Sáng nay cà phê một mình
Trời chợt lạnh như mùa đông...
Bao giờ người Việt mình không thích thưởng thức cà phê nữa, câu chuyện này của tôi sẽ làm sứ mệnh nằm lặng lẽ trên giá, bụi thời gian phủ mờ, và biết đâu sẽ có một chàng trai một sớm mai thức dậy, quyết tâm lên đường tìm bóng cố nhân.
Tôi đâu biết có ngày mình đi bán cà phê. Đâu biết cà phê trở thành tri âm tri kỷ, làm chứng nhân cho một đoạn đường đi tìm sự hạnh ngộ của một đời người. Tôi chỉ đơn giản muốn thoát khỏi sự bức bối của một đời công chức, muốn có tiền để đi du lịch đó đây. Tôi tính chỉ có mở quán bán cà phê giải khát là nhẹ vốn nhất. Nhưng tôi không tính được một điều, mặt hàng này nhẹ vốn mà nặng công. Giấc mơ đi du lịch của tôi còn lâu mới được thực hiện. Đã vương vào quán xá, đi đâu một bước như có sợi dây vô hình níu kéo trở về.
Tôi hai mươi nhăm tuổi. Cao một mét sáu, nặng bốn mươi chín cân. Mắt hơi to. Tóc hơi dài. Tóm lại, mọi nét trên gương mặt tôi - như mẹ tôi bảo - cái gì cũng hơi quá một chút, nên đàn ông sợ. Có một thầy xem tướng nói tôi phải làm lễ cúng hình nhân thế mạng cắt tiền duyên dưới âm, nếu không sẽ không lấy được chồng. Mẹ tôi bảo mấy ông thầy cúng toàn kiếm chuyện tầm phào, nếu đã là số phận thì cứ để cho nó tự nhiên, tiền nào lễ nào thay đổi được số phận? Tôi lặng lẽ tính chuyện đi bán hàng.
Giấc mơ kiếm tiền của tôi là một quán cà phê nằm đối diện một mặt hồ nhỏ giữa lòng thành phố, lẫn trong một khu tập thể. Ở đây cư dân chủ yếu quen sống với thời bao cấp.. Ai lỡ quen miệng uống cà phê thời còn là lính tráng đóng quân trong đất Sài Gòn hoa lệ, nay hưởng lương hưu, sáng dậy xúc phin tự pha cho mình một tách uống từ khi mấy bà mấy cô đi chợ rau ngang qua. Khi đó mặt trời còn chưa mọc. Linh hồn người lương thiện chơi vơi bay bổng đi tìm giấc mơ viên mãn riêng mình trên gối. Linh hồn những kẻ xấu đã choàng tỉnh, tính mưu kế cho ngày mới. Tách cà phê pha lấy uống một mình ở nhà giống như uống nước gạo, dù cà phê mua được có ngon đến mấy. Nhưng lương hưu chỉ đủ cho sự xa xỉ mỗi tháng chừng vài ba lần ra quán. Những cán bộ viên chức nhà nước được phân nhà hoặc mua được căn nhà tập thể khu vực quanh hồ thì quanh năm bận rộn với những ứng phó ở cơ quan, uống cà phê tính mưu diệt sếp cũng chỉ ở những quán gần cơ quan. Mà các cơ quan thì cứ ở đâu đâu trên phố. Những bà nội trợ ít có cơ hội vào quán vì trăm ngàn lý do. Hình như quán xá chỉ hợp với những nam thanh nữ tú. Mà nam thanh nữ tú ngày nay chỉ thích được thể hiện.
Quán của tôi thì họ thể hiện được cái gì? Hoa hồng mỗi bàn một bông. Cà phê phin đặc sánh giỏ xuống giọt một chỉ hợp với người thanh tao. Tranh sơn dầu bảy bức treo trang nghiêm trên tường cùng ánh đèn hắt sáng dịu, đủ để nhắc nhở khách bước vào đây hãy làm người lịch lãm. Lịch lãm thì cánh thanh niên có thừa, nhưng họ đi quán không phải để chủ quán thừa nhận sự lịch lãm có thừa ấy. Họ đi quán để thể hiện những cái mà hàng ngày cứ phải ém lại. Quán nào tìm được mẫu số chung cho các loại đối tượng, làm cho họ được bung ra thoả thuê, không phải kìm giữ, nén nhịn, lại còn được vui vẻ hồ đồ, quán đó sẽ thắng.
Quán đối diện mặt hồ của tôi ban đầu vậy là thất bại. Nên tôi phải tính đến phương án hai.
Trong phương án hai này của tôi, Quản chỉ có mặt ở phần đầu.
Quản đầu bốc, tóc lúc nào cũng xịt keo bóng mượt. Anh chỉ sinh động và khôn nhất lúc tán gái. Đang lúc thất nghiệp thì Quản gặp tôi. Nói dăm ba câu chuyện khiến tôi mủi lòng. Sau này tôi mới biết có đến tám mươi phần trăm là bịa đặt.
Gia đình tôi toàn đàn bà. Mẹ, chị và em gái. Mẹ già rồi không kể. Chị đã hai mươi chín tuổi vẫn chưa có một mảnh tình để tự hào với hàng xóm. Hết giờ làm việc, chỉ thấy chị sướt mướt với những cuốn tiểu thuyết. May mà chị không phải là đàn ông, nếu không chị còn sướt mướt lâm ly với những vại bia hơi ngoài phố hàng chiều, bán mông cho ghế, bán mặt cho bụi. Kết quả sẽ vác một cái bụng phưỡn, vô phúc thay vì không phải bụng chửa hoang. Vì bụng chửa hoang còn đẻ ra một con người. Còn bụng bia thì chỉ khổ tấm thân. Chị bảo bán cà phê là ngôn từ thuộc nhóm xã hội khác, không thuộc thành phần gia đình mình. Nếu Ty thích bày trò, đừng để lộ địa chỉ nhà kẻo về sau ma cà phê lởn vởn phá quấy. Tôi nhìn chị gái ngạc nhiên. Trí tuệ sắc sảo của chị chỉ để thi thoảng bật ra những câu thật kỳ ngộ. Tôi nhớ ngày còn nhỏ khi được đi chơi ở một vùng đồi trung du, chúng tôi đã được nhìn thấy bạt ngàn cây cà phê xanh mướt. Những nhánh lá xanh che chắn những miệng giao thông hào tránh bom Mỹ ngày xưa chạy nhằng nhịt khắp mặt đất. Đến mùa thu hoạch cà phê, những quả cà phê đỏ rực chín mọng dưới nắng. Lũ trẻ con ngắt quả chín nuỗng ăn ngọt ngọt ngái ngái. Đêm về tỉnh như sáo không sao ngủ được. Mùi cà phê len lỏi cả trong giấc ngủ chập chờn. Cả vùng ngút ngàn hương quả cà phê chín cây. Người ta thu hoạch về, lọc hạt, rồi đưa qua các công đoạn rang xay, hoặc bán hàng tấn hạt cho các lò rang xay nổi tiếng ở Hà Nội.. Mùi cà phê rang xay quyến rũ lan toả khắp không gian rộng lớn. Nhưng rồi cây cà phê lụi dần do không hợp khí hậu, không hợp đất, do chiến tranh và do những điều gì nữa thì tôi không được biết. Tôi quên dần hình ảnh cây cà phê đong nắng gió ngày nào.
Em gái hai mươi ba tuổi, đi làm về là lao vào buồng tắm, một lúc sau mặc bộ đồ “tắm phố” bước ra trước bàn trang điểm, rồi lên xe đi ăn chân gà nướng hoặc hát karaoke với đám bạn không rõ xuất xứ lai lịch tới nửa đêm.mới về.
Không ai giúp tôi thực hiện giấc mơ kiếm tiền để đi du lịch.
Một đêm rạng sáng, tôi choàng tỉnh giấc đúng vào thời điểm tỉnh giấc của lũ quỷ dưới địa ngục, tính mưu sử dụng Quản một thời gian. Chỉ một thời gian thôi để có khách quen, để cho quán xá có bóng dáng đàn ông con trai không ai dám bắt nạt, để rồi Quản còn đi tìm việc khác có tương lai hơn. Người như Quản có lẽ thích hợp với những nơi quán xá, vì giọng điệu và bộ dạng mượt mà giả dối của anh ta, tuy trí tuệ Quản thiểu năng và trái tim Quản nhũn. Có được một người đứng như con công trước cửa, may ra quán xá sẽ thêm phần phấn chấn.
Quản bảo:
- Tôi chỉ biết dắt xe. Chưa biết pha cà phê. Nói trước để cô khỏi vỡ mộng.
Tôi đẩy Quản vào bếp, đặt từng cái phin nhỏ lên đĩa cân:
- Anh cũng văn vở gớm. Nhớ là lượng cà phê chỉ được đong đúng đến vạch này thôi nhé. Để ủ đúng một phút. Lấy đá với thìa cho vào cái cốc thuỷ tinh lùn. Chuẩn bị xong hết mới rót nước vào phin. Nước phải lấy nước lọc đun sôi sùng sục mới pha được cà phê. Rót nhẹ tay, ấn nhẹ núm phin cho cà phê giỏ từ từ. Lượng nước thế này là vừa. Nếu khách muốn uống nhanh thì để lỏng cái chặn. Muốn uống nhanh nữa thì đánh bọt cà phê pha sẵn...
Tôi dạy Quản pha trà, làm sinh tố. Học xong mấy bài học chiêu khấch, Quản ôm ghi ta ra ngồi ngay cửa quán tấu khúc xẩm nam ai biến tấu:
“Yêu anh đi. Nhà anh có đàn gà rù.
Chết lại thịt...”
Tôi nhăn mặt:
- Anh Quản định đuổi khách đi hay sao thế?
Quản nhìn quanh như kẻ mộng du:
- Đã có khách đâu. Tôi muốn cô vui thôi mà.
- Có khách tôi mới vui. Anh hát bài nào khiến thiên hạ phải mủi lòng bước vào quán, tôi thưởng công anh.
Quản so dây một hồi. Đầu cúi xuống ra dáng nghệ sĩ. Giọng ca bi thương hơi lạc lõng với tiếng đàn và với không khí vừa buông ra từ những ca từ trước:
“Sáng nay nghe mưa trong lòng.
Trời chợt lạnh như mùa đông
Nhớ em bao nhiêu cho vừa
Em ơi em ơi.
Sáng nay cà phê một mình...”
Thế mà Quản cũng kéo được khách vào quán. Khách là hai ca ve trông không được “đắt hàng” lắm. Hai cô ngập ngừng trước cửa quán, phía bên kia mép hồ. Ca từ “sáng nay cà phê một mình” được láy đi láy lại. Hai cô mạnh dạn bước sang. Nom Quản như một ông chủ trẻ. Không ai biết Quản không có nổi tiền cho một bữa cơm xoàng. Cậu bé nhân viên tôi mới thuê chạy lăng xăng chào mời. Quản gác ghi ta, đứng lên đưa menu cho khách mở hàng. Hai cô gọi hai tách trà dimah bạc hà nóng. Quản nhìn ca ve mũm mĩm, mắt sáng rực, vấp phải cái chân bàn làm đổ tung toé tách trà bạc hà nóng vào đùi cô ta. Bạc hà bốc hơi vừa nóng vừa lạnh. Cô ta rú khẽ. Vén vội lần váy thấy đỏ ửng một khoanh giữa cặp đùi trắng nhẫy. Quản cuống, nhưng vẫn tranh thủ đưa tay bóp bóp xoa xoa. Cô ca ve khẽ rên rỉ nũng nịu:
- Anh bán hàng kiểu gì vậy? Anh định nuôi tôi suốt đời à?
Căn bệnh cố hữu của cánh các cô gái ăn sương có lẽ là sự ngộ nhận về tình yêu thương của thế giới đàn ông.
Một thanh niên nom bảnh bao bước vào quán. Mắt đảo một vòng khắp lượt quang cảnh quán mới, buông sõng câu:
- Đen đá!
Tôi lấy tấm thân tội nghiệp của mình làm bình phong đứng chắn giữa cặp mắt cú vọ và cái đùi non bị bỏng. Giọng hỏi khách hồi hộp:
- Đen số mấy ạ?
Thanh niên hất hàm vẻ sành điệu:
- Trung Nguyên à?
Tôi vừa kịp chấn tĩnh (vì chưa quen tiếp khách quán), lấy giọng bán hàng có vẻ đã chuyên nghiệp:
- Ở đây chúng tôi có đủ loại: cà phê Nhân, cà phê Mai, cà phê Giảng và cà phê Trung Nguyên. Nhưng dạo này mọi người thích dùng Trung Nguyên pha phin nên ở đây chuyên Trung Nguyên pha phin.
Một cái ngáp và một cái phảy tay:
- Rõ rách việc. Pha chồn đi. Chỉ nên chọn một loại thôi mới có phong cách riêng.
Cậu nhân viên giúp việc và Quản cùng dạ rồi chen nhau sau quầy bar để pha chế. Hai cô ca ve uống hết nước, gọi nũng nịu:
- Anh gì ơi tính tiền.
Quản nhìn tôi cảnh giác. Rồi liếc ca ve mũm mĩm:
- Thôi, anh lấy mở hàng một trà, còn một tặng khuyến mại.
Cô ca ve gầy bấy giờ mới lên tiếng:
- Thế còn chỗ bỏng?
Quản vuốt làm duyên mái tóc xịt keo:
- Mới thế đã gọi là bỏng. Cho mình xin lỗi lấy chỗ đi lại.
Ca ve mũm mĩm cười duyên:
- Anh nhớ nhé. Chúng em ở trên gác kia kìa. Khi nào rảnh mời anh chị lên chơi.
Tách chồn được bưng ra. Thanh niên uống chồn rung rung cặp đùi ếch, nhìn chòng chọc hai ca ve. Quản tiễn hai cô ra cửa, thì thầm điều gì đó tôi không nghe được. Quản vào thấy hai mắt tôi nhìn trừng trừng thì sợ hãi lùi sau quầy bar. Tôi rành rọt:
- Tôi không thể chấp nhận thói đàng điếm của anh. Ai khiến anh quyết định khuyến mại một trà?
Quản cúi cái đầu xịt keo chứa bộ óc thiểu năng, nói rành rọt:
- Tôi sẽ trả tiền.
Tôi càng cáu:
- Tôi bảo vậy không phải bắt anh trả tiền bao gái. Mà để anh bán hàng phải có nghệ thuật moi tiền của khách. Anh tưởng anh có tiền là sẽ giải quyết được mọi sự sao?
Thanh niên uống chồn nói vóng vào:
- Ngồi ghế này đau lưng bỏ mẹ. Thay ghế khác may ra có khách.
Cuộc cãi vã kết thúc.
Hôm sau tôi tìm đến cửa hàng bán hàng mây tre xuất khẩu của con bạn, lục ra một đống ghế tre hợp với hàng cà phê. Thuê tắc xi tải chở về. Bộ mặt quán quả nhiên khác hẳn. Mặt Quản tưng bừng như trẻ con thấy nhà có cỗ. Quản đến gần tôi:
- Xin lỗi Ty!
Tôi ngạc nhiên:
- Xin lỗi cái gì? Anh lại gây ra chuyện gì phải không?
- Xin lỗi chuyện hôm qua. Tôi chỉ định chiều khách chứ không có ý gì. Mấy đứa con gái đó sao dám so với Ty. Loại đó động tay phải người chúng, rửa tay không sạch.
- Còn động cái khác thì đâu cần rửa, hả? Bây giờ thiên hạ nhân thiên hạ tài. Cái gì cũng có bao bì. Sạch sẽ lắm.
Quản trợn mắt:
- Ty ăn nói vừa thôi. Con gái chưa chồng mà nói như con mẹ hàng dưa. Đây không phải hạng người nghe sao cũng được đâu nhé.
Lần đầu tiên tôi thấy Quản cáu.
- Không phải tôi coi thường gì anh. Nhưng anh tính đàn ông thời loạn này thật đúng là chẳng tin được ai.
- Ty đi bán cà phê mà vẫm chẳng thay đổi được tư duy phong kiến. Vui vẻ một tí đã mất gì nào?
- Thế còn tình yêu? Còn những giá trị vĩnh hằng?
- Đừng tin gì hết. Ngay cả mình Ty cũng đừng tin. Nhưng mà cũng đừng bi quan chán nản. Như mình đây này...
Khách ở đâu kéo vào nườm nượp. Hết tốp này đến tốp khác. Không còn thời giờ để tranh luận, để Quản gảy đàn bài “Cà phê một mình”. Nhưng giờ đây tôi nhìn Quản đã khác hẳn. Vẻ ngu đần đã nhừng chỗ cho thái độ của một người đàn ông chân chính.
Em gái bước vào quán, nhìn Quản chòng chọc. Thò tay vào lọ mơ muối vớt ra một quả đút vào miệng.
- Chị kiếm đâu ra cái thằng cha căng chú kiết đấy hở? Cẩn thận có ngày sa chân lỡ bước với kẻ ăn mày.
Tôi cáu:
- Đi chơi suốt không giúp được chị thì đừng có chõ mõm vào việc của chị.
- Em giúp chị là giúp như thế. Chị còn mơ màng lắm. May ra bán quán sẽ giúp chị mở được mắt đấy. Hoan hô cà phê!
Rồi nó lên xe phóng vụt đi. Mắt Quản tia theo bàng bạc ánh sương chiều.
*
* *
Mở quán được một thời gian thì Quản bảo tôi anh phải đi xin việc. Tôi nhẩm tính có lẽ đã đến lúc cho anh ta đi được rồi. Tôi dồn tiền đưa Quản ba triệu lấy vốn đi xin việc.
Nhưng Quản lại vào nằm ở bệnh viện để bó bột cái chân gãy. Tôi không vào thăm Quản được vì bên Quản đã có một người con gái. Vào cái ngày anh bảo tôi anh phải đi làm thử việc, mẹ cô gái có đến tìm tôi. Tôi sững sờ. Hoá ra Quản đem lòng yêu thương cô ca ve mũm mĩm ngày nào. Tôi không yêu Quản. Nhưng lòng tự ái của con gái bị tổn thương. Quản từng bảo tôi đi bán cà phê mà phong kiến. Quản bảo tôi đừng tin ai, ngay cả anh. Tôi tự hỏi sự tầm thường của Quản chiếm bao nhiêu phần trăm? sự cao cả của Quản chiếm bao nhiêu phần trăm trong cái khối óc thiểu năng của anh so với con mắt đời thường?
Sau này, vào lần gặp tôi cuối cùng, Quản kể lại anh đã nhìn thấy một con chim lợn bay sà xuống mái nhà vào cái đêm anh quyết định chia tay với tôi và quán cà phê.
“Ty từng nói ai phản bội Ty, người ấy sẽ bị trời trừng phạt. Ngày ấy tôi đã chuẩn bị tinh thần để trời trừng phạt, vì tôi biết tôi đã bỏ mặc Ty lúc khó khăn. Thân con gái dặm trường, Ty làm sao kham nổi chuyện quán xá. Nhưng Ty có ý chí sắt đá. Còn tôi thì trót làm cho cô ấy có mang...”
Nước mắt tôi chảy xuống. Quản không phải là người đàn ông của tôi mà sao lòng tôi thấy bẽ bàng. Không lẽ tôi suốt đời bị đàn ông bỏ mặc, kể cả đàn ông thiểu năng trí tuệ?
*
* *
Tôi tiếp tục cải tổ quán cà phê của mình. Bạn bè và khách quen mỗi lúc một đông. Nhưng tôi cứ có cảm giác hoang vắng thế nào. Có thể có đủ tiền để đi du lịch, nhưng đi đâu? đi với ai đây?
Một trong bảy bức tranh sơn dầu tôi treo có khách hỏi mua. Họ trả giá, nhưng tôi ngần ngừ chưa muốn bán vì sợ không còn tranh. Người vẽ bức tranh này là Sơn, bạn đồng nghiệp của tôi. Ngày nghe tin tôi mở quán, Sơn đến ngắm nghía quanh bốn bức tường rồi quyêt định đem hai bức đến treo cho tôi. Thế rồi cậu ta lại biến mất. Kể cả số di động cũng thay đổi.
Tôi tìm Sơn ở trong các quán bar trên phố cổ. Có người mách, cứ tìm đến những chỗ vui chơi nhảy nhót của khách nước ngoài, may ra gặp được Sơn. Tôi len lỏi vào những vũ trường. Rồi tìm được Sơn trong một vũ hội do các quán bar chung nhau tổ chức cho khách nước ngoài. Sơn là một trong những chủ quán bar đó.
Chúng tôi nhảy nhót và cười đùa. Uống rượu ngoại và thức đêm. Bỏ mặc quán cà phê cho đám nhân viên là sinh viên trông nom, tôi lao vào các cuộc vui chơi hồ đồ.
Vào một buổi sáng, tôi ra quán với một tâm trạng trống rỗng. Tôi nhìn thấy một người đàn ông trẻ ngồi uống cà phê lặng lẽ ở một góc quán. Từng giọt từng giọt một rơi xuống tách trong không gian đặc quánh mùi cà phê. Tôi đi ngang qua. Như có điều gì lạ lẫm dâng trong ngực. Tôi ngồi xuống góc quầy bar quen thuộc, lôi cuốn truyện ra đọc. Không nhạc. Không tiếng động trong quán. Chỉ có tiếng giọt cà phê tí tách rơi trong trí tưởng tượng của tôi và tiếng từng trang sách giở ra nhẹ nhàng. Rồi mưa thổi xuống. Mưa rây cuối hè đủ làm tan đi từng vầng bụi mỏng. Người đàn ông đứng lên trả tiền.
Anh đi rồi, tôi nhấc phin cà phê của anh mang vào pha lại. Tôi chờ nước hai nhỏ xuống lưng tách rồi nhấp từng ngụm cà phê nước hai sánh vàng. Tôi tập uống từng ngụm đắng. Ngồi đúng chỗ người vừa đứng lên.
Từ ngày đó, tôi đến quán sớm, chờ người ấy quay lại.
Một ngày. Hai ngày... Tôi lôi cây ghi ta ra gảy khúc hát ngày nào Quản vẫn đem ra làm bài chiêu khách mà lòng tôi khắc khoải:
“Sáng nay nghe mưa trong lòng.
Trời chợt lạnh như mùa đông
Nhớ em bao nhiêu cho vừa
Em ơi em ơi.
Sáng nay cà phê một mình...”
Chị gái ghé thăm quán. Nhìn thấy tôi ôm đàn tóc xoã vai, mắt mờ vì lệ nhìn ra con đường trước quán, chị ôm chầm lấy tôi vỗ về:
- Em ơi, chị sai rồi. Lẽ ra chị không nên bắt em giấu nhà giấu cửa thân gái một mình làm gì. Cứ để cho ma cà phê lởn vởn quanh nhà, may ra em mới có cơ hạnh phúc. Em thương ai nhớ ai, để quán đó chị trông mà đi tìm họ. Em đừng sống bằng lý trí nữa. Hãy sống bằng tất cả trái tim mình. Người ấy là ai?
Tôi nhìn chị, nở nụ cười buồn:
- Chị ơi, em đâu biết người ấy là ai...
Chị nhìn tôi, như nhìn cái cành cà phê ngày nhỏ chị bẻ gãy lìa khỏi thân cây, nhựa ứa ra đến xót xa, như nhìn một cây cà phê biết khóc.
Tôi mở quán từ sáng sớm đến đêm khuya. Không đi đâu nữa. Tôi chờ người quay trở lại.
Võ Thị Xuân Hà
- Từ khóa :
- VÕ THỊ XUÂN HÀ