- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Khúc Dạo Đầu Cho Một Nền Văn Chương Xốc Xếch

17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 32844)
hoangchinh-108_0_157x300_1Ấy xin lỗi, chờ tôi chút, hello, hello.

Cô gái tất bật, suýt đâm sầm vào nhân viên kiểm soát giao thông. Người đàn ông ngẩng đầu lên, quay qua nhìn cô. Hơi thở tỏa ra như khói từ chiếc mũi sần sùi. Rồi ông ta quay lại, nhìn xuống miếng giấy hình chữ nhật gài vào chiếc quạt nước kính xe.

Thưa bà, hết giờ rồi.

Cô gái vội lùa tay vào túi ngực áo mùa đông. Lòng túi lùi xùi lớp vải nhũn và chỉ vụn lúc may xong, người ta không tỉa cho sạch.

Tôi quên, xin lỗi, cho tôi bỏ thêm tiền. 

Cô thọc tay vào túi áo hông. Người ta thế này mà dám gọi bằng bà. Ý nghĩ thoáng qua, nhưng cô không có thời gian thắc mắc cái câu xưng hô. Phía sau những cửa kính kia, có đôi mắt nào nhìn tôi không. Có trái tim nào gõ với tôi vài nhịp vui buồn. Hai túi áo trống trơn. Cô kéo vội sợi dây kéo từ cổ áo xuống, để hở ra chiếc sơ mi xám nhạt. Cái lạnh như bàn tay thô siết cổ họng. Cô rùng mình. Năm ngón tay tê buốt luồn vội vào túi áo. Cái khung áo ngực cứng ngắc. Những đồng xu chạm nhau lanh canh. Những khúc ca trật nhịp.

Bà không nên quên như vậy. Vừa nói, người đàn ông vừa gỡ tấm giấy ra khỏi khung kính.

Cô ngước nhìn cái cằm bạnh lởm chởm râu.

Tôi bỏ qua cho bà lần này. Người đàn ông nói trước khi xé đôi mảnh giấy, nhét vào cái túi đeo bên vai.

Cám ơn, chúc ông một ngày vui vẻ.

Người đàn ông nói bà cũng vậy nhưng không quay lại.

Cô nhìn theo cái lưng như bức tường vuông đang di động qua chiếc xe bên cạnh. Hai con mắt sâu lại đăm đăm chiếc đồng hồ ở đầu cây trụ sắt cao ngang tầm ngực. Cô thở phào. Hơi thở mờ như khói thuốc. May mà xuống kịp. Mấy ông nhà nước này khó quá. Cái xe cũ rích mà cũng phạt. Cái xe cũ rích có biết gì không. 

Cô nhét những đồng hai mươi lăm xu vào cái khe hẹp phía dưới mặt đồng hồ còn đọng tuyết. Hai mươi lăm xu được mười lăm phút. Hơn một tiếng nữa thư viện mới đóng cửa. Vậy phải bỏ vào máy ít nhất một đồng rưỡi cho chắc ăn. Thà tốn một đồng rưỡi tiền đậu xe còn hơn phải đóng hai mươi đồng tiền phạt vì đậu xe quá giờ quy định.

Cô vặn cái chốt cho đồng xu rơi vào lòng máy và kim đồng hồ chỉ khoảng thời gian vừa mua được. Một tiếng hai mươi phút nữa. Một tiếng hai mươi phút, nói được bao nhiêu câu với cái người phiêu phiêu ấy.

Cái lạnh bò vào sống lưng làm cô rùng mình. Lạnh thế này dễ cảm lắm đây. Cô ngước nhìn bầu trời. Cái khung xám võng xuống, nặng nề như tấm nệm giường đứt hết lò so.

Những cành cây đen đúa như đám gai từ thân nhím già. Lá rụng hết từ lúc nào. Thời gian thấp thoáng như đứa bé chơi trò ú tim. Mới thấy bóng nó bên này, thoắt một cái, đã ở tuốt bên kia. Có khác chăng là đứa bé chơi trốn tìm thì bao giờ cũng trở về còn mùa màng đã qua thì không bao giờ trở lại. Một cơn gió nhẹ thổi qua. Cô cong người vì lạnh. Cô nhìn đám cành đan nhau như những cánh tay cụt tua tủa mọc lên trong đám vô gia cư chờ phát chẩn, ánh mắt cô dừng ở một chiếc lá đầu cành phong èo uột như bàn tay trơ trọi.

Cô suýt reo lên mừng rỡ. Giữa mùa đông mà cây phong gầy kia vẫn còn một chiếc lá. Chiếc lá treo đầu cành khẳng khiu như niềm tự hào mong manh. Có gì vui để cố níu kéo cuộc đời. Lá ơi, có lạnh không. Cô thì thầm. Chiếc lá rung theo thoáng gió, như buông xuống một câu trả lời.

Trước khi khập khiễng bước lên những bậc thềm, cô còn quay lại nhìn chiếc lá thêm một lần. Lá ơi, hãy cố sống cho tới mùa xuân.

Trong góc nhìn cô, chiếc lá rung rung như cảm xúc trước một rủ rê, một hẹn hò không thể nào cưỡng lại.

Cô gái ơi, cô là người đầu tiên nhìn thấy tôi. Cô là người đầu tiên gửi cho tôi những lời thì thầm. Đã lâu lắm rồi trong đám đồng loại của cô, tôi không còn thấy ai ngước nhìn lên cao. Có một thời chỉ những đứa trẻ biết nhìn bầu trời. Bây giờ người ta cúi gằm xuống đất. Người ta bám lấy mặt đất. Người ta bước đi trên hai chân nhưng người ta không khác loài bò sát. Đến đám trẻ thơ cũng không còn thời gian ngước nhìn bầu trời. Ừ mà người ta nhìn bầu trời để tìm kiếm điều gì bây giờ. Tôi chỉ là chiếc lá mong manh. Cô là người đầu tiên nhìn thấy tôi. Cô phải là thi sĩ, cô gái ơi. 

Nắng rụng xuống cỏ, hong tan lớp tuyết mỏng, làm dậy lên bệt mầu xanh lạc giọng. Khoảng sân bỗng lầy lội. Người con gái nhìn qua khung kính, tìm chiếc lá lẻ loi. Quên mất con mắt mong đợi phía sau lưng. Những cuốn sách xếp trên kệ thở ra cái hơi ấm dịu dàng. Trong thư viện, thời gian đôi lúc ngủ quên.

Cô nhìn mình thấp thoáng. Cô thích soi bóng trong khung kính cửa sổ, bởi nơi ấy cô lẫn vào mờ ảo sương mù. Cô không muốn thấy mình lộ liễu; cô không muốn thấy mình trần truồng. Có lần, nhìn đăm đăm khung kính chữ nhật, cô bắt gặp hai con mắt mầu xám. Bà ngoại vẫn bảo người khôn con mắt đen xì, người dại con mắt nửa chì nửa thau. Mình không có đôi mắt đen nhánh như đôi mắt những người con gái hát hay, múa giỏi trên sân khấu. Con mắt mầu xám tro. Nỗi buồn thênh thang bầu trời mùa đông không nắng. Nỗi buồn theo tuyết về, ở lại cho đến khi nắng lên và lá đơm xanh những nhánh cây. 

Họ quen nhau trong thư viện. Hắn là nhà văn. Cô đoán vậy. Bởi cô thường thấy hắn trầm tư bên chồng sách xếp trên bàn, cao ngang tầm mắt. Từ nơi trú ẩn phía sau khe hở những kệ sách nhìn sang, cô thấy hắn như người lính phục kích sau lỗ châu mai, trong một hầm chiến đấu kiên cố.

Bảo vệ điều gì và chiến đấu cho ai, hỡi ông nhà văn lạ lùng.

Hắn tên gì nhỉ. Cô đoán hoài không ra. Không biết tên hắn. Hắn có tên không. Hắn chẳng cần có tên. Chỉ biết rằng niềm u uất trong cô tan đi như sương mù bị khuấy động bởi niềm vui khi thấy hắn. Chỉ cần hắn có mặt là thư viện đông vui. Sự hiện diện của hắn làm những cuốn sách chào hỏi, cười nói xôn xao. Hắn không cần tên, bởi cô không bao giờ lầm hắn với ai. Cái lưng gù. Hàng ria mép lưa thưa. Chiếc cằm bạnh. Hàm răng gập ghềnh. Tóc tua tủa như lông nhím. Con mắt híp và cái nhìn xăm xoi.

Có lần hắn đi ngang khu sách tiếng Việt, bắt gặp cô mân mê cuốn sách của một tác giả Việt Nam. Hắn đứng lại nghiêng đầu nhìn cái bìa, nheo mắt, gật gù, rồi nhìn cô. Bỗng dưng đầu cô vất vưởng cái ý nghĩ lạ lùng chính hắn là tác giả. Cô nép người sát kệ sách cho hắn lách qua. Nhưng hắn đứng lại bên cô. Trong cái tĩnh lặng của thư viện, tiếng đằng hắng của hắn lẫn vào tiềng thở của hàng ngàn cuốn sách.

Thư viện lúc này không có sách mới. Cô bắn tiếng.

Hắn nhìn cô, môi mím lại, hàng ria mép rung rung.

Toàn sách nấu ăn, làm như sợ người Việt xa quê hương lâu quá, không còn biết nấu nướng gì nữa. Cô nhìn những lưng sách, nói trống không cho bớt ngượng.

Người đàn ông vẫn im lặng. Hai mắt đăm đắm nhìn cuốn sách trên tay cô. Rồi quay vào với kệ sách.

Xin lỗi, phải sách này của ông không. Cô hỏi vội, cố biến cái ngượng ngùng thành niềm gan dạ.

 

Người đàn ông nghiêng đầu ngắm nghía, thong thả đưa tay sửa lại một lưng sách hơi thụt vào trong cho thẳng hàng rồi mới quay lại nhìn cô, con mắt lạnh băng. Không phải đâu, cô em. Hắn nheo mắt sau câu trả lời. Những đứa con tinh thần của ta sẽ không nằm chung với cái đống nhàu nát này.

Hắn vừa nói vừa bước lui. Cô muốn cảnh giác rằng hắn sắp lủi vào người nhân viên thư viện với chồng sách ôm ngang tầm mắt nhưng tia nhìn xoáy đinh ốc của hắn làm cô luống cuống. Và hắn đâm sầm vào cô nhân viên - dù cô ta đã vội nép vào một bên - xô chồng sách vung vãi trên nền nhà. Hắn lừng khừng nhìn những cuốn sách xõng xoài trên mặt thảm. Cô ngồi xuống, lầm thầm nói giùm hắn câu xin lỗi rồi loay hoay giúp hắn xếp lại những cuốn sách cho cô nhân viên.

Lúc nào tôi cũng thấy ông viết. Chắc ông viết tiểu thuyết. Cô đưa đẩy để câu chuyện khỏi gẫy khúc.

Bây giờ hắn mới mỉm cười, nụ cười thứ nhất trong mối quan hệ không tên. Cái cổ tưởng như đã cứng lại từ lâu, khẽ gập xuống. Ánh sáng lóe lên trong mắt nhìn.

Hắn có thói quen nói chuyện một mình. Nhiều lần cô bắt gặp hắn rì rầm độc thoại như đang chuyện trò với những cuốn sách, với kẻ nào trốn trong đầu hắn hay một con ma xó nào đó. Hắn nói một mình. Cô lắng nghe và trả lời bằng ngôn ngữ của óc tưởng tượng. Thế nên họ có với nhau những đối thoại không đầu đuôi, những chuyện kể vụn vặt.

Nhưng hôm nay hắn trả lời câu hỏi của cô.

Đúng vậy, tác phẩm để đời.

Rồi hắn nhún vai, lặng lẽ bước đi. Những bước chân níu kéo nhau. Chân này bảo hãy nán lại ít lâu, chân kia cằn nhằn đứng lại làm chi vậy. Cô nghĩ thế. Cô có thói quen nhìn cử chỉ mà đoán xem người ta nghĩ gì. Mấy người tư vấn bảo ấy là do mặc cảm thua kém của những kẻ không bình thường. Có thể hắn có điều gì muốn nói với cô nhưng tự ái không cho phép. Những con người của chữ nghĩa luôn có những điều phải tỏ bày.

Phải vậy không cái ngưòi tài năng nhưng kiêu ngạo lưng trời kia.

Chừng nào xong, cho tôi đọc với nhé. Cô nói với theo.

Người đàn ông quay lại, chòng chọc nhìn cô.

Em cũng thích viết văn à.

Tôi chỉ là cô gái nghèo. Nghèo mà trời còn bắt tôi mê những cuốn sách thơm giấy mới, còn cho tôi đắm đuối nét phẩy cây cọ mềm tóe ra những sắc mầu mê hoặc. Tôi nghèo mà trời nỡ phạt thêm cái tội yêu văn chương.

Cô cắn môi, giấu khóe cười gượng gạo. Hai má đổ than hồng.

Trên khuôn mặt người đàn ông hiện ra cái gì đó như khối pha trộn hỗn mang. Con mắt mở hé ánh nên niềm tự hào, nhưng cặp môi mím vào nhau tỏa ra sự khinh miệt.

Em muốn viết văn, làm thơ à. Để ta cho em một lời khuyên nhé. Hắn nhìn thẳng vào mắt cô. Phải bứt phá. Bởi văn chương nề nếp, văn chương gọi dạ bảo vâng, văn chương đóng khung, văn chương khâm liệm sẽ chẳng đưa mình đến đâu. Tiếng cười khẩy bật ra từ hai lỗ mũi. Và hắn vạch đầu ngón tay lên những lưng sách tiếng Việt ngủ ngoan trên kệ nơi những Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân, Mùa Biển Động, Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, Chuyện Kể Năm Hai Ngàn nằm chen chúc với những Cách Làm Món Ăn Chay, 365 Món Lẩu Đặc Biệt, Cách Nấu 36 Loại Chè

 

Văn chương gì thứ này. Hắn nói. Không xốc xếch không là văn chương. Mà em có biết văn chương xốc xếch là văn chương gì không. Con mắt hắn bò xuống ngực cô. Chẳng phải xốc xếch là ránh bươm như em gái mới bị hiếp đâu nhé. Xốc là phải tạo shock và xếch là phải có sex. Nền văn chương đương đại thời kỳ kỹ thuật số này phải là nền văn chương xốc xếch. Biết không, cô gái lọ lem. 

Ấy là lần đầu tiên hắn nói với cô một câu dài. Câu nói vẩy ra từ hàng ria mép, cô nghe muốn hụt hơi. Thường thì hắn chỉ ném cho cô những câu gẫy khúc. Cô gái lọ lem. Sao lại gọi tôi như thế. Tôi biết tôi không đẹp nhưng những người yêu văn chương, nghệ thuật đâu cần cái đẹp bề ngoài.

Cô nhìn theo cái dáng cong cong gẫy gẫy của người đàn ông, lòng bề bộn ngôn từ.

Chuyện xảy ra một ngày mùa hạ. Cô lẩn vào thư viện trốn cơn gió nóng. Bắt gặp câu nói của một nhà thơ nào đó rằng tất cả đều là thơ, miễn là có một thi sĩ, thấy hay hay, cô chép lên mảnh giấy nhỏ, chờ lúc hắn đi đâu đó, liều lĩnh đặt lên mặt cuốn sách hắn đang đọc rồi trốn vào giữa những kệ sách, nhìn ra xem hắn làm gì.

Hắn cầm mảnh giấy lên, lơ là đọc, khuôn mặt không lộ chút ngạc nhiên hay băn khoăn nào. Sự lạnh nhạt làm cô ngỡ ngàng. Nhưng lòng cô chỉ sùi lên niềm tái tê khi hắn lạnh lùng xé mảnh giấy thành trăm mảnh vụn rồi kẹp vào lòng cuốn sách dầy và thản nhiên đóng lại. 

Cuối ngày, nhân viên thư viện sẽ gom cuốn sách ấy, xếp vào kệ. Và con mọt sách nào đó vô tình mở ra, đàn bươm bướm được phóng sinh sẽ lả tả bay trong không gian tĩnh lặng.

Từ hôm ấy cô băn khoăn chừng nào hắn mới viết xong tác phẩm để đời.

Cái truyện ông đang viết thuộc thể loại nào. Phải truyện tình không. Cô liều lĩnh hỏi khi đụng đầu hắn ở khu sách tiếng Việt.

Hắn nheo mắt thay cho câu trả lời. Vậy là ban nãy con mắt chỉ len này không thấy cô chuyện trò với cái người biên giấy phạt. Bất chợt, hắn đưa tay xem đồng hồ rồi chạy về chỗ ngồi, khoác vội chiếc áo mùa đông mầu xám, luồn lách giữa những kệ sách, chạy ra ngoài. Cô lấp ló bên khung cửa nhìn theo, lòng tràn ngập niềm vui. Hắn chạy tới chiếc đồng hồ tính giờ ở bãi đậu xe, ngẩn ngơ nhìn nó rồi lững thững trở vào. Cô nép bên khung cửa đợi hắn. Sao lại đợi chờ vô duyên như thế. Cô không hiểu nổi mình.

Hắn quay lại, như linh cảm có người đang dõi theo những bước chân mình. Hắn bắt gặp mắt nhìn của cô. Không kịp quay đi nên cô mỉm cười chữa thẹn. Nhưng hắn không cười đáp lại. Cô ngồi ngóng buổi chiều phiêu phiêu ngoài khung cửa. Bụi tuyết bay bay. Một vẩy tuyết mỏng đọng trên tóc hắn trông như nhúm tóc bạc. Cô muốn vươn dài cánh tay, gỡ những vụn tuyết ấy xuống giùm.

Hãy trẻ mãi như những áng văn chương bất hủ, hỡi cái người thi sĩ.

Khi thư viện tắt đèn trước năm phút để nhắc mọi người sắp đến giờ đóng cửa, cô đụng mặt người đàn ông ấy thêm một lần ở lối ra.

Em gái có tin có phép lạ không. Hắn hăm hở. Thì ra hắn đang viết chuyện thần thoại. Nỗi hân hoan vẽ nụ cười trên mắt cô.

Dạ không, thế còn ông.

Có chứ, hôm nay ta viết cho xong cái truyện ngắn, quên bỏ tiền parking, vậy mà lúc nào chạy ra đồng hồ cũng còn giờ, lại còn nhiều hơn trước, làm như thời gian ngừng trôi hay lùi lại.

Hắn toan bước đi. Cô vội vã đưa đẩy. Lỡ cái đồng hồ bị trục trặc gì đó thì sao?

Không trục trặc gì hết. Hắn đứng sựng lại. Ta thích tô mầu tươi thắm cho cuộc sống. Ta nghĩ có một nàng tiên dùng cây đũa thần hóa phép cho giờ tăng lên để kẻ làm văn chương không bị ticket. Hắn nhìn theo những cái eo thon của hai cô gái tóc vàng vừa lướt qua trước mặt. Trời ơi, ta mà gặp nàng tiên ấy, ta sẽ ôm cứng lấy em mà hôn để cám ơn... cho đến khi em ấy ngộp thở luôn.

Lồng ngực cô thắt lại. Những đồng hai mươi lăm xu đã hoàn thành sứ mạng. Ừ, phải vậy chứ; tình yêu dù có thầm kín đến mức nào thì cũng có lúc được tỏ bày. Và con người dù vô tâm đến đâu cũng phải có lúc nhận ra những tấm lòng chân thật. Cô nín thở chờ cái câu dịu dàng kế tiếp.

Người đàn ông vẫn mê mải với không gian mơ mộng của riêng hắn. Rồi ta sẽ kéo nàng tiên ấy vào xe, đè xuống, chơi cho tơi bời hoa lá.

Và hắn nhìn vào mắt cô. Ô kìa làm gì mà hai má đỏ bừng vậy.

Cô cuống cuồng vớt vát. Tại Lưu Trọng Lư.

Lưu Trọng Lư làm sao nhỉ.

Lưu Trọng Lư kìa sao má đỏ hây hây.

Trời ơi thơ gì mà kín mít như thế. Lời bình phẩm hắn cắt ngang câu nói cô. Ta đã bảo hãy quên thứ văn chương nề nếp, văn chương gọi dạ bảo vâng, văn chương đóng khung, văn chương khâm liệm ấy đi. Thôi, anh phải về, chào em gái nghe. 

Người đàn ông quay ngoắt đi. Cô gái đứng đó, hai chân đóng trụ xuống nền nhà. Đang bước, người đàn ông bất chợt ngoái lại. 

Còn nữa. Đôi vú người đàn bà chỉ đẹp khi bàn tay nhân gian này có thể xào khô. Hắn đưa bàn tay lên khum khum năm ngón như đang nâng niu trái cấm. Nhưng khi đôi vú ấy căng sữa những ngày hậu sản và lúc hài nhi bú chùn chụt như chó con bú mẹ thì sẽ chỉ làm đàn ông các anh tắt kinh sớm. Văn chương không sex là văn chương suy đồi. Người sáng tạo văn chương phải bứt phá; phải cùng lúc sáng tạo ra cuộc đời. Và phải thành thật nói ra điều mình tư duy. Hắn ghé sát mặt cô, hơi thở nóng bò trên má cô như bầy kiến lửa. Như nhìn em, ta nứng. Giọng thì thầm của hắn luồn xuống dưới làn da mỏng của cô. Em về nhà với anh không.

Hai chân cô rụng ra từng khúc. Lồng ngực cô rạn vỡ. 

Chợt hắn nhìn xuống chân cô. Nhưng mà em khập khiễng thế này thì orgasm thế chó nào được. 

Khi vộ vọng, người ta phải quơ quào một điểm để bám vào. Con mắt cô chỉ còn chiếc lá trơ trọi trên cành phong để níu kéo. Hắn nhìn theo ánh mắt cô và bắt gặp cái bệt màu xanh xanh ấy. Và hắn thao thao. Như chiếc lá kia nếu ta đem nó vào thơ cũng không hẳn để trang trí cho cảnh vật mà ta sẽ làm tình với nó. Ta sẽ giao cấu với nó. Ta nâng cấp nó lên ngang hàng sinh vật với ta. Ta ban cho nó một cuộc đời.

Trời không gió nhưng chiếc lá cuối cùng của mùa thu bỗng rời cành, chao chọng giữa không trung rồi đậu xuống vai người con gái. Người đàn ông gỡ chiếc lá, thả xuống mặt đường. Ngón tay hắn chạm vào vai cô. Tim cô gái lặng đi trong lồng ngực.

Tôi chỉ là chiếc lá cuối mùa. Ông ta đem tôi vào truyện bởi tôi trang điểm cho những người, những cảnh trong truyện. Thiếu tôi, tác phẩm sẽ khô khan. Nhưng tôi biết người con gái ông ta gặp gỡ mỗi ngày ấy sẽ không bước được vào thế giới văn chương của ông ta. Mà lỡ có bước được vào những trang sách thì cũng chỉ dừng lại ở đó, không bao giờ bước vào được cuộc đời của ông ta.

Mơ ước làm chi hỡi cô gái tật nguyền. Những con người không nhìn ra được cái đẹp trong cái xấu, cái cao cả trong cái tầm thường làm sao viết nên tác phẩm để đời.

Và cô gái ơi, lẽ ra cô nên trân trọng đặt những đồng hai mươi lăm xu của cô vào lòng bàn tay một đứa trẻ thiếu ăn đang bò lê trên đường phố quê hương cô.

Cuối ngày. Nắng tắt. Những bánh cao su chiếc xe của gã văn chương nghiến lên chiếc lá cuối cùng của mùa thu. Bởi cho dù có qua khỏi cái khốc liệt của mùa màng để ngã vào thời tiết thi ca thì cũng không chiếc lá nào có thể sống qua được cái mùa văn chương xốc xếch.

Hoàng Chính

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 17393)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.
17 Tháng Năm 20206:43 CH(Xem: 17191)
Quang “bản phủ”, vốn là chánh án ở Toà án nhân dân huyện. Nhưng hình dáng bên ngoài, giống y như nhân vật Bao Thanh Thiên bên tàu trong bộ phim truyền hình nhiều tập chiếu trên đài. Tối hôm trước xem phim, sáng hôm sau đến toà, từ bị can, đương sự đến nhân viên, thư ký toà…giật mình thon thót, nhìn lên ghế chánh án, cứ như thấy ông Bao Chửng ngồi trên thật. Cũng tai to mặt lớn đen sì.
23 Tháng Tư 20207:45 CH(Xem: 16318)
Cách đây ba tuần, khi con vi khuẩn độc ác xâm nhập, tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Hoa kỳ, lúc ấy mọi người đã bắt đầu thức tỉnh lo sợ trước một cuộc chiến vô cùng gian nan, một mất một còn với kẻ thù vô hình có sức mạnh tấn công tiêu diệt hàng loạt sinh mạng con người mà loài người vẫn chưa có vũ khí chống lại chúng. Chúng không biết phân biệt già, trẻ, lớn bé hay người ấy là ai, nếu không may đến gần chúng, đụng phải chúng, coi như chúng đã chiếm đoạt cái số phận của người ấy, quyết định sống hay chết là do sự chống trả của một có thể cố gắng đánh bại chúng.
13 Tháng Tư 202011:23 CH(Xem: 17958)
Thế là từ hôm ấy trở đi, trên tất cả các phương tiện truyền thông nước nhà đều dành chỗ, dành thời lượng để tôn vinh ngài Kê. Kiểu như: “Cuộc đời ngài Kê”, “Chuyện ngài Kê”, “Ngài Kê liệt truyện”, “Tấm gương Giáo sư Kê”, “Huyền thoại Kê vàng” vân vân và vân vân. Thôi thì trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua nở. Thơ ca nhạc họa, truyện ngắn tiểu thuyết bút ký trường thiên dài kỳ các kiểu. Thậm chí bên bộ dục còn phát động cuộc thi kể chuyện về ngài Kê trong học sinh các cấp, rầm rộ. Có con bé học trò lớp ba mãi trên Mù Căng Chải chưa xuống núi lần nào được giải nhất. Nó kể về công đức ngài Kê với các đồng bào mèo mán lô lô trên quê nó cực hay, nức nở. Hay đến nỗi ngài Kê hôm ấy mở ti vi xem cũng rơi nước mắt.
28 Tháng Ba 20206:12 CH(Xem: 16548)
Ban đầu, ông thấy người gai gai, sốt, chán ăn. Bụng bảo dạ, nhẽ mình lao động hơi quá sức. Chả là vừa tập Gym hồi đêm về sáng trên máy bay với Hải Yến xong, thì tối hôm đó lại về sân hàng chiếu ở Times city thi đấu cả đêm. Bắt buộc phải cả đêm, bởi nếu không thì khó mà sống với phòng nhì đang kỳ lửa nồng được. Dù ông biết thân trước khi lâm trận, đã viện đến bao nhiêu sự trợ giúp, ngay cả từ lúc mới xuống sân bay kia. Thế nên đêm đầu về nhà cũng làm cho em Thuận mãn nguyện. Những đêm sau thì phải cố, cũng qua bài. Gặp mặt Hội 3G, tay bắt mặt mừng ôm hôn thắm thiết, mừng công trình rực rỡ để đời đã hoàn thành. Mừng cú tuyệt tác one in hole trên chín tầng mây, thật là độc nhất vô nhị! Nhưng mấy hôm tiếp theo đi họp hành, tiệc tùng chiêu đãi nhiều thấy mệt mỏi. Càng ngày càng thấy người ốm tệ. Sốt, ho, khó thở... Hay là nhiễm cúm virus corona? Em Thuận hoảng hốt vội gọi xe đưa vào viện khám. Xe đưa ông Nam vừa đi thì cũng có xe khác đến đưa ngay cả hai mẹ con đi cách ly chống dịch.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 19645)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
25 Tháng Ba 20209:32 CH(Xem: 16904)
Lúc này, bên những vết tích còn lại của bản Thái hoang tàn, Cư có cảm tưởng lạc vào nơi từng ghi dấu sự tích kể về cô gái con tạo bản đã héo hon mà chết vì mong nhớ người yêu; nhưng mọi người không sao đem nổi xác nàng ra khỏi nhà, bởi hồn nàng quyết không chịu rời đi. Bản bị hồn ma ám, không ai dám ở. Còn chàng trai nghèo thất tình, khi trở về đã ôm ấp nàng suốt bảy ngày đêm mà không biết đó là thi thể giá lạnh, giữa cái bản vắng tanh...
11 Tháng Ba 20209:23 CH(Xem: 16491)
Bây giờ ở nước ta gia đình ngài Giáo sư Kê rất nổi tiếng./ Có thể gọi là nổi như cồn. Nổi nhất nước. Bởi là do hai tay hậu duệ: nghĩa tử Hùng Văn Hạ thì chấp chính Bộ dục- văn- giao còn nam tử Giang Đình Tinh Anh thì nắm Bộ công, hai bộ trọng yếu của nước nhà. Rất hăng hái phát tài. Mà đều còn trẻ, đang đà thăng tiến hứa hẹn chủ chốt nước nhà nay mai. / Ngài Kê sau vụ đi làm chủ tịch hội đồng đào tạo cho nước nhà những ba vạn chín nghìn tiến sĩ thì yên tâm nghỉ ngơi cùng con cháu. Thi thoảng đi du lịch ngao du sơn thủy hữu tình cho vui thú tuổi già. Nghĩ đời mình cũng đã thật hào hùng, thôi nghỉ ngơi tuyệt đối…
02 Tháng Ba 202011:18 CH(Xem: 17382)
Buổi sáng tháng mười năm đó, già Mức đi biển. Một ngày như mọi ngày, không khác biệt. Một buổi hừng đông dong thuyền ra khơi, biển yên lành, gió ngon trớn. Chiếc thuyền nhỏ gắn máy hiệu Yarmar vận hành đều đều, tiếng máy nổ ròn rả đẩy cái thuyền lướt trên con sóng, bánh lái điều khiển kêu xè xè dưới làn nước.
26 Tháng Giêng 20203:45 CH(Xem: 16323)
Đường phố Sapa chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo của đèn cao áp lẫn sương mù. Thỉnh thoảng có một hai khách du lịch trở về khách sạn, hoặc một đôi nam nữ Dao đỏ đứng tự tình bên gốc cây. Khí lạnh từ trên đỉnh Fanxipan tràn về thung lũng từng đợt. Hắn hơi co ro, khép chặt lại cổ áo. Hắn đi, lúc thì như người mộng du, lúc thì ra người như cố ý tìm kiếm một ai đó.