Phạm Ngọc Lương
"LẠC ĐÀ TRONG RỪNG THẲM"
TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ IRAQ
(kỳ 3 "chương 7, 8 và 9")
CHƯƠNG 7
Kể từ lần đó, chúng tôi quay trở lại và coi quán Eden như điểm hẹn hàng ngày. Thi thoảng, em sẽ đến sớm hơn tôi, vẫn dáng vẻ im lìm nhắm mắt hút thuốc không hề để tâm tới xung quanh ấy. Em thích những bản nhạc thê thiết vẫn nhả lời rầu rĩ ở quán. Lý do mới thật sự đơn giản làm sao.
“Đời một người con gái
Xót xa đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo”.
Ca từ theo giọng lẩm nhẩm hát theo của nàng lọt vào tai tôi và nổ lùng bùng như chuỗi mìn hẹn giờ. Tôi không hiểu, quả tình là không sao hiểu nổi. Thế đấy, em ở vào cái tuổi thanh xuân mơn mởn này mà lại thích nghe những thứ ảo não đến lạ kỳ.
“Em, cái bài hát này ý là con gái có thể yêu tha thiết một thằng, rồi sau đó đi lấy một thằng mình hoàn toàn không yêu, rồi vẫn cứ nhớ về thằng cũ hả?”
“… Anh… không thấy sự ngang trái, đau khổ, bất hạnh gì trong đó sao?”
“Không. Anh chỉ thấy hai chữ tự ngược hoặc ngu xuẩn to đùng hiện ra thôi”.
Thế là em phá ra cười, bả vai rung rung đặt lên cánh tay trải dài trên mặt bàn cạnh cốc cafe. Tất cả cùng rung rinh theo một vũ khúc.
“Em cứ hằng tin tình yêu là duy nhất, những thứ na ná tình yêu thì lại rất nhiều. Nên khi cô gái này đã yêu một người sâu đậm rồi thì sao có thể tiếp tục trao tình yêu cho chồng mình được nữa”.
“Vậy cô ta lấy chồng làm gì?”
“Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn chứ anh. Thế mới là bi kịch”
“Em biết không, trước khi trưởng thành, ai cũng là trẻ con, bi kịch ở chỗ, những đứa trẻ ấy lại thích yêu”.
“Đôi khi em thấy anh như một triết gia ấy, sao anh lại đi làm chính trị gia nhỉ”.
Sẽ có một ngày, em nhận ra, kẻ có bề ngoài và chức danh hào nhoáng như tôi, xét đến cùng, chỉ là nhân viên công vụ quèn trong một cái đại sứ quán nhỏ bé. Sáng cắp táp đi, chiều cắp táp về, cặm cụi với hàng đống hồ sơ giấy tờ, mỏi mắt tra xét xem người nộp đơn này có đủ điều kiện để được cấp một con dấu chấp thuận cho họ bay qua cái đất nước khô cằn ở Trung Đông, loay hoay trong đó một thời gian rồi lại bay ra. Người ta, luôn có trăm ngàn lý do để tới lui như thế, dù rằng kết quả đôi khi chỉ là chênh lệch một vài tờ tiền đem lại.
“Kể anh nghe đi, về mối tình đầu của em”.
Em nhìn tôi, rồi như một chút xấu hổ nào đó thoáng qua, lại nghênh đầu, giả vờ chăm chú vào cốc cafe.
“Có gì đâu mà kể hả anh”.
“Em chẳng biết hết về anh còn gì. Giờ em còn gặp người ta không?”
Tôi dành hàng giờ như thế mỗi chiều, ngồi bên cạnh và nói chuyện với em. Rồi tôi thấy nực cười khi nhận ra rằng em không biết yêu là gì. Rằng thứ cảm xúc đau khổ, những cuộc tình, những thằng đàn ông em đã từng ngủ, từng suy tính tương lai mơ hồ nào đó, cũng chỉ là những chuyến phiêu lưu trong cảm xúc. Em, một cô gái 24 tuổi, sống một mình, tự cho thế là tự lập. Hài hước sao, kẻ như tôi lại yêu em.
“Cũng lâu rồi không gặp. Đôi khi em tự hỏi mình, tại sao ngày ấy lại yêu anh ấy, em cũng không biết nữa. Lần cuối hẹn nhau, anh ấy đang ở trong một khu nghỉ dưỡng ven ô, không quá xa, cũng chẳng gần, thế mà em lôi xe máy ra, phóng một lèo đi… Anh có nghĩ là em dại không. Em phóng xe máy trên quốc lộ, phía sau là cơn giông dần hình thành, rồi mưa to tạt ào ạt, em vẫn cứ lao đi. Em ướt như chuột lột, tới nơi, gã ra đón, khô ráo, thản nhiên, em còn không đọc được bất cứ một sự xúc động nào trong cái ôm của gã. Thực ra, em quyết tâm đi như một phép thử cuối cùng cho cảm giác của chính mình”.
“Bọn em làm tình chứ?”
Em vẫn giữ nguyên tư thế nhìn vào một gốc cây, như thể nếu không đối diện với tôi thì em sẽ dễ dàng nói ra hơn.
“Có. Không chút cảm xúc nào. Như thể đó là việc phải đến, lần đầu cũng là lần cuối”.
Làn khói run rẩy bay theo kẽ ngón tay em rồi tản ra. Tôi cơ hồ chỉ muốn nắm lấy chúng rồi dùng răng nghiến nhẹ, để cảm nhận rõ hơn sự run rẩy từ da thịt em. Một nỗi đau vô cớ nào đó trào ra. Mối tình đầu của cô sinh viên với gã đàn ông lớn tuổi mà chỉ cần nghe kể, tôi đã đoán ngay gã che dấu việc đã có gia đình. Mọi giữ gìn, chiều chuộng, trân trọng tình cảm thuần khiết với em là do gã sợ hãi và chưa dám. Cũng có thể, từ một góc độ nào đó, gã cũng không dám bước qua ranh giới như tôi. Rồi một ngày gã biến mất, không tin nhắn, không hồi âm, không liên lạc, để em chìm trong lạc lõng và đau khổ. Để em tự dốc hết chai rượu gạo rẻ tiền vào bụng, tận hưởng lần đầu say vì tình trong đời. Say tới thống khổ, nôn sạch mật xanh mật vàng, say tới mang cái đầu nhức buốt nguyên ngày hôm sau trên giường. Rồi một thời gian sau, gã xuất hiện lại, bối rối hỏi: “Sao không chờ anh?”. Em chưa một lần thốt ra hai từ “Tại sao?”. Như thể chính em cũng sợ hãi sự thật, rằng em chỉ là một đứa ngu ngốc và huyễn tưởng. Nhưng cho tới tận giờ hẳn là em vẫn vậy, cứ nguyên nhất tin rằng tình yêu là tất cả, và cảm xúc mới là thứ bất diệt tồn tại. Em vẫn cứ yêu mà không cần biết kẻ đó là ai trong một không gian thực quanh gã, nơi gã sống, nhà gã ở, người gã tiếp xúc. Còn em, mơ hồ yêu, một cách ngây thơ, cả tin.
“Đàn ông thật tồi tệ”.
Nghe thấy tiếng cười nhẹ của tôi, em quay lại, khẽ nhíu mày. Rồi như chợt nhận ra tôi cũng là đàn ông, và tôi cơ hồ chưa làm bất cứ điều gì tồi tệ với mình nên em im lặng giả vờ bận rộn quấn thuốc.
“Em biết không, nguời Iraq có câu: đến quỷ cũng từng là học trò của đàn bà. Thậm chí, Kinh Coran còn dành một chương riêng biệt chỉ để nói về phụ nữ. Chúng tôi thậm chí còn tin rằng đàn bà có sức mạnh thần bí, một khi đã muốn làm gì là được cái đó, còn khi trả thù ai thì vô cùng đáng sợ. Mohamed còn căn dặn đàn ông phải đối xử với phụ nữ như thể chính mình đang bê mâm nước, cẩn thận, nhẹ nhàng như vậy”.
“Anh đùa em ư?”.
“Anh sao đùa được, nó viết rõ trong kinh thánh”.
“Nhìn vào trang phục của đàn bà Iraq, em chỉ thấy sự bất hạnh hiện hữu”.
“Đó đơn giản chỉ là cái nhìn phiến diện của em. Bất hạnh trong mắt của em biết đâu lại là hạnh phúc với người khác. Phụ nữ là một bí mật với đàn ông Iraq, tựa như lá bùa huyền bí mà chỉ phù thủy cao tay mới tạo ra được. Trong cả thế giới rộng lớn này, phụ nữ là một bông hoa mỹ lệ nhất, vị trí của bông hoa này là ở vườn hoa, không được cắt mang về, vì nó sẽ héo ngay lập tức. Vẻ đẹp cao quý nhất của phụ nữ được đo bằng sự bí ẩn. Chính mạng che mặt kín mít chỉ phô ra ngoài đôi mắt to sâu thẳm đã tạo ra các giá trị tuyệt đích cho cuộc sống. Bản thân sự hiện diện trên đường của một người phụ nữ đã là một điều thiêng, tạo cảm hứng sáng tác cho bất kỳ thi nhân nào. Với riêng anh, nhận được lời chào buổi sáng của phụ nữ là đủ để biến hôm đó thành một màu hồng, vô cùng hạnh phúc. Đàn bà đối với Iraq là một vấn đề nhạy cảm, không ai được phép nguyền rủa hoặc động vào người đàn bà. Nếu muốn xúc phạm danh dự đàn ông thì chỉ cần đem đàn bà ra chửi, sau đó hai thằng đàn ông sẽ lao vào đánh nhau”.
Em chớp mắt nhìn tôi.
“Phụ nữ quý giá là thế, sao đạo Hồi cho phép đàn ông lấy nhiều vợ?”.
“Khi anh còn học ở trường về tôn giáo, thầy từng đặt câu hỏi: Tại sao đạo Hồi cho phép lấy nhiều nhất 4 vợ, mà không phải 3 hoặc 5?. Điều này quả vượt quá tầm hiểu biết của một đứa nhỏ, không biết phải nói thế nào, anh đành xin phép được trả lời sau, rồi tới nhà thờ hỏi. Đạo Hồi cho phép người đàn ông có 4 vợ không phải để biến đàn bà thành công cụ phục vụ đàn ông. Theo đúng với sinh lý phụ nữ thì trong năm chỉ có 3 tháng là sạch sẽ để quan hệ vợ chồng, nên nếu đàn ông có 4 vợ, mỗi vợ 3 tháng thì đảm bảo rằng người đàn ông sẽ không còn muốn ra ngoài lăng nhăng. Như thế là luật tưởng chừng vô lý này lại sinh ra trên nền tảng đảm bảo hạnh phúc gia đình. Không chỉ thế, để lấy được nhiều vợ, phải có thêm điều kiện là chính vợ cả phải đồng ý tới tòa, trước mặt thẩm phán, nói rõ ràng mình chấp nhận vợ lẽ của chồng, đồng thời phải có lý do như vợ vô sinh, ốm nặng hoặc nhu cầu tình dục của chồng cao, không đáp ứng nổi, chứ không phải do sự đe dọa bằng vũ lực hoặc tiền bạc thì luật mới cho phép hợp thức hóa hôn nhân.
Bản thân phụ nữ Iraq không cần phải làm gì cả, chỉ ở nhà nấu nướng, dọn dẹp, chờ chồng, chăm con thế là đủ phận sự. Trong việc gia đình, nói chung họ cũng được tham gia vào chuyện lớn, được quyền đưa ra ý kiến riêng mình, được tôn trọng. Phụ nữ được quyền đi làm, được quyền kiếm tiền, nhưng họ có giá hơn nếu biết rõ vị trí của mình. Vẫn có những người phụ nữ mạnh mẽ biết tự lo cho cuộc sống bản thân và đạt được vị trí nhất định trong xã hội, chỉ cần họ không vướng vào điều cấm: không chồng mà có con. Khi chiến tranh diễn ra, đàn bà Iraq cũng cầm súng, đi kháng chiến, chống địch như bất cứ ai. Cho tới giờ lính Mỹ vẫn còn ác mộng tới gần phụ nữ Iraq vì màn cảm tử quân, ôm bom trong bụng giả vờ có bầu, bước tới gần bật ngòi nổ. Đúng hay sai, ở đây đã chẳng còn quan trọng nữa rồi”.
Quán đã dần bật những ngọn đèn sợi đốt toả thứ ánh sáng mờ ấm khiến tay cứ muốn vươn ra, chạm vào nó. Có những người đàn ông, họ cô đơn đến mức mà dù có cả 4 người đàn bà, hay thậm chí nhiều hơn nữa cũng không đủ lấp đi khoảng trống trong họ.
“Em biết không, lần đầu tiên đặt chân đến thành phố này, đi trên đường, nhìn phụ nữ nhiều hơn đàn ông thật gần xung quanh mình, anh cảm thấy nâng nâng hạnh phúc như trên thiên đường, nhưng không dám nhìn trực diện vì ngay cả con gái cũng ăn mặc hở hang, vô ý quá, đôi khi như thể họ mặc áo ngủ ra ngoài, không còn chút nữ tính nào đọng lại”.
“Anh thấy phản cảm?”
“Anh chỉ thấy một sự đáng thương sâu sắc hiện hữu. Công bằng là gì đây khi phụ nữ phải gánh vác từ việc gia đình tới họ hàng, xã hội. Từ một phụ nữ yếu đuối, dễ thương phải trở thành lái xe taxi, thợ phụ vữa xây nhà… thì trong mắt anh họ đã không còn là phụ nữ nữa rồi, đáng thương quá. Ai cũng giải thích điều này bắt nguồn từ việc đất nước em luôn xảy ra các cuộc chiến tranh vệ quốc, nên phụ nữ phải quẩy những gánh quá nặng trên vai. Nhưng chiến tranh đã qua đi lâu rồi, em hiểu không, đừng nhắc tới nó nữa, thực tế là gì, họ vẫn cứ phải làm việc vất vả như đàn ông thì sự thật đó đau đớn lắm. Lẽ công bằng mà ai ai cũng hồ hởi tung hô, coi đó như tiến bộ xã hội, nghĩa là nữ bằng nam, nữ phạm lỗi cũng bị phạt như phạt một thằng đàn ông. Mọi công bằng chỉ là trên giấy tờ và khẩu hiệu, bởi đàn ông nhiều khi tận dụng phụ nữ hết cách, ngay cả đưa vợ mình đi tiếp khách công ty, chứ đừng nói gì tới việc nhân viên nữ theo cấp trên đi uống trên bàn tiệc. Phụ nữ không khác gì một chai rượu, quá rẻ, có thể mua ở bất cứ đâu. Con trai quan hệ nhiều không ai nói gì, còn khen ngợi khả năng, nhưng phụ nữ mà quan hệ nhiều thì mang tiếng mất dạy, chỉ phò mới thế. Đừng bao giờ nói về sự công bằng trong xã hội này. Không một điều luật trong hiến pháp nào quy định, nhưng phụ nữ Iraq luôn có một luật sư giỏi nhất bảo vệ quyền lợi cho mình là tôn giáo. Còn phụ nữ nước em dường như đến chính họ cũng quên mất việc phải tự bảo vệ mình. Tôi yêu sa mạc, yêu trời xanh và tôi yêu phụ nữ. Giờ thấy thứ mà tôi yêu thế này, thực xót xa quá”.
“Em đưa những điều này vào sách nhé”.
“Em cho rằng nó hợp lý và ổn để xuất bản?”.
“Một góc nhìn khác về phụ nữ đáng được suy ngẫm”
Em có đặt chính mình ra khỏi số đông phụ nữ mà tôi đang nói về không? Chắc bản thân em cũng không biết. Hẳn khi cuốn sách này in xong, người ta sẽ phản ứng gay gắt với những ý kiến này của tôi, cái nhìn miệt thị phụ nữ bản địa của một gã Hồi giáo cực đoan chẳng hạn. Không cần đoán cũng biết những tiêu đề này sẽ được in đậm, viết hoa trên trang nhất các báo chính thống. Tôi lẳng lặng nhìn vào chân mày đang nhíu chặt của em. Ánh nắng cuối ngày hiếm hoi của mùa đông nhọc nhằn chiếu dáng ngồi của em in ngoằn ngoèo trên đất. Đàn ông Iraq ai cũng thuộc lòng câu tục ngữ: Muốn thành công hãy hỏi ý kiến của đàn bà, sau đó làm ngược lại.
Gập laptop lại, thuần thục cho vào ba lô. Em lại rút ra một điếu thuốc, bật vội bật lửa, rít một hơi dài.
“Đã bao giờ đàn ông hỏi xem đàn bà thực sự muốn gì chưa”.
“Em nói gì?”
“Đâu cũng thế thôi, Iraq hay Việt Nam, giống nhau cả. Có lẽ em chưa đủ từng trải để hiểu cho đầy đủ, đạo Hồi cứ khoác một đống áo lên và nói rằng họ bảo vệ phụ nữ, nhưng liệu phụ nữ có thực sự đồng ý che khuất cuộc đời mình sau lớp bọc đó không”.
Giọng em cao dần, đầy gấp gáp, như thể một con mèo lười bị chọc giận bắt đầu xù lông. Tôi đưa tay rút điếu thuốc từ môi em, dụi vào gạt tàn.
“Anh xin lỗi, nhưng em đừng giận. Anh không muốn phải tranh cãi với em về vấn đề này. Em thấy không, nó như thể mình đang bận tâm vì sao mặt trời lại mọc vào sáng sớm vậy. Cuộc sống vốn là một mớ hỗn độn, đừng để mình vướng vào nó. Nghe anh”.
Thi thoảng tôi luôn dè chừng sự ngây thơ đến cực đoan sẽ làm hại em vào một ngày nào đó. Nhưng nếu còn có thể và được phép, hẳn tôi sẽ tìm ra được cách để bảo vệ em thôi. Hẳn nhiên, nếu tôi có thể và được phép, tôi sẽ cố hướng em tránh xa vũng nước đục trên đường, hoặc chí ít, lội qua mà không bị quá ướt.
CHƯƠNG 8
“24 tuổi, tôi bắt đầu chuyến hành trình dài nhất trong cuộc đời mình bằng xe khách từ Baghdad tới Jordan trong một tuần, làm thủ tục visa, chuyển hồ sơ nhập học sang Việt Nam, sau đó lại đi máy bay qua Kuwait, Bangkok giữa tháng 11, máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, trong cái tiết se lạnh của mùa đông xứ nhiệt đới gió mùa.
Tôi chưa khi nào tự vẽ ra trong đầu bất cứ hình dung gì về Hà Nội, mà dường như cũng chẳng có thời gian. Sau này, khi ngồi tếu táo với bạn bè, tôi hay đùa mà rằng: “Hà Nội như một cô gái nhỏ và duyên, nhưng mặc cái áo hơi sờn mép vải”, còn bấy giờ, Hà Nội chào đón tôi với đầy đủ vẻ lạ lẫm cả thiếu thốn của nó. “Hello” – tôi chào họ bằng thứ tiếng Anh lần đầu sử dụng với người nước ngoài. Cô gái Hà Nội cười với tôi ngay khi vừa bước xuống sân bay, trong cái áo màu rượu vang đỏ với hai vạt dài, cười với tôi khi làm vào thủ tục, cười suốt dọc đường đi. Những nụ cười tạo cho tôi cảm giác yên tâm kỳ lạ.
“Đó cũng là lần đầu anh ra nước ngoài”.
“Lần đầu, cũng là sự ngây thơ đủ của anh”.
“Ngồi trong xe, ngoái nhìn lại sân bay nhỏ với con đường cũ, hàng cây thưa thớt, lá bám bụi bạc phếch, chỉ có vài chiếc ô-tô xuất hiện hòa vào dòng xe máy, những ngôi nhà cấp bốn sơ xài vôi gạch vữa, cửa sắt xộc xệch vụt chạy qua mắt, còn lại là đồng ruộng dọc con đường vào thành phố. Tôi nhận ra mình đang ở một chốn rất nghèo.
“Đây là thủ đô ư? Mình đang làm gì đây Noor? Mình làm tất cả để tới đây là sai hay đúng?". Có gì mà sợ, không ổn thì về thôi, coi như phí một quãng thời gian, nhưng ít ra sau này sẽ không hối tiếc vì bỏ lỡ cơ hội. 24 tuổi, tôi đã nghĩ như vậy đấy, cuộn trào nhiệt huyết tuổi trẻ.
Ô tô đưa tôi tới Đại sứ quán Iraq và bỏ đi. Đứng một mình, tự nhiên tôi thấy như lạc lối. Mà lạc lối thật, trời thì tối, không biết ai để hỏi, chẳng có lối để đi, thấy cảnh vệ gần đó, cũng đang lom lom nhìn vào mình. Tôi hơi chột dạ, bấm bụng tiến tới tìm cách câu thông vì chắc là anh ta chẳng hiểu cũng không nói được từ nào với mình. Quả nhiên, diễn tả tới lui một hồi, anh chỉ tay vào một cánh cổng nhỏ. Tôi bước bừa vào, cứ thế đi và may mắn gặp tùy viên Abdull Kareem. Ngay khi tôi xưng tên, anh vui vẻ cho biết là cả Đại sứ quán đang chờ và rất sốt ruột vì tôi đã quá muộn so với thời gian mà Bộ Cao Học Iraq báo sang.
Trong khi chờ tôi tắm rửa, thay đồ, các anh em đã chuẩn bị sẵn một bữa tối đơn giản với thịt bò xào, cà chua rán, bánh mỳ… Hẳn bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi tôi sử dụng từ người anh em trong ngữ cảnh này, nhưng đó không chỉ là bày tỏ sự thân thiết khi nói về những người cùng đất nước mình, mà còn bắt nguồn từ văn hóa Đạo Hồi. Kể ra ăn tối kiểu Ả rập ở một mảnh đất cách đó vài trăm nghìn km mà vẫn đầy hương vị thân quen cũng là một trải nghiệm lạ lẫm. Sau đó, chúng tôi cùng ngồi quây quần trong phòng lớn, hút thuốc và kể về Hà Nội. Ai cũng khen ngợi tính cách cởi mở, thân thiện thoải mái của con người nơi đây, thiên nhiên đẹp đẽ và khí hậu dễ chịu… Những lời nói trượt ra khỏi đầu tôi một cách dễ dàng, chỉ có cảm giác là đọng lại, vờn quanh như từng vòng khói thuốc trắng đục bay vẩn vơ quanh phòng. Nỗi lo lắng dần dần chuội đi, tôi thả lỏng người thư giãn trong cảm giác dễ chịu và êm ấm. Đây cũng là lần đầu tôi được thưởng thức thuốc lá Vinataba với vị đậm, thơm đặc trưng của Hà Nội.
Lúc đó Iraq chưa có Đại sứ, nên ngài Đại biện lâm thời tiếp tôi. Câu đầu tiên mà ngài nói với tôi là: “Tôi chờ cậu, quả thực rất lo cậu không đến. Những sinh viên đang học ngoại ngữ không phổ biến như Tiếng Việt, Hàn, Nhật, Trung Quốc… tại các nước sẽ trở về làm phiên dịch cho văn phòng chính phủ, nên nhiệm vụ của các cậu là vô cùng quan trọng”. Ngài đặt ra cho tôi đủ mọi loại câu hỏi, xem tôi có thoải mái không, cảm giác thế nào, cần giúp đỡ gì không, thiếu tiền thì phải thông báo… Sự quan tâm chân thành không cần đáp lại này của ngài mãi về sau tôi mới hiểu cặn kẽ, còn khi đó tôi chỉ cười và cảm ơn. Sau một tuần tôi ở lại Đại sứ quán, ông đã cố gắng thu xếp cho tôi một suất ưu tiên tại ký túc xá A2.
Tối đó, tôi gọi điện ngay cho mẹ. Hẳn bà đang lo lắm, nhưng tâm trạng vui vẻ và giọng nói phấn chấn như trẻ con đang có trò chơi mới của tôi làm mẹ yên tâm, còn động viên mình phải cố gắng. “Mẹ yên tâm, con trai mẹ mà, làm gì cũng phải đứng đầu”. Tôi nói với mẹ mà như tự nhủ với chính bản thân. Còn thực tâm tôi biết có thể ở đầu dây bên kia mẹ đang khóc vì sự nhớ đứa con rất mực yêu quý của bà.
Ký túc xá A2 được ví như khách sạn 5 sao, là khu dành cho người Mỹ, Canada, Tây Âu… với sự tiện nghi, thoải mái, đắt đỏ hơn hẳn, mỗi phòng chỉ ở hai người. Có lẽ những sinh viên này giàu có hơn, nên chính họ cũng không hòa đồng với nhau. Tôi không thích điều này, cộng thêm nói tiếng Anh chưa sõi nên cũng chẳng buôn chuyện được với ai. Tôi ở một mình, nhưng sau đó thấy một sinh viên Iraq tên Haidar sang học cơ khí không được phân giường, phải chịu nằm đất gần 03 tuần liền tại phòng 306 khu B7 cùng 03 sinh viên Iraq, tôi bảo anh cứ chiều tới phòng tôi chơi rồi trốn bảo vệ, ở lại cho đầy đủ. Quy định vẫn cứ mãi là quy định, chỉ có điều cách mình phá quy định để làm gì mới là quan trọng.
Hết tháng rưỡi, tôi chuyển tới tòa B7 trên chiếc ô tô Lada Liên Xô cũ màu trắng. Vừa đỗ xuống sân ký túc, đang lui cui kéo vali ra khỏi xe, thì Sasha, người Ukraina - sau này là bạn thân nhất của tôi, cùng hai cậu nữa đứng ở ban công tầng trên, nhìn xuống nói: “Cậu là sinh viên mới hả, vào đây phải nộp tiền bảo kê nhé, cậu tới từ Iraq?”. “Được, nhưng tôi nộp bằng Dinar nhé, các cậu có nhận được không?”. Ngước lên nhìn họ, tôi trêu lại, và cảm thấy không khí nơi đây có vẻ thân thiện. Sau đó mới biết B7 gồm toàn sinh viên Ukraina, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Tiệp, Slovakia… nghèo nên cũng vui vẻ hơn chăng.
Tôi ở phòng 206, cùng Alain, sinh viên người Cuba, và sau đó còn thêm anh Haidar ở cùng. Sau này 206 trở thành phòng sạch, đẹp nhất cả khu, với đầy đủ tivi, tủ lạnh, thảm trải sàn, tủ quần áo… Nhưng đêm đầu tiên ở ký túc xá này, tôi thức. 24 tuổi với sự háo hức khám phá quay cuồng trong đầu.
Ở ký túc xá một thời gian, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng người Iraq có mối quan hệ không tốt lắm đối với các sinh viên nước khác. Đem suy nghĩ này chia sẻ với các bạn, thì mới hiểu là họ cũng chẳng buồn quan tâm tới vấn đề giao tiếp, chỉ biết có học thôi, như thế thì buồn quá. Thậm chí có ông được gắn biệt danh là “Mr Xin chào”, bởi ông này chỉ nói đúng mỗi câu “Xin chào” với mọi người khi buộc phải đi qua họ. Tôi thẳng thắn đặt vấn đề trước mặt đồng hương: “Bây giờ chúng ta là đại diện của nước mình, mà hình ảnh của Iraq trong con mắt người nước ngoài thì các anh cũng biết là không tốt đẹp lắm đâu. Ai cũng nghĩ là Iraq rất đầu gấu, thích đánh nhau, nên trong khả năng của mình hãy làm cho người ta hiểu về Iraq từ chính cuộc sống sinh viên này”. Không ai có ý kiến gì. Nhưng nói là làm, tôi âm thầm vạch kế hoạch.
Gần đến Tết đạo Hồi, tôi đi gặp từng người, báo sẽ mở một bữa tiệc với đầy đủ rượu bia, mời tất cả mọi người chỉ cần tới chơi là đủ. Mọi thứ tôi đều chuẩn bị, riêng người theo đạo thì vẫn phải mang bánh tới dự. Tôi còn mời cả cô giáo dạy tiếng Việt tới, xin ban quản lý ký túc xá và cả bảo vệ để được tổ chức muộn hơn giờ quy định đóng cửa. Và bữa tiệc đã diễn ra thành công hơn dự kiến. Hầu như toàn bộ sinh viên trong ký túc xá đều tới, ai cũng thức tới sáng, đánh đàn guitar và lần lượt từng người đứng dậy hát một bài về đất nước mình. Đến nỗi mà bao nhiêu đồ tôi chuẩn bị đều hết, phải mua thêm ba chai rượu đế với mức giá khiến ai cũng trợn tròn mắt: 10,000 đ một chai, còn thực sự bên trong nó chứa gì thì không ai biết. Bữa tiệc đã chính thức thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của người Iraq với các sinh viên khác, cùng rủ nhau đi cà phê, ăn uống, nói chuyện… Thế là tôi trở thành một người nổi tiếng trong ký túc xá. Có thể hơi tự đại với bản thân mình, nhưng quả rằng ai cũng muốn hỏi ý kiến, và luôn muốn tôi đứng ra để giải quyết vấn đề cho mọi người, cái gì sai thì đòi phải sửa, yêu cầu với ban quản lý quyền lợi chung cho sinh viên... Sau lần đầu, thì đã thành thói quen, chúng tôi còn tổ chức nhiều bữa tiệc lớn nữa, có thời điểm ngày nào cũng “nhậu”, mà lý do thì thôi rồi, từ rất quan trọng cho tới đơn giản là sinh nhật của một ai đó, giáng sinh, mừng năm mới, Tết ta... Đôi khi, theo lý lẽ của sinh viên mà: buồn quá nhậu thôi, vui quá nhậu thôi. Có lẽ vì thế mà có tới 90% sinh viên nhớ sinh nhật của tôi là ngày nào, và đó cũng là một dịp “ra trò” để đập phá. Phía Đại sứ quán cũng được nghe nói nhiều về việc tôi làm, họ lắng nghe tình hình cuộc sống của sinh viên Iraq qua tôi, và có những quan tâm thiết thực hơn. Thậm chí khi phía bên Đại sứ quán muốn trao đổi gì với sinh viên Iraq thì đều tới phòng tôi để “họp”.
Hình dung về tôi hồi 24 tuổi là một gã to con, với bộ ria kiểu Iraq, được cắt tỉa cẩn thận, dài và đẹp, có gu ăn mặc, biết cách làm cho mình trông “ngon lành” nhất. Nấu cơm ngon, nóng tính, sạch sẽ, cẩn thận với tất cả mọi thứ, thông minh, bướng, cứng đầu và cực kỳ khó tính, đến nỗi mà con gái nhìn tủ quần áo còn phải nể vì độ gọn gàng, ngăn nắp trong đó. Nhưng tôi được cái là vui vẻ, không ngồi một chỗ, lại hào sảng, ưa giao thiệp, rất dễ làm quen. Sau đó, cô bạn gái đầu tiên người Tiệp bảo với tôi rằng khi cô chuẩn bị sang Việt Nam, Hiệu trưởng có dặn các sinh viên là đừng tiếp xúc với người Iraq, vì họ rất nguy hiểm, nhưng khi gặp tôi thì thấy khác hẳn. Nói vui hơn thì tuy theo Đạo Hồi, nhưng đối với người trong đạo thì tôi là “hư”, rượu bia tẹt. Hơn nữa, tôi hiểu thói quen uống và sở thích của sinh viên các nước khác, nên để tiện cho việc quảng giao của mình, tôi lúc nào cũng trữ sẵn bia trong phòng mời khách. Cái giá để mua sự yêu mến của một ai đó rẻ lắm, chỉ cần một cốc bia và sẵn lòng uống cùng họ, thế là thành bạn thôi.
Toàn bộ thời sinh viên tôi chỉ quen người nước ngoài, duy nhất có hai bạn Việt muốn giao lưu với tôi để hoàn thiện tiếng Iraq. Kỹ năng tiếng Anh cũng hoàn thiện rất nhanh. Do chưa biết đi xe máy nên ngay khi quen với môi trường ký túc xá, tôi bắt đầu hành trình khám phá của mình. Sắm con ngựa sắt (xe đạp Thống Nhất) đầu tiên với mức giá 450,000 đồng, bản đồ gấp nhỏ để trong túi áo, thuộc nằm lòng chỉ dẫn của người bạn địa phương: “Giao thông Việt rất đơn giản, để ý người đi trước, kệ người đi sau” là thong dong đi chụp, thăm thú khắp nơi, ngắm đường phố, uống bia hơi, ăn lạc rang, đậu rán… rất thú. Nhiều khi học ở Bách Khoa, mà tôi lọ mọ đến tận Hoàng Hoa Thám, rồi lạc đường, hơn 11 giờ đêm mới về tới ký túc xá. Điều buồn cười nhất là khi đi bộ hoặc đi xe đạp ngoài đường, trẻ con cứ chỉ vào mặt tôi, la “tây, tây” rồi lẵng nhẵng bám theo, làm tôi vô cùng thú vị, cứ như một ngôi sao Hollywood với các fan hâm mộ đông đảo vây quanh xin chữ ký. Nhiều người còn mạnh dạn sờ vì thấy lông tay tôi dài quá.
Có thể nói đây là quãng thời gian rất đẹp mà tôi đã từng có trong cuộc đời mình, đầy hồn nhiên, vô lo, cũng không chất chứa quá nhiều ưu tư, trăn trở. Nó ngắn ngủi. Ôi! tuổi trẻ, chẳng khi nào tôi thấy xấu hổ vì những điều đã làm hồi ấy. Tuổi trẻ với cái sinh khí tràn trề trong lồng ngực luôn khiến ta bức bối và thấy cuộc đời sao nhỏ hẹp.
CHƯƠNG 9.
Em chuyển sang nhà mới, sau một tuần họ sơn hoàn thiện. Lại một màu vàng bao phủ khắp nơi, chúng khiến tôi, cho dù sau này không sống ở Việt Nam nữa, vẫn sẽ đinh ninh vàng xi măng là màu đặc trưng cho nhà ở xứ này.
“Nó hợp cho một gia đình, chỉ mình em ở đây thì hơi phí phạm”.
Em vừa nói vừa bưng chậu dấm đặt trong góc nhà để mong rằng cái mùi sơn sẽ biến nhanh như lúc nó đến. Tôi đứng trên bậu cửa, nhìn vào cái hồ cạn nước với hòn giả sơn đã được lau chùi cẩn thận đến bong cả lớp rêu khô.
“Em có muốn nuôi cá không?”
“Anh nói gì cơ?”. Giọng em vọng sang.
“Em có muốn nuôi cá không?”
“Em dự định đi mua một ít cây hoa để trồng trong vườn, còn cá thì em chưa nghĩ tới”.
“Một mình?”
“Bạn sẽ đưa em đi”.
“Vậy lúc nào em muốn thì dành mấy con cá cho anh nhé, mừng em nhà mới thôi”.
“Anh thích gì thì cứ mua đi ạ, cá nào chả giống nhau”
Được đưa em đi mua một thứ gì đó hẳn là một vinh hạnh với tôi, nhưng em lại nhẹ nhàng tước bỏ nó. Thứ ảo tưởng có cái gì ràng buộc giữa hai đứa khiến tôi cố thuyết phục em suy tư về những con cá, rằng màu sắc, đặc tính, rằng khi muộn phiền ngồi nghe nước chảy và cá khẽ quẫy đuôi cũng là một loại hưởng thụ. Đôi khi, tôi tự động bỏ qua ánh mắt em, lòng mắt em chuyển động từ trái sang phải, rồi liếc tôi đầy phân vân qua khe hẹp đuôi mắt. Em kể cho tôi nghe dự định khi khách thuê nhà chuyển khoản xong, em giữ lại một phần nhỏ và dành tất cả để làm một chuyến du lịch sang Thái.
“Em cần phải đi đâu đó, anh biết không, em đang cạn kiệt cảm hứng rồi”.
Ôi, cái hứng của nàng, hẳn nó còn thất thường hơn mưa nắng, bởi chẳng ai có thể dự báo trước được. Ngày bắt đầu ẩm ướt và xám xịt. Tôi thực sự ghét cái cảm giác dính dấp khi mình chạm vào mọi thứ. Nồm và mốc. Chúng đi cạnh nhau như thể một cặp vợ chồng định mệnh. Mảnh đất cận nhiệt đới đầy sức sống đến nỗi ta có làm rơi một cái hạt xuống đất nó cũng nảy mầm ngay tắp lự, nhưng giá phải trả cũng không rẻ.
“Đi Thái vào thời điểm Tết âm?”
“Em muốn trốn nó mà. Em mệt mỏi với vòng tuần hoàn ấy. Vô nghĩa và tốn thời gian. Tại sao con người cứ phải giữ những tục lệ vô bổ ấy?. Thực sự là tốn kém quá mức”.
Cố trả lời câu hỏi của em cũng vô bổ tương tự. Tôi im lặng. Đưa mắt sang nhìn vào bể cá khô khốc và gốc si vẫn kiên cường bám trụ trên ngọn giả sơn. Cái cây cũng khô khốc không kém, mà lần đầu nhìn nó tôi tưởng là cây giả. Vài chiếc lá hơi héo vẫn gắng giữ màu xanh mướt. Ở một góc nào đó, tôi luôn muốn quay trở lại những ngày tháng nghỉ lễ, lười biếng nằm dài bên đầu gối mẹ. Khác biệt duy nhất xáo trộn chuỗi tuần hoàn nhàm chán của thời gian.
“Em muốn anh đi cùng không? Anh rất sẵn lòng đấy”.
Mắt em loé sáng, nhưng rồi như nghĩ ra điều gì đó, em ngần ngừ đứng dậy, nhấc bình đun siêu tốc, xé lớp vỏ nylon bọc túi trà khô, rồi tráng cốc, rót nước vào lá trà, cẩn thận đặt trước mặt tôi.
“Em trả lời anh sau được không?”
Cô bé, em có hiểu nó tương đương như một lời hứa hẹn với tôi không, rằng em có thể sẽ chấp nhận đi cùng tôi tới một đất nước xa lạ. Chính xác thì nó chẳng xa lạ với tôi, nhưng với em thì đúng. Rằng có thể sự mới mẻ ở mảnh đất ấy sẽ khiến em cảm thấy nhỏ bé, và vô tình lúc nào đó, em sẽ ngả vào lòng người đàn ông duy nhất ở bên em. Một chuyến du lịch nó thường yếu lòng thế đấy. Em lúng túng quay mặt đi như thể thực sự suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Trời lại bắt đầu rầu rĩ mưa dầm. Và chúng tôi ngồi xuống, tiếp tục công cuộc hồi tưởng cùng ghi chép, cứ như thể phút mờ ám kia chỉ là thoáng tưởng tượng trong cái màn ẩm ướt của đất trời Hà Nội.
“Anh nói chuyện như người bản địa vậy”.
Lần đầu gặp, em thốt ra câu này, như một cái máy, tôi bật bài cảm ơn thầy cô và ngôi trường đã cưu mang dạy dỗ tôi, cùng nụ cười nửa miệng. Thứ hiện thực giả dối và quỷ quái nào vậy. Thi thoảng tôi rất muốn nói với em rằng suốt 6 tháng ngồi ghế nhà trường, tôi chẳng học được một câu nào ra hồn, vì rằng các thầy cô giáo với hệ đào tạo ở Nga chỉ có thể dạy tiếng Việt bằng tiếng Nga, còn tôi, một chữ Nga bẻ đôi cũng không biết. Thế nên, tôi đã quyết định nằm ườn trên giường vào một sáng đẹp trời mà không thèm tới lớp. Điều khôi hài là lớp chỉ có 7 sinh viên, Nga, Ukraine, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tiệp, nhưng chẳng ai quan tâm tới sự mất tích của tôi. Thế là sau khi nhấn nút thì tôi bắt đầu chuỗi ngày lang thang trên phố của mình. Vâng, tiếng Việt mà tôi có, nó từ cống rãnh rác thải, từ ồn ào khói bụi nơi đường phố mà ra, bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao, mọi đồng lương bọt bèo trả cho sự hời hợt của trường lớp. Thế nhưng tôi sợ cái sự hồn nhiên của em sẽ tung mọi thứ ra ở một góc nào đó trên mạng xã hội bằng một sự mơ hồ ám chỉ, và thế là đủ để mọi thuyết âm mưu hình thành, phát triển, rồi một ngày chúng quay lại chất vấn tôi bằng những lời khó nói.
Tôi đường hoàng quay lại với giờ học tiếng Việt mà chỉ mới cách đây vài tháng còn là nỗi ám ảnh đáng ghét. Tới phần thoại, khi tôi vừa phát âm, thầy vô cùng ngạc nhiên, gạn hỏi, thì tôi nhếch mép nói: “Tôi học ở quán karaoke”. Tức thì cả lớp cười ồ lên, riêng thầy lại rất nghiêm túc: “Hãy học anh ta, bước ra đường và hòa nhập vào âm thanh ngoài đó là cách học nhanh nhất”. Thế là chỉ với một bài hát mà tôi đã may mắn phá được bức tường ngôn ngữ ngăn cách giữa tôi và Việt Nam. Nhưng sẵn thói quen thích học ngoài đường hơn, nên tôi vẫn thi thoảng về khuya và không lên giảng đường. Cứ thế tròn năm, tiếng Việt của tôi đã khá ổn. Năm 2000, tôi nhận lời tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần để đọc một bài thơ của Hồ Xuân Hương giúp cậu bạn rất giỏi tiếng Việt nhưng lại bị ốm vào phút chót. Phần trình diễn của tôi khá ấn tượng, nên sang năm 2001, VTV3 lại mời tôi lần nữa làm khách chương trình để nói về du lịch ở Việt Nam. Tôi quen MC Thảo Vân từ đó và cũng bén duyên với nhà đài.
Tuy nhiên tôi mới chỉ nói giỏi chứ về mặt văn tự vẫn ú ớ lắm. Thế rồi một hôm ngài Đại sứ Libya đưa cho tôi cuốn sách “Hình ảnh của 54 dân tộc Việt Nam” dày 300 trang nhờ dịch sang tiếng Iraq. Tôi trố mắt nhìn như không tin nổi tai mình, lặp lại: “Ngài có nhầm không, tôi mới học tiếng Việt một thời gian, sao làm được”. Thì ngài chỉ khoát tay ngắn gọn: “Tôi muốn cậu dịch, thế thôi, một năm xong cuốn này cũng không sao”. Trân trọng cầm cuốn sách mà bụng tự nhủ không biết bao giờ mình mới hoàn thiện trọng trách này, nhưng trong thâm tâm tôi thầm cảm ơn ông. Quả thực sau đó quyển sách giúp tôi rất nhiều, vì tôi ngồi suốt ngày, chỉ cầm từ điển và nhờ một cô bạn người Việt khá giỏi tiếng Iraq giúp dịch cùng. Mấy hôm đầu tiên thì quả là mệt, tôi cứ đánh vật với từng từ một, nhưng dần dần các từ có vẻ hao hao như nhau nên tôi dần không cần từ điển nữa và hoàn thành nó sau 8 tháng. Cuốn sách đã cung cấp cho tôi một vốn từ lớn, tạo cầu nối cho tôi bước vào thế giới mới của từ chính xác, từ chuẩn, chứ không còn là tiếng “bồi” nữa. Ngài Đại sứ tặng tôi 300$, rất mực khen ngợi và nói: “Tôi muốn cậu là phiên dịch của Đại sứ quán này, hãy hoàn tất quá trình học rồi ở đây”. Sau đó tôi in lại cuốn sách này rất đẹp, đi tặng các Đại sứ quán Ả Rập, ai cũng trân trọng công sức mà tôi đã bỏ ra.
Tiếng Việt dần hoàn thiện, nhưng đó chưa phải tất cả, bởi tôi vẫn lười đi học, nhiều hôm còn không nhớ tới lịch thi, môn gì cũng mù tịt, chỉ khi bạn bè nhắc, vội vàng đọc qua sách, rồi đại khái trả lời, may mà chuyên trúng tủ nên điểm vẫn cao. Trước tôi cũng có vài người Ả Rập học tiếng Việt, nhưng chỉ học từ một đến hai năm để phục vụ cho việc học chuyên ngành của họ, nên khi gặp tôi, thầy Nguyễn Chí Hòa – Trưởng khoa tiếng Việt đã rất hào hứng nói: “Anh là sinh viên Ả Rập duy nhất học chuyên sâu tiếng Việt, trước anh cho tới bây giờ cũng chưa có ai”. Câu này khiến tôi vô cùng phấn khởi, vì tôi luôn muốn là người duy nhất, và việc lựa chọn tới Việt Nam là rất chính xác.
Nói thông thạo ngôn ngữ giúp tôi dễ dàng hòa đồng với người bản địa, vì họ quả thực rất quý người nước ngoài nói được tiếng Việt như một cách tôn trọng tình cảm của người nước ngoài với Việt Nam. Đồng thời, với sự nghiệp riêng thì tiếng Việt giúp tôi nhận được thiện cảm khi cần giao tiếp với giới quan chức hoặc đồng nghiệp. Bây giờ tôi là cầu nối giữa người Việt và người Ả Rập để họ hiểu nhau hơn khi làm việc cùng. Khi nói ra điều này không có nghĩa là tôi học tiếng Việt vì một mục tiêu nào đó, mà tôi cực kì trân trọng, và phấn khởi vì mình đã thành công với lựa chọn của mình. Quan trọng hơn, nó còn giúp tôi trở thành một người con trong họ lớn Phạm Quang ở Hà Nội, ngày vui tôi có mặt, ngày buồn tôi có mặt để chia sẻ với họ. Hơn nữa, tôi cũng có được gia đình riêng của mình. Vì tôi biết tiếng Việt nên được lòng bố mẹ vợ, chứ lúc đầu tôi bị cấm cửa không được phép đưa về giới thiệu với gia đình, may mà cậu vợ gặp tôi trước, nên đã đỡ vài lời với bố mẹ vợ là cậu này chỉ Tây bên ngoài thôi, bên trong thì thuần Việt lắm. Nhờ thế họ mới cho phép tôi được gặp, và chỉ sau 5 phút, tình hình đã thay đổi hẳn, từ căng thẳng thành thân thiện. Tiếng Việt giúp tôi có vị thế tốt trong xã hội, được nhiều người biết đến, tham gia các chương trình truyền hình, xuất hiện trên báo chí và cả đóng phim.
Phạm Ngọc Lương
* Còn tiếp những kỳ sau
- Từ khóa :
- PHẠM NGỌC LƯƠNG