(Tặng nỗi buồn hồ cũ)
Khách phong lưu vẫn ngồi ở quán cà phê bên hồ vắng. Không thấy mẹ nàng đâu. Có lẽ mẹ nàng đi kiếm củi trên dãy núi bên hồ chưa kịp về. Nàng cũng không còn ngồi xoã tóc. Nàng lúi húi bên tách cà phê đang pha dở cho khách. Mùi cà phê ủ trọn cái lạnh giá đầu mùa đông, quyện chặt lại, nén hương rồi dậy lên trong mê muội. Khách thấy lòng mình rỗng rễnh. Khách không thể ngồi ung dung như mọi buổi chiều. Khách đứng dậy tiến lại chỗ nàng đặt tay mình lên bàn tay trắng nổi những đường gân xanh lơ. Khách không nhận thêm được gì ngoài sự im lặng. Hai đôi mắt đụng nhau một ánh nhìn vô định
- Em nói đi! - Đôi mắt khách hằn cái nhìn vừa cương quyết vừa khẩn cầu
- Anh muốn em nói gì?
- Anh sẽ mua cái hồ này. Em vẫn có thể mở quán cà phê. Nếu em thích
- Và em sẽ là người của anh?
Im lặng…
- Em không thuộc về ai cả.
- Tại sao?
- Đừng hỏi em!
Nàng quay đi.
Nàng lại nhìn ra mặt hồ.
Khách thấy lòng như lửa đốt. Cái hồ nước ma quái ấy có gì dưới lớp sương mờ ảo mỗi chiều, có gì sau rặng cây trinh nữ mà hút cái nhìn của nàng lâu đến thế. Muốn giữ trọn cái nhìn ấy ngay ngắn trong đôi mắt đa tình của mình. Muốn vĩnh viễn nhốt thứ nhan sắc mơ hồ ấy của nàng lọt trong đôi đồng tử.
Khách nhìn khắp người nàng. Một tấm thân mảnh mai yếu đuối đến tội nghiệp, khác hẳn với những cô gái đã đi qua cuộc đời khách. Cảm giác tấm thân ấy bất cứ khi nào cũng có thể tan vào gió, tan vào nước,…Khách muốn được che chở cho nàng. Muốn sở hữu nàng.
"Em không thuộc về ai cả."
Bóng tối đã buông màn. Mặt hồ sáng màu trắng lạnh của sương. Không còn thấy sóng lăn lăn và nước trong vắt nữa. Hồ nước đã thành hồ sương từ lúc nào rồi. Chiếc áo tím nàng mặc bây giờ khách nhìn thành màu đen. Tách cà phê nhỏ tới giọt cuối cùng, bã khô kiệt và chiếc ly thuỷ tinh một phần ba cà phê đen đặc như màu áo nàng nguội ngắt. Nàng quên hay không muốn đưa ra mời khách.
Khách đặt hai bàn tay lên mái tóc nàng, hôn lên vầng trán lạnh của nàng thành kính. Khách kín đáo để lại trên mặt bàn trước mặt nàng số tiền cho tách cà phê lỡ pha mà chưa thưởng thức. Nàng không quan tâm đến số tiền đó. Khách cũng không quan tâm tới số tiền đó. Khách nghĩ tới một ngày không xa được biến cái hồ thành khu du lịch sinh thái. Muốn che chở cho nàng trong vòng tay vạm vỡ, ru nàng bằng ánh mắt và giọng nói đa tình. Bỏ lại sau lưng tất cả.
Khách bước ra chiếc xe hơi đen bóng, mở cửa xe và không quay lại nhìn nàng. Chiếc xe nổ máy êm ru kéo một vệt dài rồi hút đi trong bóng tối.
* * *
Tiếng chuông gió bên cửa sổ leng keng. Người ta bảo tiếng chuông gió gọi hồn ma về. Đứa em gái nhỏ bé của tôi không tin là thế. Nó tiến đến gần chiếc radio mở to một đoạn ca khúc thiếu nhi quen thuộc. Hai bím tóc tết sam lí lắc trông ngồ ngộ. Nó còn quá nhỏ, tiếng chuông gió chẳng thể nào khiến nó bận tâm. Tôi nửa tin nửa ngờ. Tôi nhắm mắt lại nghe tiếng chim hoang ngoài vườn thúc vào không gian thêm nứt rạn. Bóng của mấy cây cổ thụ đổ xuống bức tường bao quanh vườn loang lổ.
Ở một góc phòng, nơi thu mình của gió, tôi nghe tiếng gọi của cô tôi từ nơi nào xa lắm. Tiếng cô méo mó ngập chìm trong mênh mông là nước. Tiếng gọi ăm ắp gió khuya lạnh buồn. Có người bảo ngày ấy cô tôi bị cưỡng bức, những kẻ đã cưỡng bức cô vì muốn trốn tội đã ném xác xuống hồ, nhưng cũng có người bảo vì cô trẻ người non dạ, vì cô có cơ duyên từ kiếp trước bị những con ma nữ dưới hồ bắt mất hồn nên phải theo.
Năm trước, cha mời về nhà ông thầy bói xa lạ. Mẹ thì thầm truyền lại lời ông thầy bói cho bà nội. Ông thầy bói ấy phán rằng cái hồ ma quái sẽ còn bắt mất hồn những người trong dòng họ. Những người con gái trong dòng họ sẽ còn phải chết chìm nghỉm xác dưới hồ.
Bà nội và mẹ tránh nhìn vào mắt nhau.
Hai người lặng lẽ thắp lên bàn thờ mấy nén hương. Khung ảnh gỗ lồng hình cô Ngà sau hơn chục năm đã nổi lên nước sơn màu nâu bóng loáng. Bao nhiêu năm rồi, mắt cô tôi vẫn buồn như sắp khóc. Có cái gì đó ẩn ức lay động lòng người. Có cái gì đó oan khiên trong mắt cô mà không một ai có đủ khả năng giải mã.
Tiếng chuông gió vẫn leng keng mời gọi. Em gái tôi ngủ quên bên bàn học từ lúc nào. Cành cây ngoài vườn đập vào nhau khô rát. Không gian đóng băng lại trong cái hanh hao chớm đến đầu mùa. Căn phòng rộng rãi im ắng đến ngộp thở. Sự bức bối đến mức nổi gai lạnh bọc lấy hàng ngàn chân tóc. Các mạch máu giật đều khắp mặt mũi, khắp cơ thể tôi. Khuôn mặt mờ nhạt của ông nội trên bức ảnh thờ nhòe nhoẹt đập vào mắt tôi buốt nhức. Tiếng rì rầm ma mị của người đàn bà bên hồ từ đâu phả lại. Cay nghiệt và xót xa. Tôi không tin ngày xưa ông cưỡng bức người tình cho đến chết. Ngày tôi được sinh ra, ông đã qua đời từ khá lâu. Mọi người trong gia đình ít khi kể chuyện về ông, ngoại trừ thím tôi luôn than thở tính ông gia trưởng. Lớn lên một chút, sau buổi tan học duyên cớ vô hình đẩy tôi tách mình ra khỏi đám bạn để ngồi hàng giờ bên hồ nước nghe người đàn bà xa lạ và già nua rì rầm kể chuyện.
Người tình của ông là em gái bà.
Đôi mắt đục ngầu của bà thoáng vằn lên cái nhìn thù hận. Ánh mắt người đàn bà nhìn tôi không chớp. Ánh mắt cứ xoáy sâu hòng đào bới chút gì trong đôi đồng tử nông cạn của tôi.
Mặt hồ cuối thu phập phồng thở dốc.
***
Khách thích ngắm nàng xoã tóc quay mặt ra hồ vào mỗi buổi chiều ướt sương. Mặt hồ mờ ảo. Dãy núi quanh hồ chuyển dần sang màu tím nhạt. Khách khoan thai phả khói thuốc thành những vòng chữ o điệu nghệ. Trên khuôn mặt đã gần năm mươi tuổi của khách vẫn còn giữ được nét phong tình. Khách lim dim cặp mắt buồn nhìn ra hồ. Hồ có hình con chim nhạn đang sải cánh bay, xung quanh hồ là trập trùng núi non. Cái quán nhỏ của nàng chiều cuối thu vắng tanh vắng ngắt. Chiều nào khách cũng ghé quán chọn ngồi một góc khuất để nhìn ra hồ. Nàng ngồi đó, âm thầm xoã tóc. Mái tóc nàng không dài lắm, chỉ tới ngang thắt lưng nhưng bồng bềnh. Gió thổi làm những sợi tóc rối nhẹ vướng vào nhau. Đôi lúc khách ngỡ đó là đám mây. Nếu đã là mây khách sẽ chẳng bao giờ nắm bắt nổi. Mây là hơi nước mà. Có ai nắm được hơi nước bao giờ.
Nàng vẫn ngồi hong tóc trong sương gió của chiều cuối thu nhàn nhạt. Những người đàn bà thường hong tóc cho khô nhưng nàng hong tóc mình tới khi ướt đẫm. Khách tấp chiếc xe hơi bóng loáng vào quán nàng mỗi chiều. Khách nhâm nhi từng ngụm cà phê đắng ngắt, thả vòng khói thuốc rồi ngắm tóc nàng, mái tóc mây ẩn dấu nhiều mê hoặc. Nàng pha cà phê thường cho ít đường. Mọi người không thích nhưng nàng bướng bỉnh, âm thầm cố níu giữ một thói quen. Khách khẽ nhắm mắt nhấp ngụm cà phê đắng mặc đầu lưỡi mình tê thắt lại. Chỉ nàng biết, ly cà phê đắng mỗi buổi chiều muộn giữ chân được một người khách phong lưu.
Mẹ nàng, người đàn bà già nua ngồi kể chuyện bên hồ cho lũ trẻ con nghe mỗi chiều chúng đi học về ngồi chơi trên đám cỏ. Bọn trẻ thích nghe những câu chuyện về cái hồ kì lạ ấy. Bà kể, năm xưa có một người đàn ông vì ghen tuông đã cưỡng bức người tình rồi giết chết ném xác xuống hồ. Người đàn ông ấy dùng thế lực và tiền bạc bao che cho tội ác của mình. Người con gái chết oan dưới hồ, linh hồn không siêu thoát nổi, hàng năm lại bắt những người khác xuống cùng. Oan hồn những người con gái chết ở hồ mỗi năm đêm đêm về ngồi vắt vẻo trên cành cây trinh nữ gai góc trút bỏ hết xiêm y soi mình dưới hồ nước và rì rầm kể chuyện cho nhau nghe. Họ thi hát cùng với gió. Họ cười cùng những con sóng bé mọn lăn tăn dập dìu đuổi nhau vào bờ. Bọn trẻ con đứa nào nghe cũng sợ hãi sởn da gà nhưng chúng vẫn há hốc miệng, tròn xoe mắt nghe một cách chăm chú.
- Thế…thế họ không sợ bị gai đâm hả bà?
Một đứa trẻ nổi tiếng lì lợm nhất bạo dạn hỏi.
- Không! Làm sao mà đâm được. Cây trinh nữ là một phần hồn của họ, gắn bó với họ.
Bà hướng cái nhìn xa xăm lạnh ngắt trong chiều. Những đứa trẻ rụt cổ lại, chúng so vai lắc đầu khiếp đảm. Hèn gì quanh hồ không một loại cây nào mọc nhiều như cây trinh nữ. Chúng mọc thành vòng tròn ken dày quanh hồ. Có một cái bến nhỏ dẫn lên quán của mẹ con nàng là chỗ duy nhất loài cây ấy không mọc. Hồ hình con chim nhạn xoãi cánh. Quán nhỏ nằm trên phần mỏ chim nhạn. Nếu đứng ở bất kỳ chỗ nào trên dãy núi trùng điệp bao quanh hồ đều thấy chim nhạn như đang ngậm trong mỏ cái quán cà phê chiều của mẹ con nàng.
Mẹ con nàng từ đâu chuyển tới không biết nữa. Chỉ biết sau một trận bão lớn căn nhà lá được dựng lên đồng thời với cái quán cà phê nhỏ.
Buồn lay lắt.
Quán bán cho những người đi đường, mấy gã thanh niên lêu lổng, vằn vện và thỉnh thoảng còn có thêm một vài người phụ nữ đi buôn đẫy đà, ngoa ngoắt. Người dân trong vùng ít khi ghé đến và cũng không có một hộ dân nào ở quanh hồ. Người ta đồn cái quán ấy có ma, nàng là con ma nữ bắt hồn người. Mấy mụ đi buôn đẫy đà thì chẳng quan tâm, họ quét cái nhìn khắp thân thể nàng rồi nhìn nhau cười khanh khách. Họ bảo khách phải lòng nàng chiều nào không ghé qua uống cà phê thì không chịu nổi.
Mẹ con nàng vẫn âm thầm như chiếc bóng. Chiều lòng khách, nàng xoã tóc nhìn ra hồ vào mỗi chiều chạng vạng. Mẹ nàng vẫn kể chuyện cho lũ trẻ con nghe. Xong mỗi câu chuyện kì dị, bà lại xoa đầu lũ trẻ. Bọn trẻ tò mò thích nghe bà kể chuyện nhưng chúng sợ bàn tay gân guốc sần sùi như thân cây ngày đông, sợ cả đôi mắt sâu hoắm, đục lờ lờ của bà. Chưa bao giờ chúng dám nhìn thẳng vào mắt bà. Chúng gọi bà là bà phù thuỷ kể chuyện bên hồ. Chúng tung tẩy cặp sách trên vai chạy qua con đường nhỏ dẫn vào làng nằm khuất bên kia ngọn đồi. Mẹ nàng chưa bao giờ kể những câu chuyện li kì ấy cho khách nghe cũng chưa khi nào chuyện trò cùng khách.
***
- Con lại ra hồ về phải không?
Mẹ hỏi tôi rồi im lặng quay mặt ra cửa sổ. Vườn đêm xao xác gió, tiếng chim hoang rít lên từng hồi nhức buốt. Mẹ không đợi câu trả lời của tôi. Mẹ biết trước rồi. Mẹ đợi một điều gì đó mà chưa bao giờ tôi chạm lòng đến được. Mẹ không cấm tôi ra hồ nhưng mẹ buồn sau mỗi lần tôi ra hồ về. Làm sao mẹ biết được con gái thường ra ngắm hồ vào mỗi buổi chiều sương. Có lẽ sương trên hồ hay gió trên hồ còn vương lại trên tóc tôi, trên mắt, trên da tôi bạc phếch nỗi niềm…Không như vậy thì làm sao mẹ biết.
Mẹ buồn. Mẹ hay nhìn ra cửa sổ, tôi thường so sánh mẹ với cô ấy. Tóc mẹ cũng sẽ bồng bềnh lắm nếu mẹ không búi gọn gàng thành cuộn tròn sau gáy. Gương mặt mẹ nhìn nghiêng bên cửa sổ cũng giống gương mặt cô ấy nhìn ra hồ…
- Thôi. Con vào nhà ăn cơm đi, tối còn học bài
Mẹ nói với tôi như trút xong một tiếng thở dài nén sâu trong lồng ngực. Tôi bước đi trong căn nhà rộng rãi tối tăm vì chưa kịp bật đèn điện. Nghe rõ tiếng bước chân mình. Qua bàn thờ, chợt ngửi thấy mùi hương ngút ngát chông chênh. Hôm nay ngày rằm. Hôm nay mẹ trở dậy đi chợ thật sớm. Hai bình hoa huệ trắng muốt thơm tho được mẹ cắt tỉa đặt ngay ngắn hai bên. Ở chính giữa bàn thờ là hai khung ảnh, một lớn một nhỏ, của ông nội và của cô Ngà. Bà nội sinh bảy người con chỉ được mỗi cô Ngà là con gái. Ảnh ông nội đội khăn xếp, áo the đen đã mờ tôi không hình dung nổi nhưng ngay bên cạnh ánh mắt ngây thơ mở to của cô Ngà đã níu tôi lại. Chưa khi nào bước qua bàn thờ cô mà tôi không dừng lại rồi ngước lên nhìn. Trên vầng trán cao của cô xoã xuống những lọn tóc xoăn di truyền từ ông nội.
Cô Ngà là con út nên được cả nhà cưng chiều. Trên bàn thờ, ánh mắt cô nhìn đăm đăm. Mắt cô buồn lắm. Buồn như sắp khóc. Buồn hơn những gợn sóng hồ rơm rớm xanh xao. Ngày cô còn sống, lúc nào tôi cũng thấy cô cười nói. Tính cô như trẻ con, cô đi học cấp ba rồi nhưng ngồi trong lớp học cô thích ngậm kẹo bạc hà thật lâu trong miệng và đêm đêm gác chân lên người bà tôi mà ngủ. Lần đầu tiên trong tấm ảnh thờ thấy mắt cô buồn đến thế. Đôi lông mày đen và đẹp như hai nét vẽ không sao che nổi đôi mắt buồn. Tôi đứng chôn chân để mặc bóng tối ngập dần trong mắt. Mấy nén hương mẹ thắp ban chiều còn cháy dở để lại đốm sáng đỏ lự trên bàn thờ. Những bát hương cũng có nhiều vòng tròn để lại sau mỗi lần cháy hết. Những vòng tròn ấy cũng đều đặn như vòng tròn khói thuốc khách lại phả mỗi chiều.
Một sáng mùa đông rét căm căm, tôi còn nhỏ chừng năm sáu tuổi bấu chặt tay mẹ trong lễ cầu hồn cho cô tôi. Cô chết dưới hồ đã ba ngày, bà nội và cha thuê bao nhiêu người lùng vớt xác cô mà không thấy. Buổi sáng mùa đông hôm ấy nhiều người ra hồ lắm. Mẹ tôi đang mang đứa em nhỏ của tôi trong bụng. Mẹ nặng nhọc kéo tôi quỳ theo họ hàng bên nội. Trên cùng là ông thầy cúng. Tôi phải nhướng mắt lên mãi cũng chỉ thấy được mái tóc muối tiêu và tấm lưng hơi còm, gầy nhom của ông trong cái áo the đen thôi. Quỳ ngay bên dưới là bà nội tôi và cha tôi. Cha là con trưởng. Mẹ con tôi, các chú, các thím, các em họ và bạn bè học chung lớp cô Ngà quỳ phía dưới. Sau một hồi lầm rầm khấn vái, ông thầy cúng dùng cái gậy được quấn vải trắng kỹ lưỡng luồn qua dải lụa vung tay như múa vắt lên ngọn cây trinh nữ bên hồ. Dải lụa trắng mềm mại chảy dài một đầu nhẹ nhàng chạm xuống mặt nước trong veo thấm ướt. Ông thầy cúng lại tiếp tục bài khấn vái làm tôi khó chịu vì có cố dỏng tai lên nghe cũng không nghe được gì. Mọi người sụp xuống lạy. Một trận gió mạnh thốc lên từ mặt hồ. Ông thầy cúng còm nhom thôi lầm rầm. Bỗng thấy tất cả im bặt. Tiếng bà nội tôi nức nở :
- C..o..n ơ…i! Oan cho con lắm con ơ…i!
Sau tiếng gào khóc của bà nội là tiếng thút thít, sụt sịt của tất cả mọi người trong dòng họ. Mẹ tôi cũng khóc. Mặt mẹ cắt không ra giọt máu, tay mẹ nổi những đường gân xanh xao ôm chặt lấy bụng. Tôi biết chắc mẹ đau lắm. Họ hàng bên nội không ai hay biết cả. Mọi người chắp hai tay thành tâm, mắt ngước nhìn lên dải lụa. Trên dải lụa trắng thấy mấy giọt máu đỏ thẫm vấy trên đó…Cô tôi chết lúc mười tám tuổi. Tôi vẫn nhớ rõ lắm gương mặt tròn trĩnh xinh xắn của cô và cả mùi cay cay lạnh lạnh của kẹo bạc hà trong miệng cô phả lại mỗi lúc cô thơm lên má tôi. Vì sao trên dải lụa trắng buổi lễ gọi hồn lại vấy từ đâu ra mấy giọt máu đỏ thẫm. Không ai biết. Tôi nghĩ chắc chỉ có ông thầy cúng biết thôi. Tôi nhìn tấm lưng còm của ông giấu thầm cái nhìn thán phục. Chỉ có ông mới cho mọi người nhìn thấy mấy vết máu trên lụa thôi. Gió vẫn thổi rung rinh những cành hoa trinh nữ. Cái rét cắt da cắt thịt như làm những tiếng khóc than luồn vào trong nhau lâm li khản đặc. Cô chết không có mộ. Tấm lụa thiêng được cha cuộn lại thật cẩn thận cho vào cái bình gốm đặt trên bàn thờ. Hàng năm, ngày giỗ cô tôi, mọi người ra hồ làm lễ. Có nhiều gia đình khác cũng làm lễ bên hồ.
- Nhiều người chết lắm rồi!
- Không giải được lời nguyền yểm dưới đáy hồ thì còn nhiều cô gái chết nữa đó!
Những tiếng xì xào đẩy đưa trong gió. Tôi đã mười tám tuổi, bằng tuổi cô tôi ngày ấy. Mùi kẹo bạc hà thuở ấu thơ cay cay xông lên làm mắt tôi ngấn nước.
***
Bà nội tôi vẫn bảo: cô Ngà chết trẻ nên thiêng lắm. Ngày nhỏ, chưa hiểu thiêng là thế nào nhưng tôi biết từ ngày cô chết, bà tôi, cha tôi và mọi người đều trở nên lặng lẽ hơn. Cha thức thâu đêm và hút thuốc nhiều. Mẹ sinh em bé. Mẹ thắp hương cho cô đều đặn. Tôi bớt tiền mẹ cho ăn quà sáng mua những viên kẹo bạc hà chiều chiều đi học qua thả xuống hồ. Mẹ bảo cô Ngà không chịu về nhà, nhà mới của cô ở dưới đáy hồ.
Mười tám tuổi, tôi vẫn tin cô Ngà còn ở dưới hồ, dưới làn nước biêng biếc và sương mù bao phủ mỗi chiều. Gió thổi bạt mái tóc tôi khi nào cũng buông xõa.
Chiều nào cũng có một bàn tay gân guốc cài những lời nguyền đặt lên vai tôi.
Nhìn như thôi miên xuống mặt hồ. Những con sóng lầm lũi bơi lại gần tôi lổ loang mặt nước. Chiều nay lặng gió, dải lụa thiêng hiện lên trong ý nghĩ tôi. Từ ngày cha tôi cất dải lụa chưa một lần thấy ông lấy ra. Hồn cô tôi có theo những giọt máu đỏ đậu về bàn thờ hay quanh quẩn ở nhà tôi không? Chẳng ai biết cả. Từ ngày cô qua đời, căn nhà cứ mỗi ngày càng trở nên âm âm bí hiểm. Hơi nước dưới mặt hồ hắt lên làm mắt tôi ứa nước. Tôi không khóc. Tôi ít khi khóc trong những buổi chiều đối diện với mênh mông sóng nước. Nhìn làn nước trong xanh tôi đoán hồ sâu lắm hun hút cái nhìn của tôi. Những bông hoa trinh nữ tròn vo từ màu hồng đã chuyển sang màu trắng. Héo quắt đến thảm hại.
Mùa đông năm nay về sớm.
"Kẻ có tội ắt phải đền tội". Bà lão kể chuyện bên hồ thôi nhìn vào mắt tôi. Những ngón tay gân guốc của bà bứt những sợi cỏ khô ven hồ một cách khó nhọc tưởng chừng bất cứ khi nào những sợi cỏ mảnh mai ấy cũng sẵn sàng làm tay bà tứa máu. Bà bảo số phận đã định đoạt rồi không cưỡng lại nổi. Tôi không đáp lại. Gió cứ thổi ngút ngát, ở ngoài hồ sao nhiều gió thế. Những hồn ma con gái chết dưới hồ đang gọi tôi. Cô Ngà đang gọi tôi, tiếng của người chết tan thành gió, cô muốn đưa tôi theo cùng. Tôi vùng dậy cắm đầu chạy. Thấy hơi kẹo bạc hà cay cay thảng thốt luồn sau gáy.
* * *
Bàn thờ lạnh ngắt. Mùi hương rủ nhau trốn biệt. Mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ ôm lấy tôi tức tưởi khóc. Cha đã bỏ ba mẹ con tôi đi theo người con gái ấy. Trên mặt bàn đá trơ khấc, tờ đơn ly hôn cha viết nằm yên vô định. Những nét chữ cha khoáng đạt mà vô tình.
Cha muốn nắm giữ những điều mình cho là có thể.
"Em chẳng thuộc về ai!"
Số phận mà. Tôi tin vào số phận. Vài tuần nữa thôi căn nhà rộng rãi này sẽ được quy ra tài sản và chia đôi, cả mảnh vườn hun hút gió cũng chia đôi, cả tôi và đứa em gái bé nhỏ…Tôi khóc nấc lên. Cha và mẹ chưa bao giờ cãi nhau cả nhưng cha phải lòng người ấy. Lý do của cha khiến mẹ lặng câm.
Ừ! Số phận mà! Bồ tát chứng giám, con bướng bỉnh mà vẫn không thoát nổi tấm lưới cả tin dăng mắc duy tâm phiền muộn. Tôi rướn đôi chân, cố chạm ngón tay vào khung ảnh của cô. Ánh nhìn cô trong hơn nước. Vì trong quá nên đựng được nhiều điều. Mẹ nhỉ?.
Em tôi ngủ rồi. Tiếng khóc của mẹ và nỗi niềm tôi không chạm vào giấc ngủ em được. Có lẽ, giống ánh mắt cô Ngà, giấc mơ em trong hơn giọt nước. Tiếng chuông gió vẫn leng keng sắc lẹm cứa vào không gian yên tĩnh. Chuông gió đung đưa đẩy gió tràn qua ô cửa.
Ánh mắt mẹ đã bạc màu.
Chiếc kéo trên tay cha tôi cắt ngọt một đường ngang dải băng khánh thành khu du lịch sinh thái. Những tiếng reo hò tán thưởng, những tiếng vỗ tay dậy lên. Cha đặt bút kí lên bản hợp đồng. Nét chữ cha vẫn khoáng đạt đến vô tình. Mẹ tôi về bên ngoại rồi. Tôi đứng bên dưới nhìn cha như một người xa lạ.
Buồn lắm! thương lắm…
Mặt hồ không còn dậy sóng, những cành hoa trinh nữ chơ vơ. Cha ghét loài cây này, cha sẽ cho người ta chặt hết và chở đá kè xung quanh hồ nước.
Buồn lắm! Thương lắm!
Những hồn ma không còn biết trú vào đâu.
***
Em gái tôi chết dưới hồ cách ngày giỗ cô Ngà một tuần lễ. Em tôi chết không rõ nguyên nhân. Lúc xác em tôi được người ta vớt lên thấy trên lưng nó còn đeo chiếc cặp sách nhỏ nhắn hình con thỏ. Da mặt, tay chân nó bạc phếch. Trên môi nó còn giữ nguyên vẹn nụ cười. Bà nội tôi ngửa mặt lên trời gào khóc. Mẹ áp khuôn mặt đẫm nước xuống đôi má bầu bĩnh của nó. Mẹ khóc không thành tiếng. Nước mắt mẹ đã cạn rồi. Mấy người trong dòng họ tất tưởi đi tìm cha suốt cả buổi chiều không thấy. Quán cà phê người con gái ấy đóng cửa. Bà già kể chuyện bên hồ cũng không thấy đâu nữa. Chiếc quán còn trơ lại mái lá sột soạt mỗi khi gió thổi. Ngày mai tòa án nhân dân hẹn cha mẹ tới giải quyết. Tôi mơ hồ nhìn mặt nước se se. Tôi không thể gọi tên em gái mình được nữa. "Kẻ có tội ắt phải đền tội". Sao mà cay nghiệt đến khó tin.
Những xe đá lùi lũi nối đuôi nhau trên con đường dẫn vào hồ. Đám công nhân nhìn thoáng qua ai cũng giống ai. Họ mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh thẫm trùm kín mặt và đeo cả kính. Người ta dỡ những chiếc lá cọ lợp cái quán cà phê chiều ném thành đống. Xám xịt và mục nát.
Tôi mắc chiếc chuông gió lên cành trinh nữ già cỗi còn sót lại bên cạnh những gốc cây bị chặt ngổn ngang chĩa lên trời nhọn hoắt, xiết chặt đôi tay hơn, tôi ôm khung ảnh cô Ngà và em gái mình đứng trước cái hồ ma quái ấy.
Số phận mà!
Tôi đinh ninh hồn hai người kịp theo tôi về nhà trước lúc trời tối, trước khi những xe đá được trút xuống mặt nước sâu thẳm đến lạnh lùng.
"Em chẳng thuộc về ai!"Câu nói sắc lẹm như gai cứa vào chiều u uẩn.
Mẹ tôi lại lặng câm. Cha không về nữa. Cảm giác căn nhà tôi sắp tan thành nước. Gương mặt ông nội tôi vẫn nhạt nhòa nhưng ánh mắt cô Ngà như đã vơi đi nhiều ẩn ức. Nhẹ và trong. Chiều nay, trời nổi gió. Cơn gió lu loa đập vào khung cửa sổ. Tôi nhoái cánh tay qua những song cửa phía dưới chiếc chuông gió. Em tôi đang về. Gần tôi lắm nhưng tiếng chuông leng keng chẳng thể nào chạm nổi giấc mơ em, giấc mơ hiền như cỏ. Trước mặt tôi là em gái tôi đó, mắt em vẫn khép bình yên…
Mẹ ôm chiếc bình đựng dải lụa và khung ảnh em gái tôi lên chùa. Bước chân mẹ nhẹ như không. Suốt đêm qua mẹ đã quỳ dưới chân bà nội. Mẹ bảo: "Số phận mà. Mẹ tha lỗi cho con". Bà nội đan hai tay gân guốc vào nhau xiết chặt, những nếp nhăn bên khóe mắt, khóe miệng bà xô ríu vào nhau. Bà không nói được gì. Bà đứng lên nặng nề trút câu nói nặng như chì: "Tùy chị!". Tôi đứng sau lưng mẹ. Trong mắt tôi mọi thứ đã vỡ tan thành nước.
Em chẳng thuộc về ai! Vì sao? Vì sao tôi không thể giải được lời nguyền đó? Em là ai? Em thuộc về ai?Tôi muốn chinh phục em, chinh phục hồ nước này!
Người ta tìm thấy cha tôi lúc cha được đưa vào bệnh viện. Tay chân cha, thân thể cha run lên vung tứ phía trong mê loạn:
- Tôi phải chinh phục được hồ nước ấy. K…h…ô…n…g!
Ánh mắt bà nội trũng xuống khô khan. Số phận mà! Mùi cồn và thuốc kháng sinh xộc lên ngằn ngặt. Tôi lảng tránh ánh nhìn mê loạn của cha, gió rùng rùng thổi qua khung cửa sổ, trời sắp mưa to rồi.
Mặt hồ mênh mông nước. Chẳng biết sau này khi khu du lịch sinh thái được hoàn thành, hồ nước có thành hồ sương? Dù thế nào, nàng vẫn khăng khăng một lẽ: "Em chẳng thuộc về ai!"
Lữ Thị Mai
(Hà Nội)