- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ÁM THỨC

11 Tháng Tư 20161:18 SA(Xem: 25820)

gac ma dao-ntd
Gạc Ma đảo - ảnh Nguyễn Cường (Infonet)


Tôi háo hức trong nhóm du khách đầu tiên thăm đảo Gạc Ma. Tàu chạy suốt đêm, băng qua trùng trùng vạt biển, vượt đuổi những tia nắng bình minh, kịp cập bến vào sáng sớm hôm sau. Tôi hồi hộp đặt một chân, rồi hai chân lên đảo, tôi cố lấy thăng bằng sau đêm dài say sóng mất ngủ, thao thức. Tôi nhớ đảo, mơ đảo, rành đảo từng chi tiết theo lời kể tiền nhân ở trong mơ, cha tôi, ông tôi.

 Cuối năm đảo se lạnh, đó đây lất phất những hạt mưa đầy xót thương vì bội phản, vòm trời nặng nề như chùng sát mặt đất. Không khí trên đảo dồn ứ nén chặt,  mọi âm thanh dường như lan tỏa nhanh hơn trên đất liền. Những đám mây trên cao lúc trong lúc xám, nhưng luôn bóng bẩy phản chiếu vạn vật trên đảo như tấm kính khổng lồ treo lơ lửng trên bầu trời.

 Sau lưng tôi những con sóng biển dồn dập rượt đuổi lạnh lùng. Mưa dát đầy trên dải cát vàng nhân tạo bọc quanh đảo, một màu vàng hòa bình mong manh xen lẫn màu gạch đỏ rạn vỡ. Quần thể san hô quanh đảo dập nát, đặc quánh như huyền phù. Đảo hoang tàn nát lạnh như trêu ngươi những người lính đang còng lưng thu dọn những mảnh bê tông phế nát. Tôi bắt đầu nhận thức cảnh đảo hoang vu rờn rợn. Những hàng dừa xanh, những cây bàng thơ mộng đều bị chặt trơ gốc ứa nhựa xám xịt. Nghe mẹ kể, cha tôi có trồng một cây bàng, nhưng vô vọng tìm kiếm, chẳng còn cây nào trên đảo. Xa xa, ngạo nghễ lạnh lùng ngọn hải đăng bằng bê tông, đứng trơ trọi chọc thẳng trời âm u, bao quanh những đường băng, những nền nhà vụn nát.

Tình cờ tôi đến đảo cùng A Lẻn. Anh chàng qua Việt Nam làm việc, cưới em họ bà con xa của tôi, rồi nhập quốc tịch Việt. Nhân dáng A Lẻn chẳng khác mấy người Việt, ngay cả họ Lý. Duy nhất một điều dễ nhận biết giữa người mình và họ, A Lẻn hay mặc quần tây lưng cao, phơi cái bụng ngồ ngộ. Ngày ấy tôi từng hỏi A Lẻn.

- Người gốc Hồ Nam sao không qua Mỹ mở tiệm ăn, người Hồ Nam bên ấy đầy.

 - Dễ gì qua Mỹ. Cặp mắt to một mí đôn hậu cười hồn nhiên.

 A Lẻn thì thầm xứ anh ta khốn nạn lắm, dù sao ở đất Việt vẫn sướng. Gặp Lẻn trong ngày cưới, một tuần trước ngày hai vợ chồng ra Vũng Áng, tôi bặt tin Lẻn đến giờ. Tôi chẳng tò mò làm gì, nhưng chắc, em họ vợ tôi chẳng bao giờ than phiền chồng.

          A Lẻn hỏi thẳng tôi vì sao đi thăm đảo. Tôi hỏi ngược lại thay vì đáp. Lẻn cười rồi nhìn ra biển xa xăm. Lẻn ra đảo vì ai? Còn tôi ư, tìm kỷ vật, nhưng trong lòng ngổn ngang vì nhiệm vụ khó khả thi. Tôi lia mắt sục sạo cả đảo mong tìm ra chút gì còn sót lại. Tôi nhớ, ngay dưới chân tôi, mé đông của đảo, ngày xưa chỉ là bãi đá ngầm, cha tôi có chụp tấm hình với bộ quân phục hải quân trắng khiết, nụ cười tự tin sáng tận chân trời. Ngay phía sau ông, xanh biếc sừng sững tấm bia chủ quyền đảo Gạc Ma. Năm 1836, Bính Thân, ông tổ họ Phạm của tôi ở Lý Sơn, theo lệnh Minh Mạng đã rong thuyền ba ngày ba đêm vượt sóng cả mang những tấm bia đẽo bằng đá xanh dựng trên quần đảo. Mười tám năm sau, ông lại sải tay chèo ra đảo. Ngày khởi hành, mưa nồng nực, cuối chân trời hiện cầu vòng kép, điềm xấu, ông vẫn đi. Nhưng cơn bạo bệnh đã vùi lấp bao kỳ vọng của ông, đánh dấu chủ quyền tất cả đảo. Thân xác ông được neo chặt trên chín cây tre cùng chín sợi lạt, biển đã dìu dặt ông, đưa ông đến vĩnh hằng. Hồn ông còn bay bổng đâu đây với lời dặn, bia còn, chủ quyền còn. Lời tuy nghiệt nhưng thật chỉnh.

Sóng bước bên Lẻn, tôi mới biết tôi cao hơn anh cái đầu, nhưng Lẻn mập bề ngang rất nhiều. Bất ngờ A Lẻn vui giọng, da mặt hồng rỡ, cờ đại lục, cờ đại lục. Như con sóc anh ta thoăn thoắt chạy lên tháp canh. Mái đầu Lẻn lấp xấp theo bước chân. Tôi quét ngay ống nhòm săm soi tìm kiếm. Đúng thật. Lá cờ đại lục sơn kín đáo ngay phía sau tháp canh. Đi từ bến tàu không thể thấy được. Tôi chẳng hiểu vì sao lá cờ của họ vẫn hiện hữu lúc này.

Một ánh chớp, một tiếng nổ gọn đanh, một tiếng thét hãi hùng từ tháp canh vút thẳng lên trời, tiếng thét dội ngược ầm xuống đảo. Mọi người cuống cuồng tìm chỗ nấp, nực cười, như con đà điểu đâm đầu vào cát sa mạc. Mùi nồng nặc ngai ngái như thuốc pháo nhưng nặng hơn. Mùi là lạ tôi chưa từng trãi qua. Không phải mùi hoà bình, đích thị mùi chiến tranh. Tôi quăng ống nhòm, chạy băng lên những bậc tam cấp đã mốc ẩm xanh rêu. Tôi khựng lại vài giây khi thấy hai người đàn ông mặc quần tây lưng cao đang quát tháo Lẻn bằng tiếng Quan Thoại: cha mày, A Quảy là thằng hèn, mày chết chẳng oan khiên. Người kia đứng tuổi hơn khoác tay vẻ bất cần, không quan trọng, vội đi xuống. A Lẻn nằm ngất trên nền bê tông lạnh, gió vẫn hun hút thổi, người bết máu, hai chân dập nát tận đầu gối. Tôi xé ngay chiếc áo, quấn ngang đùi Lẻn buộc ca rô cầm máu. Xốc A Lẻn trên lưng, không nói một lời, tôi lại bay qua hàng trăm bậc thềm tháp canh. Lẻn quá nặng như tôi đang cõng ngàn năm Bắc thuộc trên lưng. Lạ lùng, mọi người trên đảo dửng dưng nhìn tôi cõng Lẻn, nhìn chúng tôi như hai kẻ tàng hình. Tôi đặt Lẻn nằm ngửa trong phòng y tế tạm của đảo, hai chân gác trên gối nhỏ, máu vẫn rươm rướm chảy. Mắt mệt mỏi chẳng buồn mở, nhưng môi vẫn chưa nhạt. May mắn tôi tìm được vài chai dịch truyền, đủ để bù thể tích máu bị mất, mong Lẻn cầm cự được đến khi vào đất liền.

Tôi rảo bước đến cuối đảo nơi các công binh đang ì ạch ném những miếng bê tông vào máy xay đá. Tiếng máy tiếng đá vang vang, tôi nghe như tiếng gào thét của các linh hồn người lính Việt năm xưa bị những kẻ mặc quần lưng cao hạ thủ. Nghe như tiếng căn dặn tiền nhân đừng để mất đảo. Nghe như tiếng cha tôi xét hỏi con ra đảo để làm gì. Đã hơn nửa thế kỷ sau ngày cuộc chiến kết thúc, chiến tranh như đang ngồi lặng lẽ khuất một góc trong căn phòng hòa bình. Nhưng chiến tranh, đúng hơn dư âm cuộc chiến vẫn không buông tha tôi, đã hằn sâu trên vỏ não.

Anh lính ngừng tay, lắc lắc đầu cho những giọt mồ hôi bay tung téo, đôi mắt tinh nghịch trả lời câu hỏi của tôi: “Giữa đống hoang tàn này, thấy tấm bia xi măng khắc tiếng Trung, nhưng lạ lắm”, anh lính tiếp, “bia xi măng mà rất nặng như có sắt bên trong.” Tấm bia bị ném hả hê vào máy xay đá chừng dăm phút trước. Tôi năn nỉ tốp lính ngừng xay, bước rón rén vòng phía sau máy, khói bụi mịt mù, đầy rẫy những vụn dăm đá, xi măng xay mềm. Tôi vốc từng nắm bột đá lặng lẽ như xới thời gian. Lặng người, tôi nghẹn ngào, lẫn giữa ngàn mảnh bê tông nát, lồ lộ những mảnh đá xanh lành lạnh hàng trăm năm trước. Tôi biết chắc đây là kỷ vật tổ tiên. Năm xưa, triều Nguyễn chọn loại đá xanh Ninh Bình, loại đá đẹp nhất nước Việt, để khắc bia chủ quyền và ông tổ của tôi đã đặt trên đảo, chính mảnh đất mà tôi đang đứng. Tấm bia một thời là kỷ vật vô giá, giờ chỉ là những mảnh đá xanh vụn vô tri. Chỉ là kỷ niệm. Tôi ngồi xỗm bên đống đá, đôi tay trần bật máu khi gắng gom hết quá khứ vào trong bao. Đặt bao đá vào ba lô, tôi đứng dậy, không quên cám ơn người lính, rồi đi trong ánh mắt ngỡ ngàng của họ. Làm sao những người lính biết tôi yêu quí những dăm đá xanh đó. Không, họ không thể biết.

Cứ thế, tôi mang chiếc ba lô nặng trĩu hơn một trăm năm chinh chiến kịp đến tàu trước giờ nhổ neo. Chuyến về tôi được xếp ở cùng phòng với Lẻn, có lẽ chúng tôi là anh em cột chèo xa. Sức khỏe Lẻn không tệ, nhưng thần thái buồn lắm, buồn rũ héo như cây xanh mất rễ cọc. Tôi nằm cạnh giường Lẻn. Mệt mỏi, chúng tôi chẳng nói được câu nào. Hai đôi mắt tôi và Lẻn cứ xoắn nhau, dù khác nhau chủng tộc, khác nhau toan tính, đôi mắt Lẻn đang tha hương, đôi mắt tôi đang cô độc, cuối cùng, hai đôi mắt đã đồng cảm muốn trò chuyện với nhau, muốn đọc hết những tín hiệu đang truyền từ não đến võng mạc mắt.

Tôi biết Lẻn rầu rĩ không muốn sống, không muốn gặp lại vợ với hai chân cụt đến gối. Trái mìn sát thương không phải dành cho Lẻn, mà gài cho người Việt, truyền sợ hãi đến người Việt. Vì định mệnh, định mệnh, Lẻn quả quyết, nên Lẻn đành hứng chịu. Tôi vẫn chưa hiểu Lẻn dính dáng gì ở đây mà có hai chữ định mệnh. Tôi lần lần bốc trần sự thật. Sao Lẻn ra đảo được, trong khi Lẻn và bọn họ, những kẻ mặc quần lưng cao đều bị cấm? Ánh mắt Lẻn nói, câu này anh nên hỏi người Việt vì sao, tôi đâu có bay ra đảo được. Tôi lần sâu vào sự thật. Tại sao các anh đem mìn lên đảo? Mình sót lại anh à. Tôi đã đến sự thật. Họ có đông không? Có bao nhiêu người trên chiếc tàu này? Lẻn trả lời bằng ý khác. Rất nhiều người như Lẻn đang sinh sống trên mảnh đất hình chữ S. Nhớ lại, tôi giật mình, rất nhiều người đàn ông mặc quần lưng cao phơi bụng đã xuống tàu.

Hai đôi mắt mệt mỏi, đành khép lại, Lẻn và tôi thiếp đi một giấc dài mụ mị. Tôi tỉnh giấc vì ánh mắt Lẻn quét nóng bỏng trên da mặt tôi. Anh tha thứ cho tôi chứ. Mắt tôi cười, Lẻn đâu có tội gì. Hai đồng tử Lẻn nhấp nháy, thế anh có tha lỗi cha tôi không? Ánh mắt Lẻn dừng lại rất lâu trên túi áo của anh. Tôi ngồi bật dậy, mắt tôi và mắt Lẻn giao thoa trong niềm vui, tay tôi mở nắp túi áo jean màu xanh bạc rất thời trang của Lẻn giờ đã lấm tấm màu máu đen xỉn. Cả người tôi chùng lại khi nhìn tấm hình người đàn ông ngực gắn huân chương, ngồi trên xe lăn với hai chân cụt gần đầu gối, người đàn ông này giống Lẻn như hai giọt nước kể cả đôi chân. Mắt Lẻn rù rì, cha của Lẻn, người đã cưỡng chiếm bãi đá Gạc Ma. Mắt Lẻn nghẹn ngào, tôi nhìn rất sâu trong ánh mắt ấy, tôi biết Lẻn thật lòng. Mắt Lẻn rưng truyền những hình ảnh bi thương của người cha. Cuối đời cha Lẻn phải sống trong nghèo đói và những ác mộng bất tận về các hồn ma trong trận hải chiến vẫn lấp đầy mắt ông. Sau rốt ông đã thắt cổ tự vẫn trong chuồng heo.

Lẻn lại nhìn tôi và tròng đen đảo vòng qua chiếc túi xách của Lẻn. Lúc này tôi mới nhớ Lẻn đến đảo chưa kịp làm gì, mìn nổ, anh đành nằm bất lực. Chẳng lẽ Lẻn còn bí mật thứ hai. Tôi cẩn thận mở túi xách, đập ngay mắt tôi, chiếc bình sứ chạm trổ tuyệt đẹp, men xanh láng, hình tuế hàn tam hữu, những cây tùng trúc mai lượn lờ vòng quanh. Những âm thanh réo rắt rót từ ánh mắt hạnh phúc của Lẻn làm tôi chới với mất thăng bằng. Đó là bình đựng tro cốt của người cha xấu số, Lẻn nhờ tôi rải tro cốt xuống biển Đông như di chúc của ông. Tôi thấu hiểu vì sao Lẻn ra đảo Gạc Ma. Tôi không thể từ chối lời yêu cầu nghiệt ngã của Lẻn. Trong tay tôi, tro cốt của người lính Trung cộng đã giết chết bao người lính Việt, tro cốt của người lính đã cưỡng chiếm Gạc Ma. Tôi nắm chặt chiếc bình sứ, chồm người qua mạn thuyền, chiếc bình vỡ tan trong tâm trí căng thẳng, tro cốt bay bay theo gió biển về phương Bắc.

 Vậy anh qua đất Việt làm gì, tôi hỏi trong cơn buồn ngủ. Vì mưu tìm hạnh phúc, ánh mắt đáp rồi nhắm nghiền, tôi ngáp dài an ủi Lẻn, cha anh không có tội, người lính không có tội, tội chỉ dành cho nguyên thủ và ý thức hệ bạo tàn.

 Một bóng đen rợp dài tận giường Lẻn. Ngoài trời thâm thẫm một màu lạnh của ánh trăng vàng cô độc. Âm thanh vọng lại chỉ có tiếng máy tàu, tiếng rẽ nước. Sự im lặng đã lên đỉnh. Tiếng bước chân trong phòng không đủ mạnh để đánh thức Lẻn. Anh đang say giấc mộng cho ngày về. Ngày về nào chứ, khi đất mẹ đã nhẫn tâm đánh cắp đôi chân của người con. Một bàn tay lạ khóa chặt đường truyền dịch. Một bàn tay lạ khác rút ống thở oxy. Lại một bàn tay mơn trớn cổ Lẻn rồi xiết chặt, xiết, xiết mãi. Những đường gân xanh đen rõ mồn một trên bàn tay đó. Lẻn cong người rùng rũ, toàn thân mềm nhủn, hai tay xuôi thõng. Tôi rùng mình, muốn gào thét, nhưng hai tay hai chân bị cột chặt vào thanh giường, miệng ú ớ phình to bởi chiếc khăn đã nằm gọn bên trong. Bóng đen tan dần trong màn đêm tĩnh. Khá lâu, tôi mới thoát được sự trói buộc, nhừ nát cả thân xác và ý thức.

Tôi nhẹ nhàng đến bên Lẻn. Tôi không muốn phá vỡ linh hồn Lẻn. Anh vẫn nằm đó, khuôn mặt bình thản, anh đã chết khi ngủ nên chẳng biết gì. Tôi ghì vuốt đôi mắt Lẻn. Một giọt nước mắt lăn dài, đọng lại trên mặt, như hạt châu. Nước mắt người vô tội, nước mắt không hận thù, không bội phản, nước mắt xót thương.

Ngột ngạt, lo âu, tôi đi lùi, mở cửa phòng nhón chân lên bong tàu. Tôi không dám hít sâu những khối không khí mằn mặn của biển cả vì mạn tàu nhầy nhụa những chiếc bóng xiêu vẹo bọn đàn ông mặc quần lưng cao. Ánh trăng nhàn nhạt, một bóng đen khác trèo rón rén qua mạn thuyền, nhìn hao hao A Lẻn với dao găm trong tay. Những tiếng hét nấc cao rồi ngã vật xuống bong tàu. Tôi nép sát vào bóng tối, thẩm thính những giao thoa của âm thanh.

- Giống A Quẩy quá?

-  Mày trông gà hóa cuốc. Chính tay tao treo cổ hắn mà.

- Tại sao?

- Chính A Quẩy phớt lờ lệnh thủ trưởng không dám bắn những người lính Việt.

Bóng đen chẳng nói nửa lời, tay vung lưỡi dao quắm loang loáng dưới trăng. Mỗi lần vung dao, một bóng người lại gục ngã. Tất cả những người đàn ông mặc quần lưng cao đều chết với vết cắt ngọt lịm ngang gót chân và cổ…Một cận chiến Gạc Ma năm xưa tái sinh nhưng kẻ thắng đã thành kẻ bại.

Tôi rùng mình bước vội vàng vào phòng vệ sinh. Chiếc gương nhỏ bé trong phòng như quan tòa khắc nghiệt phóng chiếu mọi hành vi bí ẩn của tôi. Qua gương, những vệt máu đỏ nhầy nhụa còn tươi lắm, hiện hữu trên mặt trên hai bàn tay của tôi. Chính máu từ người Lẻn. Tôi không bao giờ giết Lẻn. Tôi gào lên thành thật với chiếc gương. Gương đung đưa theo nhịp tàu, hắt ánh trăng vàng vọt qua khung cửa sổ. Mặt tôi vàng nghệch vì mơ hồ và sợ hãi. Sợ hãi cho chính mình. Hay tôi đã kết liễu đời sống của Lẻn trong cơn mộng du. Mà đã rất lâu, từ năm mười tám tuổi, tôi không còn bị chứng mộng du.

Tôi kỳ cọ rất kỹ, lột hết lớp biểu bì da ngoài cùng đã thấm đẫm máu, lột da mặt, lột da tay, tôi bỏ hết tất cả vào trong bồn cầu, rồi nhấn nút xả. Ôm ghì bồn rửa mặt, tôi nhìn kỹ vào gương. Tôi thấy vạn vật, tôi thấy cả ngày xưa và ngày nay. Tôi thấy cha tôi lạnh lùng nhìn xuống, cơ mặt bất động chẳng nói gì, nhưng tôi biết ông hỏi tôi đã làm gì với Lẻn. Tôi giết Lẻn chẳng được gì. Tôi với Lẻn không thù không oán. Tôi thì thầm với chính mình, không có Lẻn, vẫn còn một tỉ bốn trăm triệu người Hoa khác ở đại lục, họ sẵn sàng qua đất Việt. Tôi không giết Lẻn.

Ánh trăng rũ rượi nhào qua khung cửa, luồn vào mắt tôi. Tôi nhìn trăng như nhìn quá khứ. Tôi lại thấy cha tôi. Khi tôi hiện hữu trên đời này vừa lúc cha tôi tan biến, mẹ chẳng thấy ông về, thân xác ông nằm lại trong nước biển mặn nồng xa tít. Gần hai trăm năm sau cái chết của ông tổ, cha tôi đã trầm mình oanh liệt dưới biển, cha tôi chết trong trận hải chiến Gạc Ma với lời trăn trối, tôi phải tìm ra tấm bia chủ quyền.

Thoáng chốc, một quyết định loé lên, tôi nhìn bầu trời đêm êm ả, chồm người qua mạn thuyền, với tay cắt dây neo xuồng cứu nạn, hai chân chạm nước biển, tôi cảm giác lạnh từ hai mắt cá chân lan dần lên thắt lưng, cái lạnh lạ lùng giữa biển khơi, lạnh cô độc, làm tôi chấn phấn, giật mình sợ ướt chiếc ba lô trên lưng, tay níu chặt xuồng tôi đu người qua cái lạnh, tháo ba lô trên lưng, tôi nằm ngửa cười khanh khách. Tiện thể tôi ném tờ báo thấm đẫm nước biển, chữ vẫn còn rõ nét, bập bềnh trên mặt nước. Ngày 24 tháng 6 năm 20XX, sau phán quyết của tòa án ITLOS và sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc đã hoàn trả  đảo Gạc Ma cho Việt Nam.

Chiếc thuyền chở xác Lẻn và họ- những người đàn ông mặc quần lưng cao- khừng khững rời xa tôi, dạt về phương Bắc.

Mưa trên biển bắt đầu nặng hạt, gió quần thốc lật nhào xuồng, tôi bị hất xuống biển, miệng ngập tràn nước. Tôi vùng vẫy, nàng y tá xinh đẹp một tay vỗ về, một tay nghiêng những giọt nước mát lấp đầy bờ môi khô khốc của tôi. “Anh đã sốt cao li bì cả ngày nay” ,tôi nghe loáng thoáng. Trong cơn ám thức, tôi ngồi thẳng đứng, mắt dõi tìm chiếc ba lô và A Lẻn…

THÁI BẢO

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14914)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14920)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14904)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15385)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17719)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19461)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13955)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16574)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15699)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15798)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.