- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tuổi trẻ, Nước mắt, máu, và nụ cười ưu uất Trong truyện TRẦN HOÀI THƯ

11 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89089)


tranhoaithu_1

(*) trang chụp lại từ bản gốc trên Vấn Đề, năm 1971


(Anh đang viết, cuống cuồng hối hả. Anh sợ sẽ không còn được dịp để viết thêm nữa. THT)

Trần Hoài Thư đến với văn chương rất sớm, sớm hơn truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1965. Và nếu phân chia các giai đoạn văn học miền Nam theo cách của Võ Phiến (xem Văn Học Miền Nam, tập tổng quan, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 2000) thì Trần Hoài Thư được xếp vào (Những Cây Bút Trẻ, theo cách gọi thời đó) giai đoạn 1964-1975 giai đoạn mà chiến cuộc bắt đầu bùng nổ dữ dội. “Tháng 8-64, sau vụ tàu Maddox bị tấn công, Mỹ oanh tạc miền Bắc, trực tiếp nhảy vào vòng chiến…Đầu năm 1968 miền Bắc mở cuộc tấn công nhân dịp tết, hi sinh ngót nửa quân số, đánh khắp các tỉnh lỵ và thành phố lớn để gây tiếng vang đến tận Mỹ. Sau vụ tết Mậu Thân, lại một vụ Mùa Hè Đỏ Lửa, quân miền Bắc vượt giới tuyến tràn vào…” (Võ Phiến, sđd, trg 255-256).

Với một bối cảnh như vậy, hầu hết nguồn tài nguyên nhân lực ở cả hai miền đều đổ dồn vào cuộc tranh chấp dưới mỹ từ ý thức hệ. Hàng lớp lớp thanh niên lên đường. Lên đường và ngã xuống. Nước mắt và máu và khăn tang, lên đường và xương trắng tràn lan khắp núi rừng! để sau đó có một Hoàng Yên Trang tử trận ở vùng sình lầy Chương Thiện; một Nguyễn Phương Loan bỏ mình trên ĐăkTô, Kon Tum; một Y Uyên chết thảm ở đồi Nora dưới chân núi Tà Lơn, Phan Thiết… là những tiêu biểu của thế hệ nhà văn trẻ trong thời loạn ly 1964-1975. 

Trong hàng hàng lớp lớp những bất hạnh, đau thương không cùng đó, có đầy đủ những thanh niên ở các lớp trước sau terminales, ở các giảng đường, là những công chức cùng hàng ngàn thanh niên nông dân, lao động khác. Những Phan Nhật Nam, Thảo Trường, Du Tử Lê, Trang Châu, Thế Uyên, Dương Kiền, Lê Văn Thiện, Hà Thúc Sinh, Lâm Chương, Hồ Minh Dũng, Lê Bá Lăng, Luân Hoán… không đếm xuể, không phải là những trường hợp riêng biệt. Nó là những tử số đông đảo quay cuồng trong mẫu số chung khổng lồ: Chiến Tranh ! Những tử số ấy không phải để chung tay xây dựng đất nước mà bỗng chốc trở thành nguồn nhân lực quan trọng, cung cấp cho cỗ máy nghiền thịt xương một cách phi lý và dơ bẩn nhất trong lịch sử dân tộc.

Trần Hoài Thư nằm trong số đó. Từ một giáo sư toán ở trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, ông đã phải từ giã đồng nghiệp, học trò, viên phấn, bảng đen, nhập ngũ khoá 24 SQTB Thủ Đức, để làm một cuộc góp phần đông đảo cho sứ mệnh thiêng liêng và đẹp đẽ kia, được sử dụng như những tấm đệm lót cho mưu đồ tranh giành quyền lực của hai miền Nam –Bắc.

Anh em miền Nam và anh em miền Bắc lên đường. Anh em trên núi và anh em dưới biển vung mã tấu súng đạn bắn nhau: Đó là những bất hạnh và bi thảm nhất của dân tộc mà chúng ta đã phải đưa vai gánh chịu. Nhưng, trong những bất hạnh và bi thương kia, các nhà văn trẻ miền Nam chưa hề nghĩ và viết những gì xảy ra quanh mình theo đường một chiều, mà ngược lại: “…cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của VNCH lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền” (Cao Xuân Huy, tựa, Tháng ba gãy súng). Dẫn tự sự này của nhà văn quá cố Cao Xuân Huy để thấy rằng các nhà văn trẻ miền Nam khi cầm súng ra mặt trận không phải là không có ý thức về vị trí, hành động và trách nhiệm trong cuộc chiến không do mình chọn lựa, trước sự tồn vong của dân tộc và sự lừa mị của những kẻ cầm quyền!

Với những khả năng, sự tỉnh táo, mẫn tiệp và ý thức, về trách nhiệm như vậy của lớp trưi trẻ, Trần Hoài Thư không thoát ra. Ông bước tới và chấp nhận vị trí chiến đấu oan nghiệt nhất mà không kêu gào, phẫn nộ. Ông bình thản bước tới, nhập cuộc với trò chơi súng đạn: Ông được phiên chế vào Đại đội 405 Thám kích Sư đoàn 22/BB với chức vụ Trung đội trưởng. Đây có lẽ là trường hợp kỳ cục nhất trong quân sử VNCH. Bởi vì với mức cận thị 7 độ thì ông có thể giải ngũ hoặc xếp loại 2, nghĩa là không phải tác chiến. Đằng này không những ông phải cầm súng như bao nhiêu chiến binh khác, mà còn cầm súng ở một đơn vị luôn đối mặt với sự sống và cái chết rất mong manh, chỉ trong đường tơ kẽ tóc (!?). Phải chăng đây là định mệnh vạch sẵn cho ông, cầm sẵn trong tay sự sống chết có thể nhìn thấy rất rõ ràng? Nói chuyện với Du Tử Lê, ông thản nhiên: “Không thể ngờ chỉ trong vòng hơn ba năm, tôi đã trải qua hai trào Đại đội trưởng ở đơn vị Thám kích. Xin giải thích rõ, chỉ vùng II, mới có Thám Kích. Nó được thành lập do sự đòi hỏi của chiến trường miền núi. Cần người có kinh nghiệm chẳng những về chiến trường, mà còn thông hiểu tiếng thiểu số. Đa số những người lính này, gốc Thượng và Nùng. Sau thêm những người Kinh được tuyển chọn từ các trung đoàn...” (dutule.com) . Đó là một đơn vị mà: "tính mệnh của mọi cấp trong Đại đội/ Thám kích như “chỉ mành treo chuông” mỗi một khi được sử dụng. Ai vào thám kích mà ra khỏi được, không chết, ít nhất cũng mang theo vài chiếc thẹo trên mình." như qua bài viết của Văn Nguyên Dưỡng nguyên cựu trưởng phòng 2/SĐ22BB. (Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 46 tháng 4-2011)

Nhưng chính trong thời gian đơn vị ông đóng quân ở cầu Bà Gi (Bình Định) lại là thời gian ông viết được nhiều nhất: Hàng chục truyện ngắn và thơ của ông đều đặn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn. Ông viết dễ dàng còn hơn đưa ly rượu lên miệng: Viết dưới hầm; trùm poncho dưới giao thông hào, bật đèn pin để viết; viết trong lúc dừng quân, trong quán cà phê; viết khi chân, ngực băng kín trong quân y viện… nghĩa là ông có thể viết trong bất kỳ tư thế, không gian và thời gian nào ông cảm thấy mạch văn đang có dấu hiệu chảy trào ra khỏi con người ông, trườn qua cây bút và mảnh giấy tựa như con suối nghiêng dòng nước trong xanh chảy ca hát cùng mùa xuân.

Tôi vẫn luôn tự hỏi và tự trả lời, rằng tại sao trong khoảng cách sống chết cận kề bên nhau mà ông vẫn tỉnh táo để viết truyện, làm thơ, không phải loại tầm tầm, mà luôn gây ấn tượng mạnh cho người đọc? Bút lực mạnh mẽ chăng? Là một con tằm theo đúng nghĩa rút ruột nhả tơ chăng? Hay hơn thế nữa, tài năng vượt giới hạn? Không, theo tôi, tất cả là một trong Trần Hoài Thư. Đọc lại Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang xuất bản năm 1968, Những vì sao vĩnh biệt năm 1970 hay những truyện ông viết ở xứ người, vẫn một chất giọng, tâm cảm ẩn đầy những cảm xúc chân thật. Chính tâm hồn và trái tim nhạy cảm nơi ông khi chạm vào đời sống, như một khúc xạ sống động, giúp cho ông có cái nhìn lung linh đa chiều. Nôm na, là ông sống (theo nghĩa rộng) hết mình với ngoại cảnh và nhân vật của ông. Ông và chúng đã hoà tan vào nhau để tạo ra những khúc đồng vọng đầy ắp cả “thế giới ta bà” quanh mình. Thứ đến, trong một truyện ngắn của ông (quên mất tên), có một đoạn có thể giải thích tại sao ông viết, tỉnh tảo để viết: “Anh đang viết, cuống cuồng hối hả. Anh sợ sẽ không còn dịp để viết thêm được nữa”. Đó là cái chết như cái bóng chập chờn, lay lắt sát bên ông, rình rập bên cạnh ông!

Và, hơn hết, tuổi thơ của Trần Hoài Thư không suôn sẻ như bao đứa trẻ khác: gia đình ly tán, phải sống mấy năm trong trại mồ côi Nha Trang, có vẻ như khiến trái tim và tâm hồn ông trở nên nhạy cảm hơn khi nhìn ra thế giới bên ngoài. Điều này khiến người đọc dễ nhận ra trong hầu hết những truyện ngắn của ông, từ bối cảnh đến nhân vật, lời thoại luôn có chất giọng nghẹn ngào nhưng không rên rỉ, than oán, chỉ còn lại là sự hiện hữu cái bóng chông chênh của chính mình. Những sự vật, khung cảnh ông miêu tả, thường cô độc, trơ trọi; hoặc giữa sự thanh thoát tưởng như đang bước trên đường trăng thì liền sau đó người đọc chợt khám phá ra nỗi cô đơn chảy tràn, đau xoáy, như hai đoạn văn dẫn sau đây : “Tôi đã rót đầy cốc rượu mạ­nh. Chai rượu chơ vơ giữa bàn tiệc, không ai màng đến. Nhưng chỉ có một mình tôi. Tôi nốc vào. Cho say một chút. Cho ấm đời thêm một chút. Cho tuổi mình lai láng thêm một chút. Cho tôi can đảm thêm một chútKhông có trăng sao thì tôi sẽ tưởng tượng một bầu trời trăng sao, để tôi còn nhớ về một đêm nào ở Huế” (Người về trăm năm).

“Người bạn nhỏ Péry. Người bạn nhỏ xa cách ngàn trùng. Mùa hoa muồng đã lại, mùa hoa cà phê đã nở, mùa hoa cúc rừng đã báo hiệu dưới ánh nắng tháng hè, nhưng đối với tôi, lúc này, những mùa ấy là những mùa kỷ niệm đau đớn nhất đời người” (Thị trấn cà phê hoa, Thời Tập số 23 ngày 15 tháng 4 năm 1975).

Đây là hai truyện ngắn viết trong khoảng thời gian cách xa nhau đến 20 năm, một hoài nhớ về mối tình lỡ, và truyện kia là bối cảnh vùng đất cao nguyên, tình cờ gặp cô gái Thượng. Cái đẹp đến bất ngờ với ông trộn lẫn vào thời điểm lửa đạn lan rộng, khiến giọng văn của ông luôn có chút tức tưởi, tấy lên nỗi đau xé lòng.

Thời thơ ấu, ông đã không có cái may mắn, hạnh phúc bé nhỏ, nhưng khi lớn lên, bước vào đời, ông cũng không tìm đâu ra chút thanh thản, bình yên. Đời đối với ông luôn là những xô đẩy vật vờ. Có thể ví thân phận ông như chiếc lá bị cuốn trôi, nhấn chìm trong dòng nước xoáy mùa lũ. Sự tàn khốc, khốn cùng kia như một định mệnh đã an bài, đã đóng đinh câu rút cuộc đời ông. May và rủi là hai khái niệm vô hình trên bình diện chữ nghĩa. Còn với cá nhân ông, nó đã cụ thể hoá bằng hình hài có tay có chân, mặt mũi; thậm chí cả đến gào thét, phẫn uất. “Nhưng ba không biết, con đang ở trong thế hệ trẻ tuổi mà ba đã kết án. Ba không biết tuổi trẻ của con đang nổi loạn, bất mãn, thao thức. Tuổi trẻ của con đầy những xâu xé, giành giựt từ ý thức. Ba đã chối bỏ ý thức. Nhưng còn con. Qua sách vở con đọc, qua lịch sử mà con đã sống và lớn lên, qua xứ Huế mà con đã cô đơn, qua tình yêu mà con đã vấp phải, qua mấy bức tường thành mà con bị giam hãm” (Bên trời)

Sau biến cố 75, những người như ông đều chịu chung số phận của “những kẻ trừng giới” nhưng không thong dong ca hát như khi Tô Đông Pha thuở xưa trên đường đi biếm trích (từ Lĩnh Nam qua Hoàng Châu, Quảng Châu, Lô Sơn), mà là những xiềng xích, gông cùm: 

“- Nhưng còn anh, không ai săn sóc anh?

-Anh là tù nhân rồi, cần gì săn sóc. Có cảnh vệ quản giáo và cả trung đoàn bảo vệ cho anh rồi” (Đà Nẵng quê em).

Cảnh xiềng xích kia, qua lời thoại, người đọc không tìm đâu ra vẻ hằn học, than oán, đau thương, đổ lỗi. Cả 23 từ thốt ra từ cửa miệng nhân vật Anh một cách bình thản, như chân dung của gã lữ hành cô độc, lầm lũi bước về phía khốn luỵ. Và chỉ chừng đó thôi, cũng đủ vẽ ra trọn vẹn cảnh sống ở trại trừng giới rồi, người đọc dẫu khó tính đến đâu, theo tôi, không thể đòi hỏi gì hơn. Chỉ chừng đó. Đọc và tưởng tượng. Đọc và rợn người, đau xót cho thân phận những tù binh như ông. Câu nói của anh chàng tù binh kia, đọc lướt có vẻ bình thường như bao câu nói bình thường khác. Nhưng ngừng một lát, nghỉ hơi một chút, lắng nghe những con chữ xộc xệch thấm vào trí não, tôi thấy có cái gì đó, sền sệt, nhão nhoét. Nó trần trụi một cách thê thảm. Mà còn hơn cả thê thảm nữa, nó đụng gần đến sự nứt toát, tự huỷ như những chiếc hầm tự huỷ bốc mùi. Bốn năm trong trại tù giam, hẳn nhiên ông phải gánh chịu và chứng kiến lắm cảnh đau đớn, ê chề, và không ít những tủi nhục. Đó là một ông Giang hoá điên: “Người đàn ông, bây giờ, như một con thú quái dị, dù y vẫn có hai chân và bộ phận sinh dục. Y trần truồng, đầu tóc như thể một ổ rạ ổ rơm trên ấy chí rận, đất, cát làm đồn làm lũy. Đôi mắt sâu hun hút, hình như chẳng còn nhìn ra đôi võng mô. Cả thân thể y thì khô đét, trơ những khúc ba sườn. Y vẫn cố gắng la:

- Tại sao bọn mày lại bắt tao? Tao là Hoàng minh Giang, Trường Chinh ngày xưa còn sợ tao...

- Thôi đủ rồi, chúng tôi lạy ông. Bọn nó đến kia kìa...

- Tao là bạn của Hồ chí Minh, tại sao bọn mày không nể tao hả?” (Người và Quỷ)

Sau điên là bệnh tật, là đói khát, là những gì ngoài đời không ai tưởng tượng nổi. Chỉ có thể xảy ra trong thời điểm đó, ở khung cảnh đó, nơi chỉ có một thế giới duy nhất trên trần gian mới có: trại trừng giới! Ở đây, chất người tự hạ thấp xuống và miếng ăn được nâng lên cao. Nhân phẩm và đạo đức như cái pitton sút ốc: “Thịt. Ông liên tưởng đến miếng thịt nướng bốc mùi thơm ngậy mà nước miếng như chực tuôn trào. Lần đầu tiên nhai miếng thịt chuột cống, miệng ông vẫn còn lợm khi nhớ đến những mảnh da loét đỏ lòm hay sần sùi những vết ghẻ lở. Nhưng bây giờ, ông đã khám phá, bên trong lớp lông xám xịt và hôi thúi là cả một thức ăn tuyệt diệu. Khỏi cần nhổ lông, cứ thui từ từ, lớp da sẽ bốc ra, để lộ lớp mỡ trắng. Ông sẽ xé ra từng miếng nhỏ, vừa chấm muối vừa nhai thật chậm rãi. Lúc ấy hình như những bắp cơ của ông cũng chuyển động theo. Và máu trong người ông hình như cũng chảy mạnh” (Người và quỷ).

Đọc đoạn văn trên không khiến chúng ta buồn nôn mà gần như một thứ men rượu cồn lan toả rất nhanh trong cơ thể khiến ta say, không phải cái say cơ học mà say bởi dậy men chua xót, đau đớn đến bùi ngùi như có kẻ cầm lưỡi dao bén ngọt lóc từng mảnh da thịt trên người, từng lát, từng chút một!

 Hầu hết những truyện ngắn của Trần Hoài Thư đều có loại men khác thường đó, chỉ riêng mình ông mới sở hữu một cách tài hoa, đến nỗi sau khi đọc bản thảo “Nhật ký hành quân”, từ quân y viện gửỉ về, thư ký toà soạn Văn quyết định làm một số đặc biệt về những cây bút trẻ, và dưới truyện ngắn này, ông Trần Phong Giao nhận xét: “Nhật ký trên được viết tại quân y viện, sau lần bị thương thứ hai. Mặc dù bị cận thị rất nặng, Trần Hoài Thư hiện vẫn đang chiến đấu trong một đơn vị thám sát miền duyên hải Trung phần. Trong văn có nghẹn ngào hơi rượu, nhưng người đọc tinh ý chắc sẽ còn bắt gặp nhiều hơn thế nữa…” (Văn, số 114).

Điều mà ông Trần Phong Giao gọi là “nghẹn ngào hơi rượu” chính là sự bất lực của con người trước một thực tế phi lý và phũ phàng nhất. Và ở bất kỳ truyện nào, những nhân vật của ông dường như cũng đều quay quắt trong cảnh khốn cùng đó: Tiếng nấc nghẹn ngào tiếc nuối trong mối tình đổ vỡ, cảnh lênh đênh giữa đại dương mênh mông mà tiếng sóng vỗ nghe như tiếng rên thảm của những người phụ nữa bị hãm hiếp trước mắt những người đàn ông bị bắt trói, đánh đập. Hay những xao xác nơi xứ người khi gặp lại đồng đội cũ, với cô bạn Trung Hoa vừa mới quen trong lớp học…

Truyện viết về chiến tranh cũng thế. Không hề thấy ông gắn những nụ cười lên môi các nhân vật ông tạo ra, nếu có cũng chỉ là nụ cười méo xệch như nhân vật Năm Râu, Ba Cận Thị, Y Đao, Nay Lát… như trong truyện Thư về người đồng đội cũ sau 25 năm thất lạc: “Lúc này, chúng ta có quyền thẩm định về giá trị của chiến tranh và lịch sử. Nhưng tôi không thể bình an khi cái cuồng điên kia đã trở thành thú tính. Họ rõ ràng hơn chúng ta. Bởi vì họ có cả một khối thép thành trì bên ngoài và khối thép căm thù bên trong đầu óc, và con tim họ. Còn chúng ta thì cô đơn. Qua xứ Mỹ anh đã hiểu về nỗi cô đơn ấy. Chúng ta đã chiến đấu trong nỗi cô đơn và quả cảm. Và chết cũng quả cảm và cô đơn. Như bao nhiêu đứa con của một đại đội bộ binh”. Thay vì những đồng đội cũ liên lạc được với nhau, ôm nhau mừng tủi, thì ông lại đẩy bút pháp của mình qua ngã hồi tưởng về những trận đánh năm xưa ở ĐăkTô, Buôn Ma Thuột, Gành Ráng… với những thây người cháy đen, cong queo… và tan hàng… và tù binh!

Những truyện ngắn trước kia, ngay ngoài mặt trận cũng vậy, ông viết y như những thước phim hành động rất thật, rất sống động: Nhân vật Tôi chính là ông, người chỉ huy Trung đội Thám Kích, trong tình thế cả Trung đội bị phục kích, bị chết và bị thương gần hết, kể cả ông. Ông đã chiến đấu bên cạnh những người lính của mình, trong hoàn cảnh, đến sỏi đá cũng nát nhừ như cám ở Trung đội, để cuối cùng phải thốt lên những lời tuyệt vọng, đau đớn, phi lý nhất: “Quá hèn!”:

… Ngồi nghe họ nói nhiều về anh, nhớ anh rưng rưng nước mắt. Làm sao tôi quên, anh mặc bộ đồ rằn, vác trên vai thằng lính bị thương, chạy như bay… nhìn rõ ràng anh té xuống, hai tay buông ra và nằm sấp. Thiếu uý Chấn chết… một vợ năm con. Tôi thì quá hèn. Hèn. Đến thằng truyền tin, bị thương ở chân và tay, không lết nữa, tôi cũng chả khiêng được, như lời kêu cứu của nó vào buổi trưa địa ngục. Tôi khóc… Hường ơi, rán bò sau bụi, lết đi… Tao cũng bị thương, xích ra bị bắn… Mày xem, xung quanh đâu có ai. Luông bị thương, Phong bị thương, tao nữa… Tao ra thì bị bắn. Nó canh sẵn…

-Đ.m. Thiếu uý !

Tôi úp mặt vào đất sỏi, khóc như đứa trẻ” ( Nhật ký hành quân,Văn, số 114).

Biết làm sao hơn trong tình cảnh bi thảm như vậy. Sự bất lực đã trở thành hèn nhát. Nhưng chính cái hèn nhát đang bao phủ khắp người, có được lôi ra, thừa nhận rằng tôi hèn nhát hay cố tình cất giấu, biện minh để giũ bỏ trách nhiệm trước đồng đội mới là điều đáng nói? Đâu là sự hy sinh cao cả và đâu là trốn chạy chính là nỗi dằn xé tâm can đến “nghẹn ngào hơi rượu” như ông Trần Phong Giao nhận xét ở trên.

Trở lại với trốn chạy và hy sinh, hèn nhát và can đảm cùng trách nhiệm của người chỉ huy ngoài mặt trận khi “Tôi úp mặt vào đất sỏi, khóc như một đứa trẻ” sau khi nghe thuộc cấp ngắc ngoải la lên: “Đ.m. Thiếu uý!” tôi chắc đã có hàng ngàn trường hợp như vậy ngoài chiến trường, như nhân vật Trần Viết Gián của Lê Văn Thiện trong truyện ngắn Trong lớp khói màu: Nhân vật ấy bị thương, ngã xuống chỉ cách đồng đội mấy bước chạy từ lề đường, nhưng không cứu được. Lớp khói màu bắn ra muộn màng, chỉ có thể vây bọc lấy thi thể đồng đội, để sau đó anh ta không bị bắn bồi đến nát ngứu ra thôi. Trách ai?

Có đọc Tháng ba gãy súng và phần tựa tập hồi ký này của Cao Xuân Huy, mới thấy hết nỗi đau đớn của Trần Hoài Thư “khóc như một đứa trẻ con”. Ông viết: “Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả Lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi hơn một Đại đội du kích VC…” (Cao Xuân Huy, Tháng ba gãy súng).

Sự vô trách nhiệm và hèn nhát của những ông tướng chỉ huy của Cao Xuân Huy và nhân vật Tôi của Trần Hoài Thư khác nhau xa. Vì vậy, khi dẫn ra, không cố ý so sánh, mà trên hết là để nhìn lại một cách rõ ràng bộ mặt nhếch nhác của cuộc chiến tương tàn từ nhiều góc độ khác nhau, lón nhỏ khác nhau… ở đó có một Đại đội quái dị Thám kích 405 với một nhiệm vụ cũng quái dị là đẩy các binh lính vào tử lộ?

Đã đành, có rất nhiều nhà văn miền Nam viết về chiến tranh, nhưng mỗi người mỗi vẻ. Bộ mặt chiến tranh trong những tác phẩm của Phan Nhật Nam mang đậm tính chiến đấu, của Thế Uyên có chút bi hài chua xót, của Trang Châu thì chừng mực, Y Uyên thì lạnh lùng… Với riêng Trần Hoài Thư, cái mạch văn ngắn, dồn dập khiến người đọc phải nín thở, giống những thước phim quay nhanh để người xem luôn phải dán mắt vào màn ảnh, bởi diễn biến luôn thay đổi: “Tiếng đạn trọng pháo vẫn tiếp tục câu đi dưới bầu trời nắng lửa. Chiếc cầu Nam Ổ quằn quại dưới bánh xích chiến xa. Những chiếc xe quân đội tiếp tục chuyển quân về hướng Bắc. Không gian mịt mù khói và bụi. Mặt trận vẫn miệt mài. Không dám nhớ nhưng vẫn nhớ. Không dám nghĩ nhưng vẫn nghĩ. Nghĩ gì, nhớ gì. Những tín hiệu cứ đánh về. Binh đoàn Bắc quân xe tăng đại pháo. Những đoàn xe Nga sô theo đường mòn HCM tiếp tục chuyển quân về miền Nam. Những tin tình báo cho biết có một cuộc tập trung tại ngả ba biên giới. Nghĩ gì nhớ gì. Trực thăng không còn ưu tiên, phản lực mõi mòn chờ đợi, pháo binh bắn yểm trợ cầm chừng... Thế giới đã quay lưng. Mùa mưa và mặt trận. Vòng kiểm soát thu hẹp. Làng xóm cũng thu hẹp. Thành phố vẫn ăn chơi. Đài Hà Nội vẫn gào vẫn thét. Quân đội ta trung với đảng hiếu với dân... Hay là thời điểm cuối cùng của một trận chiến. Hay là người khôn còn sống, người dại ra đi. Hay là bắt đầu cho một cơn đại hồng thủy để Thượng Đế động lòng bảo ông Noah đóng tàu cứu độ. Bởi vậy, anh phải về chờ chiếc tàu của ông Noah. Rồi anh sẽ dẫn em đi, bến bờ sẽ bỏ lại, sống thêm trăm năm như người tiền sử” (Đà Nẵng quê em).

Ông quan sát thật kỹ, suy ngẫm thật kỹ bộ mặt gớm ghiếc và tàn nhẫn của chiến tranh, nên đôi khi, có vẻ như ông vừa là người trực tiếp tham dự, vừa là kẻ bàng quang đứng bên lề ngắm nhìn một cách sắc gọn: “Như con chó tật nguyền của đại đội này. Nó cũng tự biết dù phải sống ở một nơi khác - bình an cách mấy- nhưng làm sao nó thấy được những người chủ đã để dành cho nó từng miếng bánh, miếng cơm, đã dẫn nó xuống đồi săn thỏ săn chồn. Bởi vì, ít ra nó đã tìm được mái nhà” (Đà Nẵng quê em).

Trong chiến tranh luôn có sự phi lý và điên rồ. Nhưng càng phi lý và điên rồ hơn khi mà cấp chỉ huy ngồi đâu đó, ở những nơi an toàn, có máy điều hoà, một tay bưng ly rượu champagne, tay kia cầm chiếc que inox chỉ lên sa bàn, điều khiển trận đánh cách xa họ đến hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số. Sự thật ngoài mặt trận và cái giả tưởng trên sa bàn được họ đánh đồng rồi ra lệnh; cấp dưới phải tuân lệnh: “Rõ ràng đây là một cuộc thí quân. Họ ra lệnh chúng tôi phải chiếm đồi với M16, và lựu đạn, trong khi địch ẩn núp trong những hang kiên cố, với lợi thế là thấy rõ chúng tôi, còn chúng tôi thì như những kẻ đui mù. Họ không hiểu chiến trường chó má này vì họ ở trên trời hay ở đàng sau. Họ làm sao hiểu chúng tôi làm sao có đủ khứu giác của lũ chó săn để có thể đánh hơi địch hay có đôi mắt thần để biết địch đang làm gì. Chúng tôi chỉ biết tuân lệnh, không cần biết địch đã dọn sẵn mâm, chờ chúng tôi có mặt là đại liên hai bên sườn nả xuống như mưa để cả bọn ngã nhào lăn lộn đủ kiểu mà bị thương mà chết. Tư ơi! Thế nào cũng có quân tiếp viện. Tôi đã cố an ủi thằng bạn trung đội trưởng trung đội bốn. Nhưng Tư cứ một chặp lại rên rỉ. Cả hai chân tao,bụng tao bị trúng đạn. Trời ơi, tao đau quá. Tao chịu không nổi. Cho tao một viên đạn. Tao van mày hãy bắn tao đi. Nó van tôi, van một thằng bạn” (Chiến tranh).

Kết quả của cái gọi là chiến tranh, là đánh nhau ấy là gì? Chết. Những cái chết vô duyên, tức tưởi cùng nỗi đau nát ruột của những người sống sót: “Thiếu úy ơi, thiếu úy tại sao không giữ gìn chồng em để ảnh phải chết thảm như vầy hả thiếu úy. Anh ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em. Anh chết gì mà thảm quá hở anh".Chị rống lên. Thằng bé cũng khóc thét. Tôi mất hết bình tĩnh. Bây giờ tôi có ý nghĩ là làm loạn. Tôi điên khùng chụp súng chạy ra ngoài, nhắm phía ngọn đồi chó đẻ và bắn cuồng điên…” (Chiến tranh).

Trong hồi ký Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy, ông đã phẫn nộ với cấp chỉ huy ở đâu đó vì cái kiểu điều động di tản chiến thuật một cách ngớ ngẩn, khiến cả Lữ đoàn TQLC bị vây đánh tơi tả, tự chết nước (tranh nhau ra tàu, lộn vào bờ), tổn thất gần hết ở cửa biển Thuận An trong những ngày cuối cùng, thì ở Chiến Tranh của Trần Hoài Thư cũng có cái không khí từa tựa như vậy. Một đằng là toàn cảnh một đằng là cận cảnh nhưng đều có kết cục bi thảm vì “họ không hiểu chiến trường chó má này”!

“Chiến trường chó má” của Trần Hoài Thư thật phức tạp: Ta, địch, đồng bào ruột thịt đều lẫn vào nhau, gần gũi nhau. Chỉ mới hôm qua thôi còn gặp nhau, thân mật, thì hôm sau đã là phía bên kia, chết banh ruột như Lài trong Nhật ký hành quân. Đến thiên tài quân sự cỡ Napoléon có sống dậy điều khiển cuộc chiến này hẳn ông cũng giơ tay bất lực: Bởi họ là đồng bào của ta, mũi không cao, mắt không xanh, tóc không vàng, cùng một giọng nói, làm sao phân biệt, như sự mô tả đến trần trụi sau đây: “Lính bắt một nhóm người gồm ông già, bà già, đàn bà và trẻ con từ dưới hầm lên. Nhóm người khốn khổ đang ngồi trên nền gạch khóc lóc. Bên họ là những gói vải lớn hay va li thiếc. Tôi bảo lính khám đồ đạc của họ. Mụ đàn bà có chiếc va li thiếc, run rẩy không cho lính mở. Hắn tức mình đá và chửi: Đến đâu, đàn ông thanh niên không có, sao mụ lại có bầu. Chồng mụ nhảy núi phải không? Tôi nhìn suốt các gương mặt. Các gương mặt đang vươn lên từ những đống tro tàn, đang co ro nhăn nhúm cùng những đôi mắt van lơn sợ hãi” (Nhật ký hành quân).

Và từ sự bất lực, chuyển đến trạng thái giận dữ: “Vâng, tôi không thể hiểu. Tôi hét, giận dữ: Tại sao đồng bào lại ở đây, hở hở. Đồng bào không biết đây là vùng oanh kích tự do hay sao?”.

Chính những người dân vô tội kia, trong thời điểm đó, hoặc chấp nhận bên này hoặc bên kia, không có sự chọn lựa thứ hai. Nhưng ở bên nào thì cũng đụng mặt những bất toàn, để sau đó là những cô đơn, ưu uất vây chặt lấy cuộc sống trước mặt, như ông già Tư chèo đò: “Trong khi bom đạn đuổi đàn con cháu của ông ra những cánh đồng lúa để giết nhau, thì ông vẫn còn ngồi lại để mỗi ngày ra bờ sông nghe tiếng gọi đò (Khu chiến, Văn số 181, năm 1971).

Tất cả chỉ vì nguyên cớ: “Núi đã vô tình quyến rũ một lớp người. Sông cũng đã mang đi một lớp người, về bên kia sông, về thành phố. Anh đi lính. Dì Quít thì làm gái bán bar, và chị Thanh thì lạc loài đâu đó sau khi người chồng tử trận”.(Sông Cái, Văn năm 1971)

Mệt mỏi, tuyệt vọng đan xen giữa những niềm hy vọng, mơ ước nhỏ bé đều là tâm trạng chung cho tất cả mọi người trong thời điểm khắc nghiệt nhất của lửa đạn trùng trùng, không phân biệt là thường dân, binh lính bên này hay bên kia, ngoại trừ những kẻ cầm đầu luôn miệng hô hào “Bình Long anh dũng, KonTum kiên cường, Bình Định… đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”. Nhưng những ước mơ nhỏ bé long lanh sáng như hạt sương ban mai của người lính trận liệu “có về được không?”. Câu hỏi có vẻ tầm thường này, dường như ông đặt ra vấn đề lương tâm cho những người cao nhất: “Con sông Gò bồi , vẫn yên chảy. Anh bỏ súng xuống, nhìn con đường mà anh bảo vệ hằng ngày, mà nghĩ đến một buổi mai nào đó, anh có thể trở về bình yên nơi chốn cũ bằng một chuyến xe lam, để thăm lại ngôi giáo đường có cần an ten cao vút, có những nhánh sứ, khô tróc vỏ nỗi lên trên nền trời mây trắng. Không biết anh có về được không?” ( Gò Bồi bên kia sông).

Như viết ở trên, hiếm khi bắt gặp những nụ cười trong truyện Trần Hoài Thư; có chăng cũng chỉ là những nụ cười bợt nhạt, móp méo. Đó là những nụ cười không hình dạng, chới với, chập chờn như từ tầng sâu địa ngục trồi lên, thọc tay kéo nhếch môi ra: cười như mếu! Duy nhất, tôi đọc được trong truyện Viễn Thám và khám phá ra ông có một nụ cười thật trọn vẹn, nụ cười của hạnh phúc vô bờ, mà ngay từ thuở ấu thơ đến giờ ông mới hé lộ ra, như thể một loài hoa hiếm quí trăm năm mới nở một lần. Một nụ cười đẹp tựa bức tranh La Joconde, như đôi môi thuần khiết của Đức mẹ Đồng trinh, mang đầy chất nhân văn. Đọc kỹ đoạn văn này, tôi tự hỏi, nếu tất cả Trăm con trên Núi dưới Biển đều “có những con tim của tuổi trẻ Việt Nam” trong thời điểm kinh hoàng lửa đạn đó, liệu tất cả có đồng loạt bỏ súng xuống, ôm chầm lấy nhau mà khóc, mà tủi thẹn với tổ tông, hối hận để dẹp tắt đống lửa hận thù (không do mình gây nên) cao ngút tầng xanh kia?: “Trung đội thám kích đang săn tin về một đơn vị Bắc quân mới xâm nhập vùng Trường sơn, đã không ngờ gặp một cặp bộ đội đang hát bên bờ suối. Quân thù đó nhưng người lính đã không bắn. "Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu (...) Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam.... Tiếng hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu" (Viễn thám). Đó cũng là một lý do tại sao, góp một phần nhỏ, khiến sau thời gian không lâu, ông bỏ ngũ. Nhưng lý do gần nhất, như trong lá thư ông gởi về cho Mai Thảo, và tạp chí Vấn Đề đăng lại khoảng đầu năm 1971, giải thích tại sao ông lại bỏ ngũ cũng như quyết định của ông trở lại quân ngũ: « Từ Nha Trang,… Tôi đã bỏ đơn vị. Tôi muốn có một thái độ, nhất là trong lúc này : tham nhũng, bất công, thối nát, tranh giành. Đại đội tôi chỉ 50 người. Lính một số biệt phái nhà mấy quan lớn. Tôi bỏ ra đi khi nghe tin Hà Thúc Nhơn chết. Tôi mong các anh để ý đến những người viết miền Trung. Tôi mong Vấn Đề nói lên được nỗi khốn khổ của chúng tôi.

…Bây giờ tôi chỉ còn chờ ngày ra toà. Có điều chắc chắn là tôi sẽ trở lại quân ngũ : tôi muốn như vậy.

T.

18.11.70 (Tạp chí Vấn Đề, 1971). (*)

Dẫn ra đoạn này để thấy thái độ và trách nhiệm của Trần Hoài Thư, với sự chọn lựa duy nhất lúc đó : Đào tẩu khỏi ĐĐ 405 tử thần! Chấp nhận quân lao, giáng cấp; để sau đó ông thực hiện đúng điều ông tự hứa « chắc chắn tôi sẽ trở lại quân ngũ ». Chưa đầy tháng sau kể từ khi nằm trong quân lao, ông lại bị tống ra SĐ23/BB và tiếp tục hành quân ở đâu đó trên DăkTô. 

Ngày ông quyết định rời bỏ ĐĐ 405 Thám kích, « Đại Bàng » (chính xác là nhà văn Lữ Quỳnh) đã dùng xe jeep đơn vị Quân y đưa ông qua bên kia đèo Cù Mông, vĩnh biệt chảo lửa Bình Định. Sự chọn lựa của ông cũng xuất phát từ « những con tim của tuổi trẻ Việt Nam ». Ông có cái lý của mình. (Và dẫu sao, nhân đây tôi cũng xin cảm ơn, dù muộn màng, đến anh bạn « Đại Bàng » thân thiết đã cứu sống được một nhà văn, vì nếu không, với tình hình chiến trường sôi bỏng lúc đó, biết đâu lại không xảy ra một Y Uyên, Hoàng Yên Trang... thứ hai?) : “Tôi nói với Cầm: Anh nghĩ rồi đây chiến tranh sẽ chấm dứt. Miền Nam và miền Bắc sẽ sum họp. Mọi người sẽ ngồi lại và tha thứ lẫn nhau. Rồi em về Nha Trang. Anh cũng trở lại cùng Nha Trang. Anh sẽ xin dạy trở lại. Rồi anh sẽ xin cưới em...” (Nha Trang).

Ông sẽ và đã không cưới được nhân vật trong truyện, nhưng có một nhân vật khác thế chỗ, trở thành nhân vật chính cho truyện dài đời ông, nâng ông đứng dậy suốt quãng thời gian còn lại, sau ngày bi thảm của dân tộc! 

Nụ cười trên môi ông hiếm hoi, bởi máu ông đã đổ ra nhiều lần thế chỗ. Còn nước mắt thì trải dài suốt cả cuộc đời, từ khi xa “người cha mặc áo lương đen”, mẹ đưa ông vào trại mồ côi cho đến khi ra chiến trường, chứng kiến ngày tan hàng nhão nhoẹt cộng với 4 năm tù giam, vượt biển, định cư… Nhân thân ông giống như kẻ tội đồ Chúa bắt phải hứng chịu mọi tai ách. Ông có vẻ như những nhân vật “dân Do Thái” trước năm 1948, là gã hành khất của đời suốt từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, là cái bóng chập chờn, tiếng hát ma quái trên nóc tháp Hời hoang phế!

Thân phận ông là thân phận của kẻ lưu đày ngay trên quê hương mình như nhiều người khác đồng cảnh ngộ. Ra khỏi trại tù, ông lại mang một tư thế lưu đày khác, bị xô ra khỏi lề xã hội mới, xã hội mà ở đó luôn luôn đố kỵ, ngờ vực như thể chính những con người bị đố kỵ kia không phải là đồng bào, máu mủ.

Đó là những công chức, quân nhân bên này mà người anh em bên kia gán cho cái tên mỹ miều Nguỵ quân, Nguỵ quyền, may mắn được sống sót trở về từ trại giam. Hầu hết trong số họ đều phải bắt đầu lại từ đầu một cách khó khăn, tất nhiên không phải là những vị trí cũ, dẫu bọt bèo, mà đa phần là “chạy chợ”, làm bất cứ nghề lương thiện nào, ngoại trừ những tên giả trá, trơ trẽn. “Nhân vật” của Trần Hoài Thư trong truyện Người về trăm năm cũng vậy: Bán cà rem dạo. Trong bối cảnh xã hội ngày đó, ai cũng thông cảm chia sẻ nhau về chuyện mưu sinh. Bán cà rem vẫn là một nghề kiếm sống, không ăn giựt ai, không chiếm đoạt tài sản, ruộng vườn của ai, không trá hình xua đuổi người dân ra khỏi nơi chôn nhau cắt rún đi đến “thiên đường kinh tế mới” như một ngục tù thứ hai: “Chiếc xe đạp. Thùng cà rem. Chiếc chuông đồng. Chiếc mũ rơm. Và chiếc áo lính cũ. Đó là gia tài của một kẻ trở về. Tôi sẽ mặc lại chiếc áo của một thời mà may mắn còn sót lại trong xó tủ nào” (Người bán cà rem dạo).

Nhưng, điều kỳ lạ, thay vì những que cà rem kia là một phần ngàn từng hạt gạo kiếm được trong ngày để nuôi sống vợ con, thì ông lại coi đó như là những món quà kỳ diệu cho các em bé Cần Thơ, là những phiên ảnh của tuổi thơ có quá nhiều mất mát nơi ông. Những hình ảnh và suy nghĩ ở đoạn dẫn sau không hề hư cấu. Nó thật đến hơn trăm phần trăm, khi Hạc Thành Hoa tình cờ nhìn thấy ông ở Cần Thơ trong tình cảnh này. Và lại những giọt nước mắt, nghẹn ngào, đau xót tuôn trào…: “Tôi sẽ tặng em một cây. Một cây đâu có nghĩa lý gì. Bởi vì tôi biết người cha của em cũng như tôi, cũng mang chiếc áo lính này. Còn nữa. Còn những em bé mà tôi gặp từ Bình Minh về Phụng Hiệp, từ Tân Quới về Phong Điền, hai chân em khẳng khiu, đôi mắt nai ngơ ngác, trong manh áo vá, mà đời của em bị mang thêm cái ách làm con ngụy, các em cứ đến bên thùng cà rem của tôi, cứ lựa cây nào em ưa thích, cà rem đường chảy, kem chuối, kem màu... Cứ chạy theo xe tôi, cứ la hò: Ông bán cà rem cho không bọn bây ơi” (Người bán cà rem dạo).

Thân phận của tên bán cà rem hình như cũng không yên ổn: bị gọi lên một cơ quan văn nghệ nghe thuyết giảng, phỉnh dụ và đe nẹt: “Ngày xưa tuổi trẻ của tôi chỉ dệt bằng mơ ước. Yêu thương và tha thứ. Tôi gọi tôi gào người ta, bên này và bên kia, hãy trả lại tuổi trẻ cho chúng tôi, nhưng bây giờ chẳng có yêu thương tha thứ, mà trái lại là căm thù” (Người bán cà rem dạo).

Đứng trước thực trạng xã hội sau ngày “giải phóng”, có quá nhiều chệch choạc ở cả hai miền, mâu thuẫn nảy sinh âm ỉ từ việc nhà cầm quyền không thực hiện đúng lời hứa “hoà giải hoà hợp” mà trước đó đã trương lên trong 10 Điểm… của Mặt Trận DTGPMNVN, khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, hàng ngàn người chìm sâu dưới “Thuỷ mộ quan”, bị hãm hiếp… Điều này giải thích tại sao nhiều trí thức, thân hào nhân sĩ phải lên tiếng. Người trong cuộc, đã bỏ hơn nửa đời người theo lý tưởng cộng sản, là bộ đội tập kết năm 1954 phải kêu lên: “Thảm kịch của đảng cộng sản thực ra đã bắt đầu ngay từ ngày 30-4-1975. Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát, về mọi mặt. "Tính hơn hẳn" của chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.(Châu Hiển Lý, Bộ đội tập kết năm 1954 – nguồn:nhungsukien/blog).

Sau đó ông đặt ra nhiều câu hởi tại sao. Và đây là một trong những “tại sao” kia: “Tại sao sau khi được "giải phóng" khỏi gông cùm của Mỹ-Ngụy, hàng triệu người phải vượt biên tìm tự do trong cái chết gần kề, ngoài biển cả mênh mông?” (Châu Hải Lý).

Trần Hoài Thư cũng như bao nhiêu người khác, có điều kiện (hoặc không) đều tìm cách trốn ra nước ngoài, bằng thuyền nan, vượt rừng qua Cambodge tới Thái Lan… Nghĩa là bằng mọi cách để không phải chịu cảnh trả thù, dằn xóc, mặc dù họ biết mọi bất trắc đang nằm sẵn trong lòng tay: “Bao nhiêu người đã không may. Bao nhiêu người đã nằm dưới lòng biển. Bao nhiêu người con gái đã bị hãm hiếp và bị bắt cóc. Mắt tôi thấy chúng thay phiên, lưng trần đen bóng mồ hôi, và có người con gái tóc dài tung tóe, nhảy ào xuống biển”(Những ngày ở đảo).

 

Sau những tháng ngày khổ nạn, cuối cùng những người ra đi và may mắn cũng tìm được bến bờ tự do như mong đợi. Nhưng thực tế không phải là thiên đường dẫu tự do thì dư thừa như rác thải. Mọi người rất vất vả để hoà nhập vào xã hội mới. Họ hối hả leo lên metro, bus, hối hả lái xe trên đường cao tốc; chúi đầu làm việc, làm overtime, làm như con quay, bất cứ trời giá lạnh hay tuyết phủ trắng đường: “Đời sống Mỹ là thế đấy. Bằng mồ hôi và cả tủi nhục. Nhưng mình có thể nhận được phần thưởng từ những giọt mồ hôi của mình” (Ngày đầu ở xứ người).

Đó mới chỉ là cái riêng tư, còn xã hội, đời sống bên ngoài thì sao? Lại thêm một bi kịch thứ hai: “Đôi khi anh bắt gặp một vài người mà anh biết chắc là đồng hương, nhưng anh không dám mở miệng. Hình như họ không muốn tiếp xúc. Đó là bản chất của người Việt Nam hay là vì chúng ta đang sống trong một thời đại nghi kỵ, chia rẽ và tị hiềm” (Ngày đầu ở xứ người).

Và: “Bỗng dưng có một tên Việt Nam ngồi thu mình trong toa tàu vào một ngày đầu năm ở xứ người. Hắn câm, điếc. Hắn có nhà nhưng không có nhà. Hắn có vợ con nhưng

không có vợ con. Hắn trở về, nhưng không biết đâu là mái nhà của hắn” (Ngày đầu ở xứ người).

Bức tranh toàn cảnh này, ông vẽ ra với một giọng văn thổn thức, hoài nhớ đến nao lòng. Và hình như đây chính là phong cách của ông, văn phong của chính riêng ông. Dù sau đó ông có gặp một Chi Ming Wang, hay một cô gái Việt trong lớp học… ông luôn mơ ngóng về khung trời viễn xứ, nơi xa xôi đó đang có bầu trời xanh thẳm, tầng mây trắng bay, là mùa xuân, cành mai, nồi bánh chưng, hay hình ảnh người vợ bên thềm giếng ngày nào. Nhưng tất cả đều xa lắc. Mộng tan thì còn lại nỗi bất hạnh chổng chơ trên mặt đất trắng tuyết: “Tôi ngần ngại. Hình như có một khoảng cách vô hình ngăn chia giữa tôi và nàng. Có lẽ đầu óc tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi lịch sử. Nhưng nàng đã nói một câu mà tôi không thể tin nổi:

- Việt Nam và Trung Quốc đều có nỗi bất hạnh chung.

Tôi thật sự xúc động. Thì ra chúng tôi cũng vẫn có cùng chung cảnh ngộ. Việt Nam, Trung Quốc, Liên Sô, Cao Miên, Cuba, và các nước Đông Âu.

Tôi nhìn thẳng mắt nàng rồi nói:

- Vâng. Cả hai” (Chi Ming Wang).

 

Đoạn cuối: Vâng, thế hệ chúng tôi là thế hệ bất hạnh nhất, bi thảm nhất. Tuổi trẻ chúng tôi đã hứng đủ mọi lằn roi đến từ nhiều phía khác nhau. Những khuôn mặt và thân người phải oằn lưng gánh đỡ. Trong ngục tù hay bên ngoài, nơi được xưng tụng bằng nhiều mỹ từ tốt đẹp lẫn gớm ghiếc nhất trên thế gian này và cả sự cô đơn của kẻ lạc loài xa xứ, thảy đều có “nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang”. Cắm đầu chạy. Miệt mài chạy mà đường đi thì không đến!

Đoạn kết của thế hệ này sẽ vẫn phải còn thở hồng hộc như trâu cày đồng, thở bằng mũi, miệng, tai; thở bằng mông đít và các đầu ngón tay chân, trên từng sợi tóc mặn đắng mồ hôi của tủi nhục, không phân biệt đó là những kẻ đang ngụ tạm quê người, hay còn ở quê nhà thở khói chiều vi vu bên anh Cuội dưới gốc da, ru ta những mộng mị hoang tưởng trên đời, rung bã, mệt mỏi, ê chề.

Trần Hoài Thư bên bờ đại dương chắc cũng vậy. Nhưng có điều may mắn hơn là bên cạnh còn có nhân vật chính của ông, lái xe đi về hơn 10 tiếng trong mưa tuyết đến thư viện Cornell để ông ngồi sau tranh thủ khâu từng tay sách. Có lúc ông tự lái, xe choài trên tuyết trơn, lật ngang đường chắc ông cũng không hay? Vợ vào shopping còn ông thì ngồi ngoài parking, tiếp tục đưa mũi kim luồn qua từng trang sách mà ông nâng niu quí trọng. Cảm ơn người chị một thời cưu mang tôi những năm tháng long đong ở Cần Thơ (trong tâm khảm, tôi luôn coi chị như người chị ruột của mình). Món bún bò Huế tôi đãi chị ở quán ông Ba Bụng, Bình Thuỷ khi nhận được nhuận bút, lúc đó chị kêu cay, nước mắt chị chảy. Vị cay và một chút nước mắt ngày nào như một định mệnh báo trước khi chị hỏi tôi về Trần Hoài Thư: “Em thân với ông nhà văn này, hỏi thật, ngoài đời ổng có dữ dội như những nhân vật trong truyện của ổng không?”. Tôi không nhớ đã trả lời chị ra sao, nhưng giữa năm 1971, bất ngờ chị gửi thư vào quân trường Thủ Đức “…ráng kiếm cái phép về ăn cưới chị và anh Thư”. Thật trọn vẹn, thật ngọt ngào. Định mệnh đã trói chị vào nước mắt và nụ cười cùng cay đắng của Trần Hoài Thư, là thềm giếng, cành mai, và mùi thơm bánh chưng sôi ùng ục trong nồi chiều giao thừa. Như vậy có nghĩa rằng, Trần Hoài Thư sẽ còn có những tác phẩm văn học để đời, mà công lớn thuộc về chị.

 

 Nguyễn Lệ uyên

 (Samut Prakan, Thai 20/7/2011)

 

Trần Hoài Thư, tên thật Trần Quý Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt, hiện cư ngụ tại New Jersey, Hoa Kỳ.

 

1964: Giáo sư Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Khởi sự viết văn, truyện ngắn đầu tay: Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn.

Cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức, ...

 

1966: Nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Nhận giải thưởng Sinh Viên Sĩ Quan Báo Chí xuất sắc của Khóa 24.

Trung đội trưởng thám kích Đại đội 405 TK/SĐ 22 BB.

Phóng viên chiến trường tại QĐ4.

1975: Tù "cải tạo" 4 năm.

1980: Vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ.

Viết truyện đăng trên các tạp chí Nhân Văn, Hồn Việt, Dân Quyền, Diễn Đàn, Sóng, Văn Học, Quê Mẹ, Đời Mới.

2001: Cùng các bạn văn chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo và thành lập Cơ sở xuất bản Thư Ấn Quán in lại các tác phẩm văn học miền Nam trước 75.

 

Tác phẩm đã xuất bản:

 

Trước năm 1975:

1968: Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang, (Truyện, Nxb Ý Thức)

1970: Những Vì Sao Vĩnh Biệt, (Truyện, Nxb Ý Thức)

1971: Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi, (Truyện, Nxb Ý Thức,

1974: Một Nơi Nào Để Nhớ, (Truyện, Nxb Con Đuông)

 

Sau năm 1975:

Truyện:

- Ra Biển Gọi Thầm (Tập truyện, 1995)

- Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối (Tập truyện, 1997)

- Về Hướng Mặt Trời Lặn (Tập truyện, 1998)

- Đại Đội Cũ, Trang Sách Cũ

- Thế Hệ Chiến Tranh (Tập truyện)

- Đánh Giặc Ở Bình Định

- Đêm Rừng Tràm

- Hành Trình Của Một Cổ Trắng

- Mặc Niệm Chiến Tranh (Tập truyện)

- Thủ Đức Gọi Ta Về (Hồi ức).

 

Thơ:

- Thơ Trần Hoài Thư (Tập thơ, 1998)

- Qua Sông Mùa Mận Chín (Tập thơ)

- Tháng Bảy Hành Quân Xa (Tập thơ)

- Phố Xa (Tập thơ)

- Ngày Vàng (Tập thơ)

- Ô Cửa (Tập thơ)

- Quán (Tập thơ, 2008)

- Xa Xứ (Tập thơ, 2010)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 28820)
...Trần Vũ chỉ có phơi bày những máu me, tinh khí và ác mộng, không một khái niệm hướng thượng nào. Tôi xin nhấn mạnh: Vũ không nhắm vào văn chương tư tuởng (triết học và tâm linh). Đó là những điều vượt cái vốn liếng kiến thức của anh. Vũ viết khơi khơi theo đà lôi cuốn của con quỷ bạo dâm và con quỷ loạn luân tiềm ẩn trong anh thôi thúc. Từ bao lâu nay, có vài phê bình gia cho rằng nào là văn chương anh có tư tưởng, nào là văn chương anh siêu việt đối với lớp nhà văn trẻ ở hải ngoại...
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 27521)
Chúng tôi thấy cần thiết phải chỉ ra một điều là, khi chúng ta bình giá kết cấu một tác phẩm nào đó, việc đầu tiên không phải là đem kết cấu tác phẩm đó so sánh với kết cấu một tác phẩm nào khác, càng không nên lấy những tổng kết chung chung có sẵn kiểu " chặt chẽ hài hoà ", " gọn gàng cân đối " hoặc " trùng điệp ẩn hiện ", " mạch lạc khúc chiết " v.v... làm tiêu chuẩn để đánh đánh giá thành bại của kết cấu một tác phẩm cụ thể.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 25478)
Viết về Phạm Phú Hải, tôi mang cảm giác mình đang ngồi đếm sao. Đối diện với cái mênh mông của tâm hồn như vũ trụ kia, tôi thong thả đếm từng ánh sao trời mà mơ hồ tưởng tượng rồi lại cảm thấy bất lực vì không đủ sức đếm hết tất cả sao trên trời gom hết ánh sáng vào tay mình.
23 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 103981)
Ta đang sống trong thời đại của xin lỗi. Dù xin lỗi do động lực nào thì cũng phải nhìn nhận là người được xin lỗi cũng phần nào nguôi ngoai, và người xin lỗi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào. Và đấy là bước đầu đưa tới hòa giải.
28 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 26891)
Khi chọn chủ đề của tranh là "không gian sống" (living space), chắc chắn Lê Thánh Thư đã chọn cho mình một hướng sáng tác, đã xác định thái độ và mối quan hệ của anh, người nghệ sĩ, đối với sự vật, với cuộc sống, những gì đã và đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, ở trước mắt, ở chung quanh và cả trong tâm hồn.
10 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 90856)
Xuân vừa về trên bãi cỏ non… Nghe câu hát ấy của Phạm Duy, ta nghe mùa xuân về đâu đó quanh đây, về trên những thảm cỏ xanh mướt, về trên những bông hoa dại đủ sắc mầu dọc theo con đường chúng ta đi.
18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 23662)
Võ Đình đi đi, lại lại, bứt rứt, bực bội, tìm cách "vẽ" Ôn Như Hầu, nhưng câu thơ hắc búa của Gia Thiều cứ trơ ra như một "ảo giác" không thể "vẽ" được. Võ xoay ngang, chém dọc, bổ đôi, chẻ ba lời thơ, bước vào trong, chạy ra ngoài, mắt nhìn trời, tay vạch đất...
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 25884)
Nằm trong lịch sử sân khấu phương Tây với những nghi lễ tôn giáo từ thời Hi Lạp cổ đại, sân khấu Pháp đã có sự phát triển bền bỉ và có nhiều thành tựu theo chiều dài các thế kỉ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tình hình kịch Pháp về cơ bản là kế thừa kịch nửa sau thế kỉ XIX.
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 26564)
Literary fiction commits a double arbitrariness: that of invention itself and the arbitrariness with which it imitates what is essentially arbitrary: reality. (Văn chương phạm vào hai lần vũ đoán: một là cái vũ đoán của tự thân sự sáng tạo, và hai là cái vũ đoán của sự mô phỏng một thứ mà chính nó, tự bản chất, cũng là một sự vũ đoán: hiện thực) Añicos/ Bits (Những mảnh vụn) / Juan Calzadilla
20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 24138)
Là một trong những nhà văn tài hoa nhất và sáng tác sung mãn nhất của thế hệ ông, văn chương Mai Thảo bao trùm một giai đoạn dài từ kháng chiến chống Pháp đến di tản hải ngoại; ở khoảng nào, ông cũng có những tác phẩm xuất sắc, vẽ nên những chân dung con người với một nội dung siêu hình, một tâm thức lãng mạn, đớn đau.