- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TỪ ANH HÙNG “ILIA MUROMET” TỚI QUÁI VẬT “LEVIATHAN”

28 Tháng Mười Một 20219:39 CH(Xem: 9574)


Cảnh phim Léviathan thế kỷ XII
Ảnh: Cảnh phim về Léviathan thế kỷ XII

Mai An Nguyễn Anh Tuấn      

TỪ ANH HÙNG “ILIA MUROMET”
TỚI QUÁI VẬT “LEVIATHAN” 
    

(Xem bộ phim Nga “LEVIATHAN” 2014)      

 

Xem xong phim “LEVIATHAN”, tôi nhớ tới bộ phim màu Liên-xô “ILIA MUROMET” từ hơn nửa thế kỷ trước và chợt nghĩ: nhiều người có tuổi thơ đã từng say mê dán mắt trên màn ảnh bộ phim quay về một câu chuyện cổ tích Nga nọ, nếu hôm nay được xem bộ phim Nga hiện đại “LEVIATHAN” dựa theo câu chuyện về một quái vật thần thoại trong Kinh Thánh, chắc sẽ bàng hoàng, ngỡ ngàng đến đau đớn… Cái vẻ đẹp phi thường của dũng sĩ huyền thoại Nga chiến thắng rồng lửa nhiều đầu để bảo vệ hạnh phúc dân lành giờ đã biến mất tăm, chỉ còn lại trên đất nước hùng vĩ ấy sự thống trị & lộng hành của cái ác, sự giả dối đáng kinh tởm, trở thành lãnh địa của những kẻ ngang nhiên chà đạp lên quyền sống người lương thiện, bên đống xương mục của Cá Ông voi,Vua Biển cả - vết tích sót lại của một thời cổ tích tựa ánh tàn của mơ ước Con người từ ngàn xưa đang hấp hối…

“Leviathan” là bộ phim truyện thứ tư của đạo diễn Nga Andrei Zviaguintsev, được sự hỗ trợ tài chính của Bộ Văn hóa LB Nga, đã đoạt giải kịch bản phim xuất sắc nhất tại LHF Cannes 2014, và sau đó đoạt hàng chục giải thưởng danh giá tại các Festival Film khác. Tôi xin được nói qua đôi nét về mặt nghệ thuật điện ảnh, góp phần lý giải phần nào vì sao phim đã thành công đến vậy!

Câu chuyện phim khá đơn giản: Người chủ xưởng sửa xe Kolia mời luật sư Dmitry, một người mà anh coi như anh em ruột thịt từ Moskva tới giúp anh chống lại việc cướp đoạt cơ ngơi của gia đình anh. Dmitry có trong tay một hồ sơ đặc biệt có khả năng gây áp lực lên viên thị trưởng Vadim. Trước đe dọa của Dmitry, Vadim triệu tập bọn “mafia” của hắn vào cuộc… Còn Kolia hết rơi vào thất bại này đến thất bại khác; các quan hệ vợ chồng, bạn hữu, láng giềng, cha con lần lượt đổ vỡ, anh chỉ biết dìm nỗi buồn và mặc cảm của mình trong rượu. Ngôi nhà và khu đất bị tước đoạt trắng trợn, bạn bè thân tín phản bội; và sau khi vợ chết một cách bí ẩn, Kolia đột ngột bị khép tội giết vợ rồi lập tức bị tống giam, bị kết án 15 năm tù bởi một bản án đã chuẩn bị kỹ lưỡng!

Nhưng từ đường dây truyện phim đó, các nhà làm phim đã triển khai và lồng ghép một cách sáng tạo các hệ thống hình tượng - biểu tượng mang tính triết học & chính trị lịch sử, liên quan đến Huyền thoại và Tôn giáo, khiến cho phim có được một vóc dáng đặc biệt, hiếm thấy trong nền điện ảnh hiện đại.

 “Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới”, mục “Léviathan”đã cho biết rất rõ: Léviathan là loại quái vật chớ nên đánh thức dậy, nó đại biểu cho sự hỗn mang nguyên thủy trong thần thoại của xứ Phénicie. Trong Kinh Cựu ước, Leviathan được nhắc tới nhiều lần, là tên của loài thủy quái điển hình của các sức mạnh chống lại Chúa. Trong các chuyên luận về triết học chính trị (tiêu biểu là tiểu luận ‘‘Leviathan’’của nhà triết học Thomas Hobbes(1)), Léviathan thường tượng trưng cho Nhà nước - cái Nhà nước tự ban cho mình quyền lực tối cao tuyệt đối, sánh ngang Chúa trời, tựa một con quái vật độc đoán, tàn ác, chuyên quyền, mặc sức hoành hành không chút từ tâm(2). Theo đạo diễn Andrei Zviaguintsev, trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI tiếng Nga sau khi phim được trao giải tại Cannes, các nhà làm phim đã tạo ra phim “Leviathan” dựa trên hai nền tảng: cuốn sách về Job trong Kinh Cựu ước - đặc biệt với cảnh Chúa Trời nói chuyện với Job, và tiểu luận Thomas Hobbes (3).

Bối cảnh phim được chọn lựa rất khôn khéo và chính xác: đó là một thành phố đang ngổn ngang xây dựng, với bụi mù và phế tích - những con tàu bị bỏ chơ vơ, cầu đổ gãy…  bên một bờ biển khá hoang vu xa Thủ đô, nhằm cực tả một xã hội hiện đại mang bóng dáng Ngày Tận thế trong Kinh Thánh.

Trong bối cảnh đặc biệt ấy, mối liên hệ giữa Tỉnh lẻ và Trung tâm đã được kết nối chỉ qua nhân vật luật sư Dmitry. Nhưng những “bí mật chết người” chứa đựng quyền lực của Trung tâm do Dmitry mang đến, tới nơi đây chỉ có tác dụng khấy động vũng lầy chút ít, rồi lại giúp lũ người nắm quyền lực thêm gắn kết với nhau và thêm quyết tâm thực thi bất kỳ tội ác nào! Tình tiết viên Thị trưởng Vadim và đồng bọn lừa Dmitry tới chỗ vắng để dọa nạt anh (bằng phát súng chỉ thiên và mấy cái đấm đạp) cho thấy một điều: Thành phố nọ là “vương quốc” riêng “bất khả xâm phạm” của các lãnh chúa đời mới này, và quyền lực ở Trung tâm hóa ra chỉ là chỗ cho chúng lợi dụng hoặc cười nhạo! Nhân vật luật sư Dmitry xuất hiện tới hơn nửa phim thì lặng lẽ lên tàu về Thủ đô, mất hút cho tới kết phim, người xem thầm hiểu rằng: với sự đe dọa nhẹ nhàng song kinh khủng đó (và rất có thể có cả sự mua chuộc hậu hĩnh nữa), với mặc cảm tội lỗi đối với bạn (ăn nằm với vợ yêu của bạn), Dmitry sẽ phải gục ngã, chạy trốn khỏi vụ kiện cáo đã chuẩn bị mà anh tin chắc rằng đã nắm được “thóp” viên thị trưởng đốn mạt trong tay! Với kinh nghiệm và trí thông minh, cùng sự nếm trải vừa qua, Dimitry tất hiểu rõ: quyền lực của Vadim tại nơi này là vô hạn, không có đối thủ, và có khả năng điều khiển cả Trung tâm!

Và có một mối quan hệ cũng làm nên xương sống triết lý bộ phim: đó là Thiên chúa giáo cổ truyền ở Nga (tức Chính thống giáo) và Thiên Chúa giả mạo hiện tại (mà họ cũng tự xưng là Chính thống giáo) được bọn cầm quyền thành phố dùng làm bình phong cho mọi hành động ám muội của chúng (“Lạy Chúa, nó đã biết nó đụng phải vào ai!” - lời viên Thị trưởng).

Trong phim, bên cạnh hình tượng Thủy quái khổng lồ luôn ám ảnh số phận các nhân vật, Chúa và  Kinh Thánh cũng được nhắc tới nhiều, và phim có cảnh dựng thực quy mô về Lễ Thánh… Và Thiên Chúa đã sống động trong hình tượng nhân vật - đó là ông linh mục nghèo xứ đạo nhỏ, tâm hồn trung thực, luôn nói về thánh Job và sự nhẫn nhịn; đó là viên cố đạo của thành phố Pribrezhny  một thứ tay sai của chính quyền thối nát). Gần cuối bộ phim, có một trường đoạn rất dài miêu tả một buổi giảng đạo thật sự của ông ta, những người dự lễ (trong đó có viên Thị trưởng và vợ con hắn) say sưa nuốt từng lời răn dạy của Đức chúa Cha - thông qua những lời lẽ đầy giả dối khiến người xem tởm lợm và buồn nôn! Sự giả dối đó của bản chất viên cố đạo và những lời rao giảng của ông ta đã được các nhà làm phim cài cắm tinh tế qua những tình tiết trước đó: mấy cuộc gặp riêng của ông ta chiêu đãi và khuyên Vadim (với những lời của ông thầy lũ kẻ cướp, như: “Mọi quyền lực đều do Chúa ban cho ta, và ở đâu có quyền lực, ở đó có sức mạnh. Con chính là quyền lực trong địa phận con cai quản thì tự con phải giải quyết vấn đề địa phương của con, bằng chính quyền lực và sức mạnh của con”), và lộ rõ qua hàng loạt hành động của bọn cầm quyền nhằm hạ gục anh thợ Kolia và người vợ trẻ Lilia để chiếm đoạt đất đai. Dù ông linh mục nghèo chỉ xuất hiện trong một trường đoạn duy nhất, các nhà làm phim cũng cho thấy cảm tình của đông đảo người dân bình thường, lương thiện đối với Thiên chúa giáo cổ truyền Nga, và đủ sức đối lập với bọn mặc áo thầy tu hiện đại có vẻ mặt đạo mạo, trang trọng, nhưng tâm hồn đã bán đứt cho quỷ sứ!

Như vậy, về Tôn giáo, rõ ràng là các nhà làm phim bênh vực Thiên Chúa giáo cổ truyền, đối lập với thứ Tôn giáo tự xưng “Chính thống giáo” của những người là “sân sau” của chính quyền hủ bại - chính cái tôn giáo giả mạo đó đã nuôi dưỡng “Quái vật Leviathan” hiện đại!

Hình ảnh chiếc máy xúc phá nhà Kolia tựa cái miệng tham lam của quái vật khổng lồ gần cuối phim đã được tham chiếu với bộ xương Cá ông Voi trơ trọi, đáng thương được miêu tả vài lần trong phim đã biểu tượng cho sự đắc thắng của Quái vật hiện đại đối với mơ ước trong thần thoại nguyên thủy về “sự đồng nhất sâu sắc, lâu đời giữa thiên nhiên và con người, giữa tự nhiên và lịch sử”(4)!

Tranh về Léviathan thế kỷ XII

Trong một bài phê bình phim dài và uyên bác: “BA CON CÁ VOI. “LEVIATHAN”, ĐẠO DIỄN ANDREY ZVYAGINTSEV” của tác giả A. Dolin trên tạp chí Nga “Nghệ thuật điện ảnh” (Phan Bạch Yến dịch), nhà phê bình có khẳng định: “Trong phim có ba “Leviathan”: - “Leviathan” đầu tiên là bộ xương cá voi bên bờ biển, nơi cậu thiếu niên Romka trốn khỏi nhà chạy ra ngồi - “Leviathan” thứ hai được nhìn thấy trên mặt biển từ một vách đá bởi người mẹ kế Lilya của cậu: lưng của một con thủy quái nhấp nhô trên những con sóng dập dồn là hình ảnh cuối cùng cô nhìn thấy trước khi chết -  “Leviathan” thứ ba là nhân vật trung tâm mà Cha Basil, linh mục địa phương, đã trích dẫn từ Kinh thánh cho Nikolai”(5).

Nếu coi Cá voi (ở phim chỉ là bộ xương) là một biểu tượng (hay hiện thân) của “Leviathan”, thì có đúng không? Bởi, ở đoạn trên đã xác nhận khẳng định của các nhà bác học Pháp: “Léviathan thường tượng trưng cho Nhà nước - cái Nhà nước tự ban cho mình quyền lực tối cao tuyệt đối, sánh ngang Chúa trời, tựa một con quái vật độc đoán, tàn ác, chuyên quyền, mặc sức hoành hành không chút từ tâm”. Trong khi đó, cũng theo “Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới”, trong huyền thoại về nhà tiên tri Jonas, Cá voi (Baleine) là con tàu cứu sinh của Noé trong trận Đại Hồng thủy; trong truyền thuyết đạo Hồi, Cá voi liên quan tới nguồn gốc vũ trụ: thượng đế sai thiên thần vác trái đất trên vai lúc nó sinh ra, để thiên thần có chỗ đặt chân, thượng đế tạo một hòn đá xanh, đặt trên lưng một con bò đực có bốn mươi ngàn đầu và chân thì lại đặt lên một con Cá voi khổng lồ… “Cá voi, cũng như một số con vật khác như cá sấu, voi, rùa, là biểu tượng vật đỡ thế giới, là thành viên lớn của vũ trụ”(6). Từ điển trên còn nói về tục thờ cúng Cá Ông Voi ở Việt Nam…

Còn “Leviathan” thứ hai được nhìn thấy trên mặt biển, lưng của một con thủy quái nhấp nhô, thì sao? Theo tôi, các nhà làm phim đã ngầm nói về một quái vật “Leviathan” không nhìn thấy bằng mắt, mà từ truyền thuyết, trong lời của linh mục giảng Kinh thánh… nó đã thâm nhập vào đời sống - trong gian phòng làm việc của Thị trưởng Vadim với ảnh lãnh tụ sau lưng, trong những lời lẽ đe dọa của Thị trưởng với cấp dưới-đồng bọn và với người hắn sẽ đè bẹp bằng mọi giá khi đụng chạm tới quyền lợi & quyền lực của hắn. Mặc dù chính quyền trong phim Leviathan vẫn nhân danh chính quyền dân chủ, có luật pháp, song người xem thấy rõ đó là chính quyền sẵn sàng đạp lên luật pháp, và ngang nhiên tự vỗ ngực: “Chính tao là luật pháp, và được Chúa che chở”! Đó là thứ quyền lực của kẻ cầm quyền trong xã hội hiện đại mang chất man rợ nguyên thủy, giống Leviathan - biểu tượng của địa ngục trong Kinh Thánh, dường như bất khả xâm phạm, có lẽ chỉ bị tiêu diệt trong ngày Tận thế…

Nhà phê bình A. Dolin còn nhận định: “Tất cả quyền năng đều đến từ Đức Chúa Trời” – câu trích dẫn từ Sứ đồ Phaolô, được phổ biến rộng rãi và đã bị xuyên tạc, từ miệng của ông ta là sự hợp pháp hóa tình trạng vô luật pháp và bạo lực được thực thi bởi viên thị trưởng, không chỉ là sự dung túng, nhắm mắt làm ngơ, mà còn vì lợi ích của nhà thờ”. Song từ đó, tác giả lại viết: “Điều quan trọng nhất, hoàn toàn có thể đọc được là thông điệp của người làm phim - phát hiện ra nguyên nhân sâu xa của bạo lực và vô luật pháp không phải ở những hình hài cụ thể của những người cai trị, mà là sự chấp thuận ngầm và ủng hộ tích cực về những gì đang xảy ra bởi cơ quan quyền lực cao nhất - Nhà thờ Chính thống Nga”(7). Theo tôi, điều đó không chính xác! Nhà thờ thời hiện đại không còn giữ vai trò “nhân vật chính” và tuyệt đối trong chính trị, văn hóa và kinh tế của xã hội như Công giáo La Mã thống trị tinh thần châu Âu thời trung cổ nữa. Viên cố đạo tự xưng Chính thống giáo - người ở nhà riêng của con chiên hay trong nhà thờ luôn rao giảng: “sức mạnh trong sự thật và Tình yêu”, “lên án sự dối trá giả danh sự thật” đó thực ra là một thứ “tay sai”, là “sân sau” của chính quyền thối nát!

 

Chính quyền đó, đại diện là viên Thị trưởng - kẻ với bản tính khôn ngoan như sói và hung dữ như quái vật trong truyền thuyết, sẵn sàng bóp chết mọi sự chống đối mà vẫn tồn tại trong lòng dân chúng mê muội như một nhà lãnh đạo Kính Chúa - Thương Dân! Hắn cùng với quyền lực như “Chúa trời” đó mới là hiện thân của Leviathan, mới là cốt lõi ý ngầm của người làm phim!

 

Trong Wiki Nga giới thiệu về bộ phim “Leviathan” có dẫn nhận định của nhà nghiên cứu văn hoá Nga Boris Paramonov về sự liên hệ giữa Leviathan trong phim và cuốn sách của triết gia Hobbes: hình tượng bộ xương cá voi trên bờ biển phản ảnh thực tế khắc nghiệt: nhà nước (chính quyền, thần quyền và xã hội dân sự) với chức năng cao cả là hướng dẫn và bảo vệ con người nơi trần thế ĐÃ CHẾT trong xã hội Nga hiện đại, nơi chỉ có sự lộng quyền của những kẻ tội phạm đang ngự trị(8)!

 

***

“Leviathan”, từ một bi kịch gia đình, các nhà làm phim đã “xuyên táo” vào các vấn đề xã hội Nga hiện tại - sự thối nát cùng cực của hệ thống cầm quyền, sự liên kết ma quỷ giữa Chính quyền và Thần quyền, sự xa rời & đánh mất bản chất tốt đẹp của Thiên Chúa giáo cổ truyền Nga, nỗi khốn khổ của người lao động lương thiện trong hệ thống cai trị lũng đoạn đó… Hồi chuông nhà thờ ngay gần kết thúc phim đã kết nối với âm nhạc trong suốt générique cuối đã tựa một hồi chuông báo động ghê sợ cảnh báo cho loài người về Cái ác đang lên ngôi, và gợi niềm mơ ước mãnh liệt về sự xuất hiện của những Anh hùng cứu thế ILYA MUROMET mới!

___________

1.Thomas Hobbes (1588 – 1679) - triết gia chính trị Anh được xem là cha đẻ về nhà nước hiện đại, trong tiểu luận nổi tiếng ‘‘Leviathan’’ đã đặt vấn đề về con người trước khi có nhà nước và pháp luật, mà do bản chất tự do, con người không ai sợ ai cả, và đó là tình trạng “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”, con người sống trong sự nghi kỵ lẫn nhau,  “con người là chó sói của con người”. Cách duy nhất để con người có thể sống được được với nhau là phải thiết lập một quyền lực phổ biến, tức nhà nước, trong đó con người phải thống nhất với nhau bằng một “ khế ước xã hội”. Thông qua khế ước đó, mỗi cá nhân phải từ bỏ cái quyền tự do muốn làm gì thì làm, và “ ủy thác” cái quyền đó cho kẻ cai trị, tức nhà nước, theo Hobbes, quyền lực nhà nước phải không có giới hạn, ông đã so sánh với Leviathan… Tư tưởng của Hobbes đã làm nền tảng cho các chế độ chuyên chế độc tài, sau này bị phê phán bởi các triết gia thời Khai sáng (Tổng hợp từ vài nguồn tư liệu. Tham khảo thêm: https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Leviathan_(sách_Hobbes).

2. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant. Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng 2015, tr.507, mục “Léviathan”.

3.https://www.facebook.com/groups/401373087741634/permalink/586320892580185.

4. E.M. Melettinsky. Thi pháp của huyền thoại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2004, tr.387.

5,7. https://www.facebook.com/groups/401373087741634/permalink/591340838744857

6. Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Sđd, tr.122.

8. https://ru.m.wikipedia.org/wiki/Левиафан_(фильм,_2014)

 

(Ảnh: Cảnh phim & Tranh về Léviathan thế kỷ XII).

 

***

Một số giải thưởng cho phim LEVIATHAN:

1./ Giải Quả cầu vàng cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất

2./ Liên hoan phim Cannes lần thứ 67:

- Kịch bản hay nhất - Andrey Zvyagintsev và Oleg Negin

- Để cử “Cành cọ vàng” cho phim

3./ Liên hoan phim quốc tế Munich lần thứ 32

- Giải phim nước ngoài hay nhất

4./ Liên hoan phim châu Âu Palic (Serbia)

- Giải thưởng lớn

5./ Liên hoan phim London

- Giải thưởng Phim hay nhất

6./ Liên hoan phim quốc tế lần thứ 22 về Nghệ thuật quay phim, Camerimage, Bydgoszcz, Ba Lan

- Giải chính "Ếch vàng" – cho Mikhail Krichman

V.v

(Theo: https://www.facebook.com/groups/401373087741634/?multi_permalinks=589510525594555&notif_id=1637678319564588&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tư 202410:16 SA(Xem: 385)
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả, Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò.
15 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 664)
Thế nào gọi là tiểu-thuyết-mới (Nouveau Roman). Đó là câu hỏi của những người chuyên viết về tiểu thuyết và những người thường đọc tiểu thuyết. Giữa hậu bán thế kỷ XX; một phong trào văn chương thuộc thế hệ trẻ Pháp như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute, Pierre Bourdier…được tung ra giữa “thị trường” văn học thời ấy vào đầu thập niên 1962,cái gọi là Tiểu-Thuyết-Mới, lập tức phong trào nầy được khám phá ngay, không những ở Pháp mà ngay một vài nước khác trên thế giới,Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng phong trào thời thượng lúc đó, kể cả bộ môn nghệ thuật khác, tuy không rực rở nhưng đã hội nhập được với trào lưu thời bấy giờ…
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 3198)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2638)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 3322)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 3142)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2795)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.
22 Tháng Mười Hai 202312:10 CH(Xem: 3819)
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối, Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang: Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi, Từng con sông từng huyết lệ lan tràn…
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 4377)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).
01 Tháng Mười Một 202312:55 SA(Xem: 4231)
Hun Sen đã chính thức chuyển quyền cho con từ ngày 22/8/2023. Tuy Hun Manet là Thủ tướng mới nhưng Hun Sen vẫn có một ảnh hưởng gần như tuyệt đối từ phía sau hậu trường. Hun Sen viết trên trang Facebook – “Đây chưa phải là kết thúc. Tôi còn tiếp tục phục vụ ở những cương vị khác ít nhất cũng tới năm 2033” (tức là mười năm nữa, lúc đó Hun Sen 81 tuổi). Tìm hiểu về giới lãnh đạo bao gồm hai thế hệ Cha và Con của chính trường Cam Bốt hiện nay và ít ra trong 10 năm tới thiết nghĩ là điều rất cần thiết.