- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cò Quăm

07 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 28370)

Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ đêm nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai
Đừng đánh buổi tối lấy ai mà nằm… 

Nhẽ ra Thảnh không được đi ăn cỗ. Cái Liên không mời Thảnh. Tính cả tuổi mụ thì hai tháng năm ngày nữa cái Liên mới đủ mười sáu tuổi. Sỡ dĩ Thảnh biết rõ như vậy vì bác Cân phụ trách kế hoạch hóa gia đình thôn Bời, thôn của Thảnh, khề khà bảo nhà nó sang hứa biếu tao chục con vịt đang vào tuổi ăn giun trong đàn nếu tao làm ngơ không báo lên xã để cưới chui cho đủ tuổi. Tao mặc cả mười hai con. Nó bảo cưa đôi. Tẹo sang tao cho mày một con. Nuôi đàn mười một con đen bỏ mẹ. Đấy hôm nọ thôn bên có nhà có con chó đẻ mười một con. Chó con gì mà vừa đẻ nanh đã nhọn hoắt đòi ăn cơm nhau nháu. Hôm mưa mới, đứa con đi chơi chạy về bảo đồng nhiều giun lắm. Giun bò kín cả ngọn cây đa. Bố nó bảo đéo tin, rít thuốc lào sòng sọc. Thằng bé moi trong túi quần ra một vốc giun cuộn vào nhau như cái đầu trẻ con. Bố nó vứt cái điếu cày giục cả nhà đi ngay. Hôm đấy đồng nhiều giun thật. Tao bắt được một thau, mày có đi bắt không, bác Cân cắt mạch câu chuyện đột ngột. Thảnh bảo bác kể nhanh lên tôi còn đi nấu cơm. Bác Cân nhảy tưng lên bảo đồ mất dạy, bố mày không dạy được mày để tao dạy. Thảnh hỏi cháu tội gì. Bác bảo cho tao xin mấy cây sặt về cắm giàn mướp. Thảnh thở dài bó cho bác Cân mười cây. Lúc vác lên vai bác kể nốt. Lúc mấy bố con nhà đấy hỉ hả khệnh khạng vác ba chum giun về đặt ở sân không hiểu sao giun lao ra như rắn bò đen cả ngôi nhà. Ông bố xiêu vẹo chạy vào trong buồng vấp phải bậc cửa ngã vỡ mồm, lúc ngẩng được đầu lên thấy lũ chó con đang tranh nhau gặm cái đầu của bà cụ. Thôi tẹo nhớ sang tao cho một con đấy, tao về đây. Thảnh rùng mình nghĩ biết đâu con vịt thứ mười một lại chứa hết vận đen nên gọi với theo bác Cân cháu không lấy đâu. Địt mẹ, giống mày chỉ có ăn cứt, tiếng bác Cân hằn học vọng lại. Bác Cân là anh trai bố Thảnh. Thảnh hơn cái Liên một tuổi. Nhẽ ra Thảnh không được đi ăn cỗ.

Bố Thảnh với bố cái Liên ở trong "Hội đồng tâm". Thực ra ở thôn Bời có rất nhiều hội: hội đồng ngũ, hội đồng niên, hội đồng hương, hội đồng học, hội phụ nữ, hội nông dân tập thể, hội liên gia…Mỗi hội đầu năm đóng hai mươi nghìn để cuối năm tổng kết liên hoan. Nhưng bố Thảnh bảo:

- Chúng nó ăn bẩn ăn cả cứt con tao. Nhà nó đầu năm lờ không đóng tiền mà cuối năm dẫn cả nhà đi ăn cỗ. Đúng là cái loại chó.

Bác Ngũ thò đầu qua đám cây găng hằn học nhìn bố Thảnh:

- Mày chửi ai đấy?

- Tao chửi thằng đéo đóng tiền lại đi ăn chực làng

- Mày bảo thằng nào là chó?

- Tao bảo mày đấy. Bố Thảnh rít lên lao cả quả đấm vào mặt bác Ngũ. Bác Ngũ ngã ngửa ra sau, lồm cồm bò dậy nhảy phắt sang đạp vào bụng bố Thảnh.

Cả mẹ Thảnh và bác Nhinh, vợ bác Ngũ vốn cùng trong hội phụ nữ thôn phải chạy ra van nài mãi. Bố Thảnh và bác Ngũ rời nhau ra không phải vì thế mà vì trời tối nhanh quá, cả hai đã mệt lừ. Ngày xưa bố Thảnh và bác Ngũ đi đâu cũng dính nhau thân hơn anh em, đi bộ đội cùng nhau, về cùng nhau, lấy vợ rồi thì ở gần nhau. Bà Thảnh từ nãy bỏm bem nhai trầu giờ buông một câu giọt máu đào hơn ao nước lã. Bố Thảnh ngồi ở bậc thềm mặt nhăn nhó mỗi khi mẹ Thảnh chấm thuốc mỡ vào vết tím nói to đây chả có máu me đéo gì với thằng nào sất, giằng cơm của con đây, đây cho ăn cứt hết.

Vì thế mà đầu tiên bố Thảnh xin rút khỏi hội nông dân tập thể rồi xin rút ra hết khỏi các hội. Hôm họp chi bộ Đảng thôn, bác Điền bí thư thay mặt chi bộ khiển trách bố Thảnh không có tinh thần tập thể, lập trường xây dựng chủ nghĩa xã hội không vững vàng, vô cớ gây sự với quần chúng để Đảng bộ mất giấy khen trong sạch vững mạnh. Bố Thảnh phát biểu:

- Tôi biết đồng chí Điền với thằng Ngũ là một giuộc. Tôi biết ông ngoại đồng chí từng định nhận bố thằng Ngũ làm con nuôi. Tôi biết tỏng hết.

- Đề nghị đồng chí Đo không nói sằng. Việc ấy không có liên can gì đến xây dựng chi bộ Đảng vững mạnh cả. Tôi là tôi phê bình!

- Đây chỉ biết thằng nào cướp cơm của con đây đây cho ăn cứt.

Bố Thảnh bỏ về, đi qua cánh đồng thấy ếch nhái trèo lên lưng nhau kín cả vệ đường vội vàng cởi áo bắt được một đùm. Lúc Thảnh cởi đùm áo của bố để đổ ếch vào thùng thấy áo của bố lấm chấm những vết đỏ tươi. Bố Thảnh cười nhạt:

- Vớ bở. Mưa mới vớ được đám ếch cốm vẫn còn trinh.

Thảnh chợt nghĩ đến câu chuyện bác Cân kể mà lạnh gáy vội đổ hết đống ếch nhái vào thùng, đặt cái manh rổ lên trên rồi dội nhanh phích nước sôi vào trong. Biết đâu đám ếch cũng nhảy rào rào bám kín cả ngôi nhà. Thảnh kín đáo liếc mắt vẫn thấy bà ngồi tựa lưng vào bậu cửa, tay đưa đều viên thuốc lào qua kẽ răng, khuôn mặt không có cảm xúc liền nén tiếng thở dài yên tâm. Bỏ cái manh rổ ra, Thảnh giật mình, lũ ếch nhái thẳng đơ hai chân, mắt lồi ra trắng dã những vẫn dính chặt với nhau. Nhìn thoáng qua từa tựa như người đàn ông và người đàn bà đột tử lúc đang làm tình. Thảnh không dám nghĩ tiếp vội mang rổ ếch cho mẹ làm thịt hộ.

Sau khi bỏ hết các hội trong thôn, bố Thảnh, bố cái Liên và mấy bác trong làng thành lập một hội riêng. Mục đích của hội là mỗi năm mỗi thành viên góp vào một tạ thóc, một chỉ vàng và năm trăm ngàn đồng. Mỗi nhà được lấy một năm để có "món" kha khá làm ăn. Vì cả mấy người trong hội chẳng cùng tuổi, chẳng đồng ngũ cũng chẳng cùng học, nghĩ nát óc, bố Thảnh mới tìm được cái tên là "Hội đồng tâm". Bố Thảnh vỗ đùi đôm đốp: "Đồng tâm thì tát biển Đông cũng cạn". Mấy bác trong hội run run xúc động, mắt ngân ngấn lệ cùng nhau cắt máu ăn thề. Thảnh thấy giống mấy bộ phim tàu nhưng không dám nói.

Không biết tin tức lọt ra thế nào mà bác bí thư Điền vội triệu tập bố Thảnh ra hội trường thôn. Giữa hai người diễn ra một cuộc lí luận vĩ đại về tư tưởng mà không ai trong thôn được biết hết. Thảnh chỉ lõm bõm qua câu chuyện của bố, đại thể là thế này.

Bác bí thư Điền hắng giọng:

- Tôi và chi bộ nghe nói đồng chí cùng một vài người trong thôn thành lập hội kín gì đó phải không?

- Chúng tôi vào "Hội đồng tâm".

- Đồng tâm làm gì?

- Đồng tâm tát biển Đông cũng cạn.

- Á…à, thế là rõ nhớ, mày định phản động phải không?

- Ơ hay, sao lại phản động?

- Chúng mày định thành lập đảng phái làm gì?

- Làm ăn kinh tế

- Làm ăn kinh tế sao lại đặt là "đồng tâm hội", nghe chả na ná như "Thiên địa hội".

Những gì sau đó lại rơi vào lúc Thảnh ngủ gật nên không rõ. Chỉ biết sau đó câu chuyện kết thúc ở chỗ:

Bố Thảnh hầm hầm:

- Dí cặc vào!

Giọng bác Điền lạc đi:

- Đồng chí đừng có hỗn!

Một tuần sau, bố Thảnh có quyết định khai trừ khỏi đảng bộ địa phương do chính bác Điền kí. Công sức bao nhiêu năm đi bộ đội phấn đấu của bố Thảnh thành khói. Thế mà Thảnh thấy bố chẳng mảy may bận tâm, chỉ lẩm nhẩm: "Thằng nào cướp cơm của con đây, đây cho ăn cứt". Bà Thảnh vừa nhai trầu vừa kể chuyện ngày xưa. Ngày xưa tao thế này, ngày xưa tao thế kia. Thảnh bỏ xuống nhà ngang thấy đầu quay cuồng, mắt hoa, chóng mặt. Thảnh nghe những tiếng ầm ầm như tiếng sấm lại như tiếng nước réo. Nhưng nghe kĩ lại tưởng những tiếng người kêu cứu hòa vào với nhau. Thảnh lịm đi lúc nào không hay.

 

Giấc mơ của Thảnh

Thảnh dụi dụi mắt ngước nhìn lên trời. Thảnh định nghển cổ cao hơn một chút để nhìn cho rõ nhưng lạ lùng thấy cổ mình cứ chai đi và cố gắng thế nào cũng không được. Thảnh lắc đầu bên này, lắc đầu bên kia, nghển cổ lại. Tất cả đều bất lực. Và Thảnh sợ. Ánh mắt của Thảnh trượt dài trên một khuôn vòm rất cao trước khi đến được với bầu trời. Bầu trời dĩ nhiên vẫn cao và xanh như cổ tích nhưng nhỏ quá, chỉ lớn hơn lòng bàn tay Thảnh một chút. Thảnh giật mạnh đầu của mình về các phía, hoảng hốt, giãy giụa, cả hai chân và hai tay của Thảnh cứng đơ như đang bị trói chặt. Kì lạ là rõ ràng Thảnh không hề thấy mình bị trói. Chột dạ, Thảnh nghĩ đến những sợi dây trói vô hình. Lẽ nào lại thế, lẽ nào lại có những sợi dây trói vô hình? Không thể thế được. Không ai có quyền trói Thảnh cả. Thảnh sẽ tự cứu mình để thoát khỏi sợi dây trói này. Thảnh bình tâm một chút rồi nhẹ nhàng lần tìm cái sợi dây chết tiệt đang trói mình. Không có. Rõ ràng là không có. Thảnh quả quyết như vậy vì rõ ràng Thảnh không thể nào tìm thấy đầu dây trói. Thôi chết rồi, đã là sợi dây trói vô hình thì nó làm gì có đầu dây. Nó đã được đúc ra từ một cái khuôn vừa khít với thân hình của Thảnh. Và Thảnh vẫn nghĩ rằng mình chỉ đang bị trói bằng một sợi dây chết tiệt nào đó mà thôi. Có điều Thảnh còn trẻ, Thảnh sẽ đủ thời gian để đợi đến ngày những sợi dây trói ấy mục rỗng hết.

Mệt lử, đói, khát và sợ hãi làm Thảnh bắt đầu hoảng loạn. Thảnh nhìn ra xung quanh thấy một màu đen kịt bao phủ. Không có ai ở đây. Bố Thảnh biến mất, mẹ Thảnh biến mất, không ai cả. Thảnh thấy cô độc đến bất lực. Thảnh gào lên, thét lên mà những âm điệu chỉ lục khục trong cuống họng rung lên một thứ âm thành ộp…ộp tẻ ngắt. Thảnh lao mạnh về phía bóng tối.

Thảnh lại thấy mình ở giữa một không gian mênh mông. Cơn đau đầu đã dứt. Gió ào đến từng đợt như sóng biển. Và trên kia là bầu trời. Bầu trời sâu thăm thẳm ẩn chứa một quyền năng vô tận. Ở phía rất xa vẫn có những lằn chớp xẻ dọc bầu trời. Những lằn chớp bất chợt hiện lên, đi một đường dài rồi ngập ngừng chừng chưa muốn tan biến nhưng bất ngờ bị một bàn tay nào đó chộp lấy và kéo tuột vào bóng đêm kì vĩ. Một vầng trăng khổng lồ nhưng nhợt nhạt, lờ đờ trôi dưới những đám mây như khuôn mặt người con gái chết oan bị vứt trôi sông. Cảnh tượng đó làm Thảnh thấy rợn rợn. Thảnh lại thấy khuôn mặt người con gái ấy giống khuôn mặt Liên đến thế. Một tia sét nhùng nhằng, nhanh chóng lan khắp bầu trời rừng rực. Có lẽ bàn tay vô hình ban nãy đã không đủ sức kéo kẻ phản trắc về với quyền năng đêm đen. Và Thảnh kinh hãi thét lên khi toàn bộ những tia lửa ấy chụm lại lao thẳng về phía Thảnh. Thảnh ngất.

Thảnh tỉnh dậy trong một khoảnh làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa những quả đồi xâm xấp xao xác thứ hoa phi lao dại. Con đường mòn nhỏ xinh rực vàng hoa cúc. Thảnh đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ thấy nơi nào nhiều hoa cúc vàng đến thế. Hoa cúc chen cả vào thửa nương trồng lúa. Trên những sườn đồi là từng vạt, từng vạt rũ ra như một tấm thảm. Những con đường qua làng nhỏ xinh như những lối đi cổ tích. Thảnh thấy mình nắm tay Liên nhìn về phía xa tít chỉ thấy sương trắng mờ lẫn một màu vàng chói hanh hao. Ven đường có những cây táo khẳng khiu mọc lưa thưa, những chùm quả chín đỏ ửng rũ xòa cả xuống mặt đường. Một con suối nhỏ vắt một đầu từ những ngọn núi xa mờ qua làng, đầu con lại chảy tút hút về một ngọn núi xa mờ khác. Thảnh dắt tay Liên lội trên những viên cuội trắng lạo xạo đuổi bắt đàn cá săn sắt. Nước trong vắt. Rêu xanh ngăn ngắt từ bao giờ không biết.

Mùa thu ập tới như một trò chơi đổi màu, Thảnh theo những người xa lạ trong làng đi cắt cỏ kim trên những vạt đồi. Ông lão trưởng làng có mái tóc bạc phơ bảo mùa này cỏ chín rồi phải cắt về cho đàn bà con gái dệt áo thôi. Họ đã đi qua rất nhiều quả đồi, rất nhiều thung lũng. Ông lão dẫn đầu. Thảnh đi ngay phía sau mà chỉ nhìn thấy thấp thoáng gót chân của ông. Sương mù dày quá. Gót chân ông đỏ au như một quả táo cuối mùa. Phía trước là một khu rừng đại thụ. Những thân cây mốc xỉn lao vun vút lên trời. Họ đứng lùi lại, ông lão bước lên. Ông niệm thần chú lầm rầm. Gió bỗng nổi ào ào. Những ngọn cây rung loạn xạ. Một cơn lốc ào qua, mờ mịt. Những cái cây mốc xỉn vươn vai răng rắc. Chúng đồng loạt mở to mắt, ngáp dài như vừa qua cơn ngái ngủ. Thảnh kinh hãi giật lùi về phía sau. Mọi người vỗ vỗ vai Thảnh, cười òa lên. Cả cánh rừng bỗng chốc co thắt lại về hai phía, nứt toác ra một con đường khổng lồ. Thảnh trố tròn mắt. Một màu vàng rực thoát ra từ miền bí ẩn ấy bừng sáng cả thửa rừng. Họ đặt chân lên con đường kì lạ. Thảnh thấy chân mình run run. Ngay cả những tấm thảm hoa cúc trên sườn đồi trong khu làng của ban nãy cũng không đẹp như thế. Mọi người vẫn bình thản bước đi chậm rãi. Cỏ kim mọc lan tràn khắp phía. Nó mảnh như những sợi vàng dát mỏng. Thảnh nhìn thấy trước mặt một thác nước vàng rực, lóng lánh. Thảnh nhìn thấy những tấm đệm vàng khổng lồ. Thảnh giang rộng hai tay, hét lên khoái trá rồi lao thằng vào giữa dòng thác. Bất ngờ, Thảnh bị đẩy bật về phía sau. Thì ra đó là một thác cỏ kim. Thảnh thấy phía đằng xa, Liên giang rộng đôi cánh tay, đứng xoay tròn giữa tấm nệm khổng lồ ấy như một thiên thần. Thảnh đã lao vút đến đó kéo giật Liên. Cả hai đứa cùng ngã nhào. Thảnh nằm đè trên Liên. Một sự êm ái lạ kì nâng bổng Thảnh lên. Khuôn mặt em đỏ bừng. Cỏ cứ dập dềnh dập dềnh như thể đồng lõa với những ý tưởng lạ lẫm của Thảnh. Mọi thứ chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Họ đã ngồi bên nhau ngắm nhìn những người phụ nữ lom khom cắt từng đụn cỏ vàng. Ông lão ngồi dưới gốc cây táo. Chòm râu của ông điểm bạc. Thảnh cứ ngỡ ông là một ông tiên cai quản vườn địa đàng này. Thảnh thấy vai mình nặng dần, êm ái. Liên đã ngả đầu vào vai tôi từ bao giờ. Phía xa xa, một đôi chim núi sặc sỡ quấn nhau hót lảnh lót.

Những giấc mơ bao giờ cũng khiến Thảnh cợn lên một cảm giác lo sợ mơ hồ. Thảnh cảm thấy ngay trong những giấc mơ của mình, mình luôn trong tư thế bị động. Thỉnh thoảng, Thảnh giật mình vì thấy những cảnh tượng trước mắt mình lướt qua hệt như một cảnh rùng rợn Thảnh đã gặp trong giấc mơ. Giấc mơ có quyền năng vô hạn mà Thảnh không bao giờ đi hết. Vừa thích thú, vừa khoái cảm lại vừa kinh rợn.

Buổi chiều, Thảnh đạp xe lên nhà cô Đong. Cô Đong là em ruột bố Thảnh, kém bố Thảnh ba tuổi nhưng đã lên chức bà. Những lần Thảnh theo anh Tích cùng làng đi làm phu hồ ngoài thành phố, chủ nhà là một bà sồn sồn bỏ chồng bằng tuổi cô Đong nhưng lúc nào cũng má phấn môi son. Đêm nằm ngủ trên đất thành phố, anh Tích cứ trằn trọc rồi huých Thảnh bảo con mụ chủ nhà tớn thế chứ. Thảnh nằm im giả vờ đã ngủ say lắm rồi. Thảnh thấy anh Tích rón rén đi ra góc nhà, hai tay kẹp vào háng , người rung lên bần bật đến khi hộc một tiếng mới vào ngủ yên. Đêm nào cũng thế khiến người anh dộc hẳn đi, mắt hõm sâu tím bầm, da xanh như tàu lá. Bà chủ nhà thỉnh thoảng vẫn đến thăm ngôi nhà mới đang xây, ngực căng như úp hai chiếc bát chiết yêu, chiếc quần bò lằn rõ viền chiếc xi lip gợi dục, mắt anh Tích đờ dại. Một lần, Thảnh bảo anh Tích bà ấy bằng tuổi mẹ anh, anh cứ thế anh chết. Anh Tích hằn học im lặng rồi lẩn ra ngoài như bị bắt quả tang. Thảnh làm trên thành phố đến vụ mùa thì bỏ về đi gặt. Từ đấy không thấy anh Tích về làng nữa. Nhưng thỉnh thoảng trong giấc mơ Thảnh lại mơ thấy anh đi thất thểu trên bờ đê, vẫn bộ quần áo phu hồ bạc phếch, mặt bệch ra. Vừa gặp Thảnh anh đã khóc rưng rức. Thảnh định đỡ anh dậy an ủi câu gì thì giật thót thấy dưới bàn tay mình là một khuôn mặt tím đen, bộ hạ bê bết máu.

Câu chuyện chả ăn nhập gì nhưng Thảnh thấy buồn. Cô Đong cũng ngần ấy tuổi. Thảnh từng bắt gặp đám trẻ con đi học về khoanh tay chào cô Đong bằng bà rất lễ phép. Cô thở dài đánh sượt rồi quẩy gánh rau củ úa cỗi tức tưởi đi như chạy. Trời lây rây mưa phùn như tiểu thuyết. Thảnh thấy mình là một nhân vật phụ.

Nhà Thảnh ở đầu xóm dưới. Nhà cô Đong ở cuối xóm trên. Hai nhà cách nhau một con đê chạy ven một cái hồ cá rộng. Thảnh đạp xe trên bờ đê, gió lồng lộng quạt tung đám tóc rễ tre của Thảnh. Thảnh cảm thấy từng thớ thịt của mình đang giãn ra. Mùa này nước cạn xâm xấp, mấy con cá chết nổi dập dềnh tỉnh thoảng phả một luồng hơi tanh khẳn theo gió bay lên đê. Thảnh không dám nhìn xuống dưới mặt hồ như một thói quen đã có từ lâu. Cảnh cái bào thai đỏ hỏn tím tái trong chiếc túi cám con cò được người ta xúm xít đổ ra trên bờ hồ như đổ một mớ tôm mớ tép khiến Thảnh hãi hùng. Hôm ấy, thảnh ghé mắt vào xem thấy cái bào thai bị con cua con cá móc mất hai mắt đỏ lòm, hai cánh tay thõng xuống như sắp rụng đến nơi và cả mình trương lên như một quả bong bóng. Thảnh nghe thấy một giọng đàn bà bảo: "Con mẹ nào mà ngu thế. Phải tay bà, bán tống bán tháo cũng được triệu bạc". Đám đông cười rộn lên. Một bàn chân đàn ông đi đôi tông cáu bẩn gẩy gẩy cái xác chết tiếc nuối: "Ngu lắm, không đầu thai vào nhà ông. Nhà ông thì cả lũ vịt trời". Họ tản ra dần, từng nhóm, từng nhóm vồ vập bàn tán, xuýt xoa, ơ hờ, thương xót nhưng đôi mắt cứ ánh rạng lên vì lâu lắm rồi mới được nói một trận hả hê như thế. Chiều hôm ấy, lúc Thảnh về qua quãng ấy thì thấy lão Thắng cá, chủ hồ đang ấn cái xác đã nhũn nhèo vào bao tải càu nhàu: "Mẹ! ông mà biết con nào làm bẩn hồ nhà ông, ông giết". Thảnh đạp xe như chạy, chênh vênh, chênh vênh. Trời nổi cơn giông, gió quét bụi ào ào phía sau lưng. Thảnh thấy sợ, thấy buồn thương mênh mông. Ngôi làng này trăm năm vẫn thế. Thảnh nhìn ra xa, thấp thoáng mấy ngọn tre đã trăm năm tuổi vẫn ơ hờ với gió.

Thảnh dắt cái xe đạp cà tàng dựng vào bờ sân. Cô Đong ngồi bệt ngoài vườn, quần vải hoa màu cháo lòng xắn móng lợn. Cô ngồi quay lưng lại với Thảnh, một tay bế đứa cháu nhỏ nhất, tay kia phe phẩy quạt. Ba đứa cháu khác đang đùa nhau dưới gốc cây vải. Đứa bé cô đang bế đưa tay bám vào cô nhoai hẳn người dậy rồi cứ thế mắt nó trợn ngược lên cào cấu vào mặt vào người cô. Thảnh có cảm giác những móng tay của nó cứ dài ra mãi và cắm ngập sâu vào mặt cô. Cô vẫn ngồi bất động. Thảnh lắc lắc đầu, cơn đau quay cuồng. Thảnh thét lên rồi lao đến định giằng bàn tay loang lổ máu ra khỏi mặt cô Đong, mở choàng mắt thì thấy cô Đong đang đưa đứa bé vào tay Thảnh: "Nào để bác bế cháu một cái nào, ui giờ lại còn cười nữa".

Thảnh bế đứa bé, nhìn kĩ lại nhận ra con cái Sam. Mắt đứa bé u buồn như mắt cái Sam nhập nhoạng chiều hôm nó gọi Thảnh ra cổng rồi lại im lặng chẳng nói gì. Hôm sau, cô Đong hốt hoảng chạy xuống nhà Thảnh ngã dúi dụi ở sân bảo con Sam theo sang Trung Quốc rồi…ơ hờ.

Hai đứa con cái Dền vày đất bôi vào mặt nhau nhem nhuốc. Mẹ nó đi chợ bán cá cả ngày. Bố hai đứa bỏ vợ bỏ con vào Nam, lây sida bò ra ngoài này chờ chết. Thảnh để ý thấy hai đứa đóng kịch với nhau. Con bé lớn một tay chống nạnh, một tay chỉ vào mặt con bé nhỏ: "Mày là tao. Tao là mày. Mày là ai. Tao là ai…ơ hờ". Khuôn mặt nó rúm ró lại như một bà cụ hom hem. Cô Đong giật mình: "Con này điên rồi. Mày phát điên theo con mẹ mày, theo thằng bố mày làm khổ con đĩ già này à…ơ hờ". Cô vớ cái gáo nhựa quăng thẳng vào mặt con bé. Nó im bặt, lủi mất ra sau nhà. Một lúc sau, Thảnh lại nghe: "Mày là tao. Tao là mày. Mày là ai. Tao là ai…ơ hờ" văng vẳng.

Cái Liên ngày mai cưới. Thảnh không được nó mời nhưng bố Thảnh với bố cái Liên trong hội đồng tâm nên Thảnh đi ăn theo suất ấy. Thảnh yên chí như thế. Từ nhà cô Đong về, Thảnh thấy đầu mình nóng dần lên như một cái bếp bễ đang hút gió. Tất cả những suy nghĩ của Thảnh cứ nhạt dần đi, cứ mơ hồ dần đi. Chúng bay lên lộn xộn, va đập và lắp ghép lẫn nhau. Thảnh lại thấy ngày mai cái Sam đi lấy chồng. Ngày mai Thảnh đi ăn cỗ cái Sam. Thảnh lại thấy cái Liên ôm đứa con lớn cuống quýt xoa đầu xoa trán. Con bé mắt đờ dại vẫn lảm nhảm: "Mày là tao…tao là mày…mày là ai…

Thảnh thấy tiếng bà thét lên, tiếng mẹ rin rít ở cổ họng. Tiếng con chó mực tru ư ử. Bố chạy từ bờ ao lên, một tay cầm cái nơm, một tay huơ huơ lên bầu trời rồi lại bóp chặt cổ họng. Tiếng chân của mấy người chạy thành vòng tròn ở sân thình thịch như tiếng chân của cả đoàn âm binh. Thảnh thấy mắt bố đỏ như hai hòn lửa, cái nơm chổng ngược lên trời. Màu đỏ quạch như máu rỏ tong tỏng từ trên trời xuống lênh láng khắp nơi. Miệng bố phùng ra, rúm ró. Thảnh thấy một cái đuôi cá rô quẫy tanh tách, giãy giụa trong miệng bố. Tay kia của bố vẫn bóp chặt cổ họng. Bà và mẹ chạy vòng quanh, hai mắt đen sẫm. Trời tối từ bao giờ. Từ trong nhà, cụ kị Thảnh, ông nội Thảnh, các bác Thảnh từ bàn thờ lao vụt ra lóe sáng như chớp. Thảnh nhìn xuống sân, bố Thảnh đang co quắp người lại, oằn oại, nhợt nhạt như đứa bé ở góc hồ nhà lão Thắng Cá.

Thảnh mệt mỏi đi vào nhà ngang, ngã vật xuống giường. Có lẽ Thảnh ốm thật rồi. Thảnh tự nhủ mình phải ngủ thôi. Mai còn đi ăn cỗ cái Liên…

Nguyễn Anh Thế
(Hà Đông – 21/07/2009)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14923)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14933)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14912)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15393)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17733)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19471)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13964)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16579)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15715)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15814)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.