- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cõi Người Ta Của Lê Bá Đảng

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 24278)

w-hopluu98-f2-t61_0_300x177_1Năm 2007, hội họa của Lê Bá Đảng chuyển sang một giai đoạn mới mà ông gọi là cõi người ta.

Cách đây hai mươi năm, họa sĩ đã tìm ra chất liệu thể hiện không gian Lê Bá Đảng, khai phá lối nhìn nhiều chiều về cõi nhân sinh trong hội họa.

Cõi người ta là một họa trình mới, kết hợp không gian với tâm linh con người, thể hiện tâm hồn con người trong không gian và trong tạo vật.

Cõi người ta cũng là cõi thiên nhiên đã được nghệ thuật hoá, là cõi người mà tâm thân gắn liền với tạo vật. Dồn dập, vũ bão, thanh lãng, vô vi, nghệ thuật Lê Bá Đảng ở tuổi tám sáu, như rượu vang càng ủ càng nồng, tựa những gì ông trải qua trong gần chín mươi năm sống đã đúc kết lại thành hai nguyên tố: trống - đầy, không - sắc.

Ai cũng có thể nói đến sắc-không. Nhưng sắc-không là gì? Nhiều nhà Phật học từ chối câu trả lời chính xác. Thực hiện sắc-không trong nghệ thuật tạo hình là hiện thực hoá một ảo ảnh, một triết tưởng, một luận tưởng. Lê Bá Đảng đã từng có những giai đoạn "sắc-không" mà chúng tôi tạm gọi là "thuần túy" hay thời kỳ phân tích. Nay ông từ những yếu tố đã phân, tổng hợp chúng lại trong một trật tự khác, thành cõi nhân sinh đa nghiã, phức tạp, cõi nhân sinh đắm mình trong cảnh giới: cõi người ta.

Cõi người ta 2007 của Lê Bá Đảng, cũng vẫn là cõi mà hội họa và điêu khắc thông giao như ông đã làm từ hơn hai mươi năm nay, nhưng bây giờ, trong cả nghĩa vật chất lẫn tinh thần: Vẽ, cắt là một. Rắn, mềm là một. Là thần người và thần đất hoà hợp. Là trốngđầy. Là người - vật trong nhau. Là nhân tố và ngoại tố phối hợp. Từ động đến tĩnh, từ tư tưởng đến hình hài, từ kỹ thuật đến chất liệu, từ lý trí đến siêu hình, từ con người đến thiên nhiên, tất cả đều đã là nhau trong cõi người ta Lê Bá Đảng. Ở tuổi gần chín mươi, hoạ sĩ ngày càng muốn tiến dần đến cõi tạo vật huyền đồng của Lão.

Cõi người ta cũng chính là thực trạng tương phản của cõi đời. Nhìn theo lối Tây phương của Sartre: có người thì mới có ta; sự hiện hữu của ta là qua mắt người (l’autre). Nhờ người, ta mới hiện hữu. Nhưng người cũng là địa ngục của ta. Vì người, ta bị trầm luân trong địa ngục, trong bể khổ, nhưng nếu không có người, ta không còn hiện hữu.

 

Với Tản Đà, người còn là ảnh:

Mình với ta, dẫu hai nhưng một,

Ta với mình, sao một mà hai?

 

Nhưng người cũng là bóng:

Ta ngồi thời bóng cũng ngồi,

Ta đi, ta đứng, bóng thời cũng theo.

Có khi lên núi qua đèo,

Mình ta với bóng leo trèo cùng nhau.

Có khi quãng vắng đêm thâu,

Mình ta với bóng âu sầu nỗi riêng.

Có khi rượu nặng hơi men,

Mình ta với bóng ngả nghiêng canh tàn.

 

Tất cả những ảnh, những bóng của Tản Đà, một thế kỷ sau sống lại, hiển linh trên nghệ thuật tạo hình của Lê Bá Đảng.

Người-ta trong Lê Bá Đảng, không chỉ là hai nhân vật đối điện nhau mà có thể là bất cứ vật thể, sinh thể... nào, là tất cả những cặp phạm trù đối đẳng. Như người với thiên nhiên và vạn vật: bởi người sống với, sống vì, sống nhờ thiên nhiên, vạn vật. Như người và lịch sử: bởi người làm nên lịch sử và lịch sử chi phối con người. Người và trời đất: người sinh trong trời đất và người tác động lên trời đất. Người và không gian: người chiếm hữu không gian, nhưng không gian bao la cho người thấy mình nhỏ nhoi, bất lực. Người và thời gian: người đo lường thời gian qua trí nhớ và hồi tưởng, nhưng người không thể làm thời gian ngừng lại. Những cặp phạm trù tương phản ấy lồng ấp trong nhau như âm với dương, sinh biến cùng nhau trong cõi sống.

Cõi ngưòi ta - thể hiện cái sinh biến ấy - không chỉ ở chỗ tương phản mà còn là cõi hoà đồng; nơi tâm, thân con người hoà quyện với không gian và thời gian, nội giới và ngoại giới hoà hợp, con người và cảnh vật trao thân trong những nét nửa tiên nửa tục, nửa họa nửa khắc: Cảnh trong người, người trong cảnh.

Phật hiện ra, thật nhiều, cùng khắp, nhưng không phải đức Phật, mà là sống phật, sống thật: phật tại tâm, tâm là phật. Cho nên, dưới dạng buông tuồng, sân si, lãng mạn, u uất, hào hùng, thất thố, ẩn dấu một cái tâm khác, một sự thật khác.

Nguyễn Du đã từng bày giãi trăm ngàn mạo diện, tư thế, tâm uất của kiếp người trong nghệ thuật tạo chữ. Lê Bá Đảng dường như cũng đang thể hiện những cảnh ngộ, những tình huống, những đam mê, những ám ảnh siêu hình của con người trong nghệ thuật tạo hình. Khát vọng của ông là đem cả cái cõi người ta ấy về trồng trong lòng đất nước, giữa trung tâm địa hình, hồng tâm văn hoá: cố đô Huế.

Nếu việc ấy thành, thử mường tượng một hôm dạo trên đồi nhìn xuống sông Hương hay trên đường thiên lý xuyên rừng, bỗng nhiên ta bắt gặp một hình hài uy linh như đức Phật, hay một bóng dáng phụ nữ lả lướt như tiên sa, hoặc cả một đoàn người huyền ảo lung linh gánh lúa... Những hình tượng ấy có thể bằng gỗ, bằng đồng, bằng thép, bằng dây thép, dây gai, bằng bất cứ chất liệu nào, có thể khắc trên cây, treo trên cành, tạc xuống đường, đặt trên bệ, mà cũng có thể là một hình thái khổng lồ trong không gian, chứa ta và bao trùm lên cảnh vật. Tác phẩm nghệ thuật có thể xuất hiện trên đường trường, trong phong cảnh, ở những chỗ bất ngờ nhất và ta có cảm tưởng lạ lùng như thấy mình cùng một lúc đang ở trong, ở trên và ở ngoài tác phẩm; sở dĩ có cái cảm tưởng ấy là bởi vì tác phẩm luôn luôn trình bày sự trực diện và hoà đồng giữa người ta.

Để thể hiện trạng thái đó, Lê Bá Đảng dùng hai yếu tố trống đầy như một phương pháp nghệ thuật.

Về hình, trước hết ông dùng trốngđầy để làm cho những hình hài mà ta vừa nhìn không chỉ bằng mắt mà còn có thể đi trong "nó", sờ được "nó", cho ta cái cảm giác tay chân cũng góp phần trong cái đẹp: tác phẩm có ta ở trong với cả đầu mình tứ chi. Đó là về hình.

Rồi ông dùng trốngđầy để tạo hồn cho các hình thái, và tạo bóng cho những linh hồn ấy. Vì thế, ông còn gọi những thực thể nghệ thuật mới nhất của ông là hồn bóng. Một hình có thể có nhiều bóng. Nhưng bóng lại gây liên tưởng tới ma trong tâm hồn người Việt, cho nên người với ma đôi khi chỉ đơn giản là bóng với hình. Lê Bá Đảng dường như đã muốn thể hiện tất cả những mối liên lạc tâm linh và huyễn tưởng, những khúc mắc siêu hình trong đầu óc người Việt: ông muốn diễn tả cái sinh biến trong cõi người.

 

Những điều vừa nói trên sẽ rất hiển nhiên, nếu bạn đứng trước tác phẩm. Nhưng nếu bạn không có dịp tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, thì mọi chuyện sẽ không dễ dàng như thế. Trước hết, cần phải giải thích: trốngđầy trong tác phẩm của Lê Bá Đảng là gì? Tại sao ông lại dùng trốngđầy? Cái trống tức cái không (le vide) ở đây có hai nghiã: nghiã đen và nghiã Phật học. Lê Bá Đảng sử dụng nghiã thứ nhì: trống chính là đầyđầy cũng là trống, ông đã tìm cách biến thành không, biến không thành .

Biến như thế nào? Rất đơn giản: vừa cắt xong một hình hài trên giấy (hoặc bất cứ chất liệu gì) tức là đã có "đầy" rồi, ông bèn khoét trong hình ấy những hình hài khác. Nói khác đi, ông tạo trong lòng cái hình đầy ấy, những khoảng trống khác: làm cho đầy thành trống. Rồi những khoảng trống ấy, nhờ không gian và ánh sáng rọi vào, chúng biến thành những hình hài sinh động: chỗ trống (chỗ bị khoét) đã trở thành đầy (tức là thành hình). Động tác này bất cứ ai cũng đã làm trong đời sống (như tạo một con chim, một chiếc máy bay bằng giấy cho trẻ con chơi) nhưng chúng ta thường không ý thức về hành động của mình, cho nên không thấy sự biến thể và biến chất trong động tác. Sự biến thể và biến chất mà họa sĩ vừa thực hiện và chúng ta cũng đã từng làm mà không biết ấy, chính là ý nghiã cụ thể của câu "thần trú" Phật học: sắc tức thị không, không tức thị sắc. Là không mà có, là có mà không. Nhưng đồng thời, nó còn có một nghiã khác, nó thể hiện tính chất lưỡng nguyên trong con người: như hình với bóng, như tâm với hồn, như chết với sống, trong thơ Tản Đà.

Thực hiện xong phần hình với bóng, lại một vấn đề khác đặt ra: còn lòng dạ người? Làm sao dò được lòng người? Lòng người là một vực sâu, đầy biến hoá, khi thánh thần khi ma quỷ. Để trả lời câu hỏi này, Lê Bá Đảng tạo ra những hình và bóng không chập nhau: hình người-bóng Phật, hình người-bóng ngựa, hình người-bóng cây, hình người-bóng chó, hình người-bóng quỷ... đối với ông, người cũng là ma: đêm đạo trích, ngày đạo hạnh.

Con người không thể đứng trơ giữa trời đất, mà con người đứng trong trời đất, tâm hồn và thể xác giao hưởng với trời đất: Màu nước biển kia có xanh chăng? Hay chính màu xanh đã nằm trong ánh mắt? Lá cây kia rung động thật chăng? Hay chính gió bão trong lòng người đã làm xao động lá cây? Đoá hoa kia, hồng hay tím? Hay chính lòng người đã nhuộm hồng nhuộm tím màu hoa? Nếu ta không biết nhìn thì cỏ cây cũng thành gỗ đá. Nếu ta không biết nhìn thì gỗ đá cũng là bùn đất. Nếu ta không biết nhìn thì bùn đất chỉ là nhơ bẩn. Nhưng nếu ta biết nhìn, thì đại dương sẽ biến thành biển biếc, đồng cỏ biến thành hoàng hôn một vùng cỏ áy bóng tà,... Lê Bá Đảng muốn thể hiện những vùng cỏ áy bóng tà ấy trong lòng người: cho nên trong cấu trúc hình họa của ông, đôi khi bỗng thấy giữa tim người trổ lên một đoá hoa, một cành lá, một sườn đồi, một dòng suối... như thể người và cảnh đã ở trong nhau, đã là nhau, hoàn toàn chung một nhịp tim: tâm truyền tâm, như Phật nói.

Lại hỏi: Có bao nhiêu hạng người? Người đạm-tiên, người sở-khanh, người tú-bà, người thúc-sinh, người hoạn-thư, người từ-hải, người hiền-như-bụt, kẻ giảo-hoạt-khôn-lường... hoạ sĩ thể hiện mỗi cá nhân bằng một hình giống như chữ, những chữ-người này có giá trị như một cụm từ (tú bà, sở khanh...) bởi vì nó không chỉ đơn thuần là một hình chữ, nó là con người có cá tính riêng biệt: chữ hoá thân thành người. Vẫn là tình trạng biến thể: sắc-không, Lê Bá Đảng trình bầy trùng điệp những đạo quân người trong ván cờ người, bằng những mẫu tự người đứng bên nhau thành ngữ đạo. Con người hiện hữu, bằng hành động, bằng trách nhiệm, bằng cách ứng xử với thiên nhiên và đồng loại, tạo thành ngữ tự của chính mình.

Nhưng lại hỏi: Con người có quá khứ có hiện tại không? Hoạ sĩ trả lời: Rằng có, mỗi cá nhân mang một sử thi trong lòng: có người tiền sử, người Âu Lạc, người Tô thị, người Vạn Hạnh, người Thăng Long, người Bến Ngự, người Đồng Tháp, người cầy, người cấy, người hôm qua, người hôm nay. Nhìn kỹ toàn bộ tác phẩm mới của ông, chúng ta sẽ thấy tất cả: mỗi hình hài, mỗi ngữ tự trong cõi người ta, gói ghém một cơ đồ, một thời đại, dường như không cá nhân nào thoát khỏi sử kiếp của mình và của dân tộc.

Lê Bá Đảng muốn đem những ngữ tự người muôn mặt ấy, về đặt trong trời đất, trong thiên nhiên. Ông muốn đem tất cả những bình diện trắc diện của con người về trồng trên quê hương, nghệ thuật hóa thiên nhiên qua lịch sử, trong tâm linh con người.

Ông muốn dựng cõi người ta trên nền Huế, tâm của đất Việt.

Thụy Khuê
9/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Hai 202312:10 CH(Xem: 4129)
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối, Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang: Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi, Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 4660)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 4420)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4588)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4955)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
12 Tháng Chín 202312:43 SA(Xem: 6475)
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
04 Tháng Chín 20238:30 CH(Xem: 5932)
Trong ngót hai chục phim truyện điện ảnh tham dự tranh Giải Cánh Diều năm nay của Hội Điện ảnh VN, có thể nói “Em & Trịnh” là một tác phẩm hoành tráng bậc nhất. Và cũng cần phải thẳng thắn điều này: những người làm “Em & Trịnh” đã rơi vào cả hai tình huống đặc biệt của Điện ảnh: a. thực hiện một bộ phim chân dung vốn đầy thử thách, b. đặc biệt là phim ca nhạc sẽ cực kỳ khó khăn về các yếu tố kỹ thuật!
10 Tháng Bảy 20231:55 CH(Xem: 6934)
PHỤ NỮ GIỮA CHIẾN TRANH VIỆT NAM: THỜI ĐIỂM 1969 Tầm nhìn Chiến tranh, Giấc mơ Hòa bình [Visions of War, Dreams of Peace] [1] là nhan đề một tuyển tập thơ của các nhà thơ nữ; nếu là Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, họ đã là những nữ quân nhân như y tá, bác sĩ đã từng chăm sóc các thương bệnh binh; nếu ở những ngành nghề khác, họ đảm trách các dịch vụ không tác chiến như chuyên viên truyền tin, tiếp vận, kiểm soát không lưu, nhân viên Hồng Thập Tự... Nếu là người Việt, họ là những phụ nữ thuộc hai miền Nam hay Bắc, với những trải nghiệm khác nhau, qua những năm tháng chiến tranh. Và như từ bao giờ, cho dù ở đâu, phụ nữ và trẻ em vẫn là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong chiến tranh. Trong tập thơ này, có 34 nhà thơ nữ Hoa Kỳ, và sáu nhà thơ nữ Việt Nam: Xuân Quỳnh (My Son’s Childhood), Hương Tràm (The Vietnamese Mother), Hà Phương (To An Phu, From This Distance I Talk To You), Trần Mộng Tú (The Gift In Wartime, Dream of Peace), Minh Đức Hoài Trinh..., Nguyễn Ngọc Xuân...
09 Tháng Sáu 20234:36 CH(Xem: 6260)
T. cận tôi trai Hà Nội, song có dịp được đi & sống ở nhiều vùng đất trở thành thân quen, rồi yêu quý - và một trong những vùng đất đó là Bình Định. Một sinh viên của tôi làm phim tốt nghiệp về “Võ Bình Định”, tôi rất vui, bảo: “Thầy mới chỉ biết đôi chút về Trời văn Bình Định thôi, phim của em giúp thầy và nhiều người hiểu thêm về Đất Võ Bình Định đáng tự hào”… Mấy Hội thảo Khoa học về cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - người thầy của Đào Tấn vĩ đại, về Tổng đốc Lê Đại Cang, may được ông Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa chiếu cố mời về cùng với tham luận và làm phim nên càng có dịp thâm nhập sâu hơn vào kho tàng văn hóa Bình Định. Một dạo, có lớp tập huấn về Biến đổi khí hậu do Thái Lan và Diễn đàn “Nhà báo Môi trường” tổ chức tại Quy Nhơn, được mời tham dự và làm phim cho họ, tôi có điều kiện hiểu thêm về giá trị của Môi trường “xứ Nẫu” nói riêng và Biển miền trung Trung bộ nói chung…
24 Tháng Năm 20234:02 CH(Xem: 6543)
Trong số những nhà thơ lớn Việt Nam các thời Cổ - Trung - Cận đại, tình cảm đặc biệt nhất của tôi với tư cách một người làm phim truyện, là dành cho Thi sĩ-Nhà giáo-Thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu. Bởi theo tôi, giá trị lớn nhất, sức hấp dẫn kỳ lạ nhất trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu, chính là trái tim thương cảm của ông đối với Dân, đối với những nghĩa sĩ đã xả thân cho Tổ quốc, và đặc biệt với phụ nữ, trẻ em - những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội, nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, loạn lạc…