- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÊN LỀ GIẤC MƠ

02 Tháng Bảy 20217:20 CH(Xem: 12878)


Nguyễn Thanh Huyền (1)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Huyền
thơ  
Nguyễn Thanh Huyền  
BÊN LỀ GIẤC MƠ  


 

THÁNG NĂM

Tháng năm gầy, mẹ kể chuyện giáp hạt

Cây đòng nép thẹn mùa

Vay một lãi ba, mắt đêm trắng dã

Nhưng câu thương chín từ năm để tóc đuôi gà.

 

Tháng năm nghẹn, nỗi nhớ thắp lửa vào tim

Lời mẹ kể "trái mùa, nước nhảy qua đường"

Đời người tuột trơn

Nhưng "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"

Dù thế nào tháng năm cũng ngát mùa Sen

 

Mẹ ơi, tháng năm này bỏng nóng ngực gió

Làng ta thở hắt

Rát cong mật tre

Còn ngoài kia, thế giới dịch lan tràn

Người người thất nghiệp, nhà nhà cửa đóng then cài

Lòng người màu phai

Nhưng giữa lấm lem, nhập nhoạng

Vẫn hiện hữu bao thiên thần

Mẹ thường bảo "sông có khúc người có lúc", tin yêu luôn có thật

thiện thắng tà và người tốt bền, mạnh như cỏ đó thôi

... và tất thảy khi cạn cứ "tra dầu", lửa sẽ đơm bông

 

Xoè bàn tay con đếm tháng, năm

Nhưng năm tháng này chẳng giống năm tháng xưa

Con như cây lúa quê mình, chỉ khác tháng năm rồi mà mãi đòng non

Đòng cười thơm nắng

Trĩu vàng tháng năm

... Con co mình, tháng năm con nằm giữa

Mà xung quanh vắng cả thế giới...

cho con dựa bờ mẹ

se sắt lắm, nhưng con thức cả trong mơ

Nghe mẹ kể chuyện tháng năm

bằng lời ru ngược gió, nghịch nắng

từ dòng mát cưỡi mây trắng

để câu thương ngày nào mãi phổng phao.

 

...tháng năm về.


GIẤC MƠ

Gió nưng nức ghé búp thời gian thủ thỉ, vũ trụ hoan ca chảy hội mùa ái ân

Hướng Dương sáng toả, Thược dược căng trăng tròn, Violet đằm thắm

Nơi đây, em định vị

Ghim trái tim tôi vào trộn rộn

Chú dế bờ non vểnh râu thu sóng chuyện tình mừng rơn va cánh kêu "tuýt tuýt, tuyệt tuyệt"

Nhưng chẳng hiểu tôi yêu em nhiều

như non tơ rẽ đất phồn sinh

cát nghiêng bồi lấp lánh

khí thở, nước mát lành...

Ấy vậy, cuộc sống khác gì giấc mơ em có biết

Như lý thuyết suông cho hình hài mộc

Cởi, để buộc

Cởi, có ở trong nhau?!

Nén để nhiều

Hay nhiều do rỗng

Và nhớ để quên

hay quên để nhớ nhiều hơn

Xa nhau tình cảm có bình phương?!

hay sẽ khai căn giảm độ nồng

Cuộc sống đa mệnh đề

...nhưng nhận định cho tình yêu là phiếm nhã?!

Ngoài kia, bão tố êm như nhung, ngọt như đường dễ lịm say, trơn trượt

Gió nghịch mùa bện ngực, len lỏi cuốn em trong giấc mơ

Nắng cộng hưởng bùa tôi bằng thần chú sợi vàng

Tách em ra khỏi tôi, vén bức tranh địa đàng thơm hôi hổi

Tôi níu mùa, đêm gầy rạc

Tháng ba cạn, hoa Gạo đỏ tim rơi khỏi ngực...

Giấc mơ thiên đi

... Ở nơi xa ấy hạnh phúc tròn đầy

... Xin ổn cho em, bằng những tôi yêu.

 

 

Câu thơ em viết không liền mạch

Cho những gập ghềnh nỗi nhớ tháng ba.

 

 


QUÊ ƠI, MAI CON VỀ

Mai con về
ngược miền thơ ấu
cây đa già, cổng làng, giếng nước
những khóm tre ngà, cánh cò chao và chiều gió hát
con đường gạch lát nghiêng cong…

Mai con về
ngược miền ký ức
bóng cha áo tơi đổ dài ngả cày ngập nước
dáng mẹ nón mê còng lưng nhổ mạ mưa phùn
một thuở quê nghèo lam lũ đồng chiêm…

Mai con về
miền nhớ thương mong mỏi
người đi nhạt nhòa bóng hình trở lại
con về tạ lỗi Tổ tiên
nhang khói rỗng chiều

Mai con về
lại được nghe tiếng ếch gọi bạn tình da diết
nghe tiếng chó đàn nhạc trưởng cắn bóng đêm
nghe canh ba tiếng gà gọi mặt trời lên
nơi phương xa ấm áp và cồn cào nhung nhớ

Quê ơi, mai con về
chín mọng cội nguồn, thơm thơm tình nghĩa!

 

 

 

TIM MẸ

Tìm mây trắng đậu bếp mẹ

Tìm bước chân hằn mùa lam lũ

Mùa nước trèo qua đường

Tìm ầu ơ thơm nồng sữa

Con về, thấy chú cá lười rửa mặt

chim sâu quên cách hót

đàn gà lạc đàn nháo nhác

nắng thở dài se sắt

gió mất phương chua chát

...từng centimet đất vườn nâu rêu

 

Những người cháu lem luốc gọi bà

Những đứa trẻ phong trần ngơ ngác tìm mẹ

Con kêu trời đền tội

Trời lặng thinh gieo mây một màu vô ưu vân vi

Bố nghẹn, mưa bão cứ trào khoé mắt

Bữa cơm trước còn đã mốc, giờ cùng ăn

Nửa gửi bà theo khói hương bay lên

Nửa ngấm dạ nghĩa tình ở lại

... tôi thương bà, thương tôi

 

Trời đông khoác áo mùa đông

Bố làm cha, làm mẹ, làm bà, làm ông

Có chuyện tình 53 năm son sắc

vằng vặc trăng

vời vợi sóng

Nhìn ảnh mẹ, nèn ngực, dằn lòng bố bảo, tôi không khóc nữa

Mà mình ơi, chênh vênh lắm

Tôi gượng gắng lo

...nhịp đập tình rộng dài lịch sử

...con ngược miền nhớ

...bóng mẹ trong câu phật

...con kính yêu mời về.

 

 

NỖI NHỚ THÁNG BA

Có nỗi nhớ nào bằng nỗi nhớ tháng ba

Dịu nhẹ thôi mà sao tha thiết thế

Mật bưởi dậy thì, hoa xoan thẹn thùng ấp màu yêu

Ngõ xưa lao xao màu áo cưới

Con đường làng khấp khởi sóng đôi.

 

Có niềm riêng nào hanh hao như tháng ba

Nắng đói, gió đỏng đảnh nghiêng tai giỡn

Chuyện chúng mình trích đoạn diễn

Nhân vật trong phim khó giống thật

... ngõ nhỏ "mít ướt" hoa xoan...

 

Chẳng phải cố tình nhưng cứ mãi vấn vương

Nỗi nhớ tháng ba rong ruổi theo em trăn trở từng con phố

Nhắc nhớ tháng ba xưa cảm xúc đến lạ

Nếu mạnh dạn, em là vợ người đã là chồng

Trời gán đẩy đưa "có duyên không nợ"

Như "bút toán mở" một cộng một đâu chỉ bằng hai

Để hương bưởi thơm mùi nhung nhớ

Và hoa xoan cứ tím màu xa cách.

 

TÌM LẠI

Con tìm về miền quê lục ký ức thời gian,
con đê có nắng trải vàng, có tiếng gõ vách thuyền đánh cá trên sông.
đất mẹ phù xa đỏ ửng những ước mơ
những cánh diều màu xanh là sứ giả tuổi thơ con và bạn con treo cánh liệng

Con tìm lại những nhọc nhằn bóng mẹ nhỏ liêu xiêu dài sườn đê lầm lũi
bụi trần quấn lên những sợi tóc mảnh, chai sạn và những gạch ngang hằn trên trán
con không hỏi những giọt mồ hôi đượm tình rơi vào miền đất hứa của ai
hay những thổn thức trong đêm sợ mai mưa gió đẩy những hạt thóc mầm trôi theo dòng nước lũ

và những ân cần gửi con trẻ chiếc chăn hồng trong cái rét mùa đông.

Con biết, Mẹ và Bà, những bông hoa giản dị với ước mơ bình dị như bao người mẹ khác ở miền quê này
ôi tình mẹ và những thất bại, thành công của con trên dặm đường xa ngái
con tìm lại khoảng trời mơ ước khát vọng và sinh lực từ miềm đất thân thương
con đã khóc và ngẩng cao đầu đón ánh nắng quê…

 

 

ĐÓI NHỮNG MÙA THƯƠNG NHỚ

Đất mẹ, nơi đon mạ thâm bầm chết nửa vẫn ngẩng lên màu lúa

nơi những đêm hanh luống cầy của cha xô nghiêng gối vụ cho mùa 

nơi mẹ uốn cong điệu ví thành nôi lụa em nằm say giấc ngủ

nơi những chàng trai quê vỡ giọng cất lời yêu mọng như trinh nữ chưa một lần dục  tình dù chỉ trong mơ…

 

Em đã xa, quay mặt vào thương nhớ như sóng đánh phũ bờ vỡ ánh trăng tròn đầy khâu từ nước mắt mặn mồ hôi cha đổ

lỡ khất lời từ tạ, treo câu van nài khứ hồi vào giấc mộng ngàn năm

trái tim em là máu hay thủy ngân nhuốm đỏ mà không thấy nao lòng rưng rức, cồn cào?

Có giật mắt liên hồi, nóng mặt khi ai đó chạm vào hai chữ thân thương

có vội vã thẹn thùng cất đi tháng năm bạc mòn còn thơm mùi rơm rạ

tình cha, nghĩa mẹ, nơi anh hiếu thảo như củ khoai chín thơm lừng mùi nắng

sẽ chẳng là gì, dù kí ức đong bằng những giá xa xỉ …

chỉ là ma đói trong ngày rằm tháng bẩy gió dông

ta khước từ nhau mà phía bên sông câu hò vẫn réo rắt khản giọng

 

Ôi giấc mộng của kẻ hát rong ngập bụi đời ố nám, tả hữu nghênh liệt hoan hỉ mà thẳm sâu ngực trái bầm đỏ…

về đi, úp mặt vào thương nhớ

bát cơm cháy ngầy ngậy, miếng cà sổi còn cay mũi

nơi mẹ kể câu chuyện cha đánh trận, bom phá rừng nát vụn nhưng không giãn nổi trái tim yêu

 

Về đi, đong đầy những mùa yêu dấu, được khóc như đứa trẻ thèm sữa

vui như thôn nữ trảy hội, cười như lão nông được mùa

về đi, chẳng ai lớn nổi khi không khát yêu và đói những mùa thương nhớ!

 

 

BÊN LỀ GIẤC MƠ

Gió run vai

xoa ngực

khỏa môi khát hôn

sấm rền xa gọi mùa trổ đòng

như nhắc lại thời ba mẹ ướm trò dâu rể

ấy thế mà có anh.

Chuyện xửa xưa lạc vào mắt xanh

ngàn sao đợi sáng

anh và em như chưa từng lỗi hẹn

tóc ngắn, dài thèn thẹn bện nhau

bện thanh xuân mơ mộng

rúc rích con đường làng có ánh trăng theo ta lịm khuya

Ngày cũ trôi xa bờ cổ tích

chuyện chúng mình đâu giống tình mẹ cha

lời thánh ca mãi không trổ hoa

bút tình có bao giờ cạn mực

những đoản khúc dở dang trên trang giấy em phơi ải chuyện mình

Sóng dâng lên cồn cào, sóng sao không vỡ

gác ta bên lề giấc mơ

ngực gió...

 

NGUYỄN THANH HUYỀN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 81472)
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là đề tài sáng tác vô tận cho thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Một cách tự nhiên, Nguyễn Xuân Tường Vy đã chinh phục độc giả bằng chính những dòng viết giản dị, chân thật về tình cảm muôn thuở ấy.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 90839)
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87009)
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 69712)
Nói như Viện Hàn lâm Thụy điển vào đúng 13 giờ thứ năm 07/10/2010, theo lời thư kí Peter Englund khi ông công bố giải văn chương Nobel 2010 trao tặng cho (Jorje) Mario (Petro) Vargas Llosa, là như sau. Nhà văn xứ Pêru này trúng giải nhờ đã: « Thể hiện và phác họa toàn diện cơ cấu quyền lực và hình ảnh sắc cạnh chạm khắc nỗ lực kháng cự, tinh thần phẫn nộ và thành bại của cá nhơn con người. » Về mặt nghệ thuật: « Ông là nhà văn đã triển khai thuật kể chuyện theo phong cách quả tình kì ảo. » Về mặt con người của mình: « Qua tác phẩm, ta biết ngay ông là một con người say sưa trong hành xử. Hễ thấy mình phản ứng rập theo bổn sắc ấy, ông tỏ ra hết sức rung động và lấy làm vui vô cùng. »
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 87515)
Tôi đi ở cho tộc Trần từ lâu lắm. Từ cuối đời Lý. Lúc Trần Thị chỉ vừa cắt nhau. Đêm tháo thai, sống cảnh sinh nở đầu đời nên tâm hồn tôi ngập kinh hãi. Máu từ cửa mình vợ Trần Lý chảy xối, bắn phun tung tóe như bát canh rau dền rơi vãi trên đất. Thứ canh đỏ thẫm, lợn cợn những nhau, thịt, chất nhờn. Trần Thị giẫy, vùng, đôi tay chới với cào cấu vươn tới trong động tác nắm tìm sự sống. Đã biết đi vào đời là đi vào khổ đau, nhưng tôi cũng không ngờ khổ đau to lớn tàn phá đến rách bươm cửa mình vợ Trần Lý. Mỗi cái quẫy mình là mỗi một vũng máu, trào ra, trào cho đến đầy thau. Máu bê bết chẳng khác một pháp trường.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85296)
Ngày 11/03/2011 , Bẫy rồng bộ phim Việt Nam (action movie) được chờ đợi nhất sau thành công vang dội của Dòng máu anh hùng sẽ chính thức được trình chiếu . Bộ phim được hy vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho dòng phim action Việt Nam và chứng tỏ sự trưởng thành cũng như sức mạnh của một đội ngũ những nhà làm phim mới, trẻ và nhiều sức sáng tạo.
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98959)
Tôi lên Mã Pì Lèng dạy học. Từ dưới chân núi, tôi cứ nhằm theo chòm bản thấp thoáng trong mỏm đá, tán cây mà leo lên. Trời nóng như đốt nương, vượt dốc, cổ họng khô rát, tưởng như mồ hôi đã cạn kiệt không thể chảy ra được nữa, thì bất chợt gặp một dòng nước từ trên núi chảy xuống, tràn qua cả mặt đường đá. Tôi hồ hởi phanh ngực áo, bỏ ca-táp, cởi dép rọ, đứng một lúc cho mát dịu lại, rồi mới thong thả rửa tay, rửa chân, xúc miệng ba lần, uống một ngụm, xong rồi mới lau mình, gội đầu...
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84331)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92907)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85384)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…