- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CÁ VÀNG

09 Tháng Giêng 202211:48 CH(Xem: 9242)
TRANH DINH CUONG
Tranh Đinh Cường

Lê Chiều Giang     

CÁ VÀNG     

 

“Sao lòng ta bỗng rộn ràng

Như những toa tàu sắp chạy

Thăm những nhà ga sắp hồi sinh

Những nhà ga sắp thở…”

[Đinh Cường 1969]

 

 Anh Đinh Cường gọi phone cho tôi chỉ hỏi:” Làm sao để thành ...Cá?”.

Cá bơi xuôi lội ngược, vẫy vùng trong biển lớn, hay quanh quẩn trong hồ ao? Cá đẹp óng ánh bơi ngược dòng, hay lừ đừ chịu trận trong lưới ngày, và ngay cả đang giãy dụa chết bởi những lưỡi câu lờ lững?

Không phải, Anh hỏi tôi về cá khác. Cá Vàng.

 

Năm 1997, anh Trần Công Sung từ Paris viết bài về chuyến ghé thăm một số bạn bè sống ở California và một vài tiểu bang khác.

Tạp Chí Thế Kỷ 21 gửi xuống San Diego bài viết của Trần Công Sung viết riêng cho Nghiêu Đề, chỉ bởi từ câu nói đùa của anh:” Suốt bao năm, Giang ngắm nhìn tôi như thích một con Cá Vàng”.

Anh Trần Công Sung viết lời ngợi ca, khen tặng tất cả những “Vợ hiền” trên trái đất. Dù có thấp thoáng chút hồn thơ mộng, vẫn không dám chểnh mảng cái trách nhiệm khó khăn muôn đời của “Hội phụ nữ” chúng tôi: Bằng mọi gíá, luôn xây dựng, vun xới quyết liệt cho một gia đình ấm êm, và hạnh phúc

 

Cuối cùng, Anh Nghiêu Đề đau ốm buông bỏ hết mọi thứ, rồi ra đi.

Và trước khi tôi bước những bước dài theo một Nhân Duyên hoàn toàn mới. Trong những chuyến du lịch xa xôi, tôi ghé Virginia thăm ngôi nhà thơ mộng của anh chị Đinh Cường.

Trên chiếc xe nhỏ mầu đỏ, Anh chạy nhiều vòng qua mọi phố, loanh quanh cùng tôi xem những kiến trúc yêu kiều của DC.

Nhớ nhất là lúc tôi ngồi dưới bóng của một tàn cây xanh mát, kiên nhẫn chờ Anh viết cho xong bài thơ bên dòng Potomac. Dòng sông với nước lung linh sáng trong ánh nắng gay gắt giữa trưa. Đúng giờ Ngọ.

Nhìn bóng nước xôn xao, tôi chợt tự hỏi có phải Anh đang nghĩ đến chiếc nhẫn anh đã quăng xuống hồ Tịnh Tâm? Ném đi mất tăm mối tình đầu tan vỡ của anh, ngay giữa dòng nước hồ tịch lặng.

Chiếc nhẫn cũng như đáy hồ… Toàn những chuyện tôi được nghe kể lại. Chỉ có điều

duy nhất mà tôi còn nhớ,  sau 75 lúc phải sống, phải điên đầu trong than lửa nhọc nhằn, anh Nguyên Khai đã tiếc nuối hỏi đùa Đinh Cường :” Mi ném nhẫn đó góc nào? để tau ra Huế, tìm cho ra chiếc nhẫn vàng dưới đáy hồ, sửa soạn một bữa tiệc linh đình, đãi anh em”.

 

Lái xe có khi lạc đường, quên lối, nhưng chúng tôi chẳng mấy quan tâm. Anh ghé hai quán Cafe có trưng tranh, treo bán nhiều tác phẩm rất nhỏ anh ký gửi. Tôi thú vị tìm ra cái hay hay của những bố cục muốn vượt hẳn ra ngoài khung tranh, những nét vẽ miên man, bất tận trong một không gian nhỏ hẹp. Rõ ràng tôi đã quen thưởng lãm tác phẩm Đinh Cường qua những tấm canvas lớn. Bóng thiếu nữ dịu dàng đứng bên góc nhà thờ, thanh thoát bay cùng tiếng chuông xa vời, trong chiều thu im vắng.

Anh dặn dò: ” Hôm nay anh mời, Giang phải uống rất nhiều, có thể uống trăm ly Cafe cho hết tiền của hai bức tranh nhỏ vừa bán”. Tôi cũng hay Cafe sáng, trưa và chiều tối, có khi cả tỷ tỷ ly trong những lúc chán đời, buồn bã từ ngày anh Nghiêu Đề đau ốm rồi ra đi. Nhưng hôm nay, một ngày rất đẹp, rất vui ở DC, chắc tôi không nên phí hoài như thế.

Anh tiếp tục lái xe, cứ lạc lối và cứ lạc đường, quyết để tìm mua những chai Red Wine, dưới trăm cái tên mà cả anh và tôi đều chẳng biết rượu ngon hay dở. Anh muốn dùng cho hết tiền tranh vừa mới có, không hết bởi Cafe, thì phải uống thêm rượu đỏ. Uống như sự đãi ngộ, phải như một tưởng nhớ về người bạn thân vừa mới bỏ đời, ra đi...

 

Chiều nhạt nắng với ngàn lá phong rơi rụng, con đường mòn phía sau nhà Anh trải đầy lá úa. Chúng tôi ngồi Cafe, nhắc lại nhiều kỷ niệm từ những ngày còn Hội Họa Sĩ Trẻ, những ngày tôi còn đi học, tôi còn bé xíu.

Tôi nhất định không muốn quên lời khiếu nại trong lần đầu tiên tôi gặp anh,  anh theo dõi bức tranh của Nghiêu Đề. Bức tranh mà khi mang tới phòng triển lãm của Hội Hoạ Sĩ Trẻ ở Alliance Francaise Gallery. Chân dung đẹp mơ màng của tôi với khung tranh chỉ được anh Nghiêu Đề quấn rất vội vàng bằng những sợi giây lạt. Với tôi, đó là một khung tranh khác lạ hay hay, và có thêm cả sự chân tình, dễ thương. Nhưng ngay lập tức, anh Đinh Cường nói với tôi theo một ý nghĩa khác:” Bằng mấy vòng giây lạt đó, “Nó” sẽ trói đời cô vào cái kiếp sống lơ tơ mơ, sống vất vưởng trên cung trăng, sống lang thang bên ngoài trái đất …”

Và lời anh Đinh Cường nói đã như một tiên tri, những sợi giây lạt tưởng như mong manh dễ rớt rơi đó, đã trói buộc tôi với anh Nghiêu Đề, một họa sĩ tài hoa nhưng nghèo nhất nước.  Chúng tôi đã sống chan hòa, sống cùng nhau cho đến hết, và cho cả đến chết.

 

—---------------

 

Chị Đinh Cường mời thêm họa sĩ Ngọc Dũng, người có nhà rất gần, một bạn thân mà như hàng xóm. Chiều tà với lá tả tơi bay, lá rụng vàng theo gió sau hiên nhà. Chúng tôi ngồi với Cafe, và những ly rượu đỏ.

 

“...Ngoài ta ai đón trăng huyền lặn

Mà dẫn đi qua khỏi cửu trùng?...”

[Trần Dần]

 

 Anh Ngọc Dũng đọc thơ Trần Dần, Hữu Loan. Tôi ngâm thơ Hoàng Cầm, Quang Dũng...

 

“...Vầng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?...”

[Quang Dũng]

 

Chúng tôi như đang sướt mướt, gọi mời những hồn ma bóng quế trong Nhân Văn Giai Phẩm về đây, ngồi với.

 

“...Chồng em rách nát chiến bào

Vi vu gió thổi, bay vào Kinh Đô…”

[Hoàng Cầm]

 

Chút se sắt lạnh của chiều như làm những lời thơ xưa, nửa hùng tráng nửa buồn hơn.

Tôi nhắc anh Đinh Cường bài thơ mới bên dòng Potomac.

Anh tìm trong túi áo, anh ra tìm ngoài xe… Bài thơ chưa thuộc, bài thơ biến mất. Anh

tiếc nuối những vần thơ vừa mất tích.

Nhớ nhớ quên quên, Anh thở những hơi dài trong Pipe thuốc, đọc chút thơ có nhắc chiếc nhẫn đã quăng giữa lòng hồ Tịnh Tâm. Nhìn khói haft & haft mơ màng bay, nghe thơ mà tưởng như đang nghe anh kể lại những kỷ niệm xa vời...

Tránh đi chút nặng nề của quá khứ, anh mời chúng tôi xuống basement, Studio với rất nhiều tranh sơn dầu. Hội Hoạ Sĩ Trẻ chỉ có anh là người vẽ nhiều tranh nhất. Anh có nhã ý tặng bức nào tôi muốn mang về california.

Tranh của anh tôi treo trong phòng khách, vẫn rất mơ màng và u hoài như một bài thơ cổ.

 

---------

 

Chỉ một năm, sau lần chúng tôi ngồi Cafe bên khu rừng phong rất đẹp ở nhà anh Đinh Cường. Từ nơi khác xa xôi, tôi biết tin anh Ngọc Dũng ra đi.

Nghiêu Đề, Ngọc Dũng, và rồi Đinh Cường. Những con Cá Vàng như lời ví von của một năm nào, rất cũ. Lần lượt đã theo dòng nước trôi, rồi biến mất tăm, và sẽ quên lãng hết, ngay cả trong lòng người.

 

Duy nhất anh Đinh Cường, người ước ao biến thành “Cá Vàng”.

Cá vàng đã lững lờ lặn sâu xuống dòng nước cũ, đã tìm cho ra dưới lòng hồ Tịnh Tâm, chiếc nhẫn nào đã ném đi từ những năm xưa.

Trên chiếc cổ nho nhỏ, Cá Vàng có mang thêm chiếc nhẫn.

Nhẫn vẫn đẹp rực rỡ và óng ánh sáng như một chiếc kiềng vàng.

 

Lê Chiều Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94595)
Trên trang văn hóa báo Le Monde hôm nay có bài giới thiệu về một cuộc triển lãm ảnh của phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Henri Huet về cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ qua bài viết: "Chiến tranh Việt Nam : Những hình ảnh, bạn hữu và cái chết".
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87540)
C húng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy trên khuôn mặt, trong đôi mắt, nhưng ở những giấc mơ không bao giờ tắt. Tết Giáp Tuất. Tôi về sống ngôi nhà của Quý, phía nam phần lục địa. Trái đất xoay như thỏi đá cứng, những cạnh gai góc cắt vào chốn vô hình. Mỗi trưa, tôi với Quý và Chiến - cũng một người bạn ở nhờ - bầy những tiệc rượu đón bắt những vô hình mà cả ba đều linh cảm rất rõ, theo sóng của cây rừng tràn đến tận thềm. Cả một triền núi lươn lướt tắp đến bàn rượu. Cơ ngơi của Quý to lớn sừng sững.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86763)
H ồ Đình Nghiêm, sinh ở Huế. Làm thuyền nhân trôi giạt qua Hồng-kông năm 1979. Định cư ở Montréal từ 1980. Viết lai rai cho hầu hết các tạp chí xuất bản tại hải ngoại, cộng tác với Hợp Lưu ngày từ số ra mắt. Đã in bốn tập truyện ngắn...Chưa hề trở lại cố quận đìu hiu.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 118247)
Đừng đánh thức giấc mơ tôi trong lúc ngửa mặt lên trời hứng những giọt mưa đêm tháng chạp với hình ảnh duy nhất là đôi mắt em.
24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86737)
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899- 2 tháng 7, 1961) là một nhà văn, nhà báo Mỹ. Cách viết văn riêng biệt - biểu thị qua đặc điểm lối mô tả khiệm lời và khiêm nhường - cũng như những cuộc phiêu lưu và hình tượng công chúng của ông đã tạo nên nhiều ảnh hưởng cho nền văn chương hư cấu của thế kỷ thứ 20.
23 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98477)
Chương trình phát thanh tiếng Việt hàng ngày của đài BBC, Anh Quốc, quen thuộc với người Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, sẽ chính thức ngưng hoạt động sau buổi phát thanh cuối cùng vào Thứ Bảy 26 tháng 3 từ 14 giờ 30 đến 14 giờ 45 giờ quốc tế hay từ 9 giờ 30 đến 9 giờ 45 phút giờ Việt Nam.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 77861)
Hoàng Chính chuyển ngữ từ Peeling trong tập truyện "The Fat Man in History" của Peter Carey. Peter Carey, tiểu thuyết gia người Úc, sinh ngày 7 tháng 5, 1943, hai lần đoạt giải Man Booker với các cuốn "Oscar and Lucinda" (1988) và "True History of the Kelly Gang" (2001). Hiện Peter Carey dạy đại học tại New York.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 86740)
Những cái chết sau quá khứ về sau vẫn tiếp tục tiếp diễn mãi cho đến tận bây giờ. Những cái chết trên biển, bên kia biển, và bên này đất liền.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 112556)
Tháng Mười chơi trò xếp đặt Những con rồng được tạc bằng xương người Những con rắn cong khô trên bếp than cời Dưới nền trời xám và khô Phố phường mạ bằng vàng mã Người người ướp lạnh.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 82454)
T rước năm 1975, mỗi dịp Tết âm lịch, văn gia và dân chúng miền nam thường làm lễ kỷ niệm chiến thắng Tết Kỷ Dậu (31/1/1789) của Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792). Đây là một trong những võ công vệ quốc lịch sử của dân tộc Việt chống lại âm mưu thôn tính của bắc phương từ ngày giành được độc lập năm 939–sau khi Ngô Quyền (898-944) phá quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng (theo Nguyễn Trãi, còn gọi là sông Vân Cừ), khai sinh ra một vương quốc mới, tức Đại Việt (từ năm 1054) hay Việt Nam (từ năm 1804). (1)