- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“MÊ THẢO” CHỐNG LẠI “THỜI VANG BÓNG”

12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9897)
MeThao
Diễn viên Minh Trang (vai Cam) trong phim Mê Thảo-Thời vang Bóng

 

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

“MÊ THẢO” CHỐNG LẠI “THỜI VANG BÓNG”

(Xem phim “Mê thảo - thời vang bóng” của đạo diễn Việt Linh)

 

Một cái tên phim lạ khá hấp dẫn, lại được làm theo truyện của một tác giả văn học đại thụ, được tuyên truyền quảng cáo nhiều từ vài năm nay, lại của một đạo diễn nữ đã từng gặt hái thành công ở một vài liên hoan phim trong nước và quốc tế… Đó là những điều đã dẫn tôi đến rạp mua vé xem bộ phim: “Mê Thảo – Thời vang bóng”.

 

Trong cái không khí có nhiều phim “cúng cụ” ra đời để phục vụ kịp thời những ngày lễ kỷ niệm rồi sau đó vội vã nhét vào kho và những cuộc cãi lộn trên báo chí nổ ra ( để nhằm khẳng định phim mình hay, và cũng là một cách để quảng cáo cho bộ phim đã bị công luận “khai tử”), phải, trong cái bối cảnh đó tôi đi xem “Mê Thảo” với một tâm lý dễ chịu hẳn. Bộ phim được làm chỉn chu, kỹ lưỡng, không có những hạt sạn đáng tiếc khiến khán giả suýt “gãy răng” như không ít phim điện ảnh và truyền hình của ta hay mắc phải. Âm thanh nổi, ánh sáng đẹp, khuôn hình gọt tỉa, bối cảnh phục trang hợp lý, âm nhạc sử dụng đắt, diễn viên có nghề, v.v. Có thể nói đây là một bộ phim truyện nhựa xứng với “đồng tiền bát gạo” bỏ ra.

 

Nhưng, nhiều khán giả (có người đã phát ngôn trên báo chí) - trong đó có tôi, khi xem bộ phim lại không thấy xúc động. Tôi cũng ngạc nhiên và tự hỏi: có phải mình đã chai lỳ cảm xúc? Hay là vì trong khi xem, mình cố tìm xem những chỗ nào trùng khớp hay không trùng khớp với nguyên tác của nhà văn Nguyễn Tuân? Hay là phim làm theo kiểu hiện đại quá, không phù hợp với khả năng thưởng thức của mình?

 

Để có thể tự trả lời được một cách thật khách quan những câu hỏi rắc rối tơ vò trên, tôi đã đọc lại toàn bộ tác phẩm “Chùa Đàn”, rồi mua vé xem lại “Mê Thảo” lần nữa, cùng với đôi ba người bạn ưa tranh cãi.

 

Thế rồi, một câu hỏi mới đã chợt bật ra với tôi: bộ phim được làm ra để làm gì, nhằm tới cái đích gì trong tâm tưởng người xem?

 

Cơ sở nội dung để các nhà làm phim sử dụng cho “Mê Thảo” là chương II, cốt lõi truyện “Chùa Đàn” (Trong “Vang bóng một thời”): “Tâm sự của nước độc” được viết trong năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tuân lại viết thêm phần I và phần III cho tác phẩm để lý giải thêm, đúng hơn là “chiêu tuyết” về mặt tư tưởng cho nội dung thiên truyện; và việc làm đó đã được một giáo sư chuyên gia hàng đầu về tác giả Nguyễn Tuân nhận xét: “đó là lời lý thuyết ồn ào” (1) Chính nhà văn Nguyễn Tuân trong một bài viết nhìn lại sáng tác của mình trước cách mạng đã khẳng khái tự thừa nhận: “Chùa Đàn nguyên là một truyện thần bí quái dị, rút ở tập “Yêu ngôn” phản khoa học, phản tiến bộ. Chuyện ấy là chuyện một địa chủ điên loạn trong hưởng lạc, muốn sống một cách dâm bạo, như cái kiểu của Musset: “máu, khoái cảm, và chết”… Sáng tác vô chính trị “Chùa Đàn” là một tội lớn đối với Cách mạng Tháng Tám”(2). Nếu bác Nguyễn có sống lại, thì bên cạnh dũng khí của nhân cách lớn đó sẽ có thêm sự kính nể, bác sẽ lại vái dài những người làm phim và Hội đồng duyệt phim Quốc gia vì đã dám phạm vào “vùng cấm” mà cho đến ngay lúc này, cái bệnh “cầm đèn chạy trước ô tô”, “bảo hoàng hơn vua”, “cái gì cũng sợ” còn nặng nề lắm trong tâm lý những người “cầm cân nảy mực” ở cái lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt quần chúng là Điện ảnh! Ô hay, thế ra cái việc duyệt phim ở ta giờ cũng thoáng thật! Nhưng thôi, ta hãy quay về phim, quay trở về với lòng dũng cảm quyết “liều chiến” của nữ đạo diễn Việt Linh. Và ta thử xem chị đã làm thế nào để biến “nước độc” thành “nước lành”, để chị có thể đem phim đi nước này nước nọ trình chiếu như một thứ “căn cước tài năng và lòng yêu dân tộc” của mình.

 

Tôi nghĩ, việc đầu tiên, tốt hơn cả là hãy bám lấy nhân vật chính – địa chủ ấp Mê Thảo họ Nguyễn. Trong phim, trừ đoạn đầu ở thành phố đi nghe hát và tình cờ chứng kiến một cuộc ngộ sát, ông chủ Nguyễn từ đó cho đến hết phim đã hiện ra như một hình nhân thế mạng cho một ai đó, biểu tượng cho sự khùng điên, man rợ, độc đoán; ở ông ta chất chứa những ẩn ức mà nổi bật là ẩn ức sinh lý không được giải tỏa… Tất cả những điều đó được lý giải bởi một tình huống duy nhất: người vợ yêu sắp cưới bị tai nạn đổ ô tô - bằng chính cái ô tô quà cưới của ông ta dành cho vợ yêu! Từ đó, ông ta căm ghét văn minh cơ khí, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến tiện nghi hiện đại. Những hành động của ông ta (buộc mọi người trong ấp phải thiêu hủy đồ dùng sản phẩm công nghiệp, việc đặt lệ: người vào ấp phải bỏ lại tư trang thành thị ngoài trạm gác, v.v), nếu ở trong truyện, chúng được phủ lên bằng một không khí âm u ma quái đượm màu sắc “Liêu trai” - thì ở phim, chúng lại được miêu tả một cách cụ thể đến trần trụi, thậm chí cả việc ông ta “làm tình” thực sự với bức tượng gỗ! (chi tiết này không có trong truyện). Tất cả những cái đó nhằm minh họa cho tính cách (hay tình trạng nhân cách) của ông ta: nửa người nửa ma quái, nửa phần cõi dương nửa phần cõi âm, và chúng hoàn toàn không đủ thuyết phục rằng ông ta có thể lại phục hồi được lương tri nhờ nghe tiếng hát của cô đào Tơ ở cuối phim!

 

Nếu tỉnh táo đọc lại những trang “Chùa Đàn” hôm nay, với cái nhìn độ lượng của thời gian, chúng ta càng dễ nhận ra: ở đằng sau sự sa đọa, lỗi thời, thần bí, điên loạn của một thời đại mà người nghệ sĩ dù có cá tính sáng tạo mạnh đến mấy cũng khó lòng vượt qua được, vẫn có một cái gì đó le lói mang giá trị nhân bản đích thực. Ngay trong văn bản “Tâm sự của nước độc” mà “Mê Thảo” dựa vào cũng còn có nhiều tình tiết uẩn khúc mà người làm phim bỏ qua hay không tiếp cận nổi! Trong phần III của “Chùa Đàn” là “Mưỡu cuối”, Nguyễn Tuân viết: “Lịnh (trong phim là ông chủ ấp họ Nguyễn – người viết chú thích) chỉ đổi đi cái đối tượng mê mải - người Lịnh lúc nào cũng chứa nỗi say đắm một cái gì - và hướng dục vọng mình vào một phía mới nào nó rộng rãi và đúng nghĩa hơn. Lịnh vẫn là một người say đắm cái đẹp…”(3) Dù phần III này chỉ là một sự “vá víu” khiến GS. Nguyễn Đăng Mạnh thốt lên: “Nguyễn Tuân sao mà nông nổi đến vậy!”(4) thì chúng ta vẫn thấy ở đằng sau cái “nông nổi” ấy là một nhân cách nghệ sĩ đáng trọng, không thể và không dám dìm chết nhân vật mình yêu quý trong vũng bùn sa đọa vĩnh viễn!

 

Còn trong phim thì sao? Tôi đã dần hiểu ra những mắc mớ của mình. Phải, như vậy rõ ràng là người xem phim khao khát muốn được tìm thấy ở đằng sau những vẻ điên dại, hành động ngược đời (và trái với cả nhân tính kia) một cái gì đó thổn thức của lương tri, của một trái tim “say cái Đẹp”, nỗi thèm muốn thoát khỏi sự tù túng chật hẹp và những nỗi bất công chẳng nhỏ chút nào do chính anh ta tạo ra cho đồng loại ấp Mê Thảo khiến anh ta từng phải xót xa ân hận… Nhưng không, khán giả không hề tìm thấy một chút bóng dáng nào của những thứ kể trên khiến nhân vật chính có thể có được một vẻ đáng yêu nhất định, một sự cảm thông đượm thế thái nhân tình nơi người xem. Cảm giác bao trùm đối với nhân vật ấy kể từ cuốn phim thứ hai trở đi cho đến hết tám cuốn sau là một sự ghê rợn, kinh sợ. Người xem buộc phải trở lại câu hỏi day dứt: vậy bộ phim được làm ra để làm gì? Cả một bộ phim tốn kém dài hơn trăm phút không lẽ chỉ nhằm đưa ra một lời khuyến cáo đơn giản sau cùng và cũng đầy khiên cưỡng: “mọi sự mê muội đều phải trả giá”? Phải chăng, ngoài những ấn tượng phản thẩm mỹ và phản đạo lý kia ra, bộ phim chỉ cần đạt được sự giới thiệu dân tộc học về Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX: những phụ nữ mặc váy yếm, những điệu hát ca trù, những chiếc đèn giời, sinh hoạt của giới địa chủ, nghề làm tơ tằm, những cuộc biểu diễn nghệ thuật truyền thống… Xem xong phim, nhiều người cũng có tâm trạng như tôi, thấy thiêu thiếu một cái gì… Hóa ra, cái thiếu đó chính là ngọn lửa ở bên trong tác phẩm, là cái thái độ ngay thẳng bênh vực con người, là cái thông điệp về nhân sinh ngầm sâu mà những người làm phim cần gửi đến người xem qua hàng loạt những hỉ, nộ, ái, ố, những cảnh sắc, những trang phục và diễn xuất… Vâng, rất buồn mà buộc phải nói rằng, những cái đó ở bộ phim này rất lộn xộn, mờ nhạt nếu như không muốn nói là chúng không có. Tiếng hát của cô Tơ cùng tiếng đàn “chảy máu năm đầu ngón tay” của quản Tam dù có rung động lòng người dẫn đến cái chết cứu mạng ân nhân của Tam cũng không giúp gì nhiều cho phim khi phim đã không có cái cột trụ vững chắc là một tư tưởng nghệ thuật sâu sắc.

 

Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng! Xem ra, cô là nhân vật có nhiều hy vọng mong được gửi gắm của những người làm phim. Có người viết phê bình bộ phim đã ví cô câm này với hình ảnh những cô gái nghèo trong cổ tích yêu hoàng tử, với cô Thoa trong truyện của Thế Lữ, cô Trâm trong truyện của Nhất Linh, cô Xoan trong truyện của Nguyễn Đình Thi… Tác giả đó quả là yêu quý nữ đạo diễn mà quá lời. Xin hãy bình tĩnh để suy xét. Nếu như Nguyễn Tuân mượn tiếng đàn của nhân vật giải tỏa nơi con người “cái tâm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng”(5) bằng chữ nghĩa và sự tưởng tượng nơi người đọc thì trong phim, các tác giả đã làm công việc hiện hình cái “tâm tức sinh lý” ấy một cách trần trụi, nó lại được ánh sáng trau chuốt, ống kính cận cảnh vào đặc tả kèm tiếng động chân thực ( thông qua cái nhìn của cô câm) làm tôn lên nhiều lần cái cảm giác thú vật từ nhân vật hòng lây lan sang khán giả. Nếu có ai dám nói đó là thành công thì nên hiểu rằng đó là một điển hình thành công của một cuộc “thủ dâm” bằng điện ảnh!

 

Còn có thể nói thêm nữa về phim qua những nhân vật khác: cô Tơ, anh quản Tam, ông bõ… Nhưng như vậy cũng đủ để cho tôi tự giải đáp cái băn khoăn của mình: vì sao phim không làm tôi xúc động, ngược lại, còn gây phản cảm? Với một tác giả văn xuôi “phức tạp” như Nguyễn Tuân (chữ dùng của GS. Nguyễn Đăng Mạnh), mà “Chùa Đàn” lại là truyện được chính tác giả xếp vào cùng với những truyện huyền bí, như  “Xác Ngọc Lam”, “Loạn Âm”, “Lửa nến trong tranh”…mà ông đặt tên chung là “Yêu ngôn” phản ánh nỗi hoang mang và kinh loạn của suốt một thời kỳ khủng hoảng; với một tác giả “khó khăn” như vậy, muốn “giải mã” được ông, tinh lọc được những gì là quý giá nhất của tâm hồn, tài hoa của ông để chuyển tải tới đông đảo khán giả bằng phim ảnh thì rõ ràng cần phải có một “thầy ấn” cao tay hơn, có một tầng văn hóa – tư tưởng dày dặn hơn, may ra…

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

_____________________________________________

(1)  Nguyễn Đăng Mạnh – Nguyễn Tuân tuyển tập, I, tr.40, NXB Văn học Hà Nội 1981.

(2) Nguyễn Tuân toàn tập, tập V, tr. 443-444. NXB Văn học Hà Nội, 2000.

(3) Nguyễn Tuân tuyển tập, I, tr.407, NXB Văn học, HN, 1996.

(4) Nguyễn Đăng Mạnh ( đã dẫn ở 1 )

(5) Nguyễn Tuân tuyển tập, tập I, trang 398.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Ba 202010:07 CH(Xem: 16827)
- Nguyên Ngọc chủ “Văn đoàn độc lập” đã trao nhiều giải thưởng thơ quá tầm phào, vô nghĩa, thậm chí bậy bạ, nhảm nhí, phá hỏng thẩm mỹ tiếng việt phá hỏng thẩm mỹ thi ca chân chính - Hữu Thỉnh chủ tịch hội liên hiệp văn học nghệ thuật VN, chủ tịch hội nhà văn VN do chủ quan, trình độ văn hóa kém cỏi, trình độ thẩm mỹ thi ca bệnh hoạn và nhảm nhí cũng đã trao giải thưởng văn học cho hàng chục tập thơ dở, thơ vô nghĩa, thơ tầm phào…
22 Tháng Hai 20204:40 CH(Xem: 16985)
20 triệu cư dân ĐBSCL, phải sống chung với những dòng sông ô nhiễm, và nay họ đang nhận thêm được những tín hiệu báo nguy về hạn mặn sẽ trầm trọng hơn năm 2016 và tới sớm hơn ngay từ hai tháng đầu năm 2020. Do đó, cho dù có thấy “nước, nước, khắp mọi nơi, vậy mà không có giọt nào để uống”. Cho dù ĐBSCL vẫn là nơi nhận nguồn nước cao nhất Việt Nam tính theo dân số. Tuy nước vây bủa xung quanh nhưng là nước bẩn hay nước mặn. Thách đố lớn nhất là làm sao thanh lọc được nguồn nước tạp ấy để có nước sạch đưa vào sử dụng. Với tầm nhìn qua lăng kính vệ tinh và biến đổi khí hậu, vùng châu thổ Mekong là hình ảnh khúc phim quay chậm / slow motion của một con tàu đang đắm. Một cái chết rất chậm nhưng chắc chắn của một dòng sông Mekong dũng mãnh – lớn thứ 11 trên thế giới với hệ sinh thái phong phú chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon và cả một vùng châu thổ ĐBSCL đang từ từ bị nhấn chìm.
16 Tháng Hai 20203:57 CH(Xem: 16096)
Việt tộc, nếu tính từ khi lập quốc tại Phong Châu, trong vài ngàn năm tiến về phương Nam, hiện tiếp tục ra đi tới khắp các nẻo đường thế giới, đã tiếp cận hầu hết các nền văn minh nhân loại. Từ hậu Lê, suốt 500 năm biến động đầy sóng gió, với tình hình hiện nay, có thể xem như chúng ta đang ngày càng rời xa khỏi đạo thống Tiên Rồng trải từ thời Hùng Vương đến hai triều đại Lý-Trần, giờ lại còn bị đe dọa tiêu diệt bởi chủ thuyết Mác-Lê. Việt Nam tuy được xem như đã hội tụ hầu hết các tôn giáo và các nền văn minh lớn trên thế giới (Phật, Lão, Khổng, Cơ đốc; Hoa, Ấn, Tây), chúng ta vẫn chưa định hình được một nền văn hoá đặc thù làm nền tảng nhằm thoát Trung, bỏ Cộng để xây dựng đất nước.
16 Tháng Hai 20203:47 CH(Xem: 15623)
Khởi đầu một năm mới đầy biến động, trước anh linh người vừa khuất tôi xin được dâng lên lời cầu nguyện. Nguyện cho mỗi chúng ta từ nay sẽ không là kẻ vô can và ngưng đóng vai khán giả. Bởi tất cả chúng ta dù đang ở vị trí nào hay sinh sống ở nơi đâu đều gắn kết cùng nhau chung một số mệnh - Số mệnh của dân tộc Việt Nam.
25 Tháng Giêng 202011:50 CH(Xem: 16087)
Rồi nhìn về phía Nhà nước, với bao nhiêu công trình xây cất lãng phí hàng tỷ USD, điển hình như cống đập Cửa Ba Lai và các hệ thống ngăn mặn cùng khắp ĐBSCL, có thể nói là một thất bại toàn diện. Sau bài học thất bại của cống đập Ba Lai, và rồi sắp tới đây, là một công trình khác lớn hơn thế nữa: Cái Lớn Cái Bé. Nhà nước nên có sáng kiến thực tiễn hơn: dùng số tiền tỷ USD ấy để xây dựng những dự án thật sự công ích. Khởi đầu là một tỷ USD cho xây một nhà máy khử mặn / Desalination Plant, một tỷ đồng khác xây dựng một nhà máy thanh lọc nước thải / Waste Water Treatment Plant, đó là những gì khẩn cấp nhất mà 20 triệu cư dân ĐBSCL đang thiếu nước ngọt giữa cơn hạn ngập mặn và nguồn nước ô nhiễm trầm trọng như hiện nay. Đó mới thực sự là bước công nghiệp hoá chứ không phải với những túi nhựa chứa nước ngọt đang bán ra cho nông dân mà vẫn được gán cho danh hiệu Công trình Khoa Học & Công Nghệ Cấp Nhà Nước.
23 Tháng Giêng 202012:07 SA(Xem: 15766)
Tiếng khóc ai oán của chị Nhung con cụ Lê Đình Kình - người bị lực lượng cưỡng chế giết chết ở Đồng Tâm - như một nhát dao xuyên suốt tất cả trái tim những ai lắng nghe nó. Cho dù họ là người của chính quyền hay các nhà hoạt động, những người khác hẳn nhau về chính kiến.
14 Tháng Giêng 20205:59 CH(Xem: 16151)
Bài viết này gửi tới 92 vị Đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh Miền Tây, mà chúng tôi kỳ vọng quý vị như một toán đặc nhiệm – task force, trong quyền hạn có thể phản ứng nhanh, tạo bước đột phá, tránh được một sai lầm chiến lược trong lưu vực sông Mekong và cả cứu nguy ĐBSCL – vùng mà các vị đang đại diện.
27 Tháng Mười Một 20196:16 CH(Xem: 15939)
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Phúc lợi và Phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 10 tại thủ đô Vientiane, ông Khampheng Saysompheng nêu rõ vào khoảng 4 giờ sáng và 7 giờ sáng ngày 21 tháng11 đã xảy ra hai trận động đất độ lớn lần lượt là 5.9 và 6.1 tại huyện Saysathan, tỉnh Xayaburi, giáp biên giới Thái Lan. Ông Saysompheng nói thêm đây là trận động đất mạnh hiếm có và rất nhiều năm mới xảy ra tại Lào.
16 Tháng Mười 20193:08 CH(Xem: 16606)
Ngày 31/07/2019 chính phủ Lào chính thức gửi hồ sơ tới Ủy Hội Sông Mekong / MRC về dự án xây con đập dòng chính Luang Prabang với yêu cầu tiến hành thủtụcPNPCAba giai đoạn: (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement. Thay vì ra thông báo ngay,MRC đã trì hoãn 7 tuần lễ saumới đưa ra thông cáo báo chí về sự kiện này.Đến ngày 25/09/2019, MRC đãbào chữa cho quyết định im lặng 7 tuần lễ với lý do: “Thông báo của Lào gửi tới chưa đầy đủ để có thể tiếp cận với phần tổng quan của dự án / project overview và lộ trình tham khảo / roadmap for consultation, giúp quần chúng hiểu tốt hơn về dự án và tiến trình tham vấn.” Cũng vẫn ban Thư ký MRC giải thích tiếp,“Học được từ kinh nghiệm, lần này chúng tôi có kế hoạch thông báo chính thức khi có đủ những tài liệu cần thiết để quần chúng và các bên liên quan / stakeholders có thể khảo sát và đóng góp ý kiến cho tiến trình tham vấn thêm ý nghĩa.
27 Tháng Chín 20199:49 CH(Xem: 16504)
Cho dù tên tuổi TNS Jim Webb đang được sôi nổi nhắc tới qua sự kiện lễ vinh danh và an táng 81 bộ hài cốt các tử sĩ Nhảy Dù VNCH vào 26/10/2019 sắp tới – cũng là ngày Quốc Khánh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa VN – nhưng với người viết thì Jim Webb còn là một khuôn mặt nổi bật trong giới lập pháp Hoa Kỳ từ hơn một thập niên trước, như một advocate có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ con sông Mekong và cư dân lưu vực:“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con sông Mekong với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.”Senator Jim Webb’s Press Releases 12/ 08/ 2011.