- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tan Vỡ

20 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 40117)
blankLTS: Tăng Văn Chung sống và làm việc tại Quảng Nam- Đà Nẵng, lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, anh có lối viết lạ và đẹp như thơ. Mời qúi độc giả ghé thăm thị trấn có dòng sông trôi ngang và cuộc tình trong "Tan vỡ" của anh.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

1. Thị trấn có dòng sông trôi ngang. Sông lững lờ trôi sau lưng ngôi trường tôi dạy. Phòng trọ tôi ở bên kia, qua chiếc cầu nối hai bờ thị trấn. Đêm không ngủ được nằm nghe sông trôi lặng lẽ. Nghe cả ngọn gió từ phương nào thổi nhẹ trên sông. Có đêm mưa về, nhìn qua cửa sổ thấy mưa xiên xiên trong ánh điện đường. Mưa quất miên man trên mặt sông. Có chuyến phà nào về xuôi trong mưa. Nằm vẩn vơ nghĩ. Chuyến phà của riêng mình sẽ trôi bao nhiêu năm nữa? Sẽ còn trôi qua bao nhiêu đêm nữa trong phòng trọ sáu mét vuông này?

Quỳnh hay nhắn tin: Café. Rồi đợi tôi trên chiếc cầu nối đôi bờ thị trấn. Tôi ít khi để Quỳnh đến phòng trọ. Căn phòng sáu mét vuông. Hai trăm nghìn một tháng. Chỉ có sách và sách. Tranh La Giocon trên kệ cười bí hiểm, mỉa mai. Nghèo mà sĩ. Tôi mua bốn bức tranh khổ to in hình sóng biển dán kín bốn vách. Không gian mênh mông hơn. Bốn bề là biển. Tôi ở giữa sóng gió mà tự do cô đơn, mơ mộng. Cũng có lúc nằm nghĩ, mình đang chìm xuống đáy đại dương.

Nghỉ hè. Tôi vẫn ở trọ lại để đi dạy thêm. Dạy thêm Văn không được mấy đứa nhưng cũng phải dạy. Thời gian rỗi nhiều hơn trong năm học. Lại nhiều lần hơn trong năm nhìn sông trôi, nghĩ về những chuyến phà, thả mình giữa biển…

Nghỉ hè. Quỳnh hay nhắn tin: Café. Tháng sáu, nắng vàng. Những giậu hoa ven đường cũng vàng lên rực rỡ. Như mơ. Tôi chở Quỳnh đi trong sắc vàng mộng mị. Hai đứa thường trốn vào quán café vườn nào đó ven sông. Nhìn sông trôi lặng lẽ. Giọng Khánh Ly trễ nải. Có một dòng sông đã qua đời… Tôi hay nhìn Quỳnh đưa tay vuốt tóc rồi để nguyên thế. Năm ngón trắng gầy vùi trong tóc đen. Gió từ sông hắt lên tóc Quỳnh. Tôi nghĩ: Dũng gan quá. Lo đi giữ công trình ở đâu mà không lo giữ công trình này. Tay này, tóc này không mất mới lạ.

Dũng đi làm công trình cách bảy trăm cây số. Năm về hai, ba lần. Quỳnh bảo: "Mình với Dũng giống như Ngưu Lang - Chức Nữ". Tôi đùa: "Ngưu lang – Chức Nữ trời đày…". Quỳnh bảo: "Bọn mình tiền đày". Quỳnh bảo: "Dũng nói chờ vài năm nữa. Không thể bỏ việc, bỏ tiền. Một năm gặp nhau mấy ngày, mất mấy ngày hờn dỗi. Thế mà hai năm nữa là mình ba mươi rồi đấy".

Tôi nghĩ: Thế là hai năm nữa mình ba mươi rồi đây.

Quỳnh bảo: "Khanh cưới vợ đi". Tôi nghĩ: Ừ, sẽ cưới vợ. Nhưng lúc nào không còn nằm giữa biển kia. Tôi bảo: "Vợ đâu?". Quỳnh bảo: "Hồng đó". Tôi cười: "Hồng là kế toán. Mình thì mênh mông". Quỳnh không nói gì. Tôi biết Quỳnh đang nghĩ gì. Quỳnh hỏi: "Vẫn yêu chứ?". Tôi bảo: "Yêu chứ!". Quỳnh vuốt tóc nhìn tôi. Mắt rợp. Năm ngón trắng gầy vùi trong tóc đen. Quỳnh hỏi: "Khanh hay đi với mình, Hồng giận không?". Tôi nghĩ: Ừ, chắc có. Mà cũng không biết nữa. Tôi bảo: "Mình với Quỳnh giống nhau. Hay buồn. Nỗi buồn vặt vãnh. Hồng không có nỗi buồn như thế". Tôi hỏi: "Tôi đang làm khổ người khác phải không?".

2. Đêm về với thế giới của mình, tôi bật đèn ngủ màu xanh nhạt. Biển bốn bề xanh lên màu của biển. Mười năm trước, khi còn là sinh viên, nhiều lần tôi ngồi hàng giờ trước màu xanh ấy. Nghĩ mình như biển. Bình yên thì bình yên quá đỗi. Dữ dội thì dữ dội vô bờ. Hồn nhiên giận. Hồn nhiên yêu. Hồn nhiên vẫy vùng, khao khát. Mười năm sau, nằm đây, nhìn biển trên vách mà ứa nước mắt. Lòng không còn trong trẻo nữa rồi.

Hồng nhắn tin cho tôi: "Hiểu Khanh rồi. Khanh thích uống café. Khanh thích ngồi với Quỳnh nhìn ra sông hóng gió. Đúng không?". Tôi nằm sấp trên giường, bỏ biển nhìn sông qua ô cửa. Để di động trước mắt. Chờ. Chắc sẽ có thêm vài lời tương tự. Mười mấy chuyến phà trôi xuôi. Vẫn không có thêm tin nhắn. Chắc bên kia cũng chờ. Tôi đọc lại mấy tin đã lưu. "Có phải tụi mình yêu nhau không?" "Hồng phải đợi bao nhiêu năm nữa?" "Khanh bị bệnh tưởng. Cuộc sống có gì phải nặng nề như thế?". Còn nữa. "Đi uống café với Hồng. Khanh ít nói. Không nói gì. Không phải Khanh". Còn nữa. "Tôi không hiểu nổi Khanh". Chưa hết. Nhưng thôi. Hồng nói đúng.

Tôi nhắn lại: "Khanh xin lỗi. Rồi Hồng sẽ không buồn nữa đâu". Mình tệ thật. Quen nhau cả năm trời mà Hồng không hiểu nổi mình.

Hồng không có nỗi buồn vặt vãnh. Hồng đã vẽ ra cho tôi một bức tranh tương lai. Cưới rồi, tôi sẽ ở nhà Hồng – biệt thự nhỏ xinh nhìn ra sông trước mặt. Tha hồ lãng mạn để viết. Tôi không cần dạy thêm, vì không bằng Hồng làm thêm. Chỉ có tôi, thế là đủ. Và Hồng cũng đã định không mời ai trong đám cưới. Tôi điểm vào bức tranh tương lai ấy những nụ cười. Có lẽ Hồng thấy nụ cười tôi rất thật. Nhiều người đã mắc bẫy cái cười của tôi.

Có lần tôi nói với Quỳnh rằng: Hồng không như biển, không như sông, mà như cái hồ trong veo. Đã có lúc tôi thấy bình yên bên bờ hồ. Nhưng càng ngày đau đớn nhận ra rằng hồ thì trong mà sao soi mãi vẫn không thấy bóng mình trong đó.

3. Vẫn còn tháng sáu. Tôi thường thức dậy sau nắng. Mở mắt ra đã thấy nắng vàng trước cửa. Những giậu hoa ven đường cũng vàng lên rực rỡ. Như mơ. Sông lặng lẽ trôi ngang thị trấn trong sắc vàng mộng mị. Thêm một ngày mình cũng lặng lẽ trôi. Vậy mà hai năm nữa mình ba mươi rồi đấy. Vậy mà tay mình vẫn còn trắng đấy. Và, vẫn còn trôi như sông.

Ngược dòng sông này hơn ba mươi cây là quê tôi. Phải qua sông mới về nhà. Mỗi lần về quê, đứng bên này sông nhìn về làng mình thấy mấy cụm nhà xa vắng. Buồn hiu hắt. Mẹ bảo: "Sao lại buồn?" Tôi bảo: "Khi nào con…kiếm được nhà, mẹ sẽ ở với con". Mẹ không nói gì. Nơi này mẹ đã có một thời thiếu nữ, một thời góa bụa. Nơi này có ngôi mộ cha tôi, mà khi xây mộ, mẹ đã cho bọc móng một phần bên cạnh… Nằm vẩn vơ nghĩ. Nhưng bao giờ sẽ chia tay với căn phòng sáu mét vuông này. Hàng ngày tận dụng từng giờ để chạy sô dạy thêm ở các trung tâm. Giảng văn bổ túc cấp 3 cho các lớp học nghề kế toán, điện, marketing. Nhiều lúc ngồi nhìn học trò nghĩ tiền đâu chẳng thấy, chỉ thấy mình đang tự sát từng ngày. Vậy mà hai năm nữa mình ba mươi rồi đấy. Chỉ sợ một ngày, tuổi mẹ đã lớn, khi mở cửa ra mẹ đã không còn dậy nữa. Chỉ sợ một ngày, nỗi buồn sẽ lớn, khi mở cửa ra tôi đã không còn dậy nữa. Gió thì vẫn thổi lá khô xạc xào trên mái.

Làm sao Hồng bắt được ý nghĩ của tôi. Hồng không có nỗi buồn vặt vãnh.

Tôi nhắn tin cho Quỳnh: café. Tháng sáu, nắng vàng. Tôi chở Quỳnh đi trong sắc vàng của hoa, của nắng. Thị trấn bình yên quá đỗi. Ước gì những con đường thị trấn dài hơn thế. Để tôi trôi trong sắc vàng mộng mị kia không phải chỉ một mình.

4. Quỳnh bảo : « Đêm qua mình mất ngủ. Dũng gọi điện sắp về chơi ». Quỳnh bảo : « Không phải mất ngủ vì Dũng. Mà nằm nghe tiếng ghita nhà bên rơi từng tiếng. Lâu lắm rồi mới lại được nghe tiếng ghita trong đêm như thế. Ừ, từ hồi sinh viên kia. Mình bật khóc. Cũng không biết vì sao như thế… »

Nhìn sông trôi lặng lẽ. Giọng hát Khánh Ly trễ nải. Có một dòng sông đã qua đời… Tôi biết mình sẽ im lặng trong cuộc đối thoại này. Tôi lại nhìn năm ngón trắng gầy vùi trong tóc đen. Quỳnh bảo : « Dũng không thích nghe nhạc. Dũng không bao giờ đọc sách. Có lần Dũng bảo : bỏ tiền ra mua cuốn sách để đọc thì cuốn sách đó phải giúp mình kiếm lại tiền kia ». Quỳnh bảo : « Trời ơi, cái gì Dũng cũng cười là xong chuyện. Mình đã phải tập sống chung với cái cười ấy mấy năm nay rồi. Dũng buồn vui hờn giận gì cũng bằng một cái cười ấy. Mình thì thèm được san sẻ biết bao nhiêu ».

Quỳnh chống tay nhìn ra sông nắng. Mắt rợp. Sông chở nắng trôi về biển xa như là ngái ngủ. Quán cafe yên tĩnh. Sân vườn yên tĩnh. Lá thì xanh mà nắng thì vàng. Chỉ có giọng Khánh Ly đằng kia trễ nải. Có một dòng sông đã qua đời… Tôi khuấy cafe nghĩ : Kiểu này mắt ấy sẽ khóc. Quỳnh bảo : « Đi với Dũng mình không cần nói nhiều nữa. Không còn nhu cầu nói nhiều nữa. Không đùa không giỡn. Mình lịch sự với Dũng vô cùng. Chưa thấy tình yêu nào lịch sự như bọn mình. Tại sao Dũng không hề hài hước ? ». Làm sao tôi biết được. Chỉ biết tôi sẽ im lặng trong cuộc đối thoại này. Quỳnh bảo : « Dũng yên tâm về mình lắm. Nhưng nhất định là lần này mình sẽ chia tay với Dũng. Nhất định. Mình càng ngày càng thấy hợp với anh ấy. Anh ấy có một phần của Khanh, một phần của anh ấy, nhưng không có phần nào của Dũng ».

Tôi lạnh mình. Tôi đọc được sự nhất định ấy trong mắt của Quỳnh, trong khóe môi của Quỳnh. Làm sao Dũng biết được những ý nghĩ của Quỳnh như hôm nay. Quỳnh úp mặt vào tay. Gục mặt vào tay. Bất động. Từ nơi sâu thẳm nào trong tôi bỗng vang lên những câu thơ một thời tôi đã đọc : « Khi em quay mặt đi, tóc lòa xòa gáy lạnh – Anh biết đâu kia còn những giọt nước mắt – Nỗi đau buồn xói lở những dòng sông – Khi em ra đi, anh biết có con đường đang dẫn về phía trước – Khi em soi vào tấm gương, anh biết cuộc đời ta là một dấu hỏi dài » ()

Tôi buồn rã rượi. Cũng không biết buồn cho ai, vì điều gì cụ thể. Tôi không biết nói gì với Quỳnh thật. Tôi biết lâu nay Quỳnh đi chơi với người đàn ông khác. Có lần tôi nhắn tin rằng : « Quỳnh phải chọn một người biết thức đêm để nhìn Quỳnh hé nở ». Rồi thôi, không nói gì thêm nữa. Tôi thật sự không biết nói gì. Không biết phải bảo Quỳnh dừng lại hay bước tiếp, lựa chọn người này, hay từ bỏ người kia. Quỳnh ngẩng mặt nhìn tôi : « mình ở bên anh ấy mới thật sự là sống. Anh ấy là lửa để đốt mình. Anh ấy là biển để cuốn phăng mình xuống đáy ». Rồi Quỳnh khóc : « Mình sẽ chia tay với Dũng. Nhưng biết nói sao đây. Sẽ lấy lý do nào để hết ? Mình làm như thế là tội lỗi lắm phải không ? »

5. Đoạn kết

Loay hoay rồi hè cũng hết. Nắng vàng đã bay đi đâu để cho những cơn mưa phùn giăng giăng trong thị trấn. Tôi lại tất bật với năm học mới. Vẫn chạy sô các lớp bổ túc, để rồi ngồi nhìn học trò, nghĩ mình đang tự sát. Quỳnh cũng bận rộn. Thỉnh thoảng nhắn tin : « Không rảnh phải không ? Nhớ cafe quá ». Lâu nay tôi cẩn thận, không dám hỏi chuyện Quỳnh.

Tôi sinh vào mùa mưa. Ngày sinh nhật tôi có mưa về giăng mờ thị trấn. Học trò tôi chủ nhiệm tặng bánh sinh nhật bắt thầy phải mang về thổi nến với người yêu. Quỳnh chắc là không nhớ. Tôi về nhà trọ đã thấy hoa và thiệp chúc mừng của Hồng nằm bên cửa sổ. Mưa phùn bay vào ô cửa. Thiệp và năm đóa hồng mong manh trong mưa. Nhất định tôi sẽ gọi điện mời Hồng đến phòng cắt bánh sinh nhật cùng tôi. Nhưng sau đó mới biết sẽ không thể nào gọi nữa. Vì trong thiệp có một bức thư.

Hồng nói lời chia tay. Nhất định chia tay. Kết quả của những đêm dài suy nghĩ. Tình trạng này đã kéo dài lâu quá. Tôi nhận ra sự nhất định ấy trong từng nét chữ, từng dấu câu, dấu chấm xuống dòng quyết liệt. Hồng bảo tình yêu của tôi dành cho Hồng gần như một sự xúc phạm.

Tôi khóa cửa. Nhốt bánh và hoa và thiệp trong căn phòng sáu mét vuông trập trùng sóng biển. Nhốt vào đó một sinh nhật u buồn. Tôi chạy xe về quê. Tôi chạy ngược dòng sông này ba mươi cây để về quê mẹ. Mưa phùn bay ngược vào tôi. Tôi không cảm giác gì. Tôi nhẹ nhàng hay u buồn ? Buồn hay không buồn ? Bất ngờ hay đau đớn ? Tôi cũng không biết rõ ràng. Chỉ biết trong mình đang miên man những cơn mưa…

Tôi ngồi bên này sông, thấy mưa bên kia sông giăng mờ mấy cụm nhà xa vắng. Đò đang nằm đợi khách ở bờ kia. Không hiểu sao mỗi lần u buồn hay lòng hờn dỗi tôi lại chạy về nơi đây. Nhìn sông trôi lặng lẽ. Này sông, nhờ đâu mà mấy ngàn năm qua, sau bao nhiêu thác lũ, sông vẫn chảy yên bình ?

Điện thoại reo. Quỳnh gọi : « Đang ở đâu ? » Quỳnh bảo : « Mình buồn lắm. Sau bao nhiêu suy nghĩ, mình quyết định rồi. Mình không thể nào chia tay với Dũng được. Mình không thể chia tay với người yêu mình hồn nhiên như thế. Gần anh ấy mình mới thực sự được sống. Nhưng cuốn theo anh ấy mình thấy vừa phiêu lưu vừa tội lỗi. Hai năm nữa mình ba mươi rồi đấy. Có lẽ mình chỉ cần một người yêu mình như Dũng để rồi yên ổn ». Im lặng rất lâu trong điện thoại. Quỳnh bảo : « Đêm qua mình nói hết với anh ấy rồi. Phải chấm dứt tình trạng này thôi. Mình có tội với người yêu của mình. Mình là đứa con gái không ra gì. Người yêu mình thương mình như thế. Anh ấy bảo đợi đến khi nào mình hết với Dũng, sẽ cưới. Trời ơi, Dũng biết tất cả mà vẫn cứ bình thường ».

Thổn thức rất lâu, rồi Quỳnh tắt máy. Tôi ngồi rất lâu bên sông. Tôi ngồi rất lâu trong gió mang mưa phùn bay ngược vào tôi. Mưa giăng mờ trên sông. Sông vắng. Sông lặng lẽ chở mưa trôi xa về biển. Tôi muốn hét một tiếng cho vỡ òa lai láng. Này sông, nhờ đâu mà mấy ngàn năm qua, sau bao nhiêu thác lũ, sông vẫn cứ chảy yên bình như thế ?

Tăng Văn Chung

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tám 20204:54 CH(Xem: 17392)
Còn hơn một tuần nữa là bắt đầu công việc mới ở một bệnh viện khác, Na tự thưởng cho mình một chuyến du lịch ở Hawaii. Lúc mua vé không để ý, Na phải ngồi cạnh lối thoát hiểm nên không có cửa sổ nhìn ra ngắm cảnh. Cạnh Na là một chàng người Mỹ tuổi khoảng ngoài ba mươi, dáng vẻ tầm thước, mắt nâu hạt dẻ trông rất hiền, đang lặng lẽ coi phim tài liệu về thiên nhiên bằng iPad. Na cảm thấy buồn chán nên đợi lúc người ta phát đồ ăn, Na đánh bạo hỏi “mắt nâu” làm sao mà có phim coi, anh ấy bảo phải tải app của hãng hàng không về thì mới coi được phim của họ mà không cần wifi. Giờ phi cơ đang bay nên phải chờ khi có internet kết nối thì mới tải được. Thôi vậy, Na đành đọc báo và ngủ suốt chuyến bay.
17 Tháng Năm 20206:43 CH(Xem: 17190)
Quang “bản phủ”, vốn là chánh án ở Toà án nhân dân huyện. Nhưng hình dáng bên ngoài, giống y như nhân vật Bao Thanh Thiên bên tàu trong bộ phim truyền hình nhiều tập chiếu trên đài. Tối hôm trước xem phim, sáng hôm sau đến toà, từ bị can, đương sự đến nhân viên, thư ký toà…giật mình thon thót, nhìn lên ghế chánh án, cứ như thấy ông Bao Chửng ngồi trên thật. Cũng tai to mặt lớn đen sì.
23 Tháng Tư 20207:45 CH(Xem: 16318)
Cách đây ba tuần, khi con vi khuẩn độc ác xâm nhập, tấn công ồ ạt vào lãnh thổ Hoa kỳ, lúc ấy mọi người đã bắt đầu thức tỉnh lo sợ trước một cuộc chiến vô cùng gian nan, một mất một còn với kẻ thù vô hình có sức mạnh tấn công tiêu diệt hàng loạt sinh mạng con người mà loài người vẫn chưa có vũ khí chống lại chúng. Chúng không biết phân biệt già, trẻ, lớn bé hay người ấy là ai, nếu không may đến gần chúng, đụng phải chúng, coi như chúng đã chiếm đoạt cái số phận của người ấy, quyết định sống hay chết là do sự chống trả của một có thể cố gắng đánh bại chúng.
13 Tháng Tư 202011:23 CH(Xem: 17957)
Thế là từ hôm ấy trở đi, trên tất cả các phương tiện truyền thông nước nhà đều dành chỗ, dành thời lượng để tôn vinh ngài Kê. Kiểu như: “Cuộc đời ngài Kê”, “Chuyện ngài Kê”, “Ngài Kê liệt truyện”, “Tấm gương Giáo sư Kê”, “Huyền thoại Kê vàng” vân vân và vân vân. Thôi thì trăm hoa đua sắc, trăm nhà đua nở. Thơ ca nhạc họa, truyện ngắn tiểu thuyết bút ký trường thiên dài kỳ các kiểu. Thậm chí bên bộ dục còn phát động cuộc thi kể chuyện về ngài Kê trong học sinh các cấp, rầm rộ. Có con bé học trò lớp ba mãi trên Mù Căng Chải chưa xuống núi lần nào được giải nhất. Nó kể về công đức ngài Kê với các đồng bào mèo mán lô lô trên quê nó cực hay, nức nở. Hay đến nỗi ngài Kê hôm ấy mở ti vi xem cũng rơi nước mắt.
28 Tháng Ba 20206:12 CH(Xem: 16546)
Ban đầu, ông thấy người gai gai, sốt, chán ăn. Bụng bảo dạ, nhẽ mình lao động hơi quá sức. Chả là vừa tập Gym hồi đêm về sáng trên máy bay với Hải Yến xong, thì tối hôm đó lại về sân hàng chiếu ở Times city thi đấu cả đêm. Bắt buộc phải cả đêm, bởi nếu không thì khó mà sống với phòng nhì đang kỳ lửa nồng được. Dù ông biết thân trước khi lâm trận, đã viện đến bao nhiêu sự trợ giúp, ngay cả từ lúc mới xuống sân bay kia. Thế nên đêm đầu về nhà cũng làm cho em Thuận mãn nguyện. Những đêm sau thì phải cố, cũng qua bài. Gặp mặt Hội 3G, tay bắt mặt mừng ôm hôn thắm thiết, mừng công trình rực rỡ để đời đã hoàn thành. Mừng cú tuyệt tác one in hole trên chín tầng mây, thật là độc nhất vô nhị! Nhưng mấy hôm tiếp theo đi họp hành, tiệc tùng chiêu đãi nhiều thấy mệt mỏi. Càng ngày càng thấy người ốm tệ. Sốt, ho, khó thở... Hay là nhiễm cúm virus corona? Em Thuận hoảng hốt vội gọi xe đưa vào viện khám. Xe đưa ông Nam vừa đi thì cũng có xe khác đến đưa ngay cả hai mẹ con đi cách ly chống dịch.
26 Tháng Ba 202010:54 CH(Xem: 19645)
Raymond Clevie Carver Jr. sinh ngày 25 tháng Năm, 1938, là tác giả Hoa Kỳ chuyên về truyện ngắn và thơ; người được xem như một trong những nhà văn lớn của nước Mỹ. Các tác phẩm chính của Carver gồm có: Will You Please Be Quiet, Please? (1976), Furious Seasons and other stories (1977), What We Talk About When We Talk About Love (1981), Cathedral (1983), Elephant (1988), Where I'm Calling From: New & Selected Stories (1988), Short Cuts: Selected Stories (1993), Collected Stories (2009).
25 Tháng Ba 20209:32 CH(Xem: 16904)
Lúc này, bên những vết tích còn lại của bản Thái hoang tàn, Cư có cảm tưởng lạc vào nơi từng ghi dấu sự tích kể về cô gái con tạo bản đã héo hon mà chết vì mong nhớ người yêu; nhưng mọi người không sao đem nổi xác nàng ra khỏi nhà, bởi hồn nàng quyết không chịu rời đi. Bản bị hồn ma ám, không ai dám ở. Còn chàng trai nghèo thất tình, khi trở về đã ôm ấp nàng suốt bảy ngày đêm mà không biết đó là thi thể giá lạnh, giữa cái bản vắng tanh...
11 Tháng Ba 20209:23 CH(Xem: 16490)
Bây giờ ở nước ta gia đình ngài Giáo sư Kê rất nổi tiếng./ Có thể gọi là nổi như cồn. Nổi nhất nước. Bởi là do hai tay hậu duệ: nghĩa tử Hùng Văn Hạ thì chấp chính Bộ dục- văn- giao còn nam tử Giang Đình Tinh Anh thì nắm Bộ công, hai bộ trọng yếu của nước nhà. Rất hăng hái phát tài. Mà đều còn trẻ, đang đà thăng tiến hứa hẹn chủ chốt nước nhà nay mai. / Ngài Kê sau vụ đi làm chủ tịch hội đồng đào tạo cho nước nhà những ba vạn chín nghìn tiến sĩ thì yên tâm nghỉ ngơi cùng con cháu. Thi thoảng đi du lịch ngao du sơn thủy hữu tình cho vui thú tuổi già. Nghĩ đời mình cũng đã thật hào hùng, thôi nghỉ ngơi tuyệt đối…
02 Tháng Ba 202011:18 CH(Xem: 17380)
Buổi sáng tháng mười năm đó, già Mức đi biển. Một ngày như mọi ngày, không khác biệt. Một buổi hừng đông dong thuyền ra khơi, biển yên lành, gió ngon trớn. Chiếc thuyền nhỏ gắn máy hiệu Yarmar vận hành đều đều, tiếng máy nổ ròn rả đẩy cái thuyền lướt trên con sóng, bánh lái điều khiển kêu xè xè dưới làn nước.
26 Tháng Giêng 20203:45 CH(Xem: 16322)
Đường phố Sapa chìm trong thứ ánh sáng mờ ảo của đèn cao áp lẫn sương mù. Thỉnh thoảng có một hai khách du lịch trở về khách sạn, hoặc một đôi nam nữ Dao đỏ đứng tự tình bên gốc cây. Khí lạnh từ trên đỉnh Fanxipan tràn về thung lũng từng đợt. Hắn hơi co ro, khép chặt lại cổ áo. Hắn đi, lúc thì như người mộng du, lúc thì ra người như cố ý tìm kiếm một ai đó.