Ta là con của trời. Ta là chúa của đất. Ta còn đủ tỉnh táo để nhận ra những ý đồ đen tối của bọn chó má. chúng vô lại. Chúng mưu mô xảo quyệt. Ta căm hận chúng. Vì cha ta nghe theo lời bọn chúng nên nghiệp tông mới đến nông nỗi này. Ta không trách ai, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nếu mệnh ta không lớn thì ta đã phải bỏ mạng dưới ngọn giáo của lũ giặc minh rồi. Hôm nay giang sơn đã thái bình mà ta phải lánh nạn khắp nơi, không còn đủ dũng khí vượt qua thử thách mới. Ôi! chiến tranh đâu đã phải là chết chóc, chính ta đang chết trong sự bình yên. Ôi! Số phận ta. Tại sao ta không biết nhìn xa trông rộng. Ngay như cha ta từ những ngày dựng cờ khởi nghĩa tại vùng đất Lam Sơn đã bao phen điêu đứng, quân không còn đủ lữ, lương cạn đến đường cùng, tầm nhìn chưa vượt qua khỏi rặng tre, nhờ vào những cánh chim đại bàng đã đưa phong trào Lam Sơn vượt những cuộc khởi nghĩa khác, nước Đại Việt được thu về một mối, đời sống dân ta thoát khỏi cảnh cơ hàn, công trạng đó thuộc về ai? Há chi phép trời không tỏ lại gây họa cho những bậc tiên sinh. Lòng ta hận thấu tủy. Cũng bởi tại ta quá ngây ngô tin người mà không nghĩ đến thân, bài học này ta chưa từng trải nên chưa cảnh giác hết, dẫu sao ta cũng muốn được yên thân nhưng bất ổn. Thằng Nguyên Long không biết nể mà dã tâm hãm hại ta, cái chết của nó thật xứng đáng, tại nó không trải qua thử thách, không chịu khó tu dưỡng rèn đức luyện chí cho bản thân, cái chết của nó mang tiếng xấu xa cho triều đình nhà Lê. Ta không biết sự việc này sẽ còn đến đâu? Nhưng lòng dân nghe thì oán ghét, chỉ cần ta vung một đường kiếm là non sông đảo lộn, các bè phái tha hồ mà hoành hành, đại nghiệp tiên đế xây dựng còn bền vững hay mất? Không! ta sẽ ngồi án binh bất động để cho trời đất tự chuyển rời vận mệnh. Bát nước đổ đi không hót được lại, đường kiếm vung lên chưa biết về đâu. Đúng như các bậc quân tử đã dặn…Hùng mạnh khí phách như ông Hãn còn cúi đầu chịu một cái chết oan uổng, hỏi ông ấy chết vì cái gì? Mẹ ta cũng vì nghiệp lớn của cha mà vui lòng ngậm cười nơi chín suối, không biết cốt nhục nằm ở nơi đâu?
Ta là Lê Tư Tề hay còn gọi Tư Lang. Ta sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan. Ta lớn lên chung nỗi căm thù lũ giặc Minh với toàn dân. Đáng ra ta xứng ngôi vị hoàng đế nhưng vì bọn xiểm nịnh đã nuôi mưu nghịch hại ta. Nếu ta lên ngôi hoàng đế thì các vị anh hùng đất Bắc sẽ ung dung trị vì dân chúng. Ta tôn sùng các vị học sĩ, chỉ có học sĩ mới đủ tấm lòng bao dung, bọn tài hèn chí kém chỉ biết lợi dung thời cơ vơ vét của cải kéo bè dựng cánh, chúng thật đáng xỉ vả. Như cha ta, một con người dũng mãnh chưa đủ khả năng làm nên công trạng lớn, phải có một kế sách lớn mới thâu được cả thiên hạ về một mối. Ta kể cho muôn đời nghe nhá: Cha ta là Lê Lợi đế vương, mẹ ta là Trịnh Thị Ngọc Lữ, em gái ta là Lê Thị Đào Nữ. Thiên mệnh đã trao cho cha ta sự nghiệp cứu nước. Vào một buổi chiều cha ta được một ông già làng chài dâng lưỡi kiếm có khắc chữ "thúy", rồi một hôm mẹ ta đến gốc đa nhặt được chuôi kiếm có in chữ "thanh". Hai chữ ghép lại thành "thanh thúy" hợp với biệt hiệu là "thanh giang". Năm ấy bọn giặc về cướp làng, chúng đàn áp cả người già và phụ nữ, cha ta mang kiếm ra đánh trả rồi chúng bỏ chạy. Từ đấy dân làng tập hợp cùng nhau đứng dậy đánh giặc theo bản năng tồn tại mà thôi. Dù có căm thù bọn giặc đến đâu thì khả năng của cha và những người làng ta cũng chưa vượt được qua khỏi ngọn núi Lam Sơn. Đã ba phen nghĩa quân phải tháo chạy về núi Chí Linh, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc, cận kề với cái chết, nghĩa quân nao núng, chỉ có những người không còn lối thoát phải bám trụ. Bọn Lý Bân mỗi lúc một tăng cuờng đàn áp, nguy cơ tan rã đến bất cứ lúc nào. Đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc thì cụ Nguyễn xuất hiện. Con đường sáng chói từ đây. Cụ Nguyễn bảo, dân ta tin vào mệnh trời, lấy mỡ viết chữ vào lá cây rừng để đánh lừa vào tâm linh của những người bị bức xúc, cha ta nghe theo. Rồi cụ Nguyễn bảo phải mở rộng căn cứ xuống vùng đồng bằng, có dân là có tất cả. Nhờ vào như vậy mà chẳng mấy chốc đã tiến đánh vây chặt thành Nghệ An, thế trận trúc chẻ tro bay đến thành Thuận Hóa. Cụ Nguyễn chính là linh hồn, người chắp cánh cho cha ta bay lên…
…Ta là chúa của đất. Ta không say. Chỉ có cha ta say, ông không sáng suốt nhìn người, ông chưa xứng danh một người chủ anh minh. Muốn chinh phục được lòng người phải có một tấm lòng rộng lớn. bọn đàng trong cậy bè cậy thế, đức tính ích kỷ cục bộ địa phương. Vì cha ta quá lo bảo vệ ngôi vị hoàng đế mà nhẫn tâm gạt bỏ những bậc công thần bao năm nếm mật nằm gai, sát cánh chiến đấu vì đại nghiệp. Chỉ vì nghe lời nịnh nọt của bọn Lê Quốc Khí mà cha ta đã giết chết Trần Nguyên Hãn. Ông bị mắc mưu của bọn Vấn, Hoành từ ngày chuẩn bị đánh thành Rum, ông không thể ngờ bọn cơ hội đã tính toán từng đường đi nước bước, ông mơ hồ lập thằng Nguyên Long vắt mũi chưa sạch lại còn ham chơi, hoang dâm vô độ lên làm hoàng đế. Hỏi trăm họ có ai không công phẫn. Ta biết mình phận hèn chí kém, ta như con thú bị chủ ruồng bỏ. Ta buồn thì ta uống. Ta không say trước bọn người có miệng lưỡi mềm như xúc tua con bạch tuộc, ta say với trí tuệ và những bậc học vấn lỗi lạc. Ta hiểu, từ ngày còn ở Lam Sơn đã có bọn ngầm chia rẽ, chúng muốn gạt ta ra khỏi tầm ảnh hưởng của các vị Bắc Hà. Năm Tân Hợi ta cùng Lê Sát lên dẹp bọn Đèo Cát Hãn chúng vu cho ta là bị điên khùng. Ta buồn không biết nói cùng ai? Mẹ ta đã hi sinh cho đại nghiệp Bình Ngô, các anh hùng mang tư tưởng lớn đã biền biệt mỗi người một phương. Ta nói cho các ngươi biết, nếu không vì giữ thể diện cho nhà Lê, không tôn trọng công sức của toàn dân, ta sẵn lòng đại phá tan tành cho lũ chúng bay không còn nương nhờ vào ai? Ta làm lên ắt ta cũng phá được. Nếu ta phá thì e rằng mang tiếng là ham danh lợi quyền cao địa vị, ngàn đời sẽ nguyền rủa ta. Thà ta cứ lánh mặt không xuất hiện thì thế sự sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần. Đời người nghĩa sĩ cũng bạc bẽo lắm cơ, những mạng cỏ này may không bị voi dày ngựa xéo cũng can lòng lắm lắm. Ta cầu cho cụ Nguyễn về nơi chín suối được vinh hoa. Diệu Tuyết Quỳnh con gái ta sẽ đi tìm anh trai là Lê Đàm để bảo vệ cho gia quyến của họ Nguyễn. Ta không hèn, ta không kém, ta chỉ cần xuất một đường quyền, đi một nước kiếm là có thể thu lại ngai vàng. Nhưng ta không thể, ta không muốn những con người vô tội lại phải hi sinh vô ích, lưỡi kiếm vung lên là có máu chảy đầu rơi, ngàn dân điêu tán, họ sẽ oán hận ta. Không! Ta ẩn mình trong cỏ cây, vui vầy với cúc mai, nói chuyện với chim muông cũng đủ…
Thằng Nguyên Long chết cũng vì không biết lắng nghe lời lẽ chí lí của trái tim, nó không hiểu được nỗi đau mất mát của cha anh, nó bị bọn nịnh thần làm cho no say mê muội nên không hiểu hết thế sự của dân tộc. Nó không phải dầm sương dãi nắng, nhưng nó bị dầm trong tửu và dục vô hạn độ. Không ai thương nó đâu! Người ta xui nó hại thầy phản anh em chỉ vì cái ngôi báu mà mờ mịt đi cả tình nghĩa xưa nay. Triều đình nhà Lê sẽ còn phiến loạn nhiều nhiều. Cũng tại cha ta không sáng suốt nhìn vào công trạng của các bậc đại thần, và đối sử không công bằng với mọi người nên đã làm cho cỗ xe bị trượt bánh. Cha không học rộng tài cao bằng các vị học sĩ Bắc Hà. Một cuộc chiến thì cần lấy võ ra để đè bẹp ý chí của bọn xâm lược, nhưng một cuộc loạn thì phải có lý lẽ sắt đá để lu mờ ý đồ đen tối, có thế dân chúng mới an bình…
Đây là lưỡi kiếm Đông A Trần Nguyên Hãn đã trao cho ta, Lưu Nhân Trú đã dạy cho ta những đường kiếm tuyệt diệu, Phạm Văn Xảo đã mách cho ta những nước quyền hiểm yếu. Ta tích lũy và kiểm nghiệm trong trận mạc. Đứa nào nói ta say? Ta đâu có điên khùng, chẳng qua các người dồn ép ta đến bước đường cùng. Đất Phù Lưu Tế này cũng không bao giờ phụ lòng ta. ồ! Kiếm pháp phải biết tả xung thật hợp lý, xẩy một nước kiếm có thể bỏ mạng như chơi. Nay ta thân cô thế cô biết xoay sở cùng ai? Mưu đồ gian xảo của bọn Lê Sát thật thâm hiểm, chúng ly tán những bậc cao nhân để chờ thời phao tin đồn nhảm, gây ngờ vực trong nội tộc nhằm cơ lợi cá nhân. Giá mà ta nói được những điều thầm kín trong tâm can của mình thì hay biết mấy, cái miệng ta quen nói thẳng nói thật đâu có biết uốn lưỡi xu nịnh kẻ nào. Ta chỉ tiếc cái thời hiên ngang vào thành Đông Quan làm con tin cho địch cùng Lưu Nhân Trú. Ôi Lam Sơn hồn Chí Linh đâu còn! Ôi mảnh đất Thăng Long biết thủa nào mới hết đau thương? Ôi cụ Nguyễn phải chết uổng phí chỉ vì con đàn bà độc ác Nguyễn Thị Anh kia. Chắc chắn sẽ có một ngày tụi chúng ăn quả báo, ông trời không cho phép những kẻ ác giả ác báo sống bình yên bao giờ. Ta tin rằng Nguyễn Thị Lộ không bao giờ giết vua. Bà ta là người hiểu biết và không ẩn chứa tham vọng quyền lực nào trong triều. Các người thử hỏi xem? Nếu bà và cụ Nguyễn tham lam thì há sao cơ ngơi hai người lại đơn xơ đến vậy? Không! Không thể như thế được! Chắc giờ này chúng đã đưa tam tộc nhà cụ Nguyễn ra pháp trường hành hình xong mất rồi. Thôi, cụ Nguyễn ơi! Tư Lang này không làm tròn bổn phận của một nghĩa sĩ mất rồi. Con khóc để tỏ lòng của một người trò đã được cụ dìu dắt nên công trạng. Thân con giờ đây không kham nổi mình và đáng giá bằng ngọn cỏ kinh thành, cụ cứ yên tâm an nghỉ rồi sau này hậu thế sẽ nhắc đến công lao. Nước sông đục trong là chuyện thường tình thôi mà cụ ạ. chúng con đã bố trí để giải cứu những người còn sót trong họ tộc của cụ rồi. Đời người đằng nào chẳng phải chết một lần. Hôm nay là mười sáu tháng tám năm nhâm tuất, ngày này năm sau sẽ là ngày giỗ của cụ, con xin khắc cốt ghi nhớ và truyền lại cho cháu con thờ cúng linh hồn cụ…
Tư Tề dốc ngược bầu rượu tu ừng ực, bước chân lảo đảo nhưng đầu còn tỉnh táo. Bóng chiều chạng vạng trên đỉnh núi, những vạt lau lách trở mình nghe xào xạc. Tề trích mũi kiếm xuống đất, quỳ gối, gục đầu xuống đốc kiếm khóc:
- Bẩm đại nhân! Đã ba ngày nay đại nhân không ăn gì cả rồi đấy- Cậu nhóc nói.
- Mặc kệ ta! Ta không ăn cũng không chết được, ngày còn ở Chí Linh ta cũng nhịn đói suốt năm ngày liền.
- Nhưng…! Bẩm đại nhân, đó là tình thế bắt buộc.
- Thủ khẩu như bình. Ta đã bảo ngươi không gọi ta là đại nhân. Ta cũng là một thảo dân như ngươi.
- Thứ lỗi! Con quen gọi mất rồi, vì đại nhân là người cứu mạng con. Trúc Nhi này xin hứa sẽ theo hầu hạ đại nhân suốt đời.
- ừ! ta không sao, con hãy cố gắng học cho nên người. Ta nhặt được con trong một trận quyết chiến ở Xương Giang. Bọn giặc nó giết chết cha mẹ con, ta xem con như ruột thịt.
Tư Tề dịu lại, đứng dậy vỗ đầu Trúc Nhi rồi xách kiếm đi vào nhà, lòng dạ đau như sát muối. Tề khóc như một đứa trẻ. Cuộc đời Tề đã trải qua nhiều mất mát, nỗi đau này là nỗi đau lớn trong đời! Và là nỗi đau chung của cả kinh thành Đông Đô. Ngày xưa bọn Mã kỳ bắt Trịnh Thị Ngọc Lữ, Tư Tề cũng đau xót, nhưng nỗi đau đó đã được trút xuống đầu lũ giặc cỏ, Tề tin mẹ cũng vui vì lòng hiếu thảo của mình. Tư Tề đấm "rầm" xuống liếp, nuốt nước bọt đứng dậy xách kiếm tiến ra vườn. rừng tre buồn lao xao. Này "ảo tấn pháp bộ". " Nhật nguyệt song hình". " Trảm mã phi cước". " Nhược kiếm pháp vân". Những thân tre thi nhau cắm phập phập xuỗng đất, lá bay xoắn xít trên đầu. Trúc Nhi đứng nhìn cắn vạt áo nín thở. Tề ngưng tay ôm lấy một gốc tre khựu gối xuống nền đất, thanh kiếm văng ra kêu quạch một cái. Trúc Nhi chạy lại nhặt kiếm lên, nó nâng niu thanh kiếm rồi lau cẩn thận tra vào bao. Nó là một thằng nhóc thông minh và nhanh nhậy. Nó hiểu Tư Tề như hiểu một người cha sinh ra nó. Nó biết Nguyễn Trãi đối với Tư Tề như là một người thầy vĩ đại, cả cuộc đời Tư Tề sùng bái nghĩa khí bậc quân tử. Người ta nói Tư Tề bị bệnh điên khùng, giết bừa tùy thiếp nhưng nó không tin, nó chỉ thấy Tư Tề là một vị quốc vương oai vệ, nó biết ơn lắm. Dù mới quá thập niên nhưng nó đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm sống của các bậc vĩ nhân đất Bắc Hà. Nó coi trọng những giá trị của cuộc sống. Cả đời cụ Nguyễn Trãi sống thanh liêm không bao giờ nghĩ đến hưởng lạc riêng tư. Lưỡi kiếm Đông A này sẽ vạch lên cho nước Đại Việt một đường danh giới công minh. Khi lớn lên nhất định nó sẽ mang sức lực ra gánh vác giang sơn. Khắp thiên hạ sẽ thái bình hưởng lạc. Nó nghĩ phải biết thời cơ và vận mệnh để xuất kiếm, không thể chịu khuất phục trước bọn người xấu xa. Hôm nay chúng chém đầu Nguyễn Trãi ngày mai ắt sẽ có kẻ khác lấy đầu chúng rửa hận. Trúc Nhi tức khí tuốt kiếm tung lên những đường chém ngang dọc. Lưỡi kiếm vun vút như sấm vang chớp dật. Xả hết luồng khí nóng nó thở phào nhẹ nhõm rồi quỳ trước Tư tề bái tổ:
- Bẩm đại nhân! Người đã dạy con rằng: Khi khí huyết trong người đang sôi lên thì hãy xuất quyền. Đó chẳng là hào khí thời Đông A truyền lại cho cụ Nguyễn Trãi, rồi cụ truyền lại cho đại nhân, đại nhân truyền lại cho con.
Tư Tề gục xuống áp trán lên nền đất: Hai con ngựa rực hồng phóng nước đại, bụi đất nổi cuồn cuộn phía sau. Bỗng dừng lại trước cổng sơn trại:
- Ngươi vào bẩm với Lê Lợi rằng: Có người từ Bắc Hà vào cần gặp.
Hai lính gác cổng vác giáo vào loan báo. Lê Lợi đang ngồi trước tiền sảnh đứng phắt dậy:
- Truyền lệnh cho mời vào.
Trước tiền sảnh là bá quan tham mưu nghĩa quân. Họ đứng cả dậy:
- Xin bái chào các vị nghĩa sĩ Đông Quan.
Nguyễn Trãi xuống ngựa, Trần Nguyên Hãn cũng bước xuống theo.Tư Tề mừng hết thảy, đứng nín thở chờ đợi phía sau. Quả thật đã từ lâu được nghe danh bất hư truyền, hôm nay Tề mới có cơ hội được tiếp xúc. Lê Lợi hồ hởi bảo con:
- Con ra bái chào hai vị thầy lớn mà con đã hằng khao khát lâu nay.
Nguyễn Trãi nâng Tư Tề đứng dậy va tiến đến phía Lê Lợi:
- Thưa chúa công! Thần xin dâng cuốn " Bình Ngô Sách".
Lê Lợi nâng cuốn sách lên:
- Xin cảm tạ.
Trần Nguyên Hãn vỗ vai Tư Tề tỏ lòng quý mến, quay sang Lê Lợi nói:
-Thưa chúa công! Đây là lưỡi kiếm Đông A. Hôm nay thần xin dâng, mong răng lưỡi kiếm đắc lực này sẽ giúp cho Lam Sơn đại thắng trong công cuộc Bình Ngô.
Lê Lợi sai Tư Tề đón nhận thanh kiếm. trong nỗi vui mừng vô hạn mà Tư Tề không để ý đến những con mắt hằn học đang lén nhìn mình. Tề mơ thấy cuồng phong, những rừng cây nghiêng ngả, những bãi lau sậy đổ rạp, rồi những cỗ voi thớt ngựa lao vun vút về phía trước. Khói bụi mù mịt, tiếng hô vang như sấm, xác chết đổ rập dưới chân. Tề vung kiếm lên chém… Tề đang sống lại khí phách của một thời thì cảm thấy mát lạnh. Trời bắt đầu nổi dông. Cơn dông sẽ rửa sạch nỗi oan khuất cho lòng người. Cơn dông sẽ cuốn đi tất cả những nỗi đau của thiên hạ. Cơn dông an ủi lòng Tề vơi đi phần nào. Tề đứng dậy theo Trúc Nhi bước vào nhà. Cánh cửa khép lại…
Trần Đức Tĩnh
Hà Nội, Tháng 01 năm 2008