- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRỊNH CÔNG SƠN – MỘT NGƯỜI CA THƠ

02 Tháng Bảy 20216:21 CH(Xem: 11340)


Hồ Dankia- QUY SG
Ảnh Qúy SG


TRỊNH CÔNG SƠN –
MỘT NGƯỜI CA THƠ

NP phan

 

Một nhận định có lẽ được nhiều người chấp nhận: Trịnh Công Sơn là một tài năng âm nhạc, là một trong ba cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Đó là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.

 

Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngay từ tuổi thiếu niên – tuổi học sinh trung học, lẫn lộn giữa tiếng đạn bom, chúng tôi đã nghe những bài hát, hoà cùng cuộc chiến có, chống lại cuộc chiến có. Trong những bài hát phản đối chiến cuộc, có những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Trong dòng nhạc phản chiến lúc bấy giờ của các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng… thì nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã thực sự đi vào lòng người.

 

Mặc dù chúng tôi còn nhỏ, chỉ là lứa tuổi học sinh trung học nhưng chúng tôi đã sớm tiếp nhận những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đã nghe, đã nhập tâm và hát theo đến độ thuộc lòng:

 

“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu

Một trăm năm nô lệ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày...”

(Gia tài của mẹ)

 

“Ta đã thấy gì trong đêm nay

Cờ bay trăm ngọn cờ bay...”

(Ta đã thấy gì trong đêm nay)

 

“Chiều đi lên đồi cao

Hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy...”

(Hát trên những xác người)

 

Lớn lên một chút thì chúng tôi có dịp tiếp xúc với những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi bắt đầu làm quen với Ướt mi, Hạ trắng, Diễm xưa, Tình xa...

Chúng tôi đã thuộc lòng những câu hát, mà nhiều lúc chẳng hiểu gì mấy:

 

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...”

(Diễm xưa)

 

Hay:

“Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...”

(Tình xa)

 

Chúng tôi chuyền tay những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, chúng tôi chép những bài hát của Trịnh Công Sơn trong lưu bút, trong những lá thư gửi cho bạn bè. Thực sự chúng tôi xem Trịnh Công Sơn như là một thần tượng, thậm chí chúng tôi bắt chước chữ viết của Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ mà người ta gọi là chữ fantazy tức là kiểu chữ viết bay bướm.

 

Đầu những năm bảy mươi của TK 20. Lúc đó chúng tôi đang học lớp 9, cô giáo dạy Tiếng Anh (Cô đã mất) đã tập cho chúng tôi một bài hát, là bài “Để gió cuốn đi”, một bài hát của Trịnh Công Sơn. Bài hát được bắt đầu bằng:

 

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

Để làm gì, em biết không?

Để gió cuốn đi...”

 

Trong lúc tập hát, cô giáo có hỏi:

“Các em có hiểu bài hát nói gì không?”

Chúng tôi trả lời:

“Dạ, không hiểu gì lắm”.

Cô lại hỏi:

“Nhưng mà có hay không?”

Chúng tôi đồng thanh:

“Rất hay cô ơi!”

 

Vậy đó. Không hiểu gì cả, nhưng mà rất hay!

 

Thực sự ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn không phải ai cũng có thể hiểu được. Tất nhiên chúng tôi, những đứa trẻ lứa tuổi mười lăm, mười sáu hầu như cũng không hiểu gì lắm. Chúng tôi chỉ mang máng cảm nhận cái hay của ca từ và giai điệu mà thôi.

 

Tôi rất cảm ơn hoạ sĩ, nhà văn Tạ Tỵ, tác giả của hai bộ sách biên khảo “Mười khuôn mặt văn nghệ” và “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay”. Ông là một họa sĩ rất nổi tiếng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Đồng thời ông cũng là một nhà văn, một nhà biên khảo rất có uy tín. Trong bộ sách “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” có một bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tôi đã có dịp đọc, tìm hiểu về Trịnh Công Sơn qua bài viết này, đặc biệt là về ca từ trong các bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Tôi đã coi Tạ Tỵ như một người vỡ lòng cho tôi về ý nghĩa của những lời ca trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhờ ông mà tôi tập tễnh những bước chân đầu tiên để tìm hiểu về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.

 

Sau năm 1975, lứa tuổi chúng tôi bước vào trường cao đẳng, đại học. Sau đó ra trường lăn lộn với đời. Áo cơm cuộc sống đã níu kéo chúng tôi, làm cho chúng tôi không còn đặt tâm trí nhiều cho niềm đam mê âm nhạc. Giai đoạn 1975 - 1985 là giai đoạn đất nước gặp muôn vàn khó khăn: thời kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ, rồi chiến tranh phía Bắc, phía Nam. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn nuôi trong tâm hồn tình yêu đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

 

Cuối những năm 70 đầu những năm 80 của TK 20, tôi cùng với bạn bè, những người yêu âm nhạc đã lập thành một nhóm, khoảng năm bảy người. Vào những đêm trăng sáng, hay có khi nhờ vào chiếc đèn dầu, chúng tôi nghe nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên... qua chiếc máy cassette. Giai đoạn đó là giai đoạn âm nhạc của Trịnh Công Sơn là không được phép lưu hành. Bằng chiếc guitar gỗ, bạn bè chúng tôi đã hát cho nhau nghe những bản tình ca, trong đó phần nhiều là những bản tình ca của Trịnh Công Sơn.

 

Thời gian sau đó, đất nước đổi mới, cuộc sống đã khá hơn rất nhiều so với những năm trước, chúng tôi lại đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng tôi có dịp sưu tầm tất cả các bản nhạc của Trịnh Công Sơn và chúng tôi nghe nhạc Trịnh bằng nhiều nhiều bản phối, bằng nhiều phương tiện nghe nhạc hiện đại hơn, nhưng có một điều mà chúng tôi vẫn luyến tiếc đó là tiếng ca mộc mạc và tiếng guitar thùng của bạn bè chúng tôi dạo trước, và đặc biệt là giọng hát của Khánh Ly, Lệ Thu qua những cuốn băng catsette.

 

Có một hôm trên lớp, trong khi giảng bài, tôi có đề cập đến âm nhạc Trịnh Công Sơn, tôi có hỏi các em sinh viên:

 

“Các em có thích nhạc Trịnh Công Sơn không ?”

Nhiều em trả lời:

“Dạ, cũng thích.”

“Vậy các em có hiểu gì về ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn không?”

“Dạ, không hiểu gì lắm.”

 

Chúng ta biết một điều là giới trẻ hiện nay, đa số không thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Phải chăng nhạc Trịnh bi lụy quá, buồn quá hay là ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu quá. Tôi nghĩ âm nhạc buồn thì vẫn có nhiều người muốn nghe, nhưng hát một bài hát mà không hiểu gì về ca từ trong bài hát thì không gì chán bằng.

 

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia âm nhạc thì rất đơn giản. Chính ca từ mới làm nên cái hồn của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Văn Cao, khi đề tựa cho một ấn phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Trịnh Công Sơn là một người ca thơ”. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một sự phối hợp rất tài tình giữa nhạc và thơ. Nhiều khi ta không biết giữa nhạc và thơ trong Trịnh Công Sơn đâu là chính, đâu là phụ. Hầu như tất cả các bản nhạc của Trịnh Công Sơn, nếu bỏ đi phần nhạc thì đó là những bài thơ độc lập. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến có viết rằng nếu chọn ra một bài thơ hay nhất cho nền thơ Việt Nam trong một thế kỷ thì giáo sư sẽ chọn bài “Đêm thấy ta là thác đổ”.

 

Hãy thử đọc:

 

“Một đêm bước chân về gác nhỏ

Chợt nhớ đóa hoa tường vi

Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ

Giờ đây đã quên vườn xưa...”

 

... “Lòng tôi có đôi lần khép cửa

Rồi bên vết thương tôi quì

Vì em đã mang lời khấn nhỏ

Bỏ tôi đứng bên đời kia...”

 

Ca từ của bản nhạc còn thơ hơn cả một bài thơ.

 

Ca từ của nhiều bản nhạc của Trịnh thực sự là một bài thơ, có tứ thơ rất đẹp, rất giàu hình ảnh và lấp lánh vẻ đẹp của ngôn từ mới mẻ. Và, có lẽ, không ai dám nhận mình hiểu hết về ca từ của Trịnh Công Sơn.

 

Nếu ai đó hỏi rằng bạn muốn nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng ca của ca sĩ nào thì ta sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng riêng tôi thì chỉ có một câu trả lời duy nhất. Những bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn hầu như chỉ viết cho ca sĩ Khánh Ly hát. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn và giọng hát của ca sĩ Khánh Ly có thể nói như trời sinh một cặp. Trịnh Công Sơn viết và Khánh Ly hát. Khánh Ly từng thổ lộ “Mình thành danh hôm nay là nhờ có âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nếu không có Trịnh Công Sơn thì sẽ không có Khánh Ly”.

 

Giai đoạn sau này thì cũng đã có nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn. Trong nước có, hải ngoại có. Nhưng đối với tôi và nhiều người trong bạn bè tôi, hầu như chỉ thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát của người tri kỷ của đời ông: ca sĩ Khánh Ly.

 

Người ta tôn vinh ông bằng nhiều danh xưng khác nhau. Còn tôi, tôi vẫn thích gọi ông bằng cái tên mà cố nhạc sĩ Văn Cao đã đặt: Trịnh Công Sơn – Một người ca thơ.

 

NP phan

 

Ý kiến bạn đọc
06 Tháng Bảy 202110:52 CH
Khách
If you want to understand the meaning of TCS's lyrics, I suggest you reading to Bob Dylan's poem. They are all the same in lyrics, but Bod Dylan's poetry is easier to understand.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84402)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 92991)
Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA . Tác phẩm : *Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác) *Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85450)
LTS: Lê Vương Ngọc tên thật là Lê Đình Quỳnh, xuất thân là giáo sư tư thục Trung học các trường Hưng Yên, Hải Phòng thập niên 1950 và Sài gòn 1960. Ông nhìn vấn đề văn hoá như một “hobby” – Làm thơ, dịch sách, nghiên cứu, biên khảo nhiều về Phân tâm và Di truyền học – Theo quan niệm phê bình sáng tạo của Oscar Wilde…
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 88396)
Bạn có thấy đâu đó, người ta bày bán ba hình tượng ngồi riêng rẽ với hai bàn tay bịt kín hai mắt, bịt kín đôi tai, bịt kín miệng? Hay có lúc ba người ngồi chồng lên nhau theo thể hình tháp. Đứng nhìn lâu, có chút sảng khoái ở nghệ thuật mời chào. Nhưng đem về tập tành chủ nghĩa sống theo. Không thấy. Không nghe. Không nói. Bạn mới thấy nỗi niềm của từng nhịp thở ở đôi tay người.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 114830)
Em Người đàn bà sống dậy lúc nửa đêm icon bật sáng Lang thang trong thế giới ngôn từ Đi về bằng đôi chân giả Dối gạt nhau qua lũ hình nhân sặc sỡ Sắc màu
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 73974)
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’. Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95897)
Sự thật là tôi không khóc khi chị cướp mất người đàn ông của tôi. Chị trơ trẽn mơn trớn anh ngay trước mắt tôi, rồi lại giả đò lúng túng vì những hành động ấy. Giá tôi có thể đẩy chị về nơi thật xa. Đẩy chị vào khoảng không vô chừng của bóng tối, trong sa mạc, cát bụi.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 82988)
Thật trơ trẽn, chúng nó hít hà, giá mà bóp vú em - dù chỉ qua lớp áo bà ba và áo nịt - được cái thì dù tử thần bảo phải nhượng cho mươi tuổi thọ, chúng cũng ký cả hai tay. Chàng cười diễu, bọn mày chẳng biết thế nào là tình ái. Chẳng chịu khó tìm phương đến đích. Nếu chinh phục được họ, sá gì hai quả đào mưng sữa kia chứ, bao nhiêu hầm mỏ ruộng nương mà các cô không dâng sạch cho tình lang?
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94643)
...Cô y tá nựng tôi! Tôi chồm lên ngang vai rồi liếm vào mồm, cô ngã ngửa ra, tôi tiếp tục vồ lấy. Tôi hôn cô. Tôi hít cô. Tôi xé quần áo cô. Tôi kiên quyết không rời cô. Tôi không có ý thức, mà cũng chẳng biết đạo đức là gì? Tôi đã tấn công cô y tá, đấy là họ bảo tôi thế, có người bàn thiến hai hạt dái của tôi...
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94155)
Nơi nào mùa xuân bắt đầu? Mùa Xuân bắt đầu từ những mầm cây non còn ngủ sâu dưới lòng đất giữa mùa Đông giá buốt. Chúng là những đứa con của các cây bố cường tráng, khỏe mạnh; và những cây mẹ dẻo dai, sum suê kết quả suốt mùa Hạ thơm lừng; sau những đêm ấm nồng lửa nhiệt đới và mặt trời không bao giờ tắt giữa đôi tay. Các bố mẹ cây gửi tình yêu của họ trong bọc lụa theo gió, để những đứa con mang mùa Xuân đến cho mặt đất và muôn loài.