- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIỜ TRƯỚC GIÁNG SINH

24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 10271)


dinh-cuong-tranh-3
Tranh Đinh Cường

 

 

 

 

Mỹ Ca        

GIỜ TRƯỚC GIÁNG SINH     

 

 

 

Bi thọc sâu hai tay vào túi áo choàng, co ro đi bên cạnh thằng lỏi Mustapha. Thằng này khác với ngay thường, vẻ mặt đăm chiêu táo bón. Hai vai rút lên ngang tai dấu đôi giấu bàn tay trong ống tay áo rộng thùng thình, thằng rệp đi nghiêng qua nghiêng lại như con lật đật. Nó nhón gót nhảy tránh một nhánh cây khô rớt trên đường :

-          Sợ không Bi ?

Bi gật đầu, không nhìn bạn:

-          Tao cũng hơi ớn, thằng rệp tự thú. Nhưng chắc không sao đâu. Bọn mình cứ làm y như mấy lần tập dượt, như cô giáo đã chỉ là cool!

-          Biết vậy nhưng tao vẫn cứ sợ.

Mustapha vung tay, ngang tàng:

-          Bọn mình dân “xịn” mà ngán ai! Mày cứ tưởng tượng như đang chơi Game Boy vậy. Kẹt lắm lúc tao năn nỉ, mày lắc đầu quầy quậy, đóng sập cửa tiệm và treo bảng “hết chỗ” là xong, khỏi phải nói nhiều.

Chợt nghĩ tới má của bạn Bi quay qua hỏi:

-          Vậy hôm nay má mày có tới dự được không?

Mustapha lắc đầu, buồn buồn:

-          Không. Lúc đầu bả hứa dữ lắm nhưng cuối cùng bị kẹt. Làm cho tiệm ăn lẹ mà, ngày lễ phải làm thêm, lộn xộn chủ đuổi lúc nào không hay!

 

Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.

 

Bố mẹ Mustapha gặp nhau khi ông qua đây du học. Họ ăn ở với nhau và Mustapha chào đời sau đó không lâu. Ra trường, ông bố muốn đưa vợ con về quê lập nghiệp nhưng bị gia đình phản đối. Nơi quê nhà, cha mẹ ông đã chọn sẵn nàng dâu, chỉ chờ ông về làm đám cưới theo cổ tục Hồi Giáo. Hai người chia tay. Bà mẹ giữ Mustapha ở lại, thành ra nó có cha mà như không.

 

Nói đúng ra Mustapha cũng chỉ là “nạn nhân chiến cuộc”. Trong lớp chỉ có bốn tên con trai mà hai thằng tây chính gốc không đứa nào chịu làm thánh nên cô giáo phải bắt Mustapha. Bi thích đóng vai Giuse hơn vì vai chính, được xuất hiện trên sân khấu nhiều lần. Nhưng nếu cô giáo cho nó đóng vai đó chẳng khác nào chửi bố mấy ông viết thánh sử! Thánh Giuse da vàng mũi tẹt, hình như chưa ai tưởng tượng hình ảnh táo bạo đó. Chủ quán trọ còn chấp nhận được, ở đâu mà không có nhà hàng Á Châu?

 

Bi tự an ủi dù sao nó cũng được xuất hiện hai lần, lần đầu trong vai lính La Mã đi lùng bắt Giuse và Maria. Lần sau làm chủ quán trọ gian ác. Toàn những vai “độc”!

Vở kịch tụi nó sắp trình diễn đêm liên hoan Giáng sinh năm nay lấy đoạn Kinh thánh từ lúc Giuse dắt Maria đi trốn vì quân La Mã truy lùng. Qua tới đệ nhị quốc gia, hai người đi tìm quán trọ để Maria sinh nở nhưng mấy tay chủ quán thấy hai vợ chồng nghèo kiết xác thì hắt hủi, không cho tạm dung. Trong lúc gấp gáp, Maria đẻ rơi Giêsu trong một chuồng thú vật nơi đồng không mông quạnh...

 

Những buổi tập dượt là dịp bà cô già nhắc lại những kỷ niêm thơ ấu. Bà khoe đã được chọn đóng vai Maria bốn năm lần; rằng hồi đó bà đóng thế này, ngày xưa bà làm thế nọ... Bi mà là con gái và đươc chọn đóng vai Maria chắc chán chết hoặc kiếm một cái mền ôm theo đặng ngủ. Vai đó tuy là vai chính nhưng thụ động quá, không có điều kiện nâng cao tính năng tạo hình của người nghệ sĩ. Bà cô Anna có vẻ rất hãnh diện về điều đó. Bà dai dẳng mãi về quá khứ nên có một đôi khi Bi âm thầm tự hỏi: người già còn lại những gì ngoài tuổi trẻ? Nhất là tuổi trẻ ấm êm không biết sợ hãi, trốn chạy, không hiểu ý nghĩa của những từ bỏ nước, vượt biên. Khi người ta bắt đầu ngồi kể lể tưởng tiếc quá khứ là lúc họ không còn chút hy vọng gì ở tương lai...

 

Dù không giống Giuse về màu da, Bi thấy hoàn cảnh gia đình nó cũng không khác gì cảnh ngộ của đôi vợ chồng Do Thái ấy. Cũng là dân tỵ nạn, chỉ khác là hồi đó chưa có Cao ủy nên Giêsu phải chịu cảnh đẻ rơi. Cũng may mà lớp chỉ có bốn đứa con trai nên Bi mới được gọi lên sân khấu chứ không cũng chỉ được làm khán giả. Làm lính La mã đứa nào cũng thích nên không có vấn đề, đến lúc chọn người đóng vai chủ quán mới gay. Không kể Mustapha đã được chọn thủ vai Giuse, lớp còn lại ba đấng nam nhi: Piere, Théo, Bi. Mới đầu cô Anna đề nghị hai thằng Piere và Théo làm chủ những quán trọ bên đường nhưng hai thằng lỏi này chỉ thích làm lừa cho con Rosie cưỡi nên cuối cùng Bi được làm chủ quán. Một đứa con gái khác sẽ giả trai làm chủ quán thứ hai.

 

Bi thấy hồi hộp khôn tả. Lần đầu tiên lên sân khấu mà. Nhất là trong đám phụ huynh đông đảo tối nay ngoài ba má còn có bà ngoại từ miền nắng ấm người đông bay sang chơi một tuần mà thôi vì bà rất sợ giá lạnh nơi gia đình Bi đang ở.

 

Bà ngoại hồi xửa hồi xưa từng là ca sĩ chuyên ca nhạc cải cách của thành phố Sài gòn hoa lệ. Bây giờ bà vẫn rán tiếp tục. Nhìn bà ngoại ca, Bi thấy thương bà thật nhiều. Những lúc bà gân cổ lên cao, Bi thấy thót ruột, sợ những mảng vôi vữa trên mặt bà ngoại rớt lộp độp để lộ những đường chỉ vá ép chằng chịt của những lần sửa mặt kéo da trong thẩm mỹ viện. Ông em-xi có lần khen bà đẹp không thua hồi xửa hồi xưa. Ông nói sai sự thật nhiều lắm. Bây giờ bà ngoại còn sặc sỡ HƠN tấm hình đen trắng của bốn chục năm về trước mà Bi thấy được trong cuốn album hình của má.

 

Hào quang dĩ vãng theo đuổi nên con người cứ ngỡ họ đang nắm được sợi chỉ thời gian nhưng đâu ngờ đó là dầu mối của mảnh vải tưa mà nếu kéo mạnh sẽ tuốt mãi, tuốt mãi...Bên kia đỉnh vinh quang, cỗ xe tuột dốc thê thảm. Nhìn bà ngoại ca, Bi có cảm tưởng bà đang trì vai rán không cho cỗ xe tuột dốc. Thương bà ngoại nhiều quá! Bà ngoại làm Bi nhớ lại những bi hùng kịch cổ Hy Lạp mà vai chính dù bị trói tay đẩy vào con đường chết vẫn dãy dụa múa lên những đường kiếm hào hùng bi tráng.

 

“Vinh quang là đốm lửa mà loài người là những con thiêu thân!” ba thường nói với lon bia mỗi lần lật báo coi thời sự trong tuần. Lên vài lon nữa ba sẽ làm một Đại hội quân dân cán chính, chưởi một loạt những kẻ đón gió bán nước buôn dân từ trong ra ngoài, từ trái sang phải! Ba nói muốn thi vào ngành công an phải qua khảo hạch há mồm. Há càng to càng tốt, nhiều triển vọng thăng tiến. Mồm to lắm được làm bộ trưởng để đớp thịt bò rắc vàng. Sau quá trình tiêu hóa, cục thải ra hậu môn sẽ lấp lánh như thành quả cách mạng sau nhiều năm đấu tranh tiến lên xã hội chủ nghĩa định hướng thị trường tư sản mại bản. Chỉ tiếc một điều là vàng dù hiếm quí cách mấy cũng không thể vô hiệu hóa mùi xú uế cách mạng vô sản. Người chết quá nhiều, người ngồi tù không ít. Xong ba ngâm thơ rồi ngủ. Thương ba nhiều quá. Có một đôi khi Bi âm thầm tự hỏi: chiến bại còn lại gì ngoài chiến công hiển hách?

 

Bi thấy ba khó làm một nhà văn chạy đường dài. Chưởi hăng như ba, quay sang viết bỉnh bút chắc sẽ nhiều thành công. Ở đời có những cánh chim tầm thường một ngày kia vô tình được ngọn gió thời đại nâng lên cao bay cùng tầm với những cánh đại bàng nên họ có cái nhìn độ lượng về thân thế. Đến khi ngọn gió tàn, trở về kiếp tầm thường muốn đập cánh bay cao nhưng không thể, đành ngồi nhà ... đón gió!

 

Tạm gác những suy nghĩ lan man, Bi tập trung tâm trí vào những vai sẽ thủ diễn. Làm lính La Mã không khó. Ba nói làm lính quèn ở quân đội nào cũng dễ, chỉ làm theo lệnh cấp trên. Trong vai lính thú đi lùng cặp Giuse-Maria, Bi phải vào nhà con France, tra khảo và hất đổ vài vật dụng trong nhà. Bi xoa tay khoái chí. Phen này nó sẽ được trả thù dân tộc. Con France cứ đè đầu Bi mà kêu "thằng chệt"» làm Bi tức cành hông.

 

Làm chủ quán trọ đòi hỏi nhiều khả năng diễn xuất hơn. Bi là người chủ quán sau cùng. Giuse Mustapha sau khi bị từ chối ở quán con France, sẽ qua gõ cửa quán Bi. Chủ quán Bi sẽ chạy ra mở cửa với nụ cười cầu tài nhưng tắt ngay sau khi nhìn thấy quần áo của đôi vợ chồng nghèo và quyết kiệt từ chối dù họ hết lời năn nỉ. Cuối cùng, chủ quán Bi sẽ lạnh lùng tống cặp vợ chồng trẻ ra cửa và treo bảng "closed" trước khi khóa cửa thật kỹ sợ Giuse sẽ trở lại ăn vạ…

 

Bi đứng trước gương, đưa tay sửa cho ngay chiếc nón La Mã hơi rộng so với đầu. Bi nhăn răng, méo miệng, đứng nghiêm, quay phải, quay trái tìm tư thế cho vai lính sắp đóng. Tim nó đập bình bịch, thiếu điều muốn lọt ra ngoài lồng ngực. Phải tự kiểm soát mình, Bi nhủ thầm. "Người biết tự kiểm là người sẽ bay xa", trích lời cô giáo Anna. Bi dùng ngón tay trỏ gạt nhẹ lọn tóc loà xòa trước trán. Nhìn bóng mình trong gương, nó không khỏi thầm phục má và càng tin tưởng vào đấng Hóa Công, người đã tạo dựng muôn ngàn tinh tú cao xa, thiên nhiên hùng vĩ và các sinh vật đẹp đẽ mà trong đó có một người xấp xỉ mười hai, tướng tá coi được nếu người ấy khiêm nhường, bảnh trai nếu người ấy chân thật, học lực trên trung bình, nhiều năng khiếu nghệ thuật và đang chuẩn bị bay xa, thiệt xa…

 

" Bi !". Có tiếng réo của cô Anna. Bi chộp vội thanh gươm nhựa rồi phóng ra ngoài cánh gà, chờ ra sân khấu làm lính.

 

Song màn đầu, Bi nán lại cánh gà, hé tấm màn nhung ngó xuống. Ba má và bà ngoại ngồi ở hàng thứ năm mé tay phải gần cửa ra vào. Bi nhận ra ngay nhờ bà ngoại bận bộ váy dạ hội màu xanh dương điện tử sáng chói, quầng mắt rải thêm một mớ kim tuyến có thể bắt ánh sáng trong vòng năm cây số.

 

Bi muốn làm một dấu hiệu gì đó để ba má và bà ngoại biết Bi đang ở đây, ở góc phải sân khấu này nhưng không thể, vở kịch mới tới giữa chừng. Mọi người mong mỏi được coi màn chót mà Bi đã biết kết cục ra sao rồi.

 

Không biết lúc nãy ba người có nhận ra Bi trong vai lính ? Ánh đèn sân khấu quả có ma lực làm Bi vượt khỏi thằng Bi của đời thường để cảm nhận tâm hồn người lính thú La Mã, được lệnh quan trên lùng bắt cho bằng được tên phiến loạn Giuse. Trở về tay không đồng nghĩa với ký củ, đề lao nên Bi tra tấn con France rất tận tình. Bi lấy kiếm phết vào mông nó cái nhẹ làm con nhỏ khóc oe oe, cả rạp không cầm được nước mắt.

 

Khép màn lại Bi lẩm nhẩm ôn lời đối thoại của người chủ quán. Bên cạnh nó Giuse Mustapha cũng đang lẩm rẩm ôn bài. Maria – con Rosie – đang cự nự bọn lừa chạy lẹ quá làm nó ê bàn tọa. Vai con Rosie thảnh thơi nhất, chỉ cần đưa bản mặt như bánh bao chiều là ngon cơm. Bi thấy con Rosie không cần cố gắng, bản mặt của cỏn lúc nào cũng bí xị rồi.

 

Có tiếng gõ cửa. Bi chạy vội ra mở. Ánh đèn sân khấu chói mắt. Bi hít không khí vào lồng ngực căng tràn nhựa sống, vươn vai biến thành chủ quán trọ bên đường.

 

Chủ quán (mở cửa, quan sát y phục của đôi khách lạ, lớn tiếng) : Tới đây làm gì vào giờ khuya khoắt như vầy ?

 

Giuse : Chúng tôi muốn có một chỗ tạm dừng chân qua đêm.

 

Chủ quán : Đây là quán trọ, có tiền trả không ?

 

Giuse : Tôi là thợ mộc, có thể sửa chữa tủ giường bàn ghế hoặc làm những việc nặng nhọc…

 

Chủ quán : À, không có tiền hả ? Không có tiền thì đi chỗ khác ! Đây chỉ đón tiếp những kẻ có tiền.

 

Giuse : Xin ông thông cảm, vợ tôi đã đến kỳ sanh nở…

 

Chủ quán : Đẻ hả ? Hết chuyện rồi sao đẻ giờ này ? Làm ơn mang nhau đi chỗ khác mà đẻ, quán này không chứa con rơi con rớt !

 

Giuse (thiết tha) : Xin ông thương người gặp lúc khó khăn, đã bị từ chối nhiều nơi. Quán của ông là cơ hội cuối cùng của chúng tôi…

 

Chủ quán (hét) : Ta đã nói không là KHÔNG mà, sao ngươi dai quá vậy, ngoài đồng còn mấy cái chòi trống đó, ra mà sanh ! Vả lại quán ta chật lắm rồi, không thể nhận thêm được nữa !

 

Giuse (nước mất lưng tròng, níu tay chủ quán khẩn khoản) : xin đừng hắt hủi người tỵ nạn…

 

Bi nhìn những giọt nước mắt chảy dài trên má Mustapha, mủi lòng. Hai chữ «tỵ nạn» như nước sôi làm lòng Bi mềm lại như bún. Tội nghiệp Mustapha, lần đầu tiên lên sân khấu mà không được mẹ đến ủng hộ tinh thần. Trong khoảnh khắc, Bi nhớ tới tấm hình của cậu bé tỵ nạn ba tuổi nằm chết trên bãi biển, màu áo đỏ thẫm tương phản màu cát nhạt vàng ảm đạm và sóng biển trắng xóa nhạt nhòa nước mắt. Không ai chọn lựa nơi sinh ra nhưng sao nỡ đóng cửa em nhỏ đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn?

 

Những giot mồ hôi lấm tấm trên trán, dưới những lọn tóc quăn tít, lóng lánh dưới ánh đèn sân khấu của bạn làm Bi nhớ mình cũng tỵ nạn, nếu không được xứ này mở rộng vòng tay đón nhận, giờ chắc cũng đang mòn mỏi chờ trên trong một trại rào kín nào…

 

Cao ủy tỵ nạn chưa có, tại sao người cùng cảnh ngộ không đón nhận nhau ?

 

Thời gian sân khấu dừng lại ở cái nhìn của Bi. Có tiếng sụt sùi của ai đó bên dưới.

Phải làm sao ? To be or not to be, that's the question. Là Bi hay là không là Bi, câu hỏi nhức nhối quá! Như người dang tay cân bằng đi trên sợi dây căng làm trò xiếc, cuộc đời luôn là những chọn lựa giữa hai con đường : đi tè hay nín, cho hay không, bỏ hay lấy mà mỗi con đường ta chọn được mất đều có cả.

Cuối cùng Bi quyết định :

-          Xin mời ông bà vào đây nghỉ qua đêm, chờ cho bà sanh nở xong thì đi đâu thì đi, đừng đứng ngoài gió lâu quá sẽ cảm lạnh…

 

Bi choàng tay qua vai Mustapha, dìu bạn đi chậm qua ngưỡng cửa giữa tiếng vỗ tay như sấm nổ.

 

Hình như bà giáo già đang dậm chân chạy lại kéo màn. Cô Anna sẽ la nhưng chắc chắn má sẽ khen Bi làm đúng...

 

Năm nay Noël sẽ không có máng cỏ chòi tranh với bò lừa vây quanh, mà chăn ấm nệm êm đầy ắp tình người.

 

 MỸ CA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Tư 20189:36 CH(Xem: 27030)
Sau gần mười năm Vương KH. tái ngộ cùng văn hữu và độc giả Hợp Lưu với bút hiệu YK Đỗ và một truyện ngắn chưa từng được phổ biến: "Chìm Vào Bóng Tối". Vẫn với bút pháp gọn, sắc, như những đoạn phim ngắn, tác giả đã tạo cho truyện một không gian lạ lùng, huyễn hoặc giữa sống và chết, yêu và hận, cùng sự trống trải tột cùng một khi đối diện với sự phản bội trong tình yêu. Chúng tôi rất vui và hân hạnh gởi đến quí vị tác phẩm mới này của YK Đỗ.
12 Tháng Tư 20189:03 CH(Xem: 25200)
Bạn có biết thế nào là chơi cờ tướng không? Chắc chắn khi tôi hỏi câu này, nhiều người sẽ bảo: chơi cờ tướng dễ ợt, hoặc chuyện chơi cờ tướng thì có gì là lạ đâu, chỉ hỏi qua một lúc là biết. Nào con mã con pháo con xe con tốt, ai mà không biết mấy con ấy chứ. Nhưng tôi vẫn sẽ bảo với bạn là bạn chưa biết một tí gì về chuyện này, chưa biết thế nào là cái cụm từ chơi cờ tướng của tôi. Trong cái thế giới mà chúng ta đang tồn tại, nhiều cái cứ trôi qua trước mắt, ngay cả khi nó nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta vẫn cứ không biết gì về nó.
12 Tháng Tư 20182:22 CH(Xem: 25525)
Năm tôi lên 12 tuổi, học trường huyện xa, cha tôi cũng gửi về nhà một cái xe đạp màu hồng như đền bù cho tôi. Tôi lập tức lấy ngay sơn màu đen trét lên khắp xe vằn vện như con chó khoang. Tôi không thích ai thương hại, lại càng không thích màu hồng. Ai gán tình yêu với màu hồng. Tôi nghĩ tình yêu của cha tôi hẳn phải là màu đen, đen như trái tim tăm tối của ông, chỉ có nhân danh một tình yêu màu đen đặc sệt mù quáng như thế người ta mới có thể vứt bỏ một đứa con, một người vợ đã cũ chạy theo người đàn bà khác trẻ hơn tốt hơn như cha tôi thường hảnh điện nói.
15 Tháng Hai 20181:27 SA(Xem: 27671)
Mười lăm tuổi, chị Vàng đã có da có thịt. Má bắt đầu lột nét hồng rạng ngời mơn mởn trút sạch lớp da vàng nghệ ngày thơ. Miệng chị cười có lúm đồng điếu ẩn hiện rất duyên, nhưng đuôi mắt đen thì buồn quá đổi. Cậu Hai , con trai lớn nhà chủ đi lính nghĩa vụ lâu lâu về thăm nhà, liếc thầm để ý. Nhất là mỗi chiều chạng vạng khi chị Vàng bế em bé con bà chủ ra ngoài ngõ hóng gió, thằng nhỏ đeo bám chặt vào bộ ngực thanh tân chỏm cau mới nhú cứng ngắc của chị Vàng, đường cong tơ non hằn rõ qua làn áo vải bà ba sờn mỏng. Cậu Hai tìm cách xớ rớ chung quanh, hết lấy tay vờ nựng nịu đến bẹo má , vuốt đùi thằng bé, rồi tìm cách động chạm vào ngực chị Vàng...
28 Tháng Mười Hai 20178:37 CH(Xem: 26941)
- Tôi là vợ của anh ấy. Người đàn bà nhỏ bé đứng trước mặt cô, nói bằng một giọng rụt rè. Cô chết lặng . Không, không phải vì câu nói này. Cũng không phải vì người đàn bà bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà cô. Hẳn đã mất nhiều thời gian công sức rình mò theo dõi.
19 Tháng Mười Hai 201711:54 CH(Xem: 27470)
Bà bác dâu đón tôi ở phi trường Trudeau, không phải bà cô ruột. Tôi đã mong đợi bà cô ruột. / Bố tôi có hai bà cô, một là cô ruột và bà bác dâu. Từ lúc tôi chào đời đã có hai bà ở đó, Tôi vẫn quen gọi bằng bà dù hai bà còn khá trẻ. Ông cố tôi nhiều vợ, lắm thiếp, lại đẻ dày, đến nỗi con và cháu nội ra đời cách nhau không xa lắm. / Quê bố tôi ở Hương Sơn Hà tĩnh, mảnh đất cúi Bắc, đầu Trung, nửa núi, nửa đồng bằng, người nói giọng trọ trẹ, nửa thị và quá nửa quê, mà quê đá, quê núi, quê cằn, quê cỗi, quê không có đất để cày, có trâu để cưỡi. Bà bác dâu vẫn hay kể cho tôi nghe như vậy.
14 Tháng Tám 20172:02 SA(Xem: 26433)
15 phút. Con số lặp lại theo trật tự đã được định sẵn. Việc đợi, có thể làm cho sự cáu gắt tăng giảm một cách đột ngột. Cô gái mặc áo màu thiên thanh thì khác. Vẫn thản nhiên, tay cầm điện thoại và mắt dán chặt vào màn hình giống như đang theo dõi một hành trình khám phá hay một bí mật ghê gớm nào đó. Cô gái ngồi xuống cạnh tôi. Cảm giác tò mò đã nhen nhóm từ lúc nào. Tôi ngồi xích lại gần, chăm chú.
01 Tháng Bảy 20174:02 CH(Xem: 29587)
Con đĩ tru tréo, “Đụ má tao tởm mày lắm rồi. Bắt đầu từ bây giờ, mạnh đứa nào đứa đó tự lo lấy thân, mày đừng báo cô tao nữa, hãy để cho tao yên. Đụ má, một năm nay vì mày mà tao thân tàn ma dại, mày thấy không?” Tôi định nhào tới táng cho con đĩ một bạt tai nhưng kịp dằn lại. Tôi biết, nếu làm dữ con đĩ dám tống tôi ra khỏi chỗ này thật chứ chẳng chơi. Tôi cố nuốt cơn giận cho trôi tuột xuống bụng. Mặc mẹ nó, nhịn một chút chẳng chết ai. Nó nóng, nó chửi rủa lằng nhằng thế thôi, rốt cuộc đâu lại vào đó. Đây đâu phải lần đầu tiên con đĩ dở giọng với tôi!
15 Tháng Ba 20171:21 SA(Xem: 31939)
Ngô Quốc Phương, sinh năm 1970, nghề nghiệp: Nhà báo, nguyên Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang sinh sống tại Kent, Anh Quốc, từng có bài vở đăng trên Talawas, Văn Việt...
08 Tháng Hai 201711:44 CH(Xem: 26933)
“Nghề đi biển là vậy, phải có người chở che sóng gió. Nếu không cũng sớm làm mồi cho cá thôi”, cha nói. “Thế Mẹ là ai hở cha?” “Một nữ thần cưu mang những ngư phủ như chúng ta, những đứa con của Mẹ.”. Cha bắt đầu kể về Mẹ khi chúng tôi lạo xạo bước đi trên cát chiều khô gió. Giọng cha trầm xuống kính cẩn, một thứ giọng đầy hương muối, mùi liêu trai tôi chưa từng nghe bao giờ.