- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ám tượng về ruồi

01 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 95288)

amtuong_dp

Căn phòng lạnh lẽo âm u giống như cái nhà kho hợp tác xã còn sót lại từ thế kỉ trước. Cuối mùa xuân. Đất trời sũng nước. Nền gạch đỏ dưới gậm giường lên mốc xanh rì. Đám mốc rêu bò lan lên chân tường thành những vùng loang lổ như một bức tranh sơn thuỷ. Khoảng không mờ tối dưới mái ngói xộc xệch buông vài hàng tơ nhện trĩu nặng im lìm. Ngọn đèn bóng tròn có cái chao bằng sắt tráng men toả một vùng ánh sáng vàng mờ đục đọng thành vũng trên chiếc bàn uống nước thâm sì ẩm ướt. Dường như ánh sáng cũng bị bầu không khí ẩm ướt bao vây. Cô đặc lại. Không nhúc nhích...
 Vài chục năm trước khi đến đây, lũ trẻ chúng tôi đã quây quần bên những người dân chài ngồi miệt mài vá lưới dưới ánh đèn dầu không thể tù mù hơn. Mút mát những con tôm, con bề bề luộc chín đỏ au đổ lẫn lộn trong một chiếc rổ tre. Cố gắng căng tai ra xem lũ trẻ người bản địa nói những chuyện gì. Chả đứa nào hiểu. Thổ âm vùng này rất nặng. Người ta bảo dân miền biển ăn sóng nói gió. Sóng gió đã lấy đi và làm méo mó rất nhiều âm sắc của họ?
 Những cư dân trong làng khi có khách thường đem chính ngôi nhà của mình đang ở cho thuê. Vợ chồng cái con kéo nhau xuống bếp nằm ổ rơm. Tôi dẫn nàng đến chốn này. Ngạc nhiên thấy những nụ cười thân thiện, những lời mời thuê trọ có vẻ như không khác gì vài chục năm trước. Và ngạc nhiên hơn, vẫn là những ngôi nhà ngói cấp bốn thấp tè dùng để cho thuê cũng chính là ngôi nhà người ta đang ở. Có khác chăng chỉ là thêm một phòng tắm con con bên chái nhà. Và khu bếp khang trang hơn. Không có một cái ổ rơm nào trong ấy cả. Nàng băn khoăn hỏi gã chủ nhà, vậy thì gia đình mình sẽ ngủ ở đâu? Gã cười phô hàm răng đen nhẻm kém trật tự, các bác lo làm gì, quê chúng em ngồi đâu là nhà ngã đâu là giường!
Có tiếng ì ầm của biển từ xa vọng lại. Vài cánh chim hải âu chớp nhoáng trên đỉnh lùm cây trứng cá tối đen trước sân nhà. Mùi cá khô mặn mòi váng vất đâu đây. Tiếng trẻ con khóc ngàn ngạt như tiếng mèo động đực. Tiếng võng đưa cót két bên nhà hàng xóm. Nàng bảo, chắc cũng không khác gì trăm năm trước! Tôi ngắm nàng đang hí húi bên đống chăn đệm nhờ nhợ màu nước giếng khoan với vẻ ngạc nhiên thích thú lạ kì. Ánh mắt nàng dừng lại rất lâu trên chiếc vai giường có từ thời làm chủ tập thể. Chỉ có một kiểu vai giường như thế trên khắp đất nước trong một khoảng thời gian rất dài. Những con tiện tròn mảnh khảnh đứng án ngữ hai đầu. Chính giữa là hàng nan rẻ quạt như những tia nắng toả ra từ nửa cái mặt trời gỗ sẫm màu to bằng miệng bát. Chẳng hiểu tại sao lại là mặt trời? Soi rọi cái gì cả trong giấc ngủ vậy? Cái thời cả nước có chung một kiểu giường đã khiến cho người ta có cảm giác ở đâu cũng như nhà mình. Nhưng bây giờ nó trở nên lạ lẫm. Và lại rất thân thuộc. Như lâu ngày gặp lại người quen?
Tôi vờ trách nàng, lạ quá phải không, em cứ muốn khách sạn hiện đại, thật ra ở đấy có quá ít thứ để ngắm nhìn, những thứ ấy ở thành phố thiếu gì? Nàng cười như biết lỗi, lâu quá em không đến những nơi như thế này, cứ nghĩ chung đụng với chủ nhà sẽ rất phiền phức! Em lạc hậu quá, kinh tế thị trường lâu rồi, người ta cũng biết mục đích chính của việc cho thuê nhà là để kiếm tiền, không ai lại đi thóc mách vào những riêng tư vớ vẩn làm gì!
Đống chăn gối trên giường ẩm và lạnh. Mấy con ruồi đen nhánh đậu thu chân áp bụng trên mặt tấm đệm xanh như những hoa văn dính liền vào vải. Chúng đang ngủ. Lúc mới đến, tôi luồn tay thật sâu vào bên trong đống chăn màn thầm ước lượng. Chắc phải mất nửa giờ trải ra hong đèn mới có thể nằm được? Xếp đồ đạc vào chiếc tủ đứng có tấm gương lớn vẽ nhằng nhịt những chim cùng bướm bay lượn trong đám lá cành tróc lở. Chiếc gương có lẽ không dùng để soi? Nàng phì cười quay lại giường vội vã giở chiếc chăn ra dưới ngọn đèn tù mù. Những con ruồi vụt bay về phía quầng sáng vàng ủng dưới chao đèn. Và nhanh chóng biến mất vào phía bên kia màn ánh sáng ảm đạm... Từ phòng tắm bước ra, nàng ngây người nhìn tôi phì phèo điếu thuốc lá, buồn cười thật anh nhỉ, lúc trên ôtô em cứ buồn ngủ rũ ra, chỉ muốn nhanh chóng đến nơi thuê nhà, đến đây lại tỉnh như sáo? Tôi lặng lẽ đốt thuốc. Mỉm cười nhưng không bắt chuyện. Thực ra là tôi đang tận hưởng vẻ đẹp tinh khôi của nàng. Đàn bà lạ thế? Bao giờ đến với ta cũng là một vẻ đẹp mong manh rạng rỡ như lần đầu. Dường như những sóng gió trong phần đời đã qua họ biết cất kín vào đâu đó. Như cái xóm nghèo ven biển này đã cất kín hoang sơ hàng thế kỉ...

***
Quán nhậu trông ra một hồ nước bát ngát phía tây thành phố. Quanh năm sóng. Những ngọn sóng dập dềnh phía ngoài tấm kính cửa lớn trong suốt cứ như chực ùa vào đe doạ. Mặt hồ liên tục bị thu nhỏ trong suốt mấy chục năm liền dường như đang lên cơn phẫn nộ. Thỉnh thoảng trong năm một vài trận lốc cục bộ bất thần xuất hiện. Cũng gây nên cảnh tàn phá dữ dội. Cây cối đổ rạp trong luồng gió xoáy. Biển hiệu bay loạn xạ lên trời. Cá tôm dạt lên đường nhựa ven hồ trắng như xé giấy. Rất ít người dám ăn cá ấy. Nghe nói nồng độ chì trong lớp bùn đáy hồ đã vượt xa tiêu chuẩn cho phép từ nhiều năm trước.
Nàng mảnh mai trong bộ quần áo ôm khít thân hình uyển chuyển căng tràn. Bước đi thoăn thoắt giữa các bàn ăn ồn ã ân cần hỏi han thực khách. Quán ăn thành phố bây giờ thường phải có ít nhất một người điều hành như vậy. Dịu dàng xinh đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên. Nhanh nhẹn và chính xác. Mềm dẻo và cương quyết trong cư xử với những thực khách say rượu sỗ sàng. Và hơn hết, bộ lọc âm trong tai phải hoàn hảo. Nghĩa là chỉ nghe thấy những gì cần. Và lọc ra những lời tán tỉnh nhiều khi rất tinh vi. Khách khứa bây giờ cũng lạ. Không hẳn đến quán chỉ để nhậu...
 Buổi chiều tím thẫm trên mặt hồ. Những cơn gió nồm cuối mùa xuân len lỏi qua những hàng cây phả vào trong quán làn hơi ẩm rưng rưng tĩnh lặng. Tôi ngồi một mình trong góc khuất không thể nhìn ra mặt hồ. Tránh được ồn ào mà vẫn bao quát toàn cảnh trong quán. Thực ra là để có điều kiện kín đáo quan sát nàng. Quan sát người đẹp một cách công khai không phải chuyện có thể tuỳ tiện ở cái thành phố đầy rẫy những tị hiềm này. Chỉ một ánh mắt hơi chứa chan hơn mức bình thường chút ít thôi là có thể bị người ta cho rằng mình từ nơi khác đến. Dù rằng tôi biết chắc chắn thành phố của tôi phần lớn là người từ nơi khác đến. Nhưng họ hoà nhập rất nhanh. Đến mức chẳng thể phân biệt nếu như họ không cất lời.
Đám thực khách tuy xô bồ nhưng vẫn giữ được vẻ thanh lịch nhất định. Có lẽ độ sang trọng nơi đây đã không cho phép những ai vui vẻ quá đà. Hay nụ cười thân thiện trên môi nàng làm được việc ấy? Tôi không biết nữa? Chỉ thấy những cặp mắt như bị hút về phía nàng dùng dằng không dứt. Những mái tóc đen nhánh xịt gôm bóng nhẫy của đám khách ăn mặc lịch sự như vừa tan hội nghị đồng loạt có cùng một chuyển động nhịp nhàng hướng về phía nàng. Những người đàn bà diêm dúa trong đám khách ấy cau mặt. Và dĩ nhiên tôi. Li rượu vodka lạnh nàng vừa rót nằm im lìm giữa những ngón tay tôi hoá đá!
Có tiếng động lộp bộp rất khẽ ngay bên ngoài cửa kính chỗ tôi ngồi. Ánh đèn trong quán hắt ra bậu cửa sổ. Những con ruồi đen xoay tròn đầu đổi hướng thoăn thoắt tìm đường lọt vào ô cửa phát ra ánh sáng. Chúng trèo lên lưng nhau vẫy đôi cánh mỏng rè rè chạm vào mặt kính. Và một con tìm được khe hở vút bay vào đậu trước mặt cô gái diêm dúa. Cô ấy mỉm cười cất giọng pha trò, này “iêm”, cất hộ chị con ruồi! Rộ lên tiếng cười như nắc nẻ của đám thanh niên bù xù ở góc đằng xa. Nàng quay mặt lại. Vẫn nụ cười thân thiện trên môi, thế ạ, mấy con hả chị? Những bộ tóc xịt gôm óng chuốt lại một lần nữa đồng loạt quay về phía nụ cười. Đều như có người bắt nhịp. Người khách ăn mặc sang trọng từ tốn rút trong túi áo veston ra một tờ báo cuộn nhỏ. Kéo chiếc kính đeo lòng thòng trước ngực lên mắt. Run rẩy ngắm. Bộp. Cú ra đòn nửa đập nửa xua còn cách con ruồi cả gang tay. Con ruồi vụt bay hoảng loạn trong khoảng không chói ánh đèn. Những cánh tay giơ lên khua khoắng loạn xạ. Những bàn tay như hàng loạt cánh ruồi khổng lồ rối rít vẫy, nhấc bổng cả những gương mặt nhoà hơi men. Bóng người lao nhao đứng bật dậy. Những cái đầu xoay tròn trên cổ từng vòng khép kín... Tiếng cười râm ran theo đường bay con ruồi chỉ ngừng lại khi nàng xuất hiện với chiếc vợt điện bắt muỗi trên tay. Một động tác nhẹ nhàng mềm mại. Có tiếng nổ lép bép như xiết đỗ. Tia lửa điện phát ra tí tách xanh lè...
Tôi mơ màng ngó ra ô cửa kính. Bên ngoài, bầu trời đen kịt. Lốm đốm những ánh đèn quảng cáo trên nóc nhà. Tên những quán nhậu và nhà nghỉ san sát đan cài như bện thành một khối mông lung nhấp nháy chào mời. Tôi đã có mặt dưới bao nhiêu tấm biển quảng cáo như vậy? Chẳng thể nào nhớ. Thậm chí cũng không bao giờ để ý xem nơi mình bước vào có một tấm biển nào trên đầu hay không? Nội dung bên trong những nơi như vậy gần như hoàn toàn giống nhau. Giống đến cả từ gói khăn giấy lạnh hay nóng theo mùa. Và dĩ nhiên, cái ồn ào ở quán xá được mặc định rất lâu trong đầu mỗi lần ra về. Vo ve vo ve. Như có cả một đàn ruồi trong ấy. Nhưng tôi nhớ rõ đó là những nơi loài ruồi không có đất sống!

***
Áp lực của cuộc mưu sinh phố phường rất cần có nơi chốn để mà giải toả. Tôi ngồi trong quán rượu mỗi tuần một lần. Vào một buổi chiều không định trước. Như thế cũng là vừa với thu nhập của tôi ở một công ti quảng cáo tư nhân. Nơi làm thật ăn thật. Không còn được láng cháng cơ quan như ngày còn đi làm nhà nước. Làm chẳng ra làm. Chơi chẳng ra chơi vì không có tiền. Nhưng sự thật thì bận rộn hay nhàn rỗi cũng đều có chung một kết quả. Nhàm chán. Và nói chung thì khi người ta nhận ra điều đó cũng là lúc không còn có thể thay đổi được nữa rồi. Chỉ còn cách tập thích nghi. Theo vận tốc chậm dần đều...
Đám khách khứa trong quán mỗi chiều cả lạ lẫn quen phần đông đều là những người thành đạt thì phải? Người thành đạt không có nhiều thì giờ cho quán xá. Toàn bộ công việc và hưởng thụ của họ hình như đều đã được lập trình kín kẽ. Đến quán vào một giờ nhất định. Uống một loại rượu duy nhất. Gọi những đồ ăn quen thuộc. Buông những câu tán tỉnh ỡm ờ về phía nàng mà không đợi chờ bất cứ một phản ứng nào như thường lệ. Và ra về cũng vào một giờ định trước.
Tôi ngồi một mình. Cố gắng thu nhỏ mình lại cho vừa với sự “thành đạt” riêng mình. Chiếc ghế trống trước mặt là chỗ thỉnh thoảng nàng ngồi xuống nghỉ chân khi vãn khách. Tiện tay rót mời tôi những li rượu mới. Tôi ngạc nhiên thấy mình như một khách hàng đặc biệt. Chỉ riêng mình tôi trong cái đám khách khứa lào phào nơi đây mới có thể mời nàng một li. Chạm cốc với tôi, nàng thành thạo nhấp từng ngụm nhỏ. Nghiền ngẫm và trân trọng như một tửu đồ chính cống. Không khó để tôi nhận ra những ưu ái đặc biệt ấy. Chiều nào uống rượu tôi cũng cố ngồi nấn ná thêm giây lát khi mọi người đã ra về hết. Và đúng như tôi dự đoán. Một buổi tối vắng khách, nàng ngồi trầm ngâm rất lâu bên li rượu trước mặt. Chợt ngước mắt lên thăm dò, anh kì lạ thật đấy, ngồi đây đã lâu mà chưa thấy bao giờ buông ra một lời tán tỉnh, hay em quá xấu, không đáng...?
Quãng đường tôi đưa nàng về bằng xe máy cứ như dài ra đến vô tận. Vòng quanh các con phố đông người. Lao nhao lao nhao. Dừng chân ở một quán cà phê tối đèn. Cho đến tận sáng hôm sau...

***
Tôi cũng không buồn ngủ. Lạ nhà. Lại thêm tiếng sóng biển lúc nửa đêm nghe mồn một như nước sắp sửa dâng lên đến bậc thềm. Cánh cửa sổ cạnh giường là hai tấm ván cong queo buộc bằng một đoạn dây cước lưới. Tôi loay hoay mãi mới chọn được một góc khép cho bớt khe hở. Hình như đôi cánh cửa này không khép bao giờ? Căn nhà cũng chẳng có hàng rào. Nhiều nơi ở nông thôn tôi biết người ta khoá cửa chỉ là vì lo mất trộm chính bộ cửa ấy!
Khoảng đất trống sau nhà loe hoe những bụi dứa dại mọc trên nền cát ẩm. Mỗi tiếng động lào khào của lá sau nhà lại làm nàng giật mình thảng thốt rúc sâu mái tóc mượt mà vào ngực tôi. Dường như bao nhiêu dịu dàng ve vuốt của tôi cũng không đủ để nàng xua tan đi nỗi sợ hãi mơ hồ. Tôi quyết định ngồi dậy. Bật đèn. Quầng sáng vàng mọng nước bâng khuâng rọi chiếu một khoảnh nhỏ trên bộ bàn ghế. Mờ ảo hắt vào chỗ chúng tôi nằm. Ngỡ ngàng, tôi nhìn xuống thân thể nàng rạo rực. Làn da trắng mịn như mỡ đông vây phủ một nồng nàn bất tận. Tôi khoan thai tiến vào nàng. Ngập ngừng tận hưởng từng khoảnh khắc thịt da nóng bỏng. Nàng đáp trả bằng những khát khao còn mãnh liệt hơn thế...
Những tiếng lào xào của lá sau hai cánh cửa sổ chợt nín lặng. Tiếng sóng biển về sáng khoan hoà như tiếng thở ru chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm.Lúc tôi mở mắt ra, ánh mặt trời đã rực rỡ chiếu một luồng thẳng tắp xuyên qua ô kính nhọ nhem trên bộ cửa giữa. Ánh nắng bâng khuâng xoá nhoà ranh giới căn phòng. Như có một căn phòng chói chang khác ở trong căn phòng âm u chúng tôi đang nằm. Hay chúng tôi đã bị đẩy ra khỏi căn phòng đam mê này từ lúc nào? Ngọn đèn hư ảo chỉ còn lại như một chấm vàng nhỏ nhoi yếu ớt sững lại giữa không trung. Nàng cựa mình rất khẽ trong vòng tay tôi. Cặp mắt khép hờ ánh lên mãn nguyện...
Cùng với nắng là mùi tanh mặn mòi của biển ùa vào chen lẫn tiếng nói cười. Cánh đàn ông đi biển đã cập bờ từ sáng sớm. Dân làng đang chia cá ngoài bến xa. Thỉnh thoảng, tiếng những bước chân nặng nhọc gánh gồng dội lên thậm thịch sát hiên nhà. Tiếng những người đàn bà chói chang trong hơi thở gấp. Câu được câu chăng. Chỉ có họ mới hiểu. Nàng cười rung rinh cặp vai trần trên ngực tôi, dậy thôi anh, sáng sớm mà đã ầm ĩ như quán của em lúc chập tối, đi xa cũng nhớ! Tôi thầm kinh ngạc ngay cả chính mình. Cũng bắt đầu nhớ đến những chen chúc phố phường mỗi sáng. Những mịt mù khói thuốc trên con phố cà-phê quen thuộc. Những câu chuyện tào lao trước một ngày làm việc. Thường thì bàn luận về thời tiết. Đó là câu chuyện duy nhất mới cho mọi buổi sáng.
Tôi dậy mặc nhanh bộ quần áo ngủ. Nàng khoác vội chiếc váy xanh gần như trong suốt lên mình bước nhanh vào nhà tắm. Hai cánh cửa kính ở gian giữa vừa mở ra. Ánh nắng chênh chếch thật sự tràn vào soi rõ đám bụi li ti vừa bị khuấy lên khắp căn phòng. Những đám bụi lửng lơ mệt nhoài vì hơi ẩm quẩn quanh níu kéo. Những con ruồi lao nhao cắt qua vệt nắng bay thẳng đến đậu lên hai cánh cửa sổ cong queo cạnh giường ngày một nhiều. Vo ve vo ve. Chúng sục sạo ngọ ngoạy kiếm tìm những khe hở nhỏ. Một vài con đã bắt đầu thoát được ra ngoài.
Nàng quay lại gấp gọn đống chăn màn bừa bộn trên giường. Bỗng giật mình khi nhìn thấy đám ruồi bâu chi chít trên hai cánh cửa sổ. Quay mặt nhìn tôi như cầu cứu, kìa anh...? Tôi phì cười. Sự nhát sợ ấy của đàn bà phần nhiều do quy định của nền giáo dục ở thành phố mà nên. Chẳng mang tí dấu vết nào của những đứa con gái mà bà mẹ Âu Cơ đã đưa xuống biển lần hồi kiếm ăn? Với tôi, miền biển mà không có ruồi mới là chuyện lạ. Quá quen đến mức gần như thân thương với ruồi. Tôi đã từng thấy những đứa trẻ miền biển dùng ruồi làm “đồ chơi”. Chúng tước những sợi tơ chuối căng ngang cái nhọt há mồm trên đầu gối. Ruồi sà đến đậu vào lập tức bị cắt nghiến làm đôi rơi lả tả xuống chân. Đứa nào tay nghề cao một buổi sáng cũng cắt được kha khá. Vun vào độ lưng chén con.
Nhưng cũng chợt nảy trí tò mò. Phải có cái gì đó hấp dẫn lắm thì ruồi mới chen nhau đến đó? Tôi tháo nút dây cước buộc cánh cửa đêm qua. Lũ ruồi ào ạt thoát ra sau vườn. Qua vai tôi, nàng dõi theo hướng bay của đàn ruồi. Cặp vú mềm mại ấm nóng vô tình rơi trên lưng tôi tức thở.
Vườn sau toàn cát trắng. Vài bụi dứa dại lom khom đâm lên những mầm lá nhọn hoắt. Dưới chân cửa sổ là một vùng cát rộng chi chít dấu chân người. Những dấu chân từ phía con đường gần đấy hướng về cửa sổ chỗ chúng tôi nằm. Có cả những đầu mẩu thuốc lá ướt nhoèn loi thoi sợi vàng bệt bạt. Từng đám ruồi bu đen kịt rải rác trong những dấu chân dẫn về phía con đường. Một mùi thối khăn khẳn âm u bốc lên khi đám ruồi bất ngờ động ổ bay tán loạn. Cứt! Tôi lầm bầm, chẳng biết cứt người hay cứt chó? Nàng cười phá, anh rõ lẩn thẩn, cứt nào chẳng là cứt, mà rõ ràng đêm qua em nghe có tiếng bước chân người? Tôi quay đầu lại. Gương mặt nàng đã đỏ dậy lên từ bao giờ? Và bất chợt nhớ lại những nồng nàn đêm qua. Chẳng biết lúc ấy trông mình thế nào...
***
Phòng làm việc của tôi nằm trong tổng thể một tầng nhà khá rộng được chia thành những ô nhỏ có vách kính lửng. Giống một tổ ong. Và mỗi người chúng tôi như một con nhộng ong trần trụi trong ấy. Cái ngăn tổ chỉ vừa vặn đủ khoảng trống cho chiếc ghế văn phòng quay tứ phía. Tôi căm thù kẻ nào đã nghĩ ra thiết kế căn phòng làm việc như vậy. Nó chỉ đủ để cho tôi tách biệt riêng tư với người bên cạnh. Nhưng lại không thể che mắt được chiếc camera quan sát suốt ngày quay chậm chạp trên đầu. Như con mắt của một đốc công cần mẫn quan sát toàn bộ tổ ong xem có con nào chểnh mảng. Tiếng lách tách của bàn phím. Tiếng máy lạnh chạy rù rì suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng có cả tiếng ngáp dài của các đồng nghiệp làm tôi chợt nhớ đến không khí bên trong quán rượu của nàng. Nhớ đến tiếng vỗ cánh hiếm hoi của những con ruồi bên ngoài cửa kính chỗ tôi ngồi buổi tối. Nhớ đến những cái đầu xoay tít theo dấu vết con ruồi lạc của đám khách cố gắng gìn giữ chút lịch sự cuối cùng. Và nhớ đến nàng. Mỗi chiều vẫn thản nhiên nói cười trong cái không khí lao nhao bất tận ấy.
Tiếng chuông báo hết giờ làm việc đột ngột vang lên. Tôi hấp tấp tắt máy tính. Thu dọn nháo nhào mớ giấy tờ ném vào chiếc cặp căng phồng. Chậm vài bước chân thôi là có thể phải chờ thang máy rất lâu. Có lẽ người thiết kế ngôi nhà đã không hình dung ra những người sử dụng nó lại đông đến thế?

Phố xá giờ này như thường lệ cũng đã đông đặc những người. Tôi sùm sụp chiếc mũ bảo hiểm ì ạch nhúc nhích theo dòng người miên man ngột ngạt mùi khói xăng. Con đường đã định sẵn. Quán rượu của nàng. Bất chợt, những mặc định âm thanh trong đầu về nơi quán xá phố phường se sẽ vang lên. Vo ve vo ve vo ve...

ĐỖ PHẤN
(Hà Nội)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 94262)
Đ êm úp mặt vào vách, tôi nhớ đến người con gái trên chiếc thuyền nan. Dưới ánh trăng thân thể nàng trắng ngần như tượng sứ. Trong giấc ngủ chập chờn, đôi tay nàng vẫn đều đều khỏa nước, khỏa lấp cả sự day dứt trong tôi. Tôi thấy cả nàng và tôi đều đứng ngoài trò chơi ấy, nàng ngồi bên tôi ngắm những cụm cỏ xanh um buồn bã...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 94405)
S huhun mang ánh mắt của một lời nguyền, thứ ánh mắt in trên một thỏi sắt. Nhìn hắn như một lưỡi kiếm bén mang linh hồn của Musashi Miyamoto. Tôi biết đến Musashi khi nào tôi không thể xác định, tên của võ sĩ vang danh trên khắp lục địa Bắc Á. Musashi trao cho Nhật Bản sức mạnh của kẻ yếm thế: Go rin no sho. Thuật xâm chiếm của vũ trụ như hai giải ngân hà nhập một, như hai lưỡi kiếm của hai mắt phải nhập một.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 92319)
H ằng đêm tôi sống trong lo sợ. Chung quanh tĩnh lặng, tối ám đến hoang mang. Gió lộng đánh phần phật trên các cánh cửa. Cứ độ giữa đêm, tiếng chân thình thịch đến từ xa, từng bước dẫm nặng nề. Tôi thu mình, rúc sát vào vách. Tôi trong suốt trong màu mực của đêm, không nhìn thấy cả chính mình...
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 111142)
LTS : Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, nhà văn Quý Thể hiện định cư tại USA.Hân hạnh giới thiệu một trong những truyện ngắn như những nụ cười ý nhị của Quý Thể gởi đến quí độc giả và văn hữu của Hợp Lưu. TCHL
15 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 98218)
N hưng những cuộc hỗn chiến xảy ra ngày càng quyết liệt giữa cái gia đình nhà Monney con & Kít với con chó lai Nhật mang tên Lucky - Cún . Cuộc hỗn chiến nhiều khi làm Cún tơi tả, máu chảy ròng ròng. Càng khiến tôi nhớ lại chuyện Money từng ăn thịt xác con. Cả sân nhà thối hoăng vì phân chó, nước đái chó, thức ăn ôi thiu…
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 95831)
S áng nay Du về và tôi sẽ đi đón cô. Gã thầy thuốc có cái đầu trơn tuột chắc đã chán chê Du nên tôi vừa mở miệng là gật liền, gật mạnh và nhanh đến nỗi chút xíu nữa cái đầu kỳ dị của gã văng khỏi vai. [...] Du sẽ không còn lang thang dưới rặng dương liễu hay trên mái ngói lơ thơ những nhánh bồ đường vào những đêm khô nóng. Tôi sẽ không để cho ánh trăng tìm thấy cô.
02 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 87120)
Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến tranh nào cũng vậy, không có kẻ thắng. Nhưng bao giờ cũng có một kẻ bại, một kẻ bại duy nhất - là nhân dân. [...] Đừng lừa dối nhân dân bằng những lời nói suông. Nhân dân rất sáng suốt. Người ta biết ai là người trung thực và kẻ nào là tên bịp bợm. Hãy nhớ lời Nguyễn Trãi “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 102783)
C ơn mưa từ chiều đến giữa đêm vẫn chưa chấm dứt. Những cuộc hành hình liên tiếp bằng cách quấn rơm chung quanh kẻ bạo loạn rồi đốt giống như thui chó mấy ngày trước thịt vẫn còn khét. Sư bần thần đi lại trong thư phòng. Bất chợt một tiếng sét lớn sáng lòa đánh ngang cây gạo trước cổng chùa. Sư nghe thấy tiếng cây đổ vang dội trong tâm khảm. Điềm báo đến. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, sư ngồi xuống, xếp bằng hai chân. Tịnh.
30 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 93111)
...T ại sao lại đặt cột mốc trước và sau 30-4-1975 cho lý lịch của mỗi con người? Ngày chấm dứt chiến tranh, ngày hòa bình, ngày thống nhất đất nước. Đó cũng là ngày phán xử. Kẻ thua người thắng. Ngày định phận. Kẻ có công người có tội. Và mỗi lần khai lý lịch là mỗi lần xác nhận cái sự thua thắng, công tội đó. Một lằn ranh không cho phép ai vượt qua. Một sự chia cắt vĩnh viễn giữa các con người, giữa các công dân...
26 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 92693)
LTS : Nhà văn Cao Xuân Huy mất vào mùa Thu 2010, đã có rất nhiều bài viết về anh trên các báo in và báo mạng. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian đó chỉ kịp đăng lời phân ưu. Đến nay, Hợp Lưu 113 số tháng Ba và Tư của năm 2011, chúng tôi xin dành riêng một số trang đặc biệt để đăng những bài viết về anh của văn hữu Hợp Lưu, đồng thời trích đăng một số sáng tác trong hai tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” và “Vài mẩu chuyện” của Cao Xuân Huy như một nén hương thân kính gởi đến anh thay lời từ biệt. Tạp C hí Hợp Lưu