- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÊN NÀY THÌ VUI HƠN BÊN KIA

12 Tháng Mười 20187:27 CH(Xem: 24093)

nguyen thi hau
Nhà văn Nguyễn Thị Hậu




Trên con đường dẫn ra ngoại ô của thành phố P. có một đoạn đường mà bên kia là nhà tù còn bên này có một khách sạn nhỏ và quán cà phê.

 

Nhà tù ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường gạch không cao lắm nhưng chắc chắn, phía trên không có những vòng thép gai hay mảnh thủy tinh như thường thấy ở nhiều nhà tù khác. Góc hai bức tường gặp nhau là một “cổng giả” hình vòm cuốn, phía trên có dòng chữ “Nhà tù trung tâm” bằng kiểu chữ nghiêm ngắn màu xám, sự khác biệt duy nhất trên bức tường dài màu nâu sẫm cho biết chức năng của các tòa nhà bên trong mà mới nhìn trông giống như một chung cư bình dân.

 

Khách sạn là tòa nhà cũ có 3 tầng, những cửa sổ bằng gỗ sơn màu xanh cũ kỹ nhưng sạch sẽ, luôn rộng mở, cửa kính trong veo phất phơ rèm trắng, chậu hoa tươi tắn trên bệ cửa sổ. Tầng trệt là quán cà phê cũng là sảnh khách sạn. Dưới bảng hiệu có dòng chữ trình bày kiểu cọ vui mắt “Bên này thì vui hơn bên kia”. Ai đi qua nhìn thấy mấy chữ này cũng phải mỉm cười, ờ thì đúng rồi... Không biết nhà tù và quán cà phê cái nào có trước, chỉ biết là cả hai đã hiện diện từ khi nơi này còn là một làng nhỏ giữa cánh rừng thưa, xe ngựa đi gần ngày đường mới tới trung tâm thành phố. Nhưng khách sạn thì chỉ có khi một sân bay được xây gần đó.

 

Dân cư quanh vùng đã quen với cổng nhà tù có con đường nhỏ thỉnh thoảng vài chiếc xe bịt bùng ra vào. Nhìn vào chỉ thấy barie trạm gác, vườn hoa và hàng cây cao vút, xa hơn là những ô cửa sổ của mấy dãy nhà nhiều tầng mỗi tối sáng đèn đến khoảng 9g thì đồng loạt tắt. Xung quanh, bên ngoài bức tường là con đường nhỏ xanh mát, hàng ngày người lớn trẻ nhỏ vẫn đi lại trên vỉa hè, chiều tối dưới lòng đường hàng dài xe hơi đậu qua đêm. Thỉnh thoảng một nhóm hoặc vài người mặc thường phục từ phía trong đi ra. Qua khỏi cổng họ ôm hôn nhau và chia tay. Có người được người thân đến đón bằng xe hơi nhưng phần lớn bọn họ đi đến bến xe bus gần đó hoặc đi xa hơn đến ga metro, họ tách ra đi một mình, lơ đãng ngắm nhìn đường phố hoặc cắm cúi đi nhanh. Sau vài phút lao xao nơi này trở lại yên tĩnh.

 

Một buổi sáng có một người từ cổng nhà tù đi ra, đứng tần ngần ở cổng rồi chậm rãi đi ngược qua bên kia đường. Đó là người đàn ông nhìn qua khó đoán tuổi, vóc dáng cao ráo, mái tóc bạc trắng nhưng gương mặt còn khá tinh nhanh, có lẽ ông chưa đến tuổi 60. Trong bộ quần áo vừa vặn, còn mới, là mode của khoảng mươi năm trước, ông bước vào quán cà phê bằng bước chân nhẹ nhàng có gì đấy đầy cẩn trọng. Đến bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, trong tích tắc ông quyết định ngồi xuống chiếc ghế nhìn về phía cửa. Ông gọi một tách cà phê, mở tờ báo ai đó để trên bàn ra đọc... Khi cà phê được mang đến, ông ngẩng lên nhìn quanh rồi dừng lại ở chiếc đồng hồ treo phía sau quầy hàng.

 

Trên tay ông không đeo đồng hồ như nhiều người đàn ông khác, cũng không thấy ông có điện thoại như mọi người bây giờ. Ông chăm chú nhìn chiếc đồng hồ cổ đang tích tắc với con lắc đong đưa đều đặn, vẻ mặt thoáng buồn... Chậm rãi uống cà phê, ông cầm miếng đường nhỏ ngắm nghía rồi bỏ vào miệng, ngậm một chút và nhai ngon lành như một cậu bé. Nụ cười thoáng qua làm ông trẻ hẳn ra. Tách cà phê đã hết, tờ báo cũng đã được đọc đi đọc lại... Như đã quen với những vị khách như thế, người phục vụ mang đến một tờ tạp chí và chai nước lạnh. Ông khẽ cám ơn và lại chăm chú đọc...

 

Thời gian chậm chạp trôi qua... quán cà phê có khách rồi lại vắng khách. Người đàn ông vẫn ngồi đọc tờ tạp chí mà không ngẩng lên lần nào như không muốn ai nhìn thấy mình. Khi chiếc đồng hồ buông tiếng chuông báo 12 giờ người khách giật mình dợm đứng dậy, nhưng cũng rất nhanh ông sựng lại, ngồi yên trên ghế, hai tay ông từ từ ôm lấy mặt như bị một cơn choáng bất ngờ. Đây là tiếng chuông ông đã chờ đợi nhiều năm… ngay lúc đó một người phụ nữ bước vào quán cà phê.

 

Người phụ nữ đứng tuổi thân hình mảnh mai, nước da hơi khô phủ một lớp phấn mỏng để che bớt gương mặt xanh xao. Mái tóc xoăn xoăn trước trán, đôi mắt to đượm buồn còn giữ được nét đẹp của thời thanh xuân. Chị bước nhanh về phía ông gần như nhận ngay ra ông, và lao vào vòng tay ông khi ấy vừa kịp đứng lên.

 

Họ ngồi đối diện, im lặng, tay đan vào nhau. Ông hôn mãi những ngón tay gầy của chị. Còn chị cứ áp bàn tay ông vào đôi má nóng bừng như đang sốt của mình... Rất lâu, họ vẫn không nói gì. Rồi đồng hồ điểm chuông... rồi lại vội vã điểm chuông. Chị chợt tỉnh, chậm rãi đứng lên như hết hơi hết sức... Ông bước đến ôm siết đôi vai chị đang run lên rồi gần như ông đẩy chị ra khỏi vòng tay mình và ngồi phịch xuống ghế, quay đầu nhìn ra cửa sổ. Ngoài đó... một chiếc xe hơi vừa lướt qua. Trưa tháng bảy nắng đến nhòa mắt...

 

Đến lúc cũng phải đi thôi. Qua quầy hàng ông nghiêng mình cám ơn một cách trịnh trọng và tự nhiên như một quý ông... Đứng dưới bảng hiệu quán cà phê “Bên này thì vui hơn bên kia” ông nhìn sang “Nhà tù trung tâm”. Có lẽ phải ngược lại mới đúng. “Bên kia” là nơi ông đã gửi lại gần cả cuộc đời nhưng “bên này” lại là nơi tuổi trẻ vừa rời xa ông, mãi mãi...

 

***

Tôi được nghe chính người phục vụ quán cà phê kể câu chuyện này trong lần đến P. vừa rồi. Bây giờ anh không còn làm ở đấy nữa, quán cà phê và khách sạn đã đóng cửa. “Bên này” đang xây dựng một siêu thị nhưng nhà tù thì vẫn ở “bên kia”.

Thật thế, anh nói, chẳng biết bên nào vui hơn... Khi hiện diện trong cuộc đời này là chúng ta đã ở trong một thế giới cũng chật hẹp và nhiều ràng buộc như phía “bên kia”. Chỉ khi nào số phận đã “hết hạn” ta sẽ trở về một nơi nào đó, như “bên này”... Biết đâu sẽ vui hơn…

NGUYỄN THỊ HẬU

Sài Gòn ngày 18.8.2018
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 114583)
Con Thạch Sùng chẳng hiểu gì. Tất nhiên. Em không chấp nó. Anh nhỉ. Đứa con của chúng ta đã lớn rồi đấy
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 34628)
Người đàn ông nhìn qua khung kính. Cổng bệnh viện nhộn nhịp người ra kẻ vào. Con mắt hắn dừng lại ở một bóng người. Dáng nhỏ, vạt tóc ngang trán, khuôn mặt trẻ thơ, hai má bầu bĩnh dụ dỗ những ngón tay thích nựng.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 30086)
Anh, anh… chưa nói yêu em, sao anh đã... tụt quần em ra?" Câu hỏi của An rơi vào vùng không khí đặc quánh giữa hai người. Câu hỏi treo lơ lửng trên ngực nàng, câu hỏi nằm nghiêng ngả trên mặt anh. Anh khựng lại, xìu xuống như chiếc bóng xì hơi.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 96841)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 35560)
Chẳng ngờ khi tôi đến bên kia đồi, khung cảnh hiện ra như một vùng không gian huyền hoặc của chuyện cổ tích thơ mộng.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 121844)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 29113)
Hắn gầm gừ như con cọp đói vờn con mồi nhỏ bé trước khi ăn tươi nuốt sống nó. Những âm thanh lí nhí, khùng khục thoát ra từ cổ họng hắn làm tôi hoảng sợ. Đôi chân tôi run lên bần bật, những ngón chân vội xòe ra bám chặt xuống mặt đất. Tôi dáo dác nhìn quanh, mong tìm một lối thoát thân.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 34196)
Tôi là dân thợ mộc, quanh năm xách cưa đục đi kiếm ăn thiên hạ, thỉnh thoảng mới về làng, mỗi lần về lại được nghe một chuyện về Doãng, thật có mà người ta thêu dệt thành giai thoại cũng có, cứ rối tung rối mù chẳng biết đâu mà lần.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 108298)
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 32469)
Thời Pháp thuộc Liên Bang Đông Dương, cha tôi là công chức ngân khố làm việc ở Nam Vang, thủ đô Cao Miên.Tuy làm việc cho Pháp,ông có cảm tình với Việt Minh.