- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đặng Thơ Thơ - Hành trình đi tìm Bản kinh thánh cuối.

09 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 43975)


ban_mai_-_dtt-content


“Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh”. Đặng Thơ Thơ đã viết như vậy trong truyện ngắn “ Đi tìm bản kinh thánh cuối” như một trải nghiệm cần thiết của nhân loại và dân tộc mình.

Đặng Thơ Thơ bắt đầu viết năm 20 tuổi khi còn ở Việt Nam, theo tác giả những truyện này chịu ảnh hưởng Văn học Miền Nam, qua các tạp chí Văn, Bách Khoa, Tự Lực Văn Đoàn… Năm 1992, gia đình cô được bảo lãnh sang Mỹ. Tác phẩm đầu tiên cô gửi đăng là truyện ngắn “Mùa xuân xám” in trên tạp chí Văn học do nhà văn Nguyễn Mộng Giác giới thiệu năm 1995. Truyện ngắn này, Đặng Thơ Thơ đổi lại thành “Mùa xuân trắng” khi in trong tập “Phòng triễn lãm mùa Đông”. Từ đó đến nay, Đặng Thơ Thơ đã đi vào nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến phê bình, dịch thuật, nhiếp ảnh, phỏng vấn...
Tác phẩm của cô xuất bản không nhiều, nhưng được chọn lọc kỹ càng, thường xuất hiện trên tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Đề.
Các tác phẩm đã in: Phòng Triển Lãm Mùa Đông, tuyển tập truyện ngắn (Văn Mới 2002). Tác phẩm mở: Khi Phong Linh Vỡ – truyện dài.

Đặng Thơ Thơ là một tác giả nữ đặc biệt trong dòng Văn học Việt Nam di dân, với một tâm hồn nhạy cảm luôn dằn xé trước thực tại và bản thân, tác giả thường trực khủng hoảng nội tâm, mâu thuẫn với chính bản thân mình, thích sống khép mình lui vào sự cô đơn, đọc tác phẩm của cô người đọc luôn tìm thấy sự tự tra vấn này.

Một trong những ám ảnh thường trực trong tác phẩm Đặng Thơ Thơ là sự “sống” và cái “chết”. Tác giả thường cho nhân vật tự hỏi: “Người ta có thể sống nhiều cuộc đời không? Người ta có thể chết nhiều lần không? ... Mình có thể ngất đi, rồi tỉnh dậy hóa ra người khác, đúng không? Nếu mỗi lần sống lại, mình biến ra một con người khác, thì chuyện chết đi sống lại là tất nhiên. Đúng không? Nói chung, con người vẫn từng chết đi sống lại mà không hay biết”.(1)
Và linh cảm về một cái chết trước mắt. “Mân hay ngồi đó viết thư cho một người nào đó, báo tin thì đúng hơn, về cái chết của chính cô. “Mình sẽ tự tử vào một ngày mùa thu”, cô viết cho một người bạn có tên bắt đầu bằng chữ S, “Mình không bình tĩnh chút nào, mình rất hồi hộp, như sửa soạn đi chơi xa, mà có lẽ sẽ không về nữa.”(1)

Có thời gian nhà văn bị trầm cảm và hội chứng OCD (tâm thần thôi thúc ám ảnh), viết văn là một cách giúp tác giả thoát ra khỏi sự cô đơn và khủng hoảng đó. Giống như Thanh Tâm Tuyền viết Tôi Không Còn Cô Độc nhưng đến chết hẳn tác giả vẫn còn cô độc. Nhà thơ phải bám vào nỗi cô độc để thơ ông được tiếp tục viết và tiếp tục sống, hoặc để vượt thoát chính ông. Đặng Thơ Thơ cũng vậy.

Có lần tôi hỏi Đặng Thơ Thơ có chịu ảnh hưởng nhà văn nào không, cô cho biết ảnh hưởng nhiều bởi các tác giả như Borges, Virginia Woolf, Murakami, Kundera, Kafka, các tác phẩm của cô thời gian sau này phảng phất những xung đột nội tâm như vậy. Hiện nay Đặng Thơ Thơ thích đọc những tác giả nữ và da màu như Sandra Cisneros, Gloria Anzaldúa, Yiyun Li, Shan Sa, Yoko Ogawa, và Jeanette Winterson. Về tác giả Việt Nam, có 3 người viết mà phong cách của họ gây ấn tượng mạnh cho nhà văn là Trần Vũ, Nguyễn Hương, và Nguyễn Thúy Hằng.

Đặc biệt từ năm 2006, khi tham gia chủ trương trang web Văn học nghệ thuật không biên giới damau.org, Đặng Thơ Thơ sáng tác hàng loạt truyện cực ngắn, truyện chớp và nhận định phê bình: Luân hồi đen; Nữ Quyền Trốn Học; Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền; Nữ Quyền Trốn Học / Feminism Plays Hooky; Polonium 210(*); Chiến tranh trên cánh đồng hoa tu-líp; Điều xảy ra sau khi Chúa chết; Hoa cúc trắng (đen) trên nền đen (trắng); Cấy Óc; Lối thoát cho Ted Haggart; Tình Yêu trước ngày Tận Thế; Ở khoảng giữa một gang tay; Lịch sử nhìn từ âm bản; Những vần thơ của Bác; Uncle’s Poetry; Buổi chiều ở Prague; Cuộc chơi của dân da màu; Con yêu tinh thứ một trăm lẻ tám; Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ; Quà Giáng Sinh Ý Nghĩa Nhất?;Quà cho người đàn bà lý tưởng; Tùy Bút của Thu Tứ; Những Bài Thơ Đến Trước Giấc Ngủ của vi lãng; 30 tháng 4 và một ngày ở phía tương lai; Vô đề; Con yêu ai nhất; Tôi đọc Thảo Trường; Hoàng Đạo – tiểu sử và sự nghiệp văn hóa; Lễ bế mạc một mùa hè; Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối.

Thời gian này, ngòi bút của cô trở nên sắc bén với một cảm quan thẩm mỹ mới. Đặng Thơ Thơ là một tác giả nữ luôn tìm cách làm mới mình qua nội dung và hình thức thể hiện. Hầu như mỗi tác phẩm là một thử nghiệm bút pháp trong một tư tưởng mới lạ. Những đề tài cô quan tâm thường là những vấn đề nhạy cảm mang tính thời sự xã hội, có ý thức dấn thân rõ nét. Hành trình cô tìm kiếm là một hành trình mở chưa có hồi kết.

Đúng vậy, với Đặng Thơ Thơ quá trình sáng tạo là một hành trình tìm kiếm, luôn luôn bất ngờ, luôn luôn thay đổi. Từ Mùa xuân Trắng đến Đi tìm bản kinh thánh cuối là một cuộc lột xác ngoạn mục.

Giai đoạn đầu nội dung trong tác phẩm của Đặng Thơ Thơ thiên về những chủ đề nhẹ nhàng như tình bạn, gia đình, tình yêu đôi lứa, cái đẹp trong nghệ thuật, văn mượt mà trong sáng, cảm xúc tuôn chảy như thơ. Trái lại, giai đoạn sau những đề tài tác giả phản ánh lại mang tính gai góc như văn chương nữ quyền, ẩn ức của những người đồng tính, lưỡng tính...hay các vấn đề nhạy cảm mà người viết trong nước thường tránh né như đối diện quá khứ, lật lại lịch sử. Giai đoạn này, văn phong thiên về tính chính luận, lý trí nhiều hơn, tác giả chú trọng nhiều đến kỹ thuật sáng tác. Một trong những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này là truyện ngắn Đi tìm bản kinh thánh cuối.


Lấy tư liệu từ Kinh Thánh làm chất xúc tác, Đặng Thơ Thơ đưa ra những luận đề: Vị trí và giá trị của người phụ nữ trong một xã hội giáo điều,  mối tương quan giữa Niềm tin - Tri thức, Giáo điều - Tình yêu, và sự khả tín chính trị.

Nhân vật Tôi – một giáo sĩ chép kinh – thuộc phái Tín giáo, tượng trưng cho Tín điều. Nhân vật Mary Mađơlen – giáo chủ Tri giáo - tượng trưng cho lương tri, nàng cũng là người đàn bà duy nhất trong truyện – tượng trưng cho tình yêu.

Nội dung truyện xoay quanh nhân vật Tôi là một thầy tu dòng Tín giáo, có nhiệm vụ chép kinh thánh để lưu giữ, truyền cho hậu thế. Nhà văn Đặng Thơ Thơ dẫn người đọc vào một không gian hư cấu huyền ảo, không hiện thực huyền ảo mà thuần túy biến ảo của những truyền thuyết trong Tân Ước. Không gian và thời gian trong tác phẩm mở rộng vô giới hạn làm người đọc có cảm tưởng đang bay lượn ngoài vũ trụ nhìn về trái đất xem quá trình phát triển của nhân loại đang luân chuyển phía dưới. Tất cả mập mờ cùng lúc minh bạch, tất cả thâm u vừa chập chờn phân vân trong những gào la dằn xé của lý trí buộc im lặng...

 

 

Phụ nữ

Trong tôn giáo xưa Đàn bà là hiện thân của tội lỗi, tôn giáo phụ hệ xem thường người đàn bà, chỉ nhìn thấy nhục thể trên thân xác họ, không xem phụ nữ có khả năng sở hữu trí tuệ. Đây chính là điều mà Đặng Thơ Thơ đả phá, vì vậy trong “Đi tìm bản kinh thánh cuối” tác giả cho Mary có một chiếc đầu, biết suy nghĩ, biết chống đối và biết giữ sự độc lập cho thân xác mình. Mary không chỉ có nhục thể mà còn có cái đầu, có trí tuệ là thông điệp của nhà văn.
Mary Mađơlen là người đàn bà có mình mà không đầu, hoặc có đầu mà không mình, và người đời sau chỉ biết một trong hai thứ. Thoạt tiên tôi chỉ biết cái đầu Mary. Cái đầu này chứa những khải thị huyền nhiệm và cả bản đồ chỉ dẫn đường đi của linh hồn. Cái đầu này thông minh xuất chúng và người ta bảo nó đã thu hết mọi lời Giêsu nói. Vì sợ nó gây thêm tổn thương cho niềm tin của chúng tôi, Giáo Chủ đã dùng thanh gươm vô hình lia ngang cổ, chặt phăng cái đầu đi. Từ đó truyền thuyết Mary người đàn bà không đầu đã biến Tri giáo thành một giáo phái huyền bí và ma quái. Nhưng thanh gươm của Giáo Chủ chỉ có thể cắt lìa mà không thể hủy hoại, cũng không thể khiến những thứ bị cắt lìa biến mất vào hư vô. Những thứ này vẫn tồn tại, nhưng trong một thể khác, trôi chảy lung linh hơn và dịch chuyển quỷ mị hơn. Nguyên tắc chung của những bí mật là tính hữu hạn của chúng: theo một lời nguyền của dòng Tri Giáo, thời gian lâu nhất để giữ một bí mật không thể quá hai ngàn năm. Sau thời hạn đó những bí mật bị chôn dấu sẽ trồi lên và làm thế giới ngỡ ngàng. Cái đầu của Mary chẳng hạn, nó vẫn lơ lửng giữa những cuộn kinh dài như tờ sớ.”.

Nhà văn Đặng Thơ Thơ đã cho Mary làm giáo chủ giáo phái Tri giáo dùng linh giác và lương tri để cứu rỗi, không ép buộc đức tin như bên giáo phái Tín giáo. “Sự đối nghịch giữa hai bên như mặt trăng với mặt trời về con đường dẫn đến cứu rỗi. Giáo chủ nói bên Tri Giáo đặt nặng kiến thức và coi nhẹ niềm tin. Ngài lên án Tri Giáo là ngạo mạn khi quan niệm con người có thể tự thông công với Chúa không cần thông qua giáo hội.


Ở đây, hệ thống giáo hội đại diện cho các thiết chế xã hội, tôn giáo được tạo nên bởi quyền lực của người đàn ông. Qua hàng ngàn năm “quyền lực của người đàn ông” được thừa nhận như một niềm tin có giá trị truyền thống lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, điều đó mặc nhiên cầm tù người phụ nữ trong hệ thống niềm tin ấy. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, trong các lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, nữ giới luôn bị nam giới lấn át và tước đoạt quyền hạn. (Trong quá khứ phụ nữ ít khi được phép đến trường, ngày nay hãy còn tồn tại nhiều làng Hồi giáo tại các quốc gia như Yemen ngăn cấm phụ nữ đi học, ra đường phải che mặt và không được bước chân vào đền thờ mà phải đứng ngoài. Bên Công giáo, phụ nữ không được thụ phong linh mục và bên Phật giáo không làm Thượng tọa). Thời Cổ đại và Trung đại người nữ còn là vật dùng để tế thần như một cống vật. Người nữ không bao giờ được đối xử ngang bằng với đàn ông.

Văn chương tranh đấu cho nữ quyền là một trong những đề tài quan trọng đã được Đặng Thơ Thơ đề cập đến nhiều trong quá trình sáng tác của cô. Trong “Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền” tác giả viết: “Đằng sau mỗi vĩ nhân là một người đàn bà vĩ đại. Tôi rất thích viết về đàn bà vĩ đại. Nhưng vợ Khổng Tử có thật vĩ đại không? Chẳng ai biết gì về người vợ của ông. Nàng tên gì? Dung nhan nàng ra sao? Tài năng nàng thế nào? Nàng đã thành đạt gì trong cuộc sống, ngoại trừ việc cho ông mấy người con, trong đó có con trai nối dòng họ Khổng? Nàng có biết nói, biết khóc, biết cười không? Nàng có biết đọc, biết viết, biết làm thơ không? Chẳng sách vở nào nói đến nàng. Chẳng ai vẽ chân dung nàng. Làm sao vẽ chân dung một người không có chân dung? Tìm trong tiểu sử của Khổng Tử cũng không có tên nàng. Nàng là người đàn bà vĩ đại không tiểu sử.”

Khắc họa cách nào khi sự hiện hữu của nhân vật hầu như không được chứng giám?

Và nhà văn Đặng Thơ Thơ đi tìm vợ Khổng Tử trên trang sách Kinh lễ.

Tôi tìm thấy những mảnh quần áo đông phương bị xé rách khi đọc kinh. Những trang kinh sắp trở về với hư vô, hơn hai ngàn năm đã trôi qua trên đó, nhưng Khổng Tử vẫn nhồi nhét thêm những người đàn bà mới vào sách của ông. Ông là vĩ nhân, có tài biến đàn bà thành chữ, thành nét, thành tư tưởng, thành tinh chất. Ông đã hiểu ý nghĩa của cuộc đời là chắt lọc thân xác đổi lấy tiếng thơm. Như người ta ép tinh dầu. Bông hoa và mùi hương không thuộc về nhau. Bông hoa không được sở hữu mùi hương của nó. Hãy để ý đến động tác của họ, rất ngoạn mục: Họ cởi đồ chầm chậm, mỗi hành động buông áo, hạ quần, rút giây lưng kéo dài hàng thế kỷ. Họ ngần ngại và bị lôi cuốn, đến thiên niên kỷ thứ 3 mới bạo dạn dám khoe chút rốn. Ngôn ngữ của họ cũng lơ lửng; một chữ buông hờ ở cửa miệng rồi cứ đọng lại ở đó, một câu nói chưa thành tiếng đã bị mất hút vào không gian. Một ý nghĩ mất cả đời để thành hình. Một câu nói truyền từ người này sang người kia mất thêm vài trăm năm nữa. Chỉ có nước mắt của họ là vẫn vậy, xưa cũng như nay, những giọt lệ chảy nhanh, lăn tròn, đều đặn. Vận tốc của nước mắt là hằng số. Đêm đêm họ ngồi khóc bên những ngọn đèn lồng đỏ thắp lập lòe trên ruộng cao lương.” (2)

Nước mắt của người nữ là “Lệ đá” (3), dòng nước thổn thức bật ra từ lòng núi câm lặng mấy ngàn năm.

Đặng Thơ Thơ kết luận:
Ký ức lịch sử Đông Phương không có chỗ cho một thân phận nữ đơn lẻ. Vì vậy Khổng Phu Nhân, người phụ nữ vĩ đại này đã tan biến vào tập thể và tồn tại như hương hoa để ướp thơm những trang kinh của chồng là đức Khổng”. (2)
Ngàn đời nay từ Tây sang Đông, từ Mary Mađơlen người yêu của Jesus đến vợ Đức Khổng PhuTử, phụ nữ luôn bị xem là chiếc bóng bên cạnh các vĩ nhân.

Đi tìm bản kinh thánh cuối cũng là con đường đi tìm sự giải phóng thật sự cho phụ nữ.

Giáo điều và Tình yêu.

Mary Mađơlen được nhắc đến trong tác phẩm như biểu tượng của nhục thể, tượng trưng cho tình yêu, nàng quyến rũ với “mái tóc từng lọn loăn quăn màu hạt dẻ phủ quanh cần cổ dài, làn da trắng ngà như sữa cừu, tia nhìn thống thiết và ngời sáng, một pha trộn giữa hy vọng và vô vọng. Và giọng nói của nàng, đau đớn rỉ rả cất lên từ trang sách”… “Nàng mảnh khảnh thanh tao như Donatello đã vẽ. Nàng đầy đặn vun tròn như người mẫu của Titian. Nàng hiện thân thành người đàn bà tội lỗi, cánh tay chắc nịch ... bầu vú nàng căng mọng, căng đến nỗi chỉ cần bấu nhẹ thì sữa nhục cảm sẽ ứa ra tràn trề”.(4)


Giáo điều trong kinh thánh cấm các giáo sĩ gần đàn bà vì cho đó là tội lỗi. Bản thân Giáo chủ ngoài mặt thì rao giảng thông điệp “Mary Mađơlen là người đàn bà xõa tóc lẳng lơ, đã lấy dầu sáp thơm thoa mình, đã để xác thịt phạm điều cấm kỵ” nhưng bản thân ông và các tăng lữ vẫn không thể thoát khỏi bản ngã nhục thể của chính mình, vì: “ Bên dưới lớp áo dòng những dương vật chợt cương cứng nhức nhối. Bài giảng ấy là một thử thách và một rủa xả, nó bắt chúng tôi sinh lòng thèm khát. Ngay giữa giáo đường chúng tôi chứng kiến một cảnh thoát y quái gở khi Mary thay áo đổi vai từ một tông đồ sang một gái giang hồ. Tối hôm đó nàng tìm đến giường chúng tôi, khỏa thân và tràn trề xác thịt. Chúng tôi đầu hàng và tận hưởng nhục cảm nàng đem đến. Những nhục cảm không phải trả bằng tiền. Những nhục cảm trả bằng một thứ gì khác hơn, pha trộn sự biết ơn thống hối và cả nỗi buồn đắm đuối. Mỗi người trả bằng cái giá mà họ có. Ai có linh hồn thì sẽ trả linh hồn. Ai có quyền lực thì trả bằng quyền lực”, họ hiểu rằng đối với người đàn ông một trong những bản án chung thân, là lời thề đến chết không được gần phụ nữ. “Ban ngày tôi đọc và biên tập kinh, ban đêm linh hồn tôi lẻn xuống quảng trường gặp Mary... Vườn đá nằm khuất giữa những triền ô-liu bao quanh thung lũng... Mary nằm xoải, ánh trăng chiếu qua tàng cây cằn cỗi rọi hình những chiếc lá nhọn hoắt lên thân thể nàng như những vết khâu. Tôi ngậm mút những trái ô-liu chín thẫm trên bầu vú nàng. Rồi chúng tôi làm tình trên tảng đá lộ thiên trơn nhẵn. Nơi đây tôi không gặp cơn ác mộng bị cắt phăng dương vật; nhưng sẽ luôn có một tai họa khác rình rập để trừng phạt tôi về tội tà dâm... Tôi ôm riết Mary, tôi khao khát truyền sự sống vào nàng” (4)

Cuối cùng, mọi giáo điều, đạo đức khô cứng đều quỵ ngã trước tình yêu. Sự xung đột nội tâm của các tăng lữ còn mở ra một chiều kích lớn. Đó chính là sự đấu tranh dám vượt lên chính mình của loài người, dám phá bỏ mọi niềm tin, lý tưởng giáo điều để sống thật với chính bản năng bình thường của con người. Thứ bản năng bình thường mà không tầm thường, vì chính là tình yêu, cội rễ của sự sống.

Chính mối tương quan giữa giáo điềulương tri bên cạnh tình yêu sẽ quy định văn hóa sống của mỗi con người, bản chất của một thể chế xã hội, rơi vào tín ngưỡng hay vươn lên bằng lý trí... Các nền văn minh đều phải vượt qua thử thách này.

Niềm tinTri thức.

Câu chuyện xoay quanh thầy tu dòng Tín giáo xuất thân từ chủng viện lâu đời nhất thế giới, ông được Giáo chủ Tín giáo giao nhiệm vụ chép mấy nghìn cuốn kinh để lưu truyền hậu thế – đó là những bản kinh nguyên thủy xưa nhất mà loài người còn nhớ, viết trên giấy cói. Đầu tiên thầy tu chép kinh vì đức tin: “Tôi khấn nguyện ở đây trọn đời vì lòng kính mộ ngôi giáo đường này, vì nó là nguồn gốc của tôi, như thể thân xác tôi bắt nguồn từ đá, từ chất đồng của chuông, từ tiếng cầu kinh và tiếng đàn phong cầm cộng hưởng. Tôi cũng quyết định ở đây trọn đời vì Giáo Chủ. Ngài là biểu tượng của niềm tin, của sự thật, của trần thế, của thiên đàng. Uy quyền ngài không phải chỉ trong thời này, mà còn kéo dài những thế kỷ tới.

Thầy tu chép kinh phát lời thề nguyện bảo vệ niềm tin của dòng Tín giáo bằng mọi giá. Thế nhưng, trong quá trình chép kinh, giáo sĩ nhận ra sự thật trong các cuốn kinh lưu trữ Không- Duy-Nhất. Không chắc chắn đấy là lời răn thật của chúa. Lương tri thôi thúc, bắt ông phải phản tỉnh, đức tin vào dòng Tín giáo lung lay, thầy tu bị dằn vặt: phải chép kinh theo sự chỉ đạo của Giáo chủ để phù hợp với quan điểm của Giáo hội hay chép kinh theo đúng sự thật của lời Chúa. Bắt đầu từ đây một sự đấu tranh gay gắt trong nhận thức của thầy tu giữa đức tinlương thức con người: “Thời gian soạn bộ kinh thánh là thời gian căng thẳng trong quan hệ giữa Giáo Chủ và tôi, vì cách chúng tôi quan niệm kinh thánh thật khác nhau. Khởi ngay từ định nghĩa “kinh thánh” chúng tôi đã không nghĩ giống nhau rồi. Giáo Chủ bảo kinh thánh là lời Chúa, vì Chúa đã phán như thế. Những vị thánh ghi lại những gì Chúa nói, những gì Chúa làm. Tôi nói với ngài, các vị thánh cũng có thể ghi lại những điều họ tưởng là họ nghe, họ nghĩ là họ thấy. Cũng có thể những điều họ ghi chép là có thật, nhưng còn rất nhiều sự thật khác mà họ không thấy hoặc không nghe. Ngay tên gọi kinh thánh đã là một điều khó hiểu, vì nó không chỉ là một cuốn kinh, nó còn mang chất “thánh”, và từ “thánh” là điều khiến tôi suy nghĩ. Tại sao “thánh”? Chỉ vì chúng được viết ra bởi những vị thánh? Ai là thánh? Các thánh Phaolô, thánh Luca, thánh Gioan khi ngồi viết kinh vẫn chưa phải là thánh. Họ chỉ là thánh sau này, khi họ đã chết…”.

Hàng ngày lựa chọn các chương thi thiên để chép Giáo sĩ nhận ra còn có những con đường mới, những con đường khác so với niềm tin mà Giáo hội truyền dạy: “Thời ấy có rất nhiều kinh sách của Tri giáo, giáo phái đối nghịch với Tín Giáo chúng tôi, lưu trữ trong thư viện do tôi quản thủ. Giáo phái này do Mary Mađơlen thành lập, tuy cũng bắt nguồn từ khải thị của Giêsu, nhưng lại rẽ ra một hướng khác hẳn. Họ đi một con đường khác dẫn đến cứu rỗi, họ dùng linh giác và lương tri của họ, họ không dùng lòng tin của chúng tôi… Điều này khiến Giáo chủ không vui. Giáo chủ nói bên Tri Giáo đặt nặng kiến thức và coi nhẹ niềm tin. Ngài lên án họ là ngạo mạn khi quan niệm con người có thể tự thông công với Chúa không cần thông qua giáo hội”.
Việc đọc những cuốn kinh Tri giáo làm cho quá trình nhận thức của giáo sĩ từ từ thay đổi, ông hồ nghi chính mình vì niềm tin của ông đổi khác. Những cuốn kinh mà Giáo chủ cấm ông chép lại là những cuốn kinh giúp ông khai ngộ, mở ra những con đường mới. Thầy tu bị giằng xé giữa lời thề và lương thức của mình, ông quyết định tự tìm một cuốn Kinh riêng: “Tôi cũng có một cuốn kinh của riêng tôi. Cuốn kinh phát xuất từ chính tôi, từ suy tưởng và chiêm nghiệm của tôi, một phần là chuyện của tôi với Giáo Chủ. Nếu mai này tôi chết đi, và tôi được phong thánh, thì cuốn kinh tôi viết kể là kinh thánh…Ở trang đầu tiên tôi đã viết như sau: “Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh.

Cuối cùng, lương tri chiến thắng. Thầy tu đã chọn viết theo suy nghĩ của riêng mình không viết theo sự chỉ đạo của Giáo chủ, mặc dù ông biết viết trái với Giáo hội sẽ dẫn đến cái chết: “Nhưng tôi không thể trừ loại niềm tin và lương giác của mình. Nếu chúng ta có những định nghĩa khác nhau về niềm tin, thì mẫu số chung của niềm tin là gì? Chẳng lẽ không thể có mẫu số chung mà chỉ có hiệu số của một bài toán trừ bất tận, niềm tin này trừ khử niềm tin kia? Niềm tin nào giá trị hơn niềm tin nào? Niềm tin thắng thế của kẻ mạnh chăng? Đây là điều dễ hiểu. Đức Giáo Chủ là người mạnh vì cái nhìn của ngài thấu suốt tương lai thêm nhiều ngàn năm nữa. Còn cái nhìn của tôi bị giới hạn trong căn gác này, giữa những cuốn kinh đầy bụi và những tiếng nói tắc nghẹn của quá khứ. Tiếng nói của những cái đầu bị chặt”.

 

Hành trình tìm kiếm chân lý

 

Giáo chủ muốn tiêu diệt Tri giáo nên ra lệnh thiêu hủy toàn bộ Kinh sách của Tri giáo, thầy tu quyết định hàng đêm ngồi dịch tất cả những cuốn Kinh Tri giáo sang một ngôn ngữ khác để cất dấu: “Những ngày sau đó tôi thức trắng đêm để dịch kinh. Tôi dịch tất cả những cuốn kinh Tri giáo mà Giáo Chủ chắc chắn sẽ đốt đi. Đức Giáo Chủ giỏi tiếng La-tinh, tiếng Do Thái và tiếng Hy-lạp nhưng cũng may ngài không biết tiếng Ả-rập và tiếng Ai Cập cổ xưa mà vùng này ít người thông thạo.Tôi chuyển linh hồn Mary sang một thân xác mới. Một thân xác có đủ đầu lẫn mình. Thân xác này sẽ nằm ẩn trong kinh, giữa những ký tự vòng vèo mà Giáo Chủ sẽ tưởng là sách dạy về bùa chú. Tôi vừa dịch kinh dưới ánh nến vừa nghĩ tới tháp Babel của Đức Chúa Trời, tới những mâu thuẫn gay gắt giữa màu da và chủng tộc. Tôi nghĩ đến sự diệu kỳ của ngôn ngữ. Những tiếng nói đa chủng tưởng như một trừng phạt, nhưng trở thành nơi lánh nạn của niềm tin. Chúa đã tạo ra Babel và tạo ra tôi, để làm điều Chúa muốn”...

Mỗi tuần một lần Đức Giáo Chủ trèo lên đỉnh gác chuông, đưa thêm sách, dặn tôi chọn đoạn kinh này, bỏ cuốn kinh kia. Ngài vẫn kiểm tra những gì tôi viết. Tôi vẫn bị giằng xé giữa lời thề và lương thức của mình. Ngài không biết những gì tôi viết ra sẽ dẫn đến cái chết của tôi. Còn tôi thì đã chấp nhận viết cho đến chết dẫu đó là một số phận bi thảm không ai muốn.

 

Người đọc cũng có thể hiểu, Giáo chủ ở đây tượng trưng cho uy quyền, cho một thể chế. Trong lịch sử nhân loại không bao giờ có một thể chế nào trường tồn mãi mãi. Cho dù các nhà cầm quyền luôn mong muốn kéo dài thời đại trị vì, luôn ra lệnh cho các sử gia ghi chép lịch sử theo ý người chiến thắng. Nhưng với thời gian lịch sử cũng được phơi bày ra ánh sáng với đúng sự thật vốn có của nó.

Trong thế giới ngày nay, không thể có một niềm tin nào là tuyệt đối, tất cả mọi việc đều có tính tương đối. Không thể lấy một niềm tin này để triệt tiêu một niềm tin khác, và làm sao biết niềm tin nào hơn niềm tin nào. Quy luật cuộc sống là một sự hài hòa. Cuộc sống con người cũng vậy, chúng ta sống không thể không có niềm tin nhưng cũng không thể không có nhận thức của lương tri. Tuyệt đối hóa một chiều, đều dẫn đến nguy hiểm. Vì vậy Niềm Tin và Lương Tri cả hai phải song hành cùng nhau. Không vô tình mà Đặng Thơ Thơ đặt tên hai giáo phái Tín giáoTri giáo.

Quá trình chép kinh cũng là quá trình phát triển nhận thức của con người, khi nhận ra sai lầm con người sẵn sàng phá bỏ để xây dựng con đường mới. Cuộc sống là một quá trình luôn luôn phát triển, thay đổi không ngừng. Vì vậy, không bao giờ có một chân lý nào tuyệt đối, không có một chân lý nào là mãi mãi. Cuối cùng một niềm tin tuyệt đối được thay thế bằng một sự phản bội tuyệt đối.

 

Kết luận của tác giả ở cuối truyện: Hành trình đi tìm chân lý của mỗi dân tộc là phải đi ngược lại lịch sử của dân tộc đó cho đến ngọn nguồn, bằng cách tự xoay lưng đi ngược. Không chân lý nếu không xét lại và không thể trốn tránh nếu muốn tìm ra sự thật.
Thông điệp truyện cho chúng ta một chiều kích rộng, con đường phải đi của mỗi dân tộc là phải biết xoay lưng với lịch sử chính thống ngụy biện để tìm ra lịch sử thật của dân tộc mình. Đây là một trong những thông điệp chính của truyện. Một tác phẩm xuất sắc phải mang trong mình một nội dung tầm cỡ, Đi tìm bản kinh thánh cuối là một trong ít những tác phẩm đó.

Trong một lần trao đổi, tôi hỏi Đặng Thơ Thơ: “ Quan niệm nghệ thuật của Thơ Thơ là gì?”, cô trả lời không do dự: “Nghệ thuật có thể không mục đích từ cương vị người nghệ sĩ, nhưng tác động của nghệ thuật đúng nghĩa sẽ làm thay đổi hoặc nâng cao thẩm mỹ, cách nhìn, chiều kích, và tính nhân bản trong mỗi chúng ta”.

Đọc “Đi tìm bản kinh thánh cuối” ta bắt gặp thời gian luôn biến chuyển co giãn với một biên độ rộng: quá khứ - hiện tại – tương lai song hành cùng nhau. Các khái niệm, ý tưởng, hình tượng ẩn dụ hòa trộn nhuần nhuyễn tạo nên một cấu trúc đa tầng, làm phái sinh nhiều nghĩa qua cái nhìn đa chiều của người đọc. Cách viết này, làm cho không khí truyện luôn xáo trộn, biến ảo kéo theo cảm xúc của bạn đọc cũng luôn biến chuyển. “Đi tìm bản kinh thánh cuối” là một truyện kén bạn đọc, quá trình đọc cũng là quá trình khám phá, từng người đọc sẽ tự tạo cho mình một văn bản mới, bạn đọc cùng tham dự quá trình sáng tạo với nhà văn.

 

Hành trình đi tìm cái mới trong sáng tạo cũng là hành trình tìm kiếm bản kinh thánh cuối của tác giả, nhưng làm sao ta biết bản kinh thánh nào là bản kinh cuối, cũng như sáng tạo cái đẹp không bao giờ dừng, nó luôn biến chuyển, luôn thay đổi, đó chính là lời kêu gọi của Đặng Thơ Thơ.


BAN MAI
06.10.2013

----------------------------------------------------
(1) Hoa Cúc trắng trên nền đen

(2) Người vợ Khổng Tử và cô giáo nữ quyền
(3) Thơ Thanh Tâm Tuyền

(4) Đi tìm bản kinh thánh cuối

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Ba 201812:17 SA(Xem: 25220)
Người Hy Lạp có một câu danh ngôn nổi tiếng “phẩm cách là vị thần bảo vệ của con người”. Do đó, trong lịch sử từng có những vị tướng hay cả những người lính vô danh, đứng trước quân thù đã chọn cái chết để giữ tròn khí tiết, giữ cho được phẩm cách của chính mình và phẩm giá của quốc gia.
19 Tháng Mười Hai 20172:05 SA(Xem: 25447)
Mới nhìn, có vẻ việc ông Đinh La Thăng đang bị đánh dồn dập chẳng liên hệ gì tới Xi Jinping - Tập Cận Bình, ngoại trừ cái thủ thuật Đả hổ đập ruồi, tức dùng lý cớ diệt tham nhũng để trừ đối thủ, đang được hùng hổ đem ra ứng dụng tại Việt Nam.
01 Tháng Mười Một 20172:46 SA(Xem: 24829)
Văn học Việt Nam truyền thống không có bộ môn tiểu sử. Hay nói cho rõ hơn, không có những công trình dài hơi, thấu đáo, viết về chẳng những sự nghiệp mà cả thân thế đời sống riêng tư của các văn nghệ sĩ làm nên văn học sử nước nhà.
23 Tháng Tám 20176:28 CH(Xem: 30406)
...sách hơn sáu trăm trang, tác giả của nó, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng dành riêng cho mình hết một phần tư hơn để đăng năm bài Tiểu Luận của mình về Thơ, gọi là Thơ Ca (hai chữ Thơ Ca hay Thi Ca thật tình tôi không hiểu, Thơ là Thơ còn Ca là chuyện khác. Tác giả mấy bài Ca người ta cũng chưa hề gọi là Ca Sĩ, chắc những tác giả bài Ca cũng chưa định danh được cho mình? Năm bài Tiểu Luận đó, tác giả, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tùng gọi là Chương. Chữ Chương có vẻ quan trọng lắm đây và mang tính hàn lâm rõ ràng. ... Đọc cuốn Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, phải nói là vui kể sao cho xiết! Nó không là một cuốn sách “khảo luận” hay “biên khảo” mà nó là tác phẩm quần chúng, đọc để giải trí." (Trần Trung Thuần)
15 Tháng Bảy 20175:35 CH(Xem: 26060)
Lời Dẫn: "History à la carte", là một thuật ngữ rất mới của Chương Lập Phàm/ Zhang Lifan một sử gia Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn báo New York Times [March, 2015], ông đã đưa ra một ví von: "lịch sử theo thực đơn / history à la carte", theo cái nghĩa nhà nước Trung Quốc chỉ muốn phổ biến tuyên truyền những điều thấy có lợi, trong khi cố né tránh những khía cạnh tiêu cực có thể gây chỉ trích. Mối liên hệ thắm thiết giữa Bắc Kinh và Khmer Đỏ đang là trang khuyết sử, không có trong thực đơn của Trung Quốc. (1) NGÔ THẾ VINH
15 Tháng Bảy 20174:55 CH(Xem: 27478)
Lần đầu tiên trong lịch sử, Nguyễn Du cho chúng ta biết về một đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng không bằng phẳng, tươi đẹp mà gập ghềnh, trắc trở; về một truyền thống kiêu hùng nhưng cũng lắm bi thương; về một dân tộc đông đúc nhưng cam chịu, nghèo khổ và đau đớn, và đặc biệt, về một chế độ phong kiến mạt kỳ đầy phi lý và mất hết sức sống khi nó không còn khả năng giúp cho con người được thực hiện những quyền sống, quyền làm người căn bản mà đáng ra họ phải có. “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du trên đất nước Trung Hoa sẽ càng khẳng định chắc chắn hơn cho “những điều trông thấy” của ông trên đất nước Việt Nam ...
22 Tháng Năm 201712:36 SA(Xem: 26914)
"Trung Quốc là gã khổng lồ đang im ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới". Napoléon Bonaparte "China is a sleeping giant. Let her sleep, for when she wakes she will move the world." Napoléon Bonaparte, 1816 à Saint Hélène
23 Tháng Ba 201710:52 CH(Xem: 23881)
Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần. Tôi đọc Song tử của Quỳnh cũng trong cùng đám mây tuyệt vọng đó, với tâm thế của một kẻ mộng du lạc bước vào chốn mơ của một kẻ mộng du khác.
06 Tháng Ba 201712:11 SA(Xem: 27620)
Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017. Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của nhà văn, bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017, ngày 3/3, tại Sài Gòn. Theo tin VOA nhận được từ nhà văn Ngô Thế Vinh hiện đang ở California, Hoa Kỳ, ông được nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giải Văn Việt trao quyết định tặng Giải Đặc biệt cho hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Hai tác phẩm này đã được đăng trên Văn Việt năm 2016. Vì không thể về Việt Nam trực tiếp nhận giải thưởng này, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi tiếp nhận và đọc diễn từ nhận giải thưởng Văn Việt 2017.
12 Tháng Hai 20172:31 SA(Xem: 30094)
"Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10,500 chủng loại, bộ sách Hoạ Hình Cây Cỏ Việt Nam / Illustrated Flora of Vietnam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến. Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm/ academic tại Đại Học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại. (Peter Shaw Ashton, Giáo Sư Charles Bullard ) Ngành Lâm Học, Đại Học Harvard