- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHẢI CHĂNG TÁC GIẢ TRUYỆN PHAN TRẦN LÀ NGUYỄN HUY LƯỢNG ?

08 Tháng Tư 20199:47 CH(Xem: 18835)

Khoảng thời gian ba thế kỉ XVII-XVIII-XIX là thời thịnh của thể loại truyện nôm. Các nhà văn thời này đều có chấp bút và đã lưu lại nhiều tác phẩm văn chương lôi cuốn nhiều thế hệ người đọc. Truyện Phan Trần là một truyện nôm ra đời trong thời kì này, cụ thể là khoảng cuối thế kỉ XVIII, trễ lắm là đầu thế kỉ XIX.

 

Nội dung truyện là câu chuyện tình yêu của hai người trẻ tuổi tên là Phan Tất Chính và Trần Kiều Liên. trước kia, khi hai bên cha mẹ là Phan công và Trần công cùng làm quan trong triều vua Tĩnh Khang nhà Tống, đã có lời đính ước với nhau khi hai phu nhân cùng thụ thai. Không bao lâu cả hai ông về trí sĩ thì loạn li khiến hai nhà lạc nhau, hai người trẻ tuổi cũng lưu lạc, Phan sinh thì lên kinh học thi, cô gái Kiều Liên thì cha mất và rồi lạc mẹ sau cơn biến loạn, phải vào chùa tu. Cuộc sống run rủi cho hai người gặp nhau, và yêu thương nhau thầm lén trong khung cảnh nhà chùa. Hai người dần biết là họ chính là những người con đã đính ước từ lâu, nên đã thành hôn với nhau. Khi Phan sinh thi đỗ, hai người trở về đoàn tụ với gia đình đôi bên. Từ đó hai người sống hạnh phúc tròn vẹn trong cuộc đời thành đạt.

 

Chuyện tình ái đầy chất đam mê của đôi nam nữ trong truyện được kể lại tường tận qua văn từ cũng sôi nổi, cụ thể không kém, từ khi chàng thư sinh lên vãn cảnh chùa đã si mê sư cô trẻ mà quên mất lời đính ước hôn nhân gia nghiêm đã từng dặn dò, đến khi chàng thanh niên ốm tương tư và chỉ nhờ cuộc viếng thăm mầu nhiệm của sư cô trẻ mà khỏi bệnh để rồi lại càng đắm say với tình yêu không bình thường giữa một thư sinh và một ni cô tươi trẻ. Cũng may là khi họ đi lại với nhau, dần dà mới cùng nhận ra họ chính là đôi trai gái đã từng được đính ước từ nhỏ, chỉ vì xiêu tán mà lạc nhau. Thế là nhờ may mắn mà tình yêu lãng mạn đắm say và lệch khuôn thước xã hội đã được kết thúc có hậu trong khuôn khổ lễ giáo.

 

Đương thời, có người đã phê phán chuyện tình Phan-Trần qua câu vè:

 

        Đàn ông chớ kể Phan Trần

        Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều

 

có lẽ là do lối hành văn nhã luyện, lôi cuốn của các tác giả dành cho hai câu chuyện tình lệch khuôn thước xã hội, và xem như là hai tác giả nhà văn nho sĩ tài hoa này đã cổ vũ cho lối sống lãng tử, vượt bỏ lề thói xã hội chăng? Nếu thế thì có phần khắt khe quá đối với  tác giả truyện Phan Trần và truyện Kim Vân Kiều, vì có phải riêng hai truyện nôm này như thế đâu, mà đấy cũng là nét chung của dòng văn chương tài tử thời đó, dù có vượt bỏ khuôn thước gò bó của lễ giáo Nho gia nhưng cũng chưa hẳn đoạn tuyệt được với hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội. Thời ấy đã như làn sóng tràn những câu chuyện tình yêu tươi trẻ chưa từng thấy xuất hiện trong kho tàng văn học nôm cổ, nào có riêng gì hai truyện nôm nhắc tới trong câu vè kia! Chúng tôi thiển nghĩ câu chuyện ngự sử văn đàn này, không phải là chuyện thuần văn học hay luân lí, mà mang đậm chất chính trị-xã hội của một thời xã hội còn đang dao động sau cuộc sang trang đổi đời của chính trị xứ ta sau 1802, như sẽ nói ở phần dưới bài.

 

Phong thái phóng túng của nhà nho tài tử thời kì này rốt cùng cũng chỉ được trút ra trên trang văn thơ trữ tình, và những nhà văn nho sĩ được gọi là những nhà nho tài tử vì phong thái lệch khuôn thước của họ. Chỉ nói riêng về phong cách ngôn từ cùa thế hệ những nhà nho tài tử này thì có thể nói thời kì thịnh đạt của văn nôm này cũng là thời của những câu thơ chuốt lọc nhất, kĩ xảo nhất. Chất thơ, chất trữ tình đã được thể hiện ở mức tinh luyện nhất của câu văn nôm. 3254 câu văn Kiều nôm là những câu văn giàu tính văn nhã, tiêu biểu cho trình độ trang nhã cao nhất của ngôn ngữ văn học thời thịnh nôm. 938 câu lục bát của truyện Phan Trần cũng có vô vàn những câu văn nhã luyện không kém văn Kiều. Và cũng trong dòng chữ nghĩa đẹp và nhã như thế, câu văn trong truyện Hoa Tiên, truyện Nhị Độ Mai hay những bài ngâm nổi tiếng như Chinh Phụ Ngâm, Bần Nữ Thán... đều cho ta niềm tự hào về tầm cao nhã của câu văn nôm Việt thời thịnh nôm này. Cho nên cũng không lạ gì khi một số nhà nghiên cứu trước đây đã lẫn lộn chất trữ tình và chất nữ tính trong câu văn nôm thời này, và đã bảo lưu một định kiến lâu dài là câu văn trữ tình và giàu nữ tính hẳn phải là sản phẩm của nhà văn nữ. Đó là khi các vị biện hộ cho bà Đoàn Thị Điểm vì muốn giành tác quyền bản diễn ca Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng cho bà, làm như thể Phan Huy Ích không có khả năng cao diệu như thế.

  

Trở lại Truyện Phan Trần. Nhìn lại tất cả các bản in thì có thể thấy ngay là cho đến nay, Truyện Phan Trần không thấy có tên tác giả, cho nên vẫn thường được xếp vào kho truyện nôm khuyết danh (1). Trong điều kiện tài liệu hiện nay, có thể nào truy tầm tác giả truyện nôm này không? Để trả lời câu hỏi này thiết tưởng cũng nên để ý qua hiện tượng văn nôm khuyết danh của thời kì thịnh nôm cuối Lê-đầu Nguyễn.

 

Sự kiện một khối lượng lớn các truyện nôm khuyết danh là điều khó hiểu nhưng lại là điều thường xảy ra trong dọc dài lịch sử văn học hán-nôm nước ta trước đây. Hiện tượng này có nguyên do xã hội của nó. Trong thời đại mà văn chương chỉ là thứ văn chương nhàn phóng, trà dư tửu hậu, thì chuyện đề tên người trứ thuật không phải là chuyện đáng quan tâm hàng đầu của nhà văn nho gia. Tác giả có thể viết tay đề tặng bạn tri âm tri kỉ một bài văn khi có cuộc bình văn. Người bạn yêu thích bài văn lại có thể chia sẻ với bạn bè. Trong khi ngâm ngợi, nhóm bạn lại còn có thể nhuận sắc, thay đổi một vài chữ chỗ này chỗ khác cho "đạt" hơn, "nhã" hơn... Có thể bản văn truyên nôm Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) hay Phan Trần cũng như bao nhiêu tác phẩm văn nôm của ta đã chuyên tay trong tình cảnh như thế mà nay khó có thể truy nguyên bản văn gốc và những tác phẩm văn nôm đã bị "nhuận sắc". Hoạ hiếm lắm mới có được một trường hợp như Truyện Hoa Tiên mà ngày nay ta còn may mắn giữ được bản văn nguyên tác (của Nguyễn Huy Tự) và nhuận sắc (của Nguyễn Thiện).

 

Trong hoàn cảnh chung thì đã như thế. Đến những thời kì khá đặc biệt như trong hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương thời cuối Lê - đầu Nguyễn (thế kỉ XVIII-XIX), lại còn một tình cảnh khác thường, "nhạy cảm". Trong hoàn cảnh tế nhị đó, nhiều nhà văn nhà thơ có để lại nhiều di cảo hoặc bản khắc in lúc sinh tiền; nhưng con cháu đã phải cất giấu sách vở của cha ông, hoặc có giữ lại thì cũng cắt bỏ phần lạc khoản, như thể các di cảo kia là của những người vô danh nào đó. Chỉ đến khi xã hội đã hết nhập nhằng, tạm gọi là ổn định, người đời sau có quý chuộng sách hay thì lôi ra khắc in, cũng mặc nhiên bỏ trống phần lạc khoản nêu rõ danh tính người soạn sách.

 

Trường hợp điển hình mà chúng ta nay còn biết được là bản sách chép-in tập Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc của Phan Huy Ích, được biết là bản rập của bản khắc in khoảng sau 1814 (năm ông soạn xong bản diễn ca này). Bản rập này chỉ khác bản in từ ván khắc ở điểm là nét chữ sắc sảo, chân phương. Sách có đầy đủ khung chữ đề danh tính tác giả ở trang đầu nhưng đã để trống. Một sự lạ. Sách có bài nguyên tự dài khoảng ba hoặc bốn trang, nhưng đã bị tháo bỏ tờ có hai trang cuối ấy, chắc chắn phải có ghi đầy đủ lạc khoản nêu rõ danh tính người làm sách và những người liên quan đến bản khắc in. Ngày nay ta biết được tác giả của bản Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc này là nhờ vào những dữ kiện khác về tác giả của nó chứ không dựa vào bài tựa thiếu trang kia.

 

Tại sao một tác gia nổi tiếng như Phan Huy Ích mà số phận sách in phải truân chiên như thế? Chỉ vì ông sống đúng vào thời mà đất nước chưa qua buổi tao loạn nhiễu nhương. Ta không quên rằng năm 1802, ông và người anh vợ  (Ngô Thì Nhậm) là hai ông tiến sĩ đã phải bị đòn roi ngoài Văn Miếu! Cho nên cũng là sự thường (!) thôi, nếu những năm đầu triều Nguyễn sách vở của những nho thần triều Lê-Trịnh hay Tây Sơn có bị vùi dập, đẩy lùi vào vòng ẩn danh, rồi rơi xuống khuyết danh, thậm chí vô danh (!), khi đời sau in lại các di cảo của họ.

 

Trong số nhiều danh sĩ tiền triều ở đầu thế kỉ XIX có Nguyễn Huy Lượng (?-1808). Ông là văn thần và là nhà thơ sống cuối đời Lê trung hưng, có ra làm quan với nhà Tây Sơn, và đến đầu đời nhà Nguyễn có được vời làm chức tri huyện rồi chết vì lí do mờ ám, khi ông mới trên dưới tuổi 60.

 

Cho đến nay chúng ta biết được là Nguyễn Huy Lượng có bút hiệu Bạch Liên Am. Người đương thời vẫn gọi ông là Bạch Liên Am Nguyễn. Trong Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo, Hoàng Xuân Hãn đã sao lục và phiên chuyển ra chữ quốc ngữ một bài văn lục bát 246 câu của Bạch Liên Am Nguyễn, phỏng dịch ra văn nôm từ nguyên tác hán văn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn (2). Một số tài liệu trích diễm còn cho tác giả của tập Cung Oán Thi là của Bạch Liên Am Nguyễn (3), số tài liệu khác lại cho là của Nguyễn Huy Lượng (4). Có lẽ cho đến nay chỉ có Maurice Durand là người đầu tiên nhận ra sự kiện Bạch Liên Am Nguyễn và Nguyễn Huy Lượng là cùng một người (3).

 

Tiếc thay, Maurice Durand và Trần Nghĩa đã bỏ mất cơ duyên khảo sát văn phong Cung Oán Thi, phú Tây Hồ, văn tế Tướng Sĩ Trận Vong, hay gần hơn là bản phỏng dịchChinh Phụ Ngâm (là những chứng tích văn chương của Nguyễn Huy Lượng) để từ đó nhận ra văn phong khá thống nhất với tác phẩm truyện nôm mà các ông đã dày công khảo đính và phiên chuyển: Truyện Phan Trần. Văn phong ấy chỉ có thể là của nhà văn Nguyễn Huy Lượng thôi.

 

Thật vậy, Nguyễn Huy Lượng là người viết văn không ngại liên hệ bản thân khi làm văn. Ông đã có lần cho biết khi làm bài phú Tây Hồ, ông đã ngoài 50 tuổi: "Ngoài năm mươi thẹn bóng tang du" (Tụng Tây Hồ). Mở đầu truyện nôm Phan Trần, ông cũng bảo:

 

        Liên Am  庵 nhân gặp hội vui

        Tưởng ân tình nghĩa, xem chơi quyển vàng

 

Chúng tôi trích theo bản phiên chuyển từ bản nôm Phan Trần Trùng Duyệt do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in (1904). Đây là một bản khắc in khác hẳn hệ ván khắc của một số lớn các bản khắc in đầu thế kỉ XX.

 

 PhanTran-Durand-Nghia3

 PhanTran-Durand-Nghia2

 

Trang đầu Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904)

 

Các bản khắc in khác thì khắc  "trên 𨕭 (am)" với chữ nôm liên + thượng, và lại đổi thành câu khác hẳn:

 

        Trên am thong thả sách cầm

        Nhàn nương án ngọc buồn ngâm quyển vàng

 

 

 PhanTran-Durand-Nghia4

 PhanTran-Durand-Nghia5


Trang đầu Phan Trần Truyện bản Văn Đường (1867)

 

Trước nay chúng ta biết khá nhiều trường hợp người đời sau tự tiện nhuận sắc văn người xưa theo ý mình, hoặc có khi vì không hiểu ý văn người xưa mà đổi ra cho dễ hiểu theo ý mình. Chỉ xét riêng trường hợp hai câu mào đầu khác nhau này, chúng ta có thể nhận ra ngay hai phong cách khác nhau của hai câu mào đầu. Câu mở đầu của bản Trùng Duyệt cho ta thấy phong cách thoải mái, an nhiên của nhà văn khi đặt bút xuống trang giấy; ông nói về cảm nghĩ của bản thân mình trong buổi đầu lúc khai mào truyện. Phong cách ấy nhất quán với phong cách sảng khoái của nhà văn khi tụng cảnh Tây Hồ hay khi viết bài tế tướng sĩ trận vong. Thật khác với phong cách nhàn rỗi, thừa thãi thì giờ của một người ra ngẩn vào ngơ như hai câu mở đầu của bản văn khác.

 

Nguyễn Huy Lượng còn để lại nhiều tác phẩm văn nôm. Phong cách văn ông vừa tài hoa, vừa có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Trước nay học giới đã quen với phong cách mạnh mẽ hùng biện của ông qua các bài phú, văn tế. Trong khung cảnh học thuật cổ thời, văn biền ngẫu mà có phong cách lôi cuốn như bài Tụng Tây Hồ Phú và bài Văn Tế  Nghĩa Sĩ Trận Vong thì phải là người văn tài hơn người.

 

Cho đến nay, chúng ta biết được văn tài Nguyễn Huy Lượng qua các bài văn Tụng Tây Hồ Phú và Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong. Hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Lượng qua những câu văn biền ngẫu trên là một người học rộng, thấm nhuần phong cách văn chương cổ điển, chữ nghĩa người xưa đầy ắp trong câu văn ông mà quý thay con người cá nhân nhà văn vẫn không chìm ngập trong kho chữ nghĩa tập cổ đó; ông đã lặn sâu trong chữ nghĩa mà vẫn nổi lên khỏi nó để chữ nghĩa văn từ trong bài văn vẫn là mình, phản ảnh bản sắc con người mình. Một bài phú Tây Hồ đã tập đại thành đầy đủ phong cách văn chương này. Hiểu và thích thú với văn chương bài phú đòi hỏi công phu làm quen với phong cách từ chương cổ điển; nhưng chữ nghĩa vần không làm mờ nhạt bản sắc văn phong cá nhân tác giả bài văn biền nổi tiếng (5).

 

Bên cạnh con người nhà văn nho sĩ có khẩu khí hào sảng, tràn đầy sức sống, từ nay chúng ta còn biết thêm là có một Nguyễn Huy Lượng tài hoa, văn chương nhã luyện của phong cách văn chương thời đại ông: văn chương lãng mạn, tài tử. Phong cách bài phỏng dịch Chinh Phụ Ngâmcủa Bạch Liên Am là phong cách tài hoa, giàu mĩ cảm. Những câu thơ tự tình lục bát mềm mại của bài ngâm cũng đã thể hiện nữ tính đa cảm của người chinh phụ, khắc hoạ một chân dung cảm xúc phong nhiêu của một nhà văn giàu sức liên cảm với số phận nhưng con người quanh ông, cụ thể trong bài văn Chinh Phụ Ngâm này là của người phụ nữ mong chồng chinh chiến sớm trở về. 246 câu thơ lục bát đó còn là biểu hiện của tấm lòng liên ái những phận người kém may mắn, thua thiệt trong một xã hội đã quá nhiều tao loạn. Tấm lòng rộng lớn của nhà văn chưa đủ làm nên nhà văn lớn nếu ông không có một tài năng hơn người khi vận dụng ngôn từ để trải lòng mình ra trên giấy. Những cung bậc tình cảm của người phụ nữ trong bài Chinh Phụ Ngâm lục bát đã phản ảnh con người tài hoa đa cảm của nhà văn Bạch Liên Am.

 

Phong cách văn nhã của nhà văn nhà thơ Bạch Liên Am đã một lần nữa phả vào từng câu thơ lục bát trong Truyện Phan Trần. Từ lối văn lục bát tự tình trong bài ngâm chuyển sang lối tự sự trong thể truyện, nhà văn đã gói vào trong câu văn tự sự những mẩu suy nghĩ, những cảm nhận của ông về những cảnh đời của những con người dù là hư cấu đấy mà vẫn mang đậm những tình cảm thật của nhưng con người thật mà ông từng gặp gỡ, từng chung sống và chia sẻ tâm tình thời đại trong những khung cảnh xã hội khác nhau.

 

Trong Truyện Phan Trần, những nhân vật (vốn xuất thân là những người thuộc đẳng cấp nho sĩ) đã nếm trải hết mùi vị cuộc sống, từ dùi mài kinh sử, đến yêu đương nồng nhiệt của tuổi trẻ, từ những thất bại trong khoa trường và tình trường đến những hạnh phúc gia đình yêu thương và vinh hoa của đời phục vụ xã hội. Những hạnh phúc và đau khổ, những khuôn thước xã hội và những quá đà trong đời sống tình cảm tuổi trẻ, những cảm nhận về nhân tình thế thái mà ta thấy trong dọc dài câu chuyện kể về một mối tình lãng mạn hẳn phải là phản ảnh kho kinh nghiệm sống của tác giả truyện nôm này. Nói cách khác, Bạch Liên Am phả vào từng câu thơ phong cách con người đa tình tài hoa của một nhà văn nho thần.

 

Nói về phong cách văn chương Truyện Phan Trần, không thiếu những câu lục bát giàu chất thơ như ta thường gặp trong kho tàng truyện nôm lục bát ở thời kì cuối thế kỉ  XVII-đầu thế kỉ XIX. Phong cách chung những câu lục bát trong truyện nôm là những kĩ xảo tiểu đối, cân phương, hô ứng, ý ở ngoài lời..., tạo nên phong cách bóng bẩy của văn chương, của ngôn từ văn học một thời. Trong chừng mức này, Truyện Phan Trần là một truyện nôm sánh ngang cùng những danh tác cùng thời đại của nó.

 

Tính đến khi bản khắc in sớm nhất mà nay ta còn được biết là năm 1867, Nguyễn Huy Lượng mất đi chỉ nửa thế kỉ thôi. Chỉ trong 50 năm ấy mà tác phẩm còn lại của ông đã trôi lạc lênh đênh qua mấy thể dạng sau:

 

(1) Có tác phẩm bị gán nhầm tác giả, như trường hợp tập Cung Oán Thi bị gán cho Nguyễn Hữu Chỉnh, và bài Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong bị gán cho tổng trấn Nguyễn Văn Thành;

 

(2) Có tác phẩm  bị những người hẳn là ở vị thế của những chủ nhân ông mới của xã hội Bắc hà sau 1802 dè bỉu qua một câu vè tưởng như vô tình nhưng có mang màu thù nghịch thường thấy trong buổi giao thời: "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều". Hai tác phẩm liên can chính là Truyện Phan Trần và Đoạn Trường Tân Thanh. Trước nay các nhà bình luận chỉ nhìn ở khía cạnh phê phán bản thân hai quyển truyện nôm mà quên rằng hai tác phẩm văn chương này không khác là bao về nội dung tài tử, lãng mạn vượt khỏi quy lệ Nho gia. Tính cách chung của văn nôm thời kì cuối Lê - đầu Nguyễn là như vậy chứ có riêng gì hai tác phẩm trên đây! Từ Song Tinh Bất Dạ (thk XVII) đến một loạt những truyện nôm ở thk. XVIII-XIX như Hoa Tiên Truyện, Nhị Độ Mai, Sơ Kính Tân Trang, và hàng loạt truyện nôm mà nay còn khuyết tên tác giả như Tống Trân, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Phương Hoa, Lý Công..., ở những mức độ khác nhau, tính cách lãng mạn vượt qua những quy ước ứng xử Nho gia đã là nét chủ đạo của những truyện nôm này. Sao lại phê phán chỉ hai truyện nôm Phan Trần và Kim Vân Kiều? Sự thực là thời tranh tối tranh sáng những năm đầu triều Gia Long là những năm tháng không êm ả cho rất nhiều những nhà văn nho thần đã từng phục vụ tiền triều. Họ có thể bị căng nọc trước văn miếu vì cái tội là tiến sĩ mà không chọn đúng chủ mà thờ! Họ có thể bi triệu phái, lưu dung một thời gian trước khi bị thải hồi khi hết cần thiết (như Phan Huy Ích) hoặc thậm chí chết thảm (như Nguyễn Huy Lượng). Một câu vè "Đàn ông chớ kể Phan Trần, Đàn bà chớ kể Thuý Vân Thuý Kiều" chỉ có thể hiểu cạn lẽ trong bối cảnh xã hội cụ thể đó thôi;

 

(3) Có những tác phẩm thời cuối Lê - đầu Nguyễn, nhất là vào triều đại Tây Sơn đã vì thời cuộc mà bị đẩy vào kho văn chương khuyết danh một thời gian dài. Khi hậu thế lục tìm lại trong kho sách cũ những sách vở giá trị để khắc in thì chỉ có thể tìm được những quyển văn mất đầu thiếu đuôi... Khối lượng những tác phẩm truyện nôm thường bị coi là khuyết danh, vô danh (!) trong khoảng thời gian này nhiều lắm, nhiều một cách bất thường, phần lớn là vì lí do xã hội của chúng.  

 

Tóm lại, trong chừng mức hiện nay, với những chứng liệu có từ văn bản truyện nôm Phan Trần và một vài tài liệu liên quan, có thể đã đến lúc trả lại tác quyền truyện nôm Phan Trần cho nhà văn Nguyễn Huy Lượng. Trước tiên là phong cách văn chương khá sát sao giữa bản phóng dịch Chinh Phụ Ngâm mà tác giả kí tên Bạch Liên Am Nguyễn và văn phong truyện nôm Phan Trần; bên cạnh đó, chứng từ khá hiển nhiên là tác giả tự nêu danh tính ở câu đầu tiên truyện nôm này. Thêm một bàng chứng nữa là những sự kiện chung quanh cảnh ngộ cá nhân nhà văn trong một hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương đã khiến sự nghiệp văn học của ông bị phủ mờ khói bụi của thời gian. Có thể trong tương lai, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra thêm những cứ liệu xác tin hơn để trả lại cho Cesar những gì của Cesar, trong ý hướng đẩy lùi dần tình trạng khuyết danh tác giả những áng văn chương trong kho tàng văn học hán-nôm nước nhà.

 


Đoàn Xuân Kiên


Chú thích:

(1) Cho đến nay, tác phẩm này đã được khắc in nhiều lần. Bản in chữ nôm cũ nhất còn giữ được là Phan Trần Truyện, bản khắc in vào mùa thu năm Đinh Mão (1867), thời vua Tự Đức (hiện còn một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris). Sau đó nhiều bản in khác hiện còn bản in lưu tại các thư viện hán nôm các nơi: bản in Phan Trần Truyện khắc in năm Nhâm Thìn (1892), đời vua Thành Thái (hiện còn bản lưu trữ tại Bibliothèque Nationale, Paris) ; một bản Phan Trần Truyện khác in năm Nhâm Dần (1902), cũng vào đời Thành Thái (một bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội); một bản in Phan Trần Truyện nữa khắc in mùa đông 1926, vào đời Bảo Đại (hiện còn một bản in tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội). Một bản khắc in khác được thực hiện mùa hạ năm Giáp Thìn (1904), đời Thành Thái, có tựa đề Phan Trần Truyện Trùng Duyệt, có khi gọi là Phan Trần Truyện Tăng Đính (có bản in hiện lưu tại thư viện Viện Hán Nôm, Hà Nội).

 

Bản in chữ quốc ngữ cũng có khá nhiều, rải rác từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Bản in sớm nhất là Phan Trần Truyện do Trương Vĩnh Ký phiên chuyển, và do nhà in A. Bock in năm 1889 (có một bản lưu tại thư viện École des Langues Orientales, Paris); Phan Trần Truyện Dẫn Giải do Đinh Xuân Hội biên tập tại Toà Hán Việt Tu Nguyên, và do nhà Tân Dân Thư Quán xuất bản năm 1930; Truyện Phan Trần do Đinh Gia Thuyết đính chính và chú thích, và do nhà Tân Việt xuất bản tại Sài Gòn (1952); bản in Truyện Phan Trần, do Nguyễn Trác, Lê Tư Thực và Nguyễn Tường Phượng hiệu đính, khảo thích và giới thiệu, do nhà Văn Hoá xuất bản (Hà Nội, 1961). 

Ngoài ra, phải kể đến hai bản in vừa nôm vừa chữ quốc ngữ sau đây: bản thứ nhất là Phan Trần (roman en vers), do Maurice Durand khảo đính, phiên chuyển và giới thiệu từ văn bản Phan Trần Trùng Duyệt (do Thần Khê Đồng Phong Thừa Thư khắc in năm 1904), do École Francaise d'Extrême-Orient xuất bản (hai tập in ronéo, Paris, 1962); và bản in mới: Truyện Phan Trần do Trần Nghĩa khảo đính, phiên chuyển từ bản in cổ nhất hiện còn (bản in đời Tự Đức, 1867), và giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) in năm 2009. 

PhanTran-Durand-Nghia


Hai bản phiên chuyển ra chữ quốc ngữ có kèm bản nôm này đã chọn hai bản in thuộc hai hệ khắc bản khác nhau, và dù hai bản khắc mà hai vị sử dụng có quãng cách thời gian khác nhau 42 năm thì chúng cũng chỉ là các truyền bản từ những bản in cũ trước đó mà thôi. Tính cách chung của các khắc bản ra đời cuối thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX đều mang sắc thái chữ nôm thế kỉ XIX đã được điển chế nhiều so với chữ nôm những thời kì sớm hơn. Sắc thái chữ nôm điển chế này có lẽ đã định hình từ khi có bộ từ điển Nhật Dụng Thường Đàm của Phạm Đình Hổ (1851). Vì lẽ trên, chúng tôi chọn dùng bản phiên chuyển từ Phan Trần Truyện Trùng Duyệt (1904).

 

(2) Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo (Nxb. Minh Tân, Paris, 1953), tr. 207-218.

 

(3) Theo Maurice Durand. Xem: Digital Collections: Cung Oán Thi (AB. 549):http://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:4671

 

(4) Xem: Phạm Văn Diêu, Văn Học Việt Nam (Tân Việt, 1960), tr. 659.

 

(5) Tương truyền là khi "bài phú ông Lượng" được lưu hành từ buổi tế hạ năm Tân Dậu hoàng triều Bảo Hưng (1801), bài văn đã mau chóng trở thành một hiện tượng văn học đương thời: dân Hà thành hồi ấy đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên.(Theo sách Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nxb. Lao động, 2009, trang 312.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tư 20241:03 SA(Xem: 561)
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
22 Tháng Tư 20242:54 CH(Xem: 479)
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ./ Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến /
19 Tháng Tư 20246:57 SA(Xem: 852)
Sáng sớm Chủ Nhật, điện thoại gõ nhẹ, nhìn vào messenger thấy dòng chữ nhắn tin từ chú Khánh Trường: “Tập thơ in xong rồi. Ghé lấy nhé.” 30 phút sau tôi ghé nhà, chú chỉ lên kệ sách: “Chỉ mới in 3 cuốn. Cháu cầm 1 cuốn về đọc trước.” Mở trang đầu dưới dòng chữ THƠ KHÁNH TRƯỜNG là hàng chữ “Tặng cháu, Nina Hòa Bình Lê”. Cảm động. Bài viết này xin có lúc được gọi Chú, xưng cháu.
15 Tháng Tư 202410:16 SA(Xem: 803)
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả, Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò.
15 Tháng Tư 20248:23 SA(Xem: 1126)
Thế nào gọi là tiểu-thuyết-mới (Nouveau Roman). Đó là câu hỏi của những người chuyên viết về tiểu thuyết và những người thường đọc tiểu thuyết. Giữa hậu bán thế kỷ XX; một phong trào văn chương thuộc thế hệ trẻ Pháp như Alain Robbe-Grillet, Michel Butor, Claud Simon, Jacque Derrida, Nathalie Sarraute, Pierre Bourdier…được tung ra giữa “thị trường” văn học thời ấy vào đầu thập niên 1962,cái gọi là Tiểu-Thuyết-Mới, lập tức phong trào nầy được khám phá ngay, không những ở Pháp mà ngay một vài nước khác trên thế giới,Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng phong trào thời thượng lúc đó, kể cả bộ môn nghệ thuật khác, tuy không rực rở nhưng đã hội nhập được với trào lưu thời bấy giờ…
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 3719)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
07 Tháng Hai 20243:34 SA(Xem: 2816)
Khi tìm đọc văn học chiến tranh (giai đoạn 1954-1975) tôi bắt gặp rất nhiều lần lời giới thiệu ngắn tên tuổi, và các tác phẩm của nhà văn Nguyên Vũ. Kể từ đó, tôi luôn tìm Nguyên Vũ để đọc, song dường như không có tác phẩm nào của ông được đưa lên các trạng mạng, hay các thư viện điện tử. Hôm rồi, thật may mắn, đang nghiền ngẫm về cố nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tình cờ tôi bắt gặp: Mây Trên Đỉnh Núi, truyện dài gồm 20 chương của Nguyên Vũ. Đây có lẽ là truyện dài đầu tay, và ít được nhắc đến của ông. Cũng định thử một vài trang, rồi lúc nào đó sẽ đọc tiếp, nhưng bập vào tôi không thể dứt ra được, và đọc một mạch ngay nơi làm việc. Sự hấp dẫn, sinh động ấy, không hẳn bởi chỉ nội dung, mà còn do bố cục, nghệ thuật đan xen những tình tiết câu chuyện...
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 3681)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 3463)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
25 Tháng Mười Hai 202310:41 CH(Xem: 2856)
Hàng năm vào dịp cuối năm, người Kitô hữu đón mừng sự kiện Chúa Giêsu giáng trần, mặc lấy thân xác con người để chuộc tội nhân loại, tội tổ tông đã lưu truyền từ Adam - thuỷ tổ loài người theo dân Do Thái - lúc còn ở địa đàng đã ăn phải trái cấm của Thiên Chúa do Eve dụ dỗ.