- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƠ MAI THẢO, TIẾNG MƯA THẦM RƠI TRÊN NAM HOA KINH

27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 35985)

bo1ngthoigian_luuthimai-content

 Bóng thời gian - ảnh Lữ Thị Mai

 

Tôi ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo. Thuộc rất nhiều thơ, đặc biệt thơ tiền chiến và thơ những năm đầu kháng chiến, Mai Thảo có thể nói chuyện về thơ miên man từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác. Dường như chỉ khi nói chuyện về thơ, Mai Thảo mới hoạt bát, sôi nổi, say sưa, gửi hết hồn mình trong từng tiếng trầm tiếng bổng. Ly rượu trên tay, đầu lắc lư, mắt lim dim, Mai Thảo nói về thơ với giọng vừa xúc động như khi người ta kể lại một mối tình đầu, vừa thành kính như một con chiên kể về cuộc đời của Người Cứu Thế. Với Mai Thảo, thơ là cái gì thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng, như một tôn giáo. Với Mai Thảo, thơ, "chỉ thơ, mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương" (1).

 

Nhớ, vào những năm 1956, 1957 trên tạp chí Sáng Tạo, Mai Thảo cổ vũ nhiệt liệt, có lúc ồn ào, một cuộc lữ hành mới cho văn chương và cho nghệ thuật. Đi đâu về đâu, chưa một lần Mai Thảo xác định rõ ràng. Mà hình như ông cũng không quan tâm đến cái đích tới. Vấn đề quan trọng nhất, với Mai Thảo lúc ấy, là phải nhổ neo, phải ra khơi, phải giã từ cái bến cũ quạnh hơi thu và đìu hiu lau lách của văn chương tiền chiến, phải tìm kiếm một trời biển khác cho cái mà ông gọi là 'hôm nay' hay 'bây giờ'.

 

Với bản thân mình, Mai Thảo đổi mới văn học bằng cách kéo văn xuôi lại gần hơn nữa với thơ, có lúc cơ hồ xoá nhoà biên thuỳ giữa hai lãnh vực này. Văn xuôi Mai Thảo là văn xuôi thơ. Chất thơ là đặc điểm nổi bật nhất trong toàn cõi văn xuôi Mai Thảo.

 

Có thể nói, Mai Thảo viết văn xuôi với tâm thế của một nhà thơ. Cũng có thể nói, Mai Thảo, tự bản chất, là một nhà thơ.

 

Điều này là nguyên nhân của những thành công lẫn những thất bại của Mai Thảo. Mai Thảo thành công ở chỗ: với biện pháp tăng cường đậm đặc chất thơ vào văn xuôi, ông đã tạo được một phong cách văn xuôi diễm lệ và đài các lạ lùng. Nếu ví văn chương với người phụ nữ thì văn chương Mai Thảo là một người phụ nữ thành thị, trẻ trung, thích son phấn, thích trang sức, rất kiêu sa, đôi khi loè loẹt. Giống Nguyễn Tuân, Mai Thảo, trước hết, là một nhà văn duy mỹ. Văn chương, với Mai Thảo, là một cái đẹp, trước hết, là cái đẹp ở hình thức, ở bút pháp, ở sự lấp lánh của chữ, ở sự óng ả của câu, sự hài hoà trong các đoạn. Tuy nhiên, vì quá chú trọng đến hình thức, quá chú trọng đến nhạc điệu, Mai Thảo ít nhiều đánh mất sự gân guốc của hiện thực và sự sắc cạnh của tư tưởng. Khi mỗi câu văn là một đài hoa mượt mà, chất trí tuệ sẽ tan ra thành hương thành khói. Chỉ còn lại cảm xúc tràn lênh mênh mang. Do đó, từ chỗ duy mỹ, Mai Thảo trở thành một nhà văn duy cảm xúc. Phần lớn những sự mô tả của Mai Thảo đều có khuynh hướng dẫn đến tâm tình. Tả mưa, chẳng hạn, Mai Thảo viết trong mục 'Sổ tay' đăng trên tạp chí Văn số 57: "Mưa lục bát trên những mái nhà, tứ tuyệt trên những đường phố. Và song thất ở những ngã tư." Cơn mưa ấy, rõ ràng vừa là cơn mưa lâm thâm của trời đất vừa là cơn mưa lê thê của thi ca. Nó vừa thực vừa hư. Nó hư nhiều hơn là thực. Nó không mở ra một không gian nào cả. Nó chỉ dẫn người ta vào một tâm cảnh, ở đó, nói như Huy Cận, có "những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi." Thế thôi.

 

Cho nên, không lấy gì đáng ngạc nhiên khi thấy, sau này, Mai Thảo làm thơ nhiều, và vào năm 1989, khi đã ngoài sáu mươi, xuất bản tập thơ thứ nhất của mình. Chỉ có điều đáng ngạc nhiên một cách thích thú là, với thơ, Mai Thảo không những trở về với bản chất của mình, bản chất một thi sĩ, mà còn, hơn nữa, với thơ, ông khắc phục được những nhược điểm khá phổ biến trong văn xuôi của ông trước đây. Có cảm tưởng bao nhiêu tư tưởng nung nấu một đời, khắc khoải một đời, Mai Thảo đều gửi gắm hết vào thơ. Chỉ vào thơ.

 

Đặc điểm nổi bật nhất của tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền là tính chất trí tuệ.

 

***

 

Hẳn Mai Thảo phải thích bài 'Ta thấy hình ta những miếu đền' lắm, ông mới lấy tựa bài này đặt tên cho cả tập thơ. Mai Thảo thích, tôi đoán, có lẽ vì bài thơ thể hiện cô đọng một tư tưởng mà ông hằng ôm ấp:

 

Ta thấy tên ta những bảng đường

Đời ta, sử chép cả ngàn chương.

 

Không nên nghĩ Mai Thảo, ở vào cái tuổi ngoài sáu mươi, đâm ra ngạo thế, như một số nhà thơ trẻ, vì phẫn chí, giả vờ nghênh ngang. Ở hai câu kế tiếp, Mai Thảo giải thích:

 

Sao không, hạt cát sông Hằng ấy

Còn chứa trong lòng cả đại dương.

 

Hạt cát và đại dương. Là gì nhỉ? Là cái cực tiểu và cái cực đại trong Nam Hoa Kinh đấy.

 

Trong suốt tập Ta thấy hình ta những miếu đền, Mai Thảo chỉ nhắc đến mấy chữ Nam Hoa Kinh có ba lần: một lần trong bài 'Bờ cõi khởi đầu' và hai lần trong bài 'Thơ say trên máy bay', tuy nhiên, ở hầu hết những bài thơ khác, nếu để ý, người ta sẽ bắt gặp, đâu đó, thấp thoáng, lung linh, một chút ánh sáng dịu dàng và lặng lẽ đến từ vầng trăng Nam Hoa Kinh.

 

Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, có lẽ Mai Thảo và Chế Lan Viên là hai nhà thơ chịu ảnh hưởng tư tưởng Trang Tử sâu sắc nhất. Thơ của họ phần lớn như một chiếc võng đong đưa giữa hai bờ cực tiểu và cực đại, giữa một bên là thế giới của cá Côn, của chim Bằng và một bên là thế giới của con ve, của chim cưu.

 

Có điều, Chế Lan Viên chỉ chịu ảnh hưởng của Trang Tử một thời gian ngắn, từ sau tập Điêu tàn đến những năm đầu của kháng chiến chống Pháp. Sau đó, tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, một triết thuyết xây dựng trên căn bản sự mâu thuẫn, dấu ấn của Trang Tử trong thơ Chế Lan Viên càng lúc càng mờ. Cái cực tiểu và cực đại trở thành hai phạm trù riêng biệt, thậm chí, đối lập nhau. Vầng trăng Nam Hoa Kinh vẫn còn đấy, trong thơ Chế Lan Viên, nhưng chỉ còn là một vầng trăng khuyết, hay nói như Thanh Tâm Tuyền, trong một câu thơ thật đẹp: "Một đoá trăng tàn lẩn lút bay."

 

Ở phương diện này, Mai Thảo đi xa hơn Chế Lan Viên: thỉnh thoảng ông đạt đến cái nhìn 'huyền đồng'. 'Huyền đồng' là vượt lên trên tinh thần nhị nguyên, không còn áy náy về nhữngsự mâu thuẫn, không còn băn khoăn về những cái lớn, cái nhỏ, cái đúng, cái sai, cái mình và cái không phải mình. 'Huyền đồng' là ý thức về cái Một: con người và vũ trụ là Một ("Vạn vật dữ ngã đồng nhất" - Nam Hoa Kinh, thiên 'Tề vật luận'.)

 

Cái nhìn 'huyền đồng' này được Mai Thảo diễn tả khá hoàn chỉnh trong bài 'Cục đất':

 

Biển một đưiờng khơi xa thẳm xa

Núi vươn trượng trượng tới mây nhoà

Thì treo cục đất toòng teng giữa

Cho cái vô cùng vẫn nở hoa

 

Biển và núi là những cái cực đại, cục đất là cái cực tiểu. Cái cực tiểu ở đây lại là 'hoa' của cái cực đại. Vẫn có khác nhau đấy. Nhưng khác mà không biệt. Trong đoá hoa kia có đất có biển có núi có cả những áng mây xa, nghĩa là có cái vô cùng. Thì thành là một.

 

Cục đất và biển và núi là Một; hạt cát và đại dương là Một; cái 'tiểu ngã' và cái 'đại khối' (tức vũ trụ, theo chữ dùng trong Nam Hoa Kinh) là Một. Vậy tại sao Mai Thảo lại không có quyền nghĩ là bao nhiêu huyết lệ trong trời đất đều phát sinh từ huyết lệ mình; bao nhiêu vòng quay của vũ trụ đều phát sinh từ hạt bụi của mình, từ đó, tiến xa hơn, nhìn thấy hình ảnh của mình trong những miếu đền, giữa những trầm hương nghi ngút; trong những công viên, giữa những tượng thờ nghìn bệ; trong trời cao, giữa những vì sao chi chít; trong lịch sử, giữa những trang sách nặng trĩu tên người? Tại sao không?

 

Kết quả của cái nhìn 'huyền đồng' là một tinh thần ung dung tự tại, cái tinh thần "không ham sống, không ghét chết, ra không vui, vào không sợ, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi" (Nam Hoa Kinh, thiên 'Đại Tông Sư'), hay nói như Mai Thảo, trong bài 'Sáu mốt', là cái "tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm":

 

Sáu mốt cùng ta đứng trước thềm

Đợi trời thả tặng chút xuân thêm

Trời thôi tặng phẩm, xuân còn hết?

Còn cái tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm. (2)

 

'Tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm', trong ý nghĩa tuyệt đối của nó, là một trạng thái 'chân không' tịch lặng, trong ngần, ở ngoài mọi gió bão, xa lắc những xôn xao:

 

Sao phải đợi chờ chim én báo

Một đoá vui người đủ tuyết tan

(Tin xuân)

 

Tuyết, đâu phải chỉ là tuyết. Tuyết, ở đây, còn là một cục bướu ung thư đang phục kích trong thân hình Mai Thảo. Mai Thảo kể, cái lần đầu tiên, sau khi rọi hình, biết chắc ông bị ung thư, vị bác sĩ quen đã yêu cầu ông nằm lại phòng khám để nghỉ ngơi, nhưng Mai Thảo đã từ chối. Ông ra về. Đi bộ. Ghé vào một quán rượu. Gọi một chai Cognac. Đem cái cay của cuộc đời đổ vào cái đắng của lòng mình. Dần dần, ông coi cái cục bướu ung thư trong thân thể mình như một người bạn để thỉnh thoảng lại chuyện trò:

 

Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện

Ta lại cùng cơ thể chuyện trò

Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn

Nó nghĩ sao rồi nó lại cho.

 

Bệnh ở trong người thành bệnh bạn

Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân

Gối tay lên bệnh nằm thanh thản

Thành một đôi ta rất đá vàng.

(Dỗ bệnh)

 

'Không hiểu', theo tôi, là một trong những bài thơ tuyệt cú hay nhất của Mai Thảo:

 

Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao, khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.

 

Đáng để ý hơn cả, trong bài thơ trên, là hai chữ 'chẳng sao'. 'Chẳng sao, rất bất cần. Bất cần cái chuyện 'có triệu điều không hiểu'. Bất cần cả cái chuyện 'khi đã nằm trong đất'. Câu cuối, như một vì sao xa xăm, mở ra những chân trời vời vợi.

 

Hiểu hay không hiểu, rốt cuộc, thì cũng vậy thôi mà:

 

Có lúc nghĩ điều này điều nọ

Cảm thấy hồn như một biển đầy

Có khi đếch nghĩ điều chi hết

Hệt kẻ ngu đần cũng rất hay.

(Có lúc)

 

Và cả cái chết nữa, trong bài 'Món đất' sáng tác sau khi tập ta thấy hình ta những miếu đền xuất bản, đăng trên tạp chí Văn số 88 ra vào tháng Mười 1989, Mai Thảo cũng hình dung như một bữa tiệc:

 

Đất tưởng còn xa trời vẫn gần

Giờ đất đã gần trời xa dần

Khăn bàn trải sẵn cùng thân thế

Đợi chiếc khay trời món đất ăn.

 

Hơi hai câu thơ đầu, tôi rất thích: nó có hình ảnh một đường nghiêng. Khởi đầu là 'đất tưởng', hai chữ vần trắc, trên cao, thoải xuống từ từ với chữ 'gần' được lặp lại hai lần và cuối cùng, xuống thật thấp, tận thung lũng sâu và rộng với ba chữ vần bằng thoi thóp 'trời xa dần'. Té ra, bên trong cái dáng vẻ điềm tĩnh, rất Trang Tử của mình, tâm hồn Mai Thảo vẫn có một chút đìu hiu.

 

Ở trên, tôi có viết thỉnh thoảng Mai Thảo đạt đến cái nhìn 'huyền đồng'. Chỉ thỉnh thoảng thôi. Không phải luôn luôn. Mai Thảo chỉ giữ được thái độ thanh thản, ung dung khi đối diện với những vấn đề có tính chất siêu hình, những vấn đề liên quan đến cuộc đời, đến con người, đến kiếp người nói chung. Nhưng khi đối diện với những vấn đề cụ thể hơn, đến đất nước, đến hoàn cảnh lưu vong, đến bạn bè mình và bản thân mình đang trầm luân trong thời cuộc, thơ Mai Thảo biến thành những tiếng mưa thầm:

 

Bước một mình qua ngưỡng cửa năm

Nhân gian tịch mịch tiếng mưa thầm

(Trừ tịch)

 

Mưa thầm. Những cơn mưa lê thê và tái tê của quốc nạn cứ tuôn rơi dào dạt trong lòng mọi người Việt Nam. Mưa sướt mướt trên trại giam có Nguyễn Sỹ Tế, có Phan Nhật Nam, có Tô Thuỳ Yên... vác thánh giá. Mưa ngùi ngùi thương "những Thanh Tâm Tuyền trăm năm đã xa", "những Vũ Hoàng Chương nghìn ngày đã khuất", những Bùi Giáng "ngày ca múa khóc cười giữa chợ", "tối tối về chùa đêm làm thơ." Mưa phơi phới bay theo Mai Thảo trên đường vượt biển "giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta." Mưa giàn giụa trên Vũ Khắc Khoan, trên Nghiêm Xuân Hồng, trên Võ Phiến, trên Mặc Đỗ, trên Thanh Nam, trên Tuý Hồng... đội mũ gai nơi cõi lưu đày. Mưa. Mưa trùng trùng. Mưa điệp điệp. Những tiếng mưa thầm và những giọt mưa đen:

 

Nửa khuya đợi bạn từ xa tới

Cửa mở cầu thang để sáng đèn

Bạn tới lúc nào không biết nữa

Mưa thả đều trong giấc ngủ đen

(Đợi bạn)

 

Mưa. Mưa trên niềm nhớ nhung quê hương không nguôi:

 

Nhánh hương thắp nửa này trái đất

Bay đêm ngày về nửa bên kia

(Năm thứ mười)

 

Mưa. Mưa rơi trên từng ngày, từng ngày trôi giạt:

 

Mỗi ngày một gạch mỗi ngày giam

Lên bức tường câm cạnh chỗ nằm

Gạch miết tới không còn chỗ gạch

Gạch vào trôi giạt tới nghìn năm

(Mỗi ngày một)

 

Mưa từ quá khứ xa mưa tạt về:

 

Đôi lúc những hồn ma thức giấc

Làm gió mưa bão táp trong lòng

Ngậmngùi bảo những hồn ma cũ

Huyệt đã chôn rồi lấp đã xong

(Quá khứ)

 

Mưa. Vẫn mưa. Mưa trong những tách trà buổi sáng. Để thành một "ngụm đau trời đất" dành cho kẻ ly hương:

 

Trà đựng trong bình trí nhớ câm

Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm

Hoà chung cùng ngụm đau trời đất

Là mỗi ngày ta mỗi điểm tâm

(Điểm tâm)

 

Có lúc Mai Thảo tự nhủ:

 

Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt

Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn

(Em đã hoang đường từ cổ đại)

 

Thì cũng là một cách tự động viên. Làm sao mà hết não nề được khi vẫn còn đây, mỗi ngày, những bước chân lang thang giữa phố người, những mắt nhìn ngơ ngác giữa "rừng vô tuyến, ống thu lôi."

 

Làm thân sư tử cao nghìn trượng

Tự thuở xa rừng khóc chẳng thôi

(Manhattan)

 

Thanh Nam, lúc còn sống, từng có một kinh nghiệm thấm thía:

 

Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng

Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do

(Thơ xuân đất khách)

 

Chắc chắn Mai Thảo cũng từng chia sẻ kinh nghiệm ấy:

 

Tôi tự do phơi phới một đời

Sao từng lúc lòng còn nhỏ lệ

(Thơ say trên máy bay)

 

'Từng lúc' khác với 'đôi lúc'. 'Từng lúc' là triền miên một nỗi đau dài thỉnh thoảng ứa ra một giọt nước mắt nghẹn ngào. Nỗi đau hoá thành đất thành trời thành chiều thành đêm:

 

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy

Tiếng người: kia, uống cái chi đây?

Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ

Và một bình đêm rót rất đầy

(Một mình)

 

Tôi ngờ là, trong những bài thơ say của Việt Nam, hiếm có bài nào bi thiết và tha thiết như bài thơ nói về cái say của bức tượng lữ thứ này.

 

Bức tượng? Vâng, một bức tượng bất động lặng lẽ như một khối buồn câm:

 

Tựa lưng vào vách tường thân thuộc

Trong cõi riêng buồn lại thấy ta

(Bộ đồ cũ mặc)

 

Trong bài 'Lộ trình', Mai Thảo tự gọi mình là một bức tượng: "tượng người vô giác."

 

Xe lao chở tượng người vô giác

Vào ngả lâm chung lối tử hình

 

Bức tượng ấy, giữa cõi nhân gian, bước từng bước lạc lõng và lạc loài. Ấn tượng nổi bật nhất toát lên từ thơ Mai Thảo là ấn tượng nặng nề, day dứt của sự cô đơn. Mai Thảo có đông bạn bè. Trong tập Ta thấy hình ta những miếu đền, có khá nhiều bài Mai Thảo viết về bạn bè, viết cho bạn bè, viết nhân lúc đi thăm viếng bạn bè. Có điều, từ hơi thơ đến hình tượng thơ đến cảm xúc thơ, người ta vẫn thấy dường như bao giờ ông cũng lẻ loi. Ông thường làm thơ trên đường đi chứ không phải lúc đã đến.

 

Thơ Mai Thảo rất ít tiếng động. Cho dù có tiếng động đi nữa thì những tiếng động ấy cũng chỉ được dùng để làm đậm nét thêm cái lặng lẽ, cái tịch mịch trong tâm hồn Mai Thảo. Đi giữa rừng giữa suối; rừng xôn xao, cũng mặc; suối ào tuôn, cũng mặc, Mai Thảo vẫn chìm đắm trong cõi trời đất quạnh quẽ của riêng ông. "Với buổi chiều ta giữa lối buồn." Đó là Mai Thảo. "Tai đã từ bao lạc tiếng đời." Đó là Mai Thảo. "Đi dưới mưa một mình." Đó là Mai Thảo. Và cũng làm nữa, cái bằn bặt não nề này:

 

Ngất đỉnh cây kia gió thét gào

Trọn mùa. Thành động biển trên cao

Bến ta tối khuất từ xa biển

Bờ chẳng còn ngân tiếng sóng nào

(Santa Ana Winds)

 

Tôi yêu bài thơ 'Không hiểu' dẫn trên, tôi cũng yêu lắm bài thơ 'Không tiếng' dưới đây, rất Đường thi, ngỡ như một bài thơ thiền:

 

Sớm ra đi sớm hoa không biết

Đêm trở về đêm cành không hay

Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu

Nơi góc tường in cái bóng gầy

 

Bài thơ mang tựa đề là 'Không tiếng' nhưng thật ra nội dung lại nói đến chuyện không hình. 'Không tiếng' chỉ ám chỉ sự đi về lặng lẽ; đi, đi rất sớm; về, về rất trễ. Nhưng ai đi? ai về? Cả hai câu đều thiếu chủ từ. Không ai đi, không ai về cả. Cái dấu mà đôi lúc vầng trăng tìm thấy chỉ là một cái bóng gầy nơi vách tường. Chỉ là cái bóng thôi. Chỉ là cái ảo thôi. Thế đấy, cái con người từng thấy tên mình trên các bảng đường, thấy hình mình ở những miếu đền lại cũng thấy nữa, thấy rất rõ cái hư vô, cái hư ảo của cả kiếp mình.

 

Cái ảo ấy lại cưu mang một nỗi buồn rất thực:

 

Tả ngạn đời ta một nhánh hoa

Bên kia hữu ngạn vẫn thơm va

Hương bay thần chú qua lìa đứt

Mỗi tới bên này mỗi lệ sa

(Tả ngạn)

 

Thơ Mai Thảo, những bài làm sau 75, có thể nói là những giọt lệ rơi trên một triền núi thẳm, cái triền đi xuống những thung sâu. Đôi lúc, Mai Thảo dùng động từ 'khóc', nhưng thơ của ông, rất lặng lẽ, chỉ là những tiếng khóc thầm, những nỗi đau thầm. Tất cả đều âm thầm. Như những tiếng mưa thầm.

 

Thơ Mai Thảo là những tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh.

 

***

 

Có lẽ Mai Thảo sẽ là một trong những người đầu tiên phản đối nhận định này của tôi. Ông sẽ nói ông rất ghét những con đường thẳng, những cái 'nhất dĩ quán chi' trong triết học như ông từng viết trong bài 'Em đã hoang đường từ cổ đại':

 

Con đường thẳng tắp con đường cụt

Đã vậy từ xưa cái nghĩa đường

Phải triệu khúc quanh nghìn ngả rẽ

Mới là tâm cảnh đến mười phương

 

Tôi biết. Tôi thấy những ngả rẽ ấy. Tôi thấy những hồi quang của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ Mai Thảo. Tôi thấy những lúc Mai Thảo cười hóm hỉnh, thật duyên dáng, như trong bài 'Chỗ đặt'. Tôi cũng nghe cả những khi Mai Thảo gào thét:

 

Dậy đi! Day hết thành giông bão

Nhảy dựng ngang trời thế đá tung

(Gọi thức)

 

Tuy nhiên, tôi nghĩ, dù sao, đó cũng chỉ là những ngả rẽ nhỏ, hẹp và cụt. Bên cạnh những ngả rẽ ấy, trong tâm hồn Mai Thảo vẫn có hai đại lộ thênh thanh, hai 'con đường chiến lược' quyết định hình thể núi non, sông biển và phố xá. Một đại lộ là tâm trạng thanh thản, an nhiên của những bậc hiền giả ngày xưa và một đại lộ là tâm trạng bi thương, thê thảm của những người Việt Nam lưu vong trong hiện tại.

 

Sẽ là một khiên cưỡng, hơn nữa, một sai lầm nếu quan niệm hai con đường ấy cứ song song chạy miết bên nhau. Không phải. Trong thơ Mai Thảo, với nhiều mức độ khác nhau, hai con đường này không ngừng giao thoa với nhau. Để, hiếm khi nào Mai Thảo chỉ là một ánh trăng sáng, cũng hiếm khi nào chỉ là một tiếng mưa thầm. Thơ Mai Thảo là cõi thơ vừa có trăng vừa có mưa. Có lúc trăng tròn đầy và mưa chỉ lay bay. Có lúc mưa là mưa dầm và trăng chỉ là trăng khuyết. Ngay trong bài 'Ta thấy hình ta những miếu đền', bài thơ đậm đà phong vị Nam Hoa Kinh, người ta vẫn bắt gặp một ý nghĩ lạc loài, rất xa lạ với Trang Tử: "Địa ngục người là, kẻ khác ơi!" Một câu nói của Jean- Paul Sartre. Rồi trong bài 'Em đã hoang đường từ cổ đại', một bài thơ rất xuân sắc, cũng hằn lên một thoáng ngậm ngùi. Ở cái chỗ, tuy tự nhủ là đừng buồn, đừng khóc, song Mai Thảo lại tự biết không thể không khóc khi ngay cả mưa cũng là nước mắt, không thể không buồn khi ngay cả đá cũng tang thương. Ngược lại, những lúc Mai Thảo buồn rầu và bế tắc nhất, trời đất cũng không vì thế mà tối sầm hẳn lại. Nhờ, đâu đó, trong tâm tưởng Mai Thảo, như một làn ao trong thơ Nguyễn Khuyến, vẫn lóng lánh bóng trăng loe.

 

Những cơn mưa trong thơ là một hiện tượng cũ càng. Chế Lan Viên: "Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi." Huy Cận: "Giọt mưa cũ ố vàng thơ phú." Viết về nỗi buồn, lại viết bằng thể thơ rất cổ điển là thể thất ngôn tứ tuyệt, Mai Thảo phải chấp nhận nhiều thử thách để khẳng định được phong cách riêng. May, Mai Thảo thành công. Thơ ông, ngay ở những bài viết về cái già, cái chết, vẫn có giọng rất trẻ. Trẻ và mới.

 

Trẻ và mới ở cách dùng chữ: "Có khi đếch nghĩ điều chi hết." Trẻ và mới ở cách ngắt câu: "Tường. Ở bên kia có một nàng." Trẻ và mới ở cách sử dụng biện pháp bắc cầu và chữ 'và' lửng lơ rất hiếm thấy trong thể thơ tuyệt cú: "Vàng đâu? Chỉ thấy tối thui và." Trẻ và mới ở cách nhìn: "Xuống thêm từng chút thêm từng chút / Ồ hoá đồi nương với núi rừng." Trẻ và mới ở cảm xúc: "Mười năm gặp lại trên hè phố / Cười tủm còn thương chỗ đặt nào."

 

***

 

Có lần, trong một cuộc trò chuyện, Mai Thảo bảo ông chỉ làm thơ chơi thôi. Thì đành vậy. Ai mà chẳng làm thơ chơi thôi? Nguyễn Du viết Kiều, làm thơ chữ Hán cũng là làm chơi thôi chứ gì? Thế nhưng, hai câu thơ này là của Nguyễn Du đấy:

 

Tưởng rằng nói để mà chơi

Song le lại động lòng người lắm thay (3)

 

Nguyễn Hưng Quốc

Paris, 1990

 (Nguồn: HỢP LƯU 100)

 

Chú thích:

(1) Lời giới thiệu in ở bìa sau cuốn Ta thấy hình ta những miếu đền do Văn Khoa xuất bản tại California năm 1989.

(2) Nhớ, khi đọc bài thơ này của Mai Thảo trên tạp chí Văn, tôi có viết cho ông mấy dòng khen cái “tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm” của ông. Sau đó, ông làm một bài thơ khác, bài “Tin xuân”, để nói thêm về cái “tinh thần Nguyễn Bỉnh Khiêm” ấy. Bài thơ này, khi in vào tập Ta thấy hình ta những miều đền, Mai Thảo ghi “tặng Nguyễn Hưng Quốc”:

 

Những bầy chim én báo tin Xuân
Không tới. Đài Xuân vẫn trắng ngần
Sao phải đợi chờ chim én báo
Một đoá vui người đủ tuyết tan

 

(3) Bài này thoạt đầu đăng trên tạp chí Văn Học số 49 ra vào tháng 3.1990, sau, in lại trên tạp chí Hợp Lưu số 16 ra vào tháng 4 và 5.1994 với một ít sửa chữa.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Sáu 20211:14 SA(Xem: 10026)
Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bẩy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới.
28 Tháng Sáu 202112:51 CH(Xem: 10349)
1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ôngHuỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.” Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ).
03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10270)
Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).
16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 11792)
Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".
15 Tháng Năm 20214:04 CH(Xem: 11252)
"Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ." (NTV)
26 Tháng Tư 20215:05 CH(Xem: 12655)
Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. {Bây giờ} Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.
17 Tháng Tư 202112:36 SA(Xem: 10314)
Trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà, của Trần Mai Hạnh (đăng nhiều kỳ trên tuần báo Văn Nghệ từ số 12 ra ngày 18.3.2000), tác giả tưởng tượng ra cuộc đối thoại như sau giữa Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1 và viên Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà nẵng: “An Phran-xít xộc vào giữa lúc Trưởng đang hối thúc đám tay chân thân tín tiêu hủy tài liệu. Thấy An Phran-xít, Trưởng không trịnh trọng bước tới bắt tay như mọi khi mà chỉ cất tiếng chào: - Xin chào Ngài Tổng lãnh sự! Tôi tưởng Ngài đã ra đi. - Sân bay hỗn loạn. Không một máy bay nào lên xuống được. Người của tôi đi chưa hết. Không một ai giúp tôi. Tôi phải can thiệp và tụi lính của ngài đã xông vào hành hung tôi.
15 Tháng Tư 202112:16 SA(Xem: 10478)
Trong số những «thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa» ..., tất nhiên có cả ngày 30 tháng 4 năm 1975. Do đó, xác định lại nó như ngày thất bại chính trị văn hoá bi thảm nhất của lịch sử dân tộc, chính là góp phần giải ảo một huyền thoại nguy hại, thức tỉnh những ai còn chút lương tri để suy nghĩ một cách thực tế và trách nhiệm về tương lai đất nước. Đây không thể là một chiến thắng chính trị, vì sau đó đất nước trở lại mô hình Bắc thuộc tưởng đâu đã vĩnh viễn trôi qua, dân tộc bị phân hoá trầm trọng thành bao mảnh đối kháng (Bắc / Nam, cai trị / bị trị, trong nước / ngoài nước, trong đảng / ngoài đảng). Đây cũng không thể là một chiến thắng văn hoá khi kẻ cầm quyền đã tự tay tổ chức sự tụt hậu về mọi mặt của quốc gia (giáo dục, y tế...), phá hủy nền đạo lý cổ truyền thoát thai từ các đạo giáo toàn nhân loại mà không thay thế nổi bằng bất cứ chủ trương, chính sách giáo điều nào.
29 Tháng Ba 202111:52 CH(Xem: 11301)
JOHN STEINBECK, NOBEL VĂN CHƯƠNG 1962 Sinh ngày 27/02/1902 tại Salinas, miền trung California. Sống và lớn lên trong một vùng thung lũng đồng quê xanh tươi, còn được gọi là “Salad Bowl” với dòng sông Salinas. Xong trung học (1919), có ước vọng viết văn, Steinbeck ghi tên học môn Văn chương Anh và cả lớp Viết văn / Creative writings tại Đại học danh tiếng Stanford, Palo Alto. Năm 1923, Steinbeck ghi tên học thêm môn Sinh Học / Biology tại Hopkins Marine Station, tại đây Steinbeck quen biết với William E. Ritter và quan tâm nhiều hơn tới Môi sinh / Ecology. Do theo học thất thường, ông rời Stanford 6 năm sau (1925) và không có một học vị nào. Steinbeck quyết định sang New York lập nghiệp, ông làm đủ loại công việc lao động tay chân để kiếm sống và tập sự làm báo, viết văn nhưng không thành công, không nhà xuất bản nào nhận in cuốn sách đầu tay của ông.
25 Tháng Ba 202110:32 CH(Xem: 10592)
Cách đây hơn hai chục năm, tôi có được xem một bộ phim tài liệu nghệ thuật (nhựa màu 3 cuốn) về chân dung nhạc sĩ Văn Cao, và có một tình tiết khiến tôi bị ám ảnh mãi - không phải vì sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mà bởi sự thiếu "sang trọng" rất phản cảm của nó: những người làm phim đã buộc nhạc sĩ ngồi bên cây đàn piano, giơ cả hai khuỷu tay đập mạnh vào phím đàn như một người mất trí, hoặc căm hận ai đó, và không chỉ một lần! Người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng tôn trọng phương tiện nghệ thuật của mình, trong thực tế không ai làm như vậy!