- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THUỞ THIẾU THỜI CỦA PETRUS KEY

04 Tháng Giêng 20205:40 CH(Xem: 18264)

petrus-truong-vinh-ky
Trương Vĩnh Ký - 1837-1898

 

[Trích: Petrus Key Trương Vĩnh Ký & Cuộc Xâm Lăng Của Pháp]

 

  

Chương II

THUỞ THIẾU THỜI CỦA PETRUS KEY


Những tư liệu về thuở thiếu thời của Petrus Key đầy chi tiết trái ngược nhau.

Năm 1958, Viên Đài & Nguyễn Đồng cho rằng thân phụ Trương Vĩnh Ký là “Lãnh binh Truơng Chánh Thi,” chết năm 1845 trong khi tùng sự ở Nam Vang (Bách Khoa [Saigon], số 40, [1/9/1958], tr. 43); năm 1846 mẹ (Nguyễn Thị Châu) ủy thác cho một giáo sĩ người Pháp có tên Việt là “cố Long” (tr. 44); năm 1847, Nguyễn Phước Thời (1847-1883), niên hiệu Tự Đức, lên ngôi, cấm đạo gắt gao phải chạy sang Cao Miên [Kampuchea]; năm 11 tuổi nói được 5 thứ tiếng (tr. 44); năm 1852 [sic] được cố Long hướng dẫn sang Đại chủng viện Penang, và ghé qua Sài Gòn gặp mẹ được vài giờ (tr. 44). Tại Penang học tiếng Anh, Nhật, Ấn (tr. 45). Năm 1858 mẹ chết, về Cái Mơn thọ tang. Ngày 28/12/1860 [sic], được Giám mục Dominique Lefèbvre giới thiệu “giúp việc cho Đại úy thủy quân” [sic] Jauréguiberry (tr. 45). Chữ “capitaine” của Pháp ở đây là hạm trưởng, không phải “đại úy” như quân chủng bộ binh. Hải quân Trung tá [capitaine de frégate] Jean Bernard de Jauréguiberry được các nhà truyền giáo tiến cử Petrus Key làm thông ngôn tại Gia Định từ tháng 3/1859. Hải quân Đại tá [capitaine de vaisseau] J. D’Ariès được Đề Dốc [contre amiral] Page cho thay Jauréguiberry từ tháng 2/1860; chính thức bàn giao vào tháng 4/1860.

Mười sáu năm sau, nhà chính khách tự nhận “Đệ tứ Cộng Sản” (Trotskyite) Hồ Hữu Tường, cho rằng Petrus Key sinh trong một gia đình “công giáo” (Bách Khoa; N [404], 5/9/1974, tr.17), cha là “lãnh binh Trương Chánh Thi,” mẹ là Nguyễn Thị Châu (tr. 17). Năm 1847, được một linh mục nhận nuôi (tr. 17). Sau khi học tại các trường đạo, Petrus Key nói thông thạo “10 thứ tiếng khác nhau”: La-tinh, Pháp ngữ, Anh ngữ, Y pha nho, Hoa ngữ, Mã lai, Ấn độ ngữ, Nhật ngữ. (tr.17,18) Năm 1858, mẹ chết; Petrus Key được phép về thọ tang mẹ (Ibid., tr.18). Ngày 20/12/1860, khi người Pháp khánh thành trường Thông ngôn; Petrus Key đứng đầu trường này.(Ibid., tr.18)

Năm 1974, Phạm Long Điền, qua bài “Trương Vĩnh Ký trong quĩ đạo xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp” (Bách Khoa Q [1974], tr. 45-54; & R [1974], tr. 32-42) cung cấp một niên biểu khác: Năm 1842, khi mới 5 tuổi, Petrus Key đã theo Linh mục Tám ở vùng Cái Mơn; bốn năm sau, 1846, theo Cố Long, một Linh mục Pháp (Ibid., tr.47); hai năm sau nữa, 1848, Cố Long đưa qua Pinhalu, Miên (Ibid., tr. 47); năm 1850, qua Pinang, học trường Dulama (Ibid., tr. 47); năm 1857, nghe mẹ từ trần, rời Pinang về Nam Kỳ (Ibid., tr. 47-48); hai năm sau, được Giám mục Lefèbvre giới thiệu cho người Pháp. Rồi năm 1861, Cố Doan [Đoan] làm mai cho lấy vợ, Vương Thị Thọ, con Vương Tấn Nguơn, Hương chủ làng Nhơn Gian, Chợ Quán.

Trong nước, năm 1993, Nguyễn Văn Trấn hầu như chỉ lập lại những lỗi lầm của người đi trước: Petrus Key sinh ngày 16/12/1837 tại Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). (Trấn, 1993, tr. 9) Cha là võ quan dưới hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị, “làm sứ thần bên cạnh vua Cao Miên, đóng quân ở phụ cận Nam Vang,” chẳng may chết vì “ma thiêng nước độc” khi Petrus Key mới có 3 tuổi [tức 1839 hoặc 1840]. Hai năm sau, Petrus Key học với một ông đồ. Năm 1846 được một giáo mục An Nam là “cố Tám” từng chịu ơn Trương Chánh Thi ghé nhà, xin mang đi nuôi ăn học. Cố Tám chết, một linh mục Pháp là cố Long đưa Petrus Key lên Nam Vang, cho vào trường “Pô-nhia Lư” [Pinhalu] của cố Hòa (Belleveaux). Năm 1851, khi Petrus Key đã 14 tuổi, cố Long đưa sang Pinang học “Seminaire général des Missions étrangères en Extrême-Orient.” [sic] Năm 1852, làm tu sinh ở Pinang. Trường này có hơn 300 học sinh, nhờ vậy Petrus Key học được tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hindu (tr. 12). Năm 1859, mãn khóa 8 năm [sic] ở Pinang, “im lặng” về nước. Năm này, Pháp đã chiếm Đà Nẵng, mẹ đã chết. (tr. 13) Dạy học ở Cái Nhum, rồi trốn lên Sài Gòn, ở chung với Lefèbvre. (tr. 16) Tháng 12/1859, trở thành thông ngôn của “quan ba hải quân” (sic) Jauréguiberry. (tr. 17) Năm 1863 được Phan Thanh Giản xin làm thông ngôn cho sứ đoàn qua Pháp [sic].( tr.24)

Khoảng giữa thập niên 1990, tại hải ngoại, Nguyễn Thanh Liêm cũng chép lại gần như nguyên văn các chi tiết trên. Nào là “lãnh binh Trương Chánh Thi dưới thời Minh Mạng,” “chết năm [1845] trong khi đang đồn trú tại Nam Vang” (tr. 12); thuở nhỏ Petrus Key học chữ Nho với thày “đồ Học,” được “cụ Tám” xin mang về nuôi; rồi theo cố Long, cố Hòa học tiếng Latin và chữ Việt mới (tr. 12); năm 1848 qua học ở Miên, rồi qua Pinang; năm 1858, mẹ chết, về nước. (tr. 13)

Khối văn chương được nhiều người nhìn nhận [established] về Petrus Key này có vẻ bất ổn. Chúng ta thử lược duyệt từng chi tiết từ phụ thân Petrus Key tới những đặc tính khác của ông.

“LÃNH BINH” TRƯƠNG CHÁNH THI?

Đúng ngày Thanksgiving 2000, một ông bạn già điện thoại hỏi: “Có chăng một ông Lãnh binh Trương Chánh Thi?” Trương Chánh Thi là người được ghi chép như cha Petrus Key.

Tôi không dám trả lời ngay, hẹn xin trả lời sau khi đọc lại hồ sơ.

A. Theo một tài liệu, năm 1891, Petrus Key viết cuốn Généalogie de la Famille de P. Truong Vinh Ky, tức Gia phả nhà Trương Vĩnh Ký. Bouchot và nhiều tác giả đã nhắc đến tập này. Tôi chưa đọc nên không dám có ý kiến. Nhưng tôi nghĩ Petrus Key, có lẽ không nói cha là Lãnh binh, mà chỉ ghi “võ quan.” Ngoài ra, thủ bút của ông còn ghi “Trương Vĩnh Thế, thày Bửu đỡ đầu; Trương Thị Gia, Bà Se Si La [hay Se Di La] đỡ đầu; Trương Vĩnh Nhi, Mr. Galy đỡ đầu.”[1] Không rõ Trương Vĩnh Thế, Trương Thị Gia hay Trương Vĩnh Nhi là ai, liên hệ với Petrus Key ra sao. Kết luận duy nhất là trong họ Trương, ngoài Petrus Key, còn có ba người khác được Hội truyền giáo nuôi. Riêng Trương Vĩnh Thế có mặt ở  Huế năm 1886, cùng nhóm Lê Duy Hinh, Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Tạo, v.. v.. Linh mục Galy từng được Giám Mục Gauthier gửi ra đảo Nhãn Sơn, Nghệ An, cho một sứ mệnh nào đó.

B. Henri Cordier, trong bài tưởng niệm Petrus Key đăng trên T’Oung Pao (Séries II, I, 1900, tr. 261-268), không cung cấp nhiều chi tiết về cha mẹ Petrus Key. Tương tự, Pierre Khorat, trong bài viết về bốn [4] nhân vật Ki-tô bản xứ nổi danh Đông Dương trên tờ Annales de la Société des Missions Etrangères năm 1913, cũng chỉ đề cập sơ sài về gia đình Petrus Key (tr. 243-249).

C. Sử gia Milton E. Osborne, người nghiên cứu khá kỹ lưỡng về Trương Vĩnh Ký, từng sử dụng các tư liệu gia đình họ Trương cũng như hồ sơ Petrus Key trong văn khố Pháp tại Sài Gòn để soạn bộ The French in Cochinchina and Cambodia: Rule and Response, 1859-1905 [Người Pháp ở Nam Kỳ và Căm Bốt: Cai trị và Phản ứng, 1859-1905], chỉ ghi một cách mơ hồ rằng cha Petrus Key là võ quan, chết khi cậu mới 9 (chín) tuổi, tức vào năm 1846. Osborne suy đoán rằng cha Petrus Key là giáo dân Ki-tô, nhưng chức võ quan của ông ta đã bảo vệ được gia đình trong cuộc bài đạo Ki-tô.[2] 

D. Người đầu tiên nêu lên chi tiết “lãnh binh Trương Chánh Thi” mà tôi được biết là Viên Đài và Nguyễn Đồng, trên Bách Khoa số 40 (1/9/1959) (tr. 43). Chẳng hiểu hai tác giả này đã dựa theo sách nào, hay tự tìm được chi tiết “lãnh binh Trương Chánh Thi.”

Hồ Hữu Tường lập lại chi tiết trên; nhưng vì tác giả Phi Lạc Sang Tàu không phải là nhà khảo cứu chuyên nghiệp, lại không nói rõ lấy tài liệu từ đâu, chẳng nên chú ý lắm. Mới đây, có tác giả ở hải ngoại và trong nước lập lại chi tiết này. Nguyễn Thanh Liêm thì ghi “lãnh binh Trương Chánh Thi” thời Minh Mạng, chết tại Nam Vang năm 1845.[sic] [Nguyễn Phước Đảm cai trị từ 14/2/1820 tới 20/1/1841. Nguyễn Phước Tuyền (11/2/1841-4/11/1847), niên hiệu Thiệu Trị, đã cho lệnh triệt thoái khỏi “Trấn Tây Thành” năm 1841; khiến Tổng trấn Trương Minh Giảng buồn bực, xấu hổ đến chết bệnh. Tháng 8-9/1845, Nguyễn Phước Tuyền lại sai  Võ Văn Giải và Nguyễn Tri Phương đưa quân qua Trấn Tây chống quân Xiêm do Ang Dương [Nặc Ông Giun] đưa về.[3] Sau hơn một năm, ngày 14/4/1847, Xiêm và Huế đồng ý phong Ang Dương làm Cao Man Quốc Vương ở Oudong, và Ngọc Vân quận chúa giữ thành An Man, cùng nhau cai trị Chân Lạp.[4] Cho rút quân khỏi Trấn Tây. Triệu Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Phú, Nguyễn Văn Hoàng, Lãnh binh Trương Tiến, Hồ Hậu và Phó Lãnh binh Lê Viên về chầu.[5] Bổ Doãn Uẩn làm tổng đốc An-Hà, Lê Đình Lý, tổng đốc Bình-Phú, Trần Văn Trung, tổng đốc Long-Tường, Ngô Văn Nhai, Tổng đốc Định-Biên.[6]
Tháng 6-7/1847, Võ Văn Giải kiểm điểm binh mã kéo về kinh. Vua ngự điện Cần Chính. Bọn Giải nộp lại tướng ấn. Thân rót rượu cho Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Phú.[7] Nhân dịp này, Nguyễn Phước Tuyền  giải thích với các Hoàng tử, hoàng thân về nước Cao Man, chê trách Lạp man vô ơn, không cảm nhận được uy đức bảo hộ của Huế.[8]

Riêng Nguyễn Phước Thời (10/11/1847-19/7/1883), niên hiệu Tự Đức, quyết định bỏ quên “Cao Man” trong vùng ảnh hưởng của Xiêm La.

Tóm lại, theo các tài liệu hiện hữu, Trương Chánh Thi là võ quan và có thể đã lên tới chức lãnh binh, ông ta theo đạo Ki-tô, và chết vào ba thời điểm: 1840, 1845 hay 1846.

E. Khi soạn bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945 (gồm 3 tập, đã xuất bản năm 1999-2000) tôi ghi chép khá đầy đủ về bang giao Việt Nam-Chân Lạp và những cuộc binh biến ở “Trấn Tây thành.” Theo sự hiểu biết của tôi [vào năm 2019], bộ Đại Nam Thực Lục, Chính Biên [ĐNTLCB] triều Nguyễn Phước Đảm và Nguyễn Phước Tuyền không hề nhắc đến “Trương Chánh Thi.” Tôi tửng kiểm lại cả ba bản “Sách Dẫn” của bộ ĐNTLCB (trong tập 22 và 26) mà không thấy tên này. Riêng Châu bản triều Minh Mạng thì tôi mới chỉ được tham khảo bản Mục Lục, tập II, do Trần Kính Hòa dịch, Đại học Huế xuất bản năm 1962. Cũng không thấy tên Trương Chánh Thi, dĩ nhiên.

Để bảo đảm hơn cho câu trả lời của mình, tôi tìm đọc những người mang họ Trương ở miền Nam có dính líu đến Chân Lạp (đổi tên thành Cao Man dưới thời vua Nguyễn Phước Tuyền) hoặc xuất hiện tại Gia Định thành.

1. Có ông “Trương Văn Thi” nào đó, nhưng ông ta là con Trương Minh Giảng, một đại thần từng Bảo hộ Chân Lạp khá lâu, trước khi cai quản “Trấn tây Thành” (tức nước Chân Lạp trong thời gian bị nhà Nguyễn chiếm đóng) và đã từ trần khi triệt thoái về tới An Giang vào tháng 10-11/1841 vì buồn bực và xấu hổ. Trương Văn Thi bị rút hàm thất phẩm. Dòng dõi Trương Minh Giảng là Trương Minh Ký, tháng 9/1898 tự nhận là học trò chịu tang Petrus Key. Tôi chưa hề nghe ai nói Petrus Key có họ hàng với Trương Minh Giảng. Như thế, danh tướng xấu số Trương Minh Giảng có thể gạch bỏ trong việc truy tìm tông tích phụ thân Petrus Key.

2. Lại có “Trương Minh Lượng” quyền tri huyện Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long. Tháng 6-7/1837 Tri huyện Lượng tra tấn người đến chết, phải trốn chạy về Gia Định. Không ai nói thân phụ Petrus Key là sát nhân. Hơn nữa, chữ “Minh” và “Chánh,” cũng như “Thi” và “Lượng” khác nhau quá xa, không sử quan nào lẫn lộn được. (Ngoại trừ trường hợp sau này Trương Chánh Thi đổi tên)

3. Lại có Lãnh binh Trương Cầm, phụ thân lãnh tụ nghĩa quân Trương [Công] Định. Chắc không liên hệ gì đến Petrus Key, người thích gọi những lãnh tụ kháng Pháp như Trương Định, Thiên hộ Dương, Thủ khoa Huân, Tán Thuật, Phan Đình Phùng, v.. v... là rebelles (bạn nghịch, phiến loạn).

4. Tri phủ An Biên là Trương Công Bình tử trận vào 1845. Tên ông này cũng nên gạch bỏ vì Tri phủ là một chức quan văn trung cấp [tứ-ngũ phẩm].

5. Có một Lãnh binh họ Trương từng lập công lớn ở Trấn Tây trong cuộc hành quân tái chiếm Chân Lạp năm 1845, tên Trương Tiến. Lãnh binh Trương Tiến an toàn về nước, và tháng 8/1947, vua Nguyễn Phước Tuyền cho khắc tên Lãnh binh Tiến lên một trong 12 khẩu thần công mới đúc xong để tuyên dương công trạng. Chẳng hiểu ông Trương Tiến này liên hệ gì đến Trương Chánh Thi hay chăng? Tôi nghĩ là không. Ông Thi đã chết năm 1840, 1845 hoặc 1846!

6. Trong số những người chết trận năm 1845 trên đất Chân Lạp người ta thấy có Phó vệ úy Trương Lý, được truy tặng hàm Vệ úy.[9] Trương Lý liên hệ gì đến Trương Chánh Thi? Có lẽ cũng không. Hai chữ “Lý” và “Thi” khác nhau xa, khó thể lẫn lộn. Hơn nữa, con Trương Lý được tập ấm làm Cẩm y vệ, trong khi con Trương Chánh Thi, nếu quả có nhân vật này, làm con nuôi các giáo mục.

7. Lại có tên Trương Trịnh bị giết ở Vĩnh Long vào tháng 11-12/1846.[10] Tôi nghĩ Trương Trịnh không phải là thân phụ Petrus Key, vì y là một tướng cướp.

8. Đáng ghi thêm việc Phó lãnh binh Phiên An là Giả Tiến Chiêm, năm 1835 bị cách thành lính, đầy qua thành Trấn Tây. Mặc dù Phó lãnh binh Giả Tiến Chiêm có lẽ chẳng lên hệ gì với Petrus Key, nhưng viêc phát vãng qua Chân Lạp giúp chúng ta biết được tầm quan trọng của chức lãnh binh, v.. v.. thời Nguyễn Phước Đảm.

F. Người bạn già nói Trương Chánh Thi làm quan dưới hai triều Nguyễn Phước Đảm và Nguyễn Phước Tuyền, nhưng lại bảo ông Thi chết “năm 1840” [khác với đa số tài liệu khác, ghi ông Thi chết năm 1845 hoặc 1846]. (Chi tiết này giống Nguyễn Văn Trấn, 1993, tr. 9). Nếu thế Trương Chánh Thi chắc chắn không thể phục vụ triều Nguyễn Phước Tuyền: Nguyễn Phước Tuyền lên ngôi ngày 11/2/1841. Vua Nguyễn Phước Đảm chết trước đó gần một tháng vào buổi chiều 20/1/1841 [ngày Giáp Thân [28], tháng 12 Canh Tí].  Sử Nguyễn chép tháng 11-12/1840  [Một Canh Tí], vua cưỡi ngựa đi thăm tàu Vân Phi mới đóng xong. Ngựa chạy “không được êm” [té ngựa]. Khinh kị cai đội Võ Văn Đê bị cách làm lính. Hoàng Đăng Thận, chưởng vệ kiêm quản viện thượng tứ, Hoàng Đăng Thận bị giáng một cấp.[11] Ngày 11/1/1841 vua bệnh; ngày 20/1 trở bệnh nặng. Gọi Trương Đăng Quế đến bên giường bệnh dặn dò phụ tá Thái tử Miên Tông tức Dung; dặn tự quân phải nghe lời Trương Đăng Quế. (ĐNTLCB, II, 22:1840-1841, 1969:387-388).

Theo các giáo sĩ sau lễ sinh nhật 50 tuổi, vua té ngựa, bị đứt ruột chết. (Leon Pagès 1859:4) Tin này không đúng. Lễ thọ ngũ tuần đã dứt vào tháng 5-6/1840. Năm 1941, Linh mục Alphonse Delvaux chỉ giữ lại chi tiết chết vì té ngựa, bỏ qua “nhân dịp lễ thọ ngũ tuần.” (Minh Mang, en effet, s’étant mortellement blessé en tombant de cheval, le 20 Janvier 1841; Delvaux, BAVH 1941, tr. 264)

G. Ông bạn già còn nói Trương Chánh Thi làm quan đến chức Lãnh binh ở Nam Vang, đại diện triều Nguyễn bên cạnh vua Chân Lạp.

1. Lãnh binh là chức võ quan khá to. Thông thường Lãnh binh cầm đầu binh đội (biền binh) của một tỉnh, quan tước thường là Chánh hoặc Tòng Tam phẩm, hoặc có thể lên tới tòng nhị phẩm (Thanh-Nghệ). Dưới triều Nguyễn Phước Đảm, tháng 7-8/1835, vua ra dụ định rõ việc bổ nhiệm các lãnh binh và phó lãnh binh như sau: Lãnh binh đều được chép trong sử, vì sử ghi rõ sự thuyên chuyển, thăng cấp, giáng cấp của họ.

9 tỉnh to, quân lính nhiều (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Định, Nghệ An, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây và Trấn Tây) đặt một lãnh binh và một phó lãnh binh;

12 tỉnh trung bình (Bình Định, Bình Thuận, Vĩnh Long, An Giang), hoặc gần kinh kỳ hay ở những chỗ hiểm yếu (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoa, Ninh Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn và Hà Tiên) chỉ đặt một lãnh binh quan;

9 tỉnh nhỏ mà quân số ít (Phú Yên, Khánh Hòa, Biên Hòa, Định Tường, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Quảng Yên, Cao Bằng) thì đặt một phó lãnh binh. Tỉnh nào có nhiều lính thủy (Nghệ An, Thanh Hoa, Nam Định, Hà Nội) thì đặt một thủy sư phó lãnh binh, dùng quan tòng tam phẩm. (Năm 1835, tác vi phó lãnh binh thành Trấn Tây, trật tam phẩm, là Nguyễn Văn Tình).  (ĐNTLCB, II, 17:1835b, 1966:21)

Dưới thời Nguyễn Phước Tuyền, lãnh binh và phó lãnh binh còn được ban phát bài ngà có khắc tên. Không được sử quan ghi tên, Trương Chánh Thi khó thể mang quân chức Lãnh binh.

Tháng 11-12/1835, bắt đầu đặt quan lại thành Trấn Tây: Trấn Tây tướng quân: Trương Minh Giảng, kiêm Tổng trấn An-Hà. Tham tán đại thần: Lê Đại Cương, kiêm Tuần phủ An Giang. Đề đốc: Bùi Công Huyên. Ngoài ra còn có 1 Hiệp tán quân vụ, 2 Lãnh binh, 2 phó Lãnh binh; 1 Binh bị đạo (Tôn Thất Tường, tứ phẩm); 1 Lương Trừ Đạo (Doãn Văn Xuân, tứ phẩm), 2 viên ngoại lang, 3 chủ sự, 4 tư vụ, 8 bát phẩm thư lại, 10 giáo thụ, huấn đạo. (ĐNTLCB, II, 17:1835b, 1966:165-166)

2. Phần ba cơ “An Man” tại Nam Vang (Trấn Tây Thành) thì đều là người Chàm, mỗi cơ chỉ có 6, 7 cán bộ người Việt, kể cả một thông ngôn. (Theo ĐNTLCB, vào tháng 12/1838-1/1839, ba cơ An Man ở Trấn Tây phần đông là người Chàm Đồ bà ở nhờ đất Chân Lạp. Hết lòng trung thành với nhà Nguyễn, nên bị thổ dân ghét. Vua mật dụ cho Trương Minh Giảng cân nhắc họ; ĐNTLCB, II, 20:262-265)

3. Hơn nữa, nói đến chức “đại diện triều Nguyễn bên vua Chân Lạp,” thì phải xác định vua nào? Quốc vương Ang Chan II [Nặc ông Chăn] (1805-1835) hay Nữ chúa Ang May [Ngọc Vân quận chúa] (1835-1837), con gái và người kế vị Ang Chan năm 1835? Tôi đọc khá kỹ Đại Nam Thực Lục Chính Biên hai triều Nặc Chăn và Ngọc Vân, không thấy có Lãnh binh người Việt nào họ Trương ở Nam Vang hay Trấn Tây Thành trước năm 1842. Ngay cả đến giai đoạn ngắn ngủi của Ang Duong [Nặc Ong Giun] hay Ang Em [Nặc Yểm] trong hai năm 1845-1847 cũng vậy.

Như thế, ít nữa theo sử quan nhà Nguyễn, không hề có Lãnh binh Trương Chánh Thi ở Chân Lạp. Sự hiện diện của “thừa biện” Trương Chánh Thi bên cạnh vua Chân Lạp cũng bất khả, vì đã có chức Tổng trấn kiêm Bảo hộ do Trương Minh Giảng đảm nhiệm. (Nguyễn Văn Trấn cũng nhắc đến chi tiết “sứ thần” này) [Xem Phụ Bản ở cuối bài]. Triều Nguyễn Phước Đảm chỉ có thừa biện Hồ Công Chỉ.

4. Người Chân Lạp thì không biết dùng giấy mực nên dĩ nhiên không thể ghi tên “Lãnh binh, đại diện triều Nguyễn” Trương Chánh Thi. Sau này, các học giả Pháp giúp triều đình Cambodge viết lại lịch sử Chân Lạp, nhưng cũng không thấy nhắc đến “thừa biện, lãnh binh” Trương Chánh Thi. Còn “sứ thần” bên cạnh vua Khmer có lẽ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của những người kể chuyện cổ tích.

Lướt qua sử liệu triều Nguyễn, ta thấy ngay đến các Cai đội, quản cơ, đội trưởng hay Phó Lãnh binh còn được nêu tên. Nếu quả thực có “Lãnh binh” Trương Chánh Thi, lại là thứ lãnh binh vì nước bỏ mình trên đất Chân Lạp, hẳn không thể lọt sổ.

Như thế, “Lãnh binh” Trương Chánh Thi không hiện hữu. Phụ thân Petrus Key, nếu quả thực mang tên Trương Chánh Thi, có thể là võ quan cấp nhỏ (cử nhân võ vào thời Nguyễn Phước Tuyền, niên hiệu Thiệu Trị, chỉ được hàm Chánh hoặc Tùng lục phẩm), và nếu quả từng phục vụ ở Trấn Tây, trong đạo binh An Man, thì có lẽ là người gốc Chàm, gốc Hoa, hay giữ chức thư lại, thông ngôn (giống như đoạn đầu hoạn lộ của Petrus Key với đạo quân viễn chinh Pháp sau này). (Một giáo chức miền Nam, nghĩ rằng Petrus Key có thể là người gốc Hoa, vì họ Trương rất phổ thông trong giới người Hoa tại miền Nam)

Đáng lưu ý thêm rằng trong thư ra mắt Trung tá Hải quân de Jauréguiberry vào tháng 3/1859, Petrus Key chỉ ký tên Petrus Key mà không có tên Việt “Trương Vĩnh Ký” đi kèm. Trong thư ra mắt một cấp chỉ huy Pháp (Grand Chef et vous tous)– để xin việc làm, kiểu “cover letter” ở Mỹ, như ai đó lý luận–mà không ghi thêm tên thực Trương Vĩnh Ký là việc hơi khác thường. Có thể vì một lý do nào chưa biết, như muốn dấu bí mật đề phòng trường hợp thư bị lọt vào tay quan quân nhà Nguyễn? Nhưng cũng có thể vì ngày ấy Petrus Key chỉ biết mình có cái tên độc nhất và vỏn vẹn hai chữ Petrus Key. Cách nào đi nữa, bốn năm sau mới thấy chính thức xuất hiện thêm tên Trương Vĩnh Ký. Và, từ đó, cái tên Trương Chánh Thi, Nguyễn Thị Châu, v.. v.... Nói cách khác, không thể không tự hỏi và cần tìm hiểu những cái tên “Trương Vĩnh Ký” và “Trương Chánh Thi” xuất hiện từ thời điểm nào? Một trong những cách kiểm chứng khả tín nhất là viết thư cho Collège général de Penang, xin một bản sao thông tín bạ (học bạ) của Petrus Key tại đây. Việc này xin dành cho các nhà “Petrus Key học.”

Nhân vật “Trương Chánh Thi,” “lãnh binh, thừa biện bên cạnh quốc vương Chân Lạp” hay “sứ thần” ở gần Nam Vang có lẽ chỉ hiện hữu trong trí tưởng của người đã công bố. Cũng tương tự như huyền thoại Bùi Viện “từng qua Mỹ, được Tổng thống Ulysse Grant tiếp kiến” huyễn truyền ở Việt Nam bấy lâu và được lập lại trong hồi ký của Bùi Diễm. Theo Robert H. Miller, trong cuốn The United States and Vietnam, 1787-1941, không có một tư liệu nào trong văn khố Bộ Ngoại Giao Mỹ đề cập đến nhân vật Bùi Viện như một tác giả Việt đã viết (Washington, DC: NDU, 1990), tr. 274-5n1). [Xem Phụ Bản Tài Liệu tập II] Hay, việc cụ Phan Châu Trinh bị “nhốt chung” với Nguyễn “Ô Pháp” tức Ái Quốc “ở ngục Santé,” cùng những lời tuyên bố chẳng chút nào hợp với khẩu khí của nhà chính trị cải lương họ Phan. Đó là chưa kể những “bí ẩn lịch sử” hoang tưởng như phụ thân cụ Phan Bội Châu đã phải đổi tên “Sang” của cụ thành “Châu” vì “sợ phạm húy vua Duy Tân [Nguyễn Phước Hoảng]” trước ngày Vĩnh San ra đời cả chục năm![12] 

Đáng buồn là những công trình “ziết sử” hay “bí ẩn” lịch sử loại này không thiếu trong khối “nghiên cứu văn” Việt Nam.

TẠI SAO PETRUS KEY LÀM CON NUÔI CÁC CỐ ĐẠO?

Duyệt xét các cung văn về Petrus Key, vấn đề khiến không thể không thắc mắc: Đó là, tại sao bà Nguyễn Thị Châu trao Petrus Key cho các cố đạo nuôi?

Trước khi đi sâu vào vấn đề này, cần xác định vài thời điểm. Trước hết, Petrus Key bắt đầu đi “trọ học” hay vào nhà chúa Bl’ời hoặc tiểu chủng viện từ bao giờ? Thứ hai, phụ thân Petrus Key thực sự chết ngày nào? Cả hai câu hỏi trên đều chưa có đáp án rõ ràng. Người nói bà Nguyễn Thị Châu trao Petrus Key, lúc mới 5 tuổi, cho giáo mục Tám, và rồi sau khi ông này chết, giáo sĩ Pháp có tên Việt là cố Long nuôi. Như thế, từ năm 1842 Petrus Key đã xa mẹ. Nhưng cũng có tác giả ghi Petrus Key được các cố đạo nuôi từ năm 1846, khi đã 9 tuổi. Về ngày phụ thân Petrus Key từ trần cũng vậy: Người ghi năm 1845, người ghi 1846, lại cũng có người ghi 1840. Các nhà Petrus Key học tương lai cần giải quyết hai vấn đề tiên thiên trên trước khi bàn về những chi tiết khác.

Hai vấn đề thời điểm Petrus Key được giao cho các cố đạo nuôi, và ngày phụ thân ông từ trần rất quan trọng trong việc tìm hiểu tại sao bà Nguyễn Thị Châu, thân mẫu Petrus Key, gửi hay giao bán con cho các nhà truyền giáo. Nếu việc gửi gấm hay trao bán này xảy ra trước ngày ông Thi chết, sẽ nẩy sinh câu hỏi khác: Phụ thân Petrus Key có được thông báo, và đồng ý chăng, hay bà Châu đã tự ý quyết định? Nếu phụ thân Petrus Key chết trước ngày cậu được gủi cho các giáo sĩ nuôi, vấn đề trở thành đơn giản hơn; vì mọi quyết định đều do bà Nguyễn Thị Châu.

Câu hỏi thứ nhất khá phức tạp, đòi hỏi việc tìm tòi vết tích Trương Chánh Thi. Câu hỏi thứ hai hạn chế trong ba giả thiết cơ bản: (1) bà Châu là người đạo gốc muốn gửi con cho các giáo sĩ dạy bảo để sau này có chức, có phận (như thày kẻ giảng, giáo mục); (2) bà Châu vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải giao Petrus Key cho các giáo sĩ nuôi; và, (3) vì hoàn cảnh khó khăn, bà Châu đã cải đạo, đồng thời giao con cho nhà chúa Bl’ời.

Trước hết, chưa tài liệu nào cho phép khẳng định ông bà Trương Chánh Thi-Nguyễn Thị Châu là tín đồ Ki-tô (khai sinh, giấy chứng nhận rửa tội, gia phả, người thân, v.. v...). Hy vọng những chuyên viên gia phả học, như quí ông Vũ Hiệp, v.. v... sẽ giúp khẳng định có hay không tư liệu hộ tịch của gia đình Trương Chánh Thi.

Nếu bà Nguyễn Thị Châu không là tín đồ Ki-tô, việc giao con cho các cố đạo nuôi thường xảy ra trong trường hợp bất khả kháng nào đó. Nên nhớ thời gian này, vua Nguyễn Phước Tuyền và Nguyễn Phước Thời đang tiếp tục chính sách cấm đạo. Gửi con cho các nhà truyền giáo nuôi là một việc làm nguy hiểm đến tính mạng. Cũng không một bà mẹ thương con nào nghĩ rằng thày kẻ giảng, hay giáo mục là người có chức, có phận trong một chế độ áp dụng chính sách bài Ki-tô. Vì càng có chức phận trong đạo, càng bị hình phạt nặng nề; nhẹ thì khắc chữ lên mặt, lên trán, tập trung để giáo hóa; nặng thì có thể lên tới án lưu đầy, tử hình. Trong số những hoàn cảnh bất khả kháng, có hai trường hợp đáng suy nghĩ: Thứ nhất, bà Châu quá nghèo khổ, đành giao con cho các giáo mục nuôi cho bớt gánh nặng. Hoặc, thứ hai, bà Châu đã “bán” con cho các giáo sĩ, và bản thân có thể cũng theo đạo, để được giúp đỡ về phương diện kinh tế.

Vào giữa thế kỷ XIX, “bán con” là một hủ tục quen thuộc tại Đại Nam (cũng như Trung Hoa). Cho đến thập niên 1940, tức khoảng 100 năm sau ngày Petrus Key làm con nuôi các cố đạo, vẫn còn tục lệ bán con.

Trong khi đó, vì chính sách bài đạo của nhà Nguyễn, các giáo sĩ Ki-tô tìm đủ cách để gia tăng số tín đồ. Trong kế hoạch gia tăng giáo dân trên có việc dùng tài lợi mua chuộc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, và mua con những gia đình Lương nghèo khổ (như ăn mày) để huấn luyện làm thày kẻ giảng, và nếu đứa trẻ thông minh, có thể huấn luyện làm giáo mục bản xứ. Tại Cao Miên, số tiền các giáo sĩ bỏ ra để “rửa tội” cho mỗi người ngoại đạo lên tới hơn 100 quan vào năm 1858. Cũng năm này, tại các giáo phận, đại đa số những trẻ em được rửa tội đều đã sắp chết. Số trẻ em mồ côi hoặc con nhà nghèo bán cho các nhà tu hàng năm cũng khá quan trọng. Đa số “các chú” trong các “nhà Chúa Bl’ời” đều là cô nhi hay con nhà nghèo được giáo sĩ bỏ tiền ra mua về. (Xem Lettre commune năm 1858, về việc mua con nít)

Thêm vào đó, từ năm 1840 tới 1845, tình hình Gia Định thành cực kỳ bất an. Loạn “Thổ dạy” lan tràn. Vùng Cái Mơn của gia đình Petrus Key là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Phụ thân Petrus Key, nếu quả thực là một võ quan nhỏ, lương bổng chẳng bao lăm. Một khi từ trần, thân mẫu ông có thể gặp nhiều khó khăn về sinh kế.

Cả hai điều kiện khách quan và chủ quan, cung cũng như cầu, đều mở cửa cho những cha mẹ nghèo giao bán con cho các cố đạo nuôi. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, chú bé Petrus Key có nhiều phần trăm thuộc vào đa số “các chú” nói trên. (Hy vọng trong một tương lai gần, sẽ có được đầy đủ lý lịch và thông tín bạ của Petrus Key tại trường Collège général de Penang)

KI-TÔ GIÁO & CÁC VUA NGUYỄN

Trước khi phân tích về Petrus Key, xin tóm lược ba vấn đề cơ bản: lược sử Ki-tô giáo, sự du nhập của Ki-tô giáo vào Việt Nam, và cuộc xâm chiếm Việt Nam từ 1858 tới 1863.

A. ĐẠI CƯƠNG VỀ KI-TÔ GIÁO:

Ki-tô giáo xuất xứ từ vùng Trung Đông, với thánh địa Jerusalem (vùng tranh chấp giữa Israel [Do Thái] và dân Arab [Ả Rập] ngày nay. Năm 2019 được Mỹ công nhận là thủ đô Israel). Giáo chủ là Giê-Xu (hay Giê-duýt: Jesus, Joshua, Jeshua), một người Jews bị chính quyền Roma hành hình tại Jerusalem vào khoảng năm 30 Tây lịch. Tín đồ không biết và có lẽ chẳng cần quan tâm đến nhân vật Giê-Xu lịch sử, chỉ tôn thờ Giê-Xu Đấng Cứu Thế (Messiah hay Christ), người đã tái sinh sau khi chết và có thể ban cho tín đồ ngoan đạo đời sống hằng cửu, bất kể tội lỗi của họ. Người ta tin Giê-Xu là hiện thân của một “chúa” [god] mà người Jews thờ kính. Chúa là “ngôi” toàn năng, “đấng Tạo vật,” đã sáng tạo ra vũ trụ trong sáu [6] ngày vào khoảng năm 7,000 TTL, và sẽ trở lại trần thế để tuyên đọc phán quyết cuối cùng cho nhân loại. Nhân loại—dòng dõi của Adam và Eva, chiếc xương sườn cụt của Adam—sẽ bị tận diệt vào khoảng năm 1000 hay 2000.

Thần học Ki-tô dựa trên lòng “bác ái” (love), khuyên làm điều lành, tránh điều dữ. Trước thập niên 1990, Ki-tô giáo dạy rằng sau khi chết, linh hồn sẽ về hai cõi khác nhau: Thiên đường (Heaven) cho người lành và thánh binh [thập tự quân], và Địa ngục (Hell) cho kẻ dữ.

Những câu chuyện kể về Giê-Xu [Gospels] và Giáo hội tiên khởi [Acts] được chép lại khoảng giữa thế kỷ thứ II, và lưu truyền cùng những lá thư của Paul [Bảo Lộc]. Mãi tới cuối thế kỷ thứ IV, việc biên soạn Thánh Kinh [Bible] mới hoàn tất. Có người cho rằng Thánh Kinh được tuyên đọc khoảng năm 1,500 TTL (“10 Lệnh Trời,” hay Ten Commandments). Phe này được gọi là Cựu Ước Kinh. Một chứng cớ của họ là những cuộn Kinh tìm thấy ở vùng Biển chết. Vì thế họ gọi Thánh Kinh biên soạn vào thế kỷ thứ IV là Tân Ước Kinh. Có sự khác biệt khá xa giữa cách diễn giải Cựu Ước và Tân Ước của hai phe Ki-tô Vatican [Catholicism] và Tin lành [Protestanism]. Cuộc tranh luận còn kéo dài.

Vào thế kỷ thứ II, một trường đào tạo giáo sĩ (chủng viện) được thành lập tại Alexandrie. Các giảng sư (Origen, 182-251) đặt xuống nền tảng thần học Ki-tô và rao giảng niềm tin theo kiểu triết học Greece (Hy Lạp). Trường phái Tân Plato [Neo-Platoism] để lại dấu tích sâu đậm trong các tác phẩm thần học như Augustine (354-430). Những người ẩn tu [hermits], phần lớn từ giai cấp nghèo khổ, bắt đầu hợp tác với các chủng viện, trước hết tại Egypt (St. Pachonimus, 290-345), rồi tới những vùng đất phía Đông và Tây (Luật St Benedict, 529). Dưới triều Constantino (306-337), Ki-tô trở thành quốc giáo của đế quốc Roma [La Mã]. Những đền thờ truyền thống (Pagan) bị phá bỏ, ngân quĩ dùng để xây cất những nhà thờ bề thế và trợ cấp hàng giáo phẩm. Luật pháp bị sửa đổi theo quan điểm thần học Ki-tô. Vào cuối thế kỷ thứ IV, mọi tôn giáo khác, kể cả Do Thái giáo (Judaism), bị tuyệt cấm và đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Nhiều bậc “Thánh” bắt đầu được thêm vào các buổi tế lễ. Đáng kể nhất là Maria, mẹ Giê-Xu, tức “Mẹ Đồng Trinh” hay “Mẹ Vô Nhiễm.”[13]

Trong số những người khai đạo có Paul of Tarsus; hoạt động tích cực trong giới người Jews, nhằm chống lại giáo luật nghiêm khắc của dân Jews. Giới thẩm quyền Roma đàn áp mạnh—như vua Nero [Néron] vào năm 64—nhưng không thành công.

Giáo dân tổ chức rất chặt chẽ. Mỗi cộng đồng do một Giám mục [Bishop] cầm đầu, với sự trợ giúp của những người lớn tuổi [prebyters hay linh mục], cùng các phụ tá [deacons].

Đứng đầu giáo hội là giáo hoàng (pope hay pape). Giáo hoàng đại diện chúa trời diễn giải luật Thánh (canons), và tự xưng là Giám mục Roma, Sứ giả của Giê-Xu Cứu Thế (Vicar of Jesus Christ). Tông đồ (Thánh) Peter—đến Roma vào khoảng năm 42, và chết năm 67—được tôn làm giáo hoàng tiên khởi. Giáo hoàng một thời còn là vua vương quốc Vatican, rộng 16,000 dặm vuông. Luật ngày 13/5/1871 hủy bỏ vương quốc trên, và giáo hội chỉ còn lại lâu đài Vatican và Lateran ở Roma, cùng biệt thự Castel Gandolfo. Hơn nửa thế kỷ sau, Mussolini và Hồng y Gasparrini ký Hiệp ước Lateran ngày 11/2/1929, theo đó vương quốc độc lập Vatican chỉ còn 108.7  acres [mẫu Bri-tên]. Đổi lại, chính phủ Italia nhìn nhận Ki-tô giáo làm quốc giáo và được độc quyền giáo dục. Hiệp ước này được viết vào điều 7 của Hiến pháp Italia năm 1947. Gần ba thập niên sau nữa, năm 1976, chính phủ Italia và Giáo Hội mới đạt qui ước hủy bỏ điều khoản nhìn nhận Ki-tô giáo làm quốc giáo cùng độc quyền giáo dục.

Dưới giáo hoàng là một triều đình, chia làm nhiều ban. Ban Ngoại giao lo việc liên hệ với các nước.[14]

Từ thế kỷ XII, Hội đồng Hồng Y (College of Cardinals) phụ tá giáo hoàng việc đạo, và bầu ra tân giáo hoàng khi người tiền nhiệm chết, bị truất phế, hay không còn khả năng làm việc. Hồng y (mặc áo đỏ, đội mũ đỏ) thoạt tiên không nhất thiết phải là tu sĩ. Từ năm 1918, điều kiện tiên quyết phải là giáo mục, rồi từ năm 1962, thêm điều kiện phải từng giữ chức giám mục. Năm 1959, số hồng y tham dự Hội đồng Hồng y (để bầu giáo hoàng) tăng lên 120 người. Từ năm 1971, hồng y trên 80 tuổi phải về hưu và không được bầu cử giáo hoàng (dù vẫn được hưởng những quyền lợi khác).

Giáo hội sớm bị phân hóa dài theo ranh giới địa phương và chủng tộc trong nội bộ cũng như ngoài biên cương đế quốc Roma. Những “phường rối đạo” đáng kể nhất là nhóm chối bỏ tính thánh của Giê Xu (Arianism), phủ nhận sự đồng hoá giữa quốc gia và giáo hội (Donatism); và phủ nhận bản chất nửa người, nửa thánh của Giê Xu (Monophysite).

Đầu thiên kỷ thứ hai, vào năm 1054, Ki-tô giáo chia thành hai giáo hội Đông và Tây. Hậu thân giáo hội Đông là giáo hội truyền thống (Orthodox) tại Greece [95%], Nga (Ukraine), Roumania, Georgia và một số nước như Syria [50% trong số 2 triệu tín đồ Ki-tô]. Mãi tới ngày 3/5/2001, John Paul II (1978-2005), mới qua thăm Greece [trong chuyến du hành theo dấu chân Thánh Paul], và chính thức xin lỗi [mea culpa] giáo hội truyền thống Greece về những tội ác của Vatican, đặc biệt là cuộc tàn phá Constantinople năm 1204. (NYT, 3/5/2001; AP, 5/5/2001)

Trong thế kỷ XIV và XV, giáo hội chia thành hai giáo hội Avignon và Vatican. (Xem Avignon Registers, 1315-1415, và Vatican Registers trong giai đoạn tương ứng)

Thoạt tiên, đạo Ki-tô chống bạo lực và hiếu hòa. Việc bài xích trò chơi “giác đấu” [gladiators] là một thí dụ cụ thể. Nhưng từ thời Constantino, chủ trương bạo động gia tăng. Từ 1095 tới 1291, các giáo hoàng mở khoảng 10 cuộc “thánh chiến” [crusades] tấn công vương quốc Byzantine (theo đạo Islam hay Muslim). Dân Jews bị thảm sát tại Rhineland (1096), England [Bri-tên] (1290), và Pháp (1306). Các cuộc chinh phạt “kẻ phản đạo” cũng tạo nên nhiều cơn binh lửa như tại Pháp năm 1229.

Sang thế kỷ XV, thần quyền Vatican lùi bước dần trước thế quyền—trong trào lưu rộng lớn hơn, tức nhân quyền. Dân trí ngày một dâng cao qua những phát kiến khoa học và kỹ thuật, cùng kiến thức mới về những phần đất khác trên thế giới cũng như vũ trụ. Trong khi đó giáo hoàng, hồng y hay giám mục, linh mục—những lãnh đạo tinh thần mà ai cũng đoan chắc vô cùng thánh thiện, đạo đức, tự nguyện cắt bỏ đời sống tình dục, dù không do bẩm sinh hay giải phẫu trên thân thể—tạo nên nhiều tai tiếng. Họ tham nhũng, hối mại thần quyền, có hầu thiếp, con rơi, hay ngoại tình. Eugene IV (1431-1439), Sixtus IV (1471-1484) hay Alexander VI (1492-1503) mang tai tiếng nhất. Dẫu vậy, Vatican vẫn còn ảnh hưởng tại các quốc gia có truyền thống Ki-tô mạnh. Các giáo hoàng đầu tiên thời Phục Hưng [Renaissance] còn dùng thần quyền để phân phối những vùng “mọi rợ” mà Portugal và Espania xâm chiếm ở duyên hải Tây Phi (1416) hay Mỹ châu.

Từ thế kỷ XIV, những cuộc tranh luận thần học—chống Vatican—ngày một mạnh. Đáng kể nhất có Wycliffe (1320-1384) ở England và John Huss ở Bohemia (bị đốt cháy năm 1415). Martin Luther (1483-1546) chủ trương chỉ có niềm tin đạo mới mang đến sự giải thoát, chẳng cần trung gian của giáo hội. Luther tấn công quyền lực của giáo hoàng, chống điều kiện độc thân của giáo sĩ, và thúc dục mọi người tự nghiên cứu thánh kinh (một điều đang bị cấm đoán), rồi bản thân dịch thánh kinh qua tiếng German [Đức] vào khoảng năm 1525. Tác phẩm 95 Luận Đề Chống Lại Sự Tha Tội (Ninety-Five Theses Against Indulgences, 1517) [của giáo hội] khiến Luther bị “rút phép thông công” năm 1520. (Indulgences, tức Sự Tha Tội, là độc quyền của giáo hoàng. Trong thời Trung cổ, vì cần tiền, một số giáo hoàng đã cho phép con chiên tội lỗi chuộc bằng tiền để được lên thiên đường, tránh cõi địa ngục. Có giáo hoàng còn cho phép dùng tiền chuộc tội cho cả người chết).

Các phong trào chống lại độc quyền của giáo hội liên lũy lan rộng. Khởi đi là cuộc nổi dạy của nông dân Germany năm 1524, rồi đến những cuộc giao tranh liên miên suốt hơn một thế kỷ kế tiếp. Cao điểm của phong trào này là học thuyết Darwin và Marx-Engels, sau này thường được biết như Marxism-Leninism, dịch qua tiếng Việt thành “Cộng Sản” (muôn sự của chung, hay góp chung tài sản—vẹt nhái theo từ dịch sai lầm gongchang hay gongshan của lãnh tụ Tân Thanh Niên [Xin qingnian] Chen Duxiu [Trần Độc Tú] và Li Dazhao [Lý Đại Chiêu] trước khi thành lập Đảng Cộng Sản Tàu năm 1921).

Giáo hội tìm mọi cách phản ứng. Trong khi các nhà thần học lo biện bạch rằng Mỹ châu là “lục địa đã mất,” [lost continent] nên không được chép trong thánh kinh, các giáo mục triều cấm đoán, dọa nạt, hạ ngục và đầy ải những nhà toán học và thiên văn học cùng lý thuyết bị kết án “sai lầm” của họ.  Trường hợp nhiều người biết nhất là thuyết “trái đất quay quanh mặt trời”, vì điều này trái ngược lời giảng dạy của giáo hội, tức “mặt trời quay quanh trái đất” theo thuyết của nhà thiên văn và địa lý học Ptolemy. Hàng triệu sách vở, tài liệu “rối đạo” bị thiêu hủy, ngăn cấm. Những “Inquisition” [Tòa án dị giáo] tạo nên bao thảm kịch đẫm máu trong ba thế kỷ XVI-XVIII. Hàng ngàn người bị hạ ngục, tra tấn, hay thiêu sống. Người Jews, dĩ nhiên, trở thành đối tượng chính. Giáo hoàng Pius XII (1939-1958) ít nhiều liên hệ đến việc Adolf Hitler thảm sát hàng triệu dân Jews trong Thế chiến thứ II (1939-1945). Mãi tới John Paul II (1978-2005) mới xóa bỏ tội giết Chúa của dân Jews. Nhưng tinh thần bài Jews [anti-Semitism] chưa chấm dứt. Những đại trí thức của thế giới—nhất là Charles Darwin và thuyết tiến hóa—bị công kích mãnh liệt. Tinh thần bài trí thức và kiến thức khoa học trở thành đặc điểm của Ki-tô giáo từ thời điểm này. (Vì trí thức là giai tầng duy nhất đủ can đảm và khả năng tấn công vào những thành trì dầy phủ rong rêu, sỉn tanh dấu máu nạn nhân bao quanh những trung tâm thần quyền mà quyền lợi đích thực đã bị vật bản hóa).

Vào đầu thế kỷ XXI, những trường phái nghiên cứu cổ thư xuất hiện trước thế kỷ thứ III, đã bị giáo hội thiêu hủy và nghiêm cấm, như Da Vinci Codes, hay việc diễn giải các tư liệu khảo cổ khai quật tại hang mộ gia đình Jesus of Nazareth ở Jerusalem năm 1980 qua cuốn phim tài liệu The Lost Tomb of Jesus [Ngôi mộ đã mất của Jesus]—những tư liệu phủ nhận thuyết thăng thiên [ascension] và phục sinh [resurrection] nền tảng của tín lý Ki-tô Vatican—từng gây sôi nổi dư luận. Trong khi đó, việc tái tạo các sinh vật từ stem cells [tế bào nguyên thủy từ các bào thai] từ hạ bán thế kỷ XX—như con cừu Doly—giáng xuống thuyết lý “tạo vật” [creator] Ki-tô những nhát búa phá thạch. Ngay tại Liên bang Mỹ, đang có nỗ lực hạn chế việc nghiên cứu stem cells.

Các vương triều Việt trước Pháp thuộc dùng tiếng “Ba Lan,” “Hoa Lan,”  “Hoa Lang,” “Gia-tô” (Da-tô) để gọi đạo này.  Có nhiều cách giải thích. “Truyện ngoại quốc” trong Minh Sử cho rằng “Hoa Lang [di]” là Hòa Lan [Holland], tập tục đọc sai thành Hoa Lang.[15] Một tác giả Pháp cho rằng Ba Lan là do cách đọc chữ Hoa thành “Ba” của người thiểu số Việt ở vùng biên giới. Trong một thư gửi công sứ Nhã Nam bằng chữ Nôm, Hoàng Hoa Thám cũng tự xưng là Hoàng Ba Thám. Có người cho rằng đây là kỵ húy nhà Nguyễn (mẹ Nguyễn Phước Tuyền tên Hoa, nên phải đổi tên Thanh Hoa thành Thanh Hoá!)

Cũng có người đặt tên đạo Ki-tô là Thiên Chúa, Thập tự giáo hay Cơ đốc. Thông thường giáo dân Ki-tô tự xưng là người bên đạo, có đạo hay đi đạo, hoặc, người công giáo. Sau khi ký Hiệp ước Việt-Pháp 15/3/1874, vua Nguyễn Phước Thời đặt ra danh từ “Giáo dân” để gọi người theo đạo Ki-tô (thay cho từ dữ dân); và “Bình dân” để chỉ những người khác.[16]

B. SỰ DU NHẬP CỦA KI-TÔ GIÁO VÀO VIỆT NAM:

Người đầu tiên đưa Ki-tô giáo đến Đại Việt là giáo sĩ Portugal.

Năm 1510, Portugal chiếm Goa ở India, và năm sau,  Malacca tại bán đảo Malaya, trung tâm truyền đạo Muslim ở Viễn Đông. Từ hai địa bàn này, các giáo sĩ theo thuyền buôn tới Á Châu. Gaspard de Santa de Cruz, thuộc dòng Dominican (St Dominique), có thể đã đến Đại Việt vào khoảng năm 1550-1555.[17] 

Những chuyến truyền giáo đầu tiên đến Đường/Đàng Trong (1580) và Đường/Đàng Ngoài (1581) thường ngắn hạn, mang tính cách dò dẫm, khai phá. Qua thế kỷ XVII, công tác truyền giáo mới thường trực, từ ba trung tâm Macao, Manila và Malacca. Dù đế quốc Portugal, và rồi Espania, suy yếu dần, mở đường cho sự thăng tiến của Bri-tên, Holland [Dutch, hay Hòa Lan], Pháp và Prussia (Phổ), mức độ truyền giáo ngày càng gia tăng.

Những cuộc nội chiến liên miên tại Đại Việt trong thế kỷ XVI-XVIII—như Mạc-Lê (Nguyễn-Trịnh, 1533-1593 [1677]), Trịnh-Nguyễn (1620-1777), Trịnh-Nguyễn Tây Sơn (1778-1786), rồi Nguyễn-Tây Sơn (1778-1802)—tạo cơ hội cho các cố đạo mở rộng hoạt động. Đây là sự trao đổi hàng hóa/kỹ thuật chiến tranh Trung cổ Tây phương với giới chức cầm quyền. Ngoài ra, cuộc bài đạo ở Nhật khiến giáo sĩ và giáo dân Nhật tìm đến nampo [biển Nam], tạo nên những cộng đồng Ki-tô ở Manila và Hội An. Theo Christoforo Borri, vào thập niên 1620, Hội An có hai dãy phố—một của tàn quân nhà Ming (Minh, 1368-1664) chạy trốn nhà Qing (Thanh, 1664-1912); một của giáo dân Nhật tị nạn chiến dịch bài đạo.[18]

Trong khi truyền đạo, các giáo sĩ mang vào Đại Việt những cụm văn hoá Ki-tô, cùng một số kiến thức mới về thiên văn, khoa học và y dược thường thức. Nhiều linh mục dòng Jésuites như Siebert (Germany), Slamenski (Hungary), Sébastien Piès (Portuguese), Jean Koffler (Espania), Duff (Bri-tên) từng phục vụ tại Huế như y sĩ riêng của chúa Nguyễn hoặc phụ trách thiên văn. Tuy nhiên, cuộc giao lưu—hay, nếu muốn, xâm lăng—văn hoá này thường phát triển ở vùng duyên hải, cùng những địa phương có mật độ dân số quá cao, đông người nghèo khổ.

Trở ngại ngôn ngữ và văn hoá biến giáo sĩ thành những nhà nhân chủng [anthropologist] và ngôn ngữ [linguist] đầu tiên nghiên cứu về dân tộc Việt, dẫu tài tử nhưng thực dụng. Sau một thời gian dài giảng đạo bằng hình ảnh và ra dấu, các cố đạo Portugal và Italia sáng chế ra lối chữ viết sử dụng chữ cái [mẫu tự] Latin để huấn luyện các thày kẻ giảng [cathechists] bản xứ, tức Latin annamite. Linh mục Gaspar d'Amaral (Portugal) soạn tự điển An-nam-Bồ, và Antonio Barbosa (Italia), hoàn thành tự điển Bồ-An Nam. Loại chữ viết này—như con gnoo muon bau tlom laom hoalaom chiam [con nhỏ muốn vào nằm lòng Hoa Lang chăng]—được cải thiện dần.

Thừa hưởng công trình làm việc liên lũy của các đồng nghiệp tiền phong, Alexandre de Rhodes [A-lếch-dăng đờ Rô-đơ] tức Đắc-Lộ, cải thiện loại chữ viết mới, như thêm vào 5 dấu huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng; và giới thiệu về đất nước Việt với Âu Châu. Trong thập niên 1650, Rhodes hoàn tất một số tác phẩm như lịch sử xứ Đường Ngoài, tự điển tam ngữ Dictionarium Annamiticum - Lusitanum et Latinum [An Nam, Latin, Portuguese], hay tập giáo lý bằng tiếng Latin và An-nam-mít [Cathechismus/ Phép giảng tám ngày], đã lưu hành từ năm 1624.

Tác phẩm cùng sự vận động của Rhodes khiến năm 1659, Alexandre VII (1655-1667) cử Francois Pallu (1626-1684) và Pierre Lambert de la Motte (1627 [1624?]-1693 [1679?]) làm đại diện Vatican tại Trung Hoa và vùng lân cận—một bước cơ bản cho việc thiết lập Hội truyền giáo hải ngoại Pháp năm 1663. Tuy nhiên, Lambert de la Motte đặt căn cứ ở Xiêm, chỉ ghé thăm Đại Nam ba lần vào các năm 1669, 1671 và 1676. Linh mục Bénigne Vachet (1641-1720) và Guillaume Mahot (1630-1684) mới thực sự sống ở Đàng Trong. Vachet truyền giáo tại Đàng Trong từ 1673 tới 1684, rồi qua Xiêm, và từng theo sứ đoàn Xiêm tới Paris. Mahot chết ở Hội An khoảng năm 1684.[19] Chiến dịch truyền giáo mới này có lẽ tạo nên phản ứng âm tính tử chúa Trịnh cũng như Nguyễn.

Khi Ki-tô giáo vào Đại Việt, giai tầng văn thân-nho sĩ —đã nắm ưu thế từ triều Lê Tư Thành (Thánh Tông, 26/6/1460-3/3/1497) và giữ độc quyền giáo dục cùng chính trị—ra công ngăn cấm, bài bác. Từ huyền thoại phục sinh [resurrection] và thăng thiên [ascension] của Giê-Xu, lời rao giảng bình đẳng trước “Chúa Bl’ời,” tới cách tổ chức các cộng đồng giáo dân, và vai trò lãnh đạo nhiệt thành của các giáo sĩ, hàm chứa một thách thức trực diện sự hiện hữu của chính giai tầng văn thân. Trong ba thế kỷ XVI-XVIII có tới hơn 15 dụ cấm đạo của các chúa Trịnh, Nguyễn và nhà Tây Sơn.[20] 

Ngoài ra, Ki-tô giáo chống lại những phong tục cổ truyền như thờ cúng tổ tiên, hoặc thịnh hành đương thời như đa thê, v.. v... Clement XI (1700-1721) từ năm  1715, và Benedict XIV (1740-1758), qua sắc dụ Ex quo Singulari năm 1742, tuyệt cấm giáo dân lễ kính tổ tiên, cho đó là dị đoan. Năm 1939, Pius XII mới ra Summi Pontificus, cho phép tín đồ dự những lễ nghi kể trên nhưng dụ này chỉ áp dụng tại Nam Việt Nam từ năm 1974—khi viễn ảnh chiến thắng của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã rõ ràng.[21] 

Theo tài liệu truyền giáo, một số người trong các giòng chúa Nguyễn và Trịnh đã theo đạo. Thành tích này có thể khiến ngộ nhận rằng Ki-tô du nhập từ thượng tầng xã hội rồi quảng bá dần xuống đại chúng. Thực tế, đạo Ki-tô phát triển theo chiều hướng thượng—từ dưới lên trên. Với duyên hải hơn 2,000 cây số, Đại Việt mở ra cho các nhà truyền giáo nhiều cửa ngõ ven biển mà đại đa số dân cư sống bằng nghề chài lưới—một giai tầng từng bị lãng quên nhiều thế kỷ, dù đã sản xuất ra hai dòng họ cai trị, nhà Trần và họ Mạc.

Sau đó, tới những thị trấn đặt các sở buôn Âu châu. Vận tốc truyền giáo chậm hẳn lại khi muốn phát triển vào những vùng đất trù phú, hay các thành thị. Một trong những lý do là sau hơn ngàn năm Bắc thuộc và 600 năm độc lập, nền văn hoá cổ truyền Việt đã tổng hợp ba nguồn tư tưởng ngoại nhập khác là Phật, Lão, và Khổng thành một thể khối khá vững. Từ triều Lý (21/11/1009-10[20]/1/1226) và Trần (10 [20]/1/1226-23/3/1400) đã có những kỳ thi tam giáo để tuyển chọn nhân tài (1195, 1227, 1247). Trong khi đó, thần học nhất nguyên của Ki-tô coi bất cứ ai không theo Ki-tô là “ngoại đạo” hay “ác quỉ” (paiens hay demons). Thuật ngữ “Infidels” hàm ý một thứ tội lỗi tinh thần và đạo đức. Bởi thế, tại Đại Việt, sự phân chia Giáo (người theo đạo Ki-tô, hay dữ dân) và Lương (không theo đạo Ki-tô) khá rõ ràng. Thập niên 1860, một giáo sĩ Pháp từng nhận xét các tín đồ Ki-tô Việt sống như những người ngoại quốc trên chính quê cha, đất tổ của họ.

Cho tới thập niên 1870, các cộng đồng Ki-tô phát triển về bề sâu hơn bề rộng. Tổng số giáo dân Ki-tô chẳng bao giờ vượt quá 5% dân số. Vào hạ bán thế kỷ XIX, các giáo sĩ vẫn phải dùng tiền mua trẻ mồ côi hay con các gia đình nghèo khổ để tăng gia tín đồ.[22] 

 [Năm 1644, theo Annale de la propagandation de la foi [Niên biểu truyền giáo] tại Đại Việt đã có 100,000 tín đồ, hàng ngàn nhà thờ. 1 quận chúa và 37 thân nhân trong cung Trịnh bị xoá tên trong ngọc điệp vì theo đạo. Ngày 2/8/1650, Rhodes tuyên bố với Bộ truyền giáo Roma là cần ít nhất 300 giáo sĩ để cai quản 300,000 giáo dân, và mỗi năm tăng lên 15,000 người. Innocent X (1644-1655) đồng ý, cử Rhodes làm Giám mục Đại Việt, nhưng Rhodes từ chối. Khoảng năm 1848, các nhà truyền giáo ước lượng tổng số giáo dân lên tới 500,000 người. Đáng lưu ý là gần một thế kỷ sau nữa, năm 1933—tức hơn một thế  kỷ sau ngày Nguyễn Phước Đảm cấm đạo—Việt Nam mới có Giám mục đầu tiên là Jean Baptiste Nguyễn Bá Tòng (quê ở Gò Công, Nam Kỳ, nhưng cai quản Phát Diệm tới năm 1945)]

Về tổ chức, trước năm 1844, chỉ có ba giáo khu [vicariat apostolique]: Đường/Đàng Trong, Đường/Đàng Ngoài Tây và Đường/Đàng Ngoài Đông. Ranh giới giữa hai giáo khu do Pháp và Espania cai quản ở Đường/Đàng Ngoài là sông Hồng và sông Lô. Năm 1844, giáo khu Đường/Đàng Trong tách đôi  thành Tây (bao gồm Sài Gòn và Kampuchea), và Đông (trụ sở tại Qui Nhơn). Năm sau nữa, giáo khu Đường/Đàng Ngoài Tây cũng chia thành Tây và Nam. Vào đầu triều Nguyễn Phước Thời, toàn quốc có 8 đơn vị. Đường Ngoài gồm 4 giáo khu: Tây và Nam, do Pháp điều khiển; Giữa và Đông, do Dòng Đa Minh (St Dominique) Espania trách nhiệm. Tại Đàng Trong chia làm Cambodge [Kampuchea], Tây, Đông và Bắc. Cả 4 khu đều thuộc Hội truyền giáo Pháp.[23] 

C. PIERRE JOSEPH GEORGES PIGNEAU (1741-1799)

Người góp công đầu cho việc bành trướng ảnh hưởng Ki-tô giáo vào giai tầng cai trị là Pierre Joseph Georges Pigneau [Pi-e-rơ Pi-Nhô], Giám mục Adran—tức Bách/Bá Đa Lộc. Sách cũ thường ghi là Giám mục Pigneau “de” Behaine, nhưng cha Pi-Nhô chỉ là quản gia cho một quí tộc đất Aisne. 

Thời gian này, nương cơ hội Trịnh Sâm (1-2/1767-10-11/1782) mang quân đánh chiếm Thuận Hóa năm 1775, ba anh em Tây Sơn giết được hai chúa Nguyễn cuối cùng Nguyễn Phước Thuần (7/7/1765-14/12/1776 [17 [18]/10/1777), Nguyễn Phước Dương (14/12/1776-18 [19]/9/1777) tại xứ Đồng Nai, rồi tháng 1-2/1778 [Giêng Mậu Tuất], Nguyễn Nhạc xưng đế, niên hiệu Thái Đức, đổi thành Đồ Bàn [Vijaya] của Chiêm Thành—thuộc huyện Tuy Viễn, phía tây cảng Thị Nại tức Qui Nhơn ngày nay khoảng 27 cây số—làm Hoàng đế thành, phong Lữ làm Thiếu phó [Tiết chế]; Huệ làm Phụ chính [Long tương Tướng quân].[24] 

Pigneau quyết định yểm trợ Nguyễn Chủng (8/2/1762-3/2/1820)—con Nguyễn Luân (1733-1765), cháu nội Nguyễn Phước Khoát (17/6/1738-7/7/1765), cháu Nguyễn Phước Thuần, anh họ Nguyễn Phước Dương—khôi phục quyền lực chúa Nguyễn. Dù mới hơn 15 tuổi [16 tuổi ta], Chủng từng nắm cấm quân bảo vệ Nguyễn Phước Thuần từ ngày lưu lạc vào Sài Gòn, và sau khi Thuần truyền ngôi cho Dương, được thủ lĩnh quân Đông Sơn là Đỗ Thanh Nhân—gốc Thừa Thiên, đã theo Thuần vào nam—bao bọc.

Theo tài liệu Ki-tô—chưa hẳn trung thực và khả tín—từ cuối năm 1777 giáo mục Paul Hồ Văn Nghị đã phát hiện ra tông tích Nguyễn Chủng trên đường đào tẩu tại Cà Mau bùn lầy, nước đọng như Chà Là, Giá Ngựa [hay Ngự], cùng các hoang đảo, giang sơn của hải tặc đủ chủng tộc. Đồng thời các quan tướng nhà Nguyễn cũng mòn trán, lỏng gót mưu cầu danh vọng mới. Họ đã dùng đám tang chú cháu Nguyễn Phước Thuần, Nguyễn Phước Dương để làm lễ thề phục thù, tháng 1-2/1778 tôn Nguyễn Chủng làm đại nguyên súy. Hai nhân vật được nhắc nhiều nhất là Đỗ Thanh Nhân chiêu mộ được một nhóm quân Đông Sơn; và, Tống Phước Khuông, người sẽ trở thành cha nguyên phi Tống Thị Lan. Ngoài ra còn một số người họ Nguyễn qui tụ và tìm về Sài Gòn (Phiên Trấn), theo tinh thần “chín đời báo thù mới là đại nghĩa.” Ngày 28/2/1780, Chủng lên ngôi vương ở Sài Gòn, nhưng vẫn giữ niên hiệu Cảnh Hưng của Lê Duy Diêu (Hiển Tông, 14/6/1740-10/8/1786).[25] 

Văn khố Bộ Ngoại Giao Pháp còn lưu trữ các tư liệu như giấy ủy quyền của Hoàng tộc, thư “Nguyễn Ánh” gửi triều đình Pháp, cho Pigneau toàn quyền xin quân viện của “vua rất ngoan đạo” Louis XVI, và đề nghị cắt đất, hải đảo và cửa biển cho vua Phú Lãng Sa. Pi-Nhô còn mang theo ấn tín và nhất là một con tin—Hoàng trưởng tử Nguyễn Cảnh (6/4/1780-20/3/1801), vừa tròn bảy tuổi, nhưng đã được Pigneau huấn luyện suốt ba năm từ Kamboja tới Pondichery, rồi Paris.[26] 

Ngày 5/5/1787, do vận động của Hội truyền giáo, Louis XVI tiếp kiến Pigneau và Hoàng tử Cảnh tại Versailles. Hơn 6 tháng sau, ngày 21/11/1787, Pigneau  ký với Ngoại trưởng Armand-Marc de Montmorin-St-Hérem [Ác-măng đờ Mông-mô-ranh Sanh Ê-rem] (14/2/1787 tới 11/7/1789) Hiệp ước “Liên Minh phòng thủ và tấn công,” gồm mười [10] điều: cắt cho Pháp bán đảo Đà Rằng [Tourane] và Côn Sơn [Poulo Condore]; cho Pháp thiết lập trạm buôn và căn cứ Hải quân dài theo bờ biển; đổi lại, Pháp sẽ giúp 1,850 quân, 4 chiến hạm, đại bác và khí giới đánh nhau với Tây Sơn. “Vua Phú Lãng Sa [France] rất sùng đạo Ki-tô”  hứa cung cấp cho “Nguyễn Ánh, vua Đường Trong [Cochin-Chine] mất nước,” bốn [4] chiến hạm, 1200 lính, 200 pháo thủ, 250 lính da đen [điều 2]; Nguyễn Ánh cắt cho  Vua rất sùng đạo Ki-tô  bán đảo Đà Nẵng-Hội An [Touron Tourane] [điều 3], đảo Côn Lôn [Pulau Condore], [điều 5], tất cả cửa biển Vua rất sùng đạo Ki-tô  muốn, [điều 6], thần dân Vua rất sùng đạo Ki-tô  được tự do di chuyển, [điều 7], hai bên có một năm để phê chuẩn [điều 10].

Phụ ước số 1 ghi rõ bốn [4] tàu hạng trung [frégates], hai [2] tàu vận tải; mười [10] đại bác 1-4 livres,  hai [2] khẩu  đại bác 8 livres,  bốn [4] khẩu obus [cối], quân nhu đạn dược cần thiết, một lều vải, 1000 súng  để thay thế, lương ăn cho 2000 người trong vòng một năm. Phụ ước số 2 ghi Nguyễn Ánh phải bồi hoàn số chiến phí sơ khởi.

Ngày 28/11/1787, ký thêm Phụ khoản [thứ 11], vua rất sùng đạo Ki-tô  có toàn quyền trên những đất cắt nhượng, và hứa không chứa chấp phần tử tội phạm của họ Nguyễn [giống quyền tài phán của Bri-tên sau này].[27] 

Ngày 27/12/1787, Pigneau rời Lorient qua Isle de France (Maurice). Ngoại trưởng de Montmorin tặng tiền, và tăng phái cho Pigneau một ít sĩ quan. Pigneau thành lập ở đây một đạo thánh chiến quân, mang sang giúp Chủng.

Ngày 18/5/1788, Pigneau trở lại Pondichéry. Nhưng Bá tước Thomas de Corway [Conway]—mới lên thay David Charpentier de Cossigny ngày 26/9/1787—chẳng tha thiết gì với cuộc viễn chinh, và tiếp đãi lạnh nhạt. Thái độ xa cách này do mật lệnh từ Louis XVI ngày 2/12/1787, là “Tùy nghi hành động để thành lập một cơ sở ở Cochin-Chine; làm sao để vừa ít tốn kém vừa được nhiều lợi nhuận.” De Corway còn được Ngoại trưởng de Montmorin nhắn nhủ là không cần hồi âm. Rồi tháng 7/1788, Tổng Giám đốc thuộc địa De Vaires cho lệnh ngưng cuộc viễn chinh. Ngày 16/11/1788, Bộ trưởng Hải quân de la Luzerne cũng tán thành, đề nghị cấp một tàu hạng trung đưa Hoàng tử Cảnh đến bất cứ nơi nào ông ta muốn; phần Pi-nhô, có thể cho về nước. Louis XVI chấp thuận.[28]

Paris và các viên chức thuộc địa không thi hành những điều khoản ký kết ngày 21 và 28/11/1787, nên chỉ có một nhóm lính đánh thuê Pháp theo Pi-Nhô  qua Sài Gòn, tham gia đạo quân Lê dương đủ quốc tịch của Nguyễn Vương. Mãi tới cuối thập niên 1810, Paris mới tái khám phá “Onam,” nhưng Nguyễn Chủng và rồi Nguyễn Phước Đảm từ chối thông thương, cự tuyệt mọi đòi hỏi thực thi Hiệp ước Versailles [Vec-say-ơ] mà Nguyễn Chủng đã chính thức bác bỏ qua thư gửi vua Phú Lãng Sa ngày 31/1/1790.[29] 

Trong thời gian Pigneau tìm phương tiện giúp Nguyễn Chủng, tại Đại Việt tình hình đầy sôi động.

1. Trước sự truy đuổi gắt gao của quân Tây Sơn, các đặc sứ Nguyễn Xuân, Mạc Thiên Tứ, rồi Doãn Ngạnh (Chu Văn Tiếp), và chính bản thân “Chiêu Nam Cốc” Chủng tìm đến Krung thêp/Bangkok, kinh đô Xiêm La (Thái Lan từ năm 1938), gọi Rama [Phật vương] I Chakkri  là cha, cống hiến hoa vàng, hoa bạc và đất  Hà Tiên, thừa nhận bá quyền Xiêm La Hộc tại các tiểu quốc Ai Lao và Chân Lạp để xin viện quân. Ngày 18/1/1785, anh em Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ đánh tan chiến thuyền Xiêm do Nguyễn Chủng cầu viện về ở Trà Suốt (Mỹ Tho). Ngày 9/4/1785, Chủng chạy sang Xiêm cầu viện lần thứ hai; nhưng Rama  I chẳng còn hùng tâm giúp đỡ. Xiêm La lại đang hiềm khích với Miến Điện [Ava-Mian Dian, hay Myanmar hiện nay]. Năm 1786, khi Miến Điện sai ba [3] đạo quân sang đánh Xiêm, Rama I phải nhờ Chủng mang quân đi chống cự.[30] 

Năm 1827, Tổng trấn Lê Văn Duyệt còn nhận chuyển về Huế hàng chục bản sao thư từ của Nguyễn Chủng gửi các giáo sĩ trong thời gian hoạn nạn—xin tiếp tế lương thực, kể lể về các trận đánh quan trọng trong hai năm 1787-1788, hay dò hỏi dấu tích Hoàng tử Cảnh cùng Pi-Nhô—tạo nên những tin đồn về việc Tả quân Duyệt chống việc lập Nguyễn Phước Đảm, ít nhiều gây nên những bản án bi thảm giáng xuống gia đình họ Lê, kể cả việc xử tử Phò mã  Yên, “con nuôi” Lê Văn Duyệt. Hay, việc đổi tên Nguyễn Hựu Khôi thành “Lê Văn” Khôi, để trừng trị một cựu công thần “đuôi to khó vẫy.”

2. Mùa Hè 1786, theo lời cố vấn của “Cống” Nguyễn Hữu Chỉnh—một cựu quan Trịnh-Lê thất sủng—Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc, nêu danh nghĩa “phò Lê, diệt Trịnh.” Ngày 21/7/1786, chiếm Hà Nội. Trịnh Khải [hay Tông/Đống] (24/11/1782-22/7/1786) tự tử khi bị dân bắt giải về kinh đô. Huệ đưa Lê Duy Khiêm tức Kỳ (10/8/1786-1/2/1789) lên ngôi, niên hiệu Chiêu Thống.

3. Sau khi từ Bắc trở về miền Trung vào tháng 8/1786, Nguyễn Huệ mang quân vây Hoàng Đế thành [Vijaya hay Chà Bàn cũ]. Nguyễn Nhạc phải lên thành kêu gọi tình ruột thịt, Huệ mới lui binh. Lấy Bến Ván ở Quảng Nam làm ranh giới. Huệ cai trị từ phủ Thăng, phủ Điện ra Phú Xuân.[31] 

4. Trong khi đó, nhân cơ hội anh em Tây Sơn bất hòa, ngày 13/8/1787, Nguyễn Chủng trốn khỏi Bangkok về nước. Lực lượng xung kích là đạo quân “lê dương,” qui tụ đủ loại hải tặc, thổ phỉ người Âu, Hoa, Khmer, Xiêm, Tagals. Kiệt hiệt nhất có Hà Hỉ Văn, người Tứ Xuyên, Trung Hoa, thuộc Bạch Liên giáo, lúc ấy làm ăn ở vùng Côn Lôn và Vịnh Xiêm La dưới danh nghĩa Thiên Địa Hội. Nguyễn Văn Thành, trong những ngày tháng đầu từ  Vọng Các trở về, đã từng theo Hà Hỉ Văn kiếm sống. Ngoài ra, còn Nguyễn Văn Tồn, gốc Trà Vinh, một cựu nô lệ ở Nam Vang, đóng góp khoảng 3,000 lính Khmer, và Vinh Ma Ly, một hải tặc Thái.[32] 

Tháng 12/1787, Nguyễn Chủng mang chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, định tấn công Sài Gòn. Nguyễn Lữ chạy lên Biên Hòa, rồi về Qui Nhơn. Tướng Tây Sơn là Thái bảo Phạm Văn Sâm [Tham] —mặc dù bị ly gián kế của Chủng, khiến Nguyễn Lữ nghi ngờ—vẫn đẩy lui được cuộc tấn công của Chủng. Chủng đành kéo xuống chiếm Cần Thơ. Ngày 7/9/1788, Chủng chiếm lại Sài Gòn. Sâm rút giữ Ba Thắc (Cần Thơ-Sóc Trăng), rồi xin hàng. Chủng làm chủ miền Nam từ đó.[33] 

5. Hai năm sau, do giòng giõi chúa Trịnh muốn khôi phục quyền lực, rồi đến Nguyễn Hữu Chỉnh và Võ Văn Nhậm lộng quyền, Nguyễn Huệ lại ra Bắc. Lê Duy Kỳ trốn chạy, xuống hịch chống Tây Sơn, lưu lạc từ tay sứ quân này tới sứ quân khác. Tháng 8/1788, mẹ Kỳ trốn qua Long Châu, một cửa ải đối diện Thất Khê, cầu viện Mãn Thanh. Ải Tân Giác La Hoằng Lịch cho lệnh bọn tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị [Sun Shi-yi]  và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh [Sun Yong-qing] đích thân đi gặp mẹ Kỳ cùng hơn trăm trung thần của nhà Lê. Nghị đưa họ về Nam Ninh. Rồi dâng biểu xin xuất binh cứu giúp. Hoằng Lịch và cận thần đồng ý sai Sĩ Nghị mang quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quí Châu vào An Nam dưới chiêu bài “hung Lê” để tuyên dương uy đức Thiên tử [con trời]—với binh phí lên tới 400,000 lạng bạc. Thực tâm, Hoằng Lịch chỉ muốn bắt chước Chu Hậu Tổng nhà Minh “thanh oai” với Nguyễn Huệ, bằng cách tái lập Lê Duy Kỳ, giòng dõi một bồi thần đã nhiều đời cống lễ, hầu thiết lập một trật tự mới. Nhưng đối thủ của Lê Duy Kỳ là Nguyễn Huệ—một anh hùng áo vải từng tung hoành từ Bình Định-Quảng Nam vào tới châu thổ sông Cửu Long chưa một lần thất bại, diệt hai chúa Nguyễn cuối cùng năm 1777, phá tan quân Xiêm do Nguyễn Chủng cầu viện năm 1785, rồi mang quân ra bắc lật đổ chính quyền có gần 200 tuổi—kẻ chiến thắng cuối cùng của những cuộc tranh hùng triền miên từ 1527 tới 1785, dưới sự đạo diễn và sản xuất của hai triều Minh, rồi Thanh. Mùa Đông Mậu Thân (1788-1789), sau khi Tôn Sĩ Nghị làm lễ phong vương cho Lê Duy Kỳ ở Hà Nội, Nguyễn Huệ tự xưng Hoàng đế (22/12/1788-13/11/1792), lấy niên hiệu Quang Trung, rồi từ Phú Xuân ra đánh tan liên quân Thanh-Lê ở Hà Nội, trong vòng sáu ngày Tết Kỷ Dậu. Tôn Sĩ Nghị phải tất tả chạy về Trấn Nam Quan, bỏ lại sau lưng những quan tướng chết không kịp nhắm mắt.[34] 

Phần Giám Mục Pigneau, khi cặp bến Port Louis, Isle de France, năm 1788 mới được tin Nguyễn Huệ diệt Trịnh, rồi gây nên cuộc tương tàn. (Taboulet, La geste francaise, I:207). Tại Pondichéry, tân Thống đốc Corway không tích cực hợp tác.

Thực tế Đại Nam hẳn ít nhiều ảnh hưởng trên quyết định của Corway và các viên chức Pháp ở Versailles. Ngày 15/3/1789, Corway trình lên Bộ Hải Quân rằng Côn đảo và Hội An vô giá trị; phí tổn viễn chinh khó thể đền bù bằng thu nhập trong một thời gian ngắn để đáp ứng tình trạng khánh kiệt tài chính của chế độ. Ngày 16/4/1789, Bộ Hải Quân thông báo cho Pigneau biết không thể có cuộc viễn chinh Đại Việt. Thư này không đến tay Pigneau vì ngày 15/6/1789, Pigneau đã [lên tàu Méduse] qua Gia Định cùng một số lê-dương Pháp.[35] 

Tiếp đó, tại Pháp cách mạng 14/7/1789 bùng nổ. Dân chúng truất phế Louis XVI, thành lập chế độ Quân chủ lập hiến [cho tới ngày 10/8/1792]. Tháng 10/1789, Hội Đồng Quốc Gia (Conseil d'Etat) Pháp bãi việc viện trợ Nguyễn Chủng theo đề nghị của chính Charpentier de Cossigny.

Tại Đại Việt, Pigneau và Hoàng tử Cảnh về tới Gia Định vào hạ tuần tháng 7/1789. Nguyễn Chủng phong Pigneau làm Đạt Mệnh Điều Chế Tần Thủy Bộ Viện Binh, Giám mục thượng sư. Lính đánh thuê Pháp lục tục kéo tới, tăng cường cho đạo Lê dương đủ quốc tịch của Chủng.[36] 

Sự đóng góp lớn nhất của Pigneau là hệ thống các giáo sĩ và giáo dân Ki-tô. Bởi thế, sau cái chết đột ngột của Nguyễn Huệ—ngày 13/11/1792 [29/9 Nhâm Tí] hay 14/9/1792 [29/7 Nhâm Tí], cái chết đầy bí ẩn, vì bị thần nhân đánh trọng thương trong giấc mơ do dám phá hủy lăng tẩm cho nhà Nguyễn, theo các sử quan Nguyễn; vì bị đầu độc trong tay các giáo sĩ hay nhà Thanh, theo lời đồn—ngày 26/3/1795, Giám quốc Bùi Đắc Tuyên  lại cấm đạo. Nhà thờ Ki-tô bị biến thành trại lính. Lệnh này chỉ bị bỏ sau khi Võ Văn Dũng buộc tội Tuyên chuyên quyền, giết đi.[37]

Nhờ ảnh hưởng Pigneau, năm 1793 Cảnh được phong chức Đông Cung Thái tử. Nhưng hiềm khích giữa Pigneau cùng các đại thần Việt, kể cả một thân vương em Chủng, cũng gia tăng. Cái chết vì bệnh đậu mùa của Pigneau tại cửa biển Thị Nại ngày 9/10/1799—một năm sau ngày công bố “phép lạ La Vang”—và rồi cũng chứng bệnh đậu mùa lấy đi mạng sống Cảnh tại Gia Định gần hai năm sau (20/3/1801), bóp tắt giấc mộng tạo nên một vua Ki-tô hoặc thân Ki-tô của Pigneau và các nhà truyền giáo.[38] 

Nhưng công lao của Pigneau phần nào được đền bù—trong ba thập niên đầu của nhà Nguyễn, các cộng đồng Ki-tô có dịp phát triển mạnh. Dẫu vậy, các giáo sĩ chưa thỏa mãn. Họ không hài lòng với chỉ dụ về 5 điều lệ hương đảng cho các xã dân Bắc Hà. “Nước là họp các làng mà thành. Từ làng lên nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước.”[39] 

1. Về tiết ăn uống.

2. Về lễ vui mừng.

3. Về lễ giá thú

Lễ cưới châm chước trong 6 lễ; tùy khả năng, không được viết giấy khế cầm cố ruộng đất.

Hương trưởng thu tiền cheo 1 quan, 2 tiền nhà giàu; 6 tiền, nhà vừa, 3 tiền nhà nghèo. Làng khác, gấp đôi.

Chửa hoang, gian phụ phạt 30 quan; cha anh 3 quan để giữ phong hoá.

4. Việc tang tế:

5. Việc thờ thần, thờ Phật: Không được sửa chữa các nhà thờ, chùa chiền v.. v.. nếu không được phép của các quan địa phương. Nếu vi phạm, xã trưởng phải bị đầy đi xứ xa, dân thì sung làm dịch phu, nhẹ thì đánh roi hay trượng, "để bớt tổn phí cho dân, mà giữ phong tục thuần hậu."

Riêng về đạo "Gia tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia tô đổ nát thì phải trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm."  Mục đích nhắm “cố đổi tệ cũ, kính giữ giáo điều. Nếu cứ quen theo thói làng, can phạm phép nước, có người phát giác thì xã trưởng phải đồ lưu đi viễn châu, dân hạng, nặng thì sung dịch phu, nhẹ thì xử roi hay trượng, để bớt tổn phí chi dân, mà giữ phong tục thuần hậu.”[40] 

Họ cũng chẳng hài lòng với việc Nguyễn Phước Chủng chấn hưng chính giáo (Khổng giáo). Họ còn ngầm ủng hộ con Thái tử Cảnh là Hoàng tôn Đán kế chức Thái tử, và chống lại Hoàng tử thứ tư là Hiệu, ứng cử viên của phe nho sĩ bảo thủ trong triều.

Trong khi các nhà truyền giáo từng trải qua thời kỳ bài đạo vui hưởng giai đoạn hòa bình mới, những giáo sĩ trẻ—vì nhiều lý do khác nhau—không ưa Thái tử Đảm. Họ luôn luôn báo động về một lệnh bài đạo sắp ban hành và sự “vô ơn” của Thái tử. Những Jean-Louis Taberd (1774-1840), Francois Régéreau, rồi Pierre Retord, Joseph Marchand, Etienne Théodore Cuénot, Havard, v.. v... đưa vua Nguyễn Phước Đảm (Minh Mạng) và những người kế vị vào thế một mất, một còn với Ki-tô giáo.

B. LÍNH ĐÁNH THUÊ PHÁP:

Dù không phải là những lính đánh thuê Âu châu đầu tiên đến Đại Việt—nhóm thánh chiến quân do Pigneau tuyển mộ vào cuối thế kỷ XVIII thủ diễn vai trò khá quan trọng trong cuộc tranh hùng Nguyễn-Tây Sơn.[41] Pigneau tiến cử cho Nguyễn vương nhóm người Âu ưa phiêu lưu, mạo hiểm này từ thập niên 1780. Ba người đầu tiên là Manuel (Mạn Hoè), Gia Đố Bi và Ma Nộ E, gốc Portuguese. Năm 1782, Manuel tự tử khi chiến thuyền bị Tây Sơn vây đánh. Gia Đố Bi và Ma Nộ E chết trên đường đi Philippines. Pigneau đã dùng cái chết của họ để khích động dư luận trong chuyến qua Pháp cầu viện năm 1787.

Dẫn đầu đợt lính đánh thuê thứ hai là Victor Olivier (Ô-li-vi) de Puymanel—một binh nhì đào ngũ mới 20 tuổi, được Chủng cho chức Khâm sai cai đội (ngũ phẩm) và quốc tính (họ tên do vua ban) Nguyễn Văn Tín. Ngày 15/9/1788, Thống đốc Pondichéry cử Olivier cùng linh mục Paul [Bảo Lộc] Hồ Văn Nghị theo tàu Dryade thám thính miền Nam. Sau khi Chủng chiếm lại thành Sài Gòn, Olivier và Paul Nghị mang 1000 khẩu súng tới tăng viện. Từ năm 1789, Olivier phụ trách pháo và công binh. Mùa Hè 1792, được phong Thuộc nội Vệ úy (chánh tam phẩm), đi sát bên Pi-nhô và Đông cung Cảnh. Năm 1794, cùng Phan Văn Triệu, Lê Văn Duyệt theo Đông cung đi Diên Khánh. Ba năm sau, theo Cảnh tới Quảng Nam, đóng thuyền tam bản đánh hỏa công. Hai lần được tước Khâm sai đi mua vũ khí ở Hồng Mao (1795) và Hạ châu (1799).[42]

Cùng tháp tùng Pigneau qua Sài Gòn năm 1789 có 14 sĩ quan và khoảng 80 binh. Đáng kể nhất là Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn, 1762-1842, hạm trưởng tàu Phụng), Félix d’Ayot, Dominique Desperles, Godefoy de Forcanz (Lê Văn Lăng, coi tàu Bằng Phi), Jean Marie d'Ayot (chỉ huy tàu Đồng Nai và tàu Prince de Cochindrine, đặc trách vận tải và mua tàu, 27/6/1790), Julien Girard de l'Isle Sellé (hạm trưởng Prince de Cochindrine, 27/6/1790), Théodore Lebrun, Guillaume Gouilloux. Trong hai năm 1791-1792, một số người bỏ đi Macao hay Pondichéry, như Lebrun (1791), Félix d’Ayot (em J.M. d’Ayot), Guilloux, v.. v... Năm 1793, Olivier chỉ huy bộ binh, và J.M. d’Ayot, de Rhedon, Vannier, d’Auray ngành thuyền.

Năm 1795, toán Lê-dương gốc Âu còn khoảng 40 người. Những người mới gồm Jean Baptiste Chaigneau (Thắng toán hầu Nguyễn Văn Thắng, hạm trưởng tầu đồng Phi Long, 1794), Trung úy Charles Stanislas Lefèbvre [Le Fèvre], cháu Pigneau, cùng nha sĩ Jean Marie Despiau (1795). Nhưng tháng 3/1795, d'Ayot bị bắt buộc rời Sài Gòn trên tàu Le Cuivré qua Manila. Sau này phụ trách thương mại cho chính phủ Philippines. Trở lại thăm Huế năm 1804. Chết trong một vụ đắm tàu ở Vịnh Bắc Việt năm 1809. Năm 1818, chính phủ Pháp in bộ bản đồ bờ biển Việt Nam của D'Ayot, với tựa Le Pilote de Cochinchine.[43]

Ngoài ra, còn hai người Bri-tên, Ba-lang-hi và Laurent Barizy (Ba-la-di hay Nguyễn Văn Mân). Barizy—Lorient Barisy, người Pháp, theo tài liệu truyền giáo—là tay phiêu lưu chuyên nghiệp, có khả năng sáng tạo của một nhà văn, ghi lại sống động những trận hải chiến cuối cùng giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn. Nhưng công việc chính yếu của Barizy là tìm mua khí giới và quân cụ ở các thuộc địa Tây phương như Singapore, Goa và Malacca. Dù được Nguyễn vương phong chức “Khâm sai thuộc nội cai đội,” Barizy hợp tác với các công ty Bri-tên ở Madras.[44] 

Đóng góp quan trọng khác của nhóm người Âu là xây đắp thành trì. Theo tài liệu Pháp, tháng 4/1790, Olivier, Lebrun và Vannier giúp xây thành Gia Định, trên bờ phải sông Sài Gòn, từ Rạch Bến Nghé (Arryoro Chinois) tới Rạch Thị Nghè (Arryoro de l'Avalanche). Thành xây theo kiểu Vauban, nhưng pha chế kiểu “bát quái” (tám cửa) của Trung Hoa. Theo sử Nguyễn, thành hình vuông, mỗi cạnh dài 557met 70 [131 trượng, 2 thước]. Mở ra 8 cửa (bát quái). Tường cao 5m85 [13 thước ta], chân dày 31m87 [7 trượng 5 thước]. Phía ngoài thành là hào, hào rộng 44m62 [10 trượng 5 thước], sâu 5m95 [14 thước], có cầu treo bắc ngang. Chu vi ngoài thành là 3,374m5 [794 trượng]. Hơn 60 năm sau, thành này giúp nhóm phản loạn Bế Văn Cận (tức “Lê Văn” Khôi), Joseph Marchand, Nguyễn Văn Chắm, cầm cự với quân triều đình hơn hai năm, từ 1833 tới 1835.[45] 

Nhóm Olivier còn xây các thành Diên Khánh, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa, v.. v...

Phần nhờ sự tiếp tay của đạo lính đánh thuê này, phần vì cả hai vua Tây Sơn nối tiếp nhau từ trần trong hai năm 1792 và 1793, đưa đến sự tranh quyền giữa giòng giõi hai người, Nguyễn vương dần dần đả bại được đạo tinh binh từng đuổi Xiêm (1785), phá Thanh (1789), lừng lẫy khắp Đông Nam Á.

Sau khi Pigneau chết, nhóm Olivier, Chaigneau, Vannier, và de Forcanz tiếp tục ở lại. Ít lâu sau, Olivier chết tại Malacca vì bệnh kiết lị (dysentery).

Tháng 2/1800, nghĩ rằng người Bri-tên giỏi thủy chiến, Nguyễn vương cho Barizy tập họp binh thuyền, chuẩn bị quân nhu, chiến cụ để tham dự chiến dịch giải vây Qui Nhơn. Nhưng ít tháng sau, Barizy bị tố cáo tham ô, ăn chặn lễ vật và mưu sát hạm trưởng người Bri-tên Henderson, bị đeo gông, hạ ngục ở Gia Định. (ĐNTLCB, I, 2: 1778-1802, 1963:345, 355) Nhờ sự can thiệp của Cảnh, Barizy  được miễn tội. Chỉ có cai đội Chaigneau, Vannier và de Forcanz theo trung quân đánh giặc, tham dự những trận hải chiến ở Thị Nại và Thuận An, khi Tây Sơn có chiến thuyền trang bị từ 50 tới 60 đại bác. Sau khi Chủng tái chiếm Phú Xuân ngày 13/6/1801, Vannier, Chaigneau và de Forcanz đều được thăng cai cơ. Phần Barizy được phái đi mua súng đạn, chuyến công tác cuối cùng. Ngày 17/9/1803, Giám mục Labartette cho Chaumont ở Paris biết là Barizy đã chết một năm trước.[46] 

Từ năm 1803, Chaigneau và Vannier, với chức Chưởng Cơ, phụ tá Nguyễn Đức Xuyên coi việc ngoại thương (cai tàu vụ). Vai trò Chaigneau có vẻ vượt thắng, sau khi dịch sách toán Tây phương và thiên văn cho Nguyễn Phước Chủng vào mùa Thu 1804. Ít năm sau, Chaigneau còn dịch sách Macao và lịch Pháp.[47] 

Là những tín đồ Ki-tô bảo hoàng, Chaigneau và Vannier ước mơ thắt chặt quan hệ Pháp-Việt và không dấu sự bất mãn với thái độ bài Ki-tô của giới thân cận Thái tử Đảm. Vannier cũng chỉ trích Đảm thiếu tín nghĩa, đa nghi và bài đạo, rồi vô ơn, và bần tiện [avarice].[48] Do việc Nguyễn Phước Đảm từ chối nhận Chaigneau làm Lãnh sự của Louis XVIII, Chaigneau và Vannier xin về nước. Ngày rời Việt Nam bị đình hoãn tới cuối năm 1824 vì chiến tranh Pháp-Espania, và phần nào vì Vannier muốn kiếm thêm ít lợi tức dưỡng già qua phần hoa hồng mà công ty ở Bordeaux hứa hẹn. Minh Mạng cho cả hai hàm Chưởng cơ, và mỗi người 6,000 quan tiền. Hơn một năm sau, Vannier giới thiệu Cormier [Cormière hay Cốt Tu Mi], hạm trưởng Le Courrier de la Paix, mang hàng hoá tới Đà Nẵng. Triều thần muốn gửi trả, nhưng vua vẫn nhận, trả đủ 7,680 lạng, vì “Chấn [Vannier] là tôi tớ nay nghỉ việc về nước mà còn nghĩ đến ơn nuôi dưỡng mấy chục năm của triều đình, nay cách xa muôn dặm dâng lòng thành, hiền lao vẫn như thuở trước.” Lại giảm 50% thuế cảng; cùng gửi quà tặng và thư cho Vannier và Chaigneau.[49]

Chưởng cơ Forcanz chết năm 1811. Y sĩ Despiau chết vì dịch tả (cholera) tại Huế vào cuối năm 1824.

Ở thời điểm này, nhóm phục hưng chính giáo đã thống trị triều chính. Nguyễn Đức Xuyên xin hồi hưu rồi từ trần ít tháng sau. Trịnh Hoài Đức thay nắm ty Thương Bạc  được ít tháng cũng từ trần, Trần Văn Năng lên thay. Sự nghi kỵ người ngoại quốc và chiến dịch bài “Minh Mạng” của các giáo sĩ khiến vua không tuyển mộ thêm các cố vấn Âu châu. Vì nhu cầu thông dịch ngoại ngữ, năm 1826, vua mời ba giáo sĩ tới Huế để làm việc trong Hành nhân ty—nhưng bị đánh giá như dấu hiệu đàn áp Ki-tô giáo.

Cuộc nổi loạn của Nguyễn Hựu Khôi và lính thú Hồi Lương từ 1833 tới 1835 đưa cuộc chiến tranh lạnh giữa Nguyễn Phước Đảm và các nhà truyền giáo thành một trận chiến nóng. Nguyễn Phước Đảm đặt Ki-tô giáo ra ngoài vòng pháp luật. Giáo sĩ bị truy lùng, sát hại. Giáo dân bị quản thúc, giáo hóa hồi lương. Các giáo sĩ phải bỏ trốn lên rừng núi.

Chiến tranh nha phiến giữa nhà Thanh và liên minh Bri-tên/Pháp từ 1839 tới 1844 khiến các vua Nguyễn, nhất là Nguyễn Phước Tuyền/Dong (14/2/1841-4/11/1847) ôn hòa hơn. Dưới sự uy hiếp của tàu chiến và hải pháo Pháp, vua phóng thích và trục xuất các cố đạo. Nhưng đã trễ. Các nhà truyền giáo Pháp không ngừng van nài triều đình Pháp can thiệp để được tự do truyền đạo; trong khi tham vọng thực dân ngày một dâng cao theo quân số và tàu chiến tại Viễn Đông. Cuộc bắn phá Đà Nẵng ngày 15/4/1847 khiến Nguyễn Phước Tuyền lại ra lệnh cấm đạo. Lên nối ngôi cha ngày 10/11/1847, Nguyễn Phước Thời (10/11/1847-19/7/1883), niên hiệu Tự Đức, còn cấm Ki-tô gắt gao hơn. Âm mưu trốn khỏi nước của anh trai vua, An Phong Công Hường Bảo (1825-1854) do các giáo dân xúi dục, cùng những cuộc nổi loạn đòi Bắc Kỳ tự trị trong thập niên 1850 càng khiến vua nặng tay hơn.

Trong khi đó, năm 1857, Francois-Marie Pellerin, Giám Mục Đường Trong Tây, mang bốn bộ hài cốt tín đồ tử đạo về Pháp vận động đòi nợ máu vì tin rằng Nguyễn Phước Thời chỉ còn nghe được tiếng đại bác. Vận động của Pellerin đưa đến nghị quyết cần đánh chiếm Cochinchine, thiết lập chế độ bảo hộ, dựa trên các thày kẻ giảng và 600,000 giáo dân Ki-tô của Ủy Ban Cochinchine [la Commission chargée d'examiner diverses questions relatives à la Cochinchine].[50] 

Ủy Ban Cochin-chine, thiết lập theo lệnh ngày 7/4/1857 của Napoléon III, để hoạch định chính sách đối với Đại Nam. Ngày 22/4/1857, Bộ trưởng Ngoại Giao Walewski bổ nhiệm thành phần Ủy Ban, với Nam tước Brenier de Montmorand làm Chủ tịch. Phiên họp đầu ngày Thứ Ba, 28/4/1857, có mặt Nam tước Brenier de Montmorand, Đại sứ Toàn quyền, Chủ tịch; Cintrat, Giám đốc Chính trị Bộ Ngoại giao; Đề Đốc (Contre Amiral) Martin G. O. Fourichon; Fleury, Giám đốc Bộ Thương mại; Đại tá Hải quân Constant Jaurès, và, de Mofras, Thư ký.

Phiên họp thứ 4 ngày 7/5/1857 của Ủy Ban Cochinchine, có Godeaux, Lãnh sự tập sự, từng tháp tùng Montigny tới Cửa Hàn năm 1856. Godeaux đọc văn bản (note) của Pellerin, cho biết Cochinchine có 32 triệu dân, mà 600,000 người là Ki-tô.[51] 

Ngày 1/5/1857, Pellerin mới mang theo bốn hài cốt tử đạo về tới Paris, vận động với Bộ Ngoại Giao Pháp và xin yết kiến Napoléon III để kêu gọi can thiệp vào Đại Nam. Pellerin và Linh mục Chamaison, từng giảng đạo ở Bắc thành, dự phiên họp thứ sáu của UB Cochinchine ngày 16/5/1857.  Pellerin lược thuật lại việc Giám Mục d’Adran, tức Georges J P Pigneau đại diện Nguyễn Ánh ký hiệp ước 28/11/1787 với Bộ trưởng Ngoại giao của vua Louis XVI, rồi mang tình nguyện quân Pháp qua giúp Nguyễn Ánh lên ngôi. Theo Pellerin, mới đây vua Nguyễn từng công bố tài liệu xác nhận tổ tiên mình nợ của Pháp 270,000 đồng, vậy mà vẫn xuống lệnh cấm đạo. Người ta đồn rằng chính Nguyễn Ánh—tức tên Nguyễn Phước Chủng sử dụng để liên lạc với Pháp—đã ra tay giết con mình, tức Thái tử Cảnh. Nguyễn Phước Đảm đã xử tử Giám mục Borie và bốn giáo hữu là Gagelin, Jacquemard, Cornay và Marchand năm 1840. Năm sau, Nguyễn Phước Tuyền phóng thích Lefèbvre và nhiều cố đạo khác dưới áp lực của Đô Đốc Cécille. Khoảng cuối triều Nguyễn Phước Tuyền, xảy ra biến cố hạm trưởng Lapierre pháo kích ngày 15/4/1847. Quan chức Việt ở Tourane mời Lapierre tới dự tiệc, nhưng cho lệnh đào dưới nền nhà một hố để sập bẫy các sĩ quan Pháp để tàn sát. Nhờ một giáo dân bản xứ mật báo, Lapierre cho lệnh bắn phá năm tàu của vua Việt đậu gần đó. Hành động mạnh bạo này của Lapierre khiến Nguyễn Phước Tuyền thù hận Ki-tô giáo hơn, xuống lệnh xử tử bất cứ giáo dân nào bắt gặp [thực ra chỉ xử tử cố đạo ngoại quốc]. Thời gian này, một tàu Bri-tên tới nơi, biếu quà tặng, và tuyên bố họ không theo tôn giáo lớn nhất của Tây phương, và chỉ muốn làm thương mại; nhưng Nguyễn Phước Tuyền cũng từ khước. Năm 1847, các đại thần bỏ Hoàng tử trưởng, lập một em lên ngôi. Hoàng tử trưởng này âm mưu nổi loạn tại vài tỉnh, nhưng không thành công, bị bắt giam và thắt cổ  chết. Tháng 9/1855, lại có tàu Bri-tên của John Bowring tới Tourane và cho người đưa thư vào bờ, nhưng vẫn không thành công. Được hỏi về hậu quả chuyến đi thất bại của Montgoméry, và cơ hội để thành công của Montgoméry nếu có đông lực lượng tháp tùng, Pellerin cho rằng sự thất bại của Montgoméry không do sự đơn độc của phái đoàn, và ví thử ông ta có 5 hay 6 chiến hạm hộ tống thì có thể thành công. Ngay sau khi ông ta rời Đại Nam, sự đuổi giết giáo dân càng mạnh hơn trước, tất cả các họ đạo và trường học bị phá hủy, ngay chính Pellerin cũng phải vô vàn khó khăn mới thoát lên được tàu Capricieuse, và cũng phải chứng kiến linh mục Fontaine, người tháp tùng thân tín, bị chết dọc đường. Pellerin lập lại rằng tất cả những cuộc biểu dương lực lượng hạn chế, hay những lời đe dọa xuông, tất cả những biện pháp nửa chừng từ quá lâu khiến uy tín của nước Pháp bị suy giảm dưới mắt chính phủ Việt, đưa đến việc tàn sát giáo dân và sự lụn tàn của tôn giáo. Pellerin thêm rằng ông ta chỉ trở lại Âu châu để "conjurer ces maux et de supplier le Gourvernement de l'Empereur d'y porter remède."

Trong khi đó, tại Đại Nam, các giáo sĩ ra công chuẩn bị việc lật đổ nhà Nguyễn. Trong số 149 học sinh ở Collège de Penang, 117 người thuộc Cochinchine, và đa số thuộc địa phận của Etienne Théodore Cuénot.[52] Các giáo sĩ còn cung cấp phóng đồ các vị trí phòng thủ ở Đà Nẵng và Huế.[53] Đích thân Pellerin và Théophile le Grand de la Liraye tình nguyện làm thông dịch viên và hướng dẫn.

Ngắn và gọn, muốn phân tích vai trò lịch sử của những cá nhân như Petrus Key—serviteurs dévoués [nô bộc tận tụy] của thực dân Pháp—không thể không chú ý đến chính sách Hội truyền giáo, cùng liên hệ giữa nhà nước Pháp với Giáo Hội.


[1]Nguyễn Văn Trung, 1993, tr. 62.

[2]Osborne, 1969:95.

[3]ĐNTLCB, III, XLVIII, XLIX, L, 25:1844-1846, 1971:263-264, 321, 303-305, 321, 325-326, 340.

[4]ĐNTLCB, III, LXIII, LXV, 26:1846-1848, 1972:198-201, 233-243, 259-260, 263-264.

[5]ĐNTLCB, III, LXVI, 26:1846-1848, 1972:268.

[6]ĐNTLCB, III, LXVI, 26:1846-1848, 1972:268-269.

[7]ĐNTLCB, III, LXVII, 26:1846-1848, 1972:298-300, 324-325.

[8]ĐNTLCB, III, LXVII, 26:1846-1848, 1972:301-305.

[9] ĐNTLCB, III, XLIX,  25:1843-1844, 1971:293, 321-324.

[10]ĐNTLCB, III, LVIII, 26:1844-1846, 1971:165-166.

[11]ĐNTLCB, II, 22:1840-1841, 1969:328.

[12] Nguyễn Mạnh Quang, Thực chất Giáo hội La Mã, II:695-700; Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, tập I (ấn bản 1997); hoặc Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1883-1945, tập II & III (ấn bản 2000))

[13]Maria (Mary), vợ Joseph, khác với Mary Magdalane mà nhiều tác giả cho là vợ Jesus, sinh ra cho Jesus một con trai là Judah. Tên ghi trên sáu trong mười bình đựng hài cốt của “gia đình Jesus, con Joseph” tìm thấy năm 1980 tại phía Nam Jerusalem—được trắc nghiệm theo DNA, là những nhân danh quen thuộc trong Tân Ước Kinh: Jesus, Maria, Matthew (Matia), Joseph, Mary Magdalane và Judah [được ghi là phản đồ]. [Nhà sản xuất James Cameron cùng đạo diễn Simcha Jacobovici thực hiện thành bộ phim tài liệu The Lost Tomb of Jesus [Ngội Mộ Bị Bỏ Quên của Jesus], chiếu trên Discovery Channel ngày Chủ Nhật, 4/3/2007]

[14]Năm 1984, Liên bang Mỹ chính thức nối lại bang giao với Vatican, sau khi Quốc Hội Mỹ rút lại đạo luật năm 1867 (cấm liên hệ ngoại giao với Vatican). Israel và Vatican cũng bình thường hóa ngoại giao từ ngày 30/12/1993. Năm 2019, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bang giao với Vatican của Francisco (người Argentina gốc Italian, thay Benedicto XVI  (2005-2/2013) từ chức vì sức khỏe từ tháng 2/2013. Francisco có biệt danh là “Slum Priest.” Linh mục Jesuite đầu tiên giữ chức Giáo Hoàng. Ngày 30/6/2013, ca ngợi việc Benedicto XVI từ chức là ý chúa [god’s will], tức lương tâm [conscience]. Một trong những khó khăn của Francisco là những vụ án xách nhiễu tình dức khắp nơi, nạn nhân gồm trẻ con, và ngay cả chủng sinh. Vấn nạn tiềm ẩn khác là điều kiện tiên thiên độc thân của các linh mục.

[15]CMCB, XXXIII: 5-6;  (Hà Nội: 1998), II:300-301. Trần Trọng Kim giải thích bốn chữ “học Hoa Lan đạo” khắc lên trán giáo dân Ki-tô từ năm 1712 xuất xứ từ “Hoà Lan” [Holland]; Việt Nam Sử Lược, ấn bản Hoa Kỳ (1980?), II:100 [Sẽ dẫn VNSL]. Xem thêm  Huồn, 1965, I:46-47.

[16]ĐNTLCB, IV, 33:122-123.

[17]Bonifacy, Le débuts du Christianisme en Annam: Dès origines au 18è siècle [Sự khởi đầu của Ki-tô giáo tại An-Nam: Từ nguyên thủy tới thế kỷ thứ XVIII] (Hanoi: 1930), tr. 16; Hồng Lam, Lịch sử đạo thiên chúa ở Việt Nam, thế kỷ XVI-XVIII (Huế: Đại Việt, 1944), tr. 4. Léopold Cadière, người chú giải sách Hồng Lam, cho rằng Santa de Cruz tới Lovek (kinh đô Chân Lạp) và Đàng Trong năm 1555; Ibid., 1944:116, 154-158. Theo tài liệu Dutch, ngày 13/11/1596, khi Cornelis Houtman đặt chân xuống Jacatra—tức Batavia sau này—mặc dù thương gia Portugal chưa hề đặt chân tới nơi, nhưng ngưới coi thuyền vụ nói được tiếng Portuguese; Jean Gelman Taylor, The Social World of Batavia: European and Eurasian in Dutch Asia (Madison, WI: The Wisconsin Univ Press, 1983), tr. 3.

[18]Christoforo Borri, Cochin-China: A Relation of the Kingdome of Cochin-China (London: 1633), reprinted by Da Capo Press in 1970.

[19]Léopold Cadière, “Le Voyage en ‘Sinja’ sur les côtes de Cochinchine au XVIIè siècle;” BAVH, VIII, nos. 1-4 (1921), pp. 15-29 ; BAVH, XXVIII, no. 1 (1-3/1941), tr. 95-96; Cao Huy Thuần, 1990:9-11. Vachet để lại hồi ký Mémoires de Bénigne Vachet (Paris: 1865), nhưng chúng tôi chưa được tham khảo.

[20]CMCB, XXXIII:5-6; (Hà Nội: 1998), II:300-301 [Chúa Trịnh, 1663], II:373 [Trịnh 1696], XXXIV:35, XVI:63; (1698), II:373); XXXV:10-1, II:400-1 [Trịnh 1712],  Ibid., XLI:24, II:626-27 [Trịnh 1754], XLIV:9, II:708-9 [Trịnh 1773]; ĐNTLTB, I,  1962:68 [Nguyễn 1635] 153 (Nguyễn 1698), 154 [Nguyễn, 1699]. Tài liệu truyền giáo ghi thêm: [Trịnh, 1630] (Rhodes 1650:187-188); (Trịnh, 1643); [Nguyễn, 1625], [Nguyễn, 1629], [Nguyễn, 1639], [Nguyễn 1705], [Nguyễn 1750].

[21] Rhodes 1650:187-188; Huồn, 1965, I:90, 319. [Năm 1630 [Canh Ngọ], Rhodes bị trục xuất về Áo Môn (Macao), vì rao giảng chế độ một vợ, một chồng, ngược với tục đa thê].

[22]Năm 1857, Giám Mục Francois-Marie Pellerin ước lượng rằng Cochinchine (hiểu theo nghĩa Đại Nam) có 32 triệu dân, mà 600,000 người là Ki-tô; SHM (Vincennes), GG2 44, carton 3.

[23]SME (Paris), Lettre commune [LC, Thư Chung/Thư Công Đồng]  14/4/1850. Một số tác giả Việt đã lầm lẫn dịch chữ “Tonkin” trong tên đặt các giáo khu thành “Bắc Kỳ.” Địa danh Tonkin chỉ dùng để chỉ 11 tỉnh Bắc Kỳ từ thập niên 1880, nhất là sau khi bà cháu Nguyễn Phước Biện đề nghị nhượng Tonkin cho Pháp trực trị, đổi lấy quyền tự trị ở 12 tỉnh An Nam (Thanh Hóa tới Bình Thuận).

[24]Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện [ĐNCBLT], q.XXX: Ngụy Tây, 9B-10A (Sài Gòn: 1970), tr. 40-43.

[25]ĐNTLCB, I, I, 2:1778-1802, 1963:29-33. 

[26]ĐNCBLT, I, q 2 (1993), 2:44-54 ; ĐNTLCB, I, I, 2:1778-1802, 1963:33-34, 165, 386. Sự xuất hiện của  Hoàng tử Cảnh và Pigneau tại Pháp khiến Đại sứ Thomas Jefferson (1743-1826) của Mỹ chú ý đến “gạo” của Cochinchine. [1789, Ngoại trưởng; từ chức ngày 31/12/1793. 1796: Phó TT. 1801: Đắc cử TT. 1804: Tái đắc cử].

[27]ĐNTLCB, I, II, 2:1778-1802, 1963:49-50; Archives du Ministère des Affaires Etrangères [AMAE] (Quai d’Orsay, Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol. 19, tr. 101-3; SHAT (Vincennes), 10H xxx [1, d. 3]; CAOM (Aix), GGI [Amiraux], 11704; Louvet, Mgr d’Adran : Missionnaire et patriote, p 147; Đỗ Bang & Nguyễn Minh Tường, Chân Dung Các Vua Nguyễn (Huế : Thuận Hóa, 1996), tr 197-200.

[28]AMAE (Paris), Correspondances générales, vol. 7, tr. 607ff, 662; Georges Taboulet, La geste francaise en Indochine: Histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914, 2 tập (Paris: Maisonneuve, 1955-1956), I:191-194, 208-209. [Trong thư gửi Corway và d’Entrecasteaux ngày 2/12/1787, de Montmorin khẳng định Corway được tùy nghi hành động [607ff]. Ngày 11/2/1788, de Montmorin chỉ thị Đại sứ Pháp La Vanguon thông báo với triều đình Espania là Pháp sẽ can thiệp quân sự vào Đại Việt để ngăn chặn nước Bri-tên bành trướng ảnh hưởng trong khu vực này; AMAE (Paris), “ Triều đình Espania,”  vol. 624 ; Thọ, 1995:8-9.

[29] Bản dịch của Pigneau; SHM (Vincennes), GG2-44, carton 3, d.1; và AMAE (Quai d’Orsay, Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol 64, tờ 21.

[30]ĐNTLCB, I, II, 2:1778-1802, 1963:57-58, 61; Thư ngày 25/1/1875, Nguyễn Ánh gửi Jacques Liot, trong Cadière, “XI. Nguyen Anh et la Mission;” BAVH, XIII, no. 1 (1-3/1926), tr. 20-21.

[31]ĐNCBLT, XXX: Ngụy Tây; 13B-14B (1970), tr 60-62. [Liệt Truyện ghi việc này vào cuối năm 1786, sau khi Nhạc đã xưng đế, phong đất cho hai em, trước ngày Chủng từ Xiêm về nước lần thứ hai; Ibid., XXX:13B-14A. Theo Thực Lục, anh em Tây Sơn giao chiến từ tháng 7 năm Bính Ngọ (1786); ĐNTLCB, I, II, 2:1778-1802, 1963:63, 65.  Các nhà truyền giáo ghi vào đầu năm Đinh Mùi (khoảng ngày 21/2/1787), Thư ngày 6/6/1787, Doussain gửi Le Blandin; BEFEO, 1912, tr. 19; Hoàng Xuân Hãn, Toàn Thư, II:1297. Theo các giáo sĩ, Huệ dùng từ 60,000 tới 100,000 quân vây thành Đồ Bàn; Thư ngày 6/6/1787, Doussain gửi Le Blandin; BEFEO, 1912, tr. 19; Thư ngày 3/5/1787, Longer gửi Boiret; Revue indochinois [RI], XIV, 1910, tr. 46; Thư ngày 21/5/1787, GM Jean de Labartette gửi Letondal; A. Launay, III:129; Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, 1771-1802 (Los Angeles: An Tiêm, 1991), tr 148.

[32]ĐNCBLT, II:471-476, 477-478; ĐNTLCB, I, II, 2:1778-1802, 1963:53-54, 194, 206-207, 249 [Nguyễn Văn Tồn].

[33]ĐNTLCB, I, II, 2:1778-1802, 1963:65-66, 67, 68-69, 72, 73, 90-91. Xem thêm thư ngày 19/1/1789, Nguyễn Chủng gửi Jacques Liot; L. Cadière, “Nguyễn Ánh et la Mission;" BAVH, vol XIII, no 1, 1926: 47-48. Thư này được chép lại ngày 19/6/1827 (25/5 MM VIII) [Thông báo bình yên từ khi ở Xiêm về [13/8/1887], chiếm Sài Gòn ngày 7/9/1788. Chưa thấy tàu Pháp tới. Đánh nhau với quân Tây Sơn vào tháng 8-9/1878. Đã cử sứ đưa quà dâng cho hai vua Xiêm. Yêu cầu Liot thư cho biết sứ đoàn tới chưa].

[34] ĐNTLCB, I, II, III, 2:1778-1802, 1963:62-63, 70-71, 72; CMCB, XLVII: 25-27, 32-39, 39-45, (Hà Nội: 1960), XX:54-60, 60-64 [1976-1982, 1982-1986]; (Hà Nội: 1998), II:791-792, 837-44, 845-851; Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, XXX: Ngụy Tây, 30B, bản dịch Tạ Quang Phát (Sài Gòn: 1970), tr 125; Trương Bửu Lâm, “Intervention Versus Tribute in Sino-Vietnamese Relations, 1788-1790;” John King Fairbank, pp 169n20 [165-179, 321-326]; dẫn Thanh sử khảo, Table 1, 3:2201.

[35]Launay, III:199. [Ngày 18/3/1789, Pigneau còn viết thư cho Conway, thông báo Chủng đã lấy lại được 5 tỉnh Nam Kỳ và xin gửi một lực lượng tượng trưng qua giúp Chủng].

[36]ĐNTLCB, I, IV:14-15 [nho], 2:1778-1802, 1963:98 [viet]; ĐNCBLT, q.28, II:476; Thư ngày 17/8/1789, Pigneau (Sàigòn)  gửi [Claude Francois] Létondal (Macao); ASME (Paris), vol. 801, tr. 283.

[37]Thư ngày 31/3/1795, La Mothe gửi Letondal; ASME (Paris), Tonkin 692. Jean Jacques Guérard (1761-1823) lúc bấy giờ đang ở xứ đạo của Giám mục Jean Labartette (1772-1823) tại Dinh Cát, thuộc xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, Quảng Trị. Nhưng ngày 29/3, vợ Nguyễn Huệ chết, Guérard hoặc vì hoảng sợ hoặc vì một lý do nào đó, bỏ trốn qua Macao; Thư ngày 25/11/1792, Guérard gửi Boiret; ASME (Paris), Tonkin 692, tr. 397-99. Từ Macao, ngày 25/11/1792, Guérard báo cáo khá đầy đủ về tình hình Phú Xuân trong hai năm 1791-1792; Ibid. Sau ngày vua Nguyễn Huệ từ trần các giáo sĩ ngả hẳn về phe "ông Chủng."

[38] ĐNTLCB, I, 2:1778-1802, 1963:331 [Pigneau], 386 [Cảnh]; ĐNCBLT, II:477, 48; QTCBTY 1971:35, 37. Annales, 1847. 19:268; ASME (Paris), vol 746, tr. 839. Thập niên 1980, hài cốt Pigneau đã được cải táng ở Pháp.

[39]ĐNTLCB, I, XXIII,  3:1802-1809, 1963:162-169.

[40]ĐNTLCB, I, XXIII, 3:1802-1809, 1963:166-69. Tài liệu truyền giáo ghi ngày 4/3/1804, khi Nguyễn Phước Chủng đang trên đường từ Hà Nội vào Thanh Hóa; Phan Phát Huồn 1960, I:267-268

[41]Năm 1662, Jean La Croix đúc đại bác cho chúa Hiiền Nguyễn Phước Tần (19/3/1648-30/4/1687), giúp Nguyễn Hữu Dật đẩy lui quân Trịnh Căn ở Bắc Bố Chính. Quốc sử quán Nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, Tiền Biên [TB] (Hà Nội: 1962), IV: Thái Tông (thượng), Mùa Hè 1672, khi Trịnh Tạc (28/5/1657-9/1682) mang vua Lê Duy Khoái/Cối (Gia Tông, 19/12/1671-27/4/1675) và 180,000 quân vào đánh chúa Nguyễn Phước Tần (19/3/1648-30/4/1687), Trịnh Căn trưng dụng cả các tay xạ thủ người Hòa Lan và Âu châu; Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, 1972, I:92-94; ĐNTLTB, V:Thái Tông (hạ), 1962:121. [Nhưng sau đó, hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến, ngưng chiến].

[42]ĐNTLCB, I, 2:1778-1802, 1963:158 [Tháng 7-8/1792, Khâm sai cai đội Ô-li-vi làm Vệ úy ban trực tuyển phong hậu vệ thần sách], 194 [tháng 6-7/1794, Vệ úy Ô-li-vi cùng bọn Phan Văn Triệu, Lê Văn Duyệt theo Đông cung đi đánh giặc ở Diên Khánh; [Tháng 8-9/1794]: mang tả quân về Gia Định], 208 [tháng 2-3/1795, Vệ úy ban trực tuyển phong hậu quân qua Hồng Mao mua vũ khí], 264 [Tháng 6-7/1797, thuộc nội vệ úy Ô-li-vi đóng thuyền tam bản đánh hỏa công ở Quảng Nam], 294 [tháng 1-2/1799, Khâm sai thuộc nội vệ úy đi thuyền hiệu Thanh tước đến Hạ châu mua vũ khí]) Xem thêm H. Cosserat, “Notes biographiques sur les francais au service de Gia Long;” BAVH, IV, no.3 (7-9/1917), tr. 165-206.

[43]Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue (London: Archon Books, 1970), tr. 179n1.

[44]ĐNTLCB, I, 2:1778-1802, 1963:247 [Tháng 10-11/1796), cai đội Ba-lang-hi và Ba-la-di [Barisy], đều là người Hồng Mao, đi Hạ châu tìm mua súng đạn], 423) [Tháng 8-9/1801, Khâm sai thuộc nội cai đội Ba-la-di đi tìm mua súng đạn]. Xem thêm thư ngày 11/4, 16/4, &16/7/1801, 15/6/1802, trong L. Cadière, “Les francais au service de Gia Long: XII. Leur correspondance;” BAVH, XIII, no. 4 (10-12/1926), tr. 373-416.

[45]ĐNTLCB, I, 2:1778-1802, 1963:112-113. Không nhắc gì đến Olivier.

[46]ĐNTLCB, I, 2: 1778-1802, 1963 :345, 355, 415, 423; QTCBTY 1971:28; Thư ngày 2/3/1801, Chaigneau gửi Barisy; Cadière, “XII. Leur correspondance;” BAVH, XIII, no. 4 (10-12/1926), tr. 372-373; Thư ngày 11/4/1801, Barisy gửi Letondel; Ibid., tr. 359-447; Cosserat, “Notes biographiques sur les francais au service de Gia Long;” BAVH, IV, no.3 (7-9/1917), tr. 183-186.

[47]ĐNTLCB, I, 3:1802-1809, 1963:131, 218, 4:1809-1820, 1963:183; ĐNCBLT, II:477; QTCBTY, 1971:35. Ngày 12/11/1811, Vannier lập gia đình với một người Việt, Nguyễn Thị Sen hay Magdeleine Sen, con gái Nguyễn Văn Dũng, Thuyền tả cai đội, một giáo dân Ki-tô ở Phường Đúc, hay Thợ Đúc. Năm 1824, Vannier đưa vợ con về nước và chẳng bao giờ trở lại. Ngày 5/10/1863, vợ và con gái Vannier từ Lorient tới thăm sứ đoàn Phan Thanh Giản. Thị Sen (Liên) nhắc lại chuyến thăm đột ngột của Tôn Thất Thường (Văn Liễu) và Dũng năm 1840 hoặc 1841. Ngày 7/10, trở lại dự tiệc với con trai, con gái. Mặc quốc phục. Trần Xuân Toạn (dịch), “L’Ambassade de Phan Thanh Gian, 1863-1864); BAVH, 1921, tr. 174-176, 178-180 [147-187]. Xem thêm Documents A. Salles, III: Philippe Vannier; BAVH, XXII, No. 2 (Avril-Juin 1935), tr. 159.

[48]Thư ngày 3/6/1819, Chaigneau gửi Baroudel (Macao), [muốn rời Việt Nam. Gia Long sức khoẻ suy yếu, vua mới ghét đạo và sẽ bài đạo. Tàu Âu châu không tới được nữa]; Cadière, “XII: Leur correspondance;” BAVH, XIII, no. 4 (10-12/1926), tr. 422-423 ; Thư ngày 15/6/1819 Vannier gửi Baroudel (Macao) [Hoàng tử Đảm từng tuyên bố trong một nước, dân phải theo đạo của vua ]; Ibid., 423-425.

[49]ĐNTLCB, II, XXVIII, 7:1824-1826, 1964:79, 8:1826-1828, 1965:86.  [15/11/1824]: Chưởng cơ Vannier (Chấn) và Chaigneau (Thắng) xin từ chức. Vua sai người hỏi lý do, vì vua đãi cũng không bạc. Đáp nay đã già xin về nước. Vua đồng ý. Thưởng cho phẩm phục].

[50]AMAE (Quai d’Orsay, Paris), Mémoires et Documents Fonds divers—Asie, hộp 27bis; SHM (Vincennes), GG2-44, carton 3; Nguyên Vũ, Paris: Xuân 1996 (Houston: Văn Hóa, 1997), tr 213 [202-219].

[51]AMAE (Quai d’Orsay, Paris), Mémoires et Documents, Asie, Vol 27b; SHM (Vincennes), GG2 44, carton 3, d1.

[52]SME (Paris), Lettre commune [LC],  22/4/1857, p 5. "Demi-paix" ở miền Bắc; giáo dân tăng trưởng. Làm lễ rửa tội cho 5,526 trẻ em và 1328 người lớn (p:1). Tại Cochinchine, vẫn còn đàn áp tôn giáo.

[53]Ngày 25/4/1858, GM Pierre Jules Retord thư cho Francois Napoléon Libois, Quản lý giáo khu Hong Kong, báo cáo về việc phòng thủ Tourane gồm có sáu [6] đồn : hai [2] đồn ở cửa vào vịnh, và bốn [4] đồn dài theo sông; ASME (Paris), Tonkin, vol. 706:86. Các giáo sĩ cũng cung cấp phóng đồ Huế và đường đi từ Đà Năng lên Huế.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1460)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4691)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 6389)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
20 Tháng Năm 20228:49 CH(Xem: 9465)
Thứ Tư, 18/5/2022: Ngày 84 Thật khó ngỡ cuộc xâm lược Ukraina của tập đoàn thực dân mới Vladimir V Putin đã bước sang ngày thứ 84. Mười hai tuần chiến tranh trên truyền hình, báo chí online, cùng các video social media với đại đa số nhân loại, nhưng là 84 ngày, 84 đêm máu, nước mắt, đổ nát, chết chóc, đau khổ, đói ăn, thiếu nước, không đèn điện, không gas sưởi của hơn chục triệu dân Ukraina đã và đang bồng bế, giắt dìu nhau rời nhà cửa, xóm làng nổi trôi trốn trảnh tiếng tru rít của pháo, bom, hỏa tiễn, phi cơ đủ loại, đủ kiểu. Và, cho tới tối ngày thứ 84 này, viễn ảnh kết thúc chiến tranh vẫn xa vởi. 959 chiến binh Lữ đoàn 36 TQLC Ukraina tại Azovstal, Mariupol, đã buông súng đầu hàng, rời bỏ địa ngục trần gian sau 82 ngày kháng Nga. Nhưng chết chóc, đổ nát, khổ đau chỉ có dấu hiệu gia tăng.
01 Tháng Mười Một 202110:17 CH(Xem: 13849)
CUỘC CÁCH MẠNG 1/11/1963 / Vũ Ngự Chiêu / Trích: Ngô Đình Nhu, Chết Khó Nhắm Mắt
01 Tháng Chín 202110:30 CH(Xem: 11847)
Đầu năm 1950, Nguyễn Sinh Côn, tức “Đồng chí Đinh,” “đi bộ 17 ngày” từ Tuyên Quang tới Thủy Khẩu, vượt biên giới qua Long Châu (Quảng Tây). Rồi được Lưu Thiếu Kỳ [Liu Shao-qi] đón lên Bắc Kinh.[1] Trước thập niên 1990, rất ít người biết chuyến “khất thực” bí mật này. Nguồn tư liệu chúng tôi sử dụng gồm tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Việt thu thập hơn 40 năm qua, kể cả chuyến tham khảo Việt Nam năm 2004-2005. Hai tài liệu văn khố Pháp quan trọng là nghiên cứu “Đảng Cộng Sản Trung Hoa tại Bắc Đông Dương” [Le Parti communiste chinois en Indochine du Nord]” của Nha Thanh Tra Chính Trị Đông Dương, và “Trung Cộng và Việt Minh, từ tháng 9/1945 tới tháng 9/1948 [Les Communistes chinois et le Viet Minh (du Septembre 1945 à Septembre 1948)]” do Charles Bonfils soạn thảo.[2]
31 Tháng Tám 202112:22 SA(Xem: 11628)
Trong đời hoạt động của Nguyễn Sinh Côn [Hồ Chí Minh]—ngoại trừ chuyến “đi biển” năm 1911, do tự nguyện—mỗi cuộc xuất ngoại đều có sứ mạng riêng. Chuyến đi Nga cuối tháng 6/1923 từ Paris—do Đệ Tam Quốc Tế “Cộng Sản” [ĐTQT, Comintern] dàn xếp—là chuyến cầu viện thứ nhất. Nó mở ra cho Côn giai đoạn hoạt động suốt 22 năm kế tiếp như một cán bộ ĐTQT chuyên nghiệp [apparatchiki, và agitprop=political agitation and propaganda]. Chuyến đi bộ 11 ngày lên Côn Minh [Kunming], Vân Nam [Yunnan] vào cuối năm 1944 cầu viện Mỹ—qua đường giây Tướng Claire Chennault, chỉ huy trưởng phi đoàn Cọp Bay [Flying Tigers], và Sở Tình Báo Chiến Lược [Office of Strategic Services], tiền thân Cơ Quan Tình Báo Trung Ương [Central Intelligence Agency], mở ra cho Côn cơ hội bằng vàng chiếm chính quyền trong vòng tám ngày ngắn ngủi từ 17 tới 25/8/1945 như một “đồng minh tự phong”của Mỹ, rồi tuyên bố độc lập với Pháp chiều 2/9/1945 ở vườn hoa Ba Đình.
10 Tháng Tám 20211:42 SA(Xem: 12220)
Nhu cầu tìm hiểu sử học càng cấp thiết hơn khi cuộc cách mạng truyền thông của thế kỷ XX đã giúp phổ biến đủ loại “ngụy sử” qua các dạng thức tuyên truyền trắng, đen hoặc xám của các chính phủ, chế độ và phe nhóm, tôn giáo. Một nữ sinh viên ban Thạc sĩ Việt du học ở Liên bang Mỹ mới đây—khi được đọc những tư liệu văn khố về Hồ Chí Minh (một trong những tên giả của Nguyễn Sinh Côn, 1892-1969)—đã vội vã phản kháng là xin đừng “phá hoại lịch sử.” Thứ lịch sử mà người nữ sinh viên trên nói đến, thực ra, chỉ là những bài giảng lịch sử giáo điều, đúc khuôn tại Việt Nam. Một thứ truyền đơn, khẩu hiệu, không hơn không kém, của phe thắng cuộc đang cai trị bằng còng sắt và kỹ thuật tra tấn của an ninh, mật vụ dưới họng súng quân đội—nên đã tạo ra hiện tượng đáng buồn về tình trạng giảng dạy môn sử tại Việt Nam hiện nay; cũng như những lập luận “rẻ rách sinh con chuột” hay hờn oán, trách móc, ở hải ngoại.(Chính Đạo)
30 Tháng Tám 202012:31 SA(Xem: 15671)
1/6/1802 [2/5 Nhâm Tuất]: Nguyễn Chủng lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long. (ĐNTLTB, I, 11-12, 1962:230-264, & ĐNTLCB, I, I, 2:1778-1802, 1963:27, & XVII, 3:1802-1809, 1963:23-24) Ban chiếu: Kinh Xuân Thu trọng nghĩa nhất thống là để chính danh nghĩa khi mở đầu. Từ tiên thái vương ta dựng nền ở miền Nam, thần truyền, thánh nối đã 200 năm. Gần đây Tây Sơn nổi loạn, vận nhà Lê đã hết, hơn vài mươi năm trong nước không có chính thống. Năm Canh Tí [1780] ta mới ở thành Gia Định, được các tướng sĩ suy tôn, đã lên ngôi vương để giữ lòng người. Duy đô cũ còn chưa phục, nên còn theo niên hiệu cũ [nhà Lê] (ĐNTLCB, I, XVII, 3:1802-1809, 1963:23-24)