- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TÂM BỆNH NGUYỄN DU

26 Tháng Bảy 20219:22 CH(Xem: 18119)
tam benh nguyen du

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

TÂM BỆNH NGUYỄN DU

Truyện lịch sử

 

Đó là vào những ngày mùa thu Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ nhất (1820),  "dịch phát ở Hà Tiên rồi lan ra toàn quốc" (Đại Nam Thực lục). Khi vua bảo các quan: "Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ ở một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay", triều thần Phạm Đăng Hưng đã tâu rằng: "Thần nghe dịch bệnh từ Tây dương sang", nghĩa là triều đình đã có nhiều người biết dịch bệnh truyền qua các thuyền buôn đến từ Ấn Độ, và dịch tràn lan do khí độc (lệ khí) phát tán. “Thực lục” còn viết: "Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp", cho ta biết đây là một trận dịch tả.

Truyền thống chữa bệnh dịch tả bằng thảo qủa xanh - tức bạch đậu khấu có từ xa xưa, và Nguyễn Du cũng được truyền dạy từ các bậc lương y tổ phụ của mình. Mấy lần tới xứ Lạng, ông đều dành thời gian thu thập loại cây vốn sinh trưởng chủ yếu ở những nơi mát lạnh này…

Nhưng Nguyễn nhận thấy: chỉ một cây/ phương thuốc chuyên trị các bệnh về phổi đó không đủ để trị/ dẹp dịch bệnh. Ông lần giở các tập sách cũ “Nam dược thần hiệu”, “Hồng nghĩa giác tư y thư”, “Thập tam phương gia giảm” của cụ Tuệ Tĩnh ra nghiền ngẫm. Đã lâu lắm, giờ đây ông mới có dịp đọc lại những trang sách mà ông thấm nhuần cái tinh thần vượt qua mọi y lý trên đời của vị thiền sư - thánh y: “Thương nhân dân chết chóc/ Chọn hiền triết phương thang”, “Cây hoang dại có thể thành vườn hạnh được vậy!”.

Giấc mộng văn chương bỗng trở thành điều gì xa lắc xa lơ, thậm chí không có thực nữa đối với ông! Ông bắt đầu ghi chép một số vị thuốc Nam được miêu tả trong “Nam dược thần hiệu”: loại cỏ hoang, loại dây leo, loại cỏ mọc dưới ao, loài mễ cốc, loài quả, loài cây, loài côn trùng, v.v - hầu hết là những thứ trong vườn của nhà nghèo nào cũng có, thâu đêm suy ngẫm về tác dụng từng loại cùng sự kết hợp giữa chúng và với bạch đậu khấu. Ông cùng người nhà lặn lội tới các ao vườn thu hái một số cây cỏ. Và ông phác thảo ra các cách chữa trị từ chủ trương “Nam dược trị Nam nhân” đã bị lãng quên từ lâu đó - để trước mắt trao đổi, bàn bạc với Thái y Viện, rồi sau tấu trình lên vua.

Nhưng Nguyễn đã ngây thơ như bất kỳ một kẻ có tâm hồn thi sĩ đích thực nào: ông không thể hình dung nổi, nếu như không trực tiếp trải qua cái đận nhục nhã, khi tất cả các vị “mũ cao áo dài” thâm niên trong Thái y Viện đều gần như bưng mũi cười không che dấu trước những đề xuất của một người theo họ chỉ giỏi từ chương chứ biết quái gì chuyện trị bệnh cứu người mà dám can dự! Hoang đường! Cây cỏ vườn nhà, cỏ hoang ngoài bãi, thực nhảm nhí, vô bổ! Hỗn hào, xấc xược quá đáng với những người có sứ mệnh bảo vệ sức khỏe và tính mệnh  Hoàng gia! Ánh mắt chế riễu và những lời lẽ lịch sự che dấu sự  miệt thị của họ ném vào nhiệt huyết của Nguyễn những gáo nước bẩn! Nguyễn cay đắng lặng người, quay ngoắt đi nhằm kiềm chế cơn thịnh nộ hiếm có nơi ông đang chuẩn bị bùng ra thành những lời mạt sát không xứng đáng với tư cách của một sĩ phu hàng quan chức cao cấp, hơn thế, một thi nhân…

Đó cũng là lúc nhà vua đang chú tâm vào cuộc cầu đảo lớn tại đàn Nam Giao Kinh thành Phú Xuân, cùng với ba đền xã tắc ở ngoại ô lập đàn tế lễ. Sử quan đã chép lại không sai sót một lời của vua: “Có dịch lệ là vì trẫm thiếu đức; trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi của trẫm”.

Song sử quan đã không ghi lại một dòng nào - để bảo vệ uy tín cho vua và triều đình - cái chuyện không ít tham quan đã bắt tay thông đồng với nhau tìm cách ăn chặn bớt, hoặc bắt dân phải bỏ tiền ra mua giá cắt cổ thứ mà triều đình chẩn cấp diệt dịch, và chuyện một quan thượng thư đã áp dụng quyền “tiền trảm hậu tấu”, qua mặt vua đưa ra lệnh “quây rào khoanh vùng dịch” một cách nghiệt ngã nhằm tâng công với vua, được các cấp dưới đắc lực thực hiện đã gây bao nỗi thống khổ cho dân lành…

Ký ức dân gian còn lưu giữ ấn tượng sâu đậm về một thời cả Kinh đô Huế và các vùng phụ cận chìm trong màu trắng tang thương: những vệt/ hàng/ mảng vôi bột nham nhở trắng xóa, những tấm áo/ giải khăn tang trắng rợn ngợp, những làn khói thiêu người chết/ khói đốt trừ tà trắng mù mịt chìm nhân ảnh. Những tiếng rên la thảm thiết, những tiếng khóc than ai oán, đau đớn, bất mãn, tuyệt vọng vang lên khắp thôn cùng phố vắng, nơi không còn một tiếng mèo kêu, tiếng gà gáy, tiếng lợn éc, tiếng chó sủa nào nữa…

Nguyễn rời Thái y Viện đi lang thang như bóng vật vờ giữa cái không gian của tầng đầu Địa phủ đó. Nhưng ông không còn cái cảm giác như mọi ngày vừa qua, cái cảm giác khiến trái tim đa cảm của ông phải thắt lại đến độ nhức nhối không chịu nổi. Ông đang bừng bừng với ý nghĩ: cần bắt tay vào trực tiếp chữa trị cho dân, ưu tiên những gia đình có cảnh ngộ khó khăn nhất, những người đang nguy cấp nhất, bằng phương pháp ông mới mầy mò ra mà ông tin là đắc dụng. Rồi vua sẽ biết đến và cho nhân rộng bài thuốc của ông.

Thời trẻ, Nguyễn đã từng đội mũ vàng nhà sư đi khắp vùng Giang Bắc - Giang Nam đất Trung Hoa, với cái túi vải không tiền bạc* song lại có bọc lá khô thuốc Nam, bộ kim châm cứu và cuốn Kinh Kim Cang cặp kè bên mình để tự kiếm sống và thỏa chí tang bồng. Nỗi u uất suốt thời trẻ trai: “Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” (Hùng tâm và kế sinh nhai đều mờ mịt) được giải tỏa không ngờ, khi ông được đem chút tài lẻ của người sinh trong cái nôi “Nho - Y - Lý - Số” ra thi thố với đời; ít nhất mình không phải là kẻ ôm bồ sách vô nghĩa, khi cứu chữa được bệnh cho không ít người trong quãng đời lang bạt tựa cỏ bồng trốc rễ…

Nguyễn chững bước lại trước một hàng rào tre tua tủa gai, lá tre đã úa. Ông cau mày nghĩ ngợi, vẻ khó hiểu. Xung quanh, có liên tiếp mấy cái rào tre khủng như vậy quây quanh những ngôi nhà tường chình mái rạ. Thấy Nguyễn đang tìm cách lách rào để vào một ngôi nhà, một tên lính cấm vệ chạy tới chĩa giáo nhọn sát người ông:

- Nơi nguy hiểm! Tránh ra ngay!

Một tên lính khác vội chạy tới, hét tên lính nọ:

- Mày láo! Đây là quan Tham tri Bộ Lễ!

Cả hai tên lính vội quỳ xuống lạy Nguyễn :

- Xin quan lớn tha tội. Chúng con có mắt như mù…

Nguyễn hỏi:

- Các rào tre này là thế nào vậy?

- Bẩm quan, do đại nhân Lê Huân ra lệnh buộc cách ly một số nhà có dịch cho thật nghiêm, mấy hôm trước quan sức dân bên Hương Trà phải nộp các rào tre đúng kiểu cách thế này… Bên Hương Thủy cũng đã tới ngày phải nộp đủ theo quy định ạ…

Nguyễn ngẩn người ra.

- Sao ta không biết nhỉ? - Như nói hớ, Nguyễn tiếp ngay - Đã mấy ngày rồi…?

Một người đàn bà trẻ ôm con nhỏ, tóc tai xõa sượi chạy vụt ra, đặt con xuống chiếc chõng tre mục và chắp tay vái Nguyễn lia lịa:

- Thưa đại quan, ngài cứu giúp chúng con với… Ba hôm nay cả nhà con bị nhốt thế này, trong nhà chẳng còn hạt gạo, củ khoai nào nữa, vậy mà không được bước ra chợ… Con bé nhà con nó khóc gằn hai hôm nay vì hết sữa, đại quan ơi… - Chị ta òa khóc nức nở.

Nguyễn giật mình, ông chợt thấy hoảng sợ như đó là tội lỗi do chính ông gây ra. Rồi ông cố ghìm cơn giận dữ khó tả chực trào ra, để bình tĩnh nói với hai tên lính:

- Các ngươi cũng có vợ con, gia đình chứ? Các ngươi có biết tình cảnh khốn quẫn của gia đình này không? Hả?

Chữ “Hả” ông nói như quát, khiến hai tên lính tái xám mặt mày, run rẩy quỳ xuống van lạy:

- Bẩm đại quan, chúng con chỉ làm theo chức phận thôi ạ… Mong đại quan đèn giời soi xét…

Người đàn bà trẻ gạt nước mắt:

- Đại quan ơi, nghe nói dân được phát chẩn thuốc để chữa bệnh, sao nhà con và các nhà quanh đây không được ạ? Người làm rào bên Hương Trà dù sao cũng còn được chiếu cố mua thuốc, giá có đắt đỏ, nhưng hy vọng cứu được mạng người thân…

Nguyễn sửng sốt :

- Mua?… Cô nói thật đấy chứ? Cô có biết: vu khống triều đình sẽ mắc tội gì không?

Người đàn bà trẻ chợt khóc tu tu lên :

- Ối giời, con có ăn gan Cóc tía cũng không dám đơn sai nửa lời… Con có bịa đặt chút gì, bố con chồng con đang ốm trong kia sẽ bị quan ôn bắt đi ngay thôi… Hu… Hu…

Nguyễn mủi lòng đến ứa lệ. Trước nay, ông vẫn thấy đau lòng như đứt ruột trước tiếng khóc và nước mắt đàn bà. Còn đây lại là một thảm cảnh của đàn bà do ông gián tiếp gây ra, trên cương vị gần như là tượng đất trong cái chính thể mà ông vừa có dịp thêm một lần nhận ra nguyên nhân sự suy đồi mục nát của nó… Nhưng ông vẫn đang là người giữ trọng trách Quốc gia. Ông biết rõ nội vụ hành chính: việc thống kê tử vong khá là sát sao, kịp thời, việc chẩn cấp ủy lạo trong trận dịch này là có thật và cũng rất khẩn trương. Vua còn tuyên bố trước triều thần: sau dịch sẽ cho quân dân nghỉ ngơi, miễn thuế cho dân. “Lời nói đọi máu”, bậc Cửu trùng chắc không nói chơi…

Nghĩ tới đó, cũng là lúc chẳng hiểu bằng cách nào Nguyễn đã vứt bỏ rào tre gai giống một con quái vật để vào ngôi nhà sực lên mùi hôi thối nồng nặc, tới bên giường bệnh của người đàn ông tóc điểm bạc, môi khô cong đang rên rỉ. Ông cầm tay người ấy lên xem mạch. Cánh tay trần bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ. Trên áo, nham nhở dịch mủ và máu do các hạch sưng to hóa mủ đã tự vỡ. Biết xem mạch lúc này là vô nghĩa, Nguyễn vẫn xem rồi lẩm bẩm: “Mạch loạn và xác quá!”. Ông quay sang hỏi cô con gái:

 - Ông nhà kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, và hay mê sảng, có đúng không?

Người đàn bà trẻ lặng lẽ gật đầu, vẻ âu lo hoảng hốt.

Nguyễn thốt lên:

-  Nhiễm độc nặng quá rồi!

Ông chú ý tới góc nhà bên kia, một người đàn ông còn trẻ, gầy gò, đang ngồi dựa cột thở dốc, mặt nhăn lại vì đau đớn. Ông bước nhanh tới, chủ động cầm tay anh ta xem mạch.

- Chớm bệnh rồi! Các hạch đang bắt đầu sưng to… -  Ông nói với hai tên lính đang khúm núm đứng bên - Trời ơi, các ngươi đã làm gì, biết không? Đã xây cái mồ chôn sống cả gia đình này mấy hôm rồi! Lập tức tháo bỏ ngay các rào chắn xung quanh đây, rõ chưa?

Hai tên lính nhìn nhau vẻ sợ hãi, lúng búng muốn nói gì, Nguyễn quát lớn:

- Làm theo lệnh ta đi! Còn nước còn tát! Tính mệnh của những người bị cách ly  đang ngàn cân treo sợi tóc đó!

Thấy hai tên lính rúm người lại vì lo lắng, hoảng sợ tột độ, Nguyễn chợt dịu lại.

- Thôi được, ta sẽ đi cùng các ngươi! Tội vạ đâu, ta chịu!

Nguyễn vội mở bọc, lấy ra mấy thang thuốc đã sao chế, dặn cô con gái cách đun sắc cho người bệnh để bôi và uống, rồi ông vội đi, hai tên lính cum cúp theo sau…

Nguyễn đã cho dỡ bỏ tất cả các rào tre quanh Kinh đô, bất cần biết hậu quả đối với mình ra sao, để rồi các rào tre lại tiếp tục xuất hiện, ngày một nhiều thêm, như trêu ngươi ông! Nhiều ngày đêm Nguyễn quên ăn quên ngủ đi tới các nhà có dịch cố cứu chữa bệnh bằng phương thuốc riêng của mình, mắt sâu hoắm lại, râu thành rễ tre cằn không thèm chải vuốt. Người nhà ông chỉ gắng khuyên can đôi lần, rồi nhìn nhau lắc đầu thở dài.

Nguyễn còn tới vài nhà quan lại, nhà quý tộc đang có người mắc dịch chờ chết… Một vị quan đồng liêu với ông có con trai độc đinh, sau khi các quan Thái y khoanh tay cúi đầu trước người bệnh như hối lỗi thay cho Trời, đã cho mời pháp y tới giáng thần gọi hồn trừ đuổi ma dịch. Khi Nguyễn bước vào, vị y quan từng nhạo báng ông chỉ khẽ ngước mắt nhìn, rồi cụp xuống ngay, như lương tâm nghề nghiệp tự thấy xấu hổ trước sự đầu hàng số mệnh của kẻ mang danh Thái y… Một pháp sư mặc áo cà sa đỏ rực, đầu đội vành mây, tay trái cầm vỏ ốc lớn, tay phải cầm vòng thép đính những mảnh đồng lá mỏng kêu leng keng, vừa nhảy nhót vừa lẩm nhẩm đọc thần chú. Một người mặc quần áo đen, chắc là phụ tá của pháp sư đang đốt bùa rồi huơ huơ lên thành các vòng tròn, tu bình rượu rồi miệng phun rượu thành tia vào người bệnh. Pháp sư vào trong, cởi bỏ cà sa, khoác vào phục trang Ông Hoàng Mười bước ra nhún nhảy một lúc, rồi ngồi quỳ xuống một lượt tro đã được rải sẵn. Khi vừa được trợ tá dùng khăn vải đen phủ kín mặt, pháp sư liền vung vẩy hai tay, hét to một tiếng rồi miệng ngân nga du dương một bài hát chiêu hồn mà nếu trong buổi lên đồng sẽ khiến người ta lâng lâng, còn trong cảnh ngộ này lại chỉ làm người ta thấy rờn rợn, chen giữa niềm hy vọng mong manh chập chờn: hồn sẽ báo cho Quỷ sư biết điều gì cần thiết đây cho sinh mệnh đang hấp hối?… Hình như, Nguyễn đã gặp cảnh này ở đâu đó từ rất lâu, thời “Bắc hành” lần đầu khi ông lang thang vùng Việt Đông, trong một làng người dân tộc thiểu số…

“Mớ vu thuật tạp nham, vớ vẩn, nhảm nhí, cả giáng thần gọi hồn lẫn lên đồng bắt quỷ trừ ma này, giờ đã đi vào niềm tin tuyệt vọng của cả bậc trí giả, bậc công thần Quốc gia kia, đất nước này còn trông mong gì ở họ được nữa?… Còn những cuộc cầu đảo đang diễn ra nhất nhất rập khuôn phương Bắc của vua, liệu có cứu thêm được mạng người nào thoát khỏi ôn dịch?…” Nguyễn lẩm bẩm, như phụ họa cho những lời cầu cúng bí hiểm nọ, cho tới lúc ông chợt thấy chúng giống lời nguyền rủa cho sự tăm tối của người đời, ông mới thôi lẩm bẩm.

Nguyễn lặng lẽ rời khỏi khu dinh thự ám khí quỷ ma chết chóc đó, mau chóng trở về nhà. Chẳng nói chẳng rằng, ông nằm dài trên phản. Người nhà và người hầu nào tới hỏi han, ông đều im lặng phẩy tay. Nỗi ngao ngán cùng cực xâm chiếm cõi lòng ông. Đã có vài triệu chứng lây dịch: người hâm hấp sốt, những cơn ho khan, mình mẩy đau nhức… Thực ra, ông dễ dàng đánh bay chúng ngay, bằng phương thuốc dân gian mà ông thí nghiệm thành công đầu tiên cho hai anh lính hầu và cô nấu bếp: cộng với niềm quý trọng tin tưởng của họ, ông đã cứu họ thoát tử thần; đồng thời truyền cho họ phương thuốc mới để tiếp tục cứu hàng xóm, cứu gia đình họ.

Đúng, ông có thể ngạo nghễ vượt qua Thần Chết. Nhưng ông còn có gì để bấu víu đây? Trận dịch nào rồi cũng sẽ chấm dứt, song sự đồi bại, tham lam, tàn bạo, ngu tối đang ngự trị trên mảnh đất này bao giờ mới chấm dứt? Làm thế nào để chấm dứt chúng? Ông cay đắng hiểu ra: dù các vua chúa có nhiều “sậu lệnh” (lời hứa không thể thực hiện được), vẫn có ít nhiều tâm thành của bậc Chí tôn đối với Dân, song chúng sẽ bị lũ “quỷ vương” tìm cách xâu xé, bóp méo, đè bẹp thê thảm vì quyền lợi ích kỷ đã được liên kết thật vững chãi của chúng, để lại một giang sơn hoang tàn, lở loét... 

Bài thơ “Bát muộn” (Xua nỗi buồn) viết năm xưa bỗng âm thầm trở lại, ứng vào thời thế đang diễn ra như cuộc trừng trị khốc liệt của Diêm Vương càng vò nát lòng ông: Cát bụi che mờ thềm ngọc mười năm nay. Thành phủ xây dựng trăm năm trước, một nửa thành gò hoang. Các loài chim nhỏ bé đều bay lên cao hết. Sau các cuộc huyết chiến, cõi càn khôn trở nên nhơ nhớp. Quê nhà trong cơn binh lửa hẳn đã tiêu điều. Ở xa muôn dặm nghĩ đến mà rơi nước mắt… (Thập tải trần ai ám ngọc trừ, Bách niên thành phủ bán hoang khư. Yêu ma trùng điểu cao phi tận, Trĩ uế càn khôn huyết chiến dư. Tang tử binh tiền thiên lý lệ, Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư). Nghĩ tới quê nhà, bao giờ Nguyễn cũng xót xa ứa lệ; hôm nay, quê nhà còn khía thêm vào tấc lòng rớm máu của ông cái thân phận người anh Nguyễn Nễ, người tuy được Gia Long tin dùng song đã bị bầy tôi cố cựu của ông vua này nghi ngờ, đố kỵ, rồi bị bức tử một cách uất hận tại Nghi Xuân…

Trong tia chớp vụt hiện nhắc nhở sự vô thường của cõi đời từ câu kệ “Như lộ diệc như điện” (Như giọt sương, như ánh chớp) ở kinh Kim Cang mà Nguyễn từng đọc nghìn lượt thời trẻ lang bạt, ông như nhìn thấy rõ hơn hình bóng thương tâm của người đàn bà trẻ chắp tay mếu máo van xin ông hôm trước… Qua bao cuộc binh lửa dịch giã, những dân đen con đỏ của Thập loại chúng sinh, những đồng bào từng được ta thương khóc trong “Văn Chiêu Hồn”, sẽ sống sao đây trên mảnh đất cạn kiệt tình thương? Bao nhiêu nước mắt cảm thương ta đổ ra cho những số phận bất hạnh liệu có trở thành trò giải trí cho những kẻ trọc phú bắt ngâm thơ ta trong bữa tiệc ê hề để tiêu cơm tiêu mỡ, trở thành đề tài khảo cứu cho những kẻ lòng dạ dửng dưng với người nghèo khổ để leo lên bậc công danh bằng chữ nghĩa văn chương?…

Người nhà mang cơm cháo đến, ông phẩy tay. Cô hầu mang thuốc tới, ông phẩy tay. Ông không muốn nói gì nữa. Không phải như Sử triều Nguyễn sau đó chép rằng: “Khi làm quan, ông thường bị quan trên quở trách, nên lấy làm uất ức, bực chí”. Với những gì ông đã thấy, đã hiểu suốt một đời vất vưởng cô độc; nhất là những ngày đại dịch này chợt nhận ra hết bản chất ma quỷ trong phần lớn những kẻ tự xưng là Cha Mẹ của Dân, những kẻ thường ghen ghét soi mói ông, thì ông thấy rõ rằng: uất ức, phẫn chí chỉ làm trò cười cho họ. Tốt nhất là im lặng, vô ngôn. Bởi vô ích rồi! Vô phương cứu chữa rồi, dù có Thần Phật xuất hiện.

“Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Đến khi bệnh kịch, ông không chịu uống thuốc, sai người nhà sờ chân tay, họ nói với ông đã lạnh cả, Du bảo rằng “Được” rồi mất, không trối lại một lời”.

Nếu có lời trăng trối, chắc Nguyễn chỉ nói với “đồng tâm nhân” của ông - oan hồn Khuất Nguyên vật vờ trên khói sóng Tương giang đã hai nghìn năm…

Hà Nội, 21/7/ 2021

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

* “Giang nam giang bắc nhất nang không” (Mạn hứng, Nhị thủ - Thanh Hiên thi tập).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 34818)
Sàigòn mới vừa đổi tên đổi chủ và chữ "lênh đênh" đối với chúng tôi rất là chính xác.
02 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 31504)
Tôi trở về ở những ngày cha sắp mất. Mấy lần nhìn người gượng ngồi trên chiếc xe lăn như thể còn có mặt trên cõi đời nầy.
02 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 42346)
Anh chỉ muốn tát vào mặt mình một cái vì cuộc hẹn hôm qua với Thuỷ Anh. Chẳng là sáng qua đang ngồi phất phơ ở quán cà phê với mấy cậu đồng nghiệp "buôn" tình hình worldcup thì anh nhận được tin nhắn: "Có nhớ em không?".
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 36941)
Thì có những ngày như vậy, và tất nhiên thôi, lâu lâu mới được một lần. Tôi phải đợi đến năm tôi ngòai 50 tuổi, đi xuống hầm tàu điện mua bánh nhân sôcôla và được một cô gái 15 hay 17 liếc mắt cười. Đó là vào buổi trưa nhưng tôi ăn sáng trễ, mới chạy ba công việc trên khu đại lộ Champs Elysées và còn ba công việc khác ở khu Auteuil.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 31201)
Đúng ra thì Toro không có trong danh sách những điều cần biết trước khi chết. Tôi cũng không có danh sách đó. Dun rủi sao mà gặp một nhà tài trợ lãng mạn, tuy làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, rất có lòng với văn học nghệ thuật, đặc biệt thường ra tay cứu giúp những kẻ sĩ cơ nhỡ.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 99829)
Tôi là kẻ lọc lừa. Từ bé, tôi đã lừa những đứa trẻ khác để lấy đồ chơi của chúng. Đến tuổi đi học, tôi lừa thầy, phản bạn. Tôi gạt gẫm cả cha mẹ, anh em. Đi đâu tôi cũng được ưu đãi vì cái bề ngoài hào nhoáng của mình.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 46701)
Tôi dắt tay một người nào đó chạy, chạy mãi. Đằng sau tôi có tiếng léo nhéo. Ai đuổi? Tôi không biết. Chạy cùng ai? Tôi không biết. ý trời đấy, ý trời. Mi đã làm lộ thiên c ơ. Sầm lại. Tối quá. Này, đâu là đường? chạy đâu bây giờ? Tôi không thấy mệt, người bên cạnh tôi cũng không thấy mệt. 
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 47325)
Trong ký ức tôi, miền quê đẹp nhất trong đời có lẽ ở một nơi nào đó thuộc làng Thanh Quít ( Quảng Nam ). Tôi gọi có lẽ, vì thực tình, nếu giờ đây trở lại, tôi khó biết được bằng cách nào định hướng cho chính xác; chỉ nhớ rằng, vào thời điểm ấy, Quỳnh bảo tôi : " Qua khỏi Vĩnh Điện một khúc, gọi xe dừng lại, tụi mình đi bộ một chặp là đến làng ".
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 95273)
Nhìn những mảnh gương vỡ và cái khung mạ vàng nằm dưới đáy thùng rác trong góc phòng tắm, Thúy không cảm thấy một mảy may tiếc nuối. Cái gương nhỏ này là món quà đầu tiên Dave tặng khi mới quen.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32459)
Hôm đó khí trời ấm áp, gió thổi hây hây, lá vàng rụng đầy vườn. Nhưng khi chiều về, se se lạnh, sương mù lan xuống từ trên núi, trong sương đã nghe có ít nhiều cái rét mướt của những vùng băng tuyết xa xôi. Tôi vừa đặt bút xuống bàn, bỗng nghe tiếng gọi rộn rã từ nhà dưới.