- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vườn Măng Cụt

02 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 32497)

w-tmt-vuonmangcut1_0_300x236_1Người con gái ra đón ông Thành ở ngay khu đậu xe của chung cư. Cô hồn nhiên nắm tay ông, cái nắm tay không phải dắt ông cho khỏi vấp ngã, nhưng tỏ sự thân tình. Cô vừa đi vừa nói:

- Lâu quá rồi bác cháu mình không gặp nhau. Con xem đồng hồ áng chừng giờ bác đến, thế mà đúng. Con vừa ra chưa được năm phút đã nhìn thấy xe bác rẽ vào. Bác trông còn khỏe quá!

Rồi cô thấp giọng. "Mẹ con đang chờ bác."

Ông Thành nhìn cô con gái của bạn, nhớ lại ngày cô còn bé tí, nay đã gần bốn mươi rồi, không trách mình già. Ông xiết chặt tay cô, nhớ đến người đã đi biền biệt.

Ông Thành là bạn thân từ thời còn rất trẻ của cha mẹ cô, ông là bạn học của ông Lâm từ thời trung học. Họ cùng trưởng thành, ra đời làm việc, lập gia đình, gần như lúc nào cũng có nhau. Họ cùng di tản, tham dự ngày con cái nhau ra trường và cưới hỏi. Cách đây năm năm, ông Lâm qua đời, rồi bà Thành cũng chỉ còn là một nắm tro than. Ông Thành sức khỏe bắt đầu hơi kém đi theo tuổi tác. Sắp tám mươi rồi, còn trẻ trung gì nữa, ông làm biếng đi ra ngoài, sự liên lạc cũng thưa thớt dần giữa hai nhà.

Tuần trước cô cháu Lan, gọi bác Thành thăm hỏi và nói thêm:

- Mẹ con mấy hôm nay không hiểu sao cứ mong gặp bác, nhắc bác hoài, bác có thể ghé qua xơi một bữa ăn trưa với mẹ con và con không?

Ông ngại đi quá, nhưng nghe cô cháu gọi đến lần thứ ba, ông không nỡ chối từ. Hơn nữa gặp lại vợ con của một người bạn thân đã qua đời, sẽ gợi nhớ cho mình bao nhiêu kỷ niệm thân tình cũ cũng là một điều nên làm.

Cô Lan đưa ông vào căn chung cư của mẹ, mẹ cô ở đây từ sau khi cha cô mất được một năm. Bà ở rất gần các con nhưng không muốn ở chung. Con cháu thay nhau gọi điện thoại, và ghé qua, khi sáng, lúc chiều. Thỉnh thoảng một người thu xếp đến ăn trưa với mẹ, không kể những tụ họp gia đình cuối tuần, nên tuy bà ở một mình ở tuổi bẩy mươi các con vẫn yên tâm.

Bà Lâm hôm nay có trang điểm nhẹ nhàng một chút, trông cho tươm tất tuổi già, chắc để tiếp khách. Ông Thành để ý đến những bông hoa nhỏ tím đậm trên chiếc áo len mỏng mầu xám bà mặc, mầu sắc trông rất hài hòa.

Bà Lâm vồn vã đón ông:

- A, anh Thành. Anh trông khỏe mạnh quá, chẳng khác thời tôi mới gặp anh lần đầu. Anh còn nhớ lần đó không? Anh Lâm và tôi đón anh đi Lái Thiêu, đi thăm vườn trái cây. Chúng mình mua bao nhiêu là măng cụt.

Ông Thành lắc lắc cái đầu bạc trắng của mình, cố nhớ lại lần đầu tiên gặp bà. Tại sao lại ở vườn măng cụt nhỉ?

- Anh quên rồi à, chúng mình cùng đi trong cái xe Renault đen của ba anh Lâm?

Chịu, ông không thể nào nhớ ra được. Trí óc của mình sao có thể tệ đến thế nhỉ? Đã tám mươi đâu?

Cô Lan dọn bữa ăn trưa lên chiếc bàn nhỏ. Mấy món ăn nhẹ cho ba người. Bà Lâm hình như không chú ý đến thức ăn, Lan tiếp thức ăn vào chén của bác Thành, nhắc mẹ hai ba lần bà vẫn chưa cầm đũa.

Bà Lâm đang hứng khởi nói về dĩ vãng:

- Anh nhớ chứ. Mình ăn trưa ở Búng. Món nem chua ở đó cũng khá ngon. Sau đó mình vào vườn măng cụt, vườn chôm chôm, vườn dâu ở Lái Thiêu. Lúc đó tôi chưa lấy chồng, lần đầu tiên gặp tôi, anh đã yêu tôi ngay. Cả hai anh cùng yêu tôi. Anh nhớ không?

Cô Lan nhìn mẹ, không hiểu mẹ đang muốn nói gì? Ông Thành cũng sững người ra nhìn bà. Ông có yêu bà thời trẻ à? Không làm gì có chuyện đó. Thủa đó họ chơi chung với nhau, cả hai cặp. Thành, Tuyết và Lâm, Liên. Sau đó cả hai cặp đều thành vợ chồng.

Bà Lâm hồn nhiên nói tiếp:

- Mấy cái vườn trái cây khi được mùa mới hấp dẫn làm sao! Những chùm trái dâu, trái chôm chôm nặng trĩu chạm mặt đất. Măng cụt đỏ tím cả khu vườn. Muốn vào trong vườn phải rẽ cành hai bên mà đi. Anh nhớ không, anh dắt tôi vào đó, ở một chỗ vừa che mất anh Lâm, và anh đã tỏ tình.

Ông Thành thần mặt ra, hoang mang không hiểu những lời bà Lâm đang nói có thật hay không? Cô Lan có lẽ biết, đã đến lúc nên rút lui để cho hai người bạn già cũ nói chuyện quá khứ. Cô khe khẽ thu bát của mình, im lặng bước vào phòng ngủ của mẹ. Căn chung cư nhỏ, chỉ có nơi đó, cô có thể tránh mặt hai người.

Ông Thành nhíu mày lại, cố hình dung ra hình ảnh khu vườn trái cây, nơi ông đã mang người yêu của bạn vào đó tỏ tình. Không cách nào ông nhớ ra được. Trí óc mình lú lẫn rồi! Ông than thở trong đầu.

Bà Lâm nheo cặp mắt đã có thật nhiều vết nhăn kéo dài ra đến thái dương nhìn ông, từ tốn nói:

- Tôi để cho ông hôn tôi, nhưng tôi từ chối tình yêu của ông, vì lúc đó anh Lâm đã ngỏ lời cầu hôn trước ông. Chắc ông còn nhớ, hôm đó tôi mặc chiếc áo dài có những bông hoa mầu tím đỏ. Ông bảo mầu hoa trên áo đẹp giống mầu vỏ măng cụt, rồi ông bửa một trái măng ra chia cho tôi ăn một nửa, mầu vỏ tím hồng nhuộm mấy ngón tay ông, ông quệt lên má tôi, nói: "Em không cần thoa má hồng nữa, anh thoa cho em rồi."

Chi tiết đến thế này thì chuyện chắc phải có thật, mình không nhớ ra được thì ngày mai mình nên làm cái hẹn gặp bác sĩ. Tuổi tám mươi chắc bước vào tuổi mất trí nhớ rồi! Cả một dĩ vãng lãng mạn nên thơ như vậy, người đàn bà nhớ được, mình lại quên bẵng như đầu óc được nhúng vào một dung dịch hóa chất thì tệ thật. Ông không chối nữa, ông nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn hai con mắt, mí đã sụp xuống nhưng tròng đen vẫn lóng lánh pha một chút tinh nghịch. Ông hạ mắt nhìn xuống cặp môi, cặp môi đều đặn, hơi cong, thoa một lớp son mỏng mầu hồng. Ông cố hình dung ra cặp môi thời còn trẻ của bà, cặp môi chắc tươi như bông hoa mận, cặp môi theo như bà nhớ, ông đã cúi xuống hôn trong vườn măng cụt. (Chắc là vội vàng lắm, vì hôn trộm người yêu của bạn mình)

Bà không để ông có thời giờ thả đầu óc về những hình ảnh bà nhắc nhở ông, bà uống một ngụm nước, nói tiếp:

- Sau đó tôi lấy anh Lâm, nhưng không thể quên mối tình của ông. Hôm đám cưới chúng tôi, ông làm rể phụ. Ông đẹp trai và rất xứng với tôi, nên có người đã nói, để ông làm chú rể thì đẹp đôi lắm. Mấy chục năm sống với ông Lâm, sanh mấy đứa con, nhưng chẳng lúc nào tôi không tơ tưởng đến ông. May mà chúng mình chưa hề xa nhau ngày nào cho đến khi anh Lâm mất hẳn. Bây giờ thì chắc chắn không còn ai ngăn trở mình nữa. Ông có nghĩ mình nên dọn vào ở chung không?

Thế này thì nguy quá rồi. Bà Lâm nhắc lại dĩ vãng cốt để nối hiện tại vào. Nhưng ông không hề nhớ được một chi tiết nào cả. Tuổi già thật khó chịu, nó xóa hết cả dĩ vãng, rồi dựng lên một tương lai huyễn hoặc. Ông cúi xuống uống nốt ngụm trà trong chén, cất tiếng gọi:

- Lan ơi! Bác về nghe con.

Ông kéo ghế đứng lên. Ông không trả lời về đề nghị của bà Lâm vội, ông chỉ nói nhỏ nhẹ, và hứa một lời rất bâng quơ:

- Tôi về nghe chị. Sẽ trở lại thăm chị khi nào trí óc sáng suốt thêm một chút.

Lan tiễn bác Thành ra chỗ đậu xe. Cô ở trong buồng ngủ, sát vách, nên đã nghe hết lời của mẹ kể. Hai bác cháu yên lặng đi bên nhau không nói năng gì. Ông Thành đã ngồi vào xe, trước khi mở máy, ông quay kính xuống nói như tâm sự với Lan:

- Chắc bác cần đi khám lại cái đầu của mình. Những điều mẹ con nói hôm nay, bác không làm sao hình dung ra được một dĩ vãng vừa thơ mộng, lãng mạn, vừa tội lỗi của tuổi trẻ. Bác có mất trí nhớ tồi tệ đến thế không? Bác nhớ là cả ba con và bác cùng lớn lên ở Đà Lạt. Những kỷ niệm của bốn người: Lâm, Liên, Thành, Tuyết có với nhau hồi đó là: Cà phê Tùng, Nhà thờ con gà, Đồi Cù, trường Võ Bị Đà Lạt, và những trại mận. Rồi ngày ba mẹ con đám cưới, bác đang tu nghiệp võ bị ở Mỹ, làm sao bác phù rể được nhỉ?

Ông nói xong, ngẩn người ra như không tin những điều mình nhớ, ông đợi Lan trả lời câu hỏi của mình. Lan cho hẳn đầu cô vào trong cửa xe, gục đầu lên vai bác Thành, cô ngửi được mùi già nua trên cổ bác phả ra, mùi của ba cô ngày trước, làm cô khóc nức lên:

- Bác ơi! Không phải bác mất trí nhớ đâu. Mẹ con đấy, mẹ con bị Alzheimer nặng lắm rồi. Mẹ con quên hết dĩ vãng thật của mình, và ngày nào cũng vẽ ra một câu chuyện mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.

Tối hôm đó, Ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Ông cứ nhớ mãi câu nói của cháu Lan. "Mẹ con vẽ ra một câu chuyện, mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình."

Ông bâng khuâng: Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ mà mình không biết?

Một vườn măng cụt đổ ập xuống giấc mơ của ông trong đêm.

Trần Mộng Tú
Tháng 11/2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 96139)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 35398)
Chẳng ngờ khi tôi đến bên kia đồi, khung cảnh hiện ra như một vùng không gian huyền hoặc của chuyện cổ tích thơ mộng.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 121427)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 28933)
Hắn gầm gừ như con cọp đói vờn con mồi nhỏ bé trước khi ăn tươi nuốt sống nó. Những âm thanh lí nhí, khùng khục thoát ra từ cổ họng hắn làm tôi hoảng sợ. Đôi chân tôi run lên bần bật, những ngón chân vội xòe ra bám chặt xuống mặt đất. Tôi dáo dác nhìn quanh, mong tìm một lối thoát thân.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 34051)
Tôi là dân thợ mộc, quanh năm xách cưa đục đi kiếm ăn thiên hạ, thỉnh thoảng mới về làng, mỗi lần về lại được nghe một chuyện về Doãng, thật có mà người ta thêu dệt thành giai thoại cũng có, cứ rối tung rối mù chẳng biết đâu mà lần.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 107833)
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 32315)
Thời Pháp thuộc Liên Bang Đông Dương, cha tôi là công chức ngân khố làm việc ở Nam Vang, thủ đô Cao Miên.Tuy làm việc cho Pháp,ông có cảm tình với Việt Minh.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 39794)
Ở trang bià hồ sơ nhập viện, người ta ghi chú: Ty, Le Van. 48 tuổi. Phái tính: Nam. Gia cảnh: Độc thân. Địa chỉ nơi cư trú. Số điện thoại nhà và ở sở làm…
28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 28828)
Đó là lần đầu tiên cô đến Adelaide. Những tòa biệt thự trang nhã thấp thoáng sau vườn hoa hồng và cây cảnh xinh xắn như trong tranh vẽ. Thành phố nhỏ nhắn, êm đềm nép mình bên những triền đồi xanh lam và bờ biển trải dài bát ngát đến ngút tầm mắt
28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 130359)
Lũy bắt Phượng Vỹ "làm tình với Lũy như một con điếm"