- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ma đuốc

21 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 40268)
lamquynh

LTS: Lâm Quỳnh là bút hiệu của cô sinh viên khoa Văn ở trường Đại Học Văn Hoá tại Hà Nội, lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Một người viết mới với nhiều tiềm năng. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí văn hữu và độc giả truyện ngắn “Ma đuốc” của Lâm Quỳnh.
Tạp Chí Hợp Lưu


Ở làng này, nhiều đứa trẻ sinh ra không biết khóc biết cười. Chúng lớn lên trong một bộ dạng gớm ghiếc, quái đản. Những đứa trẻ giống quỷ sứ hơn là con người. Họ truyền nhau rằng, những người đàn bà trẻ đi đêm, gặp phải con ma đuốc rồi về mang thai và sinh ra chúng.
***

Những đẩy lưới ráo khô ráo hoảnh, không một giọt nước hắt lên. Cái mặn của biển từ từ nhả vào không khí, thoát thai dưới cái nắng cái mưa bao mùa, từ từ chảy về lại biển khơi. Chiếc thuyền thúng nằm im bao nhiêu đêm sương gió vẫn không thể nào lên nổi mùi rêu mốc dưới cái nắng cháy thịt cháy da ở xứ biển này. Những chiếc thuyền thúng không còn mang khái niệm ra khơi. Mọi thứ lặn ngụp trong sự lu mờ của thời gian, của những mong ngóng, chờ đợi.

Biển buổi sáng xanh như màu ngọc. Những con sóng con con uốn lượn rồi xô nhau vào bờ như trò chơi đuổi bắt. Mặt biển bình yên đến lạ. Hình như mọi thứ tĩnh lại để đón mặt trời lên. Mặt trời lên, mặt trời đuổi mây bay lên cao hơn, đường chân trời và phía tít tắp của biển vẫn không ranh giới. Một vàm màu xanh rủ xuống một mặt phẳng xanh. Không ai đón biết phía đấy là chỗ nào. Ai ra biển buổi sớm, chỉ kịp nhìn thấy những dấu chân còng chòng chành trên cát đêm hôm qua còn sót lại. Những dấu chân còng đi tìm bạn tình của chúng. Chúng có thể thảnh thơi mà vẽ lại trên cát những hình hài không ai định nghĩa được. Chỉ có loài còng ở làng chài này là không hề sợ bị cái chết đe dọa. Đơn giản vì không ai còn rình rập đuổi bắt chúng nữa. Đến hẹn lại lên, theo những tín hiệu những con còng gió bò đi tìm nhau.

Một tiếng sét vỡ ngang trời, một trận mưa san bằng sóng biển, và gió rú gầm, nghịch ngợm những chiếc thuyền ngoài xa như một trò chơi ngửa sấp.
Sau một đêm, cái làng chài nhỏ ấy trở thành làng đàn bà. Cơn bão biển làm tội làm tình số phận những người đàn bà ở cái làng này. Nó mang cái lốt góa phụ về tròng lên đầu lên cổ những người mang thiên chức đàn bà ở cái xứ cát cằn nắng hanh này.Nỗi đau hiện nguyên hình trên những gương mặt. Ngày nỗi đau ấy lặn vào trong, có một nỗi đau khác xếp chồng lên chúng.

Chị có đôi mắt đen. Trời cho chị cặp môi mọng đỏ để mỗi lần cặp môi ấy dẩu lên, thì y như rằng có một sự chín mọng như sắp bung vỡ. Da chị trắng mịn như trứng gà bóc. Con gái làng này chỉ chị là nước da không bắt ánh nắng khó chịu. Chị gánh khỏe. Chị gánh tận hai rổ cá đầy mà chân cứ như lướt trên cát. Cái nón chỉ đủ phủ nắng đến cằm. Chiếc áo cộc không đựng hết cái nắng trải lên cánh tay, phủ lên bàn tay có những ngón mềm mềm, trăng trắng. Nắng dàn trải như thể một sự bắt gặp đã được đợi chờ từ bao lần, bao ngày. Người ta bảo tóc chị xoăn, số khổ lắm. Chị bỏ ngoài tai những lời người ta bảo. Sướng khổ tại mình. Đôi lúc cầm chiếc lược lần gỡ những sợi tóc rối, gỡ suốt cả buổi sáng vẫn còn những sợi tóc rối. Chị vẫn bình thản lặp lại cái động tác ấy. Bình thản một cách lạ lùng, như một sự tất yếu, một sự cam chịu. Mà cũng đúng, cái thiên chức của người đàn bà là chịu đựng và hy sinh, má vẫn thường bảo thế. Chị giống má. Nhưng tóc chị không thẳng như tóc má. Tóc chị xoăn. Ừ thì số khổ. Rồi lại quên. Rồi lại chải tóc.

Rồi có một ngày, chị đứng trước gương lâu hơn. Chị bắt đầu để mắt tới bộ quần áo mặc trên người, đến kiểu tóc, đến dáng đi. Đêm, chị trở mình nhiều hơn và hay ngủ muộn.Chị đã yêu.

Mười tám tuổi, chị về bên ấy làm dâu. Con dâu trưởng, con dâu một.

Ba tháng ở nhà chồng, nào đã kịp hết những thảo thơm, đằm thắm. Mái tóc xoăn ấy bây giờ bới cao hơn sau gáy để chiếc khăn trắng muốt chít ngang đầu chặt hơn. Chiếc khăn trắng muốt nhắc chị đã qua một đời chồng. Một đời chồng tính bằng phép tính cộng ba tháng ở dương trần với đáp số là chín mươi ngày làm vợ. `

Chị vẫn ngồi gỡ tóc rối cạnh cửa sổ mỗi buổi sáng. Cửa sổ quay về hướng mặt trời lên. Những làn khói hương bay lên từ bàn thờ cũng bị hút về phía ánh sáng ấy. Riêng chỉ có ánh mắt đi ra từ chiếc ảnh thờ là không bị trôi tuột ra ngoài cửa sổ, nó dừng lại trên chính gương mặt người đang ngồi chải tóc. Như một sự trăn trối. Như một điều tạ lỗi. Hay như một điều van xin, nài nỉ. Nó bi ai đến lạ, nó nhức nhối đến lạ.

Nắng dọi vào mắt, vào cổ, vào cánh tay, vào tất cả những chỗ nào không né tránh được. Sự điềm đạm dâng ngược lên mắt nhưng không xóa được những mông lung xa xôi trong mắt. Đôi mắt tròn và đen. Đôi mắt bao nhiêu đêm úp mặt lên gối. Má cho chị nhiều sự điềm tĩnh đến thế để làm gì cơ chứ. Hai cánh môi khẽ cựa động nhưng âm thanh không bật ra khỏi cuống họng. Chị vẫn ngồi gỡ tóc. Bình thản đến lạ lùng. Gỡ mãi vẫn rối. Gỡ hết thời con gái vẫn rối. Rối. Rối. Rối. Ừ thì số khổ.

***
Chợ đêm nay thưa người. Tiếng cười nói, tiếng ngả giá lặn sâu vào tiếng sóng vỗ cả tiếng gió thổi. Đêm rằm, trăng trong như chiếc gương, dọi xuống đáy nước tất cả những lung linh và huyền hoặc. Trăng sáng quá nên biển đêm mất mùa. Ở làng này từ dạo đàn ông còn đi khuya về sớm trên biển cũng thế. Đến mùa trăng là người ta cho thuyền, thúng lên bờ, về nghỉ biển. Trăng sáng quá, mắt con cá cũng tinh ranh hơn. Những miếng mồi có ngon đến chừng nào cũng không đủ sức vẫy gọi chúng lại gần lưỡi câu. Mùa trăng của những người đàn ông làng chài là mùa trên cạn. Một tháng lênh đênh trên sóng biển, đàn ông khát hơi vợ, đàn ông đói hơi vợ. Đến mùa trăng lên, họ trở về trút bỏ mùi mặn của lòng biển phía ngoài bậc cửa, trút bỏ những khô cằn như nắng biển phía ngoài bậc cửa... Những hơi thở dốc lặng vào tiếng đêm. Mùa trăng của những người vợ làng chài là mùa tân hôn.

Như một tập tục, chẳng biết có từ bao giờ, bãi dứa là nơi hẹn hò của trai gái làng vào mỗi mùa trăng. Bãi dứa đêm trăng vui như ngày hội. Họ tán tỉnh nhau. Họ rót vào tai nhau những lời đường mật. Họ thề hẹn. Họ nói về những đứa trẻ con... Từ bãi dứa đêm, biết bao nhiêu con gái làng đã thành đàn bà.

Ngày trăng đầu non đi trễ về muộn, bãi dứa thành bãi tha ma từ đó. Chỉ còn những cái bóng xiêu vẹo, dật dờ như bóng ma, kiếm tìm những miếng giẻ trong đống rác ứ đầy mùi để trang trí lên người. Ban ngày, người làng xa lánh những cái bóng dặt dẹo ấy. Con gái làng đi đường gặp họ là y như rằng bị ma đuổi, chạy bán sống bán chết. Mà chạy cũng phải. Không chạy thì có thằng nó cũng đè ra giữa đường, nó vây, nó bắt cho bằng được. Tiếng cười sặc sụa bao trùm lên không gian một sự hãi sợ Những người đàn bà cũng gấp gáp đi những con người ấy. Họ nằng nặc mùi xứ uế. Đó là những người đàn ông còn lại của làng.

Chợ đêm họp vào khoảng giữa khuya bên bờ biển. Những người lạ chở cá, mực từ làng khác đến bán. Người làng mua về rồi sáng mai mang đi bán dạo. Chợ họp thường xuyên kể từ khi đàn ông làng không ra khơi nữa. Ngày bình thường, chợ đông như đám hội. Đêm trăng, chợ vãn người. Chuyến hàng về muộn, mấy người già cứ sắp tay đi đi lại lại, mấy người đàn bà trẻ thì tụ tập huyên thuyên chuyện làng chuyện xóm. Mấy đứa con gái nằm sải người ra đất, gối đầu lên cây đòn gánh. Cánh tay vắt ngang đầu, nửa người nghiêng về phía trăng dọi. Dưới trăng khuôn ngực mười tám chảy tràn sau làn áo, tấm áo mỏng như vải sưa không giấu nổi những đường cong gợi tình. Đôi môi mọng đỏ những khát khao đến bỏng lòng. Sóng xô nhẹ bờ bằng những âm thanh như lời mời gọi chân tình.

Đêm nay, chị cũng theo mẹ chồng ra chợ. Chị không góp vui vào câu chuyện của những người vợ trẻ, không nằm sải người lên cát. Chị sợ cát len lỏi vào người, miên man, đánh thức những thèm khát đang muốn bật dậy của một người đàn bà. Chị sợ điều đó xảy ra như một cuộc làm tình chóng vánh giữa chính mình và cát. Sợ sự mơn trớn của cát lên cánh tay mình, lên bắp chân mình, lên khuôn ngực căng mọng muốn bung vỡ của mình. Ba năm, tấm ảnh thờ của chồng giờ đã đặt trên bàn thờ chính. Ba năm, trên chiếc giường đo bằng từng giây, từng phút của bước đêm, chị dối mình bằng những xúc cảm của đêm tân hôn, những tháng ngày làm vợ. Nhưng sự thật luôn khiến người ta hụt hẫng, quằn quại, đau đớn. Người vợ trẻ khát hơi chồng như khát không khí để được thở, được sống.

Chị giấu cảm giác xấu hổ và mặc cảm vào dòng khí nóng chạy dọc khắp người. Chị đi về phía biển. Nước biển đêm lạnh mát. Nước biển đêm có làm tắt được ngọn lửa của ái ân đang đốt ruội trong lòng. Nước biển làm bộ quần áo ướt bết chặt vào người, màu da trắng nõn trắng nà cứ như muốn được khỏa thân dưới đêm trăng. Nước biển làm bết chặt mái tóc. Mái tóc xoăn càng rối rắm thêm. Chị không buồn gỡ, không buồn chải. Mặc sức rối bời trên vai.

Chợ tan trước hai giờ sáng. Người ta đồn rằng sau hai giờ con ma đuốc sẽ xuất hiện, nhất là vào những ngày rằm. Những ai đi đêm mà gặp phải nó thì về không chết cũng đượcmột trận ốm thập tử nhất sinh. Những người đàn bà trẻ mà nhìn thấy nó thì về sẽ mang thai rồi sinh ra những đứa trẻ nửa ngợm nửa người, mặt mũi đầy những khối u lởm chởm. Lớn lên, có đứa đầu thì to như quả dừa mà chân tay chỉ bé bằng cổ tay trẻ con, đứa thì thừa mắt, thiếu mũi, có đứa chân tay dài leo kheo như cây sậy, điên điên, dại dại...

Người trong làng bảo con ma đuốc là hiện thân của những vong hồn đàn ông làng này. Họ chết ngoài khơi, xác ở lại ngoài khơi, linh hồn họ không về trong những ngôi mộ gió nên họ lang thang bên biển mỗi đêm. Nhìn từ xa, con ma đuốc chỉ là một đốm lửa nhỏ di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong đêm, còn có cả tiếng gào thét, tiếng khóc than đến rợn người.

Con còn trẻ. Mệ không muốn bó buộc cuộc đời con trong ngôi nhà này. Nước mắt rưng rức. Con lạy mệ, mệ đừng xua con. Một ngày cũng là nghĩa vợ chồng. Con tự nghĩ mình có tội lắm lắm vì chưa kịp sinh cho mệ một đứa cháu bế bồng. Đừng con à. Mệ không xua con. Con tự làm khổ mình chi rứa.

...

Người mẹ chồng không nghe tiếng chó sủa phía ngõ mỗi đêm, không nghe tiếng chân ngoài bậc cửa nửa khuya mà cái bụng con dâu lùm lùm lớn lên sau vạt áo.Tiếng thở dài của hai người đàn bà trong ngôi nhà trống gió va vào bậc cửa rồi dội lại, tiếng thở dài làm nên nỗi buồn ứ đọng, không ai có thể gọi nó thành tên.

Cả xóm được tin bà Chù chết đêm qua. Người già lo việc khâm liệm, người đi tìm đất đào huyệt. Họ bàn nhau đưa bà về gần ngôi mộ gió của chồng và ba đứa con trai trên đồi cao cạnh bãi dứa. Cơn bão biển năm trước đã khiến bà thành kẻ không gia đình. Ba đứa con trai theo cha ra khơi và không bao giờ về nữa. Ngày bà Chù nhận tin đại tang , bà trở nên điên dại. Có những lúc tỉnh táo, bà gào khóc đến xé ruột xé gan. Cả một làng trắng màu tang tóc, rồi người ta dần quên bà sau những lần bà bỏ nhà đi lang thang đến làng này làng nọ. Có thể không nhớ nổi tên mình, có thể không nhớ nổi con đường về làng, nhưng cứ mỗi dạo ngày rằm, bà Chù đều đặn mang hương đèn ra cắm dày đặc ngoài bãi biển, nơi gần bãi dứa làng. Người ta không biết bà Chù ra biển từ bao giờ rồi lại đi về đâu.

Người ta tìm thấy xác bà bên bờ biển. Nước biển làm đầu tóc bện chặt, rối bời. Miệng bà ứ đầy cát và nước dãi. Chắc khi sắp chết bà vẫn còn khóc gào, kêu thét. Đã chấm hết một cuộc đời.

Lại thêm một tin đồn: Bà Chù đi đêm, bị con ma đuốc bắt vạ. Chết.

Mặc bãi dứa có thành bãi tha ma hay nghĩa địa bên biển thì những cái bóng dặt dẹo vẫn đi về phía ấy mỗi đêm. Đống rác thải được di tản từ nơi này đến nơi khác, đống rác bé thành đống rác to, chỉ có điều, trong những đống rác ấy không ai có thể tìm thấy một miếng giẻ.

Từ hôm ấy, không còn còn ma đuốc đến làng nữa.

Chị ra lễ mở cửa mả (*) bà Chù về, với tay bóc tờ lịch đã là ngày mười tám. Một cảm giác ê chề, mệt mỏi choáng ngợp trong lòng. Bao nhiêu năm qua chị vẫn không bỏ thói quen ngồi chải tóc cạnh cửa sổ. Mái tóc ấy đã rụng đi hơn nửa. Vẫn xoắn tít vào nhau rối bời. Ngày xưa ai đã bảo tóc xoăn là khổ. Bây giờ mới thấy cái khổ nó ăn rễ vào chính cuộc đời chị như thế nào. Nhưng biết đến bao giờ tóc mới hết xoăn cho cuộc đời hết bể trần ai. Đôi cánh tay rũ rượi bên song cửa, chợt tiếng bom nổ từ trên màn hình tivi làm chị rùng mình giật thót. Tiếng bom như tiếng sét vỡ ngang tai, tiếng bom xoáy vào phần thinh không trong chị. Tiếng bom nổ như va vào không khí và cuối cùng, những mảnh vỡ như bắn ra xung quanh tung tóe, một vài mảnh vỡ còn lại như găm vào phần nỗi đau những ngày qua chưa kịp lặn vào trong. Chị định thần bằng những cái chớp mắt, dấu tay thành hình lên song cửa. Chị chợt nghĩ về bãi tha ma, nghĩ về những dáng người dặt dẹo nơi ấy mỗi đêm. Cái điềm đạm, cái bình thản tìm đến sự bung vỡ. Chị ôm đứa con gái năm tuổi vào lòng, đứa con gái cười cười, đưa mấy ngón tay xương xẩu lên sờ mắt chị rồi lại hung dữ dẫy đạp chị ra. Sự khước từ đó như một sự xát muối vào tâm can người làm mẹ. Mắt chị ứ đầy nước, tóc bung xõa trên vai, một vài sợi tóc rụng không rơi xuống đất mà còn vướng trên tay áo. Hình như trong cuộc đời chị, cái gì cũng muốn giành lấy phần dang dở, ngay cả đường đi của một sợi tóc rụng.
Con gái chị là yêu tinh. Trẻ con trong làng bảo thế.
Chị tự biết mình chính là yêu tinh mẹ. Vì chị sinh ra nó...

 LÂM QUỲNH
(*): lễ cúng cách lễ mai táng 2 ngày.














Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14842)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14867)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14795)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15302)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17621)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19399)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13898)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16504)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15613)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15738)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.