- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÔNG GÒN NỞ TRÊN CAO

05 Tháng Tư 20197:04 CH(Xem: 20780)

Lữ Mai 2
Nhà văn Lữ Thị Mai
      

Khi chúng tôi ngồi đối diện, cách nhau một mặt bàn, Dy ý nhị nhắn tin qua điện thoại, hẹn tôi tại bar trên tầng 19 một khách sạn 5 sao, nơi chúng tôi đang làm sự kiện. Tôi từ chối bằng tin nhắn lại, rằng có thể ngồi đâu đó cà phê với Dy. Chỉ chờ thế, Dy mời tôi về phòng riêng. Chuyến xuất ngoại vừa qua khiến nàng bã bời. Vậy mà lúc xuất hiện trước đám đông với cái danh người của công chúng, hoa hậu doanh nhân thành đạt... Dy vẫn váy áo phấn son lộng lẫy, miệng hé cười, bàn tay năm ngón thẳng thớm đưa lên cao, lắc lắc vẫy chào nhịp nhàng như rô bốt. Chỉ trước mặt tôi, nàng mới không ngại phô bày cơ thể, dung nhan quá nhiều điểm sắc nhọn kinh qua quá trình đo đạc, gọt giũa công phu của bác sĩ thẩm mỹ. Dy co cặp chân thon dài lên sofa, xì xụp ăn mì gói, uống soda trước khi kể tôi nghe về những giấc mơ chồng chất. Nàng ám ảnh một ngày nào đó sẽ không còn nhớ nổi giấc mơ của chính mình. Khi ấy Dy thà chết còn hơn. Là nàng luôn nói vậy chứ trong mắt tôi và mọi người, Dy đầy sắc sảo, tham vọng. Trong đám đông đối tác, bạn bè xã giao, nàng chọn tôi để sớt chia bí mật đời mình. Lý do vì sao chắc mỗi Dy biết, hoặc nếu là cơ duyên, đến bản thân nàng cũng chẳng tài nào lý giải.

“Chị vẫn đến gặp ông thầy thôi miên, rủ rỉ chuyện trò bình thường, người ta hỏi chị đi đâu, gặp ai, thế nào, có gì vui... dù chị chấp nhận kể lể hay che giấu thì sau đó ký ức vẫn bị xóa sạch. Anh cả nói, chỉ bằng cách ấy, chị mới được an toàn sau những chuyến đi xa cùng đám mày râu tai to mặt lớn. Nếu vỡ lở, mà bị lấy khẩu cung, chị có chịu cực hình đến nát người cũng chẳng khai nổi điều gì cả. Em cứ hình dung, chị như người bị tẩy não. Ông ta đủ chiêu trò cao tay giúp chị và đường dây của anh cả an toàn. Đàn ông qua tay chị, khối người danh giá cũng không ít kẻ đã vào tù bóc lịch, khối bà vợ bé, nhân tình chịu liên lụy đến tiệt đường sinh nhai. Bao năm chị không hề hấn”, Dy nói như bao lần, tôi lắng nghe im lặng.

Căn phòng khách sạn hạng sang sực mùi nước hoa xa xỉ của nàng. Dy có những sở thích kỳ quái khiến tôi khó chịu, trong đó có cách nàng xức nước hoa. Nàng sẽ đóng chặt cửa phòng ngủ, xịt khắp phòng, ướp mình trong làn hương đó, một lúc sau mới lim dim mở dần đôi mắt, từ từ bước chân ra. Có lần, Dy rủ tôi thử một mùi hương mới, nếu ưng, Dy sẽ tặng. Tôi chìa cổ tay mình sang phía nàng, nàng không xức nước hoa lên đó mà nắm ngay lấy, kéo tôi vào căn phòng sực nức kia. Lúc sau, tôi váng vất bước ra, toàn thân gai lạnh. Thỉnh thoảng, lại rộ tin đồn Dy cặp kè, đi khách xuyên quốc gia, được chống lưng bởi những nhân vật cộm cán... nhưng tin đồn mãi là tin đồn, Dy vẫn giàu lên nhanh chóng, bất chấp, còn khoác thêm cả loạt danh xưng, danh hiệu mỹ miều. “Chín cơ nước mắt hai hàng”, nàng nhắc lại lời ông thầy thôi miên vừa nói vừa đưa tay rút một lá bài bản mệnh. Gương mặt được chỉnh sửa kĩ càng đến từng milimet của nàng không biểu lộ cảm xúc. Tôi bỗng thấy Dy giống hệt lá bài chín cơ, từng họa tiết trái tim đỏ lòe chập chờn nhảy xổ ra khỏi chiếc đầm lụa trắng.

* **

          Cuộc tình với Tuấn đôi khi kéo tôi thoát được nỗi ám ảnh về Dy. Con đường quen thuộc dẫn chúng tôi đến điểm hẹn hò sẽ đi qua một cây bông gòn cổ thụ duy nhất trong thành phố này, tiếp đến là cây gạo sừng sững. Tuấn thành thạo như đó từng là chốn cũ của anh. Anh hồ hởi lịch thiệp chào chủ nhà hàng, trêu chọc hoặc ngợi khen lũ chó mèo cảnh nuôi trong lồng mà vẫn cẩn trọng bước phía sau tôi khi lên cầu thang. Tuấn sợ đôi giầy cao gót khiến tôi vấp ngã. Tôi yêu Tuấn vụng dại như lần đầu trong đời. Dẫu lúc này, tôi đã ba mươi tuổi. Tôi có chồng con, một mái ấm bình ổn khiến nhiều người thầm ước ao. Tuấn cho tôi cảm giác tôi vừa là một người đàn bà đúng nghĩa lại vừa được chiều chuộng, nâng niu như trẻ nhỏ. Tuấn từng cao hứng thả tôi xuống vỉa hè, trước một hàng bánh mì cổ truyền để tôi phụng phịu xếp hàng. Chiếc quạt máy phe phẩy chẳng thấm tháp gì với nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ. Tôi hết nhướn người lên xem bao giờ tới lượt mình lại chớp mắt nhìn xuống đôi giầy cao gót mảnh khảnh rồi đến điệu bộ nhàn hạ, bất cần của bà chủ quán đang đều tay rạch bánh mì, phết bơ, cho nhân pa-tê, xá xíu... Nóng bức, bực dọc, tôi đỏng đảnh ra xe, dằn dỗi ngồi sau lưng Tuấn, anh chợt dịu dàng vòng tay lại, chạm đúng khoảng lưng lấm tấm mồ hôi, xoa thật nhẹ và sâu. Thế là tôi lại ngoan như một con mèo nhỏ, dựa vào anh thút thít.

          Tôi không ngại nói với Dy rằng tôi đang hạnh phúc vì có Tuấn. Khoảnh khắc ấy, mắt nàng chấp chới mù sương. Dy không nhớ nổi có bao người đàn ông đã đi qua đời mình, cuộc tình nào thăng hoa đỉnh điểm, cuộc tình nào bầm dập xót xa. “Có thể là có, nhưng tất cả bị xóa sạch rồi, giống ký ức về ba mẹ chị lúc chết vì vượt biên, chị chập chững lên ba, nhớ nổi gì đâu”, giọng Dy đều đều buồn tẻ. Điều Dy nhớ nhất, thường hay nhắc lại nhất trong mỗi cuộc chuyện trò là những món ăn tuổi thơ như khoai sắn, bánh xèo và một con búp bê đẹp rực rỡ xa hoa trong tủ kính nhà bà cô họ. Dy nuôi mộng ước sau này có váy áo đẹp đẽ, son phấn kiêu kỳ, kẻ môi trái tim, thu hút mọi ánh mắt thèm thuồng, ghen tị. Thì Dy bây giờ đang thế đấy thôi. Giấc mơ thuở bé vụt biến thành tham vọng, thành con đường nàng không cho phép mình quay đầu. Vậy mà gặp tôi Dy chỉ khóc, nàng sợ đến những mảnh vụn ký ức màu mè, lấp lánh ấy lúc nào đó cũng không còn giữ được. Nàng tìm cách chuyển mọi bí mật sang tôi. Một người theo Dy là đủ tin cậy, không quá xa lạ cũng chẳng thân gần. Tôi khiến Dy tin những gì nàng muốn giữ đều giữ được.

***

          Lại nói về anh cả Dy từng nhắc đến. Đó thực sự chẳng phải anh em bà con gì với nàng. Hắn hành nghề môi giới mại dâm đội lốt doanh nhân, chuyên kết nối, bảo kê cho những cô gái có chút danh hiệu, tài sắc như Dy. Đối tượng khách hàng hắn nhắm tới là đám đàn ông giàu có, thích của lạ, chịu chơi và đặc biệt là hết cuộc vui không lằng nhằng đòi tiến đến một mối quan hệ xa xôi, phức tạp. Mọi kinh phí đều đổ về túi anh cả. Dy sẽ được tính toán, chia chác hợp lý, thậm chí là hào phóng. Anh cả luôn thấu hiểu Dy. Bù lại, Dy phải chấp nhận nhiều yêu cầu. Một điều Dy không được phép làm sai đó là sau mỗi chuyến đi khách đều phải đến nhà ông thầy thôi miên để trò chuyện và xóa ký ức. Điều kiện ấy luôn được nàng tuân thủ trước khi gặp tôi. Những trang hồi ức của Dy đầy dần sau mỗi chuyến đi. Nàng đáp thẳng máy bay từ nước ngoài về thành phố tôi đang sống, đổ đầy vào tôi một kho kí ức, xong xuôi lại ra sân bay đến thành phố khác tìm thầy thôi miên.

          Chuyện của Dy khiến tôi mất ăn mất ngủ, toàn bộ trí lực bị rút kiệt. Dy kể, có những gã đàn ông béo ục ịch, đặt nàng nằm lên vùng bụng chảy xệ, lạnh toát và không ngừng cấu xé. Dy có vẫy vùng, la hét bao nhiêu cũng không thoát nổi cái biển mỡ người lùng bùng đang dâng đầy, nàng nhắm nghiền mắt chờ đối phương thiếp đi vì mệt lả. Dy kể, nàng vô cùng sợ hãi cặp mắt một gã doanh nhân được các báo lá cải khen ầm ầm về mã ngoài bảnh bao như minh tinh điện ảnh. Sau khi tắm táp, tháo bỏ kính cận, gã nhìn nàng bằng đôi mắt sói, chiếc răng khểnh bình thường trông khá duyên bỗng chìa thành chiếc nanh sắc nhọn, ngoạm đúng vùng da gáy đầy nhạy cảm. Dù sao, Dy vẫn chỉ là một món hàng, không hơn. Còn họ, mang danh doanh nhân, trí thức thành đạt nhưng đàn ông một khi rải tiền trên cơ thể phụ nữ vẫn chỉ là những con thú ham cấu xé, bày trò bản năng và thô bạo. Tôi rùng mình nhớ câu nói người xưa “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Lời Dy lúc nào cũng khô khốc, không xúc cảm. Nàng từng khóc trong chuyến đi đầu tiên, khi thức dậy giữa buổi sáng trong veo nơi xứ lạ, ga giường thì trái lại, nhầy nhụa, nhàu nhĩ. Điện thoại Dy rung lên bản nhạc chờ giai điệu cũ xưa: “Nhắn giúp cho ta chim ơi. Nhắn giúp cho ta mây ơi. Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào?”. Sau lần ấy, nước mắt Dy chỉ chảy về phía tôi. Đến dòng ký ức ngắn ngủi và bản nhạc chờ nếu không được nàng chép vội trong một cuốn sổ tay với những dòng mở đầu: “Ngày... tháng... năm... cô gái tên Dy đã chết! Vào một buổi sáng bên ngoài kia thật tinh tươm, còn trong này đêm qua là địa ngục, giờ cánh cửa ấy vẫn mở toang...” thì cũng rơi vào quên lãng.

 

Tuấn luôn gặng hỏi vì sao tôi lơ lễnh, mất hồn trong vòng tay anh, hay tôi đã có người đàn ông khác. Tự ái, tôi vùng khỏi chốn hẹn hò, lao như điên ra con đường ven đô, tán cây bông gòn cổ thụ đủ cao rộng để tôi nhìn thấy vô số chùm quả nứt vỏ hệt những bàn tay đang sẵn sàng thấm khô đôi mắt giàn giụa nước. Hình như, trong rất nhiều tình huống đàn ông thường chỉ nghĩ được đến thế. Tuấn không nhận ra tôi đã xanh xao đi nhiều, liên tục có những cơn buồn nôn, chóng mặt. Anh hờn mát mỗi lần tôi qua khách sạn cùng Dy: “Coi chừng con nhỏ đó đồng tính”.

***

Những chuyến bay lệch kế hoạch của Dy về thành phố tôi ở thay vì về bên anh cả, tới nhà ông thầy thôi miên đã bại lộ. Khi tôi ngồi đối diện cặp chân dài của Dy đang co trên ghế sofa thì một nhóm người lạ ập vào, đưa nàng đi. Dy chẳng kịp nói gì, mất liên lạc với tôi nhiều ngày sau đó. Run rủi thế nào, tôi tiếp tục trở thành nơi cất giữ ký ức cho người đàn ông đầu tiên Dy yêu. Người ấy kể, Dy yêu điên cuồng nhưng nàng đầy tham vọng. Tham vọng nhấn chìm tình yêu. Không ông thầy cao tay nào thôi miên mà xóa sạch được ký ức. Chính Dy đã tự lựa chọn xóa ký ức của mình để bước tiếp con đường phù hoa, ảo vọng.

Sau chuyến vượt biên thất bại, cha mẹ bỏ xác giữa trùng khơi, Dy được bà cô họ nuôi nấng cưu mang, đến tuổi thiếu nữ sắm sửa cho một vẻ ngoài phú quý và lý lịch danh giá để kiếm chồng giàu sang. Cô ấy học đàn, khiêu vũ, ngoại ngữ, được giới thiệu có bố mẹ định cư nước ngoài. Những dòng nước mắt tủi hổ, cay đắng của Dy chỉ biết chảy về phía tôi – một thầy giáo nghèo dạy đàn. Rồi số phận đẩy tôi sang một lối rẽ khác, ở một miền đất xa lạ khác. Tôi mất tin tức, không gặp lại Dy cho đến khi cô ấy bầm dập, bị hất ra vỉa hè, trước mũi giầy của tôi. Gã chồng hờ mà Dy được bà cô họ đưa mối giở thói ghen tuông, hành hạ rất tàn nhẫn. Nhận ra tôi, Dy ngước mắt nhìn, giọng yếu ới gọi “Thầy ơi! Thầy!” và ngất lịm. Chuyện gì đến cũng đến, Dy ngập vào tôi bằng thứ tình yêu mỏi mệt, ê chề nhưng tái sinh hồn nhiên, vụng dại ngay sau đó. Có những đêm, trên căn gác tầng áp mái của ngôi nhà nhỏ giữa thành phố ngột ngạt và ô tạp ấy, tôi hát đủ cho mình Dy nghe câu ngày xưa tôi đàn cho cô ấy hát: “Hàng mi đen láy như nhung vì nắng chiều/ Trên vai em tôi, nỗi buồn dài theo mái tóc”. Trải qua cay đắng, Dy vẫn đẹp vô cùng, cô ấy đều đặn kể cho tôi nghe giấc mơ được biến thành con búp bê rực rỡ, tôi có cảm giác mình sẽ mất Dy.

Tôi đưa Dy về quê, tìm cho cô ấy một nơi nương náu. Từ khi tôi vấp váp, đổi nghề, rủng tỉnh tiền bạc và không còn là thầy giáo dạy đàn nghèo rớt, cha tôi chữa được bệnh nan y, căn nhà lá được xây lại thành biệt thự cao tầng, sung túc, có người ăn kẻ ở. Mẹ mất sau khi sinh tôi, căn nhà ấy luôn chỉ có cha con tôi nương tựa sớm hôm. Sau lần dạy đàn cho Dy, cha tôi đổ bệnh, tôi tìm mọi cách để kiếm tiền từ bốc vác ngoài ga tàu, bến cảng, ban đêm vẫn dạy đàn. Một gã đàn ông giàu có luống tuổi đã đề nghị tôi giới thiệu cho hắn cô bé học trò tôi dạy kèm. Hắn ứng trước một khoản tiền hậu hĩnh, đủ làm mắt tôi sáng lên chạy vụt về căn nhà lá gọi “Cha ơi! Cha được cứu rồi!”. Sau này, dấn sâu vào nghề ấy, tôi mới biết mình là môi giới mại dâm khi con em thiên hạ vẫn còn gọi bằng thầy.

Tôi kể cho Dy nghe tất cả nỗi đau trong ký ức, cô ấy rơi nước mắt, xiết chặt tay tôi. Một buổi sáng thức dậy, tôi không thấy Dy đâu. Đến đây, chắc cô đã hiểu cái nghề tôi kiếm sống? Tôi tìm thấy Dy, đánh mất Dy cũng quanh quất trong mùi phấn hương, váy áo đàn bà. Dy khao khát đổi đời, lột xác nên rời khỏi vòng tay tôi, bước trùng vào con đường cũ, trùng cả vào con đường tăm tối nhiều lần tôi muốn thoát ra. Không hiểu cô ấy đã gặp ai, làm những gì, đi tới đâu mà vài năm sau trở về với vẻ ngoài lộng lẫy, thân phận cao sang. Cô ấy gọi tôi là anh cả như bao cô gái khác dưới trướng tôi. Dy mở lời đề nghị kết hợp làm ăn, cô ấy sòng phẳng, chơi đẹp lại khôn ngoan nên ngày càng lừng lẫy trong thế giới ngầm buôn phấn bán hương nhầy nhụa. Suốt thời gian dài, tôi vẫn không tin vào mắt mình và tim mình, tôi đi tìm Dy ngày xưa cũ, tôi điên cuồng thử thách, kiểm tra Dy bằng mọi cách, kể cả nhờ đến ông thầy thôi miên. Rốt cuộc, ông ta chỉ lắc đầu.

Anh cả của Dy nói với tôi như vậy. Trong chính căn phòng hắn đã cho nhóm người tới đưa Dy đi xa. Cho đến bây giờ, tôi không thể phân định được lời nói của Dy hay của người đàn ông ấy là sự thật. Họ cùng trút lên tôi bầu không khí trầm đục, mù mờ, quánh đặc như không thuộc thế giới này...

***


Dy chủ động xóa ký ức hay bị ép xóa ký ức? Thứ gọi là ký ức mà tôi cất giữ cho Dy vì nàng sợ bản thân đánh mất liệu có bao nhiêu phần trăm sự thật? Những câu hỏi mông lung cứ ngập dần trong đầu óc tôi. Còn sự thật gần gũi, xót xa nhất là tôi đã mất Tuấn sau chuyên án triệt phá đường dây mại dâm cao cấp xuyên quốc gia mà Dy và anh cả là mắt xích quan trọng. Cả tôi cũng bị đưa vào danh sách theo dõi, điều tra. Tuấn thực sự là ai, bấy giờ tôi mới bàng hoàng vỡ lẽ.

Tôi bẽ bàng trở về, tiếp tục làm con búp bê trong bốn bức tường căn nhà cổ. Sáng sáng, chồng tôi sẽ hỏi: “Em uống đủ thuốc chưa?”, “Hôm nay nắng lắm, để anh đưa em đi làm”... Con gái tôi từ lúc ba tuổi đến giờ luôn canh chừng tôi như nó mới là bà mẹ trẻ. Nó luôn xếp sẵn những đôi giầy gót cao vừa phải bên cửa phòng tôi, dõi mắt chờ tôi tiện tay lựa chọn. Nó sợ tôi vấp ngã trên những đôi giầy cao gót lênh khênh, nhọn hoắt. Ký ức của những người dưng đủ để tôi in ấn vài cuốn sách, như niềm mất mát đã trôi qua. Chồng tôi luôn nói, đã là đứa con tinh thần thì phải nuôi nấng, chăm chút và chấp nhận trả một cái giá nào đó, nhiều khi là máu và nước mắt. Hoàn thành nhiệm vụ, Tuấn ra đi trong im lặng. Còn tôi thì đã yêu anh. Tôi chẳng cần nhờ ai giữ giùm tôi ký ức ấy, như những người lầm lỗi đã từng. Có chăng, tôi hay nhớ chùm quả bông gòn trắng xóa bung nở tít trên cao thả xuống buổi trưa tôi vùng chạy khỏi vòng tay Tuấn. Bây giờ và sau này, khi những con chữ ứa ra như nước mắt, tôi luôn thấy chùm quả từ tán cây cổ thụ ấy rụng rơi thật dịu dàng, thấm tháp như bàn tay Tuấn chạm nhẹ sau lưng tôi. Tuấn hỏi han, chia sẻ với tôi rất nhiều. Tôi tự nhủ lòng đủ can đảm để xóa mọi ký ức. Nhưng có lần anh thủ thỉ: “Khi em nói, em sẽ viết gì đó vào trang giấy, lòng anh vui vô cùng”. Chẳng biết Tuấn đã xóa ký ức đó chưa, nhưng với tôi, đó mãi là những lời chân thật.

Hà Nội, ngày 6/7/2018

LỮ THỊ MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tư 202011:23 CH(Xem: 17265)
Thế là từ hôm ấy trở đi, trên tất cả các phương tiện truyền thông nước nhà đều dành chỗ, dành thời lượng để tôn vinh ngài Kê. Kiểu như: “Cuộc đời ngài Kê”, “Chuyện ngài Kê”, “Ngài Kê liệt truyện”, “Tấm gương Giáo sư Kê”, “Huyền thoại Kê vàng” vân vân và vân vân. Thôi thì trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua nở. Thơ ca nhạc họa, truyện ngắn tiểu thuyết bút ký trường thiên dài kỳ các kiểu. Thậm chí bên bộ dục còn phát động cuộc thi kể chuyện về ngài Kê trong học sinh các cấp, rầm rộ. Có con bé học trò lớp ba mãi trên Mù Căng Chải chưa xuống núi lần nào được giải nhất. Nó kể về công đức ngài Kê với các đồng bào mèo mán lô lô trên quê nó cực hay, nức nở. Hay đến nỗi ngài Kê hôm ấy mở ti vi xem cũng rơi nước mắt.
28 Tháng Ba 20206:12 CH(Xem: 15980)
Ban đầu, ông thấy người gai gai, sốt, chán ăn. Bụng bảo dạ, nhẽ mình lao động hơi quá sức. Chả là vừa tập Gym hồi đêm về sáng trên máy bay với Hải Yến xong, thì tối hôm đó lại về sân hàng chiếu ở Times city thi đấu cả đêm. Bắt buộc phải cả đêm, bởi nếu không thì khó mà sống với phòng nhì đang kỳ lửa nồng được. Dù ông biết thân trước khi lâm trận, đã viện đến bao nhiêu sự trợ giúp, ngay cả từ lúc mới xuống sân bay kia. Thế nên đêm đầu về nhà cũng làm cho em Thuận mãn nguyện. Những đêm sau thì phải cố, cũng qua bài. Gặp mặt Hội 3G, tay bắt mặt mừng ôm hôn thắm thiết, mừng công trình rực rỡ để đời đã hoàn thành. Mừng cú tuyệt tác one in hole trên chín tầng mây, thật là độc nhất vô nhị! Nhưng mấy hôm tiếp theo đi họp hành, tiệc tùng chiêu đãi nhiều thấy mệt mỏi. Càng ngày càng thấy người ốm tệ. Sốt, ho, khó thở... Hay là nhiễm cúm virus corona? Em Thuận hoảng hốt vội gọi xe đưa vào viện khám. Xe đưa ông Nam vừa đi thì cũng có xe khác đến đưa ngay cả hai mẹ con đi cách ly chống dịch.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 18903)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
25 Tháng Ba 20209:32 CH(Xem: 16286)
Lúc này, bên những vết tích còn lại của bản Thái hoang tàn, Cư có cảm tưởng lạc vào nơi từng ghi dấu sự tích kể về cô gái con tạo bản đã héo hon mà chết vì mong nhớ người yêu; nhưng mọi người không sao đem nổi xác nàng ra khỏi nhà, bởi hồn nàng quyết không chịu rời đi. Bản bị hồn ma ám, không ai dám ở. Còn chàng trai nghèo thất tình, khi trở về đã ôm ấp nàng suốt bảy ngày đêm mà không biết đó là thi thể giá lạnh, giữa cái bản vắng tanh...
11 Tháng Ba 20209:23 CH(Xem: 15788)
Bây giờ ở nước ta gia đình ngài Giáo sư Kê rất nổi tiếng./ Có thể gọi là nổi như cồn. Nổi nhất nước. Bởi là do hai tay hậu duệ: nghĩa tử Hùng Văn Hạ thì chấp chính Bộ dục- văn- giao còn nam tử Giang Đình Tinh Anh thì nắm Bộ công, hai bộ trọng yếu của nước nhà. Rất hăng hái phát tài. Mà đều còn trẻ, đang đà thăng tiến hứa hẹn chủ chốt nước nhà nay mai. / Ngài Kê sau vụ đi làm chủ tịch hội đồng đào tạo cho nước nhà những ba vạn chín nghìn tiến sĩ thì yên tâm nghỉ ngơi cùng con cháu. Thi thoảng đi du lịch ngao du sơn thủy hữu tình cho vui thú tuổi già. Nghĩ đời mình cũng đã thật hào hùng, thôi nghỉ ngơi tuyệt đối…
02 Tháng Ba 202011:18 CH(Xem: 16668)
Buổi sáng tháng mười năm đó, già Mức đi biển. Một ngày như mọi ngày, không khác biệt. Một buổi hừng đông dong thuyền ra khơi, biển yên lành, gió ngon trớn. Chiếc thuyền nhỏ gắn máy hiệu Yarmar vận hành đều đều, tiếng máy nổ ròn rả đẩy cái thuyền lướt trên con sóng, bánh lái điều khiển kêu xè xè dưới làn nước.
26 Tháng Giêng 20203:45 CH(Xem: 16013)
Đường phố Sapa chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo của đèn cao áp lẫn sương mù. Thỉnh thoảng có một hai khách du lịch trở về khách sạn, hoặc một đôi nam nữ Dao đỏ đứng tự tình bên gốc cây. Khí lạnh từ trên đỉnh Fanxipan tràn về thung lũng từng đợt. Hắn hơi co ro, khép chặt lại cổ áo. Hắn đi, lúc thì như người mộng du, lúc thì ra người như cố ý tìm kiếm một ai đó.
24 Tháng Giêng 202012:21 SA(Xem: 17043)
Chiều mùng 3 tết, trời vẫn rét cắt da cắt thịt. Tôi dừng nghỉ ở Đền Mẫu trước khi qua sông để vào bản Cọ, bản Khau. Sông Cầu cạn lắm, nước trong veo và lạnh, nhìn rõ sỏi trăng dưới đáy. Đi thuyền thuyền qua sông hai bên bờ cây lá run rẩy vì rét, hình như xa xôi kia còn sót lại một bông hóa chuối rừng như một ngọn lửa nhỏ thắp lên giữa khu rừng, làm ấm lòng một gã thợ ảnh là tôi, bỏ vợ con nheo nhóc ở nhà, ôm máy ảnh đi kiếm tiền nơi rừng xanh núi đó, khi thiên hạ vẫn đang say sưa đón tết. Chỉ có điều bông hoa chuối rừng này đỏ một cách lạ lùng, như màu máu tươi vậy, tôi đi đến đâu cũng vẫn thấy bông hoa ấy lúc trước mặt, lúc sau lưng, lúc ở đáy sông khi thuyền sang sông.
24 Tháng Giêng 202012:16 SA(Xem: 15876)
Những ngày giáp Tết năm nay, tôi mang một ít hàng ra chợ trời bán cho vơi bớt hàng cũ. Lúc đầu mới ra bán tôi rất ngại, lo sợ đủ điều nên thay vì tôi chọn chỗ đông người để bán cho đắt hàng, tôi lại chọn chỗ vắng hơn cho đỡ phải tranh giành bon chen với người khác. Dần dần tôi lại cảm thấy ở chợ trời cũng nhẹ nhàng chứ không đến nỗi vất vả, giành giựt như tôi nghĩ, tôi cũng có những người bạn mới từ nơi chốn này.
22 Tháng Giêng 20209:23 CH(Xem: 15258)
Khi tôi vừa bước lên cầu thang thì bất chợt nghe tiếng đàn piano vọng xuống từ trên tầng hai của căn chung cư, tiếng đàn vang lên từng khúc gãy nhịp tạo ra một thứ âm thanh rời rạc nghe chói tai khiến tôi đứng khựng lại, và trong một thoáng suy nghĩ, tôi đoán chắc tiếng đàn ấy là của một người đang mầy mò học đàn. Nhiều lần đến chơi với Quân tôi không thấy trong nhà nó có bất cứ một loại nhạc cụ nào, nhưng tình cờ hôm nay nghe được tiếng đàn khiến tôi ngạc nhiên.