- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nàng Vừa Đi Lấy Chồng Về

20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 32419)

blank

Mới tám giờ sáng, tiếng chuông điện thoại đầu giường đột ngột cất lên réo rắt. Mẹ khỉ! Thằng nào gọi mình sớm thế cơ chứ? Từ rất lâu tôi đã không nhận được những cú điện thoại vào giờ này. Của nàng. Ở cách xa tôi nửa vòng trái đất. Khi mà bên ấy là tám giờ tối. Giờ của nhớ nhung khi mới xa quê ít ngày. Giờ của mệt nhoài sau một ngày vật lộn với công việc. Nhưng chỉ một vài tháng đầu. Tôi non già đoán định. Nàng đã quen với công việc và tay chồng ngoại quốc ngây ngô như một đứa trẻ to xác? Nàng đã gạt bỏ hoàn toàn trong tâm trí một đàn ông quê nhà là tôi. Dù tôi có sinh ra và lớn lên ở thành phố này thì so với nơi nàng đến vẫn chỉ là một thứ nhà quê tỉnh lẻ. Đầy rẫy những bon chen tị hiềm. Và những khuôn phép hẹp hòi vặt vãnh làng xã vẫn còn mang đậm dấu ấn. Hay nhớ nhung của đàn bà là thế? Thường thì họ hay nhớ những gì rất đỗi gần gũi. Lúc ở trên giường còn nói thẳng điều đó với ta. Bập bõm ngắt quãng trong hơi thở. Em...nhớ anh...?

Lão Bội lè nhè trong máy, sang đây đi uống cà phê với tôi, có chuyện hay muốn kể cho ông đây! Tôi ngái ngủ uể oải, gớm, làm tôi giật cả mình, chuyện gì mà vội thế? Không nói chuyện qua điện thoại, sang ngay!

Lời của lão như một mệnh lệnh. Bao giờ cũng thế. Có lẽ khi còn đi làm nhà nước lão đã tiêm nhiễm cái thứ văn hoá hống hách ấy. Chỉ là chân chủ tịch công đoàn ở một cơ quan bé tẹo thôi cũng nghĩ mình đủ oai. Mà oai thật. Không phải oai vì cái chức chủ tịch mà oai ở chức vụ thấp hơn thế. Kế toán trưởng. Cả cơ quan lão chỉ nể mỗi một người. Là ông giám đốc chủ tài khoản. Nước mình lạ thế. Người có tiền thì co ro giấu diếm, luôn tỏ ra ôn hoà khiêm tốn. Những thằng cầm hộ tiền người khác thì vênh váo quát nạt. Cứ làm như đấy là tiền của mình. Nếu không có vụ công an vào tận cơ quan bắt đám đánh bạc năm ấy thì có lẽ lão vẫn còn tại vị thêm vài năm nữa. Chạy thầy chạy thợ hết gần trăm triệu. Thoát được cái án tù. Nhưng phải về nhà. Hống hách với vợ con. Và với tôi...

Tôi vùng dậy định chạy ngay vào buồng tắm. Nhưng chả hiểu sao con buồi mãi vẫn chưa chịu nằm xuống. Nó chống chiếc quần ngủ rộng thùng thình lên đến hở cả cạp chun. Thói quen không mặc quần xịp ở nhà kể cũng bất tiện. Từ ngày vắng nàng, nó cứ thường xuyên cửng lên một cách tuyệt vọng như vậy. Dù rằng tôi không có thiếu sót gì trong việc cư xử với nó. Hàng tháng lão Bội và tôi vẫn đều đặn đi chơi gái. Tôi chơi gái để xoa dịu bộ đồ nghề hồi xuân nóng bỏng của tôi. Cho nó có việc làm thứ hai như tạo hoá muốn thế. Lão chơi theo thói quen bù khú khách khứa từ hồi còn tại chức. Tuổi của lão hiếm khi tìm được hứng nữa rồi. Nhưng ác nỗi tiền bạc lại dư giả. Và chân cẳng các em cứ như ngày một dài ra. Tôi hỏi, ông toàn chơi theo kiểu Nhật Bản, nhưng lại với gái già? Thế nào là Nhật Bản? Tôi đưa lão mượn cuốn "Người đẹp say ngủ" của Kawabata. Mấy hôm sau đem trả sách, lão bảo, hôm nào tôi với ông phải thử! Tôi cười đe, lại muốn bóc lịch lần nữa sao, tội dâm ô với trẻ em ở nước mình là to lắm đấy? Tôi sẽ bắt các em cho xem chứng minh thư cẩn thận! Thế thì còn gì là kiểu Nhật nữa?

Con đường ven hồ sang nhà lão chói chang trong cái nắng sáng tháng bảy. Những hàng sấu hanh vàng nhợt nhạt chỉ đợi một cơn mưa là trút xuống ngập đường. Những thân cây sần sùi đổ bóng xuống mặt đường sắc lẻm. Tôi phóng xe chầm chậm cố tìm trong lao xao phố phường chút mùi mằn mặn chua chua bải hoải của cỏ cây sém nắng. Thứ mùi ngày một hiếm hoi cùng với tốc độ bê tông hoá thành phố. Suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh, dân phố gần như đã quên.

Ven hồ đông đặc. Người già. Những cụ bà xếp hàng trễ nải tập bài thể dục bằng những chiếc quạt lụa sặc sỡ. Như múa mà cũng như vờn. Thoả lòng ước mong. Chẳng hiểu vì sao các cụ ông lại không có thú vui xếp hàng tập thể dục như vậy? Họ rảo bước gấp gáp. Đưa mắt nhìn có vẻ giễu cợt. Hình như bao nhiêu ánh mắt tình tứ họ đã trao hết cho nhau từ thời còn trai trẻ...

Lão ngồi sau xe tôi chép miệng, đàn bà thế hệ mình ngược đời thật, lúc trẻ thì nghiêm nghị khuôn phép ý tứ, già rồi lại đâm ra múa may quay cuồng!

 

*

Nàng gặp John trong một lần đến thư viện thành phố tìm đọc mấy tài liệu về luật. Đứng nấn ná trước chiếc tủ thư mục khổng lồ lổn nhổn những ngăn kéo bỗng nhiên nàng cảm giác như có một cái nhìn mơ hồ đâu đó hướng về phía mình. Nó ở bên phải. Bản năng đàn bà mách nhỏ rằng đó là một cái nhìn của đàn ông. Một đàn ông đàng hoàng có giáo dục. Điềm tĩnh và thẳng thắn. Thành phố bây giờ hiếm có một cái nhìn như vậy. Nhất là đối với nhan sắc. Không cầu cạnh van lơn thèm thuồng thì lại dò xét trần trụi và đểu cáng. Nàng quay sang. Nhận thấy một gương mặt đàn ông còn đẹp hơn cả tưởng tượng. Có phần non nớt. Người nước ngoài. Đã toan quay đi vì vốn ngoại ngữ rất có hạn của mình. Nhưng chậm mất rồi. Một giọng nói trầm ấm kèm theo nụ cười rộng lượng cất lên, em tìm sách gì, tôi có thể giúp được không? Nàng nhắm mắt định thần. Có lẽ mình nghe nhầm? Một thứ tiếng Việt có dấu chuẩn đến mức khó tin được phát ra từ một người nước ngoài xa lạ. Và nội dung của nó lại càng khó tin hơn nữa. Đây là thư viện nàng đã quen thuộc với nó từ khi còn nhỏ. Cứ nghĩ rằng mình mới có thể là người hướng dẫn cho khách ngoại quốc chứ làm gì có chuyện ngược lại?

Tôi không còn nhớ tiếng sét ái tình đầu tiên đã đến với mình như thế nào? Chỉ mang máng rằng cô bạn hơn tôi một tuổi học cùng năm lớp chín một hôm sang nhà chơi theo mẩu giấy hẹn dúi vào tay tôi trong ngăn bàn. "Chiều nay mình sang nhà cậu chơi nhé, đừng nói với bọn ở lớp!". Tôi hoang mang vô cùng. Không biết buổi chiều bố mẹ có đi làm như thường lệ? Thật may. Cả đứa em gái bướng bỉnh của tôi chiều hôm ấy cũng vắng nhà. Cô bạn quan sát rất nhanh căn phòng tập thể của gia đình tôi chỉ rộng chừng hai chục mét vuông trên tầng ba. Nó dành cho bốn người. Và thấy ngay khoảnh khắc an toàn tuyệt đối hiếm hoi. Chỉ có mình tôi và con mèo ghẻ trụi đuôi cáu gắt nằm bên ngoài cửa sổ cất tiếng rên nôn nóng. Tôi không cho nó vào nhà.

Khép chặt cánh cửa. Cài chốt cẩn thận. Cô bạn bất ngờ vòng tay ôm chầm lấy tôi. Hôn chi chít lên mặt, lên mắt, lên tai. Hổn hển vấp váp, mình yêu cậu ngay từ đầu năm lớp tám! Tôi lóng ngóng chưa biết để đôi tay thừa của mình vào đâu, cô bạn lặng lẽ cầm bàn tay nóng hổi của tôi áp chặt lên hai bầu vú. Tôi chẳng nhớ lúc bấy giờ có một luồng điện nào chạy râm ran khắp cơ thể như các nhà văn vẫn mô tả hay không? Cũng chẳng nhớ có một tiếng sét nào đó lúc ấy đã nổ ra trong đầu hay không? Chỉ nhớ rằng cô bạn từ đấy sang nhà tôi đều đặn. Vào đúng một giờ nhất định. Giờ ấy, khi con buồi của tôi bất ngờ ngỏng lên thì cũng đúng vào lúc có tiếng gõ cửa của cô. Một tuần sau. Cũng ở nhà tôi. Cô bạn đã cùng tôi khám phá những bí mật cuối cùng. Đau và sợ. Cũng phải đến cuối năm học ấy tôi mới biết rằng mình đã vào đời. Lũ bạn bảo thế. Chúng nó nhiều đứa cũng như vậy.

Có vẻ như chàng sinh viên Mĩ con cái một gia đình hết sức bề thế như John lớn hơn tôi ngày ấy rất nhiều. Cậu ấy chắc hẳn đã biết thế nào là tiếng sét ái tình. Và dĩ nhiên còn hơn thế nữa. Tôi biết rằng tiếng sét ái tình đến với toàn bộ nhân loại. Chẳng cứ ở đâu. Gặp nó đều mụ mẫm đê mê như đứa dở người. Trừ những kẻ như tôi. Có lẽ từ lâu đã biến thành cái cột thu lôi mất rồi...

Nàng bỗng dưng rất kiệm lời khi kể về John cho tôi nghe. Câu chuyện trở nên vấp váp tức cười không giống như những sôi nổi lưu loát mọi ngày. Tôi hiểu điều gì đang đến và cũng không tỏ ra bực bội. Hay mọi bực bội đã được truyền hết xuống đất như dòng điện?

John nói yêu em và cần có em anh ạ! Đó là câu nói vỡ lòng bằng tiếng Anh tôi đã từng học. I want you, I need you, I love you! Và cũng chỉ học đến đấy. Tôi buột miệng trêu nàng, ở Mĩ mà cũng có phi công trẻ lái máy bay bà già ư, cậu ấy con nhà giàu có, lại học hành cẩn thận, em đã suy nghĩ kĩ chưa? Chúng em đã gắn bó với nhau mất rồi, vì lịch sự cậu ấy không bao giờ hỏi tuổi tác của em, mà có vẻ như cậu ấy cũng chẳng muốn biết làm gì. Chúng ta cứ như thế này mãi làm cho cuộc sống thêm nhàm chán, em cần đổi thay! Tôi chợt thấy thương nàng vô hạn. Lũ chúng tôi sống ngay ở quê nhà đã chỉ như những hạt bụi vô tăm tích. Rồi đây khi giữa một biển người xa lạ...

Lại một đàn bà nữa đến rồi đi. Với tôi không còn là một ngạc nhiên. Tôi không cần đổi thay như nàng. Nhưng có lẽ chính vì thế lại luôn luôn bị thay đổi. Vì nhàm chán. Sau thất bại của cuộc hôn nhân thứ nhất, tôi không bao giờ còn dám nghĩ đến việc có một đàn bà kè kè bên cạnh. Chỉ để nói ra những điều mình không muốn nói. Và ăn những món mình không thích ăn? Nhưng đàn bà chả ai nghĩ thế. Dù đã ngầm quy ước với nhau thì cuối cùng đàn bà vẫn là đàn bà. Họ không bao giờ muốn một cuộc sống không có gì ràng buộc. Cho đến già đi tập thể dục vẫn còn muốn phải xếp hàng ngay ngắn. Có đội hình tổ chức đoàn thể hẳn hoi.

Và tôi thì chẳng có bất cứ thứ gì để mang ra so sánh với John được. Tuổi trẻ thì đã hẳn rồi. Sức khoẻ dĩ nhiên. Tiền bạc cũng thế. Tôi chỉ có thể hơn John một số tuổi đủ để sinh ra cậu ấy. Nhưng cái con buồi của tôi chắc chắn chỉ làm được độ một phần ba công việc mà con buồi cậu ấy có thể làm. Điều này kể cả sách vở và phim ảnh đều đã chứng minh rõ ràng. Và sau lưng cậu ấy còn có cả một gia đình giàu có trên một đất nước rộng lớn. Có thể doạ được cả thế giới...

Những cuộc điện thoại của nàng vào lúc tám giờ sáng cũng thưa dần. Rồi tắt hẳn vào mùa đông năm ngoái. Nàng không bao giờ kể cho tôi nghe bất cứ điều gì về cuộc sống gia đình nhà chồng. Chỉ vài lần sụt sùi nói rằng rất nhớ những ngày đã qua. Còn nhớ nhung như thế để làm gì thì không thấy nói...

 

*

Quán cà phê đông nghịt. Thật ngạc nhiên là ở một đất nước xuất khẩu cà phê đi khắp thế giới nhưng để tìm cho được một quán cà phê ngon lại không dễ chút nào. Những quán ngon và lịch sự thường chật cứng. Tôi rất ghét cái ồn ào náo nhiệt và mùi nước hoa, son phấn lảng vảng quanh li cà phê. Thứ mà ở bất cứ quán cà phê nổi tiếng nào cũng rất sẵn. Nó cứ như vừa uống bia vừa đánh rắm xịt. Thứ mà ở quán bia nào cũng rất sẵn. Lão thì ngược lại. Dường như lão đến quán không chỉ để uống cà phê. Mà còn để ngắm nhìn. Để phô phang. Và cũng thỉnh thoảng lên giọng dạy dỗ bọn trẻ cho đỡ nhớ. Có bao nhiêu người đến quán cà phê để uống cà phê? Bây giờ không thể biết. Người ta đến để hẹn hò tình tự. Để trao đổi công việc làm ăn thầm kín. Để đưa và nhận hối lộ. Cũng có khi chỉ để hóng hớt khoe mẽ...

Lão hơn tôi bảy tuổi. Hồng hào khoẻ khoắn. Mớ tóc dày nhuộm đen kịt như thời còn đi làm. Áo quần chải chuốt. Giày đánh bóng lộn. Cặp kính trắng hai tròng gọng vàng ngay ngắn đăm chiêu trên gương mặt đầy đặn được chăm chút cẩn thận. Cứ như sắp sửa đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua đến nơi. Mười năm chơi với tôi, gương mặt lão không đổi chút nào. Trơn và nhẵn. Cũng có phần khả ố. Nhưng lão tốt bụng. Thỉnh thoảng cũng có những người "mặt mũi" không phải là "hình dong". Cứ "trông mặt mà bắt hình dong" là dễ nhầm. Lão không muốn tôi gọi bằng anh. Cứ ông ông tôi tôi là được. Thỉnh thoảng còn đùa với lũ trẻ đánh giày, mày trông bố với bố này ông nào già hơn? Lũ trẻ lém lỉnh quăng quật đường phố đã nhiều có ngay câu trả lời bao giờ cũng làm hài lòng lão. Hôm nay cũng vậy. Cả hai chỉ thoát được bọn trẻ mè nheo khi đã cởi giày cho chúng đánh.

Xỏ chân vào đôi dép tổ ong cáu bẩn lũ trẻ đánh giầy đưa cho. Châm điếu thuốc rít một hơi dài khoan khoái. Lão ghé tai tôi thì thào, cái Thảo vừa về nước, ông đã gặp chưa? Tôi cười, sao lại gặp, cô ấy bây giờ là gái có chồng? Ông chả biết gì cả, hôm qua gặp tôi trên quán nhậu cô ấy hỏi thăm ông đấy! Tôi chủng chẳng, ôi dào, lịch sự hỏi thăm nhau, ngày nào dân phố chẳng hỏi thăm nhau! Không đâu, thấy nó có vẻ buồn bã và hỏi rất kĩ về hiện tình của ông, tôi bảo với nó rằng ông vẫn y như ngày nó ra đi!

Dù đã quen với những cuộc chia tay đột ngột nhưng lần vừa rồi với Thảo tôi đã rất khó khăn để vượt qua được muộn phiền. Có một chút ấm ức chen vào. Người ta hình như già đi một cách dần dần khi đã bắt đầu cảm thấy ấm ức. Nỗi ấm ức cứ tàn nhẫn tăng lên theo tuổi tác. Chẳng dịu êm chút nào. Thua trận thường được người ta tự an ủi bởi tương quan lực lượng quá chênh lệch. Đã đành. Nhưng vẫn cứ nghĩ nàng đã từng có một thời gian khá dài với mình đủ để hiểu và không dễ gì đánh đổi lấy một thứ hết sức thông thường như vậy. Tôi cay đắng nói với lão, mong ông đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, tôi không phải loại người có thể nhìn thấy thắng lợi trong thế thua, nhỏ cam phận nhỏ! Vớ vẩn, nhỏ to gì ở đây, nói cho ông biết nhé, nó bỏ chồng rồi, về nước có một mình! Bỏ chồng? Thế ông định gọi thế nào, hay tôi gọi là vừa đi lấy chồng về vậy nhé? Tôi suýt bật cười...

Cốc cà phê như tan chảy trên tay tôi đắng ngắt. Những gương mặt người trong quán nhập nhoà hư ảnh. Cứ như đang cùng tôi trút đi tất cả những muộn phiền. Những gương mặt thoát xác hoá thành những hạt bụi nhỏ li ti lửng lơ trôi vào thăm thẳm...

 

*

Đèn tín hiệu giao thông màu vàng nhấp nháy liên hồi. Cái ngã tư khốn khổ trong thành phố vào giờ này khi nào cũng vậy. Phải thay bằng một tín hiệu khác. Cũng màu vàng. Đó là màu áo của cảnh sát giao thông. Bóng những chiếc gậy chỉ đường vung văng trên đầu. Tiếng còi bẳn gắt ré lên. Có nhà thơ gọi nơi đây là ngã tư "sầu muộn". "Anh đón em về qua ngã tư sầu muộn". Đẫm đầy an ủi. Đủ thấy thơ ca cần thiết cho giao thông đường bộ như thế nào. Tôi cẩn thận nhích bánh xe từng tí một. Chẳng dại gì mà va chạm với bất cứ ai lúc này. Rất có thể nổ ra một cuộc cãi vã trên mức "sầu muộn" khi mà tất cả đều đang ở trong một tâm trạng cực kì bực bội. Ngày nào cũng thế mà không thể quen được. Thậm chí bực bội ngay từ khi sắp đến gần ngã tư.

Điện thoại trong túi quần bỗng rung lên bần bật. Tôi mặc kệ. Có rút máy ra cũng chẳng thể nghe thấy gì giữa gầm rú tiếng động cơ trên đường. Vả lại ai đó điện thoại cho tôi giờ này thì cũng chỉ là để mời mọc rượu chè. Tôi không còn quan trọng với bất cứ việc gì.

Thoát khỏi ngã tư "sầu muộn", tôi hấp tấp phóng xe về nhà. Mồ hôi đã ướt đầm lưng áo. Rỏ thì thầm trong ống quần rất ngứa ngáy. Y như ngày ở bộ đội hành quân dã ngoại trên núi rừng biên giới. Ngày ấy hắc lào toàn đơn vị. Tiểu đội phải tập hợp hàng ngang tụt quần xuống lưng đầu gối. Khẩu lệnh "Dạng chân... Dạng!" phát ra. Y tá đại đội dùng chiếc panh bạc kẹp cục bông to bằng nắm tay thấm đẫm cồn iôt khua khoắng thuần thục hai vòng quanh dái. Lại luồn một đường mát lịm qua háng theo kiểu xâu kim. Giải ngũ mấy năm sau tôi vẫn không bỏ được thói quen thò tay xuống gãi bìu mỗi khi gặp chuyện băn khoăn khó nghĩ khó làm...

Từ buồng tắm lướt thướt bước ra. Chuông điện thoại di động trong túi quần lại đổ dồn gấp gáp. Tôi vội tắm quên tắt chuông như mọi ngày. Nhớ trước đây vẫn thường hay đùa nàng, máy để chế độ rung còn quần thì để chế độ treo, không nghe thấy gì, thế là vô tội! Nàng bảo, tội to hơn thì có!

Mở máy. Thấy hai số điện thoại lạ hoắc. Chắc có người cần gặp. Bấm nút nghe. Xin lỗi! Ai gọi tôi đấy? Chỉ duy nhất một tiếng "anh". Như tiếng thở dài não nuột mất hút vào xa vắng. Im lặng. Tôi nhắc lại câu hỏi. Đầu dây đằng kia có tiếng thút thít. Của nàng. Tôi bàng hoàng. Thì ra mình vẫn chưa thể quên...

Nàng ập đến nhà tôi như một cơn gió lạ. Với những trang điểm cầu kì sục sôi nữ tính. Viền môi tô sắc lẻm chín mọng. Quầng mắt nâu trĩu nặng u buồn. Và một thứ mùi không thể lẫn vào đâu được. Mùi của người vừa ở nước ngoài về. Một thứ mùi từ lúc còn nhỏ đã không thể nào quên mỗi lần bố tôi đi công tác nước ngoài. Mùi của vẻ vang sung túc tự hào. Thứ mùi ấy phảng phất trong nhà hàng tháng trời. Có thể đem khoe với bạn bè. Cho đến lúc mẹ tôi đem chiếc va li của ông cụ lên sân gác phơi sau khi đã bán hết số hàng hoá ông mang về.

Gục đầu trên ngực tôi, nàng bắt đầu tấm tức. Không lời. Tôi nhớ lại lời lão Bội hôm ở quán cà phê. Suýt nữa bật cười. Con gái lúc đi lấy chồng cũng khóc. Lúc đi lấy chồng về vẫn vậy?

Tôi dìu nàng lên chiếc ghế xô pha duy nhất trong phòng khách. Nơi trước đây hai đứa thường ngồi hàn huyên uống rượu. Và cả làm tình. Kể từ ngày nàng đi, không còn bất cứ một cô gái nào đến nhà tôi và ngồi lên chiếc ghế này nữa. Tôi đã khéo léo chối từ tất cả. Chỉ vì không muốn mất đi một kí ức đã từng tươi đẹp. Của tôi. Thực ra như thế là không công bằng với những cô gái khác. Nhưng họ làm sao biết được.

Nàng thổn thức, có lẽ anh không còn đủ lòng bao dung dành cho em nữa rồi, em là một đứa chẳng ra gì, tự em cảm thấy khinh bỉ em! Tôi xiết chặt nàng trong tay, không, chúng ta quá bé nhỏ và hèn mọn. Lòng bao dung là thứ xa xỉ, nó chỉ có thể có ở những người lớn lao hơn chúng ta rất nhiều. Mà cũng không chắc đã tồn tại một thứ mang tên là lòng bao dung trên đời. Trắc ẩn thoáng qua thì có! Tôi cố gắng đánh lạc hướng nàng bằng những câu chuyện tếu táo. Kể cả những chuyện gái mú không ra gì của tôi và lão Bội. Những chuyện không ai đem nói với đàn bà. Và nàng ngay lập tức bị cuốn hút. Ngậm ngùi. Nhưng không một lời trách móc...

Ánh nắng chầm chậm tắt bên ngoài khung cửa. Tôi với tay toan bật đèn. Nàng nhào lên người tôi cản lại. Bùng cháy. Hối hả. Trơn. Xiết. Tuôn trào. Tôi phát hiện ra trí nhớ tình dục của con người thật phi thường. Với ai? Như thế nào? Mãi là như vậy!

Khi nàng từ buồng tắm bước ra phòng ngủ, tôi bật ngọn đèn hồng rực cuối chân giường. Ngọn đèn kể từ khi nàng đi cũng chưa một lần phát sáng. Nó cô đơn phủ bụi nằm im lìm trong quên lãng. Và bây giờ toả ra một thứ ánh sáng ngỡ ngàng vui mắt. Nàng khoả thân hoàn toàn. Như mọi khi vẫn vậy. Như hôm qua. Như tháng trước. Như chưa bao giờ rời xa tôi. Chỉ có một khác biệt. Đám lông mềm mại trên gò mu đã được xén tỉa theo hình cánh bướm rất công phu. Lần này thì không thể nhịn được. Tôi cười phá. Cười đến gập cả bụng. Chảy nước mắt. Nàng ngạc nhiên, chuyện gì làm anh buồn cười đến thế? Tôi chỉ đám lông hình cánh bướm rung rinh như chuẩn bị bay lên, sợ rằng người ta không biết đây là bướm ư?

 

*

Lão Bội hẹn tôi ở quán bia sau Vườn bách thảo. Lại bảo đi taxi đến, lão có ôtô ở đấy rồi. Kể cũng lạ. Tuổi cao mà ăn chơi quần quật như lão mới thật là "xưa nay hiếm". Tôi biết sau chầu nhậu tuý luý càn khôn bao giờ cũng là một màn hát hò ở bên kia sông còn táo tợn hơn thế. Lão có bà bồ ngày xưa bây giờ về hưu mở nhà nghỉ. Tôi từng đùa lão, đã về hưu thật chưa? Về thật rồi, phải làm cả một cái nhà để nghỉ thì ông biết đấy, bà ấy thật tốt, đến tận bây giờ vẫn hết sức chiều chuộng tôi! Chiều chuộng? Không phải chuyện ấy đâu, "...Nước khe cạn bướm bay lèn đá..." lâu rồi, nhưng mình sang bao giờ bà ấy cũng gọi cho những em thơm nhất! Gái ngoan ở nhà. Gái đẹp đi thi hoa hậu. Gái thơm ở quán karaoke. Lão giải thích cặn kẽ như vậy...

Tôi gọi Thảo đến cùng. Chỉ có cách ấy mới mong thoát được màn hát múa nhầy nhụa bên sông. Tôi chả hứng thú gì nhiều với chuyện đó, nhưng phần vì nể nang. Phần nữa cũng sĩ diện mình còn ở lứa tuổi trẻ hơn lão. Và nữa là rõ ràng mình bé mọn hơn lão về mọi mặt. Cả tiền bạc lẫn địa vị. Cứ thế là bị lão cuốn phăng đi. Không phản kháng bao giờ.

Quán bia buổi chiều phát ra tiếng ồn cách xa hàng trăm mét. Đám nhân viên trông xe máy tràn cả ra giữa đường chặn khách. Tôi biết có nhiều người qua lại nơi đây cũng không hẳn thích uống bia. Nhưng vì cái lối tiếp thị hung hăng sỗ sàng ấy cũng chặc lưỡi bước chân vào.

Thấy tôi cùng nàng bước vào, lão nặng mặt trách, chờ ông lâu quá, nâng cốc chào bàn trăm phần trăm đi! Ba người bạn đi cùng lão đồng loạt giơ cốc bia lên ngang mặt. Tôi tủm tỉm cười. Uống cạn. Nét mặt lão cho tôi biết mình đã phạm một điều tối kị khi đi uống bia cùng đám bạn lão. Mang nàng đến đây. Câu chuyện quanh bàn bia vì thế cũng không còn hào hứng. Thiếu hẳn nội dung mà họ đang bồng bột sôi nổi quan tâm. Gái. Và cũng vì giữ ý với nàng nên tôi biết rằng họ sẽ khó lòng đạt đến độ say cần thiết để đi hát. Tội của tôi sẽ lớn thêm nếu như không tìm cách cải thiện tình hình. Tôi vờ nại ra lí do đưa nàng về. Mẹ nàng đang đợi. Tất nhiên cũng phải sau cốc thứ tư. Mọi người cũng vờ giữ tôi lại cho phải phép.

Cơn mưa chiều bén gót ngay khi chúng tôi vừa bước chân vào nhà. Nàng hối hả ôm ghì tôi rất chặt. Cả hai loạng choạng ngã xuống giường. Những hạt mưa xiên to tướng bay qua khung cửa sổ như những con ruồi trắng ngốc nghếch. Tạt cả vào chỗ chúng tôi nằm. Tôi gắng thoát ra khỏi vòng tay nàng định ngồi dậy đóng cửa. Nhưng đành bất lực trước sức mạnh căng cứng của cặp chân rắn chắc. Và đôi môi nàng ẩm ướt râm ran mò mẫm kiếm tìm trên mặt...

Lại tiếng chuông điện thoại di động. Tôi căm thù công nghệ thông tin. Nó có vẻ như chỉ có ích cho những ai thừa thời gian. Đem điện thoại ra nấu cháo. Tôi đã có lần bị cô bạn gái nửa đêm dựng dậy bằng điện thoại. Kết quả là hết pin. Nhừ người.

Bật máy lên. Số của lão Bội. Một suy tính lướt nhanh trong đầu. Lão nghĩ rằng tôi đưa nàng về nhà thật sao mà còn định gọi tôi quay lại? Lão không thể ngây ngô đến vậy. Chắc có chuyện gì quan trọng. Và quan trọng thật. Giọng lão khò khè, ông sang bên kia sông, vào công an phường N, tôi đang ở đấy! Sao lại hát cả ở đồn công an thế? Không đùa đâu, sang giúp tôi một việc! Thế là đành dở dang câu chuyện với nàng. Thực ra câu chuyện nàng kể về nỗi cô đơn xa xứ và tay chồng trẻ con với tôi chẳng có gì là lạ. Nó như muôn vàn câu chuyện của các cô gái Việt lấy chồng ngoại quốc. Nhan nhản trên báo. Một vài cô có danh phận hẳn hoi còn tô vẽ nỗi cô đơn ấy lên thành những tác phẩm văn học theo thể loại tự truyện. Tất nhiên nhờ người khác viết...

Lúc tôi đến. Lão ngồi co ro lọt thỏm trong chiếc ghế băng có tựa cao lút đầu. Nhỏ bé và khiêm nhường đến van vỉ. Hình như vừa vặn với cái chức vụ chủ tịch công đoàn cơ quan lão? Cậu bạn học của tôi là cán bộ điều tra ở đồn công an đón tôi từ ngoài cửa dặn khẽ, cứ để cho lão ngồi đấy, tớ giải quyết xong đồng bọn của lão sẽ cho lão về kẻo lại ghen tị! Chẳng phải lần đầu đến bảo lãnh xin cho lão về. Tôi thuộc bài. Cậu bạn muốn đỡ cho tôi khỏi một khoản tiền nộp phạt. Lão và đồng bọn chẳng biết gì.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài thì thầm vào tai lão, chịu khó ngồi một lát, ông sẽ về sau cùng với tôi! Mắt lão ánh lên niềm biết ơn trần tục cam chịu, tôi cũng định thử theo kiểu Nhật Bản! Thế nên tôi mới có thể xin cho ông về được!...

Ra khỏi đồn công an, lão lại nhoay nhoáy cười, ông chở tôi về lại quán bà bạn lấy ôtô, ta làm một chập nữa? Tôi ngần ngừ, sao không đi chỗ khác, ở đây quen mặt quá rồi, vả lại...? Nói thế cho lão đủ chán. Và lão chán thật, thôi hẹn ông hôm khác!

Tôi lang thang trên đường một mình. Không muốn về nhà ngay. Đầu óc mông lung nghĩ ngợi. Có bao nhiêu người đàn ông hung hăng hống hách như lão Bội? Vậy mà lần nào vào đến đồn công an cũng bẹp dí đúng với thân phận của mình. Có bao nhiêu đàn bà lấy chồng xa xứ? Họ có để lại quê nhà những người đàn ông như mình? Có lẽ mình phải dành dụm từng phút êm đềm bên Thảo. Nàng vừa đi lấy chồng về...

Đỗ Phấn
(Hà Nội)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 36490)
LTS: Minh Hà tên thật là Nguyễn Thanh Phong sinh viên khoa sáng tác tại Hà Nội. Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, bằng một lối hành văn gọn, mạnh và nhiều hình ảnh, anh đã dẫn câu chuyện rất lôi cuốn từ những dòng đầu tiên... Chúng tôi hân hạnh gới thiệu tác phẩm "Vực thẳm" của Minh Hà đến quí độc giả. TCHL
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 33339)
Gần nhà Thiên An có một cái hồ nằm đối diện khu nghĩa trang mênh mông phía dưới chân đồi. Dân trong thành phố gọi đó là hồ dĩ vãng. Ít người tìm hiểu tại sao lại có tên như thế. Nhưng họ bảo nhau rằng nếu ai ngồi bên hồ vào lúc mặt nước bất chợt chuyển động xoáy tròn thì sẽ nhìn lại được quá khứ của mình. Vòng bờ hồ ngoằn ngèo tua tủa như răng cá sấu nhưng lại làm tăng vẻ huyền ảo kỳ diệu của mặt nước xanh biếc lá cây. Hình như mọi người có thói quen quay đầu nhìn lại sau lưng mặc dù đôi bàn chân phải bước về phía trước. Nên thành phố giàu hơn nơi khác nhờ du khách tò mò về hồ dĩ vãng. Họ đến đấy để hi vọng tìm lại được quá khứ đã ngủ yên.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 38625)
Người phụ nữ Nhật ngồi trên hai gót chân mình, bà cúi đầu thật sát vào hai bàn tay úp trên mặt chiếu, bà chào khách. Mười người khách ngồi chung quanh chiếu tatami , họ lễ phép cúi đầu chào lại, sau lưng họ những cánh cửa Shoji khép kín. Trong chiếc kimono cổ truyền, bà thong thả cử hành nghi thức pha trà.
20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 30979)
Sáu tấu khúc của một tuổi hoa niên đến khi chấm dứt vẫn là đột ngột. Tôi từng tự hỏi nén được không những thứ như tình yêu, quá khứ, kỷ niệm và cả mặt đại dương đã tràn vào phố? Tôi tự trả lời là một giọt nước mắt cắt làm sáu khúc vẫn giữ nguyên những óng ánh trong suốt của tuổi thơ và niềm chua xót. Viết là một hành động thao thức. Viết thành truyện là mang trả cho đời sống những gì đời sống đem đến: sự khắc khoải của chính mình. (Trầm Hương)
18 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 34868)
1. Anh gặp và quen biết Luy từ một người bạn gái trong bữa họp mặt cuối năm của nhóm Người mẫu "Thác loạn" cách đây 3 năm. Lần gặp đó không có gì đặc biệt. Anh chỉ nói chuyện với cô bạn gái người Singapore ấy vài câu, mà toàn là chuyện vớ vẩn. Tiện thể, anh biết Luy không nghề ngỗng gì.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 34642)
Ấy xin lỗi, chờ tôi chút, hello, hello. Cô gái tất bật, suýt đâm sầm vào nhân viên kiểm soát giao thông. Người đàn ông ngẩng đầu lên, quay qua nhìn cô. Hơi thở tỏa ra như khói từ chiếc mũi sần sùi. Rồi ông ta quay lại, nhìn xuống miếng giấy hình chữ nhật gài vào chiếc quạt nước kính xe.
17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 34040)
"You are now arriving at the destination". - Mình đến rồi há ba? - Ừ, thì cái GPS mới nói đó, con không nghe à. Không cần cái GPS ông Vong cũng đoán là căn nhà nhỏ tường sơn xám với cái sân con trước nhà, giữa sân là một cái cây lá chết khô cành khẳng khiu vì cả một con phố im lìm ông không thấy ai ngoài đứa con gái trạc tuổi con gái ông, mặt á đông, áo đen quần đen, đứng trên driveway trước hai cánh cửa sắt cũ kỹ rỉ sét.
07 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 32252)
-Chúng ta rồi sẽ chết đi phải không anh? -Sao em lại hỏi vậy? -Ừ, em chỉ hỏi thế thôi! Chúng ta rồi sẽ chết đi anh à, em biết chắc điều đó…. -Thôi nào, nhắm mắt lại và ngủ một chút, khi tỉnh dậy em sẽ thấy khá hơn. Hôm nay đã là ngày tiêm thuốc thứ hai. Chỉ còn ngày mai nữa, em lại có thể tung tăng cà phê cà pháo…
07 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 29987)
...Lúc mấy bố con nhà đấy hỉ hả khệnh khạng vác ba chum giun về đặt ở sân không hiểu sao giun lao ra như rắn bò đen cả ngôi nhà. Ông bố xiêu vẹo chạy vào trong buồng vấp phải bậc cửa ngã vỡ mồm, lúc ngẩng được đầu lên thấy lũ chó con đang tranh nhau gặm cái đầu của bà cụ...
08 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 107140)
Ngày cúng thành hoàng làng Nghi An năm đó (1890), tiên chỉ, lão làng đang dâng hương cầu xin quốc thái dân an, nghi lễ cúng bái trang trọng và thành tâm, thì có một thằng bé đứng bên ngoài nói lớn: -“Quốc thái dân an” là do mình tranh đấu mới có. Cớ sao lại xin xỏ tầm phào như vậy? Nói xong thằng bé đó bỏ chạy.