- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ THẾ SỰ TRONG MỐI, MỌT, GIÁN, CHUỘT, BÓNG TỐI…

13 Tháng Chín 20221:26 CH(Xem: 6712)

THACH QUY

 


Mai An Nguyễn Anh Tuấn     

THƠ THẾ SỰ TRONG MỐI, MỌT, GIÁN, CHUỘT, BÓNG TỐI…     

 

Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ Thạch Quỳ từ hồi sinh viên văn khoa, từng đọc thơ ông, nhưng lần đầu tiên mới được gặp ông tại một đám đông hội hè, giữa khu lưu niệm Nguyễn Du - Nghi Xuân, Hà Tĩnh đầu năm 2019. Đó là một ông già gầy gò, người quắt lại như lõi lim, đôi mắt sáng có vẻ hơi chế diễu nhưng không mất đi sự nhân hậu đằm thắm…

Qua sự giới thiệu của một nhà Kiều học là người Nghệ An, ông trịnh trọng bắt tay tôi, và tặng cho tập thơ mới nhất của ông. Công việc lu bu mãi, cho đến những ngày mưa dầm tháng bảy này, tôi mới giở tập “Người lặn biển” ra đọc, với lòng Thương - Kính sẵn có đối với những “Ông đồ xứ Nghệ” là các thầy cũ của tôi, các bậc đàn anh trong giới chữ nghĩa mà tôi quý mến, và các bạn tôi… Không hiểu sao, sau khi lật giở vài trang, bài đầu tiên đập vào mắt tôi lại là bài: Mối, mọt, gián, chuột, bóng tối…

Và không hiểu sao nữa, những liệt kê của lão thi sĩ về các vật dụng trong ngôi nhà “như nấm mộ” đó lại khiến tôi phải chăm chú chép lại, như bị thôi miên, không thiếu vật gì:

“Mối, mọt, bóng tối, chuột, gián, sách cũ, bàn gỗ, ghế gỗ, chai thủy tinh, bình gốm, lọ sứ, cuội, đá, hoa khô, mẫu hóa thạch, tranh cổ, bùa, chú, xương, răng, vua, quan, hình nộm và các loài bò sát đất nung từ thời tiền sử”.

Tôi chợt nhớ đến nơi ở trống trải của Đại thi hào Nguyễn Du một thời, mà nổi bật nhất chỉ là “cạnh gối có chồng sách vở đỡ tấm thân bệnh tật” (Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt. Tạp ngâm 2). Còn những đồ vật trong ngôi nhà Thạch Quỳ tuy có phong phú hơn về chủng loại, song chỉ là những thứ đồ sưu tầm nhặt nhạnh của một trí thức nghèo thời hiện đại chẳng đáng giá là bao vẫn làm bạn với mối, mọt, chuột, gián, bụi… Và sự “liệt kê” này khiến tôi liên tưởng tới căn nhà dơ dáy với các đồ vật nghèo nàn do thi sĩ Áo R. Rilke từng kể trong tuổi thơ chật vật, mà triết gia M. Heidegger có trích dẫn lại để tìm đến cái “căn nguyên” (original) sự tồn-tại-trong-cõi-sống của một tác giả trước khi có sự xuất hiện văn chương của ông (1).

Sau sự “liệt kê” mang bóng dáng sự thực đó, là cuộc miêu tả sự sống hiện tại và quá khứ của bản thân bằng biểu tượng Tình yêu không thành qua một vở kịch không lời, một bộ phim câm đen trắng về một người đàn bà từ tuổi thanh xuân đến khi tóc bạc trắng đến gõ cửa “nấm mồ”, nhưng “suốt bốn mùa im lìm đóng cửa”, và người thơ có lúc tự tách mình ra để hỏi nhân vật trữ tình là chính mình:

“Ắng/ Lặng/ Như trong nấm mộ/ Còn thức/ Hay đã ngủ/ Còn sống hay đã chết/ Hỡi ông già/ Trong ngôi nhà/ Suốt bốn mùa im lìm đóng cửa?// Người đàn bà yêu ông/ Từ tuổi thanh xuân nàng đến đập cửa/ Tóc trắng trên đầu nàng đập cửa tìm ông/ Cửa vẫn đóng/ Cánh cửa của nấm mồ không mở!”

Lại thêm hai lần nữa tác giả lặp lại sự “liệt kê” đồ vật trót mang linh hồn của ông, và hé mở cái sự thật vì sao ông từ chối cái mối tình đến điên cuồng của người đàn bà:

“Mối mọt, mọt, bóng tối, chuột, gián bình gốm, lọ sứ, cuội, đá, hoa khô sách cũ/ Trong ngôi nhà/ Người đi tìm tự do/ Đã tìm cách tự tù!// Trước ngôi nhà/ cuội, đá, hoa khô, bùa, chú, xương, răng, vua, quan, bò sát đất nung, khủng long hóa thạch…/ Người đàn bà/ Mang khát vọng tình yêu/ Đập cửa đập cửa đập cửa…”

Nhưng: “Trong ngôi nhà/ Người đàn ông hóa đá”.

Có thể trong đời ông đã từ chối một tình yêu có thực nào đó, nhưng ở đây cần hiểu là ông đã từ chối những thú vui đầy cám dỗ của “đám đông”, để lầm lụi đi tìm Tự do đích thực trong nhiều năm ròng, và khi không tìm thấy, khi tuyệt vọng, “Đã tìm cách tự tù”… Bài thơ là một cách nói cực tả về thái độ “bất cộng đới thiên” của ông với lối sống thực dụng, phù phiếm, giả dối; một lối cự tuyệt kiểu nhà nho khí khái trước thói đời đi ngược lại quan điểm sống cố hữu của tác giả. Một cách hành xử muốn học theo Khuất Nguyên: “Cả thiên hạ đều say, chỉ mình ta tỉnh”. Một biểu hiện của người mang tâm sự thường trực: “Tôi cô đơn dưới đất/ Chúa cô độc trên trời/ Thiên đường càng cô độc/ Mơ làm gì chúa ơi! (Thơ 5 chữ). Một phản kháng của người có lúc tưởng mình phát điên: “Tuổi tác chồng lên, vui buồn dần cạn/ Có thể về với thiên nhiên tìm chút thảnh thơi?/ Chưa giải tỏa sau lưng, đám dây nhợ nợ nần đã hiện lên trước mắt/ Mây trắng bay mờ mịt cả chân trời!//Xương máu để làm chi hở bạn/ Nếu tự do hạnh phúc không về/ Một nghìn năm rồi trăm năm có lẻ/ Sông núi bàng hoàng hư thực máu xương kia!//Ta tỉnh thức hay ta ngây dại?/ Lặng im ta như bóng tối ngu hèn/ Tiếp tục nói cười, tiếp tục sống giữa mọi điều sai trái/ Ta chưa điên cũng thể quá người điên// Tuổi tác trên đầu ngày một chồng lên…” (Tuổi tác).

Cả khi ông sống trong ngôi nhà “Tự tù” kia hay đi khắp nơi, bao giờ ông cũng bộc lộ là một người yêu nước nồng nhiệt, người mang tinh thần Dân tộc thuần khiết: “Buồn vui muôn năm cũ/ Vẫn trước mắt đó mà” (Hoa ngoài cửa sổ). Khi ngắm nhìn “Những bông lau trên đỉnh Lão Sơn”, người thi sĩ đã quặn lòng: “Đất nước tôi nhành cây ngọn cỏ/ Cũng nghìn năm xương trắng máu hồng” (Lau biên giới)…

Nhưng, cũng bởi lòng yêu nước, lòng yêu dân tộc trở thành hòn đá thiêng trong tâm hồn ông, ông đã nhiều lần phải trĩu lòng đau đớn trước thế sự… Ông đi trên một con tàu, hết ga đầu lại về ga cuối, rồi tàu quay lại, ông tự hỏi: “Rằng ông già nghễnh ngãng/ Đi đâu/ Và/ Về đâu?...” (Ông già nghễnh ngãng). Và ông cũng “chờ đợi”, “một mình ngồi trên ghế đá mùa đông” (Bên tượng Puskin) giống như nhân vật của Samuel Beckett “Chờ đợi Godot”… Trong lúc “chờ đợi”, có lần ông đã chứng kiến cảnh này để liên hệ với cả một xã hội “giả vờ” im lặng khoanh tay trước cái ác, cái phi lý hoành hành: “Bọn trấn lột lên tàu/ Cả toa tàu im lặng/ Người giả vờ đọc sách/ Người giả vờ nhìn ra/ Người giả vờ cúi đầu/ Người giả vờ quay mặt/ Người giả vờ nhắm mắt/ Người giả vờ ngủ gật/ Tất cả đều giả vờ/ Chỉ trấn lột là thật” - trong lúc đó, “Con tàu vẫn băng lên/ Lầm lì đi trong đêm” (Toa tàu). Trong khi đi và chờ đợi, ông đã chứng kiến bao chuyện cười ra nước mắt, như cảnh: “Ngỡ như người chăn vịt thì sẽ nói về kỹ thuật chăn vịt/ Nhưng họ vẫn thao thao bất tuyệt/ Về các địa tầng, thủy tầng trong đáy các đại dương…” (Người lặn biển); đã mục sở thị bao chuyện đau xót đáng phẫn nộ, như chuyện: “Cuộc thí nghiệm kéo dài non thế kỷ/ Kéo thêm kỷ nữa, chắc gì đã xong/ Họ hàng nhà chuột bạch/ Tiếp tục bị cấy ghép, bị tiêm chích, bị mổ xẻ, bị nhiễm khuẩn, bị nhiễm trùng, nhiễm thuốc độc/ Con mù mắt, con suy tim, con loạn thần, con lăn cù cù, con xoay lòng vòng, con co giật/ Thương thay loài chuột bạch/ Không biết nói như người/ Để có thể kêu lên!” (Chuột bạch), như chuyện: “Tự úp lên đầu chiếc mũ/ Hình bán cầu/ Gói gọn thế giới trong tầm mắt/ Nhìn xa từ 4 đến 10 cây số!” (Từ 4 đến 10 cây số), như chuyện về những anh chàng “sáng bóng com-lê, cà-vạt” nhưng thực ra chỉ “Là cái loa để phát/ Những mệnh đề di ngôn/ Những lời nói gói sẵn” khi “đang quay mặt trước sự thật” và “Thum thủm bốc mùi” (Mùi cổ lỗ), và đau đớn nhục nhã nhất là cái “Trật tự tủ lạnh” đang được thực thi, còn “Dưới tín hiệu dùi cui, tất cả lộn tùng phèo/ Có phải ta đã trọn đời phục vụ chân lý?/ Tên sen đầm hất hàm hỏi tiếp/- Vâng, thưa ngài, Chân Lý Dùi Cui!” (Chân lý dùi cui)…

Những bài thơ ngắn của ông vừa mang bóng dáng ưu thời mẫn thế của các thi sĩ-nho gia thời Trung - Cận đại, vừa chất chứa bao niềm suy tư trăn trở về thời cuộc, về lẽ sống, về lý tưởng của một Công dân trong thời đại mới: “Đôi khi buồn chẳng biết làm chi/ Ngồi lặng lẽ nhìn mưa ngoài cửa sổ/ Bụi mưa ướt mờ nhoè khung kính cửa/ Lá ngô đồng rỏ nước khóc ngày đi…” - “Những lý thuyết đạo đức chưa bị nghi ngờ/ Những tư tưởng vì sao tư tưởng đó?/ Có chén rượu, ta e dè ngọn gió/ Biết gió lành, gió độc thổi về đâu…” - “Chúi mũi, dụi đầu vào cát/ Thuyền như con bọ chết trương nằm/ Biển dọc miền Trung đầy cá chết/ Dặm dài không một bóng ngư dân…” - “Buồn vui theo lịch xé rồi/ Khóc cười thì đã khóc cười từ lâu/ Như người lạc giữa sông Ngâu/ Vô tâm sợ viết thành câu vô tình/ Nghêu ngao mình nhại thơ mình/ Vẫn e có kẻ đang rình trộm nghe!...” - “ “Cái gọi là Chân lý khách quan/ Đã biến thành Ông quan chân lý” - “Tôi chiến đấu không bao giờ chiến thắng/ Với nỗi buồn lẩn quất trong tôi/ Nhưng nỗi buồn/ Là thù hay bạn? Tôi hỏi tôi/ Tôi không dễ trả lời!” (Những bài thơ ngắn) - “Khi con chó bỏ đi/ Nồi cám đã trống rỗng// Ấy là lúc vịt gà ngan, ngỗng/ Cất tiếng reo mừng khúc hát tự do// Khi chúng có tự do// Cám trong nồi đã hết!” (Tự do) - “Đêm đen đến vô vọng/ Ngày trắng đến vô cùng// Tiếp tục sự vô ích/ Lại viết thêm mấy dòng… (Nhật ký 15/7/2018).

Nhưng đằng sau những nỗi chua chát có không ít âm hưởng bi quan, đau đớn, ta vẫn thấy nụ cười hóm hỉnh và niềm tin yêu cuộc sống & con người của tác giả, nhất là những thông điệp âm thầm mà gay gắt về Đạo lý của một người thơ “Không lá, không hoa, cây còn cái lõi/ Thơ lõi lim - Tặng phẩm lúc lim già…”

Thơ ông là thơ của một tác giả đến giai đoạn cao nhất của sáng tạo thi ca là “trực ngôn”, rút tinh túy lòng mình ra để cắm sâu vào tâm trí người đọc - không phải bằng những câu chữ ngọt ngào làm duyên làm dáng, bằng vần điệu du dương; sự thật là ông đã không để lọt vào thơ mình một câu chữ nào của các “hoạn quan trữ tình” (Maiacovski) đang đầy rẫy trong thơ ca Việt hiện đại…

Bài thơ hay nhất trong tập “Người lặn biển”, theo tôi là bài thơ “Đói”, mang đậm “chất Thạch Quỳ” - bài thơ còn mang tính thời sự lâu dài, và nói hộ được nỗi niềm của nhiều người Việt Nam đã/ đang trải qua những sóng gió đời thường và lịch sử:

ĐÓI


Tớ nói thật, tớ có tài nhịn đói

Nhịn từ tuổi thiếu niên qua tuổi trung niên

Bát cơm trắng như giấc mơ cổ tích

Trong chiêm bao thường vẫn hiện lên

 

Tôi nhịn đói hơn sáu mươi năm có lẻ

Rồi quen đi, không đói nữa ngày nào

Cái cảm giác thèm ăn dần biến mất

Bát cơm trắng ngày nào cũng biến mất khỏi chiêm bao

 

Giờ nếu bạn mời tớ vào cuộc nhậu

Tớ nể tình ngồi lại, tớ không ăn

Xin bạn hãy cảm thông cho tớ

Cả một đời nhịn đói đã quen thân

 

Và cũng vậy, tự do, tình yêu…

                                              những gì nữa nhỉ

Với đời sống tinh thần tựa nước uống cơm ăn

Nhưng chẳng lẽ, như dạ dày của tớ

Trái tim người đói mãi cũng thành quen…?

Tôi xin thay mặt những người đọc nói chung, người yêu thơ nói riêng trước hết cảm ơn nhà xuất bản Nghệ An đã làm “bà đỡ” cho tập thơ giản dị, gai góc song đầy rung cảm này được ra đời, sau đó là cảm ơn thi sĩ “lão thực” Thạch Quỳ - một bông hoa quỳ bằng đá quý hiếm trên xứ Nghệ!

_______________________

1. Triết học nghệ thuật của Heidegger, Julian Young, Như Huy dịch, tr.82, Nxb Thế giới, HN, 2019.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Bảy 201911:23 CH(Xem: 18337)
Lần đầu được đọc tập ký hoàn chỉnh của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một tác giả người Việt hải ngoại, tự nhiên trong đầu tôi nảy ra sự so sánh với hàng ngàn vạn bài ký “mậu dịch” của hơn tám trăm tờ báo dưới sự chăn dắt của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hóa ra, đó toàn là những sản phẩm đồng phục được chế tác bởi những tác giả, qua sự đào luyện của hệ thống trường ốc, trong đó, cá tính đã được mài nhẵn, tư tưởng được kiểm soát chặt chẽ, mọi phản biện xã hội đều bị giới hạn trong phạm vi cho phép, vì thế, cái gọi là ký ấy chỉ là những văn bản véo von ca ngợi, tự sướng của những cây bút thủ dâm chính trị, tự huyễn hoặc mình. Loại báo chí ấy chẳng những không có lợi, mà trái lại, rất có hại, bởi nó thực chất là dối trá, lừa phỉnh nhân quần.
12 Tháng Sáu 20196:05 CH(Xem: 19327)
Bài thơ chữ Hán Điệp tử thư trung (Con bướm chết trong sách) được xếp ở sát cuối phần Làm quan ở Bắc hà (1802-1804), trong Thanh Hiên thi tập.(1) Có thể nói đây là một trong những bài thơ hay nhất, và kỳ lạ bậc nhất của Tố Như, khi ông chưa tới tuổi “tam thập nhi lập.” Hay và kỳ lạ, song xưa nay nó mới chỉ được điểm qua, chưa hề được phân tích bình giải một cách thấu đáo. (Trong khi, bài Độc Tiểu Thanh ký xếp liền sau đó lại được khai thác khá kỹ trong hàng chục bài viết - ở các bậc phổ thông, đại học và nhiều diễn đàn văn chương). Có lẽ, bởi tính chất kỳ lạ và trừu tượng đến khó hiểu của nó?
15 Tháng Năm 20195:35 CH(Xem: 23176)
Trên vạn dặm Trung Hoa, trong số những di tích lịch sử tôi có dịp được tham quan, có lẽ đền thờ Nhạc Phi nằm ở chân núi Thê Hà cạnh Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang là di tích để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên hơn cả. Đặc điểm nổi bật nhất trong kiến trúc của khu đền là giữa không gian rộng rãi, có khu mộ Nhạc Phi cùng con trai Nhạc Vân, đối diện là bốn bức tượng sắt quỳ nhốt trong cũi sắt, đã tạo nên nét đặc sắc chưa từng thấy trong các di tích lịch sử ở Trung Quốc cũng như trên thế giới… Hơn hai trăm năm trước, đại thi hào Nguyễn Du đã tới nơi này, để lại 5 bài thơ chữ Hán vịnh sử bất hủ về Nhạc Phi và những kẻ thủ ác hãm hại người anh hùng của đất nước Trung Hoa cổ đại.
14 Tháng Năm 20199:20 CH(Xem: 20133)
Bài thơ: “Cúng Dường” của thiền sư, thi sĩ Tuệ Sĩ đã được nhiều giảng sư, luận sư, triết gia chuyển dịch, tất cả đều dịch rất sát, rất hay, nhưng trên ý nghĩa của mặt chữ, đã khiến dư luận cảm thương, tội nghiệp khi đọc thi phẩm này, mà theo tôi, sự giải thích sát nghĩa như vậy đã ngược lại hoàn toàn tính hùng vĩ và đại bi tâm của nhân cách tác giả và thi phẩm.
13 Tháng Năm 20198:54 CH(Xem: 18598)
Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình trung nông lớp dưới. Bố Huy Cận đậu tam trường làm hương sư ở Thanh Hoá, sau về quê dạy chữ Hán và làm ruộng. Mẹ Huy Cận là cô gái dệt lụa làng Hạ nổi tiếng ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.
24 Tháng Tư 201911:02 CH(Xem: 19615)
Nhà báo Pháp Paul Dreyfus là một trong 25 nhà báo Pháp có mặt tại Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng của tháng Tư năm 1975. Trong cuốn sách của mình với tựa đề "và Sài Gòn sụp đổ" (Et Saigon tomba - Collection Témoignages 1975), tác giả đánh giá sự kiện Sài Gòn thất thủ là sự kiện 'quan trọng nhất' với hệ thống cộng sản châu Á sau cuộc tiến vào Bắc Kinh năm 1949 của Mao. Ông thuật lại những cảm nhận cá nhân qua những lần tiếp xúc với đại tướng Dương văn Minh, tổng thống cuối cùng của miền Nam, theo giới thiệu sau qua lời dịch của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris: Theo Paul Dreyfus, tướng Minh là "một người minh mẫn và nắm vững tình hình". Những tâm sự của tướng Minh thời điểm đó mang lại một cách đánh giá đa chiều về nhân vật gây nhiều tranh cãi.
17 Tháng Tư 20197:44 CH(Xem: 19207)
Tám bài thơ viết về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên mà chúng tôi đã/ sẽ khảo sát đều được đại thi hào Nguyễn Du viết khi chu du trên sóng nước Tiêu Tương, vùng Hồ Nam - nơi nổi tiếng với “Tiêu Tương bát cảnh” từng thu hút cảm hứng vô hạn của bao thế hệ văn nhân, nghệ sĩ Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…
08 Tháng Tư 20199:47 CH(Xem: 18109)
Khoảng thời gian ba thế kỉ XVII-XVIII-XIX là thời thịnh của thể loại truyện nôm. Các nhà văn thời này đều có chấp bút và đã lưu lại nhiều tác phẩm văn chương lôi cuốn nhiều thế hệ người đọc. Truyện Phan Trần là một truyện nôm ra đời trong thời kì này, cụ thể là khoảng cuối thế kỉ XVIII, trễ lắm là đầu thế kỉ XIX.
02 Tháng Tư 201910:27 CH(Xem: 20681)
Cũng như hai bài thơ Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu đã khảo sát ở phần I, trong các bài thơ còn lại về chủ đề này, Nguyễn Du vẫn say mê trò chuyện, luận bàn, thậm chí tranh cãi với Hồn oan nước Sở từ hơn hai ngàn năm, như hồn đang hiển hiện quanh quất bên mình, trên dòng sông lịch sử tựa một nấm mồ lớn đang vùi lấp thân xác của một con người tri âm tri kỷ đặc biệt đối với ông.
09 Tháng Ba 201910:26 CH(Xem: 21987)
Hơn hai trăm năm trước, trong một cuộc “Bắc hành”, đại thi hào Nguyễn Du đã viết tới tám bài thơ chữ Hán về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên. Trong “tòa lâu đài” thơ chữ Hán Nguyễn Du (Mai Quốc Liên), có một mảng thơ rất quan trọng là nói về các danh nhân văn hóa - lịch sử, đặc biệt là về các bậc thầy văn chương Trung Hoa. Tám bài thơ nói trên mà chúng tôi sẽ khảo sát có trữ lượng suy tưởng - cảm xúc cực kỳ phong phú, sâu sắc, cho thấy cả trái tim lớn của đại thi hào nước Việt dành cho một nhà thơ-nhà ái quốc vĩ đại của Trung Hoa cổ xưa, đồng thời thể hiện bút pháp siêu việt của Nguyễn Du trong khả năng khám phá chiều sâu tâm hồn bản thân lẫn đối tượng miêu tả, trong sự sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ của một nhà văn-nghệ sĩ Việt Nam kiệt xuất thời Trung đại.