- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ VÀ NHẠC, THƠ VÀ CA TỪ

16 Tháng Mười Một 20187:55 CH(Xem: 24865)


DANGHIEN 1
Đặng Hiền - California 2017


Tôi không nghĩ rằng giới nhạc sĩ VN lại coi thường giới làm thơ, đến độ dùng thơ của người ta để tạo thành ca khúc, xong vất tên của người ta ra và không thèm ghi tên tác giả thơ vào tác phẩm. Vì hành động đó là hành động đốn mạt của kẻ vô sỉ, hành động ăn cắp tim óc của người khác.

Những ca khúc của VN hầu như phần chính tạo nên giá trị của ca khúc là lời ca. Một ca khúc NHẠC 50 PHẦN TRĂM, LỜI 50 PHẦN TRĂM, cái hồn của bài nhạc nó nằm trong lời hát đến hơn 50 phần trăm, nếu giòng nhạc dễ nghe sẽ đưa cái hồn của lời hát thấm vào tâm cảm của người nghe. Nhạc có hay cách mấy mà lời ngô nghê vô nghĩa, thì ca khúc ấy sẽ bị giảm giá trị rất nhiều.

Dĩ nhiên một ca khúc muốn nổi tiếng còn phải tùy vào nhiều công sức của người khác, như ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm và nhà sản xuất.

Người nhạc sĩ giỏi, chỉ cần 30 phút với chiếc dương cầm thì có thể tạo nên một khúc nhạc, họ chỉ mới hoàn thành có 50 phần trăm, năm mươi phần trăm còn lại đó lời ca. Lời ca là linh hồn của ca khúc, nếu không có lời ca, thì không được gọi là ca khúc.

Nếu thử nghe lại toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì phần tạo nên giá trị của tác phẩm là phần lời ca nhiều hơn là phần giai điệu.

Nếu đem toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang, bỏ tất cả các lời hát phổ từ thơ của các thi sĩ, thì ca khúc của Phú Quang còn lại gì? Bởi những ca khúc khá nổi tiếng của ông hầu như phổ từ thơ.

Một người có khiếu viết lời ca, thì khi có một giai điệu người ta sẽ viết thành lời ca, và lời ca đó nếu đọc lên sẽ như một bài thơ.

Trong trường hợp những BÀI KHÔNG TÊN của Vũ Thành An trước 1975 rất hay và rất thơ, nhưng sau này nhạc sĩ Vũ Thành An viết lại ca từ mới cho những BÀI KHÔNG TÊN đó, thì không còn hay như lần đầu và phần hồn của bài nhạc nghe vô duyên và thậm chí vụng về thô kệch. Chuyện đó nói lên rằng người viết ca từ cho những BÀI KHÔNG TÊN trước và sau 1975 gần như là hai người có trình độ về chữ VIỆT hoàn toàn khác nhau mặc dù cùng mang tên Vũ Thành An.

Thật ra trong thơ đã có sẵn nhạc, không có nhạc bài thơ đó vẫn đứng vững. Tuy nhiên, nếu gặp một nhạc sĩ tài ba thì sẽ khai thác được nét nhạc tìm ẩn trong thơ và cho ra một giai diệu mới lạ sẽ thăng hoa bài thơ có thêm một đời sống mới. Như bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" của Hữu Loan, được phổ bởi nhiều nhạc sĩ như Dzũng Chinh, Duy Khánh, Phạm Duy, Anh Bằng... mỗi bài đều mang một giai điệu khác nhau lấy từ cùng bài thơ "Màu Tím Hoa Sim". ("Những đồi hoa sim" của Dzũng Chinh; "Màu tím hoa sim" của Duy Khánh; "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy. Và "Chuyện hoa sim" của Anh Bằng).

Trong những năm gần đây ở Việt nam, những tác phẩm âm nhạc phổ từ thơ phần lớn tên của các tác giả thơ bị giấu đi, hoặc bị vô tình hay cố ý quên lãng bởi ca sĩ hoặc nhà kinh doanh. Có lẽ người ta sợ Nhạc sĩ bị chia danh tiếng, chia miếng ăn, và nhất là phải đóng thêm 30 phần trăm tiền tác quyền cho tác giả thơ, theo cái bộ luật quái dị về tác quyền tại VN.

Bộ luật này do một nhân viên của TRUNG TÂM BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ ÂM NHẠC VIỆT NAM (VCMPC ) đăng tải trên FB (Anh Tuyet) :

[”Hiểu thêm về ĐỒNG TÁC GIẢ:

”Đồng tác giả” là những người CÙNG TRỰC TIẾP sáng tạo ra tác phẩm.

Nếu tác phẩm âm nhạc được phổ từ một bài thơ: trường hợp này được coi là tạo ra một tác phẩm mới, độc lập với tác phẩm (thơ) có trước đó; đồng thời cũng phân biệt rõ 2 tác giả: tác giả Nhạc và tác giả Lời/Thơ.

Tác giả Nhạc và tác giả Lời/Thơ: KHÔNG PHẢI LÀ ĐỒNG TÁC GIẢ, vì không cùng trực tiếp sáng tạo ra 1 tác phẩm.

Luật SHTT quy định: khi sử dụng phải xin phép tác giả và các đồng tác giả.

Theo đó, mức nhuận bút được chia đồng đều 50/50.

Trường hợp TP âm nhạc (phổ thơ) được sử dụng, phải trích 1 phần nhuận bút cho tác giả thơ. Tỉ lệ chia theo Nghị định 61 trước đây và áp dụng cho đến nay là 70/30: 70% Nhạc và 30% Thơ-Lời.

Như vậy là rõ về mặt quy định PL! Khi sử dụng Tp nhạc phổ thơ (không phải là sử dụng tác phẩm thơ) thì chỉ phải xin phép tác giả và đồng tác giả (nếu có).

Tác giả Lời-Thơ: khi sử dụng không phải xin phép nhưng phải trích một phần nhuận bút! Hoàn toàn chính đáng. Đúng Luật Việt Nam. Đúng Công ước Berne.]

Theo cái bộ luật này (nếu có), vô tình khiến cho giới viết nhạc thành những thực dân trong văn nghệ đi xâm chiếm tác phẩm thơ của thi sĩ, y như những thế kỷ trước Thực dân các nước Âu Châu đi xâm lăng đất nước người ta rồi bảo là khai hóa.

ĐẶNG HIỀN

(California Nov- 16-2018)

"

THƠ HỮU LOAN

MÀU TÍM HOA SIM

(Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...


1949

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 24570)
Truyện của Phạm Ngọc Lương tỏa ra một không khí, thoáng tưởng dịu dàng, nhưng đọc kỹ thì thật sự kinh hoàng: pha trộn giữa điên và thực về cái chết. Ba cái chết: chữ chết, môi trường chết và đạo đức chết ...
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 21613)
Sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng dựa trên ba tiêu đề chính: Tác phẩm lịch sử: hai tiểu thuyết Đêm hội long trì, An Tư và kịch Vũ Như Tô , sáng tác trong khoảng 1939-1945. Tác phẩm thời đại: kịch Những người ở lại và tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô , viết trong khoảng 1954-1960. Và Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng trải dài trong 30 năm, từ 1930 đến 1960.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 22854)
Trong tác phẩm dụng công nhất của cha tôi - tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, ông đã để cho số phận xô đẩy nhân vật chính Trần Văn tới bên Hồ Gươm vào đúng cái thời điểm Hà Nội nổ tiếng súng Toàn quốc kháng chiến.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 45165)
Một nửa thế kỷ sau khi ra đời, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng chỉ những năm gần đây mới thực sự trở thành đối tượng của sự nghiên cứu chuyên sâu, sự trao đổi ý kiến cởi mở, hào hứng, hứa hẹn nhiều nhận chân mới.
23 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 23749)
1954: Chiến thắng Điện Biên. Hội nghị Genève được tổ chức từ 26-04 đến 21-07, với nghị trình đầu là chuyện Triều Tiên, sau đó mới đến Việt Nam vào ngày 8-05, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 10-05, phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đòi Pháp công nhận quyền độc lập và tự chủ của Việt Nam, nhưng cũng xác nhận sẵn sàng gia nhập Liên hiệp Pháp.
21 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 23793)
Ngồi ở trong thế tĩnh tọa của kẻ ngồi thiền. Nhân vật chính trong tiểu thuyết ngồi chứ không đứng, không đi, nhưng anh ta lại có tên là Khẩn như khẩn trương, khẩn thiết.
14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 20417)
Những năm gần đây và nhất là sau khi ông mất, nhiều sự kiện về cuộc đời Nguyễn Hữu Đang đã sáng tỏ hơn, một số tư liệu về con người ông đã được phơi bày ra ánh sáng và do đó chúng ta đã có thể tạm dựng một tiểu sử đầy đủ hơn về nhà văn hoá cách mạng lão thành.
14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 24529)
Chất thơ là cái có sẵn, thi sĩ sẽ làm nó hiển hiện ra trong dáng vẻ đã phơi bày, hay khai quật lên khi chất thơ vốn ẩn dấu. Thi hóa là làm thành thơ từ cái không có sẵn chất thơ.
14 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 22863)
Khoảng thời gian gần đây, những ngòi bút trẻ ở trong nước thường tìm cách gửi tác phẩm sang đăng trên Hợp Lưu. Thời kỳ Trần Vũ làm chủ bút, Đỗ Hoàng Diệu đã xác định vị trí của mình qua sáu truyện ngắn. Trong vòng hơn năm nay, Đặng Hiền làm chủ biên, Hợp Lưu đã khám phá ra hai tài năng mới: Đình Đình và Phạm Ngọc Lương.
13 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 23264)
Vi Thùy Linh là nhà thơ của tình yêu. Trong tập Đồng tử, có chỗ Linh đã muốn thoát khỏi tình yêu để làm thơ khác, Linh muốn làm thơ trí tuệ, thơ nhân sinh, nhưng mọi cố gắng dường như đều đưa Linh về với khát vọng tình yêu