- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Bính Và Tuần Báo Trăm Hoa (1955-1957) (phần Ii)

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 6958)
image004
LẠi Nguyên Ân

Phụ lục

Dưới đây là bản ghi “nốt” của người viết về nội dung bài mục các số Trăm Hoa loại mới. Tôi đã ghi để làm tư liệu chuẩn bị viết bài này. Sau khi bài viết xong, tôi thấy các ghi chép này tuy đã dùng một phần vào bài trên, nhưng vẫn còn khá nhiều dữ liệu chưa dùng đến. Tôi thấy tiếc nếu xóa bỏ đi. Vì vậy tôi để lại dưới bài như một thứ phụ lục, bạn nào cần có thể tham khảo, nếu ai không cần tưởng cũng không hại gì.
 
Số 1 Trăm Hoa loại mới (Thứ Bảy 20/10/1956) mở đầu bằng lời tòa soạn nhan đề Hoa lại nở cắt nghĩa vì sao Trăm Hoa cũ lại chết.

“Tuần báo văn nghệ Trăm Hoa ra đời từ tháng Bảy năm 1955. Nó ra đến số 31, sống gần một năm thì nó tạm đình bản. Nói cho văn hoa thì “Trăm Hoa chết vì phương diện tài chính khó khăn”. Còn nói nôm na vắn tắt thì “Nó chết vì nó lỗ quá!” Nó chết vì hết tiền. Than ôi! sớm nở tối tàn, thân Hoa thầm trách số phận mình sao lại sinh vào cửa tư nhân! Sung sướng thay những bạn đồng nghiệp cơ quan ngôn luận của các đoàn thể! Có bao giờ chịu cái số phận nửa chừng xuân như số phận Trăm Hoa.

Mà kể cũng sung sướng thật, những tờ báo đoàn thể cứ mặc sức mà in mà sống, không bao giờ bị lo chết, lỗ thế chứ lỗ nữa cũng trường sinh bất tử như thường! Có quỹ của đoàn thể trợ cấp, lại có đủ phương tiện mua giấy má, phát hành sâu rộng, v.v..., tha hồ mà bán rẻ. Biếu không còn được nữa là!

Một lần nữa xin nhắc lại, sở dĩ Trăm Hoa chết là vì hết tiền, chứ không phải vì đã “ngạo mạn” dám đăng ba bài phê bình thơ Xuân Diệu, mà Xuân Diệu vốn là bạn thân của ông Huy Cận thứ trưởng bộ Văn Hóa, và ông Hoài Thanh trong ban thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam như một vài dư luận. Nó tự chết chứ không ai truy bức nó chết. Chuyện có sao nói vậy; đặt điều gieo tiếng là không tốt.

Nhớ lại lúc Trăm Hoa mới ra, có kẻ tin là mình thấy rộng nghĩ xa, vội vàng phun nọc độc: “Bọn ấy làm gì có tiền mà ra báo? Tiền ở đâu? Tiền của địch chăng??? Phải cảnh giác!” Đến khi Trăm Hoa chết vì hết tiền, không biết những cá nhân ấy có đến nỗi thẹn mà chết theo vì cái bệnh vu cáo láo hay không?”

Hai số đầu đăng liền mạch một bài báo dài của Nguyễn Bính: Vì những sai lầm nghiêm trọng, cần phải xét lại toàn bộ giải thưởng văn học 1954-1955. Đề nghị đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì. Loại tập thơ Ngôi sao và một số quyển không xứng đáng. Bổ sung một số tác phẩm khác.

Nhân kỷ niệm ngày nhà văn Vũ Trọng Phụng từ trần (13/10/1939), báo trích đăng tiểu thuyết Số đỏ.

Trong mục “Việc làng việc nước” có các bài nhỏ, trong đó cợt trêu Phan Khôi: trong Ông bình vôi ông bảo vật gì có thể hại mình thì người ta gọi bằng ông, vậy nếu gặp ông Phan, biết gọi là gì?

Về sáng tác, báo đăng thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, truyện Cái hắt hơi của Sê-cốp (Chekhov) do Triêu Dương dịch.

Về thời sự xã hội, báo có bài Chúng tôi đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu, ký tên Người Hà Nội.

Số này và các số sau thường xuyên có mục “Tầm vông vạt nhọn” đả kích Mỹ-Diệm.

Số này có ba bức biếm họa ký Tê Hát, một đăng trang 1, vẽ Tú Mỡ xua tay bảo mình không “ở cùng một bị” với các ông lãnh đạo hội văn nghệ là Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân; một vẽ tấm da bọc thây tướng chết trận nhưng “không phải là da ông Yến Lan” (đáp lại lời nhận lỗi thay người khác của nhà thơ này khi đó vừa đăng báo Văn Nghệ về chuyện giải thưởng văn nghệ đang gây tranh cãi); một nữa đăng trang 5, vẽ Trương Tửu quỳ khấn trước 5 thần tượng (1/ Mác-Lênin, 2/ Khơrutsốp, 3/ Đảng Lao Động VN, 4/ Đại hội 20 ĐCS Liên Xô, 5/ Lục Định Nhất với khẩu hiệu “trăm hoa đua nở”) xin được “chư vị” phù hộ để mình “choảng” bọn sùng bái cá nhân.

Bài của Nguyễn Bính về kết quả giải thưởng văn học trong giải thưởng văn nghệ Việt Nam 1954-55 đăng liền hai số 1 và 2. Xin dừng lại kỹ hơn ở bài này.

“Kết quả giải thưởng văn học 1954-55 đã gây nên rất nhiều dư luận, nhiều thắc mắc trong giới văn nghệ và yêu văn nghệ. Những dư luận thắc mắc ấy đã kéo dài đến nửa năm nay. Dư luận càng sôi nổi từ sau lớp học tập lý luận văn nghệ 18 ngày và nhất là sau bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của ông Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa thu tập I.

Tại sao lại có nhiều dư luận thắc mắc? Chính vì căn cứ vào những tác phẩm trúng giải, người ta thấy có nhiều quyển không xứng đáng, nhiều quyển cần phải xét lại thứ bậc, nhiều quyển sao không trúng giải? Thành phần ban giám khảo cũng như lề lối làm việc độc đoán, hẹp hòi, xa rời quần chúng, bè phái, và có cả cái tệ sùng bái cá nhân nữa.

Nhờ có dư luận ấy mà ban giám khảo và thường vụ Hội Văn Nghệ đã kiểm điểm lại vấn đề giải thưởng. Mới đây Hội Văn Nghệ có ra một thông báo và ông Nguyễn Tuân (vừa là trưởng ban giám khảo vừa là tổng thư ký Hội Văn Nghệ) có viết một bài về giải thưởng văn học 1954-55. Theo tinh thần hai văn kiện ấy ta có thể kết luận là ban giám khảo và thường vụ Hội có nhận một số khuyết điểm về quan niệm, tổ chức và lề lối làm việc của giải thưởng”.

Sau khi trích dẫn một đoạn trong bài nói trên của Nguyễn Tuân và tóm tắt một số điểm trong thông báo của thường vụ Hội Văn Nghệ, lưu ý đến một vài đề xuất sửa đổi (đưa tập Ngôi sao từ giải nhì xuống giải ba, cân nhắc trường hợp Người người lớp lớp), Nguyễn Bính cho rằng các đề xuất đó là quá ít, và những khuyết điểm trong quan niệm và tổ chức xét giải thưởng đã khiến toàn bộ giải thưởng “mất đi rất nhiều giá trị và tác dụng”.

...“ Đã đến lúc rất cần và đã đến mức đòi hỏi phải xét lại toàn bộ giải thưởng, chứ không phải chỉ hạ xuống hoặc thêm vào một vài tác phẩm là đã đủ cứu vãn được giá trị và tác dụng của nó. Ông Nguyễn Tuân cũng đã nhận rằng “đã có những sai lầm nghiêm trọng”. Vậy thì những sai lầm nghiêm trọng ấy nó có tác hại đến việc chấm giải, cụ thể ra bằng việc cho giải các tác phẩm như thế nào? Không lẽ lại chỉ sai lầm vẻn vẹn ở mấy quyển Ngôi sao, quyển Nam Bộ mến yêu, truyện Cái lu mà thôi? Như vậy sao lại gọi là sai lầm nghiêm trọng? Chúng tôi tưởng đã luộm thuộm thì phải luộm thuộm hết chứ không lẽ chỉ luộm thuộm riêng khi nhận xét quyển Ngôi sao mà không luộm thuộm khi nhận xét các quyển Người chiến sĩ, thơ Việt Bắc, Chú Hai Neo. Chúng tôi tưởng đã thiếu trình độ nhận thức thì không lẽ chỉ thiếu khi nhận xét quyển Cái lu mà lại đầy đủ nhận thức khi nhận xét những quyển khác. Chúng tôi tưởng đã nể nang thì không lẽ chỉ nể nang khi muốn giữ địa vị cho quyển Nam Bộ mến yêu mà lại rất nghiêm khắc trong khi chấm quyển Anh Lục hay cái kịch Việt ơi! Hơn nữa biết đâu chẳng có những tác phẩm còn trong bản thảo, gửi dự thi, có giá trị, mà đã phải vùi dập đi vì cái trình độ nhận thức kém, cái tính nể nang, thiếu tập trung, thiếu nghiêm chỉnh, cái lề lối làm việc luộm thuộm, thiếu dân chủ, cái gò ép, cái gượng gạo, cả cái không lắng nghe ý kiến quần chúng và văn nghệ sĩ của ban giám khảo? Huống chi thường vụ Hội lại thiếu kiểm tra đôn đốc, thì sao mà biết được rằng giải thưởng có chu đáo hay không? Hay đã bỏ rơi một cách không thương tiếc những tác phẩm dự thi có giá trị? Do đó, vàng thau lẫn lộn, mà đã làm chết yểu đi một số mầm non văn nghệ chăng?”

Tiếp đó, Nguyễn Bính nói riêng về phần giải thưởng thơ.

...“ Chúng tôi xin góp một vài phát hiện và nhận xét về giải thơ. Tạm lấy giải thơ làm trọng điểm.

Khi bắt đầu đặt giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55, anh chị em văn nghệ gặp nhau thường hay đùa một câu: “Giải thưởng này, cái gì thì không biết, chứ tập thơ Việt Bắc thì chém chết cũng được giải nhất rồi!” Tất nhiên chúng ta cũng đều hiểu rằng câu nói đó không phải là một câu tán dương. Anh em còn nhớ mãi cái cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao thì các ông lãnh đạo Hội đã vội vàng đưa ra mấy bài “bịt lỗ châu mai” lại. Anh em không thể nào quên cái câu ông Hoài Thanh phát biểu: “Địch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu”. Ông Hoài Thanh đã đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu. Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên ông Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu ai cũng biết là Trung ủy, là lãnh đạo văn nghệ, là thứ trưởng... Trong tất cả các thi sĩ có sách in ở nhà xuất bản của Hội Văn Nghệ, chỉ duy có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, nghĩa là thuộc cái loại giá trị nhất và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất (không biết các ông lãnh đạo Hội có kiểm tra đôn đốc việc này hay không?). Sở dĩ anh em biết trước thế nào tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu cũng được giải nhất là bởi anh em không còn lạ gì cái tệ sùng bái cá nhân của một số cá nhân lãnh đạo Hội Văn Nghệ.”

Về tập thơ Ngôi sao.

...“ Bản thảo tập thơ Ngôi sao đã đưa cho nhà xuất bản Văn Nghệ xem. Toàn thể anh em văn nghệ công tác ở nhà xuất bản đều thấy là dở quá (Tô Hoài, Kim Lân, Phùng Cung, Nguyễn Bính, v.v...), không đồng ý cho in; quyển đó cứ bỏ lay lắt mãi 4, 5 tháng. Nhưng cấp trên cứ giục phải in. Túng thế, anh em đành lựa một số bài không đến nỗi tồi lắm đưa sang nhà in Quốc Gia (lúc ấy còn coi cả việc phát hành sách báo) thì bên đó cũng không chịu in. Vì lẽ “thơ Xuân Diệu không có độc giả”. Xuân Diệu lại vận động mãi với cấp trên, sau bất đắc dĩ nhà in Quốc Gia nể quá mới in cho 1500 quyển. Khi in ra, tập Ngôi sao đã bị dư luận chỉ trích rất nhiều. Điều đó thiết tưởng thường vụ Hội phải biết rõ hơn ai hết. Xin nói thêm rằng hồi cho in tập Ngôi sao là hồi mà nhà xuất bản Văn Nghệ cùng đóng chung một căn nhà với thường vụ Hội (51 Trần Hưng Đạo), thường vụ Hội mặc dầu có bưng tai bịt mắt đến đâu chăng nữa chắc cũng phải nghe dư luận ở những anh em cùng chung một nhà ở, cùng chung một bàn ăn, đối với tập Ngôi sao. Vậy mà đến lúc chấm giải vẫn cứ để cho nó được giải. Mà lại là giải nhì! Như thế thì hiền như bụt cũng phải thắc mắc.

Tập thơ Việt Bắc được giải nhất thì không ai lấy làm lạ (như trên đã trình bày) chứ đến như tập Ngôi sao mà đứng giải nhì thì anh em lấy làm lạ quá! Anh em lạ quá là vì anh em không thể tưởng tượng được rằng lại có một cuộc xâm phạm trắng trợn vào văn nghệ như thế? Anh em lạ quá là vì anh em không thể ngờ rằng ban giám khảo lại có thể khinh thường văn nghệ, khinh thường anh em và quần chúng đến mức ấy. Anh em cho đó là một cái nhục. Nhục cho anh em. Nhục cho văn nghệ. Nhục cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55. Anh em thắc mắc cao độ và thấy rằng cần phải đấu tranh.

Hai ông Huy Cận và Hoài Thanh trong ban chung khảo tại sao lại “tích cực bênh vực cho tập Ngôi sao” (lời ông Nguyễn Tuân). Ông Hoài Thanh trước cách mạng đã biết chọn lọc các bài thơ hay của các thi sĩ để soạn thành quyển Thi Nhân Việt Nam, có phê phán. Ông Huy Cận, tuy bây giờ là thứ trưởng bộ Văn hoá, nhưng trước kia đã từng là một nhà thơ có tiếng tăm. Thế thì đối với một tập thơ dở như tập Ngôi sao, tại sao hai ông lại tích cực bênh vực? Có phải tại ông Huy Cận và Xuân Diệu chỉ là một, còn ông Hoài Thanh vụ trưởng vụ nghệ thuật thì lại là cấp dưới của ông Huy Cận hay không? Theo ý chúng tôi, cái chuyện đó là bè phái rõ ràng chứ không phải nể nang luộm thuộm. Chúng tôi kết luận rằng: ở bộ môn nào thì chưa biết chứ trong việc chấm giải thơ thì nhất định là có bè phái.”

Cuối cùng, Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể.

“Muốn cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55 có giá trị toàn vẹn, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể như sau:

Về giải thơ: Nên đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì; tập thơ ấy tuy có giá trị thật, nhưng chưa xứng đáng được giải nhất, vì lẽ nó chưa hẳn là một tập thơ tiêu biểu. Loại tập Ngôi sao và tập thơ Chiến sĩ ra khỏi giải thưởng. Tập Chú Hai Neo và tập thơ của Tú Mỡ nên để xuống giải khuyến khích. Cả tập ca dao của Nguyễn Hiêm cũng nên loại ra khỏi giải thưởng.

Về giải bút ký và kịch: Nên loại tập bút ký Nam Bộ mến yêu và cái kịch Việt ơi! ra khỏi giải thưởng.

Về giải tiểu thuyết: Nên loại tập truyện Cái lu ra khỏi giải thưởng. Xét lại tập truyện Đất nước đứng lên xem nên để giải nhất hay nên cho xuống giải nhì, vì tập truyện ấy chưa đúng nội dung một quyển tiểu thuyết. Xét lại thứ bậc quyển tiểu thuyết Anh Lục.

Về ngành nhạc xin nhường ý kiến cho các nhạc sĩ. Tôi vốn không rành về nhạc nên không dám có ý kiến. Và nên bổ sung một số tác phẩm có giá trị, cụ thể như những quyển tiểu thuyết Người người lớp lớp, tập thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, v.v...”

Số 2 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 28/10/1956) đăng tiếp bài trên của Nguyễn Bính. Ông chủ bút còn có một bài nữa trên trang 1 nói về sự kiện Nguyễn Văn Tố tức Thiết Vũ, cán bộ sở Báo chí đến gây rối tại trụ sở Trăm Hoa chiều Thứ Hai 22/10/1956. Ngoài ra, các bút danh Hương Mai, Trại Hàng Hoa, Hàm Tiếu có lẽ cũng là của ông chủ bút. Hương Mai điểm vở múa Những bức tranh trong viện bảo tàng của đoàn múa Chim Sơn Ca Rumani trên sân khấu Hà Nội. Trại Hàng Hoa “nhặt sâu hoa” cho tuần báo Văn Nghệ. “Chúng tôi không hiểu tại làm sao tòa soạn báo Văn Nghệ cho đăng một bông hoa có nhiều sâu như thế? mà lại chữ tít đỏ, trang nhất. Nghĩa là đặc biệt lắm đấy nhé! Để khuyến khích mầm non chăng? Như thế là giết mầm non chứ không phải khuyến khích đâu!? Xin đừng làm cái kiểu nhân nghĩa bà Tú Đễ”. Hàm Tiếu trong mục “Việc làng việc nước” đem dư luận đang ồn ào về bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi so sánh với những lời bình “bách nhân bách khẩu” của người hàng phố đứng xem vợ chồng già nhà nọ cãi nhau. “Vậy thì ông Phan Khôi có nói xấu chế độ không? Có. Ông ví von chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta với chế độ triều Gia Long Tự Đức gì gì đó, thế là quả nhiên nói xấu chế độ rồi. Giấy trắng mực đen còn rành rành, ai mà cãi cho ông được! Nhưng nếu gán ghép cho ông tội này tội khác, thì cũng chẳng khác mấy người đứng xem cãi nhau lúc nãy lên án bà hàng xóm của tôi là đa ngôn đa quá, cố tình phá phách gia đình ruồng rẫy chồng con! Và có kẻ còn toan gieo tiếng là bà có cả chuyệnàngoại tình (!)Không tin xin cứ đợi ông Phan Khôi đi Trung Quốc về mà hỏi, hay hỏi ngay bà láng giềng tôi xem có phải mặc dầu có quá lời có mỉa mai sói móc chồng, nhưng rồi lại mỉm cười với chồng, lại lọm khọm đi chợ xa mua sắm lại những thứ chính tay mình đã trót đập vỡ để bày biện lại cửa nhà cho đẹp? Hay, nói mới lạ làm sao chớ?Quên nhau làm sao cho nỡ! Ai bảo họ quên nhau được nào? ”

Về sáng tác, số 2 có hai bài thơ Tay lại cầm tay của Vương Cầm Thi và Tái bút của Yến Lan, truyện ngắn Gặp lại của Nguyễn Thành Long.

Số này in biếm họa của Bùi Xuân Phái về trò “chụp mũ” với phụ đề nhại thơ Tú Xương “Thiên hạ đua nhau chụp mũ xằng...”.

Ở trang thời sự xã hội, dưới nhan đề Có một ông thủ trưởng đấm thủng trái tim người, số này đăng lại hai bức thư từng đăng báo Tiền Phong, tố cáo một vị thủ trưởng nọ cấm một đôi trẻ trong cơ quan mình kết hôn vì “anh” xuất thân nông dân, “chị” là con gái một tiểu chủ; một “cán bộ đội” khác đòi đem ra hội nghị kiểm thảo một đôi nọ tìm hiểu nhau bằng viết thư và tặng nhau các tấm bưu ảnh phong cảnh thủ đô Hà Nội.

Ở mục “Chuyện thời xưa” Xuân Thu kể tích Đông Chu liệt quốc về thái độ đối với “đồ vật cũ”. Ngoài ra còn có mục “Hoa cười” dành đăng giai thoại, nụ cười.

Số 3 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 4/11/1956) tiếp tục đăng ý kiến bạn văn nghệ về giải thưởng văn học 54-55: Phạm Tường Hạnh cho rằng cuốn Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh và tập Ngôi sao của Xuân Diệu bị số đông trong giới cho là chất lượng kém, nên đưa ra khỏi giải thưởng thì bài nói lại về giải thưởng của Nguyễn Tuân lại bênh hai cuốn ấy, “vô hình trung đã phủ nhận dư luận của anh chị em văn nghệ sĩ về hai tập Nam Bộ mến yêu và Ngôi sao”.

Báo đăng bài của Hồng Cầu (hẳn là bút danh của Nguyễn Bính) Lê-nin hết sức chú ý đến văn học, kể một số mẩu chuyện rút từ sách báo.

Về sáng tác, số này có truyện ngắn của Đỗ Văn Bài thơ “Mùa thu đến” kể một người làm thơ vì lo vặn vẹo sao cho khỏi mất lập trường, khỏi bị coi là lãng mạn nên rốt cuộc đã giết chết cảm xúc, bài thơ bất thành; toàn bộ trang 3 dành đăng truyện thơ Chiếc lược của Thụy An mà tòa soạn coi như “Một bông hoa bị vùi dập”: tác giả viết xong đã một năm nay, đưa đến Hội Văn Nghệ nhưng không thấy hồi âm, đưa nhà xuất bản thì được nhận xét tương đối khá và chuyển tiếp sang vụ văn hóa đại chúng thì bị trả lại...

Ở trang thời sự xã hội báo đăng ý kiến một cán bộ ở Hà Nội nêu hậu quả của chuyện “tiêu chuẩn khám chữa bệnh” khiến nhiều cán bộ mắc bệnh nặng mà không được cứu chữa.

Ở trang 1 có biếm họa của Bùi Xuân Phái mô tả người tự xưng là cán bộ tại quầy bách hóa để được mua hai gói Đại Tiền Môn nhưng khi xấn sổ xông vào nhà dân hành hung thì chỉ “lấy tư cách cá nhân”.

Ở mục “Việc làng việc nước” báo có bài của Trăm Hoa nêu nhận xét: nghe tin tòa soạn Trăm Hoa bị ông Thiết Vũ đến gây rối, từ nhân viên đến chủ nhiệm chủ bút các báo tư nhân đều đến thăm hỏi, duy các báo đoàn thể thì tuyệt nhiên không ai lai vãng; cạnh đó là bài của Trần Nguyên, nói về việc Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam tại hội nghị lần thứ 10 vừa ra 3 bản thông cáo (1/ nhận định kết quả và nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm trong công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức; 2/ cử lại Tổng bí thư sau khi cựu Tổng bí thư Trường Chinh tự kiểm thảo và xin từ chức; 3/ thi hành kỷ luật 2 ủy viên TƯ là Hồ Viết Thắng và Lê Văn Lương), bài viết bày tỏ sự hoan nghênh nhiệt liệt trước “thái độ dũng cảm và chân chính cách mạng” của TƯ Đảng LĐVN “đã công khai tự kiểm điểm và đề ra những biện pháp cụ thể” để sửa chữa những sai lầm đã mắc phải, bày tỏ nhiệt liệt tin tưởng vào tài đức của Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ mới: Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư.

Ở mục “Chuyện thời xưa” Xuân Thu kể tích Hoa Đà nêu liệu pháp “bổ óc chữa bệnh” cho Tào Tháo, bị Tháo giam chết trong ngục.

Số này tòa soạn mở cuộc thi họa bài thơ do một bạn đọc gửi đến nhan đề Cảnh giác, trêu đùa những người “cảnh giác” quá độ, trở nên hẹp hòi, máy móc, hoài nghi tất cả mọi người; tòa soạn cũng công bố kết quả cuộc thi câu đối do báo tổ chức: Lê Kim trúng giải nhất với câu “Báo Trăm Hoa bài chưa đủ trăm hoa” đối lại câu ra đối của tòa soạn “Diêm Thống Nhất giá sao không thống nhất?”

Số 4 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 11/11/1956) đăng ở đầu trang 1 thư của Thanh Châu chào mừng Trăm Hoa tục bản. “...Trên bàn viết của tôi, những tờ Tiền Phong, Nhân Dân, Nhân Văn, Độc Lập, Văn Nghệ, Giai Phẩm, Tổ Quốc, Phụ Nữ, v.v... đang vừa khoe sắc khoe khôn vừa có ý chờ thêm bạn mới. Giá những tờ báo này cho phép, tôi sẵn sàng ngả mũ chào thêm anh bạn Trăm Hoa, giữa lúc đường lối văn học đương khuyến khích trăm hoa đua nở”. Tòa soạn rút “tít” cho bức thư này từ câu Thanh Châu dẫn lời nhà văn Tourgueneff: “Chỉ có kẻ nào yêu tha thiết mới có quyền trách móc và sửa đổi ”.

Số này đăng phóng sự Đêm Kiếp Bạc của Thanh Châu, hai bài thơ Chiều của Lê Cẩm Hồ và Rang thóc (viết trong kháng chiến) của Trần Lê Văn, truyện ngắn Con chó (Triêu Dương dịch truyện Le Caméléon của Chekhov).

Trang bình luận văn nghệ có bài của Bích Lục từ Nam Định nêu nhận xét: vì nặng về “thành phần chủ nghĩa” nên cuộc thi thơ do ty văn hóa tỉnh này tổ chức đã có sai lầm lệch lạc đáng tiếc, trao giải cao cho những bài chất lượng kém chỉ vì tác giả là công nhân.

Cạnh đó là bài Chẳng cứ gì một bông hoa đó bị vùi dập! của Lưu Thủy nói rõ hơn về trường hợp bài thơ dài Chiếc lược của Thụy An. Bài thơ kể chuyện một cô gái nhà nghèo đi ở cho địa chủ, chỉ ước có cái lược chải tóc mà không thể có; một bữa nọ cô mượn trộm chiếc lược của mụ chủ chải tóc để đi dự hội làng, bị mụ bắt được, lấy dao cau gọt sạch tóc mai, khiến cô không dám đi hội, cũng không dám đến chỗ hẹn gặp người yêu; khi cải cách thắng lợi, mụ chủ bị đấu tố, cô gái được người yêu tặng chiếc lược mà anh lấy được ở chỗ chia quả thực... Lưu Thủy không bảo rằng đây là tuyệt tác, là bài thơ toàn bích “...nhưng ít nữa thì nó vẫn cứ hơn, hơn hẳn những loại thơ “tình Bắc Nam” của ông vụ trưởng Đào Duy Kỳ mà vụ văn hóa đại chúng đã cho in hàng vạn cuốn”. Bài thơ của Thụy An bị nhiều cửa từ chối, kể cả Hội Văn Nghệ, kể cả vụ văn hóa quần chúng, thế mà “biết bao nhiêu bài thơ, chưa nói đến văn, dở òm và nhạt phèo của Xuân Diệu, của Nguyễn Đình Thi, của Huy Cận... vẫn được in ra một cách vô tội vạ”... “Chẳng cứ gì một bông hoa của chị Thụy An bị vùi dập. Vì cái tinh thần bè phái đương ngự trị trong đầu óc một số ông phụ trách báo và sách văn nghệ và văn hóa đại chúng, và trên hết là vì cái tinh thần bè phái ở ngay trong cơ quan lãnh đạo Hội. Tất cả rắc rối (hạn chế tài năng của cá nhân, kìm hãm sự tiến triển của phong trào, thiếu đoàn kết, gây phản ứng...) do đó mà ra cả”.

Ở mục “Nhặt sâu hoa” Trại Hàng Hoa chỉ ra một loạt chữ dùng kém cỏi, tối tăm của Tú Mỡ trong một bài thơ đả kích đăng báo Văn Nghệ.

Ở mục “Việc làng việc nước” số này đăng một bài ca vè của bạn đọc phê phán nhiều ông cán bộ tổ dân phố cứ khuyên người ta đừng mua báo tư nhân; cạnh đó là ý kiến một bạn đọc khác nêu chuyện quốc doanh rượu ăn lãi nhiều quá.

Ở mục thời sự xã hội, số này đăng bài của Trần Nguyên, tiếp tục bày tỏ hoan nghênh thông cáo của TƯ Đảng về việc thi hành kỷ luật trong sai lầm cải cách ruộng đất.

Tranh biếm họa của Bùi Xuân Phái ở số này tả nỗi mừng của hai bà nội trợ từ nay không còn phải giấu con gà con vịt mua được xuống đáy rổ để tránh cặp mắt dò xét của cán bộ thuế và hộ khẩu như dạo trước.

Ở góc trang 7 Trăm Hoa thông tin ngắn Tại sao báo Nhân Văn bị thi hành kỷ luật? khẳng định vì nhân viên báo Nhân Văn quên nộp lưu chiểu 3 số báo trước khi phát hành nên báo bị cảnh cáo “Chứ không phải tại báo Nhân Văn nói mạnh quá, chứ không phải tại báo Nhân Văn dám “xúc phạm” Nguyễn Chương tiên sinh của báo Nhân Dân. Và cũng không phải tại sở Báo chí có thành kiến với Nhân Văn đâu!”

Sau số 4, tòa soạn Trăm Hoa đăng trên các nhật báo Thời Mới và Hà Nội hằng ngày thông báo Trăm Hoa nghỉ 1 kỳ Chủ Nhật 18/11/1956 “vì việc tổ chức nhà in”.

Số 5 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 25/11/1956) đăng truyện ngắn của Thụy An Chuyện Bố, Mẹ, Bé, và con Búp bê, các bài thơ Mưa Huế của Hà Nhật, Chiếc chăn hoa của Hồ Thiện Ngôn và các bài tham dự cuộc thi hoạ thơ “cảnh giác” do báo Trăm Hoa tổ chức. Ở trang thời sự chính trị số này có hai bài dài. Bài Tiếng nói của Thạch Lựu: “Đem những lời trung thực của ta để xây dựng chế độ ngày thêm tươi đẹp, chúng ta sẽ không bị câm, và nhất định không bao giờ để phải bị câm”. Bài Một vấn đề chính trị trọng yếu: Toàn Đảng toàn dân đoàn kết là yếu tố quyết định sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ký Trăm Hoa nhưng không phải giọng văn Nguyễn Bính: “Phải nói rằng một trong những nguyên nhân mắc phải sai lầm là mũi nhọn chuyên chính đã chĩa cả vào ta và bạn”... “Máu và nước mắt đã chảy nhiều trong cuộc chiến tranh cách mạng. Máu và nước mắt của một số người lại chảy trong cải cách ruộng đất. Nỗi đau khổ của một số đồng bào nông dân, của một số đảng viên bị xử trí oan không phải là không chính đáng”... “Những hiện tượng rạch mồm, chửi bới, đánh xé, dọa nạt, những hiềm khích giữa nông dân và cốt cán, giữa nông dân với nhau, những mâu thuẫn ở trong Đảng ngoài Đảng lúc này đều không lợi cho việc sửa sai, cho việc củng cố miền Bắc, đấu tranh giành thống nhất”...

Ở mục “Việc làng việc nước” số này, Trần Nguyên nêu ý kiến nên cải tạo nhà tù Hỏa Lò thành trường học, xóa ấn tượng nặng nề về nhà tù thực dân; Trăm Hoa đưa tin báo Nhân Văn kháng cáo quyết định cảnh cáo của sở báo chí; Tần Hoài kể việc Hội Văn Nghệ định cử Hoàng Cầm vào đoàn văn nghệ sĩ đi thăm Liên Xô, nhưng lại thôi, “chắc tại Hoàng Cầm còn bận việc viết báo Nhân Văn”, lại định cử Hồ Dzếnh và Mộng Sơn đi, rồi lại thôi, “chắc tại Hội đã trả hai người lại cho văn nghệ sĩ Hà Nội rồi”, bây giờ nghe nói Hội cử Nguyễn Văn Bổng và Anh Thơ, hai người không bận viết báo như Hoàng Cầm.

Cạnh mục trên báo đăng ý kiến bạn đọc Nguyễn Văn Điều ở Nam Định Chúng tôi đề nghị Sở thuế trung ương xét lại bản lề thuế suất lợi tức đối với hộ nhỏ.

Số này có hai biếm họa, một của Tê Hát tả nỗi vui mừng của người đàn ông về nhà qua đêm với vợ từ nay khỏi lo trình báo hộ khẩu; một của Văn Tôn tả một anh cán bộ tổ chức bảo cô nhân viên: yêu ai phải báo cho tổ chức, cô này nói cô yêu chính anh ta, anh ta vội bảo thế thì không cần báo cho tổ chức biết nữa!

Mục “Chuyện thời xưa” Xuân Thu kể tích Đông Chu liệt quốc về dùng người hiền.

Số 6 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 2/12/1956) ở trang 1 có bài của Thạch Lựu Nói để xây dựng, “lời nói của ta lúc này đương góp phần xây dựng chế độ... cũng vì thế mà lời nói của ta càng nên thận trọng... nói điều gì, nói làm sao cho có lợi, cho lọt tai người nghe...”

Ở trang 2 có bài ký Trăm Hoa với giọng chính luận thành thục nhan đề Để phát triển chế độ ta, phải bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý kiểm soát tích cực mọi công việc của Nhà nước.

Về sáng tác có truyện ngắn của Đỗ Văn Một bài tính sai; trang thơ có bài Nguyễn Bính dịch thơ Đường, bài Chén cơm viết trong kháng chiến của Nguyễn Ngọc Tấn, và nhất là bài thơ của Tạ Hữu Thiện Xem lá thư tình của Bích kể chuyện cô gái Hồng Gai tên Bích: người yêu từ thời kháng chiến của Bích nay báo tin kết hôn với cô bần nông gặp trong cải cách, anh ta từ bỏ Bích vì nghe nói lý lịch nhà Bích không trong sạch; Bích đau khổ; tác giả an ủi: cô sẽ gặp người yêu chân chính và trong cuộc hôn nhân ấy “vấn đề lý lịch” sẽ thành chuyện lố bịch!

Về bình luận văn nghệ ở trang 2 có bài của T.H. (=Trăm Hoa) Đầu đuôi câu chuyện bài thơ Chiếc lược và bài thơ khiếu nại lên Hồ Chủ tịch, cho biết rõ thêm: tại lớp học chính trị cho một số văn nghệ sĩ, một cán bộ của Uỷ ban CCRĐ TƯ đến nói chuyện, có kể câu chuyện một chị cố nông lúc chia quả thực nói chỉ ước ao được một cái lược chải đầu vì từ bé tới giờ chị chưa hề có; cán bộ ấy nói thêm: câu chuyện này làm Hồ Chủ tịch xúc động và tỏ ý nhắc văn nghệ sĩ khai thác đề tài này. Thụy An dự nghe, xúc động với câu chuyện, hăm hở ngày đêm viết xong bài thơ Chiếc lược, tiếc rằng để lay lắt gần một năm không được sử dụng, chuyển đến phòng văn nghệ quần chúng của vụ nghệ thuật (chứ không phải vụ văn hóa đại chúng như một vài số trước viết thiếu chính xác) thì bị cho là thơ không hay, vẫn bị loại bỏ. “Lúc ấy, bài thơ Chiếc lược không được phổ biến, chị Thụy An lấy làm ức lắm. Chị có làm ngay một bài thơ khiếu nại lên Hồ Chủ tịch, vì lẽ cái đề tài này Hồ Chủ tịch có nhắn nhủ anh chị em văn nghệ nên sáng tác...” Tiếp đó dẫn toàn bộ bài thơ kiêm thư khiếu nại ký Thụy An tức Phương Thao mà thực ra tác giả còn chưa gửi đi vì sợ làm phiền cụ Hồ. Đây là đoạn cuối: “Chuyện chiếc lược này đây / Viết thi đua sáng tác / Đợt đầu tiên chín ngày / “Sau đó sẽ liên tục / Làng văn nhiều chuyện hay”/ Bảo nhau bỏ cả Tết / Hăm hở viết mê say / Vâng lời Bác căn dặn / Viết chuyện chiếc lược này / Ít lâu Hội trả lại / Với lời phê: “Khá hay” / Nhưng ý Vụ văn hóa: / “Hay gì mà kêu hay / Loại này vô thiên lủng / Đem trả tác giả ngay” / Nghe phê bình chẳng chuộc / Tác giả đâm ngẩn ngây / Lược đẹp hay không đẹp? / Vứt bỏ hay dùng đây? / Luống thương công chuốt lược / Mà chẳng lọt đến tay... / Sự tình kiện lên Bác / Họa có vơi hận này”. Kết thúc bài báo, T.H. bảo chuyện Thụy An có ý trách Hội Văn Nghệ nay đã là chuyện cũ, vì thường vụ Hội đã tự kiểm điểm và hứa sửa chữa.

Ở mục “Nói gần nói xa” Trần Nguyên tỏ ý không tán thành lời bào chữa cho một kẻ đã phạm tội cướp của lại toan cưỡng hiếp nạn nhân và cho rằng mức kêu án 7 năm tù đối với y là nhẹ quá.

Ở mục “Học người xưa”, Hải Đường kể tích Lạn Tương Như và Liêm Pha “vì lợi nước bỏ thù riêng”.

Ở mục “Việc làng ta”, Tường Vi hỏi: sau góp ý của văn nghệ sĩ và dư luận, số phận giải thưởng văn học 54-55 liệu có thay đổi gì không? nhất là đối với tập bút ký Nam Bộ mến yêu của Hoài Thanh và tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu? Cạnh đó là thông tin: Văn phòng Thủ tướng phủ gặp đại diện báo Nhân Văn, khẳng định báo này có khuyết điểm trong việc chấp hành thể lệ lưu chiểu, việc sở báo chí cảnh cáo báo này là đúng, tuy lẽ ra chưa đến mức nên đăng công khai lên báo.

Số này có hai biếm họa, một tả thủ trưởng nói với vợ một cán bộ dưới quyền: thằng bé gầy thế, sao không mua nhung Liên Xô cho nó uống? trả lời: lương chồng tôi ít quá lại đông con; một nữa vẽ cặp vợ chồng ngồi ghế công viên, thấy bọn trẻ đốt pháo “tạch tạch sè” chột dạ mình là tiểu tư sản, bảo nhau ngồi xa nhau ra!

Số 7 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 9/12/1956), về sáng tác báo đăng bài thơ Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính, truyện ngắn Tư Mã Thiên bất mãn của Quách Mạt Nhược do Đỗ Quyên dịch, và một bản dịch thơ Đường.

Ỡ mục “Việc làng ta” có bài Một vài nhận xét về “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1956” của Lưu Thủy. Tác giả khen những bài được tuyển như Cô lái đò của Lương An, Bên kia sông Đuống và Tâm sự đêm giao thừa của Hoàng Cầm, Hoa lúa của Hữu Loan, Trưa hè của Nguyễn Bính, Cha tôi của Lê Đạt, Nhớ của Hồng Nguyên, Lại về tỉnh nhỏ của Yến Lan, lại dẫn ý kiến một người khác cho rằng tuyển tập này “thiếu đoàn kết, chỉ đăng thơ của những anh em kháng chiến và hầu hết ở trong biên chế”; riêng người viết bài này cho “vấn đề là có bao nhiêu bài thơ hay bị bỏ quên và có bao nhiêu bài thơ dở choán chỗ không hợp lý trong tuyển tập”, “cái dở của một số thơ cũng như số lượng thơ dở trong tuyển tập nó rõ rệt quá làm cho vấn đề trở thành dư luận rộng rãi”, “đã gọi là một tuyển tập mà bài dở nhiều, bài hay ít, thì chữ tuyển tập thành ra vô nghĩa”.

Mai Sinh trong mục “Nói gần nói xa” nhắc ngành mậu dịch giữ bình ổn giá cả diêm, rượu, thuốc lào, thuốc lá trong dịp Tết sắp đến cho dân nhờ.

Biếm họa của Văn Tôn tả anh chàng người lảo đảo, miệng há hốc, mặt tái xanh như bị trúng gió vì vừa chen mua hàng mậu dịch.

Phần thời sự chính trị in lại bài Nói để xây dựng đã đăng số trước nhưng nhiều chữ mất dấu khó đọc; cạnh đó cũng đăng tiếp 2 phần cuối bài ký Trăm Hoa nhan đề Để phát triển chế độ: 2/ Vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và phát triển chế độ ta; 3/ Mấy vấn đề cần giải quyết. Bài báo nêu nhiệm vụ nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của mình đối với xã hội, mở rộng dân chủ cho nhân dân, nhấn mạnh vai trò của báo chí. “...Việc xây dựng một chế độ pháp trị dân chủ, cải tiến các cơ quan nhà nước và không ngừng mở rộng mối liên hệ giữa nhà nước với nhân dân, kết hợp với việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, trong công tác kinh tế tài chính, v.v... là những yếu tố chính bảo đảm về chính trị và tổ chức để nhân dân tham gia quản lý và kiểm soát tích cực mọi công việc nhà nước”.

Số 8 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 16/12/1956) được gọi là “Số kỷ niệm Toàn quốc Kháng chiến”, đăng ở trang nhất bài của Thạch Lựu nhan đề Báo “Nhân Văn” nên thành khẩn tự phê. Bài báo nói việc phê bình phản đối báo Nhân Văn hiện lúc ấy đương là phong trào quần chúng sôi nổi, từ bản kiến nghị của 500 công nhân các nhà in đến các bản kiến nghị, thư của các ngành các cơ quan đến các bài trên các báo, các cuộc họp tại các khu phố, “đã phân tích phê phán và vạch rõ ràng đầy đủ từ nét lớn tới chi tiết những khuyết điểm căn bản, những tư tưởng lạc hậu, lối đả kích thiếu xây dựng, những sự việc vu khống xuyên tạc chế độ của báo Nhân Văn”, “điều quan trọng ngay bây giờ không phải là việc báo Nhân Văn có ra nữa hay không, những người phụ trách báo Nhân Văn có bị truy tố, bị tội tình nặng nhẹ gì không. Điều quan trọng ngay bây giờ là ở chỗ báo Nhân Văn có nhận thấy sâu sắc những sai lầm của mình, những tai hại do mình gây ra hay không, mức tiếp thu ý kiến xây dựng của quần chúng đến đâu. Và báo Nhân Văn có đủ dũng cảm thành khẩn tự phê bình công khai trước nhân dân trước Đảng và Chính phủ hay không?”

Số này dành toàn bộ mục “Nói gần nói xa” đăng kiến nghị chung của 44 đoàn viên Công đoàn vụ Tổ chức bộ Thương nghiệp (gửi Quốc hội, Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc) tố cáo báo Nhân Văn (gieo rắc tư tưởng lạc hậu, gây bi quan hoài nghi chế độ ta, khuyến khích những hành động tự do vô kỷ luật; lợi dụng chủ trương mở rộng dân chủ, bịa đặt một số việc không có thật, xuyên tạc một số sự việc khác, thổi phồng một số khuyết điểm nhỏ để đả kích vu cáo các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội, văn nghệ, công an, mậu dịch,v.v...; gây nghi nghờ các nước bạn, xuyên tạc tình hình Hungary...; giúp cho địch tuyên truyền vu cáo phá hoại ta, làm mất uy tín Đảng, chính phủ và chế độ ta), kiến nghị: đình chỉ cho xuất bản báo Nhân Văn, đưa báo này ra trước dư luận và pháp luật để trừng trị thích đáng, kiến nghị ra một đạo luật “đảm bảo quyền tự do báo chí của nhân dân đồng thời ngăn cấm những hành động lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, gieo rắc tư tưởng lạc hậu, hoài nghi, chia rẽ, kích thích những hành động vô kỷ luật có lợi cho địch v.v... như trường hợp báo Nhân Văn.

Về sáng tác số này đăng thơ Hữu Loan Tâm sự Thủ đô, bài thơ viết ngày kháng chiến Phá đồn giặc của Nguyễn Bính, truyện ngắn Sẵn sàng tha thứ cho em của Trúc Đường, truyện hài hước Sách dạy gửi thư theo lối mới của Chekhov do Triêu Dương dịch.

Mục “Học người xưa” kể chuyện vua U Vương nhà Chu chiều ý mỹ nhân cho đốt đuốc trên chòi canh khiến lệ báo động chư hầu đến cứu nguy bị mất tác dụng.

Ở trang thời sự xã hội số này Trăm Hoa có bài Phải làm gì để cải thiện đời sống nhân dân? Cạnh đó là thơ vui của Mai Sinh về giá bán thuốc lá Trung Quốc ở Hà Nội lúc ấy. “...Nghe nói rằng bên quê bác Mao / Tính ra ba bốn trăm một bao / Hà Nội-Bắc Kinh xe lửa suốt / Về đây sao giá vọt lên cao...”.

Số này bắt đầu công bố kết quả cuộc thi “họa thơ cảnh giác” do báo Trăm Hoa tổ chức.

Số 9 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 23/12/1956) đăng ở trang 1 bài Nói và làm của Thạch Lựu. “Ai chả nói được rằng tôi yêu nước. Ai chẳng nói được rằng tôi vì dân. Ai chẳng nói được rằng tôi chịu sự lãnh đạo của Đảng, theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng chỉ căn cứ vào việc làm, người ta mới có thể xác định được rằng ai yêu nước ai không yêu nước, vì nhân dân hay chỉ vì cá nhân mình? có theo đúng đường lối của Đảng, có thực hành đúng chủ nghĩa Mác-Lênin hay không?”

Ở mục “Đọc sách báo” có bài của Trần Nguyên Phê bình “Đất mới” tập I. “Đất mới chỉ chứa đựng một mớ hằn học, ghen tuông, xuyên tạc đến trắng trợn sự thật trong phạm vi nhà trường đại học của chúng ta. Đất mới thực ra chỉ là một miếng “đất cũ” xác xơ cằn cỗi đến thảm hại, mọc lơ thơ dăm ba bông hoa độc trái mùa. Không những không phản ánh trung thực được phong trào sinh viên hiện nay, những tác giả viết trong Đất mới còn dụng tâm đưa ra một số sự việc đã cũ, thổi phồng lên, bóp méo đi, khoét sâu thêm, hòng gây cho người đọc một ấn tượng đen tối và những nhận xét sai lầm về chế độ đại học của chúng ta. Ai chưa biết gì về trường Đại học Việt Nam (dân chủ cộng hòa) đọc Đất mới sẽ phải nghĩ rằng trong cái khu vườn ươm nhân tài đất nước đó chỉ toàn có chuyên chính, độc tài, đảng trị khắt khe, bè phái nhũng lạm, tình yêu bị cướp phá, nhân tài bị vùi dập, hơn 300 sinh viên hiện đương sống ở đấy như trong một ngục tù ngột ngạt có bàn tay sắt (của Đảng) lúc nào cũng thò ra để bóp nghẹt hết tiến bộ, hết hạnh phúc, tương lai. Qua những sự việc kể ra trong Đất mới (cấp phát học bổng, thi tốt nghiệp, tham gia đấu tranh chính trị ở Thanh Hóa năm 1952, chế độ đảng trị, lịch sử một câu chuyện tình, chuyện Phùng Quán hỏng thi) ta thấy rõ rệt một điều: nội dung các bài viết chỉ cố moi móc một số khuyết điểm và nhược điểm của những người lãnh đạo sinh viên (giáo sư Trần Văn Giàu, hiệu đoàn trưởng, phó, trưởng ban tuyên huấn, bí thư...) nhằm mục đích chĩa mũi dùi công kích vào Đảng lãnh đạo, tức là đánh thẳng vào chế độ nhà trường đại học của chúng ta nói riêng, vào chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta nói chung.” Số này dành toàn bộ mục “Nói gần nói xa” đăng những kiến nghị và thư từ phản đối báo Nhân Văn. Bản tuyên bố của 180 nhà báo ở Hà Nội đòi báo Nhân Văn phải chấm dứt ngay thái độ và phương pháp tuyên truyền xuyên tạc. Bản tuyên bố của các nhà văn hiện ở Hà Nội ký tên Tô Hoài, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Bính, Học Phi, Hoàng Trung Thông, Hoa Bằng, Mộng Sơn, Vân Đài, Bùi Hiển, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Đào Vũ, Nguyên Ngọc, Bửu Tiến, Đặng Thai Mai, Từ Bích Hoàng, Phạm Hổ, Trần Huyền Trân cho rằng những quan điểm nghệ thuật và xu hướng khác nhau, giá trị của những tác phẩm đã đăng trên Nhân Văn là những điều còn phải thảo luận lâu dài, nhưng những vấn đề chính trị bộc lộ trên Nhân Văn thì tỏ rõ là khuynh hướng xấu và có hại, cần nghiêm khắc đấu tranh ngăn chặn. Tuyên bố của những người công tác văn nghệ Liên khu 5 ký tên Nguyễn Văn Bổng, Y Yôn, Khương Hữu Dụng, Phan Huỳnh Điểu, Vân Đông, Trinh Đường, Tế Hanh, Nguyên Hồ, Phạm Hổ, Hoàng Châu Ký, Hoàng Kiệt, Nguyễn Lai, Nguyễn Viết Lãm, Yến Lan, Vương Linh, Nguyễn Thành Long, Nguyên Ngọc, Phan Thao, Ngô Thông, Nam Trân, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Văn Song “...nhận thấy báo Nhân Văn có nhiều tác hại về chính trị (...)chúng tôi, những người yêu chân lý và tha thiết với việc xây dựng và bảo vệ chế độ tốt đẹp của chúng ta, kiên quyết đòi báo Nhân Văn phải chấm dứt ngay thái độ sai lầm có hại cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”. Bản tuyên bố của các bạn văn nghệ Nam Bộ cho biết có 235 bạn văn nghệ Nam Bộ hiện có mặt ở Hà Nội đã ký vào tuyên bố này, cho rằng “báo Nhân Văn chỉ lấy khuyết điểm làm đề tài, và lúc nói khuyết điểm lại có nhiều chỗ xuyên tạc sự thật”, “báo Nhân Văn là một phương tiện để cho đich lợi dụng gây sự hiểu lầm miền Bắc, gây chia rẽ Bắc-Nam”, “chúng tôi phản đối thái độ không xây dựng của báo Nhân Văn và đòi Nhân Văn chấm dứt ngay thái độ có hại ấy”.

Về sáng tác số này có hai bài thơ: Chim thêu của Nguyễn Bính và Bút tung hoành của Võng Xuyên, và phần tiếp truyện ngắn Sẵn sàng tha thứ cho em của Trúc Đường.

Trang xã hội đăng tiếp (kỳ 2) bài Phải làm gì để cải thiện đời sống nhân dân? của Trăm Hoa; cạnh đó là bài thơ vui Tự thán thuốc lào đắt.

Số này cũng tiếp tục đăng các bài trúng giải cuộc thi họa thơ “cảnh giác” của báo Trăm Hoa.

Số 10 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 30/12/1956) ở trang 1 có bài của Thạch Lựu Nguyện vọng thiết tha, chân chính, bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (họp từ 29/12/1956).

Chen giữa bài này cũng trên trang 1 là biếm họa vẽ người có hai đầu “một cái quái thai nịnh trên nạt dưới”.

Số này dành toàn bộ mục “Nói gần nói xa” cho bài của Trần Nguyên, hoan nghênh sắc lệnh số 282 của Chủ tịch nước ký ngày 14/12/1956, quy định chế độ báo chí... “Bản sắc lệnh này định rõ tính chất và nghĩa vụ của báo chí dưới chế độ của ta. Báo chí phải là một công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của tổ quốc, phải bảo vệ chế độ của chúng ta và ủng hộ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “điều thứ 9 có định rõ báo chí không được tuyên truyền chống pháp luật của nhà nước, chống đường lối chính sách của chính phủ, viết bài có tính chất chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại chính quyền, chia rẽ nhân dân và chính quyền, nhân dân và bộ đội”; “báo chí không được tiết lộ bí mật quốc gia, không được tuyên truyền dâm ô, trụy lạc, đồi bại”.

Về sáng tác số này có bài thơ Xuống trần của Nguyên Thủy và ba bài thơ Cây giang xanh vỏ, Gác đêm, Nếu cần em cứ gọi của Phác Văn, truyện ngắn Chiếc hôn đầu của nhà văn Tiệp Lu-i A-sơ-kê-na-si (?)do Mai Thúc Luân lược dịch.

Trang bạn đọc đăng bài của Hoàng Đình Kính ở Hải Phòng về tập sách Đất mới tập 1. “Một số bài đăng trong Đất mới như bài của Bùi Quang Đoài, của Q. Ngọc và T. Hồng đều không ít thì nhiều có những luận điệu giống như luận điệu của Giai Phẩm và Nhân Văn”; “Tóm lại Giai Phẩm, Nhân Văn, Đất mới lần lượt ra đời và toàn nhìn xã hội bằng con mắt của những người bất mãn, ghen ghét, đố kỵ; đọc trong ba thứ sách báo đó người ta có cảm tưởng rằng từ khi có chế độ dân chủ cộng hòa đến giờ, Đảng và Chính phủ không lãnh đạo được nhân dân làm được việc gì ích quốc lợi dân cả, xã hội ta toàn những chuyện ngửa nghiêng đen tối, cơ hồ khó có thể vững vàng được”.

Cạnh đó là bài họa thơ Thuốc lào đắt tự thán đăng kỳ trước.

Số 11 Trăm Hoa loại mới (Chủ Nhật 6/1/1957) dành phần lớn số trang đăng báo cáo của Ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, diễn văn của Hồ Chủ tịch chào mừng Quốc hội.

Về sáng tác số này có các bài thơ Tôi tìm em của Tạ Hữu Thiện, Mưa rừng của Hoàng Yến, dịch thơ Độc tọa Kính Đình sơn của Lý Bạch, truyện ngắn Nhớ nhà của Đỗ Văn; ngoài một vài biếm họa nội bộ và đả kích Mỹ-Diệm, số này dành nhiều chỗ quảng cáo cho Trăm Hoa Xuân sẽ phát hành ngày 23 Tết âm lịch.

Số Tết Đinh Dậu (thay cho các số 12, 13, 14) tức là Trăm Hoa Xuân có các bài chính: Mùa xuân năm nay (xã luận của Thạch Lựu); Đầu năm xông các báo, hay là một giấc mơ xuân (phóng sự hư cấu của Tường Vi); Tình quê, Mùa xuân xanh (hai bài thơ Nguyễn Bính); Cùng lứa tuổi (bút ký viết 1947 của Tô Hoài); Bên đường chiến khu (thơ, viết 1948 của Yến Lan); Theo thời (truyện ngắn của Đoàn Giỏi ); Chấp một xe (truyện vui của Trúc Đường); Tình lũy tre xanh (thơ của Văn Tôn); ngoài ra còn có dịch thơ Đường, thơ vui Khấn Táo quân, họa thơ Thuốc lào đắt, tranh vui, nụ cười. Trăm Hoa số này đăng thể lệ cuộc thi câu đố và câu đối đầu xuân. Với thông báo sắp tới Trăm Hoa sẽ đăng đều kỳ bản dịch tiểu thuyết Trung Hoa Hồng lâu mộng, số này trích đăng bài của Đặng Thai Mai (đã đăng Tập san Đại học sư phạm số 2, tháng 6&7/1956) về những tranh luận gần đây ở Trung Quốc xung quanh tác phẩm này.

Số 15&16 (không đánh số, ra sau số Tết Đinh Dậu) tức là Trăm Hoa số đặc biệt đầu Xuân đăng một số sáng tác như Xuân nhớ, thơ Nguyễn Bính; Quản Thổi, truyện ngắn của Phùng Cung; Mỗi khi vò trang lịch, thơ của Tạ Hữu Thiện; Cô đào hát, truyện ngắn, dịch của Ê-ren-bua; Chiếc quả sơn, thơ Yến Lan; Lên xe xuống ngựa, truyện ngắn của Trúc Đường; ngoài ra còn có: dịch thơ Đường, thơ đả kích Ngô Đình Diệm, tranh hài hước, v.v...

Bài Kính cáo bạn đọc của Trăm Hoa cho biết dự định thay đổi nội dung và hình thức tờ báo từ số đầu xuân này đã không thể thực hiện được vì báo gặp quá nhiều khó khăn (giá giấy vốn cao, giá in lại lên cao, giá sinh hoạt và tiền thuê nhà đắt đỏ, các nhà in đều bận những công việc được đặt trước, Trăm Hoa không có nhà in riêng, khó tìm được nơi nhận in cho mình báo hằng tuần, việc phát hành cũng gặp thêm nhiều trở ngại...), vì vậy để Trăm Hoa khỏi bị gián đoạn, sau số đầu xuân này Trăm Hoa sẽ chuyển thành tạp chí mỗi tháng một số, mỗi số khoảng 60 trang, đăng trọn một, hai tác phẩm thơ, truyện ngắn thật có giá trị.

Tất nhiên đây chỉ là dự kiến thuần túy. Trên thực tế, tuần báo tư nhân Trăm Hoa kết thúc ở đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9916)
(Xem: 9704)
(Xem: 9194)
(Xem: 9659)
(Xem: 10141)
(Xem: 9183)
(Xem: 10014)
(Xem: 10626)