- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẦN NHƯ MỘT CHUYỆN TÌNH

03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16536)


tranh CAO BA MINH
Tranh Cao Bá Minh

Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội. Muội thấy thôi kệ có người theo vậy cũng đỡ tủi,và chắc mình cũng không tới nỗi tệ. Nhưng Muội không thích Nó cho lắm vì Muội chỉ thích người lớn hơn mình nhiều tuổi, hiểu biết và chín chắn. Còn Nó, nói cái gì cũng sai, làm cái gì cũng hậu đậu, viết chữ thì xấu hoắc còn sai chính tả. Có lần Nó viết cho Muội một câu mà sau khi xoá đen xoá đỏ, gạch tới gạch lui, vẫn còn sai: “A Muối là chiếc sương xườn thấc lạc của anh”! Nó được cái rất lỳ, Muội đi đâu Nó cũng tìm cách đi theo săn đón. Và dù bị Muội có bẻ lưng sửa sai bao nhiêu lần, Nó vẫn giương đôi mắt lồi như mắt ếch ra nhìn Muội cười hé hé.

 

Bằng tuổi nhưng lớn hơn 6 tháng, nên Nó toàn xưng anh với Muội.

-A Muối nè, bữa nào mình đi hát karaoke nha!

À, dám rủ dân trường Nhạc hát hò à, đi thôi chứ sợ gì. Nhưng mà thuở đó con gái đi đâu cũng dắt theo cả đám bạn vì mắc cỡ... Muội thích những bài hát trữ tình nhẹ nhàng, còn Nó toàn hát mấy bài tiếng Anh kiểu What is Love? Nô Nô cắn nó đi Nô (No Limit)... Muội thấy vô duyên kinh khủng. Nhưng Nó có sức chịu đựng cao, dù Muội chê bai cỡ nào Nó vẫn nhe răng cười hè hè, không bao giờ biết giận.

 

Có một lần Nó hỏi:

-A Muối nè, nô en anh chở A Muối đi qua quận 8 coi hang đá nha!

Muội lườm Nó:

-Đi chung cả đám tui mới đi à.

Nó hơi thất vọng nhưng vẫn gật đầu. Bữa đó Nó tới chở Muội. Muội mặc cái áo len gì mà lông lá rụng đầy lưng áo sơ mi màu xanh navy của Nó. Nó bảo Nó sẽ không bao giờ giặt cái áo này! Muội có hơi cảm động tí, nhưng khi ngồi ăn hủ tíu, nó cứ nhìn Muội lom lom, cười hé hé, rồi trêu ghẹo tùm lum, Muội chỉ muốn hắt tô hủ tíu vô mặt Nó mà ráng giả bộ ngó lơ. Từ ngày đó Nó cứ theo Muội tỏ tình đủ kiểu, nhưng Muội vẫn không hề rung động. Muội chỉ coi Nó như một người bạn tốt.

 

Có một ngày, Nó bảo muốn rủ Muội đi quán cà phê Thiên Hà nghe nhạc. Muội nói thôi không đi riêng đâu. Nó bảo Nó sẽ đứng chờ ngoài cửa nhà Muội, tới chừng nào Muội muốn thì bước ra, chờ bao lâu cũng được.

 

Hôm đó trời mưa. Mới đầu mưa bụi nhè nhẹ thôi. Muội đứng trên lầu nhìn xuống, thấy Nó ăn diện bảnh bao, ngồi trên xe Dream 2 rất ngầu, nhìn ông đi qua bà đi lại. Tóc nó đã loăn quăn, lại còn gặp mưa thì xù lên như lông chó! Muội cố nín cười rồi đi vô nhà. Một lát sau mưa nặng hạt hơn, Muội nhìn ra vẫn thấy nó lỳ lợm ngồi nguyên chỗ cũ. Muội cứ đi ra đi vào như canh ăn trộm, rồi Muội dứt khoát vô phòng tắt đèn đi ngủ.

 

Sau hôm đó, nó viết cho Muội một lá thư tay, vỏn vẹn một dòng chữ “A Muối ác lắm!”. Rồi Nó biến đâu mất tiêu. Muội cũng không tìm kiếm, thời đó chẳng có email hay cell phone gì, đi là đi luôn thôi.

 

Bẵng đi một thời gian, Muội học Anh Văn mỗi chiều, thì tình cờ trường học gần nhà Nó. Chiều nào đi ngang Muội cũng thấy nó đánh cầu lông bên lề đường với bọn con nít. Thấy Muội thì Nó hớn hở vẫy vẫy mấy cái rồi thôi. Không hiểu sao Muội vẫn không muốn đi đường khác để khỏi nhìn thấy Nó...

 

Năm Muội 26 tuổi thì tình cờ gặp lại Nó khi đi chơi với nhóm bạn cũ. Nó lúc này đã là chủ một công ty sản xuất giày dép rất ăn nên làm ra. Nó bảo Nó mới cưới vợ năm ngoái và đã có một con trai nhỏ. Muội ngạc nhiên lắm vì còn trẻ quá mà sao đã có gia đình. Nó cười hè hè rồi nói:

-Có tỏ tình hết đời thì A Muối cũng đâu có yêu anh. Thôi giờ học xong rồi, sự nghiệp cũng tàm tạm, có người thương anh thì anh cưới cho xong.

Muội cười nói:

-Vậy mà hồi xưa thề thốt ghê quá, anh yêu A Muối suốt đời blah blah blah...

Nó vẫn cười hé hé y như hồi xưa:

-Anh vẫn yêu A Muối suốt đời thật mà. A Muối già nhăn nheo như cái mền anh vẫn thương.

 

Rồi Muội lập gia đình, sang Mỹ định cư, có con cái. Mười năm sau Muội dắt hai con về VN thăm nhà. Nó lại xuất hiện. Lúc  này ai cũng già rồi nên giỡn thoải mái hơn. Muội hỏi:

-Sao? còn yêu A Muối hay hết rồi?

Nó lại ré lên cười hé hé:

-Vẫn yêu chứ, A Muối chả khác gì 15 năm trước ngoại trừ có thêm 2 đứa con.

Muội cũng không nhịn được cười:

-Có thêm ông chồng nữa chứ!

Nó nói tỉnh bơ:

-A Muối có chồng có con bao nhiêu anh vẫn yêu A Muối à. Bao giờ bỏ chồng hay bị chồng bỏ thì báo anh biết nha!

 

Muội hỏi thăm một lúc thì biết gia đình Nó vẫn êm ấm vui vẻ, nhưng Nó luôn tránh nhắc tới vợ con. Muội nghĩ sao đàn ông lạ thật, không yêu cũng cưới, không yêu cũng sanh con đẻ cái, không yêu cũng sống được với nhau hàng chục chục năm trời...

 

Chào tạm biệt nhau, Nó bước ra là có tài xế mở cửa xe hơi đón ngay. Nhìn cái dáng đã bắt đầu có bụng vì những chầu bia rượu của dân làm ăn, mái tóc loắn quắn ngày xưa bồng bềnh nghệ sỹ bây giờ cũng điểm bạc, lần đầu tiên Muội thấy thương cảm Nó. Muội biết Nó chỉ nói cho vui thôi, yêu thương gì nữa ở tuổi này. Nhưng thực tế Muội cũng gặp nhiều người đàn ông như Nó. Dù cho mưa hay không mưa, dù cho yêu hay không yêu, người ta vẫn phải đưa một ai đó đến cuối cuộc đời.

 

Alena Doan

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Bảy 20199:25 CH(Xem: 18041)
Bọn con trẻ đùa giỡn rần rần khắp vỉa hè. Chúng vây quanh một ông lão kỳ dị ăn mặc rách rưới te tua, đầu quấn khăn chéo trước trán, tay bị tay gậy. Bọn chúng hò la. - Ông già điên, ông già gân nhưng hiền lắm!
11 Tháng Bảy 201911:38 CH(Xem: 18582)
Nhiều năm qua, Thông không về quê. Chỉ có đận này, đưa tiễn đứa con gái yêu dại dột vắn số, ông mới có dịp thong thả thăm thú họ hàng xa, gặp gỡ đôi người bạn cũ thời ngất ngưởng lưng trâu hò hét khản cổ. Những lúc đó, ông xuất hiện như một ông Thiện khổng lồ ngoài chùa, nén nỗi đau riêng bày tỏ mối quan tâm đến sinh hoạt mọi mặt của cố hương- dĩ nhiên là đặc biệt chăm chú tới lĩnh vực văn hóa làng xã, do thói quen nghề nghiệp...
21 Tháng Sáu 201911:44 CH(Xem: 19221)
Chuyện thằng Minh vác dao chém bố nó, mấy hôm nay ầm ĩ khắp cả làng Ngọc.Từ đầu làng là xóm Đình, đến cuối làng là xóm Nam, chỗ nào mọi người cũng xôn xao bàn tán. Bởi, nói như cụ thượng trong làng là, từ thời cổ đến giờ, chưa có một vụ nào như thế. Cũng vẫn cụ thượng nói-cụ thượng là một danh xưng của cụ ông cao tuổi nhất làng, không phải tên riêng. Cụ bảo rằng, nhà nó đến ngày mục mả.
17 Tháng Sáu 20199:28 CH(Xem: 22887)
Chuông, mõ và tiếng tụng kinh chiều bắt đầu lan tỏa không gian tĩnh lặng thoảng hương ngâu, hương nhài. Nhật Tôn bất giác chùng bước lại, hít một hơi thở sâu, rồi cũng chắp tay niệm theo. Cảnh vật này đã in đậm trong tâm khảm ngài từ hồi tóc để chỏm, sau những lần theo Thái thượng hoàng tới thăm thú các vùng Long Hưng, Tức Mặc, Vũ Lâm(1). Và cũng tại một chùa quê, ông nội ngài thốt lên những lời tưởng kỳ quặc: "Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được". Giờ ngài chợt như được nghe tiếng nói đó dội về từ một chốn sâu thẳm và ngộ được hết ẩn ý sâu xa của chúng.
09 Tháng Sáu 20199:35 CH(Xem: 20373)
Hai, em chịu hết nỗi rồi đó. Em đang ở Phan. Biết ngay là mẹ lại về đây ở mấy tuần liền. Bây giờ lại mắc thêm cái bệnh nói cười lẫn lộn với người chết nữa mới điên chứ. Sao già rồi không hưởng nhàn hạ, hạnh phúc như người ta mà hành hạ thân mình chi cho khổ quá vậy không biết nữa!
09 Tháng Năm 20199:34 CH(Xem: 21346)
Năm Mậu Ngọ, 1978. Vào đúng hôm rằm tháng tám. Làng Ngọc có ba sản phụ sinh con tại bệnh viện huyện. Ba cô con gái. Cũng không có gì đặc biệt. Thậm chí đấy là một việc rất thường tình nhỏ nhoi, ít người quan tâm trong cái năm đói quay đói quắt ấy. Cả ba đứa trẻ sinh ra hôm ấy mặt mũi đều rất đẹp đẽ, thân hình dài rộng.
23 Tháng Tư 201910:21 CH(Xem: 18450)
Nhà tôi ở sườn đồi, nhìn xuống dòng sông Mã. Cha tôi kể rằng, xưa kia đây vốn là vùng chuyên quy tập hài cốt bộ đội hy sinh. Sau này, đất chật người đông, những cặp vợ chồng trẻ tuổi, nghèo khó như cha mẹ tôi ra đó tìm mảnh đất cắm dùi. Rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên được cha tôi làm lễ, quy tập thành một nghĩa trang riêng do chính bà con xóm núi hương khói. Chuyện gia đình, ngôi làng nhỏ bé của tôi là những nỗi đau thương nối dài không hồi kết. Tôi lớn lên giữa bốn bề sim mua lau sậy điểm xuyết những nấm mồ cỏ xanh ngắt vây quanh. Từ nhỏ, tôi luôn có những giấc mơ kỳ lạ, trùng lặp. Tôi mơ thấy một cô bé trạc tuổi mình, tóc tết đuôi sam mặc chiếc áo hoa đứng bên cửa sổ cười cười, đôi bàn tay nhỏ xinh đưa lên vẫy vẫy. Có lần lại thấy cô bé ấy đứng thẫn thờ mở to cặp mắt đọng nước gọi mẹ, gọi anh rồi đưa tay quệt ngang dòng nước mắt…
17 Tháng Tư 20197:36 CH(Xem: 20849)
Sau năm năm tám tháng trong cái án tám năm tù vì tội giết người Sơn trở về xóm nhỏ của mình. Nhà vẫn còn nhưng rêu phong. Những vài năm không người chăm sóc thì cũ như trái đất là phải rồi. Nó phải như một người tù cải tạo tốt thì nhanh chóng trở lại đời thường vì giảm án. May cho Sơn là tay luật sư đã nêu ra những luận cứ hết sức thuyết phục nên chỉ ngộ chứ không cố sát. Anh ta còn khuyên Sơn làm đơn xin kháng cáo. Hy vọng khi phúc thẩm có thể giảm được chút đĩnh nào đó chăng? Nhưng Sơn không. Suốt buổi xử Sơn thừa nhận bằng một thái độ hơn cả hối hận. Cứ như anh ta muốn toà tuyên cho mình cái án tử cho rồi.
11 Tháng Tư 20198:38 CH(Xem: 22465)
Thật ra thì Hiên chưa bao giờ là con nhang đệ tử cửa Phật. Nhưng Hiên rất chăm đi chùa. Mà chả cứ chùa, nghe chỗ nào có đền thờ miếu mạo linh thiêng là mang lễ vật đến. Đến chỗ nào Hiên chỉ cầu xin có một thứ, ấy là tiền.
08 Tháng Tư 20199:11 CH(Xem: 21840)
"...một người bạn thân thiết nhất, gần như “con chấy cắn đôi”, đã rạn nứt khó có cơ hàn gắn; lạm dụng từ ngữ của giới kinh tế - chính trị, là phá sản! Và sự phá sản đau đớn này, không ngờ lại có liên quan, theo quy luật quả báo của đạo Phật, tới những chùa và biệt phủ ở một tỉnh miền núi vẫn phải xin Trung ương cấp gạo cứu đói..."