- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tuệ Quân

03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 49462)

(Gởi Đào Mỹ Lệ)

 

w-tranmongtu-101_0_300x138_1Erik mất vào đúng đêm rằm tháng tám. Mấy ngày liền Tuệ Quân lái xe chạy đi chạy lại giữa nhà và bệnh viện bất kể ngày đêm. Xe lái trong đêm qua những đường trăng, ánh trăng vằng vặc chạy hối hả theo cô mà sao cô không nhận ra được là đêm đang sửa soạn vào rằm, có lạ không? Tuệ Quân không nhận ra được sự có mặt của trăng nữa, cô đã lái xe đi trong những vũng tối, những vũng tối ngay cả giữa ban ngày. Mặt trăng, mặt trời nhìn thấy cô, nhưng cô không thấy mặt trăng, mặt trời . Mãi đến sau khi Erik mất, Tuệ Quân xem lịch mới biết là Erik đã chết giữa đêm rằm.

Chao ôi! Tại sao Erik lại chết giữa đêm rằm? Anh tự chọn cho anh hay Trời xếp đặt cho anh? Tuệ Quân bỗng nhớ lại từ khi biết nhau, yêu nhau, cho đến khi Erik ngã bệnh, không có đêm rằm nào mà cô và Erik không theo dõi trăng, thưởng thức trăng, chỉ trừ khi trăng bị che khuất vào một đêm nhiều mây hay một đêm mưa vào những tháng Đông. Trong khu vườn sau của hai người có bộ bàn nhỏ với hai chiếc ghế kê ngay dưới một khóm trúc. Vào những đêm trăng, sau bữa ăn tối, họ thường ra sân uống trà và uống cả những giọt trăng rơi trên tóc, rơi trong mắt nhau. Tuệ Quân hay nói về những bức tranh vẽ bằng bồ hóng và nước (tranh thủy mạc) của gia đình cô ngày trước, những bức tranh có cành trúc vắt ngang một mặt trăng, những bức tranh đặc biệt Trung Hoa. Hai người thong thả uống trà quên đi một ngày vừa đi qua với những công việc và tiếng động, Tuệ Quân cất tiếng hát nho nhỏ bài hát về bông hoa mầu trắng, mầu đỏ của tuổi thơ, bài hát Erik thích nhất.

Trong vườn có bông hoa nhài nhỏ, cánh trắng mong manh, hãy hái cho em đi anh !

Trong vườn có bông hoa mầu đỏ, hãy hái cho em đi anh!Hãy hái cho em đi anh!

Trong thời gian bệnh, có những lúc Erik không muốn ra khỏi giường, Tuệ Quân thường nói;

-Để em gọi "room service" nghe.

Rồi cô mở toang hai cánh cửa sổ cho trăng tràn vào chăn gối của anh, cô pha trà mang tới, hai người nhâm nhi từng ngụm trà nhỏ, cô hát từng câu nho nhỏ của bài ca. Erik nửa nằm nửa ngồi, mơ màng nghe cô hát. Tuệ Quân giấu thật sâu những cảm xúc của mình trong lồng ngực, cô hát bằng giọng hát trầm bổng, nụ cười trên môi, ánh trăng trong mắt, cô vừa nhìn Erik vừa say sưa hát. Erik uống từng lời ca trên môi cô cùng với ánh trăng. Trong căn phòng nhỏ chỉ có mặt của hạnh phúc và trăng. Bệnh hoạn đứng thật xa ngoài khung cửa sổ, trong một khoảng tối tăm nào đó ở góc vườn.

Trong hai năm chống trả với bệnh ung thư, Erik cố sống thản nhiên với nó. Anh thay đổi cách ăn uống, uống thuốc và theo dõi bệnh cùng với bác sĩ, anh làm việc bán thời gian, anh tin là anh sẽ thoát. Nhưng sức khỏe càng ngày càng giảm, anh phải nghỉ hẳn.

Tuệ Quân vừa đi làm vừa săn sóc anh. Cô cũng giữ mình như một bông huệ trước mắt Erik. (không cho anh nhìn thấy cái héo hắt của mình)

Một buổi tối anh bỗng thấy khó thở, Tuệ Quân gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện, anh cũng chỉ nghĩ sau một hai ngày, anh sẽ lại về nhà ngay, anh vừa thở vừa nói với Tuệ Quân trong lúc được cáng vào xe cấp cứu:

-Nhớ đem vào cho anh cái quần dài để anh mặc khi về nghe. (lúc đó anh đang mặc quần cụt)

Nhưng anh không bao giờ trở về nhà nữa. Nước vào phổi và không rút ra được. Tuệ Quân đứng bất lực nhìn những chiếc ống luồn vào trong lồng ngực anh, nó không cứu được Erik nữa, hơi thở đang bay từ từ ra khỏi lồng ngực anh. Cái khung hình biểu đồ tim đặt ở đầu giường Erik với đường chỉ nhấp nhô lên xuống, hình như đang cố tình kéo căng thẳng ra. Trong cái thinh lặng của phút giây sinh tử, giữa những người thân của gia đình anh, Tuệ Quân bỗng cất tiếng hát.

Cô hát bằng tiếng Trung Hoa, tiếng mẹ đẻ của cô, những câu hát nằm trong tiềm thức của cô từ thời thơ dại bỗnglại nở bung ra như những bông hoa rơi từng cánh, từng cánh, xuống thân thể thoi thóp thở bằng máy của Erik.

Trong vườn có bông hoa nhài nhỏ, cánh trắng mong manh, hãy hái cho em đi anh !

Trong vườn có bông hoa mầu đỏ, hãy hái cho em đi anh!Hãy hái cho em đi anh!

Gia đình Mỹ của Erik đứng chung quanh im lặng, lắng nghe từng tiếng hát của Tuệ Quân rơi xuống theo những giòng lệ trên má cô, họ không hiểu ngôn ngữ của cô, nhưng họ hiểu đó là những cánh hoa cuối cùng Tuệ Quân có thể tặng cho Erik.

 

Erik nằm thở từng hơi rất nhẹ, rất nhẹ! Âm thanh êm ái đó dắt anh vào vườn hoa, những câu hát thân quen này Tuệ Quân vẫn hay hát cho anh nghe trong những khi hai người ngồi dưới ánh trăng, tiếng hát khe khẽ của Tuệ Quân thường làm rung cả ánh trăng đang chẩy trên mặt trên vai hai người. Erik nuốt vào thanh quản của mình những câu hát như những cánh hoa trăng đó, anh thả nó trôi bồng bềnh trong lồng ngực của mình, lồng ngực sũng nước của anh như một chiếc hồ nhỏ đang nhận từng cánh hoa trăng nhẹ nhàng rắc xuống. Erik thở hơi cuối cùng khi nhận cánh hoa cuối rơi xuống từ thanh quản Tuệ Quân. Cô phủ phục trên ngực Erik, nước mắt của cô tan ra, trút xuống như những cánh hoa trăng.

Những ngày sau này, Tuệ Quân vẫn không hiểu bằng một thúc đẩy nào mà cô lại có thể hát những câu hát tiếng Hoa giữa một gia đình Mỹ của Erik trong hoàn cảnh như thế? Tiếng hát tự nó bật lên, bài hát mà Erik thích nhất. Tuệ Quân nhớ lại, trước đây cô có hát cho anh nghe một vài bài tiếng Hoa khác, nhưng bài nào anh cũng lắc đầu, chỉ có bài hát bông hoa trắng, bông hoa đỏ của tuổi thơ này là anh khen hay mỗi khi cô cất tiếng hát trong vườn trăng. Có lẽ tại ánh trăng trộn lẫn vào tiếng hát làm cho nó hay hơn những câu hát khác, vì Tuệ Quân thỉnh thoảng cũng có hát bài này trong lúc đứng nấu ăn hay ngay cả lúc đi bộ với nhau, thì không thấy Erik khen chê gì cả.

Gia đình Erik lo mọi việc tang ma. Hai đứa con riêng mười bẩy và hai mươi tuổi của Erik ở xa được gọi về. Mười lăm năm gắn bó với nhau, trước sau gì Tuệ Quân vẫn chỉ là một người tình, cô lui về căn nhà nhỏ của hai người chờ những lời gọi. Họ đã hỏa táng Erik và Tuệ Quân không được gọi tới trong ngày đó. Không sao! Cô mất Erik bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng một nắm tàn tro. Với Tuệ Quân đời sống sẽ không còn như cũ nữa, cô như người bước hụt, hai chân đứng không vững. Tuệ Quân xin nghỉ việc dài hạn, không lương.

Cô thu xếp chăn, giường, quần áo của Erik cho đi hết. Nhưng sao, nhìn đâu cũng thấy anh còn hiện diện. Anh ở ngay trên mấy cuốn sách, ở cái ly nước uống, ở bộ đồ trà, ở cái ghế dưới chân giường hay ở cái ghế ngoài vườn. Tất cả những thứ đó làm sao mà xóa được dấu tích của hai người đã chạm tay vào, đã ngồi, đứng cùng nó trong bao nhiêu năm dài. Tuệ Quân phải đi gặp đến hai người cố vấn tâm thần. Họ lặng im nghe cô nói, cô thấy an ủi phần nào khi có người biết nghe nỗi đau của mình. Có hôm Tuệ Quân thấy cô thật bình tĩnh, nhìn xuống nỗi buồn như nhìn xuống hai bàn tay mình với sự chấp nhận, nhưng chỉ một, hai hôm sau thôi, cô lại khuỵu xuống tưởng như có ngàn thước đá đổ trên vai, và chôn lấp cô ngay trong căn bếp nhỏ của mình.

 

Một tháng sau ngày Erik mất, gia đình anh tổ chức một buổi tưởng niệm nhỏ cho anh trong một khu vườn Nhật ở Seattle. Tuệ Quân được mời tham dự.

Mùa thu vỗ về nỗi đau của người còn lại bằng một ngày nắng đẹp. Gia đình và bạn hữu của Erik khoảng hai mươi người, Tuệ Quân được mời đến như bạn, cô đem theo vợ chồng một người bạn thân của cô và Erik cho bớt chông chênh.

Giữa khung cảnh vườn thu với hồ nước trong vắt, cá Anh Vũ bơi lội, cỏ cây sắc đỏ chen với sắc vàng, trong một căn lều dùng làm nơi nghỉ chân cho người ngắm cảnh, mọi người tụ họp nhau lại, nhắc đến tên Erik, nhắc những kỷ niệm với anh. Những tiếng cười khẽ bật lên có pha tiếng nấc, tiếng khóc ấm ức của hai đứa nhỏ con anh, chúng đứng khóc trên vai mẹ chúng. Tiếng rơi của những chiếc lá vàng, tiếng quẫy đuôi của cá Anh Vũ, tiếng vỗ cánh của một con chim vừa bay ngang. Tuệ Quân yên lặng nghe tất cả những tiếng động đó, cô tập trung tư tưởng hình dung ra Erik đứng ở góc nào trong căn lều này? Chắc anh đang ôm hai đứa nhỏ, hay anh đang đứng sau lưng mấy người em, hay anh ngồi ngay trước mặt người mẹ già của mình. Tuệ Quân biết dù đứng ở đâu, chắc chắn anh cũng đang nhìn cô.

Bỗng dưng cô nghe thấy mình hát, bài hát có bông hoa trắng, bông hoa đỏ bằng tiếng Hoa lại rung lên trong thanh quản cô, cô chăm chú theo dõi tiếng hát. Tiếng hát rung lên như những cánh hoa trăng đang rắc xuống trong khu vườn tràn ngập nắng thu, rắc lên tóc, lên vai mọi người. Nhưng Tuệ Quân biết, lần này chỉ có mình Erik và cô thưởng thức bài hát trong thế giới vườn trăng của hai người.

Bất giác cô nhìn lại anh và mỉm cười.

 

 

Trần Mộng Tú

20 Tháng 10/ 2005

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32451)
Sau các chương tiểu thuyết Khi Phong Linh Vỡ đã công bố trên Hợp Lưu, Đặng Thơ Thơ trở lại với thể loại tự truyện và bút pháp cực cảm của mình. Mở Tương Lai ghi lại cái chết của vợ nhà văn Hoàng Đạo, bà ngoại của tác giả, và ghi lại câu chuyện của chính tác giả thuộc thế hệ thứ 3 của Tự Lực Văn Đoàn. "Ba mươi năm đủ để một đứa bé lớn lên, thành người, rồi chết đi mà không cần đến chiến tranh bom đạn..."
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 39584)
Tàu lắc lư chạy trong đêm. Hành khách ba miền của bao nhiêu âm ngữ đã đồng tiếng ngáy. Ngay sát mặt tôi, dưới gầm ghế là hai bàn chân giao chỉ với ngón cái xòe ra, dính đầy bùn đất của anh nông dân vừa lên tắt hai bao sắn qua cửa sổ. Trên ghế đối diện, thuộc về giai cấp khác, mấy ông cán bộ đi công tác với cặp táp, điếu cày đang ép nhau ngồi.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 135536)
Thạnh móc trong túi ra một miếng vải được buộc túm chặt bằng lạt tre, cẩn thận gỡ sợi lạt. Một dúm muối hột đen bẩn hiện ra. Thạnh trân trọng, nâng niu múc, vừa chẵn được hai thìa, đổ vào bát của Tường.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 43187)
Ban đầu chúng tôi nằm cạnh nhau. Tôi tựa đầu lên chiếc gối lam nhìn ra bầu trời phía Tây Bắc ngang vòm cửa sổ. Bầu trời đục mây, những đám mây xám di chuyển nhanh và gần qua chóp những cao ốc; những cao ốc dựng ngược, đâm thẳng lên trời, án ngữ gần hết diện tích cửa sổ phòng. Lấm tấm trên mặt diện tích ấy là những vệt sáng vừa thắp. Những chấm sáng hòa với một thứ màu dị hợm của hoàng hôn úa đọng lung linh lên màu hồng máu trên cánh cửa kính.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 40169)
LTS: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1938 tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn Khoa Huế, Luật Khoa Sàigòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực VNCH cho đến ngày giải ngũ vì thương tích năm 1973, nhà văn khởi đăng truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 118932)
Dực đã đi rất đỗi nhẹ nhàng. Dực đang chỉ chạm khẽ mũi giầy vào bậc thang gỗ. Cảm giác Dực đang bay. Bậc cầu thang nâu bóng mầu thời gian, nâu bóng rêu phong những kiếp người hình trôn ốc. Có người đang nhìn Dực, nhiều người đang nhìn Dực. Họ kinh ngạc trân trối ngóc đầu lên những bậc cầu thang gỗ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31135)
Tôi có bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy. Bàn tay không thay đổi theo mùa hay béo gầy cơ thể. Thụ bảo bàn tay tôi không tuổi tác trọng lượng. Hồi hai mươi tuổi, mới ra trường nằm nhà ba tháng, chỉ ăn và ngủ, cơ thể trồi lên những múi thịt, nhưng bàn tay tôi vẫn mảnh dẻ.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33738)
Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không. Vì em chẳng biết gì khi sắp chết. Một gói thuốc chuột Trung Quốc em mua của những người nhà quê ra phố bán dạo. Họ mở vài bản nhạc xưa cũ thật buồn và thật cười. Ngày trước em nghe họ rao những câu vần vè có cả chuột ta chuột tây trong ấy, bây giờ cấm rồi, chỉ nghe những lời hát rề rà, cọt kẹt, nhừa nhựa.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34764)
Cuối tháng Ba, tôi về thăm quê. Quê tôi ở tỉnh Đông, nhưng gia đình đã chuyển vào vùng kinh tế mới ở Bảo Lộc, Lâm Đồng từ sau gày miền Nam giải phóng. Tình cờ lúc qua đò Vạn tôi lại gặp bá Vần. Bá hỏi: “Anh về một mình?” Tôi đáp: “Vâng”. Bá hỏi tiếp: “Anh về lâu không?” Tôi nói: “Thưa bá, cháu về được một tuần”. Bá Vần nghĩ một lúc rồi bảo: “Thế thì ngày mai anh nên thu xếp đến thăm cái Hà. Nó đang nằm ở bệnh viện huyện. Bệnh nặng lắm, có lẽ không qua được”
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 106337)
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?" Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi. Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi. Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.