Nỗi vui mừng vỡ òa trong tôi phút đó khi đã nhận ra Luân, Luân trên kia, Luân đứng đó, bắt tôi phải chạy bay lên mới đúng. Nhưng trước bấy nhiêu con mắt cùng chăm chú ngó xuống người lạ mặt như một cái đích, họ chưa nhận ra ai, tự nhiên tôi thấy ngượng, ngượng đến nỗi nóng bừng cả mặt mũi. Tôi định thần. Tôi cố trấn tĩnh lại. Tôi tháo khỏi lưng cái bạc-đà đã ướt đẫm mồ hôi, và xách nó lủng lẳng trong tay, tôi thong thả đi lên. Vợ chồng cụ Chánh, thằng Tạo, anh chị Mùi đứng đó, thành một hàng dài. Những cái bóng nắng chiều làm nghiêng đi, nổi bật lên cái nền xanh thẳm trùng điệp của núi rừng Nông Cống. Xa hơn một chút, lùi về phía sau một chút, in hẳn lên nền trời: Luân.
Tôi thầm cám ơn bà cụ bán hàng tôi gặp ngoài đường lớn. Không có cái ngón tay chỉ đường quý báu của bà cụ, tôi đã tiến sâu mãi vào phía núi biếc, tôi đã không tạt vào con đường nhỏ, tôi đã không đến đứng dưới chân ngọn đồi này, tôi đã trở về căn nhà lạnh lẽo của cơ quan, phía bên kia sông Mã. Tôi đã không bao giờ, không bao giờ nữa, gặp lại được Luân. Đất rừng mới đốt rẫy, cỏ chất từng đống lớn vàng cháy giữa những thân cây bị đào bật lên, còn cả gốc rễ và những cành lá tươi. Một lối đi nhỏ của chân người dẫm lên, còn mới.
Đến lưng đồi, tôi đứng lại. Thằng Tạo nhận ra tôi trước nhất. Nó lập tức chạy bay xuống, vừa chạy vừa ngoái cổ lại la lớn: "Anh Trí, anh Trí". Tôi chỉ kịp đỡ cái đà người nó đâm xầm vào mình. Thằng Tạo nắm chặt lấy cổ tay tôi, kéo tôi lên, miệng vẫn la lớn: "Anh Trí, anh Trí". Rồi tất cả mọi người đều nhận ra tôi, và, trừ Luân, đều reo lên "Anh Trí, anh Trí". Tôi cười nhưng tròng mắt đã rưng rưng. Cuộc chiến tranh lâu dài với những khổ đau chồng chất nếu có gỡ lại được một phần nào, cái phần khiến con người còn chịu đựng được cái tác động hủy phá ghê khiếp của nó, là ở cái nét đẹp ánh lên của những phút gặp lại nghẹn ngào và tủi mừng đến ứa nước mắt như vậy đó. Người ta xa nhau, không nhìn thấy nhau sau bức tường lửa đạn. Tưởng rằng đã chết, đã mất. Thấy nhau bất ngờ như thấy kẻ đã chết rồi lại vừa sống lại. Tôi chào mọi người, trao bạc-đà cho thằng Tạo. Nó đón lấy và khệ nệ đi lên đỉnh đồi. Cả gia đình cụ Chánh đứng vây lấy tôi, mỗi người, trừ Luân, hỏi tôi một câu. Cụ Chánh nói với cụ bà tôi đen và gầy đi nhiều. Chị Mùi hỏi tôi từ đâu đến, sao biết gia đình chị ở đây, anh Mùi hỏi tôi bây giờ làm gì. Duy có Luân từ lúc thấy tôi là không nói một lời nào. Luân đứng đó, hai tay buông thẳng, chân như chôn chặt xuống đất, đôi mắt đen láy mở to trên khuôn mặt nửa như muốn cười, nửa như muốn khóc của Luân. Thái độ yên lặng, chỉ có tôi hiểu, làm lầm mọi người. Chị Mùi thì bảo Luân: "Anh Trí đấy mà!" Cụ Chánh thì bảo tôi: "Em Luân, cậu Trí nhớ không?" Tôi đáp: "Có nhớ ạ" và lách mọi người tôi đi lại phía Luân. Tôi nhìn cái khuôn mặt nửa muốn cười nửa muốn khóc của Luân mà sự kinh ngạc còn in lên gần như một niềm đau đớn. Tôi muốn nâng hai tay đỡ lấy khuôn mặt ấy, mười ngón tay tôi cươi lấy hai gò má ấy, tôi muốn ôm chặt lấy Luân, ôm thật chặt cái thân thể yêu dấu, tôi muốn hôn vào đôi mắt kinh ngạc, tôi muốn nói với Luân một hơi, không ngừng, một câu nói thật dài, không bao giờ hết. Tôi muốn nói với Luân, đau xót và thành thật nói, câu nói tôi muốn gửi không riêng gì cho Luân mà cho tất cả những người thiếu nữ Việt Nam, qua hình ảnh Luân lúc đó. Những người thiếu nữ xấu số của một đất nước hiền hậu như họ không bao giờ thích hợp với một không khí chiến thời nào.
Tôi muốn bảo Luân, tôi muốn bảo Luân: Anh xót thương em những đêm dài trong núi, dưới mái nhà sàn cơ quan, trên những con đường hầm hố vết thương, những xóm làng hủy phá, trên những thềm nhà cỏ hoang phủ kín, trên những vì tường đổ gục, trên những thân cây chặt đứt, qua những chân cầu đổ nghiêng, trong hầm trú ẩn máy bay. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em đêm giã từ Hà-nội ra đi nhìn về Hà-hội cái rừng lửa cháy, buổi chiều đứng trên con đê Hồng-Hà, buổi trưa về thăm lại Hưng- yên, buổi ra đi bãi ấy còn xanh biếc ngô non, buổi về chỉ thấy mênh mông phù sa kín nhòa bãi cũ. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em trên những đầu ngón chân anh đi, cái hình ảnh xót thương lăn theo sỏi đá dọc đường, nằm trên từng cột cây số từng nền lũy tre xanh, chảy theo mặt nước lúc xuống đò qua sông, khuân theo lòng đường lúc xuống đò lên bộ, từng buổi sớm xuống suối rửa mặt, cái hình ảnh xót thương trong veo trên nền sỏi trắng, từng buổi chiều không biết đi đâu, cái hình ảnh xót thương bát ngát đầy chiều.
Tôi muốn bảo Luân, anh nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc bỏ núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm.
Nhưng tôi không nói được một lời nào. Tôi cũng đứng sững đó trong nỗi xúc động mãnh liệt chưa từng cảm thấy. Tôi đứng sững đó, tôi đang sống một trong những phút giây xúc động nhất của đời tôi, tôi tưởng đã chết rồi những niềm xúc động. Khuôn mặt yêu dấu của Luân cứ lớn dần, lớn dần, như khởi đầu là một phiến trời thật nhỏ sau một khung cửa hẹp, một hẻm núi, bây giờ ra ngoài khung cửa, đi khỏi hẻm núi cái phiến trời nhỏ đã lớn thành cả một vùng mênh mông, tôi ngắm nhìn nỗi vui mừng của tôi mênh mông trong đó.
Rồi đáy mắt Luân thoáng lên một ánh lửa. Tôi nhận cái ánh lửa ấy như một tiếng chào thầm, một sự đáp lại yên lặng. Luân nhìn tôi như thế, đoạn Luân cúi đầu xuống và quay gót đi trở lên.
Chúng tôi lên theo. Căn nhà lớn dựng trên đúng đỉnh đồi trọc nhìn xuống một căn thứ hai, phía tay trái, nhỏ hơn, tôi đoán là nhà bếp. Cả hai cùng mới cất. Mái lá tươi nằm trên những cột nhà là những thân cây rừng. Tường vách là những tấm phên đan hình mắt cáo, nhiều tấm còn chưa trát đất. Thằng Tạo bưng lại cho tôi một bát nước chè tươi nóng. Anh Mùi quấn cho tôi một điếu thuốc lấy ra ở một cóng sành nhỏ dưới gậm giường; điếu thứ hai anh cuốn cho cụ Chánh; điếu thứ ba cho anh. Chúng tôi cùng châm lửa và thở ra những đợt khói tan bay mau chóng trong gió rừng buổi chiều lồng lộng thổi qua. Vẫn xa hơn mọi người một chút, vẫn thái độ yên lặng, Luân ngồi yên trên một góc giường giữa cái vui vẻ ồn ào của mọi người, như đắm chìm vào một suy nghĩ riêng tư thầm kín. Lúc tôi trả lời cụ Chánh là trên đường đi tìm địa điểm an toàn cho cơ quan tôi tình cờ qua đây, Luân đột nhiên đứng dậy đi ra. Tôi nhìn theo Luân đi khuất về phía căn nhà bếp. Mọi người, trừ tôi hình như không ai để ý đến sự bỏ đi bất thình lình của Luân, đã mỗi người một câu kể lại cho tôi nghe về những lần di chuyển gian khổ, những ngày tháng lênh đênh điêu linh kể từ ngày tản cư khỏi thị xã Hưng-Yên, về vùng Ân-Thi, rồi từ Ân-Thi sang Đống-Năm, Cống-Thần, Hồng-Phú, qua Liên Khu Ba vào Thanh-Hóa, chợ Rừng Thông, phủ Thiệu- Hóa, với hình ảnh những căn nhà mới dựng lên chưa ấm hơi người đã bị bom đạn đốt cháy tan tành ở những thị trấn năm ấy, khiến cho gia đình cụ Chánh -chạy trốn lửa đạn đuổi theo, đánh xuống như một kẻ thù dai dẳng- cố tìm cho được một đất sống thực an toàn đã phải tìm đến khoảng đồi trọc giữa vùng núi rừng hoang vu này. Kiểm điểm lại đoạn đường dài với những đổi thay không ngừng, cụ Chánh đã mỉm cười chỉ cho tôi gian nhà trống không ngoài mấy chiếc tay nải để trên hai chiếc giường gỗ và nói cả cơ nghiệp của gia đình cụ, mỗi lần di chuyển như vậy, mất đi, bỏ lại, bây giờ chỉ còn có thế. Cũng may là còn được mạnh khỏe cả và còn những bàn tay làm lụng được.
Tôi cảm động nhìn bàn tay gầy yếu của cụ Chánh, và liên tưởng đến một bàn tay khác, với những ngón tôi nhớ rất dài rất thon, bàn tay của Luân. Ngày xưa tôi đã ngắm nhìn bao lần không chán mắt những cái ngón trắng muốt khi sòe mở khi thu lại, hình nét đều mềm mại như một bông hoa. Tôi giật mình tưởng như cụ Chánh đoán được ý nghĩ tôi. Cụ nói gia đình cụ bây giờ - kể cả thằng Tạo người nào cũng đã quen lắm với những công việc cực nhọc: cất nhà, chặt cây, phát cỏ, đốt rẫy, làm đất rừng. Cụ nói: "Anh ở lại đây sáng mai sẽ thấy cả nhà chúng tôi, già trẻ lớn bé kéo nhau ra làm đất rẫy. Bây giờ biến thành nông dân cả rồi. Em Luân nữa, nó cũng cầy bừa giỏi ra phết rồi đấy cậu Trí nhé".
Hình ảnh lam lũ của Luân đẩy lưỡi cầy trên nền đất rừng cằn cỗi, khiến tôi xót xa nghĩ đến hình ảnh Luân ngày trước.
Bấy giờ là vào khoảng giữa năm 1945. Cuộc đảo chính Nhật vừa kết liễu. Bắt đầu những trận mưa bom của phi cơ đồng minh. Chúng tôi theo trường tản cư về thị xã Hưng-Yên. Và quen Luân ở đó. Chúng tôi, vì là ba người: Phạm, Trương và tôi do một sự tình cờ đã đến trọ học cùng nhà một bà cụ già: cụ Lý Bằng. Luân là cháu gái cụ Lý. Cùng một phố, hai nhà ở cách nhau khá xa nhưng vì thị xã hồi đó thiếu nước, chúng tôi hằng ngày gặp Luân. Ấy là những buổi sáng, mùa hè thật sớm, mùa đông muộn hơn một chút, nhưng sáng nào trở dậy là chúng tôi đã thấy Luân cắp một cái rổ quần áo cao có ngọn sang giặt ở cái ao rộng phía sau nhà cụ Lý. Bờ ao sát liền với buồng học - tường là những tấm liếp mỏng - khiến cứ nằm ở giường nhìn ra chúng tôi cũng ngó thấy Luân thấp thoáng ở ngoài hàng rào xương rồng đầu cổng, Luân đi qua vườn, Luân tiến lại phía bờ ao.
Hình ảnh mà tôi còn giữ được ở những buổi sáng lâu dần đã là những buổi sáng đợi chờ ấy, của Luân là một mái tóc phủ kín vai kín lưng, mặt nước xao động sóng sánh, những cánh bèo Nhật- Bản dạt rộng thành một vòng tròn chung quanh cái cầu tre mỏng mảnh, tiếng rũ tiếng đập, tiếng nước đổ ào ào trong yên lặng mát trong, và những cái bọt sà phòng trắng sốp trôi đầy mặt nước. Qua thời gian làm quen khởi đầu ngây ngô, tức cười, ở Luân là những lắc đầu, những nụ cười muốn dấu, một vẻ sợ hãi luống cuống rất đáng yêu, ở chúng tôi là những câu thả tình bóng gió, bâng quơ, những thăm dò ý tứ một cách hóm hỉnh vụng dại, những phút đứng cạnh bờ ao hàng giờ mà không biết làm gì hơn là bứt những cánh lá trên đầu Luân thả đầy mặt nước, những hẹn hò vu vơ lúc Luân đã giặt xong đứng dậy, chúng tôi quen nhau. Cho đến bây giờ, tôi không có đủ bằng chứng để quyết đoán chắc chắn -chưa từng ai hỏi ai điều đó- tôi vẫn nghĩ rằng cả ba chúng tôi đều yêu Luân. Phạm yêu Luân, Trương yêu Luân và tôi cũng vậy. Cùng yêu và điều buồn cười, nhưng đúng, cùng yêu như nhau. Tình cảm của mỗi người đối với Luân có thể khác biệt trong phần tâm tưởng thầm kín, nhưng ở những biểu tỏ thì có thể nói là đồng đều. Tình yêu chung gửi cho một người này nếu không gây những va chạm, những tổn thương đáng tiếc cho tình bằng hữu chúng tôi suốt thời gian đó, một phần do sự đồng đều này. Cả ba như cùng ước hẹn ngầm: nên đứng đó, đừng ai đi xa hơn. Một phần, và cũng là nguyên nhân chính, tình yêu của chúng tôi thuở đó, như tuổi, như lối sống, cũng lãng mạn, hồn nhiên, cũng mát trong như tâm hồn mỗi đứa chúng tôi lúc bấy giờ. Yêu một người cũng như yêu cảnh vật, một đêm trăng, một ngày mưa, một buổi chiều có nắng đẹp, một bông hoa cùng ngó thấy một buổi sớm trong vườn, không ai tính đến chuyện ngắt bông hoa vì lòng còn ngây ngất. Yêu như yêu một hình ảnh, yêu như yêu thiên nhiên, tạo vật, cuộc đời. Yêu như yêu chính cái bản thân mình. Tình yêu ấy lúc đó và về sau, chẳng những đã không gây những tiếc hận mất mát cho ai mà mỗi người đều cảm thấy ở mình như nó lớn gấp ba lần, nó cộng tâm hồn mình với tâm hồn hai thằng bạn thân làm một. Đối với Luân, cũng không có chuyện lựa chọn khó xử, Luân nhận cả, Luân không nghiêng về phía nào. Không nhận riêng một tình yêu nào hết, Luân sung sướng nhận lấy cái không khí yêu thương. Hoặc nếu có sự lựa chọn rồi của Luân trong thâm tâm, chúng tôi không biết. Chỉ biết những thời gian sau thân mật hơn, những việc đáng lẽ chỉ có ý nghĩa vì thầm kín riêng tư: tặng một kỷ niệm, viết một lá thư, hẹn một buổi tối gặp mặt, chúng tôi cũng bàn với nhau, có thỏa thuận mới tặng mới gửi. Tôi cảm động nhớ lại cái thế giới đẹp một vẻ đẹp hoang đường những năm tháng ấy. Cuộc sống thần tiên. Sách vở bạn bè. Luân ở giữa chúng tôi. Từ một người bạn nhỏ, một cô gái láng giềng đến người thiếu nữ của mối tình thơ mộng thứ nhất đầy vẻ bỡ ngỡ, khám phá như cái ý thức đầu tiên mở vào cuộc sống. Tâm hồn ấy thiên thần tạo nên cuộc sống ấy thiên đường. Nỗi buồn ghê gớm nhất cũng chỉ là niềm bâng khuâng, nổi nhớ nhung cũng là lửa ấm, cả cái bối cảnh âm u của một thời chiến bắt đầu bén lửa cũng không chạm được vào cái thế giới thần tiên.
Mấy tháng về sau, khi cụ Chánh đau nặng, Luân phải đi chợ xa thay mẹ, chúng tôi thường chiều chiều kéo nhau ra khỏi thị xã lên trên con đê cao đầu làng Mậu Dương đón Luân gánh hàng từ phía Tân Châu về. Vượt qua con sông Hồng mênh mông lúc đó đã đỏ thẫm ráng chiều, cái bóng nhỏ bé của Luân khi hiện ra ở đầu con đê cao vẫn có cái tác động mầu nhiệm đổi thay cảnh vật, làm tươi sáng cả một vùng hoàng hôn bát ngát đang thấm vào tâm hồn dễ xúc động của chúng tôi. Luân đến, đặt gánh hàng xuống, thở ra, thường vẫn cau mặt trách chúng tôi "đón đường" như thế. Nhưng trong cái cau mặt rất đáng yêu có thoáng lên một ánh sung sướng. Nhiều lần, nghịch ngợm, Luân chịu để cho chúng tôi thay nhau gánh đỡ gánh hàng nặng một đoạn đường. Những đoạn ngắn chỉ dăm bảy bước. Chúng tôi không quen, đau vai, đã hạ vội cái đòn gánh xuống. Và Luân lại được dịp cười phá lên và chế "cái vai học trò của các anh".
Con mắt yêu thương của chúng tôi, trước sau đều nhìn thấy bất cứ cái gì ở Luân cũng hay cũng đẹp. Riêng tôi, đẹp nhất là cái tiếng nói. Chỉ là âm thanh mà nghe thành hình ảnh. Tiếng nói mỗi khi nghe thấy, nhớ tới, thường làm tôi nghĩ đến một buổi sáng ở một cửa rừng vui nào với những hàng cây thưa, những thảm cỏ mướt những tiếng chim ca ánh sáng trên đầu, cái buổi sáng bình yên trong ca dao, có cu gáy có bướm vàng của Huy Cận.
Tiếng nói có một ấn tượng vui ấm tương tự như khi đi một mình trên cánh đồng mưa tối chợt bước vào một đầu phố, một thôm xóm có ánh sáng, có người ở, có tiếng cười, có sự sống chung quanh. Tôi vẫn nghĩ tâm hồn Luân phải trong đẹp lắm Luân mới có tiếng nói thủy tinh trong suốt như vậy. Tiếng nói tựa như cái toàn thể hiền hậu của một khuôn mặt hiền hậu, nhìn vào tâm hồn kẻ nhìn cũng hiền hậu theo. Nó tác động mãnh liệt trong tôi đến nỗi đã có nhiều buổi tối tôi đã rủ Phạm rủ Trương cùng lên nằm ở căn gác trọ một người bạn cùng lớp -hắn ở sát nhà Luân- và qua một khung cửa khói bốc lên làm chảy nước mắt, chúng tôi đã chụm đầu hàng giờ lắng nghe tiếng Luân cười, nói từ dưới bếp nhà Luân vọng lên. Nỗi thích thú không bao giờ tìm lại được đã khiến tôi về sau thường nghi ngờ cái khiếu thẩm âm của mình trước bất cứ một tiếng hát một điệu nhạc nào. Vọng lại từ quá khứ, hình ảnh Luân có thể sẽ nhòa mờ dần, nhưng tiếng nói của Luân cất lên từ những ngày đẹp cũ, âm thanh huyền hoặc của nó còn nguyên vẹn trong đầu óc tôi. Về sau, rời bỏ Hưng - Yên, ở những lá thư dài viết cho Phạm cho Trương, tôi nhớ vẫn nói với bạn về cái tiếng nói của âm thanh và hình ảnh. Tiếng nói ấy suốt đời tôi vẫn còn nghe thấy.
Cụ Chánh kể chuyện gia đình cụ, tôi thuật lại đời sống mấy năm tản cư kháng chiến của tôi và đêm rừng bên ngoài tự bao giờ đã xuống. Chị Mùi đứng lên mắc màn, cụ Chánh mời tôi đi ngủ. Tôi nói tôi chưa buồn ngủ và đứng dậy. Ý chừng cụ Chánh đoán được ý tôi: "Thế anh ra ngoài một lát cho thoáng rồi vào đi ngủ kẻo muộn. Chắc em Luân nó còn ở dưới bếp".
Tôi châm một điếu thuốc trong khoảng tối đen hoa mắt và lần bước về phía căn nhà bếp thấp thoáng ánh lửa hắt lên. Một tấm khăn trắng bịt kín đầu cho bụi cám khỏi vướng vào mái tóc, một cái áo bông đen phủ lên vai -đêm rừng lạnh buốt- Luân ngồi sàng gạo dưới ánh lửa. Tôi đứng lại. Tôi nhìn như thu vào hồn hình ảnh Luân lúc đó, lòng tay Luân nắm chắc mép sàng, những ngón tay sòe mở mềm mại, dáng ngồi nghiêng nghiêng, bờ vai rung nhẹ theo nhịp sàng, và những hạt gạo trắng muốt lọt sàng rơi rào rào xuống cái yên tĩnh huyền bí của đêm núi rừng. Cho tới khi cảm thấy sự có mặt của tôi, Luân ngửng đầu lên. Đôi mắt thật buồn của Luân bắt gặp cái nhìn không dấu được cảm động của tôi. Luân ngừng tay sàng trong một giây ngắn rồi lại sàng tiếp. Tiếng nói nhỏ chỉ vừa đủ nghe thấy:
- Anh ngồi xuống đây, anh Trí.
Tôi ngồi xuống trước mặt Luân. Một khoảng yên lặng -tôi đoán sao rừng chắc đang sáng nhiều vô kể- rồi Luân cất tiếng:
- Anh nói đi tìm địa điểm cơ quan, anh nói dối thầy em, phải không?
Tôi gật đầu:
- Anh biết Luân ở đây, anh lên tìm Luân.
Câu trả lời hình như không làm Luân sung sướng. Mà trái lại. Khuôn mặt buồn, đều tay sàng với một giọng nói cố làm thản nhiên:
- Anh sắp đi khỏi nơi này. Anh sắp về Hà Nội phải không?
Tôi kinh ngạc về cái dự định thầm kín bị Luân đoán trúng tuy đã định sẽ kể hết cho Luân nghe chuyện tôi sắp bỏ đi xa, cuộc khởi hành sắp tới là nguyên nhân chính khiến tôi đã đi bộ suốt hai ngày đường để gặp lại Luân lần cuối cùng. Tôi cúi đầu xuống trước viễn tượng một chuyến đi tự nhiên trở nên buồn thảm lạ lùng. Đúng đấy em ạ! Người đàn bà đưa đường cho anh đã nằm chờ sẵn ở một địa điểm bí mật gần giới tuyến. Trên đường sang đây tìm em, anh đã ném một hòn đá xuống dòng sông Mã, một hòn nữa xuống dòng sông Chu như những dấu hiệu vĩnh biệt, và sớm mai khi rời bỏ ngọn đồi này đi xuống anh sẽ đi những bước đầu tiên trên con đường trở về một thứ đất nước và thế giới bên kia. Anh biết em ở đây, trước khi bỏ đi anh không thể không tìm gặp lại em một lần sau cùng. Gặp lại cho Phạm. Cho Trương. Cho em. Cho chúng mình. Cho một cái gì đã mất. Cho cái thế giới thần tiên, cái thiên đường lộng lẫy. Cho những buổi chiều của chúng ta trên con đê xưa, những buổi sáng của chúng ta trong căn vườn cũ. Cho cái vốn kỷ niệm cần thiết của một đời người khi tới lúc không thể sống bằng kỷ niệm. Cho những ảo tưởng thực hơn nghìn lần sự thực. Cho những sự thực đã thành ảo tưởng. Cho sự chấm dứt của những năm tháng bình yên. Cho sự khởi đầu của những tháng năm đau đớn. Anh muốn khởi một cuộc hành hương trở về tuổi ấy, cái tuổi trăng tuổi sao trong máu trong tim, cái tuổi con bướm bông hoa ngoài đồng nội. Khi ngày mai đã là một đổi khác lớn lao, anh muốn về với lá thư, tấm hình, nỗi nhớ thương, niềm bâng khuâng, cái thế giới ảo tưởng, những rung động khởi đầu, tình yêu thứ nhất.
Nhưng tôi không thể trả lời mà hỏi:
- Sao Luân biết anh về Hà Nội?
Luân đặt sàng xuống, lấy tay vun gạo thành một đống lớn, san phẳng rồi lại vun lên:
- Em biết anh sẽ rời bỏ nơi này ngay từ lúc trông thấy anh đột ngột hiện ra ở dưới chân đồi. Người xa lạ em còn biết, nữa là anh. Người đi xa có trở lại, người đi không về, em đều biết trước. Có lẽ vì mấy năm nay em nhìn thấy nhiều quá những cảnh kẻ ở người đi như thế.
Con mắt Luân gửi vào một khoảng không, tiếng nói chỉ còn là hơi thở:
- Các anh đi và các anh không trở lại.
Tôi cảm thấy một buốt lạnh toàn thân, còn buốt lạnh hơn đêm rừng vây quanh khi Luân nói tiếp:
- Em cũng không bao giờ gặp lại anh nữa đâu. Gặp anh lần này là lần cuối cùng đấy, anh Trí.
Câu nói đượm một vẻ chịu đựng nhẫn nhục. Một thứ cúi đầu trước định mệnh. Tôi không tìm được ý tưởng chống lại nó. Chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Lần cuối cùng. Hình ảnh của chia cách vĩnh viễn vây lấy chúng tôi. Khoảng tối đen khủng khiếp mở ngay từ chỗ này như đêm rừng trước mặt.
Luân lắc đầu như muốn đuổi đi hình ảnh đó. Luân đẩy cái sàng về phía tôi:
- Sàng hộ em một tay.
Tôi đỡ lấy chiếc sàng nhưng không biết cách, làm gạo văng tung tóe khắp chung quanh khiến Luân bật cười:
- Các anh vẫn thế, chẳng được cái tích sự gì hết.
Rồi Luân hỏi tôi còn nhớ không, những buổi chiều ngày xưa trên con đê Hưng Yên, chúng tôi tranh nhau gánh hàng cho Luân chưa được mấy bước đã bỏ vội đòn gánh xuống, những buổi sáng ở cầu ao nhà cụ Lý đòi giặt hộ Luân, đánh rơi cả quần áo, bàn chải, sà phòng xuống nước. Nhưng một vài kỷ niệm ngộ nghĩnh vừa nhắc lại chỉ gây được cho Luân và tôi một nỗi vui ngắn. Nét buồn đã trở lại khuôn mặt khi Luân hỏi tôi về Phạm về Trương. Tôi cho Luân biết Phạm đã chết, thân thể tan nát trong một cuộc oanh tạc ngay trên mảnh đất quê hương của Phạm, và tin cuối cùng tôi nhận được của Trương cách đây đã hai năm là Trương sống vất vưởng bệnh tật tại một vùng nước độc gần biên giới.
Chỉ còn nghe thấy tiếng Luân nói: "Tội nghiệp cho các anh". Lửa bếp tự một lúc nào leo lét vừa tắt hẳn. Chỉ còn điểm sáng nhỏ của điếu thuốc cháy giở. Một tiếng tàn than nổ gọn trong bóng tối. Chúng tôi ngồi đối diện mà không trông thấy nhau như thế, rất lâu, tưởng như cùng lắng nghe một sự im lặng kỳ lạ nào, cho tới lúc Luân cất tiếng trước: "Mấy năm rồi anh Trí nhỉ?" Tôi đáp: "Sáu năm". Bên kia tiếng Luân nhắc lại: "Sáu năm". Sự yên lặng, bóng tối, khiến tôi trở lại ý nghĩ ban nẫy: chắc bây giờ sao rừng đang sáng vô kể bên ngoài. Tôi rủ Luân ra ngoài. Tôi nghe thấy tiếng gạo vun lại, tiếng sột soạt của chiếc vỉ buồm được kéo gọn về một phía. Bước ra khỏi cửa bếp, tay tôi chạm nhẹ vào tay Luân. Tôi nghĩ đúng. Sao rừng trên đầu chúng tôi phút đó sáng nhiều vô kể. Những điểm sáng to nhỏ, lổ đổ, tưởng như một lúc nào đó sẽ rớt xuống sẽ đậu đầy trên đầu trên cổ chúng tôi. Mùi đất bốc lên, tiếng côn trùng rậm rạp ở những khoảng thấp. Nhịp chân siêu siêu cho tôi biết mình đang đi xuống. Được một quãng Luân đứng lại. Chúng tôi ngồi xuống một thân cây. Tôi kéo Luân vào gần cùng lúc một vệt sao sa tự đỉnh trời kéo một vệt thật thẳng thật dài mất hút vào những bóng núi. Luân đã cởi chiếc khăn bịt đầu tự lúc nào. Tôi ngồi yên, mặc cho những sợi tóc vướng vào cổ, vòng tay về phía trước thu gọn lấy hai bàn tay Luân. Luân không chống lại. Cái thân hình thu nhỏ lại ấy như muốn kiếm tìm một sự che chở. Tôi thấy tôi không còn che chở gì được nữa cho Luân. Cuộc sống đổi khác và con người đã lớn. Cái thế giới thiên đường, thần thánh ngày xưa của chúng tôi đã che chở Luân. Cái thế giới ấy đã mất.
Luân ngã đầu vào vai tôi:
- Anh về Hà Nội sẽ làm gì?
- Chưa biết em ạ, có điều chắc chắn anh sẽ bỏ học. Anh nghĩ anh sẽ sống một cuộc đời vô nghĩa và tầm thường. Đi buôn chẳng hạn. Nhưng thế nào anh cũng về thăm lại Hưng -Yên. Đó là một trong những việc làm thứ nhất.
Luân nắm chặt lấy tay tôi như tìm thấy nguồn an ủi.
- Anh có về thăm Hưng -Yên nhớ thăm cả nó cho em.
Tôi gật đầu. Anh sẽ về thăm lại cái dấu tích, cái thiên đường đổ vỡ của chúng ta. Cho em. Cho anh. Cho Phạm cho Trương nữa. Thềm nhà cỏ hoang, bờ ao không người. Bờ đê, những lối đi cũ. Anh sẽ không lấy lại được gì trên những dấu tích kỷ niệm ấy, nhưng anh sẽ về. Người ta không sống được bằng kỷ niệm, nhưng trên những lông lá mới mọc và sự đổi khác ghê gớm của tâm hồn và hình thể, anh muốn trở về soi ngắm mặt mũi mình xuống lòng nước cũ. Người ta không sống được bằng quá khứ nhưng người ta cần có quá khứ như một tấm gương. Anh muốn nhận định lại nhiều điều và điểm khởi hành phải bắt đầu từ đó.
- Em thì không bao giờ trở về Hưng-Yên được nữa, Luân nói một cách tuyệt vọng. Em sắp lấy chồng rồi.
Tựa hẳn đầu vào vai tôi, Luân đã kể cho tôi bằng cái giọng đều đều nhẫn nhục của kẻ ưng chịu cảnh ngộ về người đàn ông mấy tháng nữa, thân thể tàn phế, sẽ chống lên mình chiếc nạng gỗ và sẽ tập tễnh đi lên ngọn đồi này. Tên hắn là Mạnh. Cũng tử tế, hiền lành, người quê mùa, theo Luân. Mạnh bị thương trong một trận đánh đồng bằng ngoài liên khu Ba, hiện đang nằm ở một quân y viện cách đây ngót hai mươi cây số, lý do chính đã khiến cho gia đình Luân đến khẩn hoang ở ngọn đồi trọc này. Luân không yêu Mạnh. Cuộc hôn nhân cũng vô nghĩa như đời sống những tháng năm vừa qua, vô nghĩa như đời sống con người trong chiến tranh. Nhưng cái ý định ở mãi mãi với Mạnh có từ buổi xuống thăm Mạnh ở bệnh viện.
- Em nhìn thấy chiếc nạng gỗ và Mạnh lúc đó. Và thế là xong.
Luân nhắc lại một cách tuyệt vọng:
- Thế là xong.
Tôi muốn tìm một câu nói an ủi Luân, nhưng tôi không nói được gì. Trong một yên lặng kéo dài vòng tay tôi ôm chặt lấy người Luân hơn, tôi nhìn những điểm sao lấp lánh trước mặt, nghe tiếng côn trùng rậm rạp xuất lên từ những khoảng thấp dưới kia, và tôi nghĩ đến cái đêm cuối cùng, lần gặp gỡ cuối cùng, tôi không ngờ là ở nơi này, khoảng núi rừng cách biệt không bao giờ trở lại tôi đã sống với Luân những phút cuối cùng của một thời đã mất. Tôi xoay người Luân trở lại và, trong cái ý nghĩ gửi về một cái gì đã mất ấy, tôi cúi xuống hôn Luân. Tôi hôn Luân nồng nàn và tôi nói:
- Anh hôn em lần đầu tiên và lần cuối cùng.
Luân khóc không thành tiếng. Nước mắt Luân ướt đẫm hai gò má. Lúc tôi đỡ Luân đứng dậy và chúng tôi cùng đi trở lên đỉnh đồi, cánh tay Luân khoác chặt lấy tay tôi khiến tôi có cảm tưởng như tôi, Luân cũng muốn ghi nhớ những phút cuối cùng như kỷ niệm nõn nà đau đớn nhất của một thời đã mất.
Sáng hôm sau, tôi xuống núi thật sớm. Như người đi trốn. Tôi không có can đảm ở lại để nhìn thấy cái hình ảnh lam lũ của Luân đẩy lưỡi cầy trên nền đất rừng cằn cỗi. Con đường nhỏ mờ mờ mở ra từ chân ngọn đồi. Trời đã sáng nhưng hai bên núi rừng còn yên lặng ngủ. Gần tới đường lớn tôi trông thấy một con bướm. Nó đậu trên một bụi cây thấp. Mình nó vàng ánh với những chấm đen ở hai đầu cánh. Tôi bắt lấy con bướm và bỏ đi không nhìn trở lại.
Suốt dọc dường tôi nghĩ đến Luân, đến Phạm, đến Trương, đến tôi. Lúc nhìn xuống, con bướm tự lúc nào đã chết nát trong lòng bàn tay.
Mai Thảo
trong tập Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời,
Sáng Tạo 1963