- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Gió Qua Đời Lá

21 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 34669)

gqdl2_0_300x203_1Phú nghèo xác nghèo xơ mà Nhạn cũng xác xơ nghèo. Nhưng Nhạn là cô gái đẹp nhất làng, quanh năm suốt tháng nhọc nhằn mái tóc vẫn đen, làn da vẫn trắng. Ngày ấy khối người thương yêu mà Nhạn chỉ phải lòng Phú, cái anh chàng mà theo mọi người bảo chỉ được mỗi cái làm việc như trâu là giỏi còn không thì lành lắm, ai nói ai chửi vào mặt cũng cười hềnh hệch.

Phú sang hỏi cưới Nhạn, bố mẹ đôi bên đều đồng ý. Kha, một người từ lâu đã để ý đến Nhạn và quyết tâm lấy Nhạn làm vợ, tức mình rủ bạn chặn đường đánh Phú, người làng biết được trói lại nhốt vào cũi cả tháng trời. Kha căm như con thú bị thương lại mất mồi khi đói, hắn nhủ rồi hắn sẽ phá cho xem.

Vào đúng cái đêm cưới, người ta hô hào nhà bị cháy. Vậy là cả khách cả chủ hò nhau múc nước dội lửa. Lửa bắt đầu từ tứ phía, bén nhanh lên vách phên mái cọ. Nước khan, suối cách, nhà cháy đùng đùng bốc cao lên tận trời. Khi lửa tắt nhà chỉ còn đống tro tàn, khói bốc âm ỉ. Mọi người hội lại, cây trên rừng, lá trên rừng, mỗi người một chân, một tay, một dao, một rựa, chặt nào, đẽo nào, dựng nhà mới nào. Vậy là cô dâu mới về nhà mới.

Lấy nhau gần năm trời, Nhạn sinh con gái vào một ngày xuân trời mưa lâm thâm váng vất hơi đông còn sót lại, núi rừng được phủ xanh, một màu xanh tơ e ấp đầy sức sống. Nghe tiếng trẻ khóc oe oe trong buồng, mẹ Phú chạy ra trước cửa, nước mắt rưng rưng khấn vái cảm tạ núi rừng. Cả nhà đặt tên con bé là Dạ. Năm sau lại sinh đứa con thứ hai đặt tên là Thuần. Bố mẹ Phú già rồi, không đi làm được nữa chỉ ở nhà lo việc vặt và chăm cháu cũng đủ mệt. Hai đứa bé kháu khỉnh, ăn như tằm ăn rỗi. Vợ chồng Phú lúc đồng áng, khi cày thuê cuốc mướn gầy người vẫn đói ăn. Hai năm về nhà chồng, Nhạn chưa một ngày nghỉ ngơi, nhan sắc con gái bắt đầu tàn nhưng cả làng chưa cô nào qua mặt được. Vất vả nhọc nhằn cũng không khiến Nhạn ân hận về sự lựa chọn của mình.

Càng lớn Dạ càng giống mẹ, bao nhiêu nét đẹp của mẹ con bé đều lấy hết. Thuần giống bố nhiều hơn. Trong làng này nhà lão Biên giàu nhất, trâu hàng trăm con, ruộng hàng vài chục mẫu, chưa kể tiền bạc chất đống trong hòm, người ta biết lão giàu thế cũng bởi một phần lão buôn thuốc phiện. Cả nhà lão ai cũng nghiện thuốc phiện mà hút cả ngày cả đêm không hết. Thằng cháu đích tôn tên Quý mới lên mười tuổi đã bén mùi thuốc, nhìn thấy ông hút, nó đòi, lão Biên ôm nó vào lòng cho hút xái, nó hất đổ bàn đèn không chịu. Lão phải chiều ý cháu. Lão chiều nó còn hơn chiều bố, bao nhiêu lần nó hỗn lão chỉ cười. Một lần nhìn thấy Dạ chơi đùa ngoài đường, nó lại, hỏi:

- Mày có muốn làm vợ tao không?

- Làm vợ thế nào?

- Tao lấy mày về cho mày hút thuốc phiện.

- Hút thuốc phiện thì em không thích.

- Thế mày thích gì?

- Em thích ngày nào cũng được ăn cơm.

- Thế thì lo gì, nhà tao ngày nào cũng được ăn thịt.

- Nhưng em còn bé lắm.

- Thì đợi khi nào mày lớn.

Quý ta về nhà, lúc ấy trong nhà còn có khách đang ngồi nói chuyện với ông nó. Đó là một người đàn bà thành phố trẻ tuổi vẫn thường lên đây tháng một lần. Người ấy tên là Tú, gương mặt góc cạnh, toàn thân toả mùi nước hoa. Vì đã quá quen với vị khách này nên Quý không ngại ngùng, chẳng hề có thói quen chào ai, nó sà vào lòng ông nằng nặc:

- Lớn lên ông hỏi con Dạ làm vợ cho cháu!

Cả lão Biên và Tú cùng phì cả cười.

- Dạ là đứa nào?

- Nó con nhà Phúc đần ấy.

- Con bé ấy à? ừ, nó giống mẹ, rất xinh, nhưng nghèo xác ve.

-Kệ chứ!

Tú vừa nghe nói mẹ Dạ rất xinh nhưng nghèo đã nhếch mép, suy tính, gật gù. Đợi cho thằng bé đi chỗ khác, cô ta mới hỏi lão Biên:

- Mẹ con bé đó xinh lắm hở bác?

- Xinh nhất làng nhưng lấy phải thằng vừa nghèo vừa ngốc, ngu thì chết.

Mây đen về xám xịt cả bầu trời, chiếc xe con mang biển 29S từ từ dời cổng nhà lão Biên ra khỏi làng về xuôi.

Đêm, trời mưa hối hả, gió quật ầm ầm vào rừng núi, lốc xoáy thỉnh thoảng lại giật tung từng nóc nhà hất ra xa, cây cối bật rễ, sét đánh người chết cháy đen thui, gió tha hồ bốc người ném đi vèo vèo. Mùa mưa nào cũng khủng bố dân làng như thế. Nước từ các khe lạch xối xả. Lũ ống ùa về. Nước dồn xuống đồng bằng. Ứ lại. Dâng lên. Lụt. Phù sa đục ngầu, cây, củi, rác rều quấn lấy nhau đổ bộ xuống vùng thấp. Cả nhà Phú ngồi ôm nhau run rẩy. Nhạn đi từ sáng chưa về. Không gian một màu đen kịt. Thỉnh thoảng sấm chớp lại đì đoằng sáng choang cả bầu trời rồi tắt ngấm.

Mưa ngớt, Phú tìm vợ. Tìm khắp nơi rồi cuối cùng mới sang nhà ông Biên, nhà ông vẫn đỏ đèn đỏ lửa nhưng tĩnh lặng ít tiếng nói cười.

- Ông cho cháu hỏi vợ cháu sáng ngày sang bên này.

- Về rồi, về từ sáng rồi. Đi đi.

- Ông có biết vợ cháu đi đâu không?

- Tao quản lý nó hả? Cút đi cho tao nhờ!

- Thưa ông.

Cửa nhà đóng sập.

Mấy ngày sau mưa bão hết, dân làng bủa đi tìm người thân. Cả nhà Phú tìm Nhạn. Có thể Nhạn bị lở đất chết? Có thể Nhạn bị sét đánh chết rồi bị lũ cuốn đi mất xác như bao người khác. Cả nhà khóc than không ngớt.

***

Hoa mua nở tím cả rừng. Thuần xách giỏ đi vặt những quả mua chín, miệng tủm tỉm cười. Thuần hái mua mang về cho Dạ. Mặt trời gay gắt, Thuần lao đến bờ suối tìm chị. Dạ ngụp lặn trong vùng nước lặng, cô ném một con trai lớn vào bờ. Mỗi lần ngụp xuống, ngoi lên lại được một con. Thuần ngồi nhìn chị. Dạ đẹp như tiên trong lòng Thuần. Mà Dạ đẹp thật, đẹp hơn mẹ ngày xưa.

- Quay đi để chị lên bờ nào.

Thuần nằm úp mặt xuống cỏ. Dạ bơi vào bờ nhẹ như cá. Mái tóc dài đen mượt nước bám lấy tấm lưng thon, làn da trắng nõn nà hình như không bị ảnh hưởng gì của nắng gió, những đường cong con gái uốn lượn hài hoà. Một vẻ đẹp mê đắm cả núi rừng. Thuần không nhìn thấy chị nhưng xa xa đã có kẻ rình, đó là Kha, kẻ đã một thời mê mẩn mẹ Dạ và cũng đã rắp tâm không ăn được thì đạp đổ. Sau đợt cháy nhà hôm cưới bố mẹ Dạ, Kha bỏ làng đi mấy năm trời khi mọi việc đã êm mới dám về lấy vợ sinh con. Hôm nay đây chỉ tình cờ nhìn thấy con gái đẹp phơi bày cơ thể trước thiên nhiên nhưng bản năng bị thôi thúc mạnh, nếu không có Thuần ở đấy thì hắn đã lao ra kẹp ghì lấy cơ thể kia rồi. Hắn lao về nhà, vợ đang nấu cơm dưới bếp, hắn mặc kệ, cầm tay lôi xềnh xệch vào buồng tốc váy chị lên.

Phú lấy vợ hai, chị vừa sinh em bé. Bà nội ốm mấy ngày nay không có tiền mua thuốc. Nhà chỉ có ba lao động làm quần quật suốt ngày vẫn đói quắt queo. Có con trâu thì đã bán, có con lợn cũng đã bán rồi, chút tiền ấy tiêu vài ngày hết. Bà nội càng ốm nặng. Mẹ hai mất sữa, đứa bé khóc suốt ngày đêm. Từ hôm mất Nhạn, Phú sinh bệnh hay đăm chiêu buồn. Nhà càng nghèo, anh phải suy nghĩ nhiều đến miếng cơm manh áo. Dạ thương cả nhà quá bèn đi hỏi vay tiền Quý. Quý vốn ưng Dạ nhưng Dạ còn nhỏ nên lấy vợ trước, giờ thì đã hai vợ rồi vẫn còn muốn nữa.

- Mày phải lấy tao thì tao cho vay tiền.

- Anh nhiều vợ thế còn gì?

- Tao chưa thoả.

- Nhưng sau khi em lấy anh thì số tiền em vay anh xí xoá nhé?

- Được.

Có tiền, Dạ đưa hết cho bố để mua thuốc cho bà và chăm sóc mẹ hai. Rồi thưa chuyện với bố, Phú nghe xong khẽ thở dài:

- Sau này mày sướng thì không sao, nếu khổ thì bố buồn lắm.

Một hôm Dạ đi rừng về rất muộn, váy áo toàn đất, mặt mày sất sát tím thâm, ai hỏi gì cũng lặng im, cơm tối bỏ, ra bụi chuối ngồi khóc, đêm không ngủ được. Bà nội khỏi ốm thì Dạ lấy chồng, đám cưới rất to. Ai cũng bảo Dạ vào nhà lão Biên làm dâu như chuột sa chĩnh gạo. Có người bảo đẹp như Dạ vào nhà lão Biên làm dâu mới xứng. Dạ chẳng quan tâm nhiều. Đêm tân hôn, chỉ có hai người, Quý hỏi:

- Sao buồn thế? Hối à?

- Không, nhưng dù thế nào thì anh cũng không được đòi lại tiền đâu đấy.

- Mày tưởng tao trẻ con chắc?

Quý đè sấn Dạ đòi làm chồng một cách đầy ích kỉ. Dạ cắn răng chịu đựng, cảm giác buồn nôn tởm lợm cứ dồn lên cổ họng. Mãi khi chồng nằm vật ra thở hổn hển cười thỏa mãn Dạ mới nhẹ được người. Tấm khăn trắng trải dưới không dính một chút máu nào. Quý dùng ngón trỏ chạm nhẹ xuống đầu "thằng bé" rồi giơ lên ngang mắt, chỉ chớm chút chất lỏng sền sệt. Hắn giật mình ngồi dậy nhìn kỹ, không tin lại lấy đèn soi cho rõ. Hắn trừng mắt, banh chân vợ ra đưa đèn vào. Không hề có dấu vết con gái! Hắn lồng lên như chó điên dí luôn cái đèn vào đó, đám lông cháy khét lẹt. Bỏng rát! Dạ giẫy dụa, cái đèn văng xuống đất.

- À, mày dám chống bố mày hả? Thằng nào?

Dạ khóc to. Không kịp để vợ trả lời, Quý dùng cùi trái ghì mạnh bụng Dạ, tay phải cứ thế nhè cửa mình Dạ mà đấm, đấm đến dập, bật máu toe toét. Quý lại ngồi lên bụng vợ nghiến răng nghiến lợi bóp chặt hai bầu vú, trợ mắt:

- Thằng nào? Mày cho thằng nào? Bao giờ?

Dạ rằn từng tiếng trong nước mắt:

- Lão... Kha... ép... em.

- Thằng Kha? Thằng Kha!

Quý xiết chặt tay. Dạ ngất lịm. Quý là thằng chúa ghét dùng lại đồ của người khác, vật còn không được huống chi là người! Kha dám dùng Dạ trước hắn thì Kha đợi đấy. Đúng mấy hôm sau, Quý dẫn người ở rình khi Kha trên rừng một mình bịt mặt đánh cho hắn một trận. Kha no đòn lê la trên đất, van lạy. Bọn người ở lao vào đập cho Kha một trận rụng rời chân tay rồi được lệnh thiến sống. Cái đùm của Kha bị Quý ném cho chó ăn. Hả giận một chút Quý rút về. Nhìn Dạ chẳng còn thương yêu, hắn đánh đập thường xuyên. Mỗi lần quan hệ xong hắn lại nhè chỗ ấy của Dạ mà đấm cho hả. Dạ tủi nhục muốn chết quách cho rồi. Lỗi đâu phải tại Dạ, tại lão Kha chết tiệt kia, hôm đó nhân lúc Dạ đi lấy măng một mình đã cướp dao giở trò cưỡng bức. Dạ chống trả quyết liệt mà chẳng được. Nếu không phải nợ tiền Quý thì Dạ đã nói toạc ra trước hôm cưới và không phải chịu khổ thế này. Đứa con đầu lòng vừa mới hình thành đã bị thằng bố tàn bạo quá tay giết chết. Dạ đâm ra sợ chồng như quỷ dữ, sợ nhất là hắn hay đè Dạ ra đòi hỏi thô bạo, xong rồi đấm cho đến ngất thì thôi.

***

Người đàn bà tên Tú tháng nào cũng ghé nhà ông Biên bàn chuyện làm ăn, lần này còn có cả người em trai tên Hải nữa. Thực ra hai chị em lên Hạ Long chơi nhưng tiện thể Tú ghé vào bàn công chuyện. Có mặt Hải, họ nói chuyện đời thường rất rôm rả. Sau lưng Hải, họ thì thầm to nhỏ. Hải không biết, anh được tự do đi lại bèn mang máy ảnh chụp khắp nơi. Lạc vào một vùng đất rộng lớn trồng toàn cây thuốc phiện, anh giật mình:

- Đây chẳng phải đất nhà ông Biên sao?

Đến khi định quay ra thì lạc đường, anh bị dẫn vào rừng. Điện thoại trở thành vô dụng vì không có sóng. Nhưng trong rừng ríu rít tiếng chim, cây cối um tùm, hoa dại mọc đầy, động vật chạy nhảy lung tung, mùi âm ẩm nồng nồng vảng vất, rừng đậm một màu nguyên sinh. Chân anh mê mải lên lớp lá mục sâu vào rừng. Cảm giác thật tuyệt! Anh bắt đầu bấm máy. Hai con khỉ khì khui bắt chấy cho nhau. Một con ong lượn lờ quanh bông hoa nắp ấm không biết đó là nơi nguy hiểm cho mình... Anh kinh ngạc, căng mắt nhìn, hình như người rừng! Người rừng váy áo tả tơi. Hắn đang ngủ trên cái võng mắc ở hai chẽ cây, võng là dây rừng bện lại. Không bỏ lỡ cơ hội, anh bấm máy lia lịa. Đèn nháy liên tục khiến người rừng tỉnh giấc ngơ ngác nhìn. Sợ bị tấn công, Hải lùi một bước theo phản xạ ai ngờ giẫm phải con rắn, nó quay lại mổ cho một nhát vào chân, anh ngã, lại một con rắn khác đợp vào tay. Bỗng nghe một mùi hôi xộc lại, ngẩng lên thấy người rừng ngay cạnh.

- Tôi chưa làm gì tội đến anh nhé.

Người rừng cười he hé. Con gái? Hải trố mắt ra nhìn khuôn mặt lem nhem sau mớ tóc rối lòe xòe. Người rừng xé toạc một bên váy lấy dây rồi ngồi xuống cạnh anh buộc vào chỗ bị thương để ngăn nọc chạy.

- Cô là ai? Người rừng à? Trên đời này vẫn có người rừng?

Áo váy người rừng rách hở cả những vùng kín dù không cố ý nhìn nó vẫn đập vào mắt Hải. Người rừng cúi xuống hút máu độc cho anh, anh càng kinh ngạc. Xong xuôi, y cười:

- Được rồi đấy.

- À, cũng biết nói!

Người rừng ngẩng lên, hất tóc ra sau. Hải nhận thấy người này còn rất trẻ, dù nhem nhuốc bẩn thỉu vẫn không che nổi những nét đẹp trên khuôn mặt.

- Sao anh đến đây?

- Tôi bị lạc đường.

- Cái này là cái gì?

- Máy ảnh. Cô tên gì?

- Dạ.

- Sao lại sống trong này?

- Họ bảo tôi bị hủi bắt sống trong này, ra ngoài họ đập chết.

- Bao lâu rồi?

- Hai năm.

- Hai năm mà vẫn lành lặn thì bị hủi làm sao?

- Tôi có bị hủi đâu!

Trời tối mịt Hải mới về, Dạ theo về, đi đến đâu mùi hôi bốc ra đến đấy. Tú bịt mũi suýt mửa ra nhà. Cả nhà lão Biên nhìn Dạ, Dạ vừa thấy Quý đã run bắn lên bấu lấy Hải không nói thành lời. Những trận đòn khủng khiếp đã biến Quý thành ma trong trí Dạ khiến cô vừa sợ vừa ghê tởm. Hải đã biết mọi chuyện, anh hiểu cô nghĩ gì lúc này bèn nói:

- Tôi lạc vào rừng bị rắn cắn, cô ấy đã cứu tôi.

- Nó bị hủi đấy- lão Biên vội nói.

- Bệnh hủi không dễ lây và cũng có thuốc chữa

- Không thể để nó ở nhà này! Quý nói.

- Tôi sẽ đưa cô ấy đi vào sáng mai- Hải nói.

- Chị không cho cô ta ngồi lên xe- Tú nói.

- Cô ấy đã cứu em đấy chị- Hải bênh vực.

- Chị không quan tâm.

- Chị không cho thì em về Hà Nội luôn đêm nay.

Trước thái độ dứt khoát của Hải, Tú miễn cưỡng chấp thuận. Cả nhà lão Biên buộc phải đồng ý cho Dạ ở lại vì sợ phật lòng mối làm ăn lớn. Dạ được tắm rửa sạch sẽ, thay váy áo mới, đỡ hôi hám hơn. Tú nhận ra đây là cô con dâu nhà lão Biên mấy lần chị ta thấy. Nhìn Dạ từ đầu đến chân, chị ta suy tính, nhếch mép, gật gù. Đêm ấy Dạ trốn về nhà một loáng rồi đi . Cô không thể ở lại làng vì căn bệnh hủi Quý bịa ra gán cho vợ.

Ngồi sau xe, từ người Dạ vẫn toả ra một mùi hôi lờm lợm phảng phất đều đều, Hải quay đi bịt mũi, anh hạ kính xe cho gió lùa vào. Dạ chẳng biết mình hôi, cô thích cách ăn mặc của những người thành phố, sạch sẽ và thơm tho, cô hít hà mùi nước hoa phảng phất một cách khoái trá rồi ngủ thiếp đi. Không cần biết họ sẽ đưa đi đâu, cô chỉ sung sướng một điều rằng từ nay không phải ở trong rừng nữa. Ngày Quý lu loa với cả làng rằng vợ mình bị hủi để có cớ đuổi vào rừng cô đã hoàn toàn tuyệt vọng. Sống ở rừng một thời gian vĩnh biệt những trận đòn thập tử nhất sinh cô cảm thấy thoải mái hơn. Suốt những năm ấy chỉ có Thuần lui tới, nhờ cơm sắn của em trai mà Dạ sống tới giờ. Cô mơ, trong giấc mơ là cả gia đình ngồi quây quần với nhau được ăn một bữa cơm no nê với thịt mỡ luộc trắng phầu phầu chấm mắm, mỡ bóng nhoáng trên môi tất cả mọi người, ai cũng cười sung sướng.

- Dậy nào!

Một đứa đàn em của Tú phát mạnh vào mông Dạ khiến cô choàng tỉnh, lóng ngóng chui ra khỏi xe. Trước mắt cô cảnh đẹp đến mê người, nhà lạ quá, cao quá mà chẳng phải bằng gỗ và lá cọ, Dạ không biết đó là khách sạn năm sao của thành phố. Tất cả mọi thứ đều lạ lẫm, bất cứ gì cô cũng sờ vào một chút, cũng hỏi cho thoả chí tò mò. Vừa định leo lên giường nệm trắng tinh thì Tú quát:

- Cấm mày trèo lên giường! Con dân tộc kia, ngủ dưới đất ấy.

Nhưng khi Tú vừa đi tắm thì Dạ leo lên luôn, đã bao giờ Dạ được nằm ở một cái giường êm ái như vậy đâu, cô thích thú tiếp tục giấc ngủ dở trên xe. Hải vào, anh đánh thức cô dậy, đợi cho chị gái tắm xong, anh kéo Dạ vào nhà vệ sinh hướng dẫn cách dùng mấy thứ, dặn cô phải tắm kĩ bằng sữa tắm và gội đầu nhiều lượt, anh mượn chiếc áo của chị cho Dạ mặc. Đợi Hải đi, Tú cầm điện thoại gọi cho đàn em. Chỉ vài tiếng sau có một người đàn bà chừng ngoài năm mươi tuổi, phấn son sặc sỡ đến. Họ đóng kín cửa, Tú hất hàm về phía Dạ hỏi người đàn bà:

- Được chứ?

Người đàn bà nhìn kĩ Dạ, Dạ trân mắt.

- Bao nhiêu?

- Bà chị trả bao nhiêu?

- Ba triệu.

- Bèo quá!

- Nửa triệu nữa.

- Năm triệu!

- Sao?

- Hái ra bạc đấy, kém một đồng không bán.

Dạ hiểu rồi. Vậy là Tú muốn bán cô cho người đàn bà kia.

- Tôi không phải là con gà con lợn!

Đàn em Tú dí dao vào cổ họng Dạ:

- Câm! Muốn chết à?

Dạ im tịt luôn. Tiền trao, cháo múc, hai tên đàn em của Tú áp sát Dạ ra ngoài vừa đi vừa lầm bầm dọa giết. Dạ xanh mắt. Vừa ra khỏi cửa chợt thấy Hải cũng đóng cửa định đi đâu. Cô điên tiết vùng ra chửi:

- Đồ độc ác! Anh không giữ lời hứa! Anh bảo đưa tôi ra khỏi rừng rồi kiếm việc cho tôi thế mà giờ để chị anh bán tôi à?

Hải sững cả người nhìn chị gái. Tú vừa chối bỏ lời Dạ, vừa giải thích với em trai lại vừa tát Dạ tới tấp. Nhưng Dạ không yếu đuối, cô tát trả mạnh không kém. Đàn em Tú lôi Dạ vào phòng, mọi người cũng dồn vào đóng chặt cửa lại. Hải nhìn chị gái như một vật thể lạ, cái nhìn ấy khiến Tú sởn gai ốc. Chị ta mềm mỏng thanh minh làm như tội lắm. Dạ điên người vùng ra khỏi hai tên đàn em của Tú chộp lấy cái túi xách dúi cho Hải:

- Tôi nhìn thấy chị ta để tiền trong này.

Tú giật lại túi không được. Hải nhanh chóng mở túi, một chục tờ năm trăm ngàn mới cứng nằm gọn trong ví, anh tái mặt giơ lên trước cái mặt bàng hoàng của Tú rồi ném cả xuống nền nhà.

- Chị có còn là con người nữa không?

Hải kéo Dạ đi, rồi đặt hai vé máy bay về Hà Nội ngay sáng hôm sau.

***

Nhà Hải là một ngôi nhà ba tầng trên đường Hoàng Quốc Việt, rộng thênh thang nhưng chỉ có anh và cô gái giúp việc tên Thảo ở. Dạ quen việc, Thảo dồn mọi thứ cho cô làm còn mình ngồi chơi xơi nước để mỗi tháng nhận ít nhất năm trăm ngàn. Thảo đành hanh quát nạt Dạ, Dạ nói:

- Tôi không gây sự với chị, chị chớ có chửi tôi!

Thảo nổi cơn tam bành sắn tay áo chống nạnh chửi Dạ sa sả, Dạ tức mình đè Thảo ra nện cho một trận tơi bời. Đợi Hải đi làm về, Thảo khóc lóc nhõng nhẽo kể tội. Dạ nói:

- Tôi không thích ai tự dưng chửi tôi, nếu chửi nữa thì lần sau tôi còn đánh đau hơn.

Điều khiến Dạ ngạc nhiên là chỉ quen Dạ có mấy ngày nhưng Hải luôn tỏ ra tin tưởng những gì cô nói. Điều đó làm Thảo giận chủ ra mặt. Đêm ấy Thảo không về phòng ngủ, Dạ ân hận định bụng xin lỗi thì thấy Thảo và Hải đang ôm hôn nhau trong phòng khách. Lát sau hai người dìu nhau vào phòng Hải, nhìn qua khe cửa, Dạ thấy họ ân ái trên giường. Hình ảnh những lần đụng độ xác thịt ngày trước khiến cô rùng mình. Rồi sau đó, hễ đêm nào Hải ngủ ở nhà là chỉ có mình Dạ một giường. Đêm nào Hải đưa gái giang hồ về thì Thảo nằm hậm hực. Mỗi sáng dọn phòng Hải, Dạ lại nhặt được một cái bao cao su nhầy nhụa mà cô không hiểu nó dùng làm gì.

Được một thời gian, Dạ muốn Hải xin việc cho mình. Hải không ngần ngại đưa cho cô hai triệu bảo cầm tạm. Dạ sững người, trước nay chưa bao giờ cô được nhìn thấy một món tiền lớn như thế. Nhưng cô không cho phép mình cầm số tiền này.

- Cô cứu tôi, chừng này thấm vào đâu?

- Nhưng chỗ tôi không có chuyện cứu người rồi lấy tiền.

Dạ nhất quyết không cầm. Hải đành đút tiền vào ví. Anh bảo Dạ cứ giúp việc nhà cho anh rồi anh trả lương, sau này xem có việc nào khá hơn sẽ cho cô làm. Hải là chủ của hai tiệm vàng bạc đá quý, ngoài ra còn có ba hiệu giặt là nữa. Anh cân nhắc thấy chẳng có việc nào hợp với Dạ bèn hỏi một người bạn xem có học may được không. Khốn nỗi Dạ không biết chữ vậy là lại phải trả lương cho Thảo để Thảo dạy học cho. Một năm trời Dạ biết đọc biết tính toán rồi đi học may. Sáng đi học việc, chiều về làm việc nhà. Thỉnh thoảng Hải đến đón đưa đi chơi đâu đó cho quen đường, những lúc đến như thế hình như anh có chuyện không vui. Nhiều lần đi qua những đoạn có cây, lá che ánh đèn tạo nên những vùng tối dưới đường. Cạnh gốc cây, gái ăn sương đứng đầy. Lần nào dừng lại Hải cũng vời một cô và nói gọn lỏn:

- Mười giờ, số nhà X, Hoàng Quốc Việt.

Rồi phóng đi luôn. Dạ không thích, cô hỏi:

- Sao anh không lấy vợ đi?

- Để làm gì?

- Sống với một người chẳng tốt hơn sống với nhiều người à?

- Hơn ở chỗ nào?

- Anh sống như vậy chẳng chăm sóc được ai mà cũng chẳng có ai chăm sóc anh cả. Nhà tôi nghèo nhưng bố mẹ tôi chăm nhau tốt lắm. Tôi đã ước ao lấy được một người tốt như bố, không ngờ lấy phải anh Quý, nhưng tôi tin rằng sau này sẽ tìm được một người chồng tốt hơn anh ta.

Dạ vẫn còn lạc quan nghĩ đến một gia đình hạnh phúc mặc dầu cái khổ của cô gấp vạn lần cái khổ của anh. Sau khi người yêu chết, Hải như tuyệt vọng, anh lao vào làm ăn buôn bán để quên đi nỗi đau, đàn bà đến với anh chỉ là thoả mãn nhu cầu xác thịt, không ai trụ được trong lòng anh và cũng không có ai lấp đầy được khoảng trống trong tim anh. Cách sống của Dạ khiến anh phải suy nghĩ lại. Dạ tăm tối nghèo khổ nhưng Dạ không hề mộng mị như anh. Bố mẹ giục lấy vợ, anh không chịu. Những cô gái anh chị Hải giới thiệu không phải là xấu người xấu nết nhưng chưa có ai thay thế được vị trí người yêu trong lòng nên anh lắc đầu hết thảy, dần dà rồi bỏ luôn ý định lấy vợ và cảm thấy cuộc sống cứ mặc kệ nó có lẽ tốt hơn.

Dạ đã máy may thành thạo. Có kẻ thấy cô hay nói hay cười lại xinh đẹp dễ thương thì muốn bắt quen, có kẻ thích đùa ghẹo bị cô nói cho bẽ mặt, cũng có kẻ dê quá nhân khi cô lúi húi đo áo bẹo vào mông cô, cô quay lại đấm luôn. Lúc đấm lưng cho Hải, cô đem chuyện kể anh nghe, anh cười:

- Cô ghê ghớm ra phết, tưởng lơ ngơ không ngờ chả ai bắt nạt được. Nhớ lại trước đây cô dám tát chị Tú một cách hùng hồn mà phục. Ghê ghớm vậy ai thèm lấy?

-Khối người để ý tôi đấy.

- Ai thế?

- Như anh Sơn thợ điện chả nhờ bà chủ làm mối còn gì. Rồi ông Bình lấy cớ đến may quần áo cứ lân la nói chuyện với tôi, nhiều tiền may quần áo thế không biết, ngày nào cũng gọi điện nói chuyện làm tôi sợ bà chủ chết khiếp, mà toàn hỏi thăm sức khoẻ thôi. Tôi thấy quý ông Bình hơn, ông ấy đứng đắn lắm. Chủ nhật này cho tôi đi chơi nhé.

- Tuỳ cô.

Ngày chủ nhật, ông Bình đến đón Dạ từ sớm. Đứng trên ban công, Thảo bĩu môi: "Gớm! Cái loại dân tộc cũng học đòi! Rồi có ngày nó lừa cho chết thôi con ạ". Dạ đi cả ngày, Hải cũng tối mới về. Mệt mỏi, anh vào giường nằm đợi Dạ về đấm lưng cho mình. Ngày xưa lấy Quý, những việc xoa bóp bấm huyệt Dạ bị buộc phải học để phục vụ chồng, làm nhiều thành thạo. Giờ Dạ phục vụ Hải, Thảo không biết những việc ấy. Mãi chín giờ ông Bình mới đưa Dạ về. Dạ có vẻ rất vui. Thảo tròn mắt nhìn Dạ. Dạ đẹp quá! Thảo ngơ ngác mất một lúc nhưng rồi lòng đố kỵ nổi lên, cô mỉa:

- Cho người ta cái gì mà người ta bao kinh thế?

- Chị vừa thôi nhé.

- Anh Hải đang chờ, lên mà đấm lưng cho anh ấy.

Dạ định thay đồ rồi lên nhưng Thảo vốn đáo để, thường ngày Hải vẫn hay khen Dạ tốt đẹp nhưng hôm nay đi với đàn ông cả ngày lại thay đổi hình thức đột ngột, Thảo chắc Dạ đã dùng thể xác để đánh đổi, Thảo muốn Hải nhìn thấy bộ mặt thật của Dạ nên giật cái áo trên tay Dạ xuống:

- Đi luôn đi kẻo anh ấy trừ lương.

Dạ sợ nhất là bị trừ lương vội đi ngay. Hải vẫn nhắm mắt. Dạ ngồi xuống cạnh đấm lưng cho anh. Đi chơi có khác, dùng nước hoa cơ đấy, nghe mùi cũng sang trọng. Hải tủm tỉm, ra cô nàng cũng biết làm đẹp.

- Đi những đâu thế?

- Nhiều lắm. Đi ép tóc này, trang điểm này, đi mua quần áo, đi dự tiệc nữa. Bạn ông Bình sang lắm nhé.

Hải vừa nghe, anh choàng mở mắt nhìn Dạ. Dạ như được lột xác, từ mái tóc ép thẳng, khuôn mặt trang điểm rất kỹ càng mà không loè loẹt đến bộ váy hồng cánh sen đắt tiền khiến Hải ngỡ ngàng.

- Ông Bình đó thay đổi cô đấy à?

Dạ tủm tỉm cười. Hải khẽ thở dài, một cảm giác không vui lẩn quẩn. Dạo này Dạ hay cười tủm, hễ đi làm là lại soi gương. Ông Bình ngày nào cũng đưa đi đón về. Có khi Dạ bị ốm, ông cuống cuồng mua thuốc đến thăm. Dạ đã yêu ông rồi. Dạ biết ông có vợ, nhưng hề gì, Quý cũng ba vợ có sao đâu? Thảo không ưa, cay nghiệt:

- Mê gì lão già đó? Mê tiền đúng hơn, không khéo ít nữa vợ lão cho lọ axít thì đi đời nhà ma.

Một thời gian sau Dạ nằm vật ở giường khóc cả ngày. Dạ thất tình, ông Bình nói chỉ coi Dạ như con gái vì không có con. Thảo cười:

- Đàn ông là thế đấy, chúng xem đàn bà như đồ chơi, chơi xong rồi thì vứt.

Dạ khóc nhiều, đêm trùm chăn khóc đến nỗi Thảo tức quá mò sang với Hải:

- Dạ nó khóc i ỉ làm em chả ngủ được, chiều em đi nào.

Thảo thọc tay xuống giữa hai đùi Hải bóp nhẹ, Hải gạt ra rồi đến xem Dạ thế nào. Hai mắt Dạ sưng húp, nước mũi lòng thòng, cái gối ướt đẫm. Hải không khuyên nhủ được gì bèn về ngủ, dù bận tối mắt tối mũi anh cũng đưa Dạ đi chơi cho đỡ buồn. Ông Bình vẫn quan tâm thường xuyên nhưng điều quan trọng là Dạ đã hiểu ra và cố thôi vương vấn. Đến lúc lòng đã thanh, cô chỉ thấy mình ngốc nghếch. Hải liên tục hỏi cô có muốn làm vợ anh không, cô cho là anh đùa.

- Tôi đã bảo là không hợp với anh rồi, tôi muốn lấy một người tử tế. Anh có bao giờ nhớ ai đã từng làm vợ anh đâu, anh đã nhiều lần lừa dối bố mẹ anh, anh cũng đã bảo anh không thích lấy vợ. Một người như anh làm sao tôi có thể tin tưởng để làm vợ anh được?

Hải chưa bao giờ nghĩ rằng cách sống của anh lại để lại trong đầu Dạ một dấu ấn tồi đậm nét đến vậy. Anh vẫn thường đề cao mình, coi đàn bà không là gì cả. Người ta thấy anh giàu có ga lăng nên ngưỡng mộ anh anh lại tưởng giá trị mình cao lắm. Giờ mới giật mình nhìn lại, trong lòng anh có cái gì đó như là đổ vỡ. Dạ đã từng làm vợ trong nỗi khổ nhục nên cô biết trân trọng, biết kiếm tìm một gia đình hạnh phúc thực sự chứ không phải chỉ có tiền. Hải hiểu vì sao Dạ đã vô cùng đau khổ khi yêu phải một người tử tế mà không lấy được như ông Bình mặc dù tuổi ông đã lớn. Hải buồn, anh thấy ân hận về quãng thời gian sống buông thả. Trái tim vốn nguội lạnh giờ mới tiếp tục ấm lên đã lại vội đau. Tuy nhiên khi người ta ý thức được việc mình làm người ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Hải bỏ dần thú vui xác thịt. Anh lại lao đầu vào công việc như ngày xưa để quên đi mọi thứ.

Xa làng ba năm, Dạ đau đáu ba năm trời. Hải lưỡng lự sợ Dạ không quay lại nhưng cuối cùng anh cũng phải để cô đi. Dạ biết mình nợ Hải nhiều thứ, những nợ nần ấy Dạ để trong lòng chứ không nói được thành lời. Anh đưa cô ra bến xe và cô biết tròng mắt anh ngấn nước.

Dạ về làng, ai cũng trố mắt ra nhìn, Dạ thay đổi nhiều quá, đẹp hơn và không quê cục. Lũ trai làng hằm hè nhau suốt ngày. Dạ bảo mình đã chữa khỏi bệnh hủi, mọi người không tin không được. Số tiền Dạ mang về thừa cho cả nhà trang trải nợ nần và mua những thứ cần thiết. Tin Dạ về làng như quạ thành công đến tai Quý, hắn mò đến xem lập tức tuyên bố:

- Mày đã là vợ tao thì mau về nhà tao!

Dạ không về, Quý lôi một đống người sang sinh sự. Dạ biết mình không thể đấu gì với cái hạng cùn như hắn bèn nói:

- Tôi xa nhà bao nhiêu năm trời về nhà mới được vài ngày, anh cho tôi ở cùng người thân cho đỡ nhớ rồi mai ngày kia tôi sắp quần áo theo anh về nhà.

Quý chấp thuận. Ngay đêm ấy, Dạ bỏ trốn, trốn được một lúc thì bị phát hiện. Dạ chạy như ma đuổi rơi hết cả đồ. Chạy ra đường cái gặp chiếc xe máy ngang qua cho ngồi nhờ. Tưởng thế là thoát, không ngờ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Đi được một đoạn khá dài, tên lái xe dừng lại lôi tuột Dạ vào trong bụi rậm bịt miệng giở trò cưỡng hiếp. Dạ phản kháng dữ dội bao nhiêu thì bị đánh đau bấy nhiêu. Hắn hùng hục xé toạc quần áo Dạ cởi truồng ngồi vào giữa hai đùi cô, thọc mạnh. Dạ chết đứ người, mềm ra như bún. Dạ nghĩ đến Hải, giá như có anh ở đây anh sẽ đập chết tên đốn mạt kia. Dạ nhận thấy làm tình bao giờ cũng nhục, cũng đau và ghê tởm, từ Kha, đến Quý, và giờ thì thằng này. Dạ căm thù cái giống của đàn ông, Dạ muốn xẻo, muốn bẻ nát! Một ý nghĩ loé lên. Dạ đáp lại hắn, hắn cười khùng khục:

- Mẹ mày! Khoẻ đấy.Trâu bò thế.

Dạ vật hắn xuống, Dạ ngồi lên bụng hắn mà thúc. Trong cơn hứng tình, hắn mặc kệ cho bàn tay Dạ xoa bóp trượt dần từ ngực xuống bụng, rồi dưới bụng hắn, lần xuống đám lông rậm. Dạ lôi "nó" ra khỏi người mình một cách nhanh chóng. Nhát bẻ thứ nhất gập ngược về phía bụng. Nhát bẻ thứ hai gẫy ngang lưng bật lên một tiếng "cục" khô khan. Thao tác chỉ trong tích tắc, hắn lịm luôn. Dạ cay tức dùng hết sức đấm cho "nó" một nhát thật mạnh nữa. Nước mắt ròng ròng, cô luống cuống mặc quần áo rồi bỏ chạy thục mạng với nỗi nhục nhã ê chề. Cô bắt xe khách, chỉ còn vài chục bạc, họ cho cô đi đến hai phần ba quãng đường rồi đuổi xuống. Đi bộ gần đến nhà thì ngất giữa đường. Tỉnh lại đã thấy có một người đàn bà nhìn mình chằm chặp. Người đàn bà ăn mặc hở hang, mặt trát đầy son phấn nhưng đôi mắt chất chứa ưu phiền, hình như vừa khóc. Bát cháo đã gần nguội, Dạ ăn một cách ngon lành. Người đàn bà cứ nhìn cô, cô đâm ra lo lo.

- Cô ở đâu?

- Cháu ở Hoàng Quốc Việt.

- Thế à? Vậy không phải rồi.

Có một nỗi thất vọng trong lời nói của người đàn bà, chị ta đặt cái gương xuống. Dạ đòi về, chị ta đưa cho cô mấy ngàn đi xe ôm. Cửa nhà Hải khoá chặt, bấm chuông không ai mở. Mãi nửa đêm Hải mới đi làm về, cô mừng quá đỗi chỉ biết sà vào lòng anh mà khóc. Nhìn bộ dạng của cô, anh thương đứt ruột.

- Chị Thảo đâu?

- Cô ta đi rồi.

Đàn bà đến với Hải rồi đi tựa gió thoảng. Người đầu tiên bỏ anh là người yêu, bỏ để về một thế giới khác và không còn gặp lại được nữa. Sau người yêu là những cô gái bán dâm không bao giờ nhớ mặt khách và cũng chẳng có ai đọng lại chút gì trong anh. Những cuộc bán mua thường xuyên và lâu dài nhất là với Thảo, Thảo có gì khác với những người con gái kia! Thảo đi không lý do, Hải không thắc mắc, mà việc cô trộm bao nhiêu thứ quý giá mang đi anh cũng coi như một sự trả nợ. Anh nghĩ về Dạ, rồi Dạ cũng sẽ bỏ đi như bao nhiêu người con gái khác mà thôi. Anh buông một tiếng thở dài.

-Mười tám năm trước, người nhà ông Biên đánh tiếng với mẹ rằng muốn kiếm việc làm thì đến. Mẹ đã đến. Ở nhà ông ta có một người con gái ăn mặc sang trọng, nói năng rất ngọt bảo rằng đi với chị ta về xuôi, học thêu thùa mỗi tháng cũng kiếm được năm trăm ngàn cơm nuôi. Lúc ấy nghèo quẫn quá chỉ nghĩ đến tiền. Không ngờ bị bán vào nhà chứa, trốn đi chẳng được. Khi hết sắc, chúng đẩy mẹ ra đường. Mẹ về nhà lúc giữa đêm thấy bố con đã lấy vợ, đành bỏ đi. Cuối cùng mẹ thuê nhà, đêm nào cũng ra gốc cây đón khách.

Thì ra trái đất vẫn quá tròn. Người đàn bà cứu Dạ là Nhạn. Hôm đó Nhạn đã ngờ ngợ, đã lấy gương soi nhưng không dám nhận. Mãi khi Hải đưa Dạ đến hậu tạ, nhìn hai mẹ con giống nhau quá anh thốt lên thì Nhạn không nghi ngờ gì nữa. Mẹ con gặp nhau trong nước mắt. Cuộc đời hình như có vẻ sáng hơn. Mấy lần tự cai rồi nghiện lại, lần này Nhạn quyết tâm cho bằng được. Người quan tâm tới mẹ con Dạ lúc này nhất là Hải. Những ngày mẹ Dạ vật vã trong trại cai, Hải thường xuyên lui tới hỏi han. Sáu tháng trời Nhạn bình phục, chị về ở tạm nhà Hải lo cơm nước để Dạ có thời gian làm cả ngày ở hiệu may. Có lần Hải giở album gia đình ra xem quên không cất, Nhạn dọn phòng bắt gặp. Tối hôm ấy lập tức bắt Dạ thu dọn đồ đạc ra khỏi nhà này. Khi Hải biết thì đã muộn. Dạ đã đi như những người khác. Anh không thắc mắc nhưng hai giọt nước mắt bắt đầu nhỏ xuống. Mấy hôm sau thấy Dạ chờ ngoài cổng, Hải tỏ ra bình thản như không.

- Em xin lỗi vì đi mà không nói.

- Thì trước nay có ai đi lại trình bày lý do với tôi đâu.

- Nhưng mẹ em bắt phải đi.

- Chứ không phải em cũng muốn đi à?

- Sao anh không tin em thế? Em đã trốn mẹ về đây.

- Làm sao tôi có thể tin được? Nhà tôi em muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, tôi có cản được em đâu.

- Vậy thì em đi cho anh vui.

Hoàn toàn sợ mất Dạ, Hải vội kéo cô lại ôm chặt trong lòng. Dạ khóc nức nở:

- Em không biết vì sao mẹ bắt đi nhưng em không muốn xa anh chút nào.

Dạ đã lĩnh một cái tát cháy mặt của mẹ khi nói rằng sẽ đồng ý làm vợ Hải:

- Mày lấy nó thì tao từ luôn. Chính chị gái nó đã bán mẹ cho nhà chứa đấy! Mặt con mụ đó đến chết mẹ cũng không quên, hôm đó xem ảnh trong phòng thằng Hải mẹ mới biết.

Dạ chết đứng cả người. Hải cũng hết sức bàng hoàng, anh bổ luôn đến nhà Tú, Tú chối đây đẩy. Hải nghĩ đến việc chị gái mỗi tháng lên nhà lão Biên một lần mặc dầu chả ai trong nhà anh quen biết lão ta cả. Hải nghĩ đến vườn anh túc rộng lớn ở nhà lão Biên. Hải nghĩ đến lần đi Hạ Long mà chị gái đã định bán Dạ cho một người đàn bà trên đó. Bao nhiêu năm trời mà không bị ai phát hiện ư? Hải bàng quan quá, anh chỉ nghĩ đến công việc của mình và cho qua mọi thứ. Giờ nổi da gà. Nhưng đời thủa nhà ai em lại đi vạch tội chị bao giờ! Anh nghĩ đến lời đay nghiến của Dạ: "Chị anh bán mẹ tôi vào nhà chứa, anh thì hết ngủ với người này lại ngủ với người khác, biết đâu trong đó có mẹ tôi? Tôi căm thù chị em anh!". Đầu hải như muốn nổ tung ra, bao nhiêu lần anh định nhấc máy báo công an rồi đặt xuống. Hôm sau sang nhà Tú thấy công an đến khám tìm được mấy bánh hêrôin to tướng dưới viên gạch nền. Tú đã chạy thoát. Chính Dạ là người gọi điện tố cáo. Với số hêrôin đó, Tú có thể bị chung thân hoặc tử hình. Lại thêm việc buôn bán người nữa, để đâu hết tội! Lệnh truy nã dán khắp nơi. Tú trốn đằng nào? Không ai biết. Mẹ con Nhạn kiên quyết tránh mặt Hải. Nhạn biết con gái mình đã khóc rất nhiều.

Hôm nay thì Dạ không gặp, Hải cũng xộc vào nhà:

- Em đưa anh về quê em đi, anh nghĩ chị Tú đang ở chỗ ông Biên.

Dạ nhìn Hải, mắt long lanh. Cô cũng có em và thương em đứt ruột, nếu Thuần có tội chưa chắc cô đã dám báo công an thế mà Hải dám quyết định. Lần trước về quê Dạ, lâu rồi Hải không nhớ đường, anh chắc Tú đang ở đó. Dạ dẫn mọi người đi.

 

***

- Ông, con Dạ dẫn rất nhiều người đến, đang đậu ngoài cổng kia kìa.

Tú và lão Biên đứng trên nhà sàn nhòm ra. Cảnh sát lục tục kéo xuống xe, tay lăm lăm súng. Mặt Tú không còn giọt máu, lão Biên cuống cuồng. Ba kẻ bắc thang đi đằng chái nhà. Công an ập đến khiến những người còn sót lại sợ xanh mắt, có kẻ vãi đái ra quần, họ ú a ú ớ chỉ hướng lão Biên, Tú và Quý chạy. Công an đuổi theo, đó là hướng rừng rậm khi xưa Dạ đã phải ở hai năm trời. Trước cửa rừng, chỉ có mình Dạ khựng lại.

- Chị ơi!

- Thuần, sao em đến?

- Em nghe mọi người nói chị về nên vội đi tìm.

Nhạn chạy tới, mẹ con gặp nhau nước mắt lã chã rơi. Thuần vừa nghe tin lão Biên và Tú bán mẹ mình lập tức lao vào rừng xung phong dẫn đầu. Mắt anh như hai hòn lửa. Dạ bảo mẹ về tìm nhà bố trước đi rồi cũng chạy theo vào rừng, cô muốn tìm Hải.

- Họ kìa!

Thuần hô to rồi phóng thật nhanh về phía ba kẻ chạy trốn. Anh muốn bóp cổ Tú và lão Biên cho chết đi rồi. Tú thót tim cuống cuồng nổ súng. Thuần ngã quỵ, đùi phọt máu ròng ròng. Công an dàn chỗ nấp. Lão Biên túm lấy Thuần lôi vào gốc cây làm bia đỡ đạn. Công an ra sức khuyên. Hải hét lên:

- Chị Tú, đầu hàng đi.

Hải gục xuống, bả vai bị đạn xuyên qua. Tú chĩa súng vào trán ông Biên:

- Ai cho ông bắn thằng Hải?

- Nó có tội cô còn thương nó à? Đằng nào thì cũng chết, cứ bắn được đứa nào hay đứa đấy.

Dạ vừa chạy đến định đỡ Hải dậy thì Quý nổ súng. Từ ngực Dạ, máu chảy ra ướt áo. Chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt Hải hoảng hốt vì mình, trời đất tối đen lại, Dạ nhắm mắt lịm luôn.

- Chị ơi!

Thuần hất tung mình ra khỏi ba kẻ kia để lao tới chỗ Dạ nằm. Công an thừa cơ bóp cò. Tú bị thương nặng ở cánh tay trái. Quý đã nhanh như cắt túm được áo Thuần kéo lại ghè súng vào đầu anh khiến máu chảy ròng ròng. Công an vẫn khuyên nhưng chẳng ai dám áp sát hơn. Thuần sợ chết như bao nhiêu con người bình thường khác. Nhưng nỗi tức giận vì Tú bán mẹ anh, vì đồng phạm của Tú bắn chị gái anh, anh không kiềm chế được nữa quay lại bóp cổ Tú. Nhốn nháo trong đám bốn người. Pằng! Súng hai bên nổ liên tục. Ông Biên gục ngay tại trận. Công an có người bị thương. Quý đập mạnh súng vào đầu Thuần, anh choáng váng thực sự. Hải buông Dạ ra lết về phía họ, lúc này Tú sợ em trai hơn là sợ công an:

- Mày dừng lại nhanh không tao bắn!

- Chị Tú, đầu hàng đi.

- Đầu hàng cũng chết, không đầu hàng cũng chết, hôm nay tao phải giết mấy đứa làm ma cùng.

Tú nổ súng vào công an, Quý cũng nổ theo. Quý bắt đầu lên cơn nghiện bắn phá điên cuồng. Công an chỉ dám tránh đạn đằng sau những gốc cây lớn. Nhìn Hải ngứa mắt quá, Quý muốn nổ súng. Biết Tú không để ý mình, chẳng còn gì để mất, hắn chĩa súng về phía Hải. Thuần chợt thấy, anh gượng hết sức vít tay Quý xuống, giằng co. Công an thừa thế bắn. Tú quằn mình trong vũng máu. Hải sững người, ngơ ngác không nói được câu nào. Pằng! Quý bóp cò trong khi vật lộn, viên đạn xuyên ngược cằm, hắn gục luôn trên người Thuần, máu lòng tòng rỏ xuống mặt anh tanh nồng mằn mặn. Anh hất hắn xuống vội lết đến chỗ Dạ nằm. Hải cũng bò đến chỗ chị gái. Phía sau Thuần, Tú vẫn tỉnh, chỉ còn chút sức tàn, chị ta gượng dậy hướng nòng súng vào lưng Thuần. Lại một tiếng pằng đanh chát vang lên. Trong người Tú còn bao nhiêu máu đều phụt ra đằng ngực, chị ta lịm hẳn trên lớp lá mục. Khói run run bay lên từ súng trong tay Hải, anh quỵ xuống, thẫn thờ.

Gió động những cành cây, chiếc lá vàng rụng xuống, lác đác vài chiếc lá xanh thả mình chao đảo, những chiếc còn lại đung đưa. Lại một trận gió ào qua cuộc đời ngắn ngủi của lá khiến chiếc ở chiếc đi. Lá nào chẳng bị gió khua mấy lần. Dạ từ từ mở mắt, đằng sau những kẽ lá đang quay cuồng, cô nhìn thấy một nền trời rất xanh.

Ngô Ngọc Trang

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 29815)
Anh, anh… chưa nói yêu em, sao anh đã... tụt quần em ra?" Câu hỏi của An rơi vào vùng không khí đặc quánh giữa hai người. Câu hỏi treo lơ lửng trên ngực nàng, câu hỏi nằm nghiêng ngả trên mặt anh. Anh khựng lại, xìu xuống như chiếc bóng xì hơi.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 95702)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 35279)
Chẳng ngờ khi tôi đến bên kia đồi, khung cảnh hiện ra như một vùng không gian huyền hoặc của chuyện cổ tích thơ mộng.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 121306)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 28824)
Hắn gầm gừ như con cọp đói vờn con mồi nhỏ bé trước khi ăn tươi nuốt sống nó. Những âm thanh lí nhí, khùng khục thoát ra từ cổ họng hắn làm tôi hoảng sợ. Đôi chân tôi run lên bần bật, những ngón chân vội xòe ra bám chặt xuống mặt đất. Tôi dáo dác nhìn quanh, mong tìm một lối thoát thân.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 33945)
Tôi là dân thợ mộc, quanh năm xách cưa đục đi kiếm ăn thiên hạ, thỉnh thoảng mới về làng, mỗi lần về lại được nghe một chuyện về Doãng, thật có mà người ta thêu dệt thành giai thoại cũng có, cứ rối tung rối mù chẳng biết đâu mà lần.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 107638)
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 32206)
Thời Pháp thuộc Liên Bang Đông Dương, cha tôi là công chức ngân khố làm việc ở Nam Vang, thủ đô Cao Miên.Tuy làm việc cho Pháp,ông có cảm tình với Việt Minh.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 39742)
Ở trang bià hồ sơ nhập viện, người ta ghi chú: Ty, Le Van. 48 tuổi. Phái tính: Nam. Gia cảnh: Độc thân. Địa chỉ nơi cư trú. Số điện thoại nhà và ở sở làm…
28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 28721)
Đó là lần đầu tiên cô đến Adelaide. Những tòa biệt thự trang nhã thấp thoáng sau vườn hoa hồng và cây cảnh xinh xắn như trong tranh vẽ. Thành phố nhỏ nhắn, êm đềm nép mình bên những triền đồi xanh lam và bờ biển trải dài bát ngát đến ngút tầm mắt