- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mô Phật

19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 100381)
ntlam_hodinhnghiem-content

1. Lên năm thứ hai, lớp tôi có được một người mẫu mới. Một người con gái. Áng chừng hai mươi bốn hai mươi lăm, và như thế chị ấy lớn tuổi hơn bọn tôi. Chị còn trẻ, rất trẻ, nhưng nhìn chị, không là thầy bói, tôi vẫn biết người ấy có một cuộc sống chẳng mấy vui. Điều gì đó hiển hiện quanh người chị, bao phủ lên, tác động rõ trên gương mặt làm kẻ ngắm nhìn phải bật ra một nhận xét ban đầu: Buồn.
Tôi chưa là họa sĩ, tôi còn là sinh viên trường Mỹ thuật. Phải thêm ba năm nữa mới thi tốt nghiệp. Và từ giã ngôi trường cổ kính ấy, không chắc tất cả học viên đều trở thành họa sĩ. Khi ngó sâu vào đôi mắt chị, ngắm trọn vẹn khuôn mặt có hơi gầy kia, tôi biết sẽ khó mà lột tả, vẽ lên mặt giấy cái hư hao phiền muộn luôn ám trên dung nhan kia. Nhưng giờ hình họa của bọn tôi chỉ đặt nặng ở phần tổng thể. Chị sẽ ngồi trên bục, giữa căn phòng luôn đóng kín cửa. Tùy góc cạnh khi dựng giá vẽ, bạn sẽ tóm gọn cái nhân dáng kia, cân đối, hoàn chỉnh, đặt giữa khung giấy hình chữ nhật. Khi đo đạc, bạn sẽ dùng cái đầu người mẫu làm đơn vị chuẩn. Chị ấy không cao, khoảng một thước sáu hai, từ đỉnh đầu tới gót chân sẽ cho ra một kết quả: dài 6 đầu rưỡi nếu đứng thẳng.
Giống như một lề luật chẳng cần soạn thảo, người mẫu mới sẽ không khỏa thân toàn phần thời gian đầu. Chị ấy tần ngần cởi áo, rụt rè cởi quần, ái ngại ngồi xuống chiếc ghế đã được định vị đánh dấu bằng phấn trắng. Đồ lót chị dùng có vẻ như hàng nội địa, thô, dày, rẻ tiền; nói chung là xấu. Tựa như ta dùng kéo để cắt cụt cái quần đùi, xẻo bớt cái áo thun. Mặc nó chắc không có cảm giác thoải mái dễ chịu. Nhưng cởi nó ra, trước mười lăm cặp mắt luôn nheo luôn ngó luôn tọc mạch luôn muốn lột truồng sự vật, e sẽ mang cái cảm tưởng mình đang bị tra tấn. Yêu cầu đặt ra: Ngồi yên càng lâu càng tốt, tối thiểu thì mười lăm phút. Ngạc nhiên thay, chị ngồi không cục cựa gần cả nửa giờ. Ngồi chẳng vọng động, hơn cả thiền giả. Bởi vì ngồi im re và phơi bày ở dáng vẻ một sự cam chịu, nhẫn nại trong câm lặng.
Mùa đông ở Huế, không nói bạn cũng mường tượng ra được cái tái tê kì lạ của nó. Không gian luôn ẩm thấp, gió luôn xao động trên hàng lá cây mù u cây nhãn cây bàng cây phượng cây sầu đông mọc suốt chiều dài con đường bên ngoài cổng trường. Tất cả chúng đều loáng ướt, sụt sùi, run rẩy. Màu trời thì âm u, ẩm đục, ám tối. Nó xuống thấp để nuốt chửng hình dáng lá cờ treo rũ trên đỉnh cột. Tôi luôn để ý đến cái xô sắt dùng đựng than. Tôi sẽ quạt, thổi, để nó cháy lên những ngọn lửa nhỏ bé hầu giúp chị ấy chống đỡ cái lạnh chút nào hay chút đó. Cái “máy sưởi” kì quái ấy đặt cạnh chỗ chị và nó có vẻ yếu đuối luôn để cho heo may hàn khí trấn áp. Da chị tái xanh, vú chị có lẽ sẽ đang thu nhỏ lại với da nổi hột. Mắt chị đặt để vào khoảng không, đâu đó ở góc phòng. Thỉnh thoảng tia nhìn quét vội ngang tôi. Chẳng lâu, nhưng tôi cũng cảm nhận được nó ngầm nhắn gửi một lời cám ơn.

Một hôm, khi lên văn phòng để ký nhận tiền học bổng, tôi thấy chị cũng đứng đợi lãnh tiền. Người thư ký phụ trách gọi tên và đó là lần đầu tôi biết cô người mẫu luôn rụt rè kia mang tên Hoa. Không dọ hỏi, nhưng tôi hình dung được số tiền khiêm nhường mà chị sẽ nhận cho công việc làm người mẫu. Tôi lấy xe đạp rón rén bên chị và mạnh dạn đưa ra lời đề nghị:
- Chị đi mô, tôi sẽ chở. Về nhà hay ghé chợ?
- Đừng… Không đi chợ. Mà nhà thì ở chỗ xa lắm.
Trời thương, trời tạnh, trời không mưa. Nếu mưa tôi sẽ bỏ mặc chị. Trời chẳng nắng, nhưng khô ráo. Thứ thời tiết khiến người ta thèm ngồi cùng nhau bên cốc cà phê, nhất là người ta đang có rủng rỉnh chút tiền trong túi.
- Không chợ mà chẳng nhà, như rứa là chị rảnh. Cứ leo lên đi, tụi mình tìm quán cà phê. Chị Hoa tính sao?
Hoa không biết tính làm răng. Tôi nghĩ vậy. Dùng dằng nửa muốn nửa không. Tôi đoán thế.
- Một người đi bộ, một đứa đạp xe quờ quạng bên hông. Có phí cả một buổi chiều không?
- Uống cà phê để làm gì?
Mái tóc làm che gương mặt. Một gương mặt luôn cắm cúi khi bước, làm như con đường nhiều chông gai và sợ bàn chân dẫm phải. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ đón nghe một câu hỏi kì cục như vậy. Ở lớp mẫu giáo, có thể nghe hỏi: Ăn cơm để làm gì? Dạ thưa cô, ăn cơm để sống.
- Không cứ là cà phê, uống thứ khác cũng được. Người ta vào quán vì khung cảnh ở đó có vẻ hợp cho những tâm sự.
- Nếu chẳng có tâm sự thì vào đó có phí không?
- Không phí. Tuyệt đối không.
Tôi để Hoa toàn quyền lựa chọn địa điểm. Hoa chẳng nặng, tôi chẳng nhọc khi thồ cái nhân dáng tôi vẽ cả mấy chục lần. Nhắm mắt, tôi có thể mường tượng ra vị trí những nốt ruồi ẩn hiện thầm kín trên da thịt Hoa. Tôi đã dời đôi giá vẽ ở đủ mọi góc cạnh. Tôi đã “ăn tươi nuốt sống” cơ thể Hoa từ trước ra sau. Tôi ngủ, vắng những mộng mơ. Thảng hoặc, chiêm bao rất đỗi ngắn ngủi sật sừ: Tôi ôm Hoa đứng hôn nhau trên ngọn đồi trọc, cỏ cây cằn cỗi và ở đường chân trời thì sắc sảo một nhát cọ đỏ bệt ngang, chảy máu.

2. Tựa vết dầu đang chảy loang, người ta đồng loạt bỏ chạy, tôi cũng chạy. Người ta hốt hoảng, tôi cũng mặt cắt chẳng còn giọt máu. Người ta bồng bế nhau chất chồng lên xe đò, tôi vác mạng không bám đu như thằng lơ xe chính hiệu: Tới luôn bác tài! Người ta khản tiếng ơi ới gọi nhau xa bầy lẻ bạn, tôi ngậm câm lòng rất chật những hoang mang. Người ta ngó lui, như ngó những cột mốc kỉ niệm đang gắn xuống Quốc lộ 1. Huế ơi, tạm biệt hay vĩnh biệt? Tôi cũng ngó lui, “tha hồ mây trắng bay”!
Vào Đà-nẵng tôi ở đậu nhà bà con, đường Hùng Vương, gần chợ Cồn. Tôi hay ra ngồi quán cóc ở lề đường ngó sự hỗn loạn luôn thay đổi bộ mặt quanh chỗ ngồi thường trực những tiếng động điếc con ráy. Tôi ngồi như một kẻ bị chứng bệnh mộng du. Trầm kha, nhợt nhạt. Lòng tôi bình lặng một cách kì lạ. Tựa một mặt hồ mà những âm thanh đang gây nhiễu loạn kia chẳng rơi được vào trong tôi để làm gợn lên những con sóng. Vì sao? Tôi tự lí giải. Vì nếu chết tôi chẳng có gì để phải sợ hãi. Một đứa cô đơn, một đứa trơ trọi giữa cuộc đời này nó chẳng có gì để bận tâm, hối tiếc. Tôi ngồi, tôi uống cà phê bít tất, uống nước trà nguội, uống câu giờ và có khi bất ngờ, uống cả câu thơ của Nguyễn Đức Sơn: “Tôi về lắng cả buổi chiều, nghe chim ăn trái rụng đều như kinh”. Tôi ngồi, như bức phù điêu đang hồi ẩn hiện rêu xanh. Ba hồn chín viá lộn lui khi tai mơ hồ vọng dội tiếng ai vừa gọi tên tôi. Đã ba ngày vất vưởng, giờ mới có người nhận diện. Giọng vỡ ra, ôi êm ả biết dường nào!
- Nghiêm, vô đây khi mô?
Tôi hoàn hồn và tôi chết điếng. Đứng rất sát, rất gần, rất kề cận bên tôi là Hoa. Hoa của một áo quần lụa là có phần tươm tất. Hoa của một che đậy giữa chốn ta bà. Gần quá, tôi rất muốn ôm Hoa, đưa tay ra là đụng phải, để hiểu, hoàn toàn nó không là ảo ảnh.
- Vô đã ba ngày. Đã ba ngày, cứ ngồi như ri đây!
- Nói nghe thảm. Uống thêm ly cà phê nữa hí? Hoa đãi.
Tôi đùa: Uống cà phê để làm gì? Hoa mắng: Con khỉ. Hoa ngồi xuống ghế đẩu, sát tôi. Lưng dựa vào tường một công sở đã di tản nhân viên. Tôi ngửi được mùi một hương hoa. Có thể Hoa vừa gội đầu xong, hoặc thứ mùi đó từ cơ thể, từ nách Hoa phát tiết ra. Tôi không biết. Tôi u mê ám chướng. Tôi vẫn luôn là đứa con trai lạc loài. Hoa vuốt tóc tôi, ngó tôi lâu, rồi bình phẩm: Hốc hác quá! Vào Đà-nẵng, ở chốn lạ, con người đâm dạn dĩ. Ở Huế, cho tiền Hoa cũng không dám rờ rịt. Lộ liễu quá. Đúng không?
Hoa dắt tôi về chỗ Hoa ở, đâu đó gần cầu Vồng. Lối đi quanh co, con nít mình trần đứng đầy đường với bụi vàng đất cát. Nhà nhỏ, những phòng không gắn cửa, lay động ở đó là tấm vải buông rủ làm màn. Hoa vén màn, phòng kê chiếc giường, thêm cái tủ nhỏ, sít sao, vừa đủ diện tích. Muốn ngồi, chỉ có giường là nơi đặt đít. Giường trải chiếu, in lem luốc chữ Phúc nằm chật chội trong vòng tròn. Chữ Phúc bốc mùi, không là mùi của ẩm mục thiếu nắng mốc meo. Một đứa bé chạy ào vào, hộc tốc. Môi khô, hơi thở gấp: “Chị Lệ, chị Lệ có khách đợi”. Hoa ngó tôi, Hoa dùng tay đẩy thằng nhỏ ra khỏi phòng: “Em nói lại với họ là bữa ni chị không đi. Chị bị cảm, nhức đầu chóng mặt, buồn nôn. Hiểu không? Mai mốt hẵng tính”. Hoa trút bỏ áo quần. Tôi quen thuộc với cơ thể ấy, nhưng vùng kín đáo của Hoa là nơi chưa một thằng sinh viên mỹ thuật nào được ngắm nhìn, ngoại trừ tôi, hôm nay.
- Để Hoa chỉ cho xem cái ni.
Hoa kéo tấm màn. Phiá sau, dán trên ô kính cửa sổ là tấm giấy cứng vẽ hình một thiếu nữ mặc đồ lót ngồi trên ghế. Bản vẽ vụng, chẳng mấy đẹp kia có viết tên tôi bên dưới. Đó là bài làm cách đây đã hai tháng và bài tập ấy mang điểm B. Tôi ngây mặt ra. Hoa kéo tôi đi từ ngờ vực này đến ngạc nhiên khác. Khi chạy trốn, tôi chỉ mang theo cái mong manh của một phận người. Đã di tản, sao Hoa còn nhọc lòng toan tính, ôm đồm mang theo đồ đoàn những thứ vô bổ?
- Không biết nữa. Hoa nói với người trưởng lớp, xin bức này để làm kỉ niệm. Mỗi tối, trước khi ngủ, Hoa đều ngắm nó khoảng năm phút. Hoa tự hỏi: Bao lâu nữa thì mình sẽ tàn tạ, chẳng còn được như trong tranh?
Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối.

3. Có thể, tôi chấm dứt chuyện kể ngang đây. Nhưng, có điều này tôi muốn thưa thêm: Cách đây hai tuần, một người bạn cũ, một họa sĩ tự do đang sống ở Huế, có viết trong email: “… mày còn nhớ cô người mẫu 6 đầu rưỡi năm xưa không? Người đẹp đang là ni cô, mùa lụt bão vừa rồi, em làm việc thiện phát chẩn giúp đỡ những kẻ bất hạnh…” Lúc đó, tôi đã ngồi nhắm mắt lại trước màn hình rất lâu. Tai tôi như nghe được giọng nói nhỏ nhẹ của Hoa hôm nào, một ngày của quá vãng: Tên hai đứa mình ghép lại sẽ tựa như tên một cuốn kinh: Hoa Nghiêm.
Phải, tôi nhắm mắt ngồi rất lâu. Lâu gần bằng một mộng mị khi thiếp ngủ. Tôi tắt computer. Tôi đi đốt thắp một cây hương. Tôi cúi đầu: Mô Phật!

Hồ Đình Nghiêm

Canada
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 33574)
Gió thì chết già trên những tán lá rậm rạp. Nhưng gió thu không chết già mà chết trẻ. Heo may thế, mỏng manh thế làm sao sống quá vài phút dưới tầng tầng lớp lớp cơ man lá cành cổ thụ không có tuổi? Huệ mơ màng mộng mị sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 30981)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 37362)
Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 31248)
Danh xưng cho những địa ốc sang trọng bề thế như vậy là, biệt thự, villa. Vài định tính bổ túc: cổ kính, trầm tịnh, và đúng hơn cả: hoang sơ. Tổng quát, đó là kết luận của những người đứng ngoài, những du khách. Ngoài những cảm nghĩ trên, từ họ, nếu gợn thêm lượng nào trắc ẩn thì nó cũng chỉ như vệt sơn mới, khó sức nhòa nhóa hết mọi vết tích trần thế phong sương của kiến trúc hơn nửa thế kỷ
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 43827)
Triệu Nguyên người Nguyên Thuỷ tỉnh Cam Túc, mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé, đến nay cũng chẳng vợ con gì. Năm Diên Hựu nhà Nguyên, Triệu đến học ở Tiền Đường, trọ tại Cát Lãnh bên bờ Tây Hồ. Lân cận với nơi chàng ở trọ, là ngôi nhà của Thừa Tứơng Gỉa Tự Đạo đời Nam Tống. Triệu ở một mình, nên cảm thấy nhàn hạ thảnh thơi, thường quanh quẩn bồi hồi ra đứng ngoài cửa những khi chiều xuống.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 127973)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32954)
Điều ấy quả là có thật. Mỗi lần nhìn đến chiếc áo ấy, hắn thấy gai ốc nổi lên, xương sống ớn lạnh. Nhưng hắn vẫn thích giữ nó, hắn vẫn thèm được mặc nó. Đã bao lần hắn định lấy ra mặc nhưng rồi hắn dừng lại. Hắn sợ. Chiếc áo ấy là quà của tên bạn thân tặng hắn sau chuyến du lịch Châu Á.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34626)
Xe qua lại tấp nập, người đông hơn, hình thức cũng thay đổi như tấm thân lâu nay mặc áo vá, áo cũ hôm nay khoác lên chiếc váy lửng và chiếc áo hai dây, chân đi dép hộp, tình cảnh phố phường như người dàn bà sống trong thủ dâm đã lâu, nay có chàng trai đến gõ cửa, chẳng biết phải dâng phần nào cho chàng. Nàng lại nghĩ tấm thân nàng. Tấm thân như tàu lá cải muối rách bươn, nhầu nhĩ lên men mặn chát và chờ người mua.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 41974)
Đêm đặc như lớp nhựa trải trên mặt đường. Chàng ngồi trong vũng keo đặc ấy, cố tìm một hình bóng thân quen. Mưa ngoài khung kính. Không khí mát dịu. Những mảnh vụn của giấc mơ dán chập lên nhau. Rồi một mảnh vụn tuột ra, rơi xuống nền nhà. Cơn mơ nồng cháy bị cắt ngang vì tiếng đấu kiếm loang choang bên ngoài. Chàng mở choàng con mắt. Qua cái khe hẹp dưới khung cửa, ánh đèn phòng khách nhập nhòa.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 40637)
Có tiếng nổ uỳnh uỳnh như tiếng cà nông, tiếng bánh xe lộc cộc trên đá dăm lao vào ngõ, gạt cánh cổng gỗ đánh xoẹt. “Thằng mất dạy nào đấy, có biết nhà ai đây không mà láo lếu thế hở? Thằng nào? Bà có ra mà lôi cổ nó vào đây tôi dạy cho một bài không! Con cái nhà ai thế không biết?”. “Bố! Con đây chứ thằng nào. Bố lại đang uống rượu à, may quá, con về đúng lúc. Đang thèm rượu muốn chết đây bố ạ”.