- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GIỮA BẦY CHÓ

15 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 98968)

 

 giuabaycho_2-content

Tặng gia đình Money con & Kít

Tặng Lucky tức Cún

 

Cuộc sống vẫn tiếp diễn dù không có Money.

Tôi nhớ ra đàn con của nó vẫn đang sống, đang tồn tại ngay gần nhà mình. Có những bốn con chó con mới đẻ được nửa tháng.

Số là nhà hàng xóm thấy con chó đen nhà tôi đẹp quá, liền xin giống. Tôi cho Money sang bên nhà ấy chơi với con chó cái màu vàng độ ba buổi. Money là giống chó đực lai nên dẻo dai trong cái “chuyện ấy” vô cùng. Chính vì thế nên tôi cũng chỉ cho sang nhà hàng xóm ba buổi, rồi lại khóa cửa nhốt Money trong nhà để đi làm.

Con chó cái màu vàng chẳng bao lâu sau lộ rõ cái bụng chửa. Nó có vẻ vênh vang lắm với lũ hàng xóm. Sáng sớm nào Money nhà tôi cũng chạy sang cửa nhà đấy ghếch chân tè một bãi. Sau đó nó mới ra chỗ rộng giữa sân cỏ để ị một bãi phân to đùng.

Cũng vì Money tự nhiên tự tại như thế mà tôi mấy phen khốn đốn vì nó.

 

Phen thứ nhất là vụ xô sát với chị em nhà con Út.

Con Út là đứa con gái thứ ba trong đám ba chị em dạt từ Tuyên Quang về. Người ta hay bảo chè Thái gái Tuyên. Ba chị em nhà này gương mặt nom xinh xắn dễ chịu. Nhưng lại tác oai tác quái nhất nhì khu bãi rác. Cả ba thống trị ba xóm. Chị Cả nó mua cái nhà ngay cạnh nhà tôi với giá rẻ bèo, rồi bán lại cho nhà Tới. Con Cả tuy thấp người nhưng gương mặt mịn như quả cà chua. Lại cũng có tài thao túng nên tự nhiên thành bà trùm cung cấp nước sạch cho khu B. Con Hai mua nhà khu A, làm nghề thu gom rác. Còn con Út thì chiếm một khoảnh ở khu C, làm một chân ghi đề.

Khi tôi về, do không thích mua nước của con Cả, hơn nữa chủ bán nhà mách cho chỗ bán nước sạch từ ngoài đường vào, thấy tôi cho thợ lắp đặt đường ống nước chắc chắn quá, mà theo nó là nghênh ngang, nên nó kiếm cớ gây sự. Cớ là một bãi phân to đùng của Money lù lù giữa mảnh vườn trước cửa nhà tôi.

Cái mảnh vườn này do con Út chiếm. Đất thì thuộc một chủ khác mua, có giấy tờ hẳn hoi. Nhưng do tình hình khu bãi rác không yên, suốt mười mấy năm khi nào cũng trong tình thế sắp bị giải tỏa, sắp bị mất trắng chỗ ở. Chủ nhà lại có nhà trên phố, nên miếng đất gồm cả cái ao mà họ đã mua coi như để hoang. Để hoang lâu quá, phát sinh lòng tham kẻ khác. Chủ bán nhà cho tôi cũng từng định chiếm. Sau thấy chị em con Út hung hăng, nên rút. Con Út trồng toàn rau thơm, xà lách, gọi là rau sạch. Hàng ngày tưới toàn nước Phần Lan pha tí đạm hóa học.

Giờ tự nhiên có một bãi phân to đùng của Money, thối hoăng cả khoảnh rau, thế là có cớ để chửi mấy mẹ con tôi.

Con Út gọi con Cả, con Hai cùng tập trung trước cửa nhà gọi tên tôi ra rả. Khi đó tôi chưa đi làm về. Hai con gái Cẩm Ly và Nam Ngọc mặt thuỗn ra, buông xuôi tay nhìn ra ngoài cửa sắt. Cánh cửa đã được khóa kỹ. Cả ba con giật mạnh như muốn phá nhà người ta ra. Tôi vừa về đến ngõ, thấy cảnh đó, trong lòng tức sôi lên. Cuộc hỗn chiến diễn ra thế này:

“Sao các chị lại chửi bới gì ở trước cửa nhà tôi vậy?”

“Đ.mẹ mày. Về mà hót cứt nhà mày bày ra nhà tao kia kìa”

“Mẹ con đĩ. Mày tưởng mày cao sang nên muốn làm gì thì làm ở cái khu này hả?”

“Có gì thì từ từ nói chuyện tử tế với nhau. Cớ sao các chị lại chửi tôi như vậy?”

“Ở đây nhé, nói cho mẹ con nhà bà biết nhé, làm đ. gì có chuyện tử tế. Chắc cũng một đời đi hoang mới phải dạt về đây như chúng ông, lại còn giở cái mặt tử tế ra bịp thiên hạ”

“Tôi làm gì mà các chị ăn nói láo như thế?”

“Này thì láo…”

Một con dao dùng đi rừng dúi thẳng trước mặt tôi. Một thằng trong xóm nhảy tới can:

“Mấy bà làm gì mà hăng thế. Cất dao đi. Ngu thế không biết”

“Mày bảo ai ngu? Đ.mẹ, mấy lần liếm bà mày rồi mà còn bênh con mụ này à?”

Cậu hàng xóm tên Giang có gương mặt khá điển trai, (mọi khi hai chị em hay hỏi chuyện nhau, do tôi cũng hay thuê Giang sửa cho đường ống nước), cậu này không sợ đám chị em con Út, vằn mắt:

“Các bà vừa phải thôi. Nếu cái xóm này mà toàn lũ các bà thì thành phố chúng nó hót cả xóm lâu rồi. Chị ấy mới về nhưng đừng giở cái thói ma cũ bắt nạt ma mới nhé. Nhà người ta còn có ở bên Kim Liên kia kìa, không phải tứ cố vô thân như mấy bà đâu nhé”

“Mày láo với các bà mày đấy à?”

“Nó có nhà sao không về bên ấy mà ỉa? Sao phải vác mặt vào khu này?”

“Định theo dõi ai? Hay định giở trò gì?”

Thêm nhà Tới bên cạnh, nể vì tôi có cho nhà ấy cái chữ ký chứng thực đất của bên nhà anh ta được tính tới “giọt gianh”, nếu sau này bán nhà, anh ta đỡ phải chạy tìm tôi vật nài, nên cũng nhảy vào can.

v.v… và v.v…

Sau đó, cuộc cãi vã được mã hóa thêm bằng những hòn đá trong đêm giáng thẳng vào cửa sổ cũng như cổng sắt nhà tôi. Cả đêm lão hàng xóm đã ngủ với con Cả, (nghe nói ngủ đủ ba chị em, trả tiền xông xênh cả ba), đứng phía bên nóc nhà gác của lão ném đá xuống cái mái nhà lợp bằng ngói xi măng của tôi. Khổ thân cái mái nhà. Nó cứ rung lên bần bật. Money sủa điên cuồng, mắt vằn đỏ lên, chân chạy cuống quanh nhà. Tôi phải dỗ dành mãi nó mới chịu nằm xuống. Cẩm Ly và Nam Ngọc thất thần nhìn tôi:

“Mẹ ơi, hay là mình lại chuyển nhà đi chỗ khác đi. Ở đây sợ quá”.

Tôi dỗ dành hai con, giọng cứng cỏi. Nhưng khi đêm đã buông xuống dịu dàng, nước mắt tôi lặng lẽ chảy. Tôi nghe như có tiếng gại gại dưới chân giường. Lau nước mắt nhìn xuống, thấy Money đang ghé mõm hôn lên mép giường nơi ba mẹ con đang nằm. Dường như nó nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi.

Cuộc cãi vã được hóa giải hai hôm sau bằng thái độ của anh công an phụ trách khu vực. Anh ta đứng chống tay trước cửa nhà con Út, gióng giả:

“Chúng mày mà động vào con đó, nó thiệt một thì chúng mày thiệt mười. Mẹ kiếp, đến công an bọn tao còn ngán cái mác của nó, thế mà chúng mày dám chọc vào nó”.

Bãi phân được con Hai lấy cái xẻng hót. Con Hai vừa gạt bãi cứt chó xuống hố để gạt đất lên, vừa làu nhàu:

“Có mỗi bãi phân chó cũng rủ các chị đi đánh nhau. Chẳng qua con mụ kia không chịu mua nước sạch nó bán. Mới về đã ra cái vẻ cao sang không giao du với bọn này, đã lên mặt răn dạy đời. Đời là cái mặt bướm nhà bà đây này. Cao sang thì đã chả phải vào ở khu bãi rác. Mẹ cái thằng Thùng đểu, nó không dọn cứt cho con Út còn ném đá vào nhà con mụ kia. Ai thuê nó thế không biết. Bà mày mà biết mày ngủ với cả con Cả với con Út, bà mày đ. thèm cái con c. nhà mày… ”.

Từ sau trận đó, Money không bao giờ ị ra cái mảnh vườn rau ác độc đấy nữa. Sau này, khi chị em con Út đứa bị bệnh đi viện, đứa bị bắt đi trại cải tạo, tay Hưng lé ở đâu về lại, phá tan mảnh vườn, chiếm làm nhà. Tuy nhiên khi cái nhà mới xây lên được một mét tường gạch thì cán bộ và công an phường ập vào bắt dỡ bằng hết. Sau đó nữa thì chủ nhà cũ về xây lại toàn bộ, xây cả cổng đóng kín toàn bộ hai trăm mét đất, hết kẻ lấn chiếm.

 

Money làm tôi khốn đốn phen thứ hai liên quan tới bệnh dịch ở khu bãi rác.

Hôm đó nó đau bụng tả, y như người. Có lẽ nó không hiểu nó đang bị làm sao, cho nên khi chạy ra ngoài đi vệ sinh buổi sáng, nó quằn quại trên cỏ, kêu ăng ẳng. Rồi không biết bằng cách nào, nó lăn ra tận mép cái ao to trước cửa nhà, phía sau vườn rau lấn chiếm mà sục mõm xuống nước nốc ừng ực.

Tôi đang chuẩn bị đi làm, không để ý. Đợi mãi không thấy Money về, tôi chạy ra, thấy dưới ao có tiếng chó sủa lục bục, một con chó màu đen đen đang lộn ngược dưới nước. Nhìn hóa ra là con Money đang bị ngợp trong nước ao, đang cố nhoài người lên bám vào một cái gờ đất hay bụi cây nào đó. Nhưng nước ao bẩn, lại sâu nên cũng không có cái cây nào mọc lên được quanh đó. Nó càng giãy càng bị chìm sâu hơn. Tôi hoảng hốt chạy ra. Nhìn quanh không kiếm được lối nào để đến được gần chỗ Money. Đành phải chạy quành ra phía con đường của khu C, nơi có con đường dẫn ra ngoài đường Láng. Con đường phía bên ấy có một lối đi khá chắc ngay sát cạnh cái ao. Nhưng khi tôi chạy gần đến nơi, thì đã thấy hai gã thanh niên mặt sắt lại vì nghiện đang cầm móc sắt tiến gần về phía Money đang lóp ngóp. Tôi la lớn:

- Con chó này của nhà tôi. Mấy anh để cho tôi xin.

Một thằng hất hàm:

- Lấy gì chứng minh chó nhà chị? Tôi thấy con này đi hoang mấy hôm nay rồi.

Tôi hoảng hồn. Nghĩ mình gặp phải bọn nghiện ăn càn rồi. Trong đầu chợt lóe lên ý nghĩ: chỉ một mình mình trong vụ này chắc không xong. May quá, khi ấy một người đàn ông đang đi tới. Người này trông hầm hố, to cao, dáng rất anh chị. Hình như ông ta có nhà trong khu này, nhưng không ở mà chỉ cho thuê, hàng tháng vào thu tiền. Tôi cầu cứu:

- Anh ơi, anh nói giúp hộ em đi, nhà em ở kia kìa. Đây là con chó nhà em mà mấy anh này cứ bảo là chó hoang. Nó vừa chạy ra khỏi cửa thôi, nó uống nước nên bị rơi xuống ao. Anh nói giúp em với.

Ông ta nhìn tôi, nhìn con Money đang lóp ngóp, hiểu ngay vấn đề. Ông ta quay sang bọn nghiện:

- Mấy cậu nghe rõ chưa? Người ta đàn bà con gái, đã nói rõ như thế rồi, lại cất lời xin tử tế rồi thì cho người ta xin đi. Các cậu coi là chó hoang, nhưng chó của nhà đàn bà con côi là cục vàng đấy. Đừng động vào.

Hình như ông ta biết rất rõ về mẹ con tôi. Bọn nghiện lảng đi. Tôi lội xuống kéo Money vào bờ. Cả thân hình nó tóp hẳn lại, run lẩy bẩy. Nước ao tù bẩn thỉu chảy đen cả bờ cỏ dại. Tôi ôm nó trong lòng, cả hai cùng ướt và hôi hám. Tiếng cảm ơn của tôi lạc vào gió thổi tới từ hồ Hỏa Tước:

“Cám ơn anh. Tôi không bao giờ quên anh đã giúp đỡ”.

Nhưng người đàn ông đã đi khỏi con đường và biến mất vào một ngôi nhà nào đó trong khu bãi rác, cái khu có ba xóm: A, B và C. Sau này tôi cũng chẳng bao giờ gặp lại ông ta, cũng như tôi chẳng bao giờ có thể biết được rõ ai, nhà nào trong cái khu dân cư tăm tối này. Sau này tôi ở trong căn nhà của mình hàng chục năm, bao nhiêu biến cố xảy ra, bao nhiêu được mất, mãi cũng chỉ biết nơi này có ba khu dân cư, nơi này luôn luôn sống trong tình trạng bị đe dọa giải tỏa, rằng nơi này thành phố không đồng ý cho thành lập tổ dân phố, không có nước sạch đưa về, không có điện chính thức, chỉ được mua một cách cầu âu, mà cũng chỉ được dùng điện hai pha…

 

*

* *

 

Tam phen tứ trận xảy ra với Money, cuối cùng thì nó cũng bị người ta bắt trộm (chuyện này tôi đã kể trong truyện ngắn Thế giới tối đen). Nhưng nó cũng đã kịp để lại những giọt máu của mình trong hình hài của những đứa con nhà hàng xóm.

Tôi bèn đến trước cửa nhà hàng xóm xin bắt một con về. Họ đòi một trăm ngàn. Tôi chọn con màu đen, và là con đầu đàn, giống Money y hệt, chỉ có điều nó là con cái. Ba mẹ con quyết định lại đặt tên Money cho con cún bé xíu giống hệt bố này. Và đặt tên là Money con.

Bất ngờ, bạn tôi lại cho tiếp một con chó đực màu đen nữa khi nghe tin con Money bị mất. Nếu tính chuyện họ hàng, thì con đực này vào hàng chú của Money con. Trong lúc đang đau xót vì mất Money, việc có hai con cún nhỏ mang dòng máu của nó về tụ hội là niềm vui của ba mẹ con. Dường như chúng tôi đã bình ổn dần về tinh thần. Ba mẹ con quyết định đặt tên con chú của Money con Kít. (Bạn đọc có thể hiểu theo âm tiếng Anh là Kiss, vì chúng tôi chủ trương đặt tên cho nó là Nụ hôn).

Có lẽ sai lầm của tôi bắt đầu từ chuyện nuôi cả hai chú cháu như thế.

 

Ngày qua ngày, chúng tôi - ba mẹ con và hai chú cháu Kít với Monney con sống êm đềm vui vẻ. Tuy là chú nhưng Kít lại đẻ ra sau, Kít thường hay bị căn bệnh đau bụng đi ngoài, nuôi mãi vẫn bé tí tẹo, không lớn đuổi kịp cháu. Monney con mắc căn bệnh đầu đàn, hay bắt nạt chú. Chuyện gì nó cũng khởi xướng và bắt chú làm theo. Tất nhiên hai con chó không thể nhận được họ hàng. Có ai nói cho đâu mà biết. Ngay cả Money con cũng không biết cha mình là ai, và đã từng ngự trị trong căn nhà này, đã từng bị bắt đi mất như thế nào. Hai con chó cứ ăn cứ lớn, bỏ qua các trận đại dịch.

Mẹ con tôi phải đi bán hàng cà phê. Tôi mở một quán cà phê tranh nghệ thuật. Đó là thời kỳ chúng tôi sống gian nan nhất, mạo hiểm nhất và cũng đầm ấm nhất. Do chuyện bán hàng thường đóng cửa rất muộn nên chúng tôi ít khi về nhà. Ngày nào cũng phân công người về cho hai con chó ăn, dọn dẹp rồi lại phải ra quán. Nhân viên chỉ đủ tiền thuê hai sinh viên, mỗi cậu làm một ca. nên ba mẹ con pha chế phục vụ khách là chủ yếu. Nhân viên thuê chỉ bưng bê và dắt xe máy.

Ngày qua ngày, Kít lớn lên lại trở thành một chàng trai khá thư sinh nhanh nhẹn. Còn Money con như một cô gái di gan, dẻo dai và duyên dáng.

Cho đến một ngày tôi phát hiện ra Money con có chửa. Cái bụng no tròn bóng láng đang phồng ra từng ngày. Kít thường lăng xăng ngay sau chân cô ả. Hoá ra hai anh ả ở nhà đã lớn, đã kịp kết tình duyên với nhau mà chúng tôi không lường được.

Gần đến ngày sinh của Money, ba mẹ con không dám bỏ nhà ngủ ở cửa hàng nữa. Đành phó mặc cho may rủi. Ở cửa hàng chúng tôi nhận trông tháng hơn hai chục xe máy, cũng đỡ nửa tiền thuê nhà một tháng. Nếu không ngủ trông, vừa lo trộm cắt khoá vào, vừa lo nhỡ may thằng nào chơi đểu cho một ngọn lửa thảy vào. Nhưng không trông ở nhà cũng không được.

Một đêm, Money con trở dạ. Nó lần lượt cho ra đời ba con chó nhỏ xíu. Nhưng một con chết ngay khi vẫn còn trong bọc. Money con nhìn tôi với đôi mắt thất thần. Tôi hoảng sợ không dám thò tay với cái xác ra, nhưng cũng nhìn thấy đó là một con đực. Hai con cún bé xíu lổm nhổm bú ti mẹ, nom thật ngộ. Một con đực có màu đen tuyền y như ông nội Money xưa. Một con cái có bộ lông màu đốm đen trắng tuyệt đẹp, như những bông hoa tuyết đậu trên bộ thảm màu đen. Cái xác cún bé xíu vẫn nằm trong bọc, lặng im.

Cả đêm, tôi trằn trọc không ngủ được. Thi thoảng chạy xuống bếp pha sữa cho Money con uống cho lại sức. Vẫn cái xác bé xíu nằm bất động bên cạnh mẹ. Money uống sữa xong thì cứ thây kệ cho hai con cún lăn lên lăn xuống ngậm ti. Đôi mắt nó nhìn cái xác, cái đầu cúi xuống mệt mỏi. Thi thoảng nó đưa lưỡi liếm liếm cái bọc.

Sáng hôm sau, thật bất ngờ, cái xác không còn dấu vết. Tôi không tin được vào mắt mình, bèn gọi Cẩm Ly và Nam Ngọc dậy. Ba mẹ con ngẩn người nhìn quanh chỗ Money con nằm. Đâu rồi? Sao lại không còn một tí dấu vết nào thế? Cả ba mẹ con nhìn Money con nghi vấn. Không lẽ nó đã ăn xác con? Trời ơi, nếu không như thế thì là vì cái gì? Tôi ân hận đã không mang cái xác bé nhỏ đó đi chôn. Nếu chôn biết đâu sinh linh bé bỏng ấy sẽ được đầu thai sớm?

Nhưng sao lại có chuyện mẹ ăn thịt xác con như vậy? Tôi nhìn Money con và Kít. Nỗi giận hai con chó cứ trào dâng. Hay đó là hậu quả của chuyện tôi để cho hai chú cháu sống đời sống vợ chồng với nhau? Người ta bảo hổ dữ không ăn thịt con. Vậy mà Money con, đứa con đầu đàn đầy kiêu hãnh của Money yêu quý lại ăn thịt xác con? Hay nó quá đau lòng, đành ăn con vào lòng cho tan chảy cho hoá thân vào máu thịt nó?

Nỗi oan của Money con, mãi cho đến tận mấy hôm vừa rồi, khi người bạn của tôi tới chơi, kể về chuyện bị mất con chó cưng, đã phải đi tìm tận những ngóc ngách hang cùng ngõ hẻm trên đất Hà Nội, rồi vẫn còn thấy may mắn quá vì đã tìm ra, rồi chịu bỏ ra ba triệu để chuộc lại.

Tôi kể về chuyện đã phải dằn lòng cho mấy con chó đi vì không nuôi được, vì giận con Money con đã ăn con của mình. Bạn tôi lắc đầu: “Không thể có chuyện đó. Chó không bao giờ ăn thịt con mình. Hay nhà cậu có chuột cống? Có không?”. Tôi bảo “khu bãi rác mà không có chuột mới là lạ. Có nhiều lắm. Có khi ba mẹ con lên nhà, cả năm sáu con chuột lao vào tô cơm chó ấy chứ”. Bạn tôi bảo “thế thì đúng rồi, năm sáu con mà xông vào thì làm sao con chó mới đẻ chống đỡ được”. Tôi bảo ”thế chẳng lẽ con Money con không sủa được à? Cả đêm ấy không có tiếng chó sủa. Mà người ta bảo dữ như chó đẻ”. Bạn tôi lắc đầu “chắc chắn chuột lừa cắp đi mất. Chứ chó mẹ không bao giờ ăn thịt xác chó con. Chắc chắn như thế!”.

Tôi thần người ra nghĩ.

 

Sau khi Money con đẻ được hai con cún xinh xắn, cửa hàng cà phê của tôi lại lạc vào một con chó lai Nhật màu trắng. Hôm đó là ngày mùng bốn tết ta. Con chó nhỏ xíu như cục bông ở đâu chạy vào. Đôi mắt nó màu đen, mi mắt màu tím hồng, bộ lông trắng muốt thơm sực mùi sữa tắm xịn. Đợi mãi không có nhà nào đi tìm, hết ngày, tôi đành cho nó vào cái hộp cho ấm rồi đưa về nhà. Đành chọn cho nó một cái tên là Lucky - May mắn. Con Lucky này xinh chưa từng thấy. Cả ba mẹ con cứ tiện mồm gọi luôn nó là Cún cho dễ nuôi.

Thế là có một lúc năm con chó. Chúng tôi phải tập làm quen với cuộc sống giữa bầy chó.

Nhưng những cuộc hỗn chiến xảy ra ngày càng quyết liệt giữa cái gia đình nhà Monney con & Kít với con chó lai Nhật mang tên Lucky - Cún. Cuộc hỗn chiến nhiều khi làm Cún tơi tả, máu chảy ròng ròng. Càng khiến tôi nhớ lại chuyện Money từng ăn thịt xác con. Cả sân nhà thối hoăng vì phân chó, nước đái chó, thức ăn ôi thiu… Chuột chạy vào hàng đàn, giơ mắt nhìn người như thách thức. Lũ chó nhảy loạn xị khi nhà có khách. Khách ngồi không yên vì chó sủa qua sủa lại, không sủa người thì quay ra cắn nhau. Khách nhăn mũi không dám nói đến cái mùi thối mùi chó mùi chuột tràn ngập căn nhà trong khu bãi rác. Khách đứng lên về, những cái lông chó bám vào áo vào quần bay bay nhói nhói như kim chích.

 

Cái buổi chiều năm đó, tôi quyết định để hai con gái nhờ bạn bè và cậu Giang hàng xóm đến hộ một tay, cho mấy nhà đến bắt hết bốn con đi.

Thực ra ban đầu chỉ cho bắt đi ba con là Money con, Kit và con Đen. Chúng tôi không thể nuôi được năm con chó cùng một lúc trong nhà. Bàn đi tính lại, đành phải giữ Lucky lại, vì theo mọi người chó lọt vào nhà phải nuôi, nếu không sẽ mất lộc. Mà như tôi đã kể ngay từ đầu câu chuyện Thế giới tối đen, tôi không thể để mất lộc. Chúng tôi rất cần tiền. Tôi cần tiền để nuôi hai con gái lớn khôn. Con cần giữ lại trong gia đình Money & Kít, đó là Đốm. Vì nó quá đẹp và thông minh. Nó lại ít cãi nhau với Lucky. Hơn nữa, tôi muốn cải đi, không muốn nhìn thấy hậu duệ màu đen tuyền của Money lại sinh tật ăn xác con như Money con.

Chúng tôi tìm mãi những địa chỉ tin cậy để tặng chó. Cũng phải cho họ cam kết không được để cho ai thịt mất mấy con chó yêu của chúng tôi.

Cẩm Ly và Nam Ngọc quyết định, khi họ đến bắt chó, mẹ phải ở ngoài quán, không được về nhà nhìn cảnh ấy. Tôi ở ngoài quán, nhìn trời đất thấy mù mịt. Trên bầu trời phía tây, từng đợt mây mù kéo tới. Lòng tôi trống rỗng. Như có từng cơn gió lạnh tràn qua. Cẩm Ly gọi ra: “Mẹ ơi, nhà cái Chi đến bắt con Money con rồi”, tôi nằm vật xuống nền nhà sau quầy bar, cố ngăn từng cơn quặn thắt cứ dâng lên. Tôi thầm mắng Money con: ai khiến mày ăn con mày, mày phải đi đầu tiên là đúng rồi. Đừng trách tao ác. Nam Ngọc gọi ra: “Mẹ ơi, đến lượt anh con bác của Tuyết đến bắt Kít đi. Đang cho nó vào cái lồng. Nó không biết gì cứ ngoay ngoảy cái đuôi không chịu vào lồng”. Nước mắt tôi tuôn xuống mặt, liệu sau này tôi có bị chúng oán hận? Các con lần lượt gọi và kể: “Mẹ ơi, con Đen đi rồi. Nó cứ kêu ăng ẳng đòi mẹ nó. Nhà hàng xóm của anh Tuấn bạn chị Ly thích nuôi con Đen lắm”.

Một gia đình đã tan rã.

Chỉ vài ngày sau, Đốm cũng bị đi nốt. Sau khi cha mẹ và anh Đen đi, Đốm không muốn ăn, suốt ngày quay ra tấn công Lucky như để trả thù. Đúng lúc cậu nhân viên cũ của quán đến chơi. Nó xin nuôi Đốm. Nó hứa sẽ chăm sóc Đốm tử tế. Sau này thân phận của Đốm cũng giống như ông nội Money của nó, bị người ta câu đi mất, mà nó ở quê cũng không được chăm sóc như ông nội và mẹ nó khi xưa. Mùa đông nó phải ngủ ngoài hiên rét buốt, ăn thì phải tranh giành với sáu con chó khác của cộng đồng nhà anh chị bố mẹ cậu nhân viên. Khi cho Đốm đi, tôi thương lắm, nhưng không có cảm giác đau đớn vì yên tâm nó đã được gửi vào nơi yên ổn. Đốm ơi, không ngờ mày là con chó bị giết sớm nhất trong gia đình Money & Kít.

 

Bây giờ Lucky - Cún vẫn ở với tôi ở khu bãi rác.

Khu bãi rác giờ vẫn không được thành phố cho lập tổ dân phố, dù đến kỳ bầu cử, mọi cư dân ở đây vẫn được cầm lá phiếu đi bầu. Cái ngõ nhỏ rác rưởi ngày xưa nay các hộ chung nhau tiền, đổ đường bê tông sạch sẽ. Điện đã có công tơ riêng, dù vẫn bị dùng loại điện hai pha. Nước vẫn phải mua mười nghìn một tiếng bơm về. Cánh nghiện hút đã bị quét vắng hẳn. Chị em nhà con Út, sau khi đi cải tạo, đi chữa bệnh, nay trở về làm nhà cho sinh viên thuê. Họ sống lầm lũi và khiêm cung hơn.

Giang đã lấy vợ và tôi không bao giờ gặp được cậu, dù hàng ngày tôi vẫn về. Có thể do tôi không bao giờ còn cần cậu ta sửa hộ ống nước. Công an hộ khẩu thì đã thay đổi lần lượt hơn chục người.

Những gì bên tôi giờ cũng đã khác. Cẩm Ly và Nam Ngọc đã trưởng thành. Người khách ngày nào bị lông chó bám vào người nhiều nhất giờ đã là chồng tôi. Hàng ngày Cún vẫn quẩn chân tôi nhất, kể cả khi nó gãi ghẻ, nó cũng cứ nhằm chỗ tôi ngồi làm việc mà ra sức gãi. Đôi khi tôi bị những con mò chó nhảy vào người, thì thầm ca hát, nhảy những vũ khúc dã man nhất mà chúng có thể nghĩ ra. Thỉnh thoảng Lucky bị chồng tôi đá cho một phát kêu ăng ẳng. Tôi xót, bảo “đó là vật quý duy nhất còn lại”. Khi nói điều này, lòng tôi nhói đau nhớ đến Money bố, Money con, Kít, Đen và Đốm, nhớ cái bào thai chó bị mất đi một cách bí ẩn. (Dù cũng phải cho mãi đến tận những ngày này, Money con mới được tôi giải oan).

Dường như tôi không yêu Lucky bằng chúng. Dù Lucky là một cái gì đó duy nhất còn lại của ba mẹ con tôi những ngày tháng gian nan mà đầm ấm xưa.

Vì nó, tôi đã đánh đổi một gia đình ruột thịt của Money.

Vậy mà tôi vẫn được ban phát. Sự ban phát đến từ cái thế giới tối đen xa thẳm tuyệt đẹp của bầy chó.

 

Võ Thị Xuân Hà

-Thái Hà, 22/4/2008-

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14929)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14938)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14919)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15404)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17736)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19476)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13966)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16581)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15718)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15822)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.