao: "Sân khấu là hình thức giáo dục đạo lí hay nghệ thuật duy nhất của một quốc gia. Nó là lớp học buổi tối duy nhất có giá trị đối với những người đã trưởng thành và già lão, phương tiện duy nhất để công chúng bình thường nhất có thể tiếp xúc cá nhân với các xung đột cao nhất, và tự tạo ra cho mình một tôn giáo thế tục, một nghi lễ và các vị thánh của tôn giáo ấy, những tình cảm và những khát khao".

Với tâm niệm ấy, Jean Giraudoux đã làm nóng các sân khấu Pháp trong suốt một thời gian dài bằng những vở kịch hài hoà giữa màu sắc truyền thống và nội dung thời đại. Lựa chọn nghiên cứu về kịch Électre nói riêng và sáng tác kịch - huyền thoại của Giraudoux nói chung, chúng tôi xuất phát từ hai mục đích chính: một mặt nhằm khẳng định tính vĩnh cửu của các huyền thoại, mặt khác khẳng định những đóng góp của Jean Giraudoux trong nền kịch Pháp, mà với những đóng góp quan trọng đó, ông đã trở thành biểu tượng lớn của nền văn hoá, văn minh và nghệ thuật Pháp thế kỉ XX. 

Lê Thị Dương
Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 20241:01 SA(Xem: 1153)
Lời giới thiệu: Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch ...
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 2107)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
31 Tháng Tám 20249:48 CH(Xem: 4522)
-Phim “Mai” chiếu từ dịp Tết, tôi được nghe đủ lời khen chê - khen nhiều hơn chê, và được cô con gái sinh viên năm thứ hai sau khi rủ bạn xem về bảo: “Phim xúc động ạ. Nhưng ồn ào quá, khiến con đau đầu”. / "Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang đã thắng giải "Phim đầu tay xuất sắc" LHP Berlin vào sáng 25/2, và hiện tham dự giải cánh Diều Vàng 2024 của Hội Điện ảnh VN./ “Đóa hoa mong manh” đương tham dự Giải Cánh Diều Vàng của Hội ĐAVN với tâm lý hồi hộp, mong đợi, có phần lo lắng cho bạn đồng nghiệp… / và có hai bộ phim gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi - một khán giả đang làm nghề - hai bộ phim mang “vị muối” đích thực của Đời có khả năng chạm vào đáy sâu cảm xúc của hàng triệu khán giả, đó là HAI MUỐI và SÁNG ĐÈN!
09 Tháng Tám 20245:10 CH(Xem: 3622)
TÌNH SẦU là bài thơ nổi tiếng nhất và hay nhất của nhà thơ Huyền Kiêu. Ông tên thật là Bùi Lão Kiều (Có lẽ bút danh Huyền Kiêu xuất phát từ tên của ông là Kiều: Kiêu huyền thành Huyền Kiêu), sinh năm 1915, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông (cũ). Ngoài viết văn, làm thơ ông còn cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội. Ông công tác ở tạp chí Văn Nghệ (HNV), nhà xuất bản Văn học (HLHVHNTVN). Những tác phẩm của Huyền Kiêu: Sang xuân (1960), Mùa cây (1965), Bầu trời (1976). Sau 30 Tháng Tư năm 1975 ông vào Sài Gòn sinh sống. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Hợi), hưởng thọ 80 tuổi.
21 Tháng Bảy 202410:42 CH(Xem: 4578)
Ngày 5 tháng 8, 2024 sắp tới đây, đúng vào sinh nhật thứ 76 của cựu TT Samdech Techo Hun Sen, hiện là Chủ Tịch Thượng viện, lãnh đạo đảng Nhân Dân Cam Bốt (CCP), được con trai trưởng của ông là TT Hun Manet chọn là ngày Lễ Động Thổ khởi công Dự án Kênh đào Funan Techo – đang được rầm rộ chuẩn bị như là một ngày lễ hội lớn, với đốt pháo hoa và chiêng trống nổi lên từ khắp các chùa chiền cùng với lời cầu nguyện của giới sư sãi trên toàn Vương quốc Cam Bốt. Nhưng với cái giá môi sinh nào phải trả cho cả hai dân tộc Khmer và Việt Nam đang hiển lộ và không còn là những ẩn số.
05 Tháng Bảy 202410:27 CH(Xem: 4834)
Nhắc đến Ông trước hết là tác giả của những bài thơ nổi tiếng đã đi vào lòng người như: Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu, Chiếc lá cuối cùng…trong những tập thơ đã xuất bản.
05 Tháng Bảy 202410:07 CH(Xem: 3832)
Nếu không được xem cái clip mà tôi tin là chẳng thể bịa đặt nọ, thì tôi không thể tin nổi, không thể hiểu nổi, một giảng viên tự nhận có 30 năm dạy luật mà tán tụng luận án TS. của học viên TCQ như thế này: “Tôi cảm thấy người viết luận án không chỉ trí tuệ mà vô cùng tâm huyết, nếu dành lời khen thì có rất nhiều lời khen vượt ra khỏi ngôn ngữ…”
26 Tháng Sáu 202412:46 CH(Xem: 5253)
Thoại vẫn luôn luôn nghĩ là không thể để Ba tiếp tục sống một mình trong căn nhà ấy, nhất là từ ngày Mẹ Yến mất (27.04.2024). Từ 2015, khi Mẹ không thể tiếp tục sống với Ba nơi căn nhà thân yêu trên đường Coolidge, do bác sĩ gia đình bảo phải đưa Mẹ vào Ashbrook Nursing Home vì nhu cầu cần được chăm sóc 24 giờ/ ngày và 7 ngày/ tuần. Thoại đã phải lắp cameras khắp nhà: từ phòng khách tới phòng ngủ, từ nhà bếp tới phòng tắm, và cả dưới basement nơi Ba Thoại nhiều khi mất ngủ, xuống đó loay hoay in ấn mấy cuốn sách suốt đêm cho tới sáng.
05 Tháng Năm 202411:41 CH(Xem: 5082)
Cô em bên Texas gửi text về một bản tin CNN tường trình việc các nhà ngoại giao Âu châu giành nhau gặp gỡ các đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump, người coi như sẽ được đề cử đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống tháng 11 tới, để thăm dò. Cùng lúc, báo chí loan tin ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới tận tư dinh của ông Trump ở Florida để tham khảo về cuộc chiến tại Ukraine và xung đột Israel-Gaza. Tôi đoán các bản tin khiến cô lo ngại về một Trump 2.0, như thể điều đó sẽ phải xẩy ra thôi.
22 Tháng Tư 20242:54 CH(Xem: 7597)
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ./ Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến /