- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhà Thơ Số Một Của Thơ Mới

17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 33378)

*Tham luận hội thảo 90 năm sinh Xuân Diệu 

Đi tìm một cách nói hợp lý

Xuân Diệu thường nói ông mang trong mình quê hương thống nhất.Cha đàng ngoài má ở đàng trong, -- cái lý của ông thật cụ thể.

Mượn cách nói ấy, khi xem xét sang lĩnh vực thơ, tôi cũng muốn nói rằng ông mang trong mình nền thơ thế kỷ Việt Nam thế kỷ XX.

Nửa đầu thế kỷ, thơ Việt có chuyển đổi về mặt cơ cấu, từ mô hình kiểu trung đại chuyển sang một mô hình hiện đại. Khi thơ như một cơ cấu đã ổn định, từ sau 1945, cái định hướng rõ nhất là chuyển đổi chức năng để phục vụ xã hội. Trong cả hai cuộc vận động, người ta đều thấy Xuân Diệu là một trong những tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất.

Trong phạm vi Thơ mới, ông không có những bài thơ coi là mở đầu như Phan Khôi. Ông không có vai trò người khai phá đầy tài năng như Thế Lữ, không có những tác phẩm chín như Huy Cận. Song nói đến thời đại này là phải nói đến ông. Qua ông, thấy cả sự vận động của Thơ mới.

Tuy cùng nằm trong khuôn khổ hiện đại hóa văn học, song những gì diễn ra trong thơ tiền chiến khác hẳn trong văn xuôi. Với văn xuôi các nhà văn của ta bằng lòng làm người học trò nhỏ của văn học Pháp. Thơ thì khác. Ban đầu người ta không chịu. Phạm Quỳnh từng kể, có những ông đồ tự hỏi : Bên Tây cũng có thơ à?

Quan niệm như vậy, cho nên trong thực tế, đồ thị diễn tả vận động của mỗi thể loại cũng khác nhau. Ở văn xuôi mọi chuyện từ từ, không có đột biến. Thơ cũ, sau một hồi chống chọi, như là xảy ra tình trạng "vỡ trận". Kết quả là có Thơ mới náo động một thời.

Có thể tìm thấy bóng dáng cuộc vận động này trong bước đi của Xuân Diệu.Ông đến trong tư thế ào ạt khẳng định. Ban đầu Thơ mới làm cho người ta ngỡ ngàng ư? Thì Xuân Diệu làm cho chúng ta ngỡ ngàng. Rồi cuối cùng chúng ta thấy Thơ mới gần với ta ư ? Thì Xuân Diệu đã được cả một thời say đắm.

Xuân Diệu là tất cả cái hay cái dở của thơ mới. Là sự cởi mở và tham vọng của con người đương thời. Là hào hứng đi ra với thế giới. Nhưng cũng là nông nổi, cạn cợt, là nhanh chóng chán chường và bế tắc.

Nếu cần nói gọn một câu về vai trò của Xuân Diệu trong Thơ mới thì nên nói gì ?

Hoài Thanh là người đầu tiên cho rằng " Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới". Ở Sài Gòn năm 1967, trong tập Bảng lược đồ của văn học Việt Nam ( Ba thế hệ của nền văn học mới ),Thanh Lãng cũng viết một câu tương tự. Tôi vừa đọc lại hồ sơ cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm nhà thơ Xuân Diệu qua đời. Cho đến nay công thức đó vẫn được nhiều người nhắc lại.

Có lẽ ý kiến đó hình thành một phần là do từ trước, Hàn Mặc Tử còn ít được đọc và được nghiên cứu. Còn ngày nay với sự phổ biến của Hàn Mặc Tử, thì theo tôi, vai trò người mới nhất của Thơ mới phải thuộc về Hàn mới đúng.

Nhưng sao người ta vẫn thích trích dẫn cái câu của Hoài Thanh ?

Tạm thời có thể diễn giải như thế này: Nếu từ góc độ khoa học của vấn đề, Hàn đã là người đi xa nhất, và do đó mới nhất. Còn nếu xem xét hiệu ứng của thơ trong đời sống thì những ấn tượng Xuân Diệu để lại trong lòng người không ai có thể bì kịp.

Thay cho công thức "gương mặt tiêu biểu" đã mòn, tôi muốn nói Xuân Diệu là hiện thân của Thơ mới. Là nhà thơ số một không phải với nghĩa hay nhất, giá trị nhất, đứng cao hơn hết …, mà là, nếu bây giờ chỉ cần gọi tên một nhà thơ trong thơ mới thôi, thì gần như tất cả sẽ gọi Xuân Diệu.

Giữa các phong cách của Thơ mới, Xuân Diệu là một cái gì vừa phải, hợp lý, ông vốn có cái dễ dàng để đến với đám đông trong văn chương cũng như trong cuộc đời.Thế Lữ hơi cổ. Trong thơ Thế Lữ người ta vẫn cảm thấy một cái gì hơi già, hơi cũ, mắt nhìn về cái mới chứ chân chưa đặt tới cái miền mới mẻ đó. Mong muốn kéo nhà thơ này đi tới nhưng con người ông không theo kịp. Lưu Trọng Lư cũng vậy, mà lại ngả sang mơ mộng xa xôi. Huy Cận chậm rãi khoan thai đậm chất văn hóa, và Huy Cận như già trước tuổi nữa Về độ chín của thơ, Xuân Diệu không bằng Huy Cận. Song sự trẻ trung làm cho Xuân Diệu có sự hấp dẫn hơn, phổ biến hơn nhiều.

Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên ăn nhiều ở sự hướng thượng, suy tư, độc đáo. Các ông có cái gì đó mà người bình thường khó với tới. Họ nhìn theo các ông mà ngại.

Xét về ảnh hưởng với các thế hệ sau, vai trò của Xuân Diệu cũng rất lớn. Như ở thế hệ những người sinh khoảng 40 của thế kỷ trước, những Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật. Nếu đặt ra một hàng những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử thì trong sự khác nhau rất rõ, họ vẫn gần với Xuân Diệu hơn cả, số người nằm cùng một trục dọc với Xuân Diệu khá đông đảo.

Xuân Diệu như hoa hồng trong một vườn hoa loại nào cũng đẹp. Như một thứ cơm tẻ vừa với mọi người. Đi đến một tổng hợp khái quát nhất Hoài Thanh ở cuối bài tổng luận về thơ mới bảo Xuân Diệu là " nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại ".

 

Thêm một ít khía cạnh trong con người Âu hóa và mỹ cảm hiện đại

Xuân Diệu trước hết đại biểu cho những con người tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ nhà trường, làm nên một thứ nhân tố mới hình thành trong xã hội. Nhiều người đã nói về điều này, mấy ghi nhận dưới đây chỉ là một ít khía cạnh nhỏ.

Ông là con người của ham muốn say đắm muốn sống hết mình. Chỉ cần đọc một câu thơ Anh nhớ tiếng anh nhớ hình anh nhớ ảnh -- Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi, càm nghe hết cái sự nồng nàn của nó …người ta đã biết ngay nó không thể có ở nhà thơ cổ điển, nó phải thuộc về một nhà thơ hiện đại.

Mặc dù có những bài tuyệt bút, song Xuân Diệu thường vẫn để lại ấn tượng có chỗ sượng, chưa chín, chưa đều tay. Ông là người rất có ý thức mà cũng là rất nhạy cảm khi bênh vực cho cái dang dở. So sánh ca dao Nam Trung bộ và ca dao miền Bắc, ông nói rằng ca dao miền Bắc quá chau chuốt quá hoàn chỉnh, trong khi ca dao Nam Trung bộ trần trụi thô mộc nên dễ gần. Có lần, nhận xét về một bài thơ, Xuân Diệu bảo khi người ta cảm động quá, người ta có gì đó run rẩy lúng túng. Trong những trường hợp này, Xuân Diệu đã biện hộ cho mình. Chính ở cái vẻ vội vàng hấp tấp dở dang chưa thành này mà Xuân Diệu gần với con người đương thời.

Nhưng không chỉ có thế. Không chỉ có hồn nhiên tuổi trẻ, mà càng về sau, Xuân Diệu càng tỏ ra sống hết với cái đã đầy của cuộc sống.Bài Hy mã lạp sơn là một cách ướm thử sự vượt lên cái thông thường, tự làm khác mình đi và đẩy suy nghĩ của mình tới cùng, tới cái tuyệt đối. Nhưng một lần tới rồi thì lộ ngay ra là không bao giờ nên trở lại nữa. Biết điều tội nghiệp run rẩy thiết tha, Xuân Diệu là chính mình hơn trong Lời kỹ nữ.

Sự khác nhau giữa Thơ cũ và Thơ mới bắt đầu từ sự đổi khác của tâm lý con người, của cách xúc động… và điều này đã được nhiều người như Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh diễn tả sâu sắc. Mối quan hệ giữa lý trí và cảm xúc là một vấn đề lớn của con người hiện đại. Hồi 1961, nhân tuyển thơ 15 năm sau Cách mạng, Chế Lan Viên nói như một câu buột miệng " Xuân Diệu cần hồn nhiên hơn và Tế Hanh phải bớt tự nhiên đi". Tôi đọc và tưởng là về già Xuân Diệu mới vậy. Sau đọc lại, thấy cái cách sống và làm việc theo lý trí này có từ Xuân Diệu hồi Thơ mới. Xét trên toàn cục, Xuân Diệu đã là một con người nhất quán, những năm cuối đời chỉ tô đậm những nét cốn có của ông lúc trẻ. Và đó chính là dấu hiệu làm chứng cho sự có mặt của nền văn hóa mà ông tiếp nhận từ nhỏ.

Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn gần đây nói rằng con người ông có cả văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Mỹ. Trong Xuân Diệu cái yếu tố Mỹ được thay bằng văn hóa Pháp. Cố nhiên là cách kết hợp những yếu tố khác nhau ở người này không bao giờ giống như ở người khác, nhưng họ đều là hiện tượng đa văn hóa.

 

Thơ tám chữ, thơ bảy chữ

Trên phương diện hình thức nghệ thuật thơ, so với các nhà Thơ mới khác, Xuân Diệu cũng để lại ấn tượng riêng, về một cái gì vừa miệng với số đông, nghĩa là rất phổ biến.

Sáng tạo của Thơ mới trên phương diện thể thơ gồm hai phần: một là đưa thể tám chữ lên mức hoàn chỉnh và thứ hai là có những cách tân mới đối với các thể cũ như thơ bảy chữ, thơ lục bát.

Sở dĩ đọc Thế Lữ ta cảm thấy một cái gì cũ cũ, bởi vì ngoài Nhớ rừng, các bài tám chữ khác của ông để lại ấn tượng nặng nề do sự xâm nhập của yếu tố văn xuôi còn thô . Ở các bài như Đi giữa đường thơm, Nhạc sầu của Huy Cận, Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh, chúng ta thấy thơ tám chữ tự nhiên như một sản phẩm thuần Việt. Mà cái đó đến sớm với Xuân Diệu. Những bài như Tương tư chiều,Vội vàng, Hoa đêm của ông cùng với Lời kỹ nữ Hy mã lạp sơn vừa nói ở trên là những sáng tác hoàn thiện.

Hoài Thanh bảo thơ tám chữ của Xuân Diệu có nguồn gốc ở ca trù. Cảm giác gần gũi có được là do cái hồn thơ, một cái gì thanh thoát mà lại hơi lẳng lơ tinh nghịch. Mặt khác là hơi thơ, biểu hiện ở độ dài. Tính số câu của một bài thơ, trong khi Tiếng địch sông Ô của Huy Thông làm chúng ta ngợp, thì các bài tám chữ của Xuân Diệu và những bài vừa nhắc trên của Huy Cận, Tế Hanh…cũng gần gũi hơn hẳn.

Một đóng góp khác của Xuân Diệu trong thể thơ bảy chữ, những bài gồm ba –bốn khổ, nó là một hơi thơ mạnh đi như một lát dao sắc.

Tản Đà không có bài thơ nào sử dụng tứ tuyệt như vậy. Trong số 47 bài của Mấy vần thơ của Thế Lữ, tôi chỉ thấy có một bài mang tên Yêu là cũng gồm ba khổ như thế này. Nhưng đây là một bài thơ rất ít người nhớ.

Còn với Xuân Diệu chúng ta thấy hàng loạt trường hợp Nguyệt cầm, Nụ cười xuân,Trăng, Huyền Diệu, Gặp gỡ,Yêu, Tình trai, Đây mùa thu tới, Ý thu, Hẹn hò, Đơn sơ.

Tôi chợt nhớ tới thể sonnet (1) của Pháp,và muốn giả thiết rằng ở những bài thơ nói trên, Xuân Diệu đã làm một cuộc hôn phối giữa thơ Pháp và thơ dân tộc. Ông Việt hóa sonnet từ nền văn hóa mà ông mới tiếp nhận và mang lại cho nó một âm hưởng phương Đông, bằng cách lai tạo nó với thất ngôn tứ tuyệt. Giờ đây loại thơ gồm ba hay bốn khổ tứ tuyệt -- 12 hoặc 16 câu bẩy chữ -- đã là một cấu trúc cổ điển. Thơ tình của Xuân Diệu sau 1945 thường trở lại với thể này Nguyện, Hoa nở sớm, Tình yêu san sẻ, Ngược dòng sông Đuống.Và đây, tạm kể một số bài thơ được nhiều người thuộc của các tác giả về sau :

Buồn, Xuân, Em về nhà, Vạn lý tình, Gánh xiếc … của Huy Cận
Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
Cô hái mơ của Nguyễn Bính
Xuân ý của Hồ Dzếnh
Sầu chung, Chiều loạn ( Chiều loạn mây rồi gió đã lên ) của Trần Huyền Trân

Với thơ từ sau 1945 , tôi muốn nhắc Hoa cỏ may (Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ) của Xuân Quỳnh, cũng như bài Thanh xuân (2) của Nhã Ca, giữa hai bài của hai thi sĩ có gì như là đồng vọng và cùng âm hưởng .

 

Cái mới đến từ hội nhập

Nhớ lại khi Xuân Diệu mới xuất hiện, Hoài Thanh thú nhận:

"Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy.Nhưng rồi ta cũng quen dần vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng"

Cái tình đồng hương nói ở đây gồm hai yếu tố :

Một là những yếu tố thuần Việt. Đã nhiều người nói tới cái phần thi liệu Việt ở Xuân Diệu từ "Đã nghe rét mướt luồn trong gió --, Đã vắng người sang những chuyến đò" tới "Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya" hoặc "Con cò trên ruộng cánh phân vân"

Hai là những yếu tố mượn từ đời sống và văn hóa Trung Hoa đã được Việt hóa. Cái yếu tố Tàu này vốn thấy ở nhiều nhà văn tiền chiến, từ những ông già thả thơ đánh thơ ở Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, tới chú khách bán mằn thắn và mấy người khách ở phố Cẩm Giàng của Thạch Lam …

Bấy lâu ta cứ ngỡ ở Xuân Diệu chỉ có Rimbaud với Verlaine, hóa ra ta nhầm.

Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đọc lại báo Ngày nay 1938 còn dẫn ra cả một đoạn Xuân Diệu ca ngợi mùa thu "mặc dầu ở bên Tây vẫn có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây Thi, với nàng Tây Thi quá xa nên quá đẹp"

Trong cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió, cái chất Trung Hoa này xuất hiện ở nhiều dạng.Trong vốn từ ngữ. Trong cái nhịp thơ tứ tuyệt nói ở trên. Và trong thi liệu : Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi /Tôi mê Ly Cơ hình mơ màng / Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng / Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.Có cả một bài mang tên Mơ xưa, nhắc lại những Gió liễu chiều còn nhớ kẻ dương quan. Yếu tố Trung hoa cố điển ở đây là một bộ phận của yếu tố Việt Nam. Nước Việt trong thời gian. Nước Việt với chiều dài lịch sử , với cái vẻ quý tộc tinh thần...Tất cả lại hiện diện.

Xin nói tiếp về Nguyệt cầm. Trăng ở đây được gọi là nguyệt, đàn gọi là cầm.Nguyệt và trăng, đàn và cầm cùng tồn tại song song. Cái hồn hiện đại nhập vào cảnh cũ Linh lung bóng sáng bỗng rung mình. Nhưng trăng và đàn lại là những motip của thơ cổ phương Đông. Còn chữ linh lung với nghĩa ánh sáng chấp chới thì không biết có phải lấy từ bài Ngọc giai oán của Lý Bạch (khước há thủy tinh liêm -- linh lung vọng thu nguyệt), (3) , chỉ biết sau Xuân Diệu, không ai dùng nó nữa, và các từ điển tiếng Việt mới in nửa sau thế kỷ XX chỉ ghi lung linh chứ không còn ghi linh lung.

Với bài viết kinh điển Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã sớm cảm thấy cái mới ở Xuân Diệu nói riêng và Thơ mới nói chung là là đến từ hội nhập.Gần đây nhà thơ Hoàng Hưng ( bài Thơ mới và thơ hôm nay ) phát hiện thêm. Ông bảo : "thơ Pháp thế kỷ XIX đã thúc đẩy Huy Cận Xuân Diệu tìm ra những ý vị lãng mạn của thơ Đường mà suốt một thế kỷ trước đó, các vị túc nho đã không cảm nhận nổi mà chỉ nhai cái bã niêm luật". Tức là nhờ hội nhập hôm nay mà ta phát hiện lại thành tựu của hội nhập hôm qua. Ta được làm giàu lên nhiều lần hơn là ta tưởng.

Hơn thế nữa, hội nhập không phải chỉ có một chiều là hướng ngoại, hội nhập còn là quay trở về phát hiện lại bản thân và nhận diện lại những yếu tố nội sinh.Nói cách khác, nhờ hội nhập mà cốt cách của dân tộc được phát hiện.

Xuân Diệu đã làm công việc này một cách có ý thức. Ồng có riêng một bài viết mang tên Tính cách An Nam trong văn chương (báo Ngày nay 28-1-1939 ), ở đó ông nói rằng "Trong lòng An Nam của chúng ta vẫn có những phần những ý những cảm giác mà người Tây có. Xưa kia ta không nói là vì ta không ngờ ; bây giờ cái não khoa học của Âu Tây đã cho biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu trong lòng thì sao ta không nói"(4)

 

Lịch sử không lặp lại

Không phải là thơ Việt Nam sau 1945 không có những đổi mới về hình thức, song một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt như hồi 1932-41 không còn nữa. Nhu cầu của xã hội lúc này là tận dụng sự phát triển đã có từ Thơ mới để hướng thơ vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục quần chúng. Ngay ở Sài gòn trước 1975 nơi sự hội nhập với thế giới diễn ra một cách tự nhiên, thì thơ vẫn không tạo được những bước nhảy đáng kể. Tuy xuất phát từ những tình thế khác nhau, song giữa sự tìm tòi của Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca …với tìm tòi của Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Trần Dần, Hữu Loan ở miền Bắc suy cho cùng có sự tương tự. Nhìn chung là phân tán nhỏ lẻ và không sao tạo được cao trào hoặc trở thành xu thế bao trùm.

Nổi lên trên bề mặt thơ sau 1945 vẫn là sáng tác của các nhà thơ mới : Huy Cận, Chế Lan Viên Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, ấy là không kể một lớp nhà thơ trẻ mới hình thành, tất cả mang lại cho thơ mới một sự hồi sinh, một đỉnh cao thứ hai.

Trên hướng phát triển này, Xuân Diệu tiếp tục vị trí hàng đầu của mình. Năng lực của ông không còn hướng vào việc tìm tòi cái mới; có cảm tưởng với ông tất cả đã đủ, vấn đề bây giờ chỉ là tìm cách khai thác tận dụng cái đã có. Mà về việc này thì từ bản tính "tay hay làm lụng mắt hay kiếm tìm" ông có cả, từ sự thành thạo, thói quen siêng năng, tới sự nhạy cảm biết tìm ra những phương án tối ưu trong lao động.

Thơ Xuân Diệu những năm cuối đời gợi cho ta cảm giác một trái cây không còn được tiếp nhựa sống từ toàn thân mà chỉ tự chín, thời gian chín lại kéo quá dài, nên -- nói như dân gian vẫn nói -- chín rụ chín rị, tức có cả cái phần đã đầy, nát, vỡ, lữa ra , là cái phần "suy đồi" xảy ra ở mọi quá trình lão hóa. Nhưng ở chỗ này nữa lại càng thấy tính chất "đại diện toàn quyền" của Xuân Diệu với Thơ mới.

Người ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở một người. Đặt trên cái nền chung của lịch sử vẫn thấy ông đứng sừng sững ở giai đoạn chuyển đổi của nền thơ Việt Nam, như một thách thức và một điểm đối chiếu.

Vương Trí Nhàn

-------

(1) Xin tạm coi đây mới là một giả thiết, bởi chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu vào bản chất của sonnet và tác động của nó tới các nhà thơ Việt Nam. Chỉ xin lưu ý thêm, sonnet hiện đại thường có 14 câu trong khi tứ tuyệt ba khổ là 12 câu, bốn khổ là 16 câu

(2) nguyên văn toàn bài:

 

Thanh xuân

Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa dạt dấu chân bày
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may  

Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần  

Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười  

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ

Trong Thơ Nhã Ca ( S. Nxb Ngôn ngữ , 1965 ) . Lưu ý là bài này như vậy viết ở Sài Gòn những năm sáu mươi thế kỷ XX , còn bài Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh viết ở Hà Nội, 1985 . Khi thơ Nhã Ca tái bản ( S. 1972 ) bài Thanh xuân này xếp vào phần I, mang tên thơ viết thời con gái . Nhã Ca còn nhiều bài khác, có cấu tứ tương tự : Ngày tháng trôi đi, Bước tàn phai, Bàn tay chàng, Vết cắt xuân

(3) Đây cũng là điều Phan Cự Đệ dẫn trong cuốn Phong trào thơ mới , in lần đầu 1966. Nhà nghiên cứu chỉ không nói rõ do ông tìm ra hay do sự mách bảo của chính Xuân Diệu .

(4)Tìm đọc bài viết của chúng tôi Xuân Diệu và một quan niệm cởi mở về íính dân tộc trong đó có dẫn lại đầy đủ Tính cách An Nam trong văn chương. Có trong nhiều tập "hồ sơ" về Xuân Diệu đã xuất bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 95873)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92715)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 87578)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 91955)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 106329)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30730)
Như cụm từ "thơ hiện đại", "thơ trẻ" là hạn từ có thể được sử dụng cho một nền thơ, ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kì đất nước nào. Việt Nam không là ngoại lệ. Từ thập niên 60, 70 và vân vân… Nhưng có lẽ Thơ Trẻ được dùng với tần số cao là khoảng thập niên 90 của thế kỉ XX. Từ đó, nó xuất hiện ngày càng đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong giới khoa bảng. Đậm đặc và lạ.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 30016)
...Trần Vũ chỉ có phơi bày những máu me, tinh khí và ác mộng, không một khái niệm hướng thượng nào. Tôi xin nhấn mạnh: Vũ không nhắm vào văn chương tư tuởng (triết học và tâm linh). Đó là những điều vượt cái vốn liếng kiến thức của anh. Vũ viết khơi khơi theo đà lôi cuốn của con quỷ bạo dâm và con quỷ loạn luân tiềm ẩn trong anh thôi thúc. Từ bao lâu nay, có vài phê bình gia cho rằng nào là văn chương anh có tư tưởng, nào là văn chương anh siêu việt đối với lớp nhà văn trẻ ở hải ngoại...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 28712)
Chúng tôi thấy cần thiết phải chỉ ra một điều là, khi chúng ta bình giá kết cấu một tác phẩm nào đó, việc đầu tiên không phải là đem kết cấu tác phẩm đó so sánh với kết cấu một tác phẩm nào khác, càng không nên lấy những tổng kết chung chung có sẵn kiểu " chặt chẽ hài hoà ", " gọn gàng cân đối " hoặc " trùng điệp ẩn hiện ", " mạch lạc khúc chiết " v.v... làm tiêu chuẩn để đánh đánh giá thành bại của kết cấu một tác phẩm cụ thể.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 26606)
Viết về Phạm Phú Hải, tôi mang cảm giác mình đang ngồi đếm sao. Đối diện với cái mênh mông của tâm hồn như vũ trụ kia, tôi thong thả đếm từng ánh sao trời mà mơ hồ tưởng tượng rồi lại cảm thấy bất lực vì không đủ sức đếm hết tất cả sao trên trời gom hết ánh sáng vào tay mình.
23 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 110496)
Ta đang sống trong thời đại của xin lỗi. Dù xin lỗi do động lực nào thì cũng phải nhìn nhận là người được xin lỗi cũng phần nào nguôi ngoai, và người xin lỗi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Và đấy là bước đầu đưa tới hòa giải.