Sáu tấu khúc của một tuổi hoa niên đến khi chấm dứt vẫn là đột ngột. Tôi từng tự hỏi nén được không những thứ như tình yêu, quá khứ, kỷ niệm và cả mặt đại dương đã tràn vào phố? Tôi tự trả lời là một giọt nước mắt cắt làm sáu khúc vẫn giữ nguyên những óng ánh trong suốt của tuổi thơ và niềm chua xót. Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình. (Trầm Hương)
Hồ nước
Căn nhà của tôi cao ốm, bốn tầng lầu đứng chen chân trong khu phố sầm uất mà sân thượng trơ trọi giữa trời với tầm nhìn quanh vun vút xa. Sân thượng im lìm tựa đám mây treo trên cao ngắm nhìn những hình ảnh bận rộn không âm thanh của nhịp đời dưới phố. Đôi khi sân thượng thở nhẹ bằng những hơi gió đứt đoạn làm nhiễu mặt nước của chiếc hồ to nằm lặng lẽ chờ những trận mưa qua.
Trong ký ức sớm nhất, tôi đã rất thích tắm mưa. Khi mưa đổ xuống gợn sóng mặt hồ, mấy chị em tôi thích thú leo vào tạt nước cho sóng cao hơn. Chúng tôi nhảy nhót trên đầu ngón chân, nước ngập khoảng vai và mưa trút trên đầu. Chúng tôi cười nghiêng ngả như những lần bị sóng Vũng Tàu đánh bật. Trong chơi vơi, tôi rơi vào vùng biển thâm sâu, nơi ánh sáng xuyên qua khó khăn mà sự sinh dưỡng vẫn không ngừng phát triển. Nền biển nhấp nháy màu sắc của vô số đàn cá rực rỡ lượn quanh những cụm lá thuôn dài. Lá không ngừng uốn mình theo dòng nước đùa vui chung với bầy cá. Tôi làm công chúa nhỏ được cha Long Vương cưng chiều, đưa đi nhặt những cánh sao rơi cất vào bảo tàng của mình. Mỗi cánh sao rơi là tặng phẩm của trời đem chút ánh sáng đến lòng biển tăm tối. Sóng xô đẩy tôi ra rồi tấp vào lại giấc mơ. Đến khi người lớn lôi chúng tôi ra khỏi hồ, đứa nào cũng đã thâm đen nhăn nhúm như quả táo tàu.
Mùi thuốc phiện len qua khe cửa của một căn phòng nhỏ ở lầu ba. Mùi thơm ngọt ngầy ngậy quyện vào không gian muốn biến những nơi mình qua thành cõi u mê. Những buổi sáng trễ học, tôi ôm cặp thấp thỏm trước cửa phòng, muốn gõ cửa, muốn nhắc bố chở đi học mà không dám. Tôi dán mắt vào khung kính mờ nhưng không lần nào tìm thấy gì hơn một ngọn lửa nhỏ leo lét. Bố rất thương tôi, khi trở ra sẽ chở tôi đi học. Mẹ kể khi tôi mới chào đời, buổi chiều mát, bố thường ẵm tôi trên tay ngồi xích lô dạo quanh phố phường. Tôi được vài ba tuổi, bố bắt đầu cho đứng phía trước xe vespa chở đi hóng gió. Sau này tôi có nhiều em, bố vẫn thương nhất đứa con gái đầu lòng. Nhưng khi bố vào căn phòng đó, dù trời sập bên ngoài, tôi cũng không được phép gõ cửa.
Bà nội cho tôi niềm tin vào cuộc sống. Những buổi sớm khi cả nhà còn yên giấc, tôi dậy theo bà hái hoa cúng Phật. Gốc hoa sứ trồng trong chậu nên không được cao, nhưng nhánh xòe ngang đến mấy thước ra vô số hoa trắng nõn nhụy vàng. Tôi đi trên cạnh hồ nước với tay bẻ nhẹ cuống hoa đặt vào chiếc rổ trong tay bà. Cánh sứ màu sữa nhã nhặn thoảng hương tinh khiết, đẹp như một điều thiện. Hai bà cháu đem hoa vào phòng thờ xếp lên những đĩa tráng men, thay đi hoa cũ. Bà thắp ba nén nhang vào chiếc lư trên mỗi bàn thờ rồi quỳ trước Phật Như Lai gõ mõ tụng kinh. Bà thuộc nằm lòng những lời kinh tiếng Phạn, dù bà không hiểu gì song vẫn đọc rất thành tâm, mong đức Phật độ cho con cháu bình an. Bà còn dạy tôi hứa ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ và không được nói dối rồi Phật sẽ độ cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống mai này. Tôi quỳ cạnh bà, đã quen quỳ ngay ngắn với hai tay chắp lại, khấn nguyện nhiều lần lời hứa. Tôi thấy đức Phật trên cao mỉm cười hiền lành, như ngài bằng lòng ban phát cho tôi một sự che chở bao la. Đợi bà tụng kinh xong, hai bà cháu tiếp tục sang khấn vái trước bàn thờ Quán Thế Âm, bàn thờ Quan Công rồi bàn thờ tổ tiên. Như thể bà quyết tâm xin cả đất trời trông chừng chúng tôi, cho tôi niềm tin rằng cả đất trời trông chừng mình.
Bà nội mất năm tôi mười một tuổi. Ngày ấy, nhiều cơn giông không ngừng đi qua sân thượng, nước dâng đầy hồ rồi tràn ra ngoài, trôi đi hết bảo tàng của công chúa nhỏ. Tôi cầm giải khăn sô trắng buộc lên cây sứ rồi ngồi lặng lẽ trên cạnh hồ. Mưa rơi trên cây sứ khiến hoa lá tang thương, tôi cũng không phân biệt được nữa đâu là nước mưa đâu là nước mắt của mình. Trong hồ, chiếc bóng công chúa nhỏ nhìn vô cùng ủ rũ. Chắc cô buồn vì bảo tàng đã trôi xa, mà cô lo cha Long Vương sẽ không đưa cô đi nhặt sao rơi nữa. Cô khóc nức nở không ngừng, nước mắt lênh láng làm nhòa mặt hồ và bóng cô tan mất. Tôi đoán cô sẽ không quay về, mặc tôi và cây sứ nhớ thương bà. Buổi chiều hôm ấy, bà than không khỏe bảo tôi gọi bố. Tôi đứng chần chừ mãi trước ngọn lửa leo lét, ngón tay gắng gượng gõ trên mặt kính không gây nổi mấy tiếng vang. Trả lời tôi là sự im lìm vô vọng của mùi hương ngầy ngật mê man. Trên đường mẹ đưa bà đi nhà thương, bà thấy mệt dựa vào mẹ ngủ êm đềm không dậy nữa. Mẹ nói bà có tâm nguyện về nương tựa tại chùa Hương Tự ở miền Bắc. Quê bà xa vời như trong chuyện cổ tích, nên bà cần bỏ thân xác nặng nề để linh hồn nhẹ nhàng bay về. Nơi bà muốn đi, bà sắp đến. Niềm tin bà muốn thấy trong lòng tôi ở mãi với tôi.
Căn phòng nhỏ ở lầu ba nuốt dần bố. Mẹ một mình quán xuyến việc buôn bán cùng những việc trong gia đình không còn thì giờ dạy học và kể chuyện cho chúng tôi nghe. Tôi đã biết tự đi bộ đến trường, mà tôi không ngại đi bộ, nhưng tôi nhớ những hôm hai bố con ghé qua quán ăn sáng. Bố luôn gọi hai tô phở và hai ly cà phê, một ly nhiều sữa ít cà phê. Tôi nghiện sự quan tâm của bố khi dặn dò đến mấy lần rằng một ly chỉ lấy tí cà phê, nghiện một sở thích duy nhất mà bố đã chia xẻ với mình. Tôi đã từng mong được hơn. Bố cũng vậy, cũng từng mong tham dự hơn vào đời sống của gia đình. Bố đã tự giam mình trong phòng ba ngày để cai thuốc, chịu trải qua những dằn vặt thân xác. Khi trở ra dù còn yếu mệt, bố bảo tôi đi mua mấy xe đồ chơi con về để dạy tôi luật đi đường. Những bánh xe con lăn trên mặt bàn đem về làn gió mát rượi của những buổi chiều tôi đứng trên xe vespa, cho tôi niềm hy vọng được bố tiếp tục chở đi vào những ngõ ngách mới. Nhưng tôi còn chưa hiểu luật thì ánh lửa leo lét lại soi qua tấm kính mờ, thiêu tàn rụi những ý chí cuối cùng của bố. Bị bỏ rơi, mấy chiếc xe con nằm vô tri vô giác tựa như lòng đứa trẻ không còn biết trông mong. Dù vậy, tôi vẫn tin rằng bố rất thương mình. Chỉ là cơn nghiện, giống sự khao khát một ly cà phê, thật khó từ bỏ.
Trong nắng gắt mưa giông, thân hoa sứ cùng với tôi tiếp tục trưởng thành. Gốc cây to ra nhờ những luồng nước đổ xuống từ trời hòa với đất đem dinh dưỡng thấm vào cây. Vài chiếc rễ vỏ sần sùi đủ tự bảo vệ, bật khỏi mặt đất vươn về hướng nguồn nước. Những chùm hoa đua nhau trổ rộ trong nắng. Không có bà và tôi thường xuyên hái, những cánh hoa mơn mởn đành héo úa lìa cành, xác mục rã lại thành đất nuôi cây, và sự sống luân chuyển tiếp tục như chưa từng mất mát. Tôi cũng không còn là đứa trẻ cần nhón chân lên để tránh nước ngập miệng. Mực nước hồ thấp dần xuống ngực, thân thể nhú lên dưới làn vải ướt khiến mấy chị em chúng tôi ngượng ngùng thôi dầm mưa chung. Vắng tiếng cười đùa, sân thượng ngập một nỗi buồn cô quạnh, và lòng tôi hứng giá lạnh của mưa. Giữa tầng mây xám dầy che tối bầu trời và nền xi măng xám đen là không gian mù của vùng trí tưởng. Một mình tôi buông thả thân thể nổi trôi trong thênh thang, tâm hồn mong manh như hạt nước rơi sắp vỡ trên thành hồ. Mưa không ngừng tuôn tràn, nước không ngừng rơi vỡ. Những hạt nước rào rạt trên da tôi để lại những vết kim xâm âm âm vô hình. Tôi ngắm chúng, cảm giác lạ lẫm như đang có những mầm non bé tí trồi từ da thịt mình, mọc lên và hoá thành những suy nghĩ lãng mạn nhẹ nhàng bay theo trận mưa.
Đến cuối mùa, trời gom những đám mây đen còn lại đổ hết một trận mưa sau cùng. Mưa từ rất cao, rất xa, giăng xuống tựa một tấm màn khổng lồ với nhiều lớp mỏng lung linh như kết bằng thủy tinh. Những lớp màn tung trong gió uốn lượn quanh tôi, rồi vỡ ra thành trăm nghìn viên nước đá nhỏ li ti. Những viên đá thủy tinh phản chiếu ánh sáng long lanh, khi va chạm vào nhau gây ra âm thanh rổn rảng, mà rơi xuống mặt hồ nhẹ nhàng như bụi rồi tan thành dòng nước lũ ấm như hơi thở. Dòng nước ấm áp tuôn tràn bao ngộp lấy tôi, khiến làn da tôi trở nên trong suốt như đang hòa vào nước. Nhịp mưa có khi dồn dập từng lúc, nặng nề trên nền xi măng rồi lại mềm mại khi chạm vào nước hồ, hòa với tiếng phong linh ngân của gió tạo nên một bản đàn kỳ bí.
Tiếng phong linh vẫn ngân, nhưng tôi vừa bắt đầu nghe thấy.
Tháng Tư
Một buổi sáng tháng Tư, nắng còn mới trên sân sỏi, những tiếng nổ ầm vang từ xa làm náo động toàn trường. Thầy giáo và chúng tôi kinh hãi chui xuống gầm bàn. Đợi một lúc không còn nghe nổ, thầy cô triệu tập các học sinh trước phòng giám thị rồi vội vã ra về. Chúng tôi đứng hoang mang không bao lâu thì phụ huynh lần lượt đến. Họ có vẻ lo lắng vì thấu rõ việc gì sắp xảy ra, nên hấp tấp. Chỉ hơn một giờ sau sân trường vắng tênh, còn lại mình tôi với một con bé cùng lớp. Con bé cao khoảng tôi, mái tóc đen mượt dài đến ngang lưng khác với mái tóc nâu ngắn của tôi. Chúng tôi nhìn quanh rồi xích lại gần nhau để giảm bớt sự trống trải. Mấy năm chung lớp, hai đứa ít khi trò chuyện nhưng lúc ấy lại có chung sự lo lắng. Chờ thêm một hồi, cô giám thị bảo chúng tôi tự về vì cô phải đóng cửa trường. Cánh cổng nặng nề đóng sập lại sau lưng khiến chúng tôi giật mình nắm chặt tay nhau. Các ngón tay của con bé giúp tôi cảm thấy bớt bơ vơ. Phố xá vắng vẻ đến lạ lùng. Sự nguy hiểm nào đó đang rình rập, có thể sau những tàng cây xao xác hoặc từ những trực thăng sẽ vụt ra từ trời cao. Khi chúng tôi thả tay, những ngón tay vô hình của con bé vẫn còn nằm yên trong lòng tay tôi và mãi mãi, dù chưa ý thức, chúng tôi đã thành đôi bạn thân. Chúng tôi về đến nhà bình yên, nhưng sự hỗn loạn trong thành phố chỉ mới bắt đầu.
Hỗn loạn lên cao ngày những bánh xe tăng khổng lồ cán trên mặt đường. Mẹ tập họp gia đình và những người giúp việc vào một phòng giữa tầng trệt, tránh pháo kích, bom đạn từ máy bay trên trời và từ ngoài đường bắn vào nhà. Mẹ đã có chuẩn bị sẵn, trữ thêm gạo và mua một số bao cát chất chung quanh phòng. Mẹ còn cột vào người mỗi đứa một bao nhỏ đựng ít tiền, lương khô và giấy ghi rõ tên tuổi cha mẹ đề phòng chạy loạn bị thất lạc, và giao mỗi đứa cho một người giúp việc. Chúng tôi ngồi bệt trên nền nhà, trong tầm che chở của những bao cát, chuẩn bị chịu đựng một tai biến khủng khiếp. Mẹ dặn dò xong, căn phòng chỉ còn tiếng máy phát thanh. Những người lớn chăm chú nghe, thỉnh thoảng một người chạy ra cửa trước nhìn qua kẻ hở xem động tịnh ngoài đường. Tôi cố gắng chú tâm đọc thầm những lời cầu nguyện bà đã dạy để xua đuổi những hình ảnh đói khát và đổ máu cứ hiện ra trước mắt. Bỗng có tiếng đập rầm rầm lên cửa khiến chúng tôi giật thót người. Bố đưa tay ra dấu cho mọi người ngồi yên, một mình bước ra phía trước và trở lại mau với sáu người lính Cộng Hòa. Họ mặc quân phục tay cầm súng ống, yêu cầu cho lên sân thượng để nhìn xuống đường cho rõ. Có lẽ họ chọn nhà tôi vì căn nhà cao nhất khu phố. Mẹ lo căn nhà sẽ biến thành một bãi chiến trường, năn nỉ họ rời khỏi với lý do nhà rất đông con nít. Những người lính ngồi trên những chiếc nón sắt úp xuống nền, băn khoăn nhìn về phía chúng tôi như không biết phải tính sao. Mỗi thời khắc trôi qua nặng nề trong lòng chúng tôi, và có lẽ, cũng không yên lành trong lòng họ. Một lúc sau, họ đứng dậy bỏ đi. Chúng tôi lại quay về với sự chờ đợi hồi hộp trong bất an, cho đến khi đài phát thanh loan tin bàn giao và bố kết luận không cần chạy nạn nữa. Tôi thấy bố mẹ chỉ ứa nước mắt được một thoáng rồi lại lo lắng bàn về những bất định sắp tới. Thỉnh thoảng hai tiếng "hòa bình" vang lên rồi lại lấp đi bằng các chữ "di cư", "quân quản"… Tôi linh cảm ngày cuối cùng của tháng Tư đã xóa đi thành phố tuổi thơ của mình và cuộc sống trước mặt sẽ đếm từng ngày một.
Bàn giao xong, hỗn loạn không chấm dứt mà tràn từ ngoài phố vào trong nhà. Trong hẻm phía sau nhà có nhiều súng đạn, lưỡi lê và một số quân phục rằn ri bị vứt bỏ. Em trai tôi lén nhặt một cây súng đem về rồi mang lên sân thượng tập bắn, khiến bố mẹ hốt hoảng, sẵn bố mẹ đang lo lắng đến mất bình tĩnh vì sợ bị tịch biên tài sản như năm 54 ở ngoài miền Bắc. Tôi biết tình trạng rất nghiêm trọng vì thấy bố không nằm lâu trong căn phòng nhỏ ở lầu ba mà bỏ nhiều thì giờ xếp đặt với mẹ. Thỉnh thoảng, mấy chị em tôi núp ở lan can lầu hai nhìn xuống, hễ thấy có nhiều xe quân đội đi ngang là chạy báo tin cho bố mẹ biết. Mẹ để ý "họ" ăn mặc thô sơ nên dặn tất cả mọi người phải ăn mặc thật giản dị, đàn bà phải chùi hết sơn móng tay và không trang điểm, và con nít không được ra đường. Mẹ còn dặn người làm chỉ nấu những món thanh đạm lỡ "họ" vào xét nhà. Người lớn lục lọi khắp nhà tìm một số sách báo tranh ảnh đem đi đốt. Mấy ngày không có một tiếng cười, tôi thấy nhà như cảnh chùa có nhiều người mặc áo xám hoặc nâu trầm tư đốt nhang đèn, khấn vái xin tai qua nạn khỏi. Thêm một nhóm lính khác mặc quân phục và đội nón cối xanh vào nhà chúng tôi đòi đặt súng chống máy bay trên nóc sân thượng. Họ cho biết muốn đề phòng máy bay Mỹ trở lại quan sát thành phố. Cũng may, một phần sân thượng được che bằng mái tôn không đủ sức chịu đựng súng phòng không cỡ lớn nên cuối cùng họ bỏ đi. Sự xáo trộn và bấp bênh không biết đến bao giờ mới hết. Mẹ lắc đầu chép miệng bảo người ta sao thì mình vậy, miễn cả nhà được bình yên. Con đường phía trước dù sao chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi.
Tôi đã dọn vào một căn phòng ở lầu ba, bên cạnh gian thờ. Mẹ sợ sau này đồ dùng bị quản thúc như gạo nên mua lắm bàn ghế, giường tủ chất vào mỗi phòng trống trong nhà. Mẹ nói sau này mấy chị em tôi lớn lên lập gia đình sẽ có đồ dùng. Tôi thay tấm màn trên cánh cửa phòng bằng một loại vải dịu mềm in hình những hoa hồng li ti. Màu hồng phấn nhạt e dè tựa nụ hoa vừa hé mở, tựa một niềm hạnh phúc sắp sửa thành hình. Đối diện cửa phòng, khung cửa sổ lớn chắn song sắt mở ra một vòm trời xanh rộng. Buổi trưa, làn gió nóng bức len vào ru tôi ngủ. Giấc ngủ trưa nhiều mộng mị để khi thức giấc đầu tôi thấy nặng và dòng máu trong thân như đã ngừng lưu chuyển. Đây là những thời khắc mà tâm trí tôi không xác định được mốc thời gian, cứ chập chờn giữa quá khứ và hiện tại. Những mơ ước của đứa con gái vừa kịp lớn lên trong năm cuối cùng của Sài Gòn phồn vinh và lãng mạn xa vời hơn với mỗi ngày mới. Cũng như cuộc sống đang mất dần với những sổ gạo, đổi tiền, đánh tư sản và những vụ xét nhà bất chợt. Trong một hộc tủ của chiếc bàn học, tôi dấu những tập thơ, băng nhạc và tiểu thuyết mà lũ con gái trong lớp lén truyền tay nhau. Chúng tôi cùng gìn giữ những mơ ước của riêng mình dù vài ba năm nữa thành phố sẽ chẳng còn lại mấy cho chúng tôi. Trên kệ tủ quần áo, con búp bê mắt xanh tóc vàng chực chớp đôi mi cong vút; những món hàng xa xỉ phẩm như vậy sẽ không bao giờ được bày bán nữa.
Mỗi mùa mưa trở về trên sân thượng gây thêm chút chao động trong tâm hồn tôi. Tôi dệt mộng như tương lai vẫn có thể đem đến những gì đẹp nhất mà tôi đã biết từ tuổi mười hai. Con bé ngồi cạnh tôi trong lớp bảy ở trường Saint Exupéry thường kể cho tôi nghe những cuộc hẹn hò của anh chị nó lúc ấy đang học ở Marie Curie. Chuyện tình của họ đẹp như những chuyện tình của công chúa và hoàng tử trong thần thoại. Tôi mê man đến quên mất trường Pháp đã đóng cửa và cả thành phố cũng đã đổi thay. Cho đến một ngày tôi bất chợt chồm qua lan can nhìn xuống phố. Sắc màu đỏ ối của những lá cờ và biểu ngữ giăng khắp nơi đánh thức tôi từ một giấc mộng dài. Tôi đã quá xa với thực tế mà chỉ những ước mơ vừa vặn với hiện thực mới có thể thành hình. Những gì tôi mong không phải ở trên mây mà ở dưới phố. Có thể trong cuộc sống khắt khe, những ước mơ cần thu nhỏ lại.
Nhưng trước tiên, tôi cần phải xuống phố.
Sinh nhật
Mẹ mua cho một chiếc xe gắn máy vừa lúc tôi muốn tìm những cảm giác mới. Bước tập xe đầu tiên thật bỡ ngỡ vụng về. Nhưng ý chí muốn tập làm người lớn cho tôi can đảm, thêm một chút liều lĩnh, và tôi đã làm quen mau. Tôi thấy mình chững chạc hẳn khi ngồi vững vàng trên xe máy.
Sinh nhật của người bạn vào một ngày cuối tháng Ba. Bức thiệp mời được viết với tất cả sự trân trọng của một thiếu nữ sắp tròn mười sáu tuổi. Mấy năm nay chúng tôi không hề tổ chức tiệc sinh nhật; mỗi năm một lần là xa xỉ trong hoàn cảnh khó khăn chung. Hôm ấy, trời ngả chiều với một thoáng mưa xuân gội trôi khói bụi ám mờ không khí. Lúc tôi đến trước thềm, mưa đã tạnh, mây đã qua hết để lại một bầu trời trong. Tôi đoán khi ra về, đêm sẽ rất đẹp và trời sẽ đầy những vì sao lấp lánh sáng như tuổi cặp kê của chúng tôi.
Phòng khách nhìn sang trọng hơn hẳn ngày thường với ánh đèn mờ ảo xóa đi hết những vết loang trên tường. Bộ tràng kỷ được phân tán, những chiếc ghế kê sát tường và chiếc bàn lui vào một góc. Giữa phòng bài trí bàn ăn khá dài phủ khăn trắng. Những chiếc bát sành khác màu, những ly nhựa trong và những đôi đũa gỗ được xếp ngay ngắn từng bộ dọc theo mỗi cạnh bàn. Chiếc bánh kem trắng nằm giữa bàn được tô điểm bằng những đóa hoa hồng. Mỗi bên của chiếc bánh là một thố to đựng ra-gu bò nấu với đậu trắng còn tỏa vài lượn khói thơm, hai đĩa bánh mì cắt khúc, một khay tôm chiên và một khay sandwich kẹp thịt nguội. Xen kẽ là những chai nước ngọt và vài sô đá nhỏ. Thật lâu rồi tôi mới thấy lại một tiệc thịnh soạn như vậy. Thường thì dù có khả năng, người ta cũng không dám phô trương hoặc không dám tiêu xài hơn cần thiết tổi thiểu vì sự bấp bênh của ngày mai.
Bạn bè đến thật đông, có những khuôn mặt tôi không quen biết. Chúng tôi tươm tất hơn ngày thường với những chiếc áo ủi phẳng lì, tay cầm những món quà gói bằng giấy hoa thắt thêm chiếc nơ xinh xắn. Căn phòng biến mình vào trong một khung cảnh của Sài Gòn hoa lệ khi các thanh niên và thiếu nữ trịnh trọng ngồi vào bàn. Chốc nữa đây, sau khi tiêu thụ xong những món ăn ngon, chúng tôi sẽ làm lễ cắt bánh, và sẽ hát những bản nhạc tình cấm lưu truyền. Tất cả thơ mộng sẽ tụ thành một kỷ niệm vĩnh viễn đẹp trong lòng mỗi người dự. Khung cảnh này, tuổi chúng tôi đã biết đến từ lâu, lẽ ra tiếp tục đầy ắp mà sau tháng Tư lại vắng dần đi để đến một lúc chỉ còn là ký ức. Chúng tôi muốn quên đi thời gian nhưng chiếc đồng hồ to treo trên tường không ngừng quay tích tắt khiến buổi tối không ngừng trôi.
Bất chợt, tôi để ý người thanh niên nhìn tôi bằng ánh mắt say sưa của tuổi trẻ đầy hiếu kỳ. Mắt nhìn như mất hút trên tôi khiến tôi bối rối. Tôi quay vội xuống nhìn tấm khăn trải bàn trắng muốt. Không gian bỗng xôn xao khác thường. Ý nghĩ ánh mắt đó đang di chuyển trên người tôi khiến tôi thấy nóng ran trên má. Tôi ngước mặt lên vừa đủ để tầm nhìn ngừng lại ở giữa bàn, vờ chăm chú vào chiếc bánh kem. Từng ngọn nến nhỏ đang được mồi lửa sáng lung linh. Khi đèn điện tắt đi đem u tối tràn ngập căn phòng, những tia lửa rạng rỡ hào quang trên cô bạn tôi. Cô xinh đẹp thuần khiết như một thiên thần trong chiếc áo lụa màu vàng nhạt. Chiếc áo mỏng ôm dịu dàng thân hình, phô trương những đường nét của người thiếu nữ trong tuổi dậy thì. Nét mặt cô hạnh phúc khi thì thầm lời ước nguyện, như nguyện ước sẽ xảy ra đêm nay. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh bàn. Mọi người đang chăm chú nhìn cô chuẩn bị thổi nến. Ánh mắt của các thiếu nữ đầy mộng mơ xen kẽ với những ánh mắt chiêm ngưỡng của các thanh niên. Tôi thoáng dừng lại ở người thanh niên khi nãy. Tôi hy vọng tìm kiếm nơi anh, hoặc nơi những người thanh niên đã để ý đến tôi, một người mà tôi đang chờ đợi. Một chiếc bóng vô hình vô danh, mà tôi sẽ biết nhận ra khi đến với tôi. Tôi vụt ý thức, chúng tôi cùng tròn mười sáu tuổi đêm nay và đêm sinh nhật ghi dấu mốc thời điểm này không phải của riêng ai, không của riêng một người mà là của tất cả chúng tôi đã sẵn sàng dấn bước vào đời sống. Mười sáu tuổi, chúng tôi đẹp như những búp hồng nhung muốn bật tung cánh.
Không gian chùng hẳn khi những tiếng hát thay phiên nhau cất lên. Mỗi người hát dùng lời nhạc để âm thầm bày tỏ tâm sự của mình, tâm sự cất dấu đã lâu và cần nói cho ai nghe. Mỗi người nghe, nghe trong im lặng, tìm sự cảm thông của người hát đối với tâm sự của mình. Và như vậy tâm hồn chúng tôi tìm nhau trong âm vang hư ảo của những bản nhạc tình. Tôi mất tan trong tiếng hát của mình, như giọng hát vang lên từ một thể xác mà linh hồn đã thoát ra và không chịu trở về. Chỉ cần tôi chưa tỉnh dậy thì buổi tiệc không thể tàn. Ban chiều tôi đã đánh một vòng qua khu trung tâm, khung cảnh lộng lẫy xưa đã thay bằng những sắc màu đỏ vàng nghiêm khắc. Trên đại lộ Nguyễn Huệ vẫn còn hai hàng cây cao ngất nhưng thương xá Tax đã trở thành nơi triển lãm hàng hóa công nghiệp. Chung quanh, một ít nhà hàng sang trọng và tiệm bánh Pháp còn kinh doanh nhưng bên trong nhìn trống rỗng, ít hàng, ít khách. Mấy năm nay, gạo trắng đã trở thành hàng cao cấp, cả đường trắng cũng khó mua được. Tôi muốn kéo dài hơn cơn mộng mị này. Chỉ cần tôi chưa tỉnh dậy thì Sài Gòn hoa lệ chưa biến mất. Nhưng tôi hiểu, miễn thân xác còn cần hơi thở thì tôi cần phải tỉnh dậy.
Khi tôi ra về, đêm tĩnh mịch sâu như vô tận. Mặt trăng không tròn không khuyết giống mơ ước mới đang chớm nở trong tôi vẫn còn méo mó. Tôi suy gẫm ánh mắt của người thanh niên đã chăm chú nhìn mình. Tôi yêu thích sự say sưa trong ánh mắt của anh, ánh mắt đã đem xúc động đến trong lòng tôi. Tôi thường mơ ước tình yêu trong xa hoa. Nhưng ngay lúc này, nếu có lựa chọn, tôi sẵn sàng chối bỏ một tình yêu xa hoa để đổi lấy một tình yêu cuồng nhiệt. Nhưng hình như tôi không có tình yêu xa hoa nào, và khi tôi quay đầu nhìn lại, ánh mắt đó cũng không đi theo tôi. Có lẽ vì tôi ít nói và vẻ bên ngoài hơi lạnh khiến người khác ngại ngùng, tôi muốn tin như vậy. Bạn bè khi chưa quen biết thường cho là tôi nghiêm, nhưng đó chỉ là một cách che giấu sự nhút nhát của mình. Đêm thật trong, như tôi đã đoán, thật sống động với triệu triệu vì sao chiếu sáng. Nền trời lấp lánh ước mơ của thành phố. Lấp lánh sự hiện hữu hòa đồng trong sắc màu đồng dạng của đêm. Tôi chạy xe thật chậm dưới các vì sao, dường như tinh tú vây quanh và dẫn đường, như thể tinh tú thúc giục nếu tôi cứ tiếp tục đi mãi thì sẽ tìm ra mơ ước của mình, không phải ở trên mây, mà phía trước. Tôi không muốn ngủ đêm nay, đêm quá đẹp để chui vào phòng, vả lại đời sống sẽ có ý nghĩa hơn khi mình có ước mơ và tôi muốn thấy rõ hơn ước mơ của mình.
Vượt biên
Có những gặp gỡ bất chợt giúp tôi hiểu rõ hơn mình cần gì trong cuộc sống, như ánh mắt ngày nào đã thay đổi những mơ ước thơ dại của tôi. Đoạn đường ngắn ngủi chung với anh, một nụ hôn chưa đến, một tình yêu không hiện hữu, dạy tôi ước mơ lớn hơn cho tuổi trẻ của mình.
Hai bên cha mẹ chúng tôi thân nhau đã mấy mươi năm. Khi chúng tôi còn bé, hai bác mời gia đình tôi cùng đi nghỉ hè ở Vũng Tàu, tại ngôi biệt thự nghỉ mát mà hai bác vừa mua. Sóng biển và cát vàng còn lưu trữ bao kỷ niệm đẹp của đám trẻ con chúng tôi. Sau đó tôi không gặp lại anh, hình ảnh cũng nhạt nhòa. Một hôm mẹ cho biết anh đang trốn nghĩa vụ ở nhà một người quen và bảo tôi đem một gói đồ trao cho anh. Căn nhà nằm trên đường Lê Thánh Tôn, là một tiệm vàng lộng lẫy với đèn đuốc sáng trưng. Người đàn bà tuổi trung niên dáng vóc gầy và sắc đứng sau quầy bảo tôi đi qua hai cánh cửa và thẳng lên lầu tư. Không hiểu họ có móc nối gì mà dám chứa người trốn nghĩa vụ ngay giữa trung tâm thành phố và không biết họ còn chứa những gì. Cầu thang chật hẹp, chìm trong u tối và vắng lặng. Tôi nắm chặt thành, mò mẫm bực thang. Những nấc thang cao hơn bình thường khiến mỗi bước chân tôi khó khăn và lòng thêm hoang mang. Ngang qua lầu hai, một cánh cửa phòng mở rộng để lộ đôi mắt sáng chiếu ra từ bên trong. Tôi trông thấy lờ mờ một người đàn bà ngồi bệt trên nền nhà, tay ôm một đứa trẻ sơ sinh không động đậy. Tôi gật đầu chào nhưng bà không tỏ vẻ gì. Dù bà đầy vẻ kỳ lạ, sự hiện diện của một người đàn bà cho tôi chút yên tâm. Lầu ba phảng phất mùi thuốc phiện, mùi vị này tôi đã biết nhiều năm và không thể nào nhầm lẫn, và người đang hút chắc chắn là đàn ông. Tôi bước nhanh hơn. Căn nhà dị quá, nếu không vì mẹ bảo phải trao tận tay, tôi đã quay đầu chạy trở xuống. Lầu tư có hai căn phòng đều đóng cửa, vài tia ánh sáng mỏng xuyên qua khe hở của một cửa sổ nhỏ trên hành lang. Cả gian lầu hoàn toàn im lặng chỉ nghe được tiếng tim tôi đập loạn vì sợ. Người đàn bà đứng sau quầy không hề dặn căn phòng nào. Tôi ôm chặt gói đồ đứng trước căn phòng đầu tiên vài phút, rồi thu hết cam đảm gõ lên cánh cửa. Gõ nhè nhẹ rồi gõ mạnh vẫn không có tiếng trả lời. Cho đến khi tôi gọi tên anh.
Thì ra, ký ức con người đầy kỳ lạ. Đôi khi mình tưởng đã quên mất nhưng chỉ với chút manh mối là có thể nhớ ra. Anh lớn hơn tôi mấy tuổi, hao hao giống bác trai, gương mặt vuông, chiếc cằm hơi chẻ, và hai hàng chân mày ngắn rậm. Tôi không nhận ra ánh mắt, vẫn đôi mắt đen nhưng ánh mắt hoàn toàn thất lạc. Cậu bé hôm nào đuổi sóng với bao nhiệt tình trong nắng cháy da ngồi trước mặt tôi nhợt nhạt xanh xao. Hình như anh đã ngồi đóng khung như vậy trên mép giường qua nhiều ngày tháng, chỉ đôi môi mấp máy câu chuyện trao đổi với tôi. Tuy lần đầu ở riêng trong một căn phòng kín, giữa chúng tôi không có sự ngại ngùng, có lẽ vì tình thân của hai bên gia đình rõ rệt hẳn trong căn nhà quái dị. Một nỗi buồn nhẹ thấm khi anh cho biết đang đợi tìm chỗ vượt biên. Tôi thường hay như vậy, nghe ai đi thì cũng buồn, dù quen dù lạ. Có lẽ tôi buồn cho tình cảnh chung của dân tộc mình, ai mà không yêu quê hương mà vẫn thấy cần thiết bỏ đi. Chắc anh rất cô đơn, nói mãi không để tôi ra về. Nhắc đến quá khứ, anh mau mắn tìm lại được ánh mắt nghịch ngợm của cậu bé từng xoa cát lên vết phỏng nắng trên người tôi. Tôi còn nghe được tiếng kêu la thất thanh của mình. Cô bé vẫn còn trong tôi, nhưng khi tôi bước ra khỏi căn phòng, cậu bé sẽ biến mất trong chiếc khung tái nhợt. Tôi có thể trở lại bãi biển phủ nắng thân mến nhưng anh sẽ không còn cơ hội nào nữa, rồi ký ức sẽ nhạt phai và anh sẽ đánh mất quá khứ. Lòng tôi đầy thương cảm. Tôi định về đến nhà sẽ hỏi xem mẹ còn nhớ những kỷ niệm gì ở Vũng Tàu để chuyến thăm sau, tôi sẽ kể giúp vui cho anh.
Thành phố ít khi nào mưa như vậy, mưa giông cả tuần cho đến sáng nay mới tạnh. Những đám mây vẫn chưa đi hết, một ít rải rác trên nền trời. Tôi chạy xe dọc theo giòng sông Sài Gòn, mực nước lên cao hơn bình thường, trôi như thác lũ, gấp rút xuôi ra biển cả. Tôi nghĩ đến anh, đến chúng tôi, đến những người vượt biên, số mệnh tựa mưa xuống giòng sông đang xuôi ra biển, một phần nước bay hơi thành mây quay về thành phố, một phần khác nổi trôi đến bến bờ xa xăm, và phần còn lại ở với biển muôn đời. Không bao lâu nữa, tôi sẽ cùng anh làm mưa trôi vô định. Lần gặp gỡ trao gói đồ thật ra là lễ xem mắt. Bác muốn hỏi tôi cho anh và cho cả hai đi vượt biên chung; mẹ cũng đã đồng ý. Mẹ không dám đem cả nhà đi vượt biên, sợ không thoát, khi trở về nhà cửa bị tịch thu thì sẽ không nơi trú thân. Cách tốt nhất cho anh và tôi là nương tựa lẫn nhau trong việc truy tìm một cuộc sống trọn vẹn, có tự do và cơ hội phát triển. Một ngày trước ngày vượt biên, mẹ sẽ kín đáo đãi một tiệc nhỏ ở nhà, chỉ mời những người rất thân và không quà lễ phô trương để tránh sự nghi ngờ của phường. Sau đó, anh ở lại nhà tôi một đêm và hai chúng tôi sẽ cùng lên đường. Mọi chi tiết đã được bàn thảo xong, chỉ còn chờ xác định ngày. Ngày này có thể đến bất cứ lúc nào để chấm dứt sớm tuổi thiếu niên của tôi. Rồi tôi sẽ nhập vào giòng nước mới mãi xa, hoặc biển sẽ giữ tôi ở lại.
Người chồng tương lai của tôi đã thoát ra khỏi chiếc khung khô cứng, cử chỉ và ánh mắt sống động như anh yêu vô cùng cuộc đời. Anh nắm tay tôi, bằng giọng trìu mến hứa sẽ che chở cho tôi. Tôi không rút tay ra, vì hình như tôi không có quyền rút tay, lặng thinh nghe anh sắp đặt cho những ngày sau này. Đôi lúc hơi thở của anh đến gần bên tai, bàn tay vén mái tóc đang rơi che mắt tôi khi tôi bất chợt cuối đầu. Người đàn ông trước mặt muốn hôn tôi, tôi không nên tránh né, nhưng lại không có cảm giác gì. Anh muốn thân mật nhưng anh có hiểu những mơ ước tầm thường nhất của tôi? Tôi muốn gì? Giản dị là một lời hát. Một bài nhạc vút cao thành tiếng sáo trời hay tiếng đàn đệm trầm ấm. Tầm thường hơn nữa, một đôi guốc cao. Hay cao sang hơn nữa, được tự do lựa chọn. Anh đem đến tôi hoài bảo đi tìm tự do cho một tuổi trẻ không tương lai, ở đây, trên đất nước này. Nhưng anh không biết rằng chính anh lại như các biểu ngữ áp đặt lên tôi ước muốn của riêng mình: Một định chế cùng những lời động viên mà tôi không cần. Anh không hiểu.
Buổi trưa hầm trong thời tiết oi ả. Tôi và cô bạn thân nằm im lặng nhìn lên trần nhà, những suy tưởng riêng tư cuốn theo cánh quạt xoay tít. Sau khi tôi báo ngày đi chính xác, chúng tôi không còn lời gì khác chưa nói ra để chuẩn bị cho một cuộc chia ly vĩnh viễn. Cơn nóng hầm tăng lên với mỗi giờ khắc trôi qua cho đến khi trận mưa vỡ oà. Những giọt nước mắt nén mãi trong lòng cuối cùng cũng rơi ra, rồi như mưa từ từ khô cạn. Chúng tôi hiểu gặp gỡ và ly biệt là việc tự nhiên trong đời sống như nắng và mưa. Tôi ra về sau khi mưa tạnh, trên con đường tôi đã đi biết bao nhiêu lần và đây có lẽ là lần cuối. Đêm sinh nhật thứ mười sáu của cô bạn đã qua hơn một năm mà như mới đây. Chỉ mới đây thôi, tâm hồn tôi còn như trang giấy mới sẵn sàng thu thập tất cả dữ kiện về tình yêu. Chỉ mới đây thôi, tuổi trẻ mở rộng trước mặt chờ tôi khám phá, và hôn nhân nằm trong xa vời. Tôi dừng gấp chiếc xe bên đường rồi quay nhìn về phía sau, nhìn mãi cho đến khi bóng tối phủ ngập. Trong lòng tôi vẫn thiết tha với ánh mắt của người thanh niên cùng tuổi, với tình yêu mà tôi chưa thực sự biết là gì và mong chờ thử nghiệm. Nhưng năm ngày nữa mọi thứ tự của một trật tự lý lẽ sẽ bị đảo lộn. Tôi sẽ đám cưới với một người chồng chọn sẵn, sẽ trở thành một người đàn bà không có tuổi trẻ, một người phản bội tâm hồn mình để đổi lấy một sự bình yên trên con đường đi tìm tự do. Nhưng tự do có ý nghĩa gì khi bị ràng buộc bởi một hôn nhân gượng ép, khi tôi có thể sống hết lòng nhưng không bao giờ yêu hết lòng. Mười bảy tuổi còn quá trẻ để bỏ rơi mơ ước chưa kịp thành hình và chấp nhận một cuộc sống máy móc. Tôi thà đi một mình và gánh chịu hậu quả của sự chọn lựa này.
Tôi quyết định bãi bỏ hôn ước.
Căn phòng vuông vứt với khung cửa sổ to mở ra vòm trời rộng là thế giới của riêng tôi. Thế giới lãng đãng những suy tư của tuổi trẻ trước một lối rẽ phân nhiều ngõ ngách. Tôi bước vào đây năm mười ba tuổi, cùng lúc thành phố cũng như tôi ngẩn ngơ tìm phương hướng. Sau tháng Tư, tôi đã tự hỏi bao lần: Tôi là ai? Tôi ước muốn gì cho tương lai? Tôi đã ướm thử nhiều hình tượng và đặt ra nhiều viễn ảnh, tất cả đều được cất giấu trong căn phòng riêng. Không ai biết những bí mật của tôi. Anh cũng không ngoại lệ. Anh muốn xâm nhập nhưng tôi đã cự tuyệt. Bằng những nét bút vô hình, tôi sắp xếp mỗi suy nghĩ bắt đầu từ chân tường cho đến khi các thao thức lấp đầy trên vách.
Căn phòng giúp tôi gìn giữ niềm tin. Vách tường dựa vào gian thờ truyền sang những hương trầm thơm ngát trong đó có chút dư âm của tiếng gõ mõ tụng kinh cùng những lời cầu nguyện của hai bà cháu. Lời cầu xin của bà cho một cuộc sống tốt đẹp đã thuần thục trong tôi hóa thành sự ao ước cho một cuộc sống phóng khoáng và trọn vẹn, có tự do và sống hết lòng. Những áp bức gò bó của hiện tại gieo vào lòng tôi một sự chống đối âm thầm, để tôi hiểu ra những cần thiết căn bản của sự tốt đẹp. Có lẽ anh, cũng như họ, sẽ cho rằng tôi lý tưởng hóa ý nghĩa của cuộc sống.
Tôi thân thiết với chiếc tủ đứng ngày ngày nhìn tôi chải tóc thay áo. Ánh phản chiếu trên tấm kính là một người con gái với ánh mắt ưu tư trên gương mặt. Mưa đã thấm vào tôi thành làn da sáng mỏng và nắng đã phủ lên nhiều chấm tàn nhang. Bên trong tủ treo quần áo gồm nhiều áo cánh trắng. Tôi chọn cho mình một bề ngoài giản dị như hình ảnh của cánh hoa sứ yêu nắng mưa. Anh chưa trông thấy cây sứ đã cùng tôi trưởng thành.
Trên trần nhà, tôi treo lên những nốt nhạc của các tình khúc mà tôi ưa chuộng suốt những năm vừa lớn. Anh không biết đến tâm sự lãng mạn của tôi. Đến những âm thanh gây xúc động tâm hồn tôi mà trí óc không bao giờ hiểu nổi. Đến những giai điệu của cuộc sống mà tôi muốn thử nghiệm. Chúng tiêu biểu cho một phần tâm hồn, ước muốn, sở thích của cá nhân tôi, đã được chọn lọc từ một nền văn hóa mà tôi quen thuộc. Khi tôi nằm nhìn lên trần, chỉ cần tôi hướng mặt về phía trần nhà, dù tôi nhắm mắt, những nốt nhạc sẽ sống dậy để hòa lên những âm thanh kỳ diệu nhất. Trần nhà sẽ trở thành một giải ngân hà lấp lánh, quá bao la để cho mọi thứ trên quả đất còn có mảy may quan trọng. Và tôi có thể chìm đắm hoàn toàn vào trong một giấc mơ đẹp, không muộn phiền khắc khoải.
Anh không biết tôi có bao nhiêu hoài niệm. Tôi thích ngồi ở bàn học nhìn ra ngoài khung cửa sổ, ngắm dẫy ngói ống bao la tăm tắp đều đặn của những mái nhà bên cạnh. Tôi đã ngắm những mái nhà nhấp nhô này nhiều năm. Có khi chúng uốn lượn như sóng của đại dương lại có khi tựa sự thăng trầm của con người. Màu ngói ống đậm sẫm trước khi hừng đông sáng dần thành nâu sòng giống mái tóc tôi, nhiều năm nay vẫn vậy. Dáng dấp của thành phố nhìn từ trên cao nguyên vẹn như những ngày tôi còn bé, khi tôi yêu mảnh đất nơi mình sống không một chút đắn đo.
Tôi là ai? Tôi là người chấp nhất cho tình cảm của mình đối với quá khứ. Bản chất của tôi là do quá khứ tạo thành. Nhưng anh không quan tâm, còn họ muốn xóa đi quá khứ. Những gì tôi từng quý mến, tôi đã mất rất nhiều. Còn lại là những kỷ niệm mà tôi cố gìn giữ trong căn phòng này. Tôi khóa chặt cửa phòng để bảo vệ sự tư ẩn của mình. Hiện tại trừng phạt sự xa cách của tôi bằng cách gieo vào lòng tôi một cảm giác bất ổn liên miên.
Tôi cố gắng mường tượng tương lai với tất cả niềm tin trong lòng. Nhưng trên các vách tường chỉ là những hình ảnh nhòe nhoẹt, những nét dở dang, những sắc màu nhợt nhạt. Tôi vẽ hoài không ra một hình ảnh có ý nghĩa cho sự ở lại với thành phố, dù thâm tâm vẫn chưa nỡ rời xa. Cuối cùng, khi bốn bức tường đã đầy ắp và trí tưởng tượng đã cạn sạch, tôi chấm dứt bằng một ánh trăng và một chiếc cầu vồng. Qua bao thất vọng, tôi vẫn muốn tin vào ánh trăng sáng sẽ đưa đường trong đêm tối và cầu vồng sẽ xuất hiện khi trời rối loạn nửa mưa nửa nắng. Vẫn muốn tin mù quáng vào niềm tin bà nội đã cho tôi.
Nhưng tôi không gắng gượng được bao lâu. Khi cảm giác bất ổn tích lũy đủ độ trầm kha, lòng tin bị khuấy động. Tôi không còn biết tin vào gì. Không có tương lai, linh hồn trở nên lười biếng, không một chủ tâm, không một mục đích. Tôi máy móc qua ngày, thỉnh thoảng tự hỏi sống để làm gì. Sống khép mình trong vâng phục thì có khác gì là sống để chịu khổ rồi chết đi. Trong những giờ khắc trống trải nhất, tôi nằm vùi vào mặt nệm chịu đựng sự trừng phạt nặng nề. Tôi là ai hình như không còn quan trọng nữa. Vách tường không khuyên giải được tôi. Trần nhà không khiến tôi khuây khỏa. Những mái ngói không còn gây ấm lòng tôi. Những suy tư tiếp tục phình to chiếm hết không gian khiến tôi ngộp thở. Không bao lâu nữa khung cửa sổ sẽ không còn lùa vào đủ không khí để tôi hô hấp, giúp tôi thở những làn hơi thở khát khao của đời sống. Có lẽ đó là lúc tôi phải mở toang cửa phòng, loan báo những tư ẩn của mình với tập thể, chấp nhận một sự kiểm soát vô lý lẽ. Và đó cũng sẽ là lúc tôi bỏ rơi bản thân.
Anh chưa bước chân vào căn phòng của tôi nhưng tôi thường nhìn thấy anh từ đây. Trong những đêm trăng rất sáng, anh và tôi có thể nhìn thấy nhau. Mặt trăng phản chiếu chiếc tàu mang anh băng qua đại dương. Anh trở lại thế ngồi của một chiếc khung cứng ngắt và nét mặt anh tỏ rõ sự bất an. Nhưng đôi mắt của anh tinh anh vì sự tuyệt vọng không hiện diện trong lòng anh. Anh biết khi anh đến bờ bên kia, tất cả đau khổ của những ngày trốn chạy sẽ tan biến. Anh tin tương lai mà anh chọn lựa sẽ chờ anh đến gặp. Nên anh sẵn sàng chịu đựng bề tăm tối của biển. Không chỉ anh mà cả vô số lớp lớp người vượt biển, cả vô số lớp người trước đã di cư từ Bắc vào Nam. Tất cả cho cùng một nguyên tắc sống. Nếu anh nhìn vào mặt trăng, anh sẽ thấy tôi nằm bất động trên chiếc giường. Dáng tôi buông xuôi và tôi mang đôi mắt của một người không còn hơi thở. Nhưng anh đừng lo lắng, không cần an ủi tôi. Sau khi nằm chán, tôi sẽ biết mò dậy và tìm lại chính mình.
Anh suýt đem theo tôi, chúng ta đã vuột tay, nhưng ý nghĩ đi tìm tự do đã mọc gốc rễ trong tâm trí tôi, phóng đại theo từng giờ khắc.
Sân thượng
Với những cuộc ra đi, biển đã tràn vào thành phố.
Cùng với biển là những viễn tượng của sự chết xâm chiếm mọi không gian. Tôi không thể không nghi vấn một nguyên tắc sống mà giá trả bằng tính mạng. Thật ra, sự chết luôn áp cận con người nhưng người ta không quan tâm cho đến khi phải đối diện. Sự chết là gì mà đầy uy quyền, chỉ nghe phong phanh đã khiến con người sợ hãi? Một thiếu nữ cần bao nhiêu can đảm để đi gặp thần chết cũng như đối đầu với những xâm phạm còn tệ hơn cái chết?
Khi nhớ bà, tôi thường liên tưởng đến thần chết xuất hiện lần đầu vào năm tôi mười một tuổi. Ngày đưa ma, tôi đã kết luận rằng thần chết không đáng sợ. Tôi đã ngắm bà suốt ba ngày liệm. Bà nằm im không xúc động với mọi đau khổ đang xảy ra chung quanh, hững hờ với cơn đau nhức đã quấy rầy mình. Bà đã về chùa Hương Tự và hài lòng đạt tâm nguyện cuối cùng bằng linh hồn. Chết là không u buồn bệnh tật, là thoát thân xác chấm dứt khỏi mọi ràng buộc. Vậy, chết có gì đáng sợ?
Đáng sợ có lẽ là khoảnh khắc trước khi chết, khi phải chấp nhận sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời là chính sinh mạng của mình. Có lẽ sự tiếc nuối cho một tương lai muốn khám phá sẽ níu kéo tôi, dù không còn quan trọng nữa, hay sự tiếc nuối cho một tuổi thanh xuân chưa sống, và rồi hình ảnh trông mong tuyệt vọng của từng người thân sẽ lần lượt chất ân hận đầy lòng mình… Có lỗi nhất là tôi đã khiến bố mẹ phải tự tay đưa con mình vào chỗ chết. Thần chết vừa thoáng qua đã khiến tôi ngập ngừng: Sự đáng sợ nằm trong chính những món nợ mà mình không trả nổi đành phải mang theo.
Đáng sợ không kém là sức tưởng tượng ra thần chết to dần trong chờ đợi, làm choáng đầu, vì chừng như chỉ là vấn đề thời gian rồi sự hành hình sẽ xảy ra và cách hành hình sẽ phong phú. Những ngày cận đi giống ngày áp lễ hành hình, sự chết không ngừng động kinh, không chỉ cá nhân tôi mà cả toàn gia đình chúng tôi. Đêm đêm chúng tôi như chết đi sống lại với tin khí tượng tường thuật chi tiết bão gia tăng rồi lại áp thấp và gió bất chợt chếch hướng thổi vào vịnh Xiêm La. Ngày ngày chúng tôi hoang mang bấn loạn với những mẫu chuyện đồn đãi về những chuyến đi trước. Tuy không ai trở lại nhưng những cánh thư đem tin của thần chết được truyền miệng với tất cả hốt hoảng. Tôi chưa bao giờ biết thần chết khoác nhiều lớp áo mang nhiều màu sắc đến vậy. Họ kể ông đến như chập sóng xanh đen cao ngút rầm rộ đem theo một bản án tử hình; tức khắc chiếc tàu bể nát thành nhiều mảnh vụn, xác tung khắp nơi. Có khi ông mang cảnh tượng của nắng soi thủng trên những làn da kiệt nước lở loét; của nắng gắt trên boong tàu nhởn nha bập bềnh, chồng chất những thân thể cạn lực; của đảo hoang giam cầm những kiếp người. Đến câu chuyện hải tặc, tôi bịt tai, đầu óc vội vã chuẩn bị cho mình một cái chết chỉnh tề. Trước những điều tệ hại hơn cái chết thì cái chết sẽ là một chọn lựa không tệ.
Giấc ngủ chập chờn hằng đêm với những cơn mơ rối rắm xen kẽ nhiều sắc màu khác nhau. Tâm hồn của cô gái Sài Gòn chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa bao giờ xa nhà có bao nhiêu can đảm? Tôi sợ trông thấy máu ngay cả chỉ từ mũi kim tiêm, sợ sóng to nước sâu, không chịu được đói khát và cho rằng cướp bóc hãm hiếp chỉ xảy ra cho người khác. Nói chính xác, tôi thật khiếp sợ những câu chuyện chết chóc trên biển mà người ta đã kể lại.
Những lúc không ngủ được, tôi nhờ bốn vách tường cố vấn: tâm trí vùng vẫy trước quyết định đi hay ở. Sự bất an mà hiện tại đã gieo vẫn còn nơm nớp trong lòng tôi. Cả căn phòng thúc đẩy tôi liều lĩnh, thuyết phục đừng ở lại vì đa phần sẽ thành một xác chết biết đi trong khi cơ hội chết trên biển không nhiều hơn. Tôi muốn tin như vậy. Tôi tự nói với mình rằng ngay cả biển cũng đã tràn vào thành phố.
Bố hỏi Có sợ không, tôi trả lời Không sợ. Bố lắc đầu bảo tôi khờ như ếch con nằm đáy giếng xem trời bằng vung. Mẹ dặn chỉ đem theo vài món đồ dùng cần thiết. Những thứ cần thiết thì không thể quên vì không thể quay lại lấy. Còn những thứ khác đều phải để lại. Không thể đem theo gì. Không thể quay trở lại. Vài chữ thôi mà đem nước mắt ngập lòng tôi và nuối tiếc không ngừng sinh sôi nẩy nở. Tôi bắt đầu thấy nhớ thương tất cả những quen thuộc sắp đánh mất.
Trời gầm những lời hối gọi từ xa xăm khi tôi bước chân lên sân thượng giã từ. Tôi trông thấy một cô bé đứng ủ rũ bên cạnh hồ nước chậm chạp nhìn quanh. Ánh mắt cô bé đầy mất mát, nhìn luyến tiếc mỗi nơi mỗi vật như muốn ôm hết vào lòng mãi không buông. Tôi chạnh lòng liên tưởng đến sự mất mát của mình, không được như những cánh hoa sứ trắng làm đẹp nơi mình sinh ra và khi chết rơi xuống cội nguồn. Cô bé thổi nhẹ sang tôi một nụ bình an. Tôi thấy một thiếu nữ xoay người dõi mắt theo nụ hoa đang bay bổng, gió lại cuốn hoa bay chung quanh tôi. Hoa và tôi rượt đuổi nhau qua bao vòng xoay, lênh đênh qua bao thời gian. Bà vẫn đứng đó cầm chiếc rổ con, trông chừng sợ tôi ngã. Người thiếu nữ không ngừng quay tròn ở giữa sân. Trời nổi gió lại đổ mưa lại xuyên nắng, xoay vần những bình minh trong những vạt nắng màn mưa, xoay vần mực nước hồ đầy vơi, xoay vần những tiếng cười nắc nẻ của mấy chị em tôi, tiếng reo vui gọi cha của cô công chúa nhỏ. Lòng tôi cảm thấy nặng dần, mọi vật trước mắt nhòa đi và trong tai chỉ còn tiếng gió trở xoáy, xoáy điên cuồng thành cơn lốc nhấc bổng người tôi lên cao lao vào một cảnh đêm lạnh. Thành phố hiện dần ra với những con đường tôi vẫn đi về, với trường lớp còn đóng cửa và những mái nhà có bạn bè thân đang ngủ say. Tôi yêu từng tất đất con người, trước phút ra đi tình yêu chợt thâm sâu che khuất sự bất an. Mùi đất ẩm quen thuộc xông lên theo gió thấm qua từng tế bào trên da thịt vào đến tận tâm tủy. Tôi để mặc từng lớp gió thấm vào mình, mặc sự tê buốt trong xương. Và như vậy, quê hương ở lại trong tôi.
Gió đã hạ và trong hương sứ trắng, cô gái bé nhỏ của cha Long Vương đang tấm tức khóc. Tôi chậm vòng xoay rồi dừng lại nhìn cô. Nước mắt cô là những hạt trân châu từng thấm trên da tôi. Ánh mắt cô là ánh mắt tôi tha thiết niềm thương tiếc. Cô không nỡ xa rời sân thượng đầy kỷ niệm, nên cô ở lại. Người thiếu nữ đã biến mất còn tôi sẽ không thể trở về.
Tôi rời sân thượng khi trời hừng đông. Trên nền trời ban mai, những vì sao đã thu xong mười bảy năm ký ức, yếu ớt dần rồi ẩn vào ánh nắng. Tôi khép lại cánh cửa sắt dẫn ra sân thượng, khép vĩnh viễn cánh cửa của tuổi thơ. Có lẽ những vì sao ấy đang rực rỡ trên nền trời đại dương. Tôi bước thật nhanh xuống thang nhìn cánh cửa mở rộng phía trước mà nước mắt không ngừng trôi.
Trầm Hương
California, tháng 4-2010
Căn phòng