- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“NÍU MỘT ĐỜI, GIỮ MỘT THỜI”

01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 10978)

tran hoai thu 1
 

Ban Mai     

“NÍU MỘT ĐỜI, GIỮ MỘT THỜI”     

 

Việt Nam, sau năm 1975 kết thúc chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc.

Hòa bình đã đến sau mấy thập niên tang tóc vì bom rơi, đạn nổ. Người Việt Nam cảm thấy hạnh phúc khi đất nước không còn chiến tranh, không còn người chết.

Thế nhưng, người Miền Nam đã không thể tưởng tượng nổi, tiếp sau đó là một thảm cảnh kinh hoàng. Sau tháng 4 năm 1975, phần lớn người Miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức Miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx. Tất cả sách báo, văn học nghệ thuật bị tịch thu tiêu hủy, nền văn chương Miền Nam hoàn toàn bị bôi xóa. Giống như thời man rợ của Tần Thủy Hoàng năm 210 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng cho đốt sách và chôn sống nhiều học giả, nhằm dập tắt những ý kiến traí chiều và áp đặt tư tưởng mới của ông trên toàn lãnh thổ Trung Quốc sau khi thống nhất.

Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới.

Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.

 

“Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Hòn Chồng Bethlehem. Sau đoàn tụ với thân phụ mới theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập lại vào Quảng Nam).

 

Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ  tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 bộ binh trong 4 năm. Sau đó về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm. Ông đã từng bị thương 3 lần.

 

Sau 30 tháng 4 năm 1975, đi học tập cải tạo hơn 4 năm.

 

Năm 1980 Trần Hoài Thư vượt biển, định cư tại Mỹ, sống ở nhiều nơi khác nhau và cuối cùng về sống ở tiểu bang New Jersey. Khi sang đến Mỹ, ông đi học trở lại, tốt nghiệp Cử Nhân Điện Toán và Cao Học Toán Ứng Dung. Ông được nhận vào làm cho công ty AT&T và sau đó chuyển sang làm cho công ty điện toán IBM. Chức vụ cuối cùng trước khi nghỉ hưu là Project Leader.

 

Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức... 

tran hoai thu 3 

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Cho đến nay, phần lớn các tạp chí văn học dạng báo giấy ở Mỹ đã đóng cửa nhưng Thư Quán Bản Thảo vẫn tồn tại và đã phát hành đến số 75. (3)

 

Mùa hạ năm 2010, tôi tình cờ đọc bài viết của nhà thơ Du Tử Lê giới thiệu về tác phẩm “Những cơn mưa mùa Đông” của tác giả Lữ Quỳnh do nxb Thư Ấn Quán ở Mỹ xuất bản, thời gian này tôi đang tìm hiểu dòng văn chương Miền Nam nên liên hệ, ngay lập tức nhà văn Trần Hoài Thư và Lữ Quỳnh trả lời, tôi biết họ từ ngày ấy.

Bắt đầu từ đó, tôi tìm đọc dòng văn chương Miền Nam Việt Nam do nxb Thư Ấn Quán phát hành, vì ngày xưa trước năm 1975 tôi còn quá nhỏ chưa hiểu biết gì, tôi sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn, thuộc Miền Nam Việt Nam vì vậy tôi không muốn văn chương Miền Nam bị thất lạc và bôi xoá, tôi cần phải tìm hiểu và phổ biến lại cho thế hệ trẻ ở trong nước biết.

Thật may mắn, mùa thu năm 2011 nhà thơ Vũ Trọng Quang từ Sài Gòn photo cho tôi trọn bộ “Văn Miền Nam” (4 tập) và 2 tập “Thơ Miền Nam thời chiến” do Thư Ấn Quán phát hành năm 2009. Cuốn sách mới nhất tôi được Trần Hoài Thư tặng là cuốn “Những tạp chí Văn học Miền Nam” do ông sưu tầm và nhận định in năm 2018, ông đã sưu tầm được 15 tạp chí đã từng xuất bản ở Miền Nam Việt Nam gồm các tạp chí: Ý thức, Bách khoa, Văn, Sáng tạo, Khởi hành, Vấn đề, Trình bày, Thời tập, Hiện đại, Văn nghệ, Nghệ thuật, Mai, Văn học, Văn hóa nguyệt san, Tình thương.

Nhờ ông, tôi có được một cái nhìn khái quát về diện mạo nền văn chương Miền Nam Việt Nam mà hiện nay ở trong nước đã không còn nữa.

Nếu không đọc 4 tập bộ “Văn Miền Nam”  làm sao tôi biết tên tuổi và sáng tác của 159 nhà văn Miền Nam, trong đó có 13 nhà văn nữ, với những trang sách giá trị đầy tính nhân văn.

tran hoai thu 4

Đây là một bộ sách hiếm, công trình sưu tập này là một kỳ công của nhà văn Trần Hoài Thư và những người bạn ông, nó hoàn toàn được làm bằng phương pháp thủ công, ông một mình layout, trình bày bìa, in ấn, một nhà in chỉ có một nhân viên vừa là chủ vừa là thợ, cần mẫn hàng ngày, hàng đêm đánh máy lại những tác phẩm văn chương nhằm khôi phục lại diện mạo Văn học Miền Nam.

Trong lời đề từ bộ sách, tác giả Trần Hoài Thư đã thổ lộ ông “mạn phép đăng lại để độc gỉa hôm nay và mai sau có thể đọc lại những sáng tác này và cũng để chứng tỏ rằng văn chương Miền Nam, dù có bị bôi nhọ, trù dập hay hủy diệt, nhưng cuối cùng, nó vẫn không chết. Nó vẫn có mặt ở hải ngoại, mà bộ sách này là một bằng chứng”.

Ngoài ra Trần Hoài Thư còn chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật “ Thư quán bản thảo” ra không định kỳ ở Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm 2001 đến nay đã 20 năm.

tran hoai thu 2

Nếu không có ông, làm sao tôi biết 462 tác giả trong 2 tập “Thơ Miền Nam trong thời chiến”, mà phần nhiều là những người lính cầm bút đã chết, đó là “ những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương, khởi điểm bằng lệnh tổng động viên và chấm dứt bằng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tập sách này là một nguồn tài liệu giúp cho những nhà phê bình văn học, những người nghiên cứu văn học sử, và những ai chưa có dịp tiếp cận với nền văn chương Miền Nam trong thời chiến tranh để họ có cái nhìn rỏ và đúng đắn hơn về một dòng văn chương tình tự, tự do, khai phóng, sáng tạo và nhân bản”

Nhà phê bình Đặng Tiến từng nhận định:

“… Đã là thơ thời chiến thì phải nói đến chiến tranh. Vậy thơ ấy nói gì về khói lửa? Xin lấy bài Phan Xuân Sinh làm ngày Tết 1972 “Uống rượu với người lính Bắc Phương” làm tiêu biểu:

Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi

Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí

Chuyện ngày mai có chi đáng kể

Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm

 (…)

Những thằng lính thời nay không mang thù hận

Bạn hay thù chẳng có một lằn ranh

(tr 617) tập 1

Trong bài “Kỷ vật cho em” của nhà thơ Linh Phương được Phạm Duy phổ nhạc, đã kể trong bài Hành Quân:

Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết

Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn

Đù má, nhiều khi buồn hết biết

Lo mãi sau này cụt mất chân.

Chiều qua sém chết vì viên đạn

Du kích bên sông bắn tỉa hù

Cũng may gặp phải thằng cà chớn

Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô.

Nhớ hôm bắt được em Việt cộng

Xinh đẹp như con gái Sài Gòn

Ta nổi máu giang hồ hảo hán

Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân. (!)

(tr 305)

… Dĩ nhiên những thái độ buông thả nói trên không tiêu biểu cho cuộc chiến ác liệt, hay tinh thần chiến đấu, hay kỹ thuật và kỷ luật quân sự của quân lực VNCH. Nhưng nó là sắc thái đặc biệt của một tâm lý. (NHÂN BẢN). Tâm lý ấy là nhược điểm trên bản đồ quân sự, mà là ưu điểm trên trang thơ, bằng cớ là hơn một ngàn năm nay, người ta ngợi ca, ngâm nga mãi câu “túy ngoại sa trường quân mạc tiếu” của Vương Hàn; say sưa như vậy nhất định ông không phải là một quân nhân thiện chiến.

Lẽ thường trong chiến tranh là thắng hay bại. Điều lạ trong tập thơ này là không có chiến thắng, dù trong mơ ước hay ngông nghênh (…)

Khát vọng thiết thân thời đó là hòa bình, như lời người mẹ trong bài “Đêm giáng sinh ở Việt Nam” của Hồ Minh Dũng:

Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con

Cũng đem chiếc áo lành ra mặc

Cũng ăn một bữa cơm cho no

Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu

Khổ đau lúc này mẹ gói trong mo

Nguyễn Dương Quang trong bài “Đêm cuối năm viết cho má”:

Hình như cây súng con lạ lắm

Sao nó run lên khi đạn lên nòng

Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy

Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?

Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu

Đêm thì thầm cùng những nấm xương

Ôi, trái tim con mãi tôn thờ má

Đã dạy con hai tiếng yêu thương

Từ má lỏng bàn tay dìu dắt

Con bơ vơ giữa cuộc phù sinh

Dòng nước nào xa nguồn mà không đục

Sợ một mai con lạc dấu chân mình

(tr 428)

Đã đành, đành vậy, “Thơ Miền Nam trong thời chiến”, trong tất cả bề thế của nó, nếu muốn, có thể thu lại trong bốn chữ: “Thơ lính học trò”, với tất cả nội hàm sâu lắng của mỗi chữ. Thơ lính học trò? Là cậu học sinh, từ sân trường bước ngay vào quân trường, chiến trường, nhiều khi chưa kịp kinh qua cuộc sống xã hội.

Họ làm thơ, gọi là “làm văn nghệ” trên báo nhà trường, báo địa phương. Làm thơ như một tâm thế, một lối ứng xử với đời. Không phải thành danh hay đi vào lịch sử văn học… rồi đời bắt kẻ làm thơ đi làm lính, học bước chân vào chiến cuộc, mang trong đầu những ý nghĩ trong veo/ xem chiến cuộc như tai trời ách nước (Nguyễn Bắc Sơn). Và không biết bao nhiêu người đã gục ngã giữa tuổi xuân xanh, khi vừa mới bước vào chiến trường.

Bắt đầu nền thơ này là chuyện văn nghệ, trao đổi, thù tạc giữa bạn bè, nhưng sau cùng trở thành huyết mạch của một thế hệ, mà Trần Hoài Thư gọi là “ tội tình”. Vì đã bị lịch sử làm tình làm tội. Có thế mới hiểu vì sao, khi đánh máy lại những bài thơ cũ, ba, bốn mươi năm sau, anh còn thấy “như gõ vào chính tim mình những niềm đau buốt”. Và người đọc ngày nay, nhất định đâu đây còn có người thấu hiểu và chia xẻ niềm đau buốt ấy. Làm sao cho sưu tập này, và tấm lòng kia đến tay người nọ?”

Vì vậy “Thơ Miền nam trong thời chiến” không chỉ là nguồn tư liệu – một nghĩa trang – văn học. Nó là cuộc sống đang thao thức và thao thiết… và cho đời sống nữa chứ. Chẳng riêng gì đời sống của những chúng ta” (4)

Hôm nay là ngày đầu tháng 1 năm 2022, đã bước sang năm mới, ngoài kia, mùa đông vẫn chưa qua, cái giá lạnh của miền New Jersey  Hoa Kỳ vẫn không làm chùn bước nhà văn Trần Hoài Thư.

Hàng đêm, người ta vẫn nhìn thấy một ông già gầy gò, cận thị với mái tóc bạc, vừa chăm sóc người vợ bị đột quỵ, vừa cần mẫn bên trang sách để lưu giữ nền văn chương Miền Nam cho hậu thế với một tâm hồn trong sáng vô vị lợi trong một xã hội thực dụng như ngày nay là một việc làm đáng kính, đáng trân trọng.

Ông xứng đáng với cách gọi trìu mến của người đương thời, người “khâu di sản văn chương Miền Nam”.

Bên trong nước, mấy năm gần đây có một bạn trẻ Nguyễn Trường Trung Huy ở Sài Gòn cũng dày công sưu tầm Văn học Miền Nam và bộ sưu tập của bạn ngày một đồ sộ đáng cho ta kinh ngạc, đó là một kỳ công. Tôi tin rằng, trên đất nước Việt Nam này có nhiều người thầm lặng âm thầm tìm kiếm, lưu giữ một nền văn chương nhân bản mà ta tưởng rằng đã chết sau năm 1975. Ngày nay, giới nghiên cứu văn học trong nước đang ngày càng tìm kiếm để nghiên cứu, mới đây trong một đề thi luận văn bậc trung học phổ thông, có một giáo viên đã đem bài thơ “Ta về” của Tô Thùy Yên cho học sinh bình giảng, với những câu thơ đầy tính nhân văn: “Ta về như lá rơi về cội/Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc biển dâu này”. Tuy đây chỉ mới là một hành động đơn lẻ nhưng đó là một tín hiệu vui.

Tôi tin rằng, sẽ không còn bao lâu nữa dòng Văn chương Miền Nam (1954-1975) sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường, nó xứng đáng được trả về với đúng vị trí của nó trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại, không ai và không một thể chế nào có thể bôi xóa một thời đại lịch sử của nước nhà. Giữ gìn, bảo tồn và chia xẻ Văn học Miền Nam cho đời sau là trách nhiệm của chúng ta, của tôi và các bạn những người yêu tiếng Việt, những người yêu văn chương Việt Nam.

BAN MAI

Quy Nhơn, 01.01.2022


(1) “Níu một đời”, “giữ một thời” cách nói của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

(2)  Tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM của nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã sưu tầm và in lại hàng trăm tác phẩm giá trị, đáng kể nhất là bộ THƠ MIỀN NAM gồm 5 tập với tổng cộng khoảng 3500 trang và bộ VĂN MIỀN NAM 4 tập với tổng cộng khoảng 2400 trang. 

(3) Tiểu sử Trần Hoài Thư theo blog Phạm Cao Hoàng, đã được tác giả kiểm chứng.

(4) Trích phần giới thiệu “Thơ Miền Nam trong thời chiến” của nhà phê bình Đặng Tiến.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 81428)
"Tôi mang đất nước tôi trong tim như một chàng trai mang chiếc bào thai đôi. Đó là sự nối kết dị thường. Nối kết với quê hương tôi và vì vậy bào thai đôi này phải được che đậy, bóp nghẹt, công nhận và cũng đồng thời bị từ chối. Thế là ta mang nó như mang một đứa trẻ đã chết. Sự nối kết dị thường buộc tôi phải có mối quan hệ với một đất nước khác.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 90377)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 83662)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93450)
Khảo sát trên những văn bản tác phẩm của Trần Vũ, tôi thu được một kết quả khá thú vị: có tổng số 13 trên 27 truyện ngắn mà trong đó có sự hiện diện hình ảnh của những cơn mưa. Điều này đủ để nói lên rằng mưa chiếm một vị trí nhất định trong ký ức của anh ― có thể nói gần như một nỗi ám ảnh.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89126)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86505)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 80689)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85154)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 99546)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29505)
Như cụm từ "thơ hiện đại", "thơ trẻ" là hạn từ có thể được sử dụng cho một nền thơ, ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kì đất nước nào. Việt Nam không là ngoại lệ. Từ thập niên 60, 70 và vân vân… Nhưng có lẽ Thơ Trẻ được dùng với tần số cao là khoảng thập niên 90 của thế kỉ XX. Từ đó, nó xuất hiện ngày càng đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong giới khoa bảng. Đậm đặc và lạ.