- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mẫu Gốc Électre Từ Thần Thoại Cổ Đại Đến Kịch Hiện Đại Của Jean Giraudoux

17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 26693)

ltduong_0_300x244_1Nằm trong lịch sử sân khấu phương Tây với những nghi lễ tôn giáo từ thời Hi Lạp cổ đại, sân khấu Pháp đã có sự phát triển bền bỉ và có nhiều thành tựu theo chiều dài các thế kỉ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tình hình kịch Pháp về cơ bản là kế thừa kịch nửa sau thế kỉ XIX. Khoảng 20 năm đầu thế kỉ XX là thời kì sung mãn, đầy sức sống, các nhà nghệ thuật hoàn toàn tin tưởng vào cuộc sống của bản thân trong giai đoạn mở màn của kỉ nguyên mới, họ từng bước xâm nhập vào địa hạt của nghệ thuật kịch, khai phá ra những hình thức biểu hiện mới tựa như đang xâm nhập vào vũ trụ thần bí. Sáng tác kịch ngày càng sôi nổi theo nhiều khuynh hướng với sắc thái đa dạng (bao gồm: khuynh hướng tình yêu, tân lãng mạn, kịch vui nhộn, kịch vui đường phố, kịch đùa hiện thực, kịch đùa hùng ca,...). Cục diện phồn vinh sinh động này chưa từng có trong lịch sử kịch Pháp.

Sân khấu Pháp theo chiều dài của lịch sử đã gắn liền với các tên tuổi: Racine, Corneille, Molière (thế kỉ XVII), Voltaire, Beaumarchais, Marivaux (thế kỉ XVIII), Hugo, Mérimée, Musset (thế kỉ XIX), Claudel, Giraudoux, Ionesco, Beckett (thế kỉ XX). Trong đó, Jean Giraudoux, một nhà tiểu thuyết lừng danh bên cạnh một nhà ngoại giao, đồng thời được đánh giá là một nhà viết kịch lẫy lừng nhất giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Là một trí tuệ sâu sắc và đầy hoài nghi, Giraudoux lấy sân khấu làm phương tiện bộc lộ thái độ của con người đang phải tuyệt vọng chống chọi lại định mệnh vô hình. Con người không sao hiểu được sự bí ẩn, huyền vi của đấng sáng tạo. Các nhân vật của ông có lẽ sẽ tiên tri cho sự ra đời của các nhân vật phi lí sau này một chút: họ nói năng, hành động khinh khoái nhưng đầy nghịch lí và mâu thuẫn, đồng thời vô ích. Ngôn ngữ sân khấu của Giraudoux đã trở thành mẫu mực: nhịp nhàng, đầy tiết điệu mà lại sâu xa, thâm trầm.

Giraudoux đã góp phần làm vinh danh nền kịch Pháp ở thế kỉ XX nói riêng và nền văn học Pháp nói chung - một nhà văn đã khiến cả nước Pháp và châu Âu phải đi từ "kinh ngạc đến thán phục" - một nhân vật được mệnh danh là "nhà thơ của sân khấu Pháp" - một nhà viết kịch với những vở kịch kiệt tác đã từng làm "nóng" các sân khấu kịch suốt trong nhiều năm.

Kịch J.Giraudoux dù viết về vấn đề gì cũng luôn chứa đựng giá trị thời sự, đặc biệt trở thành "tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại". Nhiều vở kịch đặc sắc của ông đan bện một cách vừa ngẫu hứng vừa điêu luyện giữa nội dung hiện thực với một vấn đề xuyên suốt từ thời khởi thuỷ cho đến tận hôm nay - huyền thoại. Kết hợp lòng dũng cảm, sự nhẹ nhàng, cảnh thần tiên và chất dí dỏm, Giraudoux sử dụng cái phi thường như một phương tiện cho phép ông đưa lên sâu khấu cuộc hội ngộ giữa cái có thật và cái không có thật, giữa thực tại và phi thực tại, đồng thời đề cập đến mối quan hệ giữa người sống và người chết. Và trong kịch Jean Giraudoux, người ta tìm thấy "một trò chơi của bóng tối và ánh sáng, của cuộc sống và cái chết, trò chơi diễn ra trong khoảng rừng thưa bí ẩn, mà ta không xác định được, của tâm hồn".

J.Giraudoux khởi nghiệp từ các truyện: Người tỉnh nhỏ (1909), Đọc dưới bóng (1917) và tiểu thuyết Suzane và Thái Bình Dương (1921),… sau đó ông chuyển hướng sang viết kịch nhờ sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với đạo diễn Louis Jouvet. J.Giraudoux đã nhanh chóng gặt hái được thành công đầu tay với vở Siegfied (1928) và được hoan nghênh như một hiện tượng.

Đề tài tác phẩm của J.Giraudoux rộng rãi, nội dung phong phú. Ngay từ thời còn là học sinh, Giraudoux đã rất có hứng thú với văn học Hi Lạp. Chính vì lẽ đó, về sau, trong sáng tác của mình, ông thể hiện rất rõ sự ưu ái đối với đề tài cổ điển. Sau bước khởi đầu tốt đẹp với vở Siegfried, trong các vở tiếp theo: Amphitryon 38, Chiến tranh thành Troie sẽ không xảy ra, Électre, Ondine, Judith.., J.Giraudoux lựa chọn những câu chuyện, những nhân vật của sử thi, thần thoại, truyền thuyết, hoặc Kinh Thánh... làm chất liệu sáng tạo, nhằm tái hiện đồng thời hướng tới giải quyết những vấn đề hiện thực của thời đại ông.

J.Giraudoux viết bi kịch nhiều hơn hài kịch, một phần là do chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh đương thời. Nhờ vào khả năng phân tích tâm lí tinh tế, cộng với lời văn điêu luyện, Giraudoux đã gói gọn những vấn đề xuyên suốt mọi thời đại và mọi xã hội trong những vở kịch mang đậm màu sắc huyền thoại, đó là định mệnh, chúa trời, chiến tranh, hạnh phúc gia đình, những mâu thuẫn đời thường, xung đột giữa các dân tộc, chính trị - đạo đức, sự phán xét của công lí, cùng những trải nghiệm của cá nhân trên hành trình kiếm tìm lí tưởng; và tất nhiên, không thể thiếu những nỗi thất vọng trước sự tàn khốc của chiến tranh giống như những bóng đen đang bao trùm lên lịch sử nhân loại.

Cái tên J.Giraudoux còn rất xa lạ đối với nhiều độc giả và khán giả Việt Nam, trong khi đó ở Pháp và một số nước châu Âu, J.Giraudoux là một trong những "cây cao bóng cả" - một "Racine của thế kỉ XX" được rất nhiều thế hệ công chúng yêu thích và ngưỡng mộ.

Hiện nay, vở kịch duy nhất của J.Giraudoux được dịch ra tiếng Việt là vở Électre (Ngô Dư dịch, Nxb. Thế giới, 1999).

Vở Électre lấy tên nhân vật chính làm tên gọi tác phẩm. Électre xuất hiện lần đầu tiên trong thần thoại Hi Lạp, về sau trở thành hình tượng khá "có duyên" với các tác giả viết kịch. Nhiều tác giả đã lựa chọn mẫu cổ Électre làm chất liệu cho những sáng tác của mình, nhưng đến J.Giraudoux, Électre lại bước lên một đỉnh cao mới.

Électre trong thần thoại Hi Lạp là con gái thứ hai của Hoàng đế Agamemnon và Hoàng hậu Clytemnestre. Mẹ nàng được người tình là Égisthe giúp sức đã hãm hại cha nàng khi ngài chiến thắng từ thành Troie trở về. Em trai nàng là Oreste bị phát vãng xa xứ hai mươi năm trời. Và khi chàng trở về, sự thật về việc cha nàng bị giết được làm sáng tỏ. Clytemnestre bị trừng phạt bởi chính thanh gươm của con trai mình.

Mẫu gốc Électre cổ đại có ba đặc trưng chủ yếu sau: thứ nhất, nhân vật nằm ngoài lề của cộng đồng. Thứ hai, nhân vật bị định mệnh chi phối. Thứ ba, nhân vật luôn gắn với vấn nạn tự do và trách nhiệm. Bước ra từ huyền thoại để đến với các vở kịch, Électre đã có những biến thái mới để chuyên chở những nội dung khác nhau. Có thể nói, các nhà viết kịch cổ đại Pháp nói riêng và phương Tây nói chung rất hứng thú với hình tượng Électre. Chúng tôi sẽ điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu được xây dựng trên cơ sở huyền thoại này:

Năm 458 trước công nguyên, Eschyle đã sáng tác một vở kịch bộ 3 Oreste: vở thứ nhất nói về cái chết của Agamemnon; vở thứ hai nói về sự trả thù (của các tiểu nữ - tượng trưng cho sự trả thù); vở thứ ba nói về sự trừng phạt của con trai Agamemnon.

Ở Eschyle, ý nghĩa về sự tuẫn tiết của người anh hùng (Oreste – em trai Électre) xuyên suốt cả ba vở, và trật tự được thiết lập trong đó vẫn mang tính chất thần linh do Apolong chi phối và Apolong cũng là người dẫn dắt cánh tay chi Oreste trả thù.

Năm 415 trước công nguyên Sophocle lấy lại đề tài về Électre, trong đó Électre được chọn làm nhân vật trọng tâm và được phú cho một ý chí trả thù mãnh liệt. Vở Électre của J.Giraudoux về sau cũng đi theo hướng này. Cùng thời đại đó, Euride cũng cho ra mắt một vở kịch về Électre nhưng mang vẻ giễu "bi kịch tư sản" (tính chất sướt mướt). Trong vở kịch này, cô gái (Électre) đối lập với mẹ mình, chống lại mẹ mình.

Suốt một quãng thời gian dài tiếp sau đó, hình tượng Électre tưởng như bị lãng quên. Nhưng huyền thoại này sau hàng chục thế kỉ lại được phục hưng và khẳng định tính vĩnh cửu của nó cũng như của thần thoại Hi Lạp nói chung bằng những đỉnh cao mới trong nền kịch thế giới. Đến thế kỉ XVII, XVIII các nhà viết kịch lại lấy lại đề tài này. Vào đầu thế kỉ XVIII (năm 1708), tác giả Crébillon đã cho công diễn vở kịch có tên Électre. Trong vở kịch này không thiếu sức mạnh quyền lực lẫn cái tàn bạo, dữ dội, gần với vở kịch của Eschyle thời cổ đại. Đến giữa thế kỉ XVIII (năm 1750), kịch tác gia lừng danh Voltaire đã cho ra đời vở Oreste. Một thời gian khá lâu sau đó (năm 1783), một tác giả khác là Alfieli đã giới thiệu hai vở AgamemnonOreste. Cả hai tác giả này đều xây dựng những nhân vật và ngữ cảnh ít tàn bạo hơn và khá xa với vở của Eschyle thời cổ đại.

Sang thế kỉ XX, Électre vẫn là đề tài được nhiều tác giả ưa thích và khai thác. Năm 1931, Eugen O’neila sáng tác một số vở về Électre. Năm 1943, J. Satre tiến thêm một bước nữa trong việc trình diễn vở kịch đầu tiên của ông với cái tên ngắn gọn Ruồi. Vở kịch này thực ra được gọi là "sân khấu tình huống", trong đó Électre và Oreste trở thành những người đi chinh phục một cách có trách nhiệm về tự do của mình. Égisthe (người tình của Clytemnestre) cũng được xây dựng thành một chính khách có trách nhiệm chứ không phải là một tên bạo chúa giết người. Xuất phát từ ham muốn quyền lực, ông ta có trách nhiệm dàn xếp xung đột giữa "lí do quốc gia được viện dẫn để biện minh cho hành vi lạm quyền và lí tưởng triệt để về công lí và liêm chính, trong khi bạo chúa giết người gán cho tội ác của Oreste một tầm quan trọng chính trị và triết học: trong một tình cảnh bạo ngược, kẻ sát nhân được bào chữa là không sai, vì y xây dựng tự do".

Sáu năm trước khi vở Ruồi của J.Satre xuất hiện, Giraudoux đã cho ra mắt vở Électre. Điều đáng nói trong vở kịch này là nhân vật Électre, theo lời kể của con trai Giraudoux – Jean Pierre Giraudoux - được lấy cảm hứng từ chính người vợ J.Giraudoux. Sinh thời Giraudoux vốn nổi tiếng về tính độc đáo và tính độc đáo đó được thể hiện khá đầy đủ trong vở Électre.

Vở Électre được viết đúng vào thời điểm tài năng của J.Giraudoux đã chín muồi, và nó là sự đền bù ngoạn mục cho sự thất bại một nửa của vở kịch trước đó – Judith. Nó chỉ đơn giản đề là Électre mà không đề thêm một con số nào, thậm chí ông không dám ghi thêm từ "bi kịch" sau tên vở diễn như đã từng làm với vở Judith, vì từ ấy "có vẻ khơi gợi trong khán giả, nhất là trong giới phê bình chuyên nghiệp một sự nghi ngờ". Song trên thực tế, đây là một bi kịch thực sự, "một vở thảm thiết hơn hẳn, không ngắt quãng, không nể nang, khéo léo". Tác phẩm này có thể ngang hàng với những bi kịch của Hi Lạp thời kì huy hoàng nhất, đồng thời cũng sánh vai với vở Oreste của Eschyle.

Vở Électre ngay từ khi mới công diễn đã được hoan nghênh. Trên cơ sở kế thừa mẫu gốc của huyền thoại Hi Lạp cổ đại, Giraudoux đã có nhiều cách tân mới lạ và phức tạp, đem lại cho vở kịch "đỉnh cao không ngờ" (theo đánh giá của tạp chí sân khấu L’Impromptu de Paris). "Giraudoux đưa ra nhiều thách thức trong vở này. Ông hãnh diện vì viết "Điệu ca ai oán của người làm vườn - độc thoại dài nhất cho đến nay trên sân khấu". Sự thống nhất về thời gian kịch được tôn trọng tốt hơn: chỉ cần 12 giờ chứ không phải 24 giờ như kịch cổ điển. Cốt truyện chính vẫn giữ nguyên, bắt nguồn từ sự việc Clytemnestre giết chồng, người tình của bà ta – Égisthe mưu đồ lên ngôi Hoàng đế. Mâu thuẫn giữa Électre và mẹ càng lúc càng bùng lên dữ dội, nhất là khi em trai Oreste của nàng trở về. Và một vụ trả thù đẫm máu đã xảy ra. Oreste giết mẹ, thành Aros rơi vào cảnh hỗn chiến. Song song với tuyến nhân vật chính và xung đột chủ đạo giữa họ là các tuyến nhân vật phụ cùng các mâu thuẫn khác. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự hiện diện của những nhân vật mang tính chất tượng trưng, ám dụ, như: người làm vườn, người ăn xin, các tiểu nữ thần cùng các nhân vật vô danh khác.

Trên nền đề tài cổ xưa ấy, Giraudoux muốn viết về bi kịch của thế kỉ XX, với hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng. Điều dễ nhận thấy là suốt hai hồi của vở kịch, không một vị thần cổ đại nào được nêu tên. Ông nói chung chung về số phận các vị thần, và người ta có thể coi vị thần đó là một – đó là Chúa trời, thậm chí vị thần duy nhất này cũng có thể không xuất hiện. Vở kịch xoay quanh bi kịch một gia đình, nhưng người ta thấy vang vọng trong đó những thanh âm của lịch sử hiện đại, của cuộc chiến đấu không khoan nhượng giữa những kẻ mạnh và người nghèo khổ, giữa những người nắm quyền lực và những nhà cách mạng, thấy cả những cuộc nội chiến và sự can thiệp của nước ngoài như trong cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha (1936 - 1939). Vở kịch còn khiến người ta băn khoăn về thân phận của người phụ nữ và vị trí của người đàn ông trong xã hội. Bấy nhiêu vấn đề quan trọng trong một vở bi kịch hai hồi cho thấy sức nặng của nó.

Tác giả Jacques Body bình luận: "Bằng cách mượn lối diễn tả của tiểu thuyết trinh thám, ông đem lại một sức sống mới cho tấm sợi ngang đã lỗi thời của bi kịch cổ điển". Đó là cả Électre lẫn Oreste đều không hay biết gì về căn nguyên cái chết của cha mình. Cuộc điều tra truy tìm nguyên nhân cái chết của Agamemnon do nhân vật nữ chính hướng dẫn đã trở thành nội dung chính của vở kịch. Điều đáng nói trong vở kịch này là: tội ác thứ nhất (Clytemnestre giết chồng) bị trừng phạt bởi một tội ác còn kinh khủng và nặng nề hơn (Oreste giết mẹ). Đây cũng là cái vòng luẩn quẩn kì quái mà nhân loại phải đối mặt. Và Giraudoux qua đó đã chỉ ra rằng: bi kịch của con người nảy sinh từ chính "sự va chạm giữa những giá trị không thể hoà giải: trật tự và công lí, quyền lực và yêu thương, sự thật và hạnh phúc".

Xét về nội dung, trong vở Électre, J.Giraudoux đặc biệt quan tâm đến một vấn đề hết sức quan trọng, đó là: cái gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, phải chăng là sự kiếm tìm vật chất hay sự theo đuổi một lí tưởng nào đó? phải chăng là thắng lợi của một kiểu lí tưởng này hay một dạng công lí kia? Mỗi người đọc sẽ tự tìm ra cho mình câu trả lởi của riêng mình, đây cũng là chủ ý của J.Giraudoux.

Văn hoá cổ đại, đặc biệt là những văn bản lớn về bi kịch đã có ảnh hưởng suốt chiều dài sự nghiệp sáng tác của ông. Được thừa hưởng nguồn tư liệu phong phú thời cổ đại, cộng với niềm ham thích, say mê đối với các giá trị truyền thống, trong các vở kịch của mình, Giraudoux có sự chăm lo đặc biệt đến việc tái hiện lại và chuyển tải sang thời hiện đại những vấn đề muôn thuở của con người. Tham vọng của ông rất khiêm tốn, ít nhất ông cũng làm phục sinh một vài gương mặt lớn trong huyền thoại cổ đại và làm cho nó trở lại với chúng ta. Trong những gương mặt lớn đó thì Électre cùng với số phận bi kịch của cô đã ám ảnh hầu hết các vở kịch lớn của Jean Giraudoux. Dưới đây chúng tôi sẽ điểm qua một số cách tân tiêu biểu của Giraudoux đối với hình tượng Électre.

Có thể coi huyền thoại là sự trung chuyển (trung gian) cho phép sự tự do của phát ngôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà văn trong quá trình sáng tạo. Những mẫu gốc và những huyền thoại cổ đại đã có mặt trong tiềm thức của độc giả, do vậy, khi tái tạo lại các mẫu gốc hay huyền thoại đó, tác giả có thể đi thẳng vào câu chuyện một cách sống động, và nhanh chóng đi đến phân tích bản chất của vấn đề. Đối với những huyền thoại vốn đã phổ biến và nổi tiếng, nhà văn cần phải tôn trọng văn bản gốc và hình tượng gốc nhiều hơn để bớt đi phần tô vẽ. Còn đối với các huyền thoại ít được các thế hệ sau đề cập đến, một mặt nhà văn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tái hiện lại, mặt khác, họ lại được tự do sáng tạo. Và như vậy, việc sử dụng huyền thoại rất co giãn ở các tác giả khác nhau. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua trường hợp mẫu gốc Électre và những "biến thái" của hình tượng này.

Trong thần thoại Hi Lạp, Électre là nhân vật phụ, được xây dựng nhằm làm nổi bật thêm bi kịch của gia đình vị anh hùng Agamemnon. Còn Oreste là nhân vật chính, người đảm nhận nhiệm vụ báo thù và khá chủ động trong hành động của mình.

Những chi tiết trong thần thoại này phần nào phản ánh bước phát triển của xã hội loài người: Giai đoạn quá độ từ chế độ công xã thị tộc phụ quyền sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Đó là cuộc đấu tranh giữa chế độ mẫu quyền đang suy tàn với chế độ phụ quyền vừa nảy sinh.

Nét độc đáo của Jean Giraudoux khi sử dụng lại huyền thoại này là: khi quay trở về với cội nguồn, tác giả phát hiện ra từ bi kịch của Électre một bản chất bi kịch của con người nói chung. So với thần thoại Hi Lạp và kịch của các tác giả khác cũng viết về Électre, Giraudoux đã không cho thấy sự lặp lại nào.

Tên của nàng, Électre – có nghĩa là tia sáng, nàng muốn mình là toàn bộ ánh sáng, nàng sẽ thực hiện điều đó cho đến khi có "bình minh" máu, hoả hoạn và chiến thắng. Nàng là "người nội trợ của sự thật", là "công lí hoàn toàn", là quyền lực tinh thần chống lại quyền lực tạm thời, là trạng sư của những người vô sản, thuộc tất cả các nước". Sự xuất hiện của nàng "khuấy trộn ánh sáng và đêm tối, gây mờ ảo ngay cả vầng trăng tròn".

Nhân vật Électre trong thần thoại Hi Lạp là một thiếu nữ không nổi bật, thậm chí khá "im hơi lặng tiếng". Còn trong kịch của Giraudoux, nàng được phú cho tính cách mạnh mẽ: "Cần thẳng thắn thì nàng là người ngay thẳng. Như mọi bông hoa không hề tin vào mặt trời", đồng thời lại "thuộc loại đàn bà lắm chuyện". Chính tính cách mạnh mẽ, có phần quyết liệt và cực đoan cùng những ẩn ức tâm lí sâu kín của nàng đã dẫn tới bi kịch chính của vở kịch. Trí nhớ và sự bảo thủ của nàng luôn ra sức khẳng định rằng: mẹ nàng đã đẩy em Oreste ngã mặc dù khi đó nàng chỉ mới mười lăm tháng tuổi. Hai mẹ con tranh cãi và đổ lỗi cho nhau. Cuộc tranh cãi này đã bộc lộ rõ nét nhất tính cách của Électre: "được trực giác trí tuệ dẫn dắt hơn là có những dấu hiệu, nàng tiến hành cuộc chất vấn, lột mặt nạ những kẻ phạm tội và chỉ bằng lòng sau khi trừng phạt chúng". Mặt khác, cuộc cãi cọ này có thể dẫn tới sự liên hệ đến một vấn đề quan trọng hơn, nặng nề hơn: liệu có phải Hoàng hậu Clytemnestre định xóa bỏ hay phế bỏ quyền kế thừa ngôi báu của con trai mình không? Clytemnestre dù bề ngoài là một phụ nữ cao sang nhưng thực ra là một người thất vọng, hạnh phúc duy nhất của đời bà là được thú tội trước khi chết, nói lên sự hổ thẹn về trọng tội của mình. Bà bị cưỡng hôn và sống cùng chồng trong nỗi căm ghét. 7 năm trước bà đã giết chồng, đuổi con trai đi, con gái bà không yêu bà, tình nhân lừa dối bà, và dần dần bà ta bị khép tội, bị cô lập và rỉa rói như một con vật. Bà là kẻ gieo tội ác nhưng trước hết bà cũng là một nạn nhân.

Con gái của bà - nàng trinh nữ Électre trong sáng tác của Giraudoux có những vùng tối thuộc lĩnh vực phân tâm học: những tổn thương tâm thần thời thơ ấu, sự muộn màng về tính dục, lòng hận thù mẹ, tình yêu bệnh hoạn đối với người cha chuyển sang em trai (nàng từ chối tất cả những người đàn ông khác, mà chỉ yêu người em trai vốn là bản copy của cha nàng). Électre mang trong mình một phức cảm lớn: giết mẹ lấy cha, trái ngược với phức cảm Odipe: giết cha lấy mẹ. Vở kịch của Giraudoux đã cho thấy hình ảnh những người phụ nữ gắn liền với những mơ mộng về quyền lực. Électre đã chiến đấu vì một lí do vĩ đại – Công Lí. Nàng đòi hỏi sự thật, nọc độc duy nhất không có thuốc chữa, cuối cùng nàng cũng đạt được công lí, mà nhờ có công lí đó, người vô tội chém giết lẫn nhau và tất cả đều đổ vỡ.

Em trai Électre trở về sau 20 năm bị phát vãng, trong kịch của J.Giraudoux, anh được các tiểu nữ thần dẫn đường. Trước đó, trong vở Oreste, anh là một người hùng báo thù cho sự thật. Électre khi đó chỉ khuyến khích và phụ giúp anh. Nhưng đến các vở bi kịch của Socphocle, Euripide và sau này là Giraudoux, người chị Électre đã thay thế em báo thù, và Oreste từ đó chỉ còn là công cụ của trọng tội. Trên thực tế, dưới ngòi bút của J.Giraudoux, Oreste là một chàng trai hiền lành, luôn chỉ muốn được "hưởng dù chỉ là một giờ" hạnh phúc gia đình êm dịu. Chị anh – Électre đã đồng ý "em có một giờ" (đầu hồi II của vở kịch), rồi nàng đã đánh thức Oreste (Hồi II, cảnh 3), để rồi từ đó, chàng vĩnh viễn bị cuốn vào cỗ xe bi kịch.

Thông qua việc tái tạo nhân vật thần thoại Électre, J.Giraudoux đã làm sáng tỏ bi kịch của một gia đình thần thoại (Agamemnon - Clytemnestre) – đồng thời đó cũng là bi kịch của chính xã hội loài người. Việc Clytemnestre giết chồng và rồi lại bị chính con trai giết cho thấy: Những tội lỗi mà thế hệ trước gây ra, thế hệ sau sẽ phải gánh chịu, thậm chí, thế hệ sau tiếp tục phạm phải tội lỗi lớn hơn.

Kịch huyền thoại của J.Giraudoux nhìn chung tập trung ở hai đề tài lớn: gia đình và chiến tranh. Dù phỏng theo thần thoại Hi Lạp, truyền thuyết hay Kinh thánh, kịch của J.Giraudoux đều hướng tới những nội dung hiện đại, mục đích cuối cùng là thông qua huyền thoại để giải quyết các vấn đề thời đại. Yếu tố huyền thoại trong kịch J.Giraudoux một mặt hiện lên trên bề mặt ngôn từ (tên nhân vật, cốt truyện chính, những diễn biến quan trọng), mặt khác ngầm ẩn dưới lớp ngôn từ hiện đại.

Có thể nói, nỗi lo âu day dứt về thân phận con người không phải là yếu tố mới đối với tâm hồn Pháp. Trong hoàn cảnh lịch sử thế kỉ XX, nỗi lo âu day dứt đó càng thêm sâu sắc và mang những sắc thái mới. Điều này cũng được bộc lộ khá rõ nét trong kịch huyền thoại của J.Giraudoux, đó là những băn khoăn của nhà văn về hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, trách nhiệm cá nhân, mối quan hệ mẹ con - vợ chồng, về các giá trị sống, về vị trí của phụ nữ và đàn ông trong xã hội, thậm chí về tính dục, về những ẩn ức sinh lí… lớn hơn nữa là những lo âu về nguy cơ chiến tranh, xung đột dân tộc, tôn giáo,… Bên cạnh đó, kịch huyền thoại của J.Giraudoux còn thể hiện một khuynh hướng khá phổ biến của các nhà văn Pháp thế kỉ XX, đó là khuynh hướng trung thành với giá trị truyền thống cổ điển. Sự phục hưng lại các huyền tích, huyền thoại không nằm ngoài khuynh hướng này.

Do đâu mà huyền thoại được hồi sinh một cách mãnh liệt ở một thời đại đã quá xa so với huyền thoại như vậy? Partrick Brunel – tác giả cuốn Văn học Pháp thế kỉ XX lí giải như sau:

Thứ nhất: do bắt nguồn từ sự ham thích một nền sân khấu có tính văn chương đã tồn tại được sau các nghệ thuật tiên phong những năm mười. Bên cạnh đó, cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất thảm khốc đã nuôi dưỡng nhu cầu rằng cuộc chiến cần phải được "neo đậu" lại trong một nền văn học đậm chất lo âu nhân đạo chủ nghĩa.

Thứ hai: Những năm 30, tình hình kinh tế - chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của một cảm nhận bi kịch. và không đâu bằng sân khấu - có thể bộc lộ một cách tối ưu loại cảm nhận này.

Nhìn lại lịch sử kịch Pháp, thế kỉ XVII và nửa đầu thế kỉ XX chính là hai thế kỉ vàng với những kịch tác gia và những tác phẩm kiệt xuất đã làm rực rỡ nền văn học Pháp. Trong hai giai đoạn này, các nhà viết kịch thường tập trung phản ánh các nội dung: chiến tranh, tôn giáo, định mệnh - vốn là những đề tài lớn và quen thuộc của các huyền thoại cổ đại. Những vấn đề này trở đi trở lại, không chỉ trở thành nỗi băn khoăn của bản thân tác giả mà còn là nỗi nhức nhối của nhân loại mọi thời đại. Vấn đề là với một nội dung phổ biến như vậy thì cách thức phản ánh và thể hiện của mỗi tác giả có gì khác nhau. Điều này đã làm nên các tầng ý nghĩa phức tạp, đa dạng cho từng chủ đề một. Thế kỉ XVII và nửa đầu thế kỉ XX cũng là hai giai đoạn lớn chứng kiến sự vận động và phục hưng của các thần thoại Hi Lạp. Thậm chí không nhà viết kịch nào tập trung toàn bộ sáng tác của mình vào việc dùng lại chỉ một huyền thoại. Xu thế quay trở về với Hi Lạp cổ đại phần nào phản ánh giá trị và sức sống của các thần thoại, các huyền tích. Đồng thời huyền thoại hoá đã trở thành một phương thức phổ biến và có hiệu quả rõ rệt trong việc diễn tả tình hình thực tế và tâm lí của xã hội đương thời.

Cảm hứng huyền thoại của Giraudoux hoà quyện với sự phóng túng bất tận, tạo nên những vở kịch huyền thoại thấm đẫm không khí "mơ khi thức" và "tuỳ hứng". Phần lớn tác phẩm sân khấu của Giraudoux dựa chắc vào truyền thống huyền thoại. Từ Kinh thánh (Judith, 1931) đến thần thoại Hi lạp cổ đại (Chiến tranh thành Troire sẽ không xảy ra - 1929; Électre - 1937) hay viết về nước Đức (Intermezzo – 1933; Ondine - 1939) Giraudoux vẫn không tách rời truyền thống đó để "thoát khỏi mimesis và chủ nghĩa tâm lí, trong khi, dưới vẻ ngoài của sự giãn cách huyền thoại, ông bày tỏ cảm nhận bản thân về những sự kiện thời sự nóng bỏng nhất: chuyện chiến tranh sắp nổ ra chẳng hạn, về những băn khoăn riêng tư hơn và có tính tiểu sử: cuộc sống lứa đôi là chủ yếu".

Từ những mẫu gốc cổ đại (Électre, chiến tranh thành Troie,…), Giraudoux đã tái tạo lại thành những hình tượng mới vừa cổ điển vừa gần gũi. Để giải mã ý nghĩa sâu xa của những hình tượng đó, đòi hỏi phải truy ngược về nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xét từ nhiều góc độ của lí thuyết hiện đại như phân tâm học, huyền thoại học… Vở Électre là một bi kịch theo đúng nghĩa của nó. Dựa vào huyền thoại nổi tiếng của thời cổ đại, J.Giraudoux chắc chắn đã viết vở kịch hay nhất của mình. Dù mang tính bi kịch mạnh mẽ, và chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc và lớn lao của thời đại, vở kịch không vì thế mà phải "trang trí" chất triết lí khiên cưỡng, trái lại vẫn lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ, của chất hài hước đã khiến cho J.Giraudoux trở thành một "Racine của thế kỉ XX".

Khi phát biểu về sân khấu, Giraudoux đề ra cho mình một ý tưởng nghệ thuật rất cao: "Sân khấu là hình thức giáo dục đạo lí hay nghệ thuật duy nhất của một quốc gia. Nó là lớp học buổi tối duy nhất có giá trị đối với những người đã trưởng thành và già lão, phương tiện duy nhất để công chúng bình thường nhất có thể tiếp xúc cá nhân với các xung đột cao nhất, và tự tạo ra cho mình một tôn giáo thế tục, một nghi lễ và các vị thánh của tôn giáo ấy, những tình cảm và những khát khao".

Với tâm niệm ấy, Jean Giraudoux đã làm nóng các sân khấu Pháp trong suốt một thời gian dài bằng những vở kịch hài hoà giữa màu sắc truyền thống và nội dung thời đại. Lựa chọn nghiên cứu về kịch Électre nói riêng và sáng tác kịch - huyền thoại của Giraudoux nói chung, chúng tôi xuất phát từ hai mục đích chính: một mặt nhằm khẳng định tính vĩnh cửu của các huyền thoại, mặt khác khẳng định những đóng góp của Jean Giraudoux trong nền kịch Pháp, mà với những đóng góp quan trọng đó, ông đã trở thành biểu tượng lớn của nền văn hoá, văn minh và nghệ thuật Pháp thế kỉ XX. 

Lê Thị Dương
Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202312:43 SA(Xem: 10769)
順天者存,逆天者亡 Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong Thuận với thiên nhiên thì còn. Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 10168)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
14 Tháng Mười 202211:28 CH(Xem: 11797)
Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
13 Tháng Chín 20221:26 CH(Xem: 10934)
Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ Thạch Quỳ từ hồi sinh viên văn khoa, từng đọc thơ ông, nhưng lần đầu tiên mới được gặp ông tại một đám đông hội hè, giữa khu lưu niệm Nguyễn Du - Nghi Xuân, Hà Tĩnh đầu năm 2019. Đó là một ông già gầy gò, người quắt lại như lõi lim, đôi mắt sáng có vẻ hơi chế diễu nhưng không mất đi sự nhân hậu đằm thắm…
31 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 11676)
Những năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh… Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực” song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v.
10 Tháng Tám 202210:45 CH(Xem: 12439)
Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm,Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.
01 Tháng Tám 20226:34 CH(Xem: 12062)
Trong cái thời buổi “Mạt” đủ thứ này, biết bao hiện tượng được gọi là “văn hóa” giống như “Huyền thoại” liên tục nảy nở, khiến thiên hạ khóc dở mếu dở, cười trong chua chát, thậm chí lo âu và hoảng sợ đến thót tim…
03 Tháng Bảy 20222:06 CH(Xem: 11245)
Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy,trong sự tin cậy,đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót30 năm,không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu –đủ cho một cuốn sách,nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy -- thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ,với một cuộc sống đầy cảm hứngnhưng cũngrất phức tạp.Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ,“khóc cười theo vận nước nổi trôi”trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại,vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.(NTV)
22 Tháng Sáu 20221:34 SA(Xem: 11648)
I. Mấy câu hỏi, đúng hơn là những ý tưởng như bâng quơ, có gì hơi cổ lỗ, song vốn nằm sâu trong tiềm thức và có khả năng đánh thức sự lười biếng của tư duy giữa bao lo toan bề bộn đời thường lắm khi thấm máu và nước mắt: “Vì sao tôi viết“, “Văn học có ích gì cho xã hội?”, “Ngày hôm nay, văn học có cần thiết lắm không? Cần cho ai?”, “Văn học với thực tại xã hội?”, “Điện ảnh cần gì ở văn học”, v.v.
11 Tháng Sáu 202211:28 CH(Xem: 12649)
Nhiều người đã kể rõ và lý giải hiện tượng CHẠY cho đến nay đã trở thành những guồng quay điên cuồng trên các lĩnh vực, trong các giới xã hội - chạy Quyền, chạy Chức, chạy Dự án, chạy Danh hiệu, chạy Bằng cấp, chạy Giải thưởng, chạy Cúp vàng, chạy Thành tích, chạy Điểm, chạy Vai diễn, chạy Lớp, v.v. Đã “Chạy” thì phải bắt buộc “Mua”, mua bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng cả nhân phẩm.