- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sự Tự Trào Trong Tác Phẩm Của Đình Đình

14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 22762)

w-final3-hopluu92-41_0_300x103_1Khoảng thời gian gần đây, những ngòi bút trẻ ở trong nước thường tìm cách gửi tác phẩm sang đăng trên Hợp Lưu. Thời kỳ Trần Vũ làm chủ bút, Đỗ Hoàng Diệu đã xác định vị trí của mình qua sáu truyện ngắn. Trong vòng hơn năm nay, Đặng Hiền làm chủ biên, Hợp Lưu đã khám phá ra hai tài năng mới: Đình Đình và Phạm Ngọc Lương. Cả hai cùng học khoá 7 trường viết văn Nguyễn Du Hà Nội.

Đình Đình -tên thật là Từ Nữ Triệu Vương- viết báo tại Hà Nội, xuất hiện lần đầu trên tạp chí Hợp Lưu 84 (tháng 8-9/2005) với truyện ngắn Rỗng. Tiếp đó, Hợp Lưu 87 (tháng 2-3/2006) đăng truyện Em lỡ cỡ, và Hợp Lưu 88 (tháng 4-5/2006), Em xinh không.

Nhân vật chính là Em trong cả ba truyện. Nếu đổi tên truyện đầu là Em rỗng, thì sẽ có bộ ba: Em rỗng, Em lỡ cỡ, Em xinh không.

 

Chính chữ Em đã xác định tự trào là nguyên tố sáng tạo trong tác phẩm Đình Đình. Tự trào là một hình thức tự họa chua cay, cười ra nước mắt. Người con gái kể chuyện mình, xưng Em hoặc bị gọi là Em, Em viết hoa. Em tự tả, Em tự cười mình. Em bị tả, Em cười mình và Em cười người, người tả. Em sống thường trực với ám ảnh trống rỗng, lỡ cỡtrơ khấc, ba trạng thái mở ra một thế giới trống trơn, lỡ cỡ, trơ tráo xung quanh.

Một cách trình bày hiện thực rất lạ vừa xuất hiện:

«Em, mắt to ẩm ướt, môi gợi mở, mũi tẹt da vàng, yêu những cơn mưa nhiệt đới, những cơn bão to đổ gẫy cây đường phố, những cơn mưa kỳ lạ, như mưa đá hôm nay, em tung những ngón tay ra mưa, khuôn mặt dập bầm nếp nghĩ sồng sộc lên vẻ phấn khích, mái tóc bị trận mưa đá đập tan tác đường lối, làm bết lên cổ lên ngực, nhờn nhợt màu môi màu vú thâm thâm tím tái (...)

«Em xổ tung chiếc váy ngủ xuống chân, uốn éo theo điệu nhảy cô nàng Madonna trong Clip La is Bonita, chà, mưa thế này mới đã chứ, mưa lạnh toát phóng xối xả lên người như trận ném sỏi rồi từ từ tan dài trên cơ thể em với sức tỏa hầm hập ở nhiệt độ 37 có dư, vẫn vũ điệu giữa em và mưa, em đưa cao cánh tay làm điệu bộ truy hoan với trời, rít lên những tràng cười làm mấy nhà hàng xóm phải kéo rèm ngó nhìn liên láo, cau mày thầm rủa: «Lũ vô tích sự, văn với chả chương».

«Em sốt, sau trận sốt giần giật kéo dai dẳng cả tuần lễ, khi tỉnh lại, em xơ xác như chiếc lá ép lấy mảnh xương của những cô cậu học trò lãng mạn, mắt em tối sâu vô cảm, nụ cười dính nhâm nhấp khó khăn lắm mới thấy đưọc hàm răng têtaxilin tuổi thơ.

«Em dựa đầu vào góc tường nhìn đám tranh công nghệ hàng chợ không cảm xúc, nghe vài đĩa Tuấn Ngọc trôi tuột từ tai này sang tai khác (...)

«Em long dong cái dáng xác rắn của mình ra đường, em thèm vào Net, thèm mở email, thèm anh viết thư cho em...»

(Rỗng).

Những lời thản nhiên, tự tả, tự trào, tự giễu, về một tình huống tầm thường cũ như trái đất: Em thất tình, Em ốm tương tư, Em đang sốt, Em điên cuồng, Em nhớ. Nhưng trong cái giọng này Em có ý nhại lại những cliché lãng mạn cũ: ẩm ướt, gợi mở, nhiệt đới... Em cũng thất tình, nhưng Em tả cái thất tình của Em bằng cách khác: bằng cách chống lại nó. Em chỉ nó rồi cười. Em giễu sự thất tình của mình. Cái thất tình hôm nay không còn giống cái thất tình hôm qua.

Cả một thế giới mới của chữ, của cảm xúc, xô động lướt nhanh như những nhún nhảy, vui tươi mà lại toát ra những đớn đau khác lạ, khác hẳn thế giới của những người từng trải thất tình thuở trước. Em thất tình. Chuyện thất tình cũ như trái đất. Em gió mưa. Chuyện gió mưa cũ như trái đất. Nhưng không gian Em đã thay đổi, giọng nói Em đã thay đổi: Em nhìn khác, Em nói khác. Giọng Em đập theo nhịp Madonna, hơi Tuấn Ngọc, dạng Internet, khiến những kẻ «thất tình truyền thống» không tìm thấy nét gì ở Em quen thuộc giống mình. Họ chống lại Em. Và họ không thể đọc Em là vì thế.

Em đã quét sạch lãng mạn các cụ Tương Phố "Trời thu ảm đạm một màu, lá thu hiu hắt thêm rầu lòng em". Em cũng không tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu. Em chẳng hiện đại kiểu các bác Nguyên Sa "Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông" nữa. Em không trâng tráo ráo hoảnh nước mắt như các cô Nhã Ca, Túy Hồng... Vậy mà Em vẫn thất tình, Em nguyên xi là tình yêu, là gió mưa, là những dằn vặt đớn đau muôn thuở. Em đau yêu, đau sống, đau đời. Nhưng thời đại Em đã khác. Nhịp tim Em đã đập khác. Cách nhìn Em đã khác. Cách lập ngôn Em đã khác. Em là bây giờ. Em là hôm nay. Thời của Em.

 

Em chạy nhanh, nhảy chân sáo, em múa dưới mưa, em cuốn theo mưa, theo nhịp điệu hình ảnh. Những hình ảnh lướt nghiêng trên thân xác: mắt, môi, mũi, rồi bắt qua thời tiết: mưa nhiệt đới, bão to, mưa đá; lại quay về thân thể, tạo thành nhịp đôi bắc cầu, một thứ cầu vồng, nối thân thể và thiên nhiên thành nhịp bão tố.

Những hình ảnh Em tung ra đẹp, đau thương và quyến rũ vô cùng: Em tung những ngón tay ra / khuôn mặt dập bầm / mái tóc bị trận mưa đá đập tan tác / nhờn nhợt màu môi màu vú thâm thâm tím tái/ ... Em vừa tạo ra một tình thế "mây - mưa" mới, theo vũ điệu Madonna, bắc cầu giữa thể xác và gió mưa. Xin gọi đó là hiện thực bắc cầu nối thiên nhiên và thân xác, uốn vồng lên trong tư thế nghệ thuật.

Sự chắp nối thân xác với gió mưa tạo ra những khuôn mặt dập bầm, mái tóc bị đập tan tác, bết lên cổ lên ngực, thâm thâm tím tái... vừa gợi lên hình ảnh tấm thân bị "gió mưa" hành hạ, vừa cho thấy cái đau thể xác đến từ đất trời, đến từ dông bão nhưng cũng lại mang nặng dấu vết trần ai, với những vết hằn mây mưa nhục thể. Ham muốn và dục tình được mô tả bằng ngôn ngữ hôm nay: "Em xổ tung chiếc váy ngủ xuống chân, uốn éo theo điệu nhảy cô nàng Madonna... vẫn vũ điệu giữa em và mưa, em đưa cao cánh tay làm điệu bộ truy hoan với trời". Thật đẹp, Đình Đình vừa tung ra một hoạt hình vô cùng hấp dẫn vũ điệu hoà cùng âm nhạc: hình ảnh người con gái uốn éo theo điệu Madonna, truy hoan với trời. Chữ truy hoan với trời đã nâng dục tình lên ngang hàng thượng đế.

Qua đỉnh cao dục tình, đến hồi tương tư, tương tư mới:"Em sốt, sau trận sốt giần giật kéo dai dẳng cả tuần lễ, khi tỉnh lại, em xơ xác như chiếc lá ép..."

"Em long dong cái dáng xác rắn của mình ra đường, em thèm vào Net, thèm mở email, thèm anh viết thư cho em".

Rỗng là bài thơ tương tư gửi cho người tình, một tình tuyệt vọng, nhưng đã thôi Arvers, đã thôi Khái Hưng, mà là Internet, Email, tình điện tử; với những nỗi buồn được tu bằng "Một chai Nếp Mới hàng nhái", "Chục chai Vodka hàng Việt Nam chất lượng cao siêu, tiêu chuẩn ISO quốc tế bảo đảm không nhái" và những giọt nước mắt được lau nhanh bằng "một cuộn giấy vệ sinh An An"...

Đình Đình đã biến tự trào nội tâm thành tự trào xã hội: nụ cười méo mó dị dạng của con người rỗng, trong một xã hội nhái. Khiến những đớn đau tuyệt vọng biến thành trò cười, trò nhái. Nhái những nhố nhăng, những thói rởm, những chắp vá, những lai căng, những bắt chước, những lỡ cỡ của chính mình và của xã hội cung quanh.

 

Rỗng là Em nhìn Em. Em xinh không là Người ta nhìn Em.

"Tôi đã nói rồi, các ông không tin. Miệng em rộng như cô người mẫu Ju-li-a Rô-bét. Các ông nói răng em vàng. Không vấn đề, răng em có hơi vàng một chút, đấy là sự tồn đọng cuối cùng của thời bao cấp còn sót lại ở em (...)

"Tính cách em mà nồng nàn à? Chưa chắc. Ông đã ngủ với em đâu mà biết em nồng nàn, ấm áp."

".. .em quý tôi nhất trong đám nhiều thằng. Tôi tin vậy. Em thường nói thích tôi đọc nhiều sách, nào Kan-tơ, nào Đốt, nào Mác-quét, nào Cốt-zi... Tôi cứ ngỡ trên đời này sẽ chẳng có ai thích tôi ở cái điểm hâm hâm ấy... Mỗi khi tôi lên lớp giảng, tụi nó lại lào phào: Nhà triết gia đã đến, người kể chuyện cổ tích xuất hiện, vĩ nhân nghèo..."

"Lão này hâm mẹ rồi, thơ phú lắm rồi mà lẩn thẩn, tôi thấy cô Nàng Chân Dài này có gì đặc biệt đâu, ngoài năng lực tình dục. Các lão từ từ hãy cãi. Tôi nói là có cơ sở của mình. Tôi không chối là tôi chưa ngủ với nàng, nhưng lão xem, có một con ranh con nào chưa chồng, đêm nào cũng khoác cái váy ngủ mỏng tang sang phòng tôi ngồi không?... Như vậy không đủ chứng minh Nàng Chân Dài dâm à?... tôi thấy Nàng Chân Dài này đĩ đĩ thế nào ấy. Ừ thì các lão lại bảo tôi làm nghề công an phỏng, cái nghề công an nhìn đâu cũng thấy tội phạm chứ gì... Các lão ngây thơ bỏ mẹ. Có lẽ Nàng Chân Dài là điếm cũng nên.

"Đừng có nói như thế, tôi đây này, tôi đã từng ngồi uống rượu với Mắt Ướt... Mắt Ướt nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Hình như em vừa khóc. Em ngồi yên lặng, uống từ từ, tôi chẳng biết nói gì...Lúc sau tôi thấy em nhìn tôi. Cười. Mắt rất ướt. Tôi chẳng biết chia sẻ thế nào, nắm bừa lấy tay em rồi hỏi em có chuyện buồn à. Em gật đầu. Tôi lại hỏi chuyện tình yêu. Em gật đầu, nước mắt lăn trên má. Trời ạ! Các bác không biết rằng tôi muốn hôn lên những giọt nước mắt đó thế nào đâu. Mắt em đẹp. Cái đẹp ướt, buồn đến dại khờ. Tôi đã nguyền rủa thằng cha nào phúc lớn được em yêu."

Em xinh không tập hợp sáu cái nhìn khác nhau từ phía kia nhìn Em. Chúng ta cũng có thể dùng lại chữ L’Autre của Simone de Beauvoir để chỉ phía ấy, phái khác, phái khỏe, như Kẻ khác: Kẻ khác phái ấy nhìn Em. Chỉ qua vài trang, Đình Đình đã thu gọn được thế giới Kẻ khác ấy trong vòng bàn tay: Một thế giới macho. Chủ quan. Đầy thành kiến. Tự kiêu. Tự đại. Tự mãn. Đã nhiều nhà văn nam viết vế thế giới macho này, nhưng họ là những người trong giới.

Đình Đình cho ta cái nhìn của người ngoài giới, khác lạ, thú vị: lời của các đấng mày râu trên đây là để mô tả Em, đối tượng xâu xé và chiếm hữu của họ, nhưng cưối cùng lại phản ảnh tình trạng rỗng, dâmthoái hóa của chính họ: một kiểu gậy ông lại đập lưng ông trong văn chương. Macho là tình trạng nhược tiểu trong lòng người. Vì thấy mình yếu kém nên phải macho, phải gồng. Xã hội Việt Nam là xã hội gồng. Những người đàn ông macho thể xác là những người vũ phu, chỉ biết thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Những người đàn ông macho tinh thần là những người yếu kém về trí tuệ. Nước Việt Nam là một nước macho bạo lực, coi chiến thắng là đỉnh cao. Viết về tình trạng macho là mô tả nửa phần gồng của xã hội mà Đình Đình đang sống. Và viết dưới dạng đối thoại giữa "đàn ông với nhau" như thế lại càng tăng thêm vẻ hài hước đớn đau của một thế giới tự kiêu tự mãn trong cái ngu chung.

 

Em lỡ cỡ hoàn tất cái nhìn toàn bộ ấy về xã hội gồng, xã hội đại ngu. Em lỡ cỡ cũng viết về Em, nhưng là về "lịch sử" Em trong "tiến trình xã hội" mà em đang sống.

Em lỡ cỡ được cắt thành sáu mảnh, mỗi mảnh phù hợp với một ngày, trong cuộc đời của Em: Ngày mộng mị, Ngày tròn mắt ve, Ngày hong tình, Ngày không trôi, Ngày ảm Ngày vỡ. Sáu ngày cũng có thể là sáu chặng đường trong đời người hay sáu giai đoạn của một xã hội. Ngày mộng mị thuộc tuổi thơ, tuổi vị thành niên: Em còn ảo tưởng, mơ mộng, còn tin vào lý tưởng, vào nghiã vụ, nhưng đã sớm thấy sự thật tàn nhẫn trong đời sống hàng ngày. Ngày tròn mắt ve: Em 20 tuổi, bước vào tình yêu, Em khám phá sự thật phũ phàng về tình yêu. Ngày hong tình: Em từng trải hơn, quyết định sống đời phóng đãng. Ngày không trôi: Em đã thấm những nhọc nhằn. Ngày ảm: Em nung đúc những nỗi chán chường. Và Ngày vỡ: Em tàn tạ, đổ vỡ trong tan tác, đắng cay. Sáu mảnh đời, sáu khúc nhạc trỗi lên trong một cuộc chơi, cuộc thử thách. Một đời chụm trong sáu khúc. Một tuyệt vọng trong sáu khát vọng. Một thức tỉnh trong sáu đớn đau.

 

Ngay từ năm tuổi, Em đã bắt đầu ghi nhận:

«Ngày giỗ dòng họ em tròn 5 tuổi

Em đứng chỉ cao bằng tủ buýt- phê, tay chống nạnh ngó nhìn lên bàn thờ nghi ngút hương khói lầm bầm: Chết.

Mẹ váy đụp váy xoè, ríu rít dưới bếp với mấy bà cô, băm băm chặt chặt, hớt hơ hớt hải, sợ bố đưa khách khứa về vẫn chưa có đồ ăn. Em muốn nhón chân trèo lên ngồi cả trên đám nhang khói kia ngoặm cho bằng sạch tất cả những thứ sắp xếp trên đó. Em đói...».

"Năm 15 tuổi, em ý thức đến cộng đồng qua những chương trình kỉ niệm lễ lạt. Những chương trình lá này đùm lá kia. Em phác thảo kế hoạch công việc hiến thân xác một cách không vụ lợi. Em phục vụ các quý ông khuyết tật, thương binh, bệnh binh, tàn phế, em tự hào, hân hoan, vui sướng vì góp một phần sức lực xây dựng xã hội tốt lành vững mạnh hơn, văn minh hơn...".

«Em chẳng nhớ đã trải qua bao nhiêu gã tay cụt chân què. Em chỉ thấy rằng, cái lỗ nẻ ẩm ướt bây giờ roãng ra như miệng hố bom, chai lì lại như hàng ngàn nỗi đau sau bao nhiêu năm vùi lấp...».

Màn đầu tiên, hiện thực bắc cầu giữa cái linh thiêng (bàn thờ bài vị, cúng giỗ, ma chay) với Em, đứa bé 5 tuổi: Em đói, Em thèm, Em muốn trèo lên bàn thờ ngoặm cho bằng sạch cỗ bàn trên đó. Đứa nhỏ năm tuổi sáng suốt hơn thế hệ tín điều, tụng niệm và nó đã muốn nổi loạn đạp đổ bàn thờ. Nó đói.

Màn thứ nhì, hiện thực bắc cầu giữa Em với các chương trình lá lành, lá rách, liệt sĩ, xả thân, cống hiến, xây dựng xã hội, v.v... 15 tuổi, Em quyết định áp dụng những «chân lý hàng đầu» mà người ta nhồi nhét cho Em: Em nhắm mắt phục vụ các ông khuyết tật, thương binh, bệnh binh, tàn phế và Em tự hào, hân hoan, vui sướng vì góp một phần sức lực xây dựng xã hội tốt lành vững mạnh hơn, văn minh hơn.

Hệ quả tất yếu phải đến, xẩy ra trong màn ba: "Em chẳng nhớ đã trải qua bao nhiêu gã tay cụt chân què. Em chỉ thấy rằng, cái lỗ nẻ ẩm ướt bây giờ roãng ra như miệng hố bom, chai lì lại như hàng ngàn nỗi đau sau bao nhiêu năm vùi lấp...".

Em lỡ cỡ là một chuỗi hiện thực bắc cầu liên tiếp trên chặng đường của người con gái xưng Em. Đời Em biểu hiệu hiện thực xã hội Em đang sống: qua Em xã hội có thể soi mình. Một xã hội dừng lại ở tuổi 15. Một xã hội sống bằng những tín điều, sùng bái. Một xã hội xúi giục đứa bé mười lăm lăn vào nghiã vụ "phục vụ tay cụt chân què". Em là đứa bé kinh khủng. Em nhìn thấy hết. Từ nhỏ, Em đã nhìn thấy bản chất đen xì của con người. Em đã nhìn thấy mặt tiền và mặt hậu của sự vật: thấy bố mẹ ngày ăn hối lộ, đêm hì hục trên giường. Đến tuổi 15, Em đã gặp những gã chiến sĩ "tay cụt chân què", gặp "Thằng Trẻ mặt còn măng sữa sớm nổi chứng gió mất dạy", lớn hơn tý nữa Em gặp các anh nghệ sĩ, các nhà trí thức như Cải Lương, Thi sĩ, Gia Trưởng... Tất cả một bầy nhem nhuốc. Một lũ macho. Em biết hết. Tất cả "ngồm ngoàm như lợn đực, rồi ngốn, rồi nghiến, rồi lăn vật ra ngủ". Em ở trong cái xã hội ngồm ngoàm ấy, Em biết bọn đó "nhìn ngắm hút hít em như loài chó đánh hơi chuột", tuy "Em buồn cười lắm. Nhưng em thích".

Em từ quá khứ đã nhìn thấy tương lai. Em xuyên qua các giai đoạn: mộng mị, tròn mắt ve, hong tình, đến bế tắc không trôi, ảm đạm. Em nhìn thấy tất cả, nhưng Em vẫn phải xông vào phải sống với, sống vì. Em ôn lại chặng đường đã qua. Quá muộn. Em đã nằm sâu dưới đáy của vũ phu, tàn ác, bội bạc, lừa dối. Xã hội Em, một xã hội lỡ cỡ, nửa mùa, không thuốc chữa. Cái gì cũng dừng lại ở chỗ đang phát triển: "nghệ thuật của ta cũng đang phát triển... lỡ cỡ đấy chứ. Múa đương đại lỡ cỡ này, nhạc đương đại lỡ cỡ này, tranh ảnh đương đại lỡ cỡ này, cái gì cũng đương đại lỡ cỡ thì văn học của em sao lại không dám đương đại lỡ cỡ...".

Cả đến Em cũng đang lỡ cỡ. Em muốn nổi loạn. Nhưng Em phải đi hết con đường. Hỏi đường nào. Em không biết.

Xã hội Em lỡ cỡ. Nhưng người ta bảo xã hội Em đang tiến lên. Hỏi tiến lên đâu. Chẳng ai biết.

Em tìm lối vào nghệ thuật. Con đường nghệ thuật như thế nào? Em cũng chưa biết.

Em là đứa bé «surdoué»: 5 tuổi đã thấu suốt sự ngu muội, trống rỗng, lỡ cỡ, nửa mùa, thoái hóa, của một xã hội macho toàn diện cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Thụy Khuê
Paris tháng 11/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Ba 202211:33 CH(Xem: 8520)
Vào thứ Tư, 2 tháng Ba, 2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đại đa số lên án nước Nga xâm lược Ukraine (bắt đầu từ 24 tháng Hai, 2022). Trong số 193 nước hội viên, 141 nước đã bỏ phiếu thuận, yêu cầu Mạc Tư Khoa phải chấm dứt chiến sự và rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong số năm nước bỏ phiếu chống, tất nhiên dẫn đầu là lá phiếu của Nga, quốc gia gây chiến, và bốn nước khác là Belarus—đồng minh thân cận nhất của Nga— sau đó là Bắc Hàn, Eritrea và Syria. Tất cả năm nước này đều là những chế độ độc tài toàn trị. Điều đáng chú ý hơn cả là trong các lá phiếu trắng của 35 nước (có 12 nước không bỏ phiếu), dẫn đầu là Trung Cộng, có cả một quốc gia mang tên nghe khá kêu là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
18 Tháng Hai 20224:41 CH(Xem: 7732)
Đó là cảm xúc mạnh nhất, là ấn tượng bao trùm trong tôi về bộ phim Nga “Chống lại Tình yêu” trên FB Khoanglangnuocnga, kể từ những cảnh dài không âm thanh ở đầu phim do máy quay lặng lẽ trượt qua hồ với những cây cối chìm trong băng tuyết, dưới mắt một cậu bé - tới cảnh cuối, sau cảnh tờ rơi tìm trẻ mất tích dán cột bê tông phủ tuyết, lại trở về cảnh đầu phim tựa trong thời tiền sử, giống như ở bộ phim "Leviathan" của chính đạo diễn bộ phim này: Andrey Zvyagintsev!
11 Tháng Hai 20224:35 CH(Xem: 9367)
Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]
24 Tháng Giêng 202210:09 CH(Xem: 8213)
Nguyễn Du từng viết: Tri giao quái ngã sầu đa mộng - Bạn bè thân thiết lấy làm lạ rằng sao ta hay sầu nhiều mộng? Và ông trả lời luôn: Thiên hạ hà nhân bất mộng trung - Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng? (Ngẫu đề). Ông tuyên bố: Trần thế bách niên khai nhãn mộng - Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở, và: Mộng trung minh phân kiến - Nay trong mộng thấy rõ ràng (Ký mộng)(1).
05 Tháng Giêng 20228:41 CH(Xem: 8985)
Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết. La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort. A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre)
01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 10977)
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới. Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.
28 Tháng Mười Hai 202110:43 CH(Xem: 9515)
Cuộc triển lãm này nêu ra luận điểm rằng bản chất nội tại của sự sống và của tất cả các sinh vật là không đồng nhất, mà đúng hơn là được kết cấu bằng nhiều mối tương quan dị biệt để tạo ra Cái Khác. Luận điểm này, vì thế, đã phá vỡ mọi tôn ti dựa vào những khái niệm áp đặt về bản sắc và tính đồng nhất.
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 9405)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]
08 Tháng Mười Hai 202110:17 CH(Xem: 9162)
Chúng tôi xin được lấy tên thiên tiểu luận đặc sắc Một cuốn kinh về tình thương [12, tr.139] của nhà văn Lưu Trọng Lư làm nhân lõi cho nội dung bài viết này. Người viết vốn được mệnh danh là “nhà văn của tình thương” từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước đã “chiêu tuyết” cho nhân vật từng bị phán xét là “đĩ đứng đầu” bằng những lời nồng nhiệt, đặc biệt nhận định Thúy Kiều là “kẻ có một mối từ tâm lớn” [13, tr.1690]. Và suốt từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tình thương hay “mối từ tâm lớn” toát ra từ kiệt tác này cùng những giá trị nội dung tư tưởng nhiều mặt của nó đã/ đang được bàn luận sôi nổi, với nhiều lý thuyết cũ - mới chắc không bao giờ chấm dứt…
28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9165)
Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…