- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CẦN MỘT TẦM NHÌN MỚI: TẦM NHÌN THẾ GIỚI, NHÂN LOẠI VÀ THỜI ĐẠI

16 Tháng Hai 20203:57 CH(Xem: 22513)


tim duong len troi-le minh phong
Tìm đường lên trời- tranh Lê Minh Phong

 

Thẹn những bác i ô chi lải nhải

Mải sân Trình, cửa Khổng, mải Ba lê!

Mộc hầu quan tứ xứ lạc đường quê

Quê nước ở trong hồn người tự chủ.

(Trích bài Quốc Sỉ)

Thái Dịch Lý Đông A[1]

 

 

Kể từ thời Nguyễn Gia Long, Việt Nam có thể xem như một quốc gia mới theo hai nghĩa. Một, là rời xa trung tâm thiên hạ trước kia là Trung Hoa; hai, là tiếp thu làn gió văn minh mới từ phương Tây thổi đến.

Việt tộc, nếu tính từ khi lập quốc tại Phong Châu, trong vài ngàn năm tiến về phương Nam, hiện tiếp tục ra đi tới khắp các nẻo đường thế giới, đã tiếp cận hầu hết các nền văn minh nhân loại. Từ hậu Lê, suốt 500 năm biến động đầy sóng gió, với tình hình hiện nay, có thể xem như chúng ta đang ngày càng rời xa khỏi đạo thống Tiên Rồng trải từ thời Hùng Vương đến hai triều đại Lý-Trần, giờ lại còn bị đe dọa tiêu diệt bởi chủ thuyết Mác-Lê. Việt Nam tuy được xem như đã hội tụ hầu hết các tôn giáo và các nền văn minh lớn trên thế giới (Phật, Lão, Khổng, Cơ đốc; Hoa, Ấn, Tây), chúng ta vẫn chưa định hình được một nền văn hoá đặc thù làm nền tảng nhằm thoát Trung, bỏ Cộng để xây dựng đất nước.

Làn gió Âu thổi qua Việt Nam đưa đến cả cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội phát triển với kỹ thuật và học thuật Tây phương, nhưng cũng đầy thách thức, dễ bị tụt hậu đưa đến kiếp sống nô lệ nếu không tạo được nền tảng văn hoá vững chãi mang tính thế giới và thời đại, vừa Việt trong giòng chảy quốc tế, vừa dân tộc trong đời sống nhân loại làm cơ sở cho một tầm nhìn mới: Đa nguyên trong nhất nguyên; nhiều dân tộc nhưng duy nhất một loài người.

Ba trăm năm qua, Việt Nam hết thoát Hán lại sa vào nạn thực dân. Thoát thực dân lại rơi vào vòng nội chiến, điều khiển bởi Nga-Mỹ, rồi lệ thuộc Hán cộng. Hán cộng là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sự tồn vong dân tộc trong suốt năm ngàn năm lịch sử.

Nếu thoát Trung được trong nay mai, Việt Nam sẽ đi về đâu hay lại lệ thuộc nối tiếp lệ thuộc, như cũ?

Việt Nam sẽ là gì trong thời đại toàn cầu hoá? Một tỉnh của Hán cộng hay thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ?

Thanh niên và trí thức cả trong lẫn ngoài nước, cần có nhiều cuộc thảo luận, kiểm thảo lại toàn bộ một cách nghiêm chỉnh vừa những gì đã đạt được, vừa  những nguyên nhân thất bại của Việt Nam suốt 500 năm qua nhằm tìm ra một tầm nhìn đột phá, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, cùng nhân loại bước lên một mức tiến hoá mới. Nếu không, chúng ta hiện đang bị tụt hậu hàng trăm năm so với ngay cả những quốc gia trong vùng, sẽ càng lùi lại phía sau nhiều năm hơn nữa.

Rất nhiều người trong giới trí thức đã thất vọng với những hứa hẹn hão huyền của chủ nghĩa cộng sản, đang mơ về một nền kinh tế - chính trị kiểu Tây phương, đặc biệt là Mỹ, như giải pháp cứu tinh cho dân tộc.

Có thể nói văn minh ngày nay là văn minh cơ khí lẫn kim tiền đặt căn bản trên triết Hy Lạp, luật La Mã, tiếng La tinh, và Cơ đốc giáo, phát xuất và thống lĩnh bởi Tây phương qua nhiều đợt cách mạng kỹ thuật suốt bốn trăm năm qua. Riêng nền chính trị dân chủ Tây phương, lúc đầu qua đại diện của giai cấp quý tộc, thương nhân, tu sĩ, trong quá trình hiện đại hoá đã trở thành nền dân chủ hiện đại (representative democracy)[2], dựa trên tranh chấp quyền lợi đảng phái chứ chưa mang tính chính trị toàn dân, của dân, do dân và vì dân thực sự.

Nền kinh tế - chính trị này hiện đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng nội bộ, đòi hỏi một sự cải tổ rộng lớn nhằm đáp ứng các vấn nạn mang tính cốt lõi của những giá trị cổ điển, đã được một số học giả phương Tây nêu ra nhưng chưa có giải pháp nhằm giảm chênh lệch giầu-nghèo ngày càng tăng, và để toàn dân tham gia trực tiếp vào việc quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của họ, chứ không chỉ gián tiếp qua các tranh chấp đảng phái.

Samuel Hungtington trong cuốn sách nổi tiếng, Sự Va Chạm Giữa Các Nền Văn Minh (The Clash of Civilizations), nhận xét: “… hình ảnh của một nền văn minh [phương Tây] đang suy thoái, miếng bánh kinh tế, chính trị và quân sự của nó trên thế giới đang giảm xuống so với các nền văn minh khác. Chiến thắng của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh không mang lại vinh quang mà là một sự mệt mỏi. Phương Tây ngày càng phải quan tâm đến các vấn đề và nhu cầu nội bộ khi phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm, dân số dậm chân tại chỗ, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách chính phủ khổng lồ, suy giảm đạo đức nghề nghiệp, tỉ lệ tiết kiệm thấp. Phân rẽ xã hội, ma tuý và tội phạm xuất hiện ở nhiều nước, kể cả Hoa Kỳ.”[3] Ông lập luận, “Sự bành trướng của phương Tây [ra khắp thế giới] có phần thuận lợi nhờ tính tổ chức, kỷ luật và việc huấn luyện quân đội của họ, cộng với ưu việt về vũ khí, vận tải, hậu cần - kết quả của Cách mạng Công nghiệp. Phương Tây chinh phục địa cầu không phải vì tính siêu việt của ý tưởng hay giá trị hoặc tôn giáo, mà nhờ vũ lực được tổ chức tốt. Người phương Tây thường quên điều này.”[4] Nhận định đó cho thấy, nhờ kỹ thuật siêu đẳng, sức mạnh quân đội và vũ khí ưu việt mà họ chinh phục cả thế giới - trước kia bằng quân sự, ngày nay bằng kinh tế.

Năm 1992, trong cuốn The End of History and the Last Man, Francis Fukuyama cho rằng lịch sử đã kết thúc với chiến thắng của nền văn hoá phổ quát Tây phương. Phải chăng, thế giới sẽ tiếp thu hình mẫu kinh tế, giáo dục phương Tây mà văn hoá phương Tây sẽ thành phổ cập? Huntington cho rằng các quốc gia thuộc các nền văn minh khác muốn hiện đại hoá, nhưng không muốn Tây phương hoá. Chẳng hạn, “Hồi giáo và hiện đại hoá không xung đột nhau. Những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo có thể theo đuổi khoa học, làm việc ở nhà máy hay sử dụng những công cụ hiện đại. Hiện đại hoá không đòi hỏi một hệ tư tưởng chính trị hay hệ thống thể chế nào: bầu cử, ranh giới quốc gia, các hiệp hội dân sự, những dấu ấn của đời sống phương Tây không nhất thiết bắt buộc phải có để kinh tế phát triển.”[5] Hay “Khả năng các xã hội khác chấp nhận sự chỉ đạo hay tuân theo những lời giáo huấn của phương Tây đang ngày càng mất đi nhanh chóng, cũng như sự tự tin và mong muốn thống lĩnh của phương Tây.”[6]

Huntington cho rằng Fukuyama đã kết luận quá sớm. Ông nhận thấy sau khi Liên Xô sụp đổ, dân chủ tự do chiến thắng, nếu kết luận các nước thuộc văn minh Hồi, Ấn, Hoa sẽ ôm chầm lấy chủ nghĩa tự do của phương Tây, là một quan niệm sai lầm. Ngược lại, các nền văn minh được phân biệt bằng lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, và quan trọng nhất là tôn giáo, đang có những va chạm với nhau. Ông cho rằng nguồn gốc của những mâu thuẫn trong thế giới mới (sau Chiến tranh Lạnh) sẽ không chủ yếu xoay quanh vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế, mà sự chia cách lớn của xã hội loài người và nguồn gốc cơ bản của mâu thuẫn sẽ nằm ở yếu tố văn hóa… Khác biệt văn minh sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tương lai và thế giới sẽ được sắp xếp thông qua tương tác giữa tám nền văn minh lớn: Phương Tây, Khổng Tử, Nhật Bản [ông cho Nhật là văn minh thuộc về một quốc gia], Hồi Giáo, Hindu, Chính thống, Mỹ La tinh, và có thể cả văn minh châu Phi[7]. Khó có thể có một nền văn minh thuần nhất, phổ quát như phương Tây mong muốn.

Huntington nhận định rằng mâu thuẫn quan trọng nhất trong tương lai sẽ diễn ra ở ranh giới phân chia các nền văn minh vì những nguyên nhân sau:

“Thứ nhất, khác biệt trong các nền văn minh không chỉ tồn tại thực, mà còn rất cơ bản… Con người thuộc các nền văn minh có cách nhìn khác nhau về Thượng đế và con người, cá nhân và nhóm, công dân và nhà nước, cha mẹ và con cái, chồng và vợ, những nhìn nhận về tầm quan trọng của quyền lợi và trách nhiệm, tự do và luật pháp, bình đẳng và cấp bậc. Những khác biệt là sản phẩm của nhiều thế kỷ lịch sử, sẽ không sớm biến mất. Những khác biệt này cơ bản hơn nhiều so với những khác biệt về hệ tư tưởng và bộ máy chính trị. Những khác biệt không nhất thiết có nghĩa mâu thuẫn, và [dù] mâu thuẫn không nhất thiết mang nghĩa bạo lực. Mặc dầu vậy, qua nhiều thế kỷ, những khác biệt văn minh đã tạo ra những mâu thuẫn bạo lực kéo dài chưa từng có.

 

“Thứ hai, thế giới đang trở nên chật chội hơn. Những tương tác giữa con người thuộc các nền văn minh khác nhau ngày càng tăng, nhấn mạnh đến ý thức văn minh, sự khác biệt giữa các nền văn minh và tương đồng của các nền văn minh. Người Bắc Phi di cư đến Pháp tạo ra sự thù địch của người Pháp và cùng lúc tạo ra sự chấp nhận của những người theo đạo Thiên Chúa châu Âu ‘tốt bụng’. Người Mỹ phản ứng tiêu cực hơn nhiều với đầu tư của Nhật Bản so với đầu tư từ Canada và châu Âu. 

 

“Thứ ba, các quá trình hiện đại hoá kinh tế và thay đổi xã hội trên thế giới đang tách con người khỏi những đặc điểm địa phương đã tồn tại từ lâu đời. Những quá trình này cũng làm suy yếu các quốc gia với vai trò là nguồn gốc tạo ra sự đa dạng. Trên thế giới, tôn giáo đang dần san lấp khoảng trống này, thường là dưới dạng phong trào nền tảng (Fundamentalist). Những phong trào như vậy xảy ra đối với đạo Cơ đốc, đạo Do Thái, đạo Phật, đạo Hindu, và cả đạo Hồi. 

 

“Thứ tư, sự tăng cường ý thức văn minh được củng cố bởi vai trò kép của phương Tây. Một mặt, phương Tây đứng trên đỉnh quyền lực. Mặt khác, xu hướng trở về cội nguồn đang xảy ra ở những nền văn minh phi phương Tây. Càng ngày chúng ta càng nghe nhiều những điều hướng nội như ‘Châu Á hoá’ ở Nhật Bản, ‘Hindu hoá’ ở Ấn Độ, sự thất bại của tư tưởng phương Tây về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, và do đó là sự tái sinh của chủ nghĩa Hồi giáo ở Trung Đông... Phương Tây đang đối mặt với mong muốn lập lại trật tự thế giới theo cách phi phương Tây ở những nơi khác [ngoài phương Tây]…

 

“Thứ năm, đặc điểm và những khác biệt văn hoá càng ít biến đổi và do vậy càng khó thỏa hiệp và giải quyết hơn so với những đặc điểm chính trị và kinh tế. Trong Liên bang Xô Viết cũ, người thuộc phe cộng sản có thể trở thành người thuộc đảng dân chủ, người giầu có thể thành người nghèo, nhưng người Nga không thể biến thành người Estonia, và người Azeria không thể biến thành người Armenia. Trong mâu thuẫn về tầng lớp và hệ tư tưởng, câu hỏi chủ đạo là, ‘Anh thuộc phe nào?’. Người ta có thể chọn và thay đổi phe mình muốn. Nhưng trong mâu thuẫn về văn minh, câu hỏi là, ‘Anh là cái gì?’… Thậm chí cao hơn vấn đề chủng tộc, tôn giáo phân biệt rất sâu sắc giữa người với người. Một người có thể mang nửa dòng máu Pháp, nửa Ả-rập và cùng lúc là công dân của cả hai quốc gia. Nhưng rất khó để vừa theo đạo Cơ đốc, vừa theo đạo Hồi.

“Cuối cùng, chủ nghĩa khu vực kinh tế ngày càng phát triển. Tỉ lệ thương mại nội khối từ năm 1980 đến 1989 tăng lên từ 51% lên 59% ở châu Âu, tăng từ 33% lên 37% ở Đông Á, và từ 32% lên 36% ở Bắc Phi. Tầm quan trọng của các khối kinh tế có xu hướng gia tăng trong tương lai. Một mặt, chủ nghĩa khu vực kinh tế thành công sẽ đẩy mạnh ý thức văn minh. Mặt khác, chủ nghĩa khu vực kinh tế sẽ chỉ thành công nếu xuất phát từ nền văn minh chung. Cộng đồng châu Âu tồn tại dựa vào sự tương đồng văn hóa và Cơ đốc giáo phương Tây. Thành công của Khu vực tự do Thương mại Bắc Mỹ phụ thuộc vào sự hội tụ văn hóa của Mexico, Canada và Mỹ. Nhật Bản, trái lại, đang phải đối phó với những khó khăn khi xây dựng một thực thể kinh tế ở Đông Á bởi vì Nhật Bản là một xã hội và nền văn minh độc nhất…”

 

Những nhận định của Hungtington về sự va chạm hay xung đột giữa các nền văn minh có những điểm đáng chú ý, được in nghiêng bên trên:

 

  1. Phương Tây chinh phục thế giới không phải vì tính siêu việt của ý tưởng hay giá trị hoặc tôn giáo, mà nhờ những điều khác như biết cách tổ chức, tiến bộ kỹ thuật và vũ lực ưu việt.
  2. Con người thuộc các nền văn minh luôn có cái nhìn khác nhau, từ thượng đế đến con người và xã hội, ngay cả những nhìn nhận về tầm quan trọng của quyền lợi và trách nhiệm, tự do và luật pháp, bình đẳng và cấp bậc. Qua tương tác với nhau, người ta nhận ra sự khác biệt và tương đồng giữa các nền văn minh.
  3. Những khác biệt về văn hoá, nhất là những văn hoá ít biến đổi, khó thoả hiệp và giải quyết với nhau hơn so với khác biệt về chính trị và kinh tế.
  4. Xu hướng trở về cội nguồn hay hướng nội đang diễn ra ở những nền văn minh phi phương Tây.
  5. Chủ nghĩa khu vực kinh tế đang lớn mạnh.

 

Những nhận xét này rất quan trọng vì chúng nêu rõ được các nguyên nhân tạo ra xung đột giữa các nền văn minh, và phần nào gợi ý hướng giải quyết.

 

Sự phân chia một cách đơn giản các quốc gia thời Chiến tranh Lạnh thành ba khối - thế giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba không còn phù hợp nữa, mà là nhiều nền văn minh chung đụng và va chạm nhau, có thể trở thành xung đột lớn nếu nền văn minh phương Tây tiếp tục thống lĩnh thế giới, cho mình là thượng đẳng, tìm cách truyền bá chủ nghĩa tự do phương Tây (chủ nghĩa cá nhân, chính trị đảng tranh) và nền kinh tế tư bản dựa trên lợi nhuận tối đa bằng lòng tham, bất chấp sự khác biệt cần được tôn trọng từ các nền văn minh phi phương Tây như Huntington nhận định. Các cuộc khủng bố sẽ vẫn tiếp tục và ngày càng man rợ, khốc liệt hơn nhắm vào Tây phương. Làn sóng di dân bằng chân từ các nước nghèo sang các nước giầu sẽ không có hướng giải quyết triệt để. Không thể để cảnh Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965, bất chấp chủ quyền và sự chấp thuận của chính phủ Nam Việt Nam tái diễn. Huntington viết, “Năm 1919, Woodrow Wilson, Lloyd George và Clemanceau cùng nhau thống lĩnh thế giới. Ngồi tại Paris, họ quyết định nước nào sẽ tồn tại, nước nào sẽ diệt vong, nước nào mới sẽ được tạo ra, biên giới của nó thế nào và ai sẽ cai quản chúng, và phương cách phân chia Trung Đông và các khu vực khác của thế giới giữa những kẻ chiến thắng. 100 năm sau đó, sẽ không có một nhóm nhỏ các nguyên thủ quốc gia nào có thể có được những sức mạnh tương tự…”[8]

 

Cũng vậy, thế giới không thể chung sống hoà bình nếu Trung cộng tiếp tục cho mình là trung tâm, nước lớn, khinh thường các nước nhỏ, hoặc quấy nhiễu các nước khác qua ưu thế vũ lực hay lừa đảo qua bẫy nợ kinh tế. Họ bành trướng thế lực quốc tế không qua giao thương bình đẳng nhưng bằng mua chuộc, lũng đoạn, dọa nạt. Trung cộng phải trả lại quyền tự quyết cho các dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Tạng và dẹp bỏ lá cờ năm sao của mình. Dù là các nước nhỏ, Trung cộng cũng phải tôn trọng, không thể xâm lăng bằng võ lực như trước kia hay ngày nay bằng kinh tế, đồng thời phải ngưng bành trướng qua chính sách diệt chủng và đồng hoá, đưa người Hán sang sinh sống ở những vùng mà họ chiếm đóng.

 

Khi các nền văn minh có cái nhìn khác nhau về các vấn đề của cuộc sống, của xã hội và khó có thể thoả hiệp với nhau, điều đó có nghĩa nhân loại phải tôn trọng những khác biệt đó, không thể hành xử theo tư duy lối sống của ta là đúng, của người là sai, rồi tìm cách mở rộng ảnh hưởng bằng quân sự hay kinh tế, hoặc kêu gọi thiết lập thế giới đại đồng bằng cách loại bỏ biên giới dân tộc. Tất cả các cách trên đều bị phản ứng, nếu không thấy được thế giới đa chủng tộc, đa văn minh nhưng duy nhất một loài người. Ai cũng được quyền sống và tôn trọng như nhau. Cách hành xử nước lớn hay đàn anh đều bị chống đối. Chương cuối cuốn sách, ông kết luận, “Trong kỷ nguyên sắp tới, va chạm giữa các nền văn minh là mối đe dọa lớn nhất cho nền hoà bình thế giới. Một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm chắc chắn nhất chống lại chiến tranh thế giới.”

 

Một nhận định khác nữa Huntington nêu ra là phong trào trở về nguồn và kinh tế khu vực đang lớn mạnh. Sau khi bị tuyên truyền xây dựng thế giới đại đồng kiểu cộng sản, một nửa nhân loại đã thức tỉnh, chối bỏ phương thức này để quay lại với những giá trị cổ truyền bị đứt quãng trong giai đoạn cộng sản cai trị. Họ nhận thấy rằng không thể hy sinh những giá trị truyền thống dày công xây dựng của tổ tiên cho mơ ước một đại đồng viển vông.

 

Cũng vậy, sau khi khối cộng sản sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, một vài trí thức Hoa Kỳ tin rằng chủ nghĩa tự do đã thắng, nhân loại sẽ ôm chầm lấy nó mong hiện đại hoá nhanh chóng cho giống Tây phương. Huntington cho rằng đây là quan điểm sai lầm. Văn minh phương Tây đang bị các nền văn minh khác cưỡng lại, một phần vì nó tràn vào như nước vỡ bờ qua các thương nhân tìm kiếm lợi nhuận khắp nơi, phá vỡ nếp sống bình dị truyền thống ngàn đời của các dân tộc không thuộc văn minh phương Tây. Ông nhận xét, “Thông tin liên lạc toàn cầu là một trong những biểu hiện của sức mạnh đương thời của phương Tây. Sự bá chủ này của phương Tây tuy thế đã khuyến khích các chính trị gia đại chúng ở những xã hội ngoài phương Tây lên án chủ nghĩa đế quốc, văn hoá phương Tây và tập hợp dân của họ để bảo vệ sự sống còn và toàn vẹn văn hoá của họ.”[9] Họ muốn hiện đại hoá nhưng vẫn giữ lấy văn hoá cổ truyền của mình. Ông viết, “Đâu đó ở Trung Đông, vài thanh niên mặc quần Jeans, uống Coke, nghe nhạc rap, vẫn hành hương đến Mecca và đang chế tạo bom để làm nổ tung máy bay hành khách của phương Tây. Trong thập niên 1970 và 1980, người Mỹ mua hàng triệu ôtô, TV, máy ảnh và hàng điện tử của Nhật mà vẫn không bị ‘Nhật hoá’, ngược lại, đang đối địch với Nhật lúc đó. Chỉ có sự ngạo mạn ấu trĩ mới khiến người phương Tây nghĩ rằng những người ngoài phương Tây sẽ bị ‘phương Tây hoá’ một khi dùng hàng hoá phương Tây. Thế giới nghĩ gì về phương Tây nếu người phương Tây xác định bản sắc văn minh của mình bằng những thứ nước làm người ta quay cuồng, bằng những chiếc quần mài bạc thếch và bằng những món ăn làm người ta mập phì?”[10] hay, “Lập luận cho rằng sự lan rộng văn hoá tiêu dùng và văn hoá đại chúng trên khắp thế giới là hiện thân của văn minh phương Tây, đang tầm thường hoá văn hoá phương Tây.”

 

Việt Nam phải nhanh chóng nhìn thấy xu hướng chung đó mà chối bỏ chủ thuyết Mác-Lê lỗi thời, trở về nguồn với đạo thống Tiên Rồng như các quốc gia khác để xây dựng nội lực, mới mong có thể tiến ra biển lớn, tranh đua cùng thiên hạ.

 

Điều mà chúng ta rất cần hiện nay là làm thế nào để đạt được đồng thuận về một số quan điểm văn hoá chính trị (political culture) căn bản, trong đó có tầm nhìn của thời đại 2000, tiếp nối tầm nhìn cha ông thời 1000 nhưng cao rộng hơn, sâu dày hơn, vừa mang Việt tính, vừa nhân loại tính; vừa độc lập dân tộc, vừa liên lập quốc tế; vừa phát triển nội bộ, vừa hội nhập toàn cầu. Hội nhập nhưng không để bị ‘hoà tan’, vẫn có những nét văn hoá đặc thù nổi bật, đóng góp vào vườn hoa chung, tạo nên một cộng đồng nhân loại vui sống hoà hài bên nhau.

 

Thế kỷ qua, người Việt đã bị chia rẽ quá nhiều, cụ thể là hai cách nhìn khác nhau (view, approach) giữa tả (cộng sản) và hữu (tư bản). Ngày nay, chúng ta lại bị chao đảo giữa hai phe đối đầu Trung-Mỹ. Việt Nam đang bị Hán cộng thao túng nên khuynh hướng ngả về Mỹ dễ được chấp nhận. Dù một số có quan điểm ‘trung phái’ nhưng cũng mới chỉ mang tính cách trung dung nhằm tìm cách thoát khỏi thế tương tranh quốc tế, mà vì chưa có nội lực vững chắc nên chưa có gì rõ ràng, tựa như ‘phe thứ ba’ tại Sài Gòn trước 1975, muốn tạo một lập trường dân tộc nhưng vì thiếu căn bản vững chắc nên dễ ngả theo, hay bị cộng sản khuynh loát.

 

Trước âm mưu bành trướng của Trung cộng, chọn Mỹ làm bạn hay đồng minh không phải là sai mà còn rất cần thiết nhằm giúp Việt Nam thoát Trung. Nhưng từ chọn đồng minh đến trở thành ‘tiểu bang thứ 51’ của Hoa Kỳ, trong đó mọi sinh hoạt đều đậm màu sắc Âu-Mỹ hay quốc tế, màu sắc Việt ngày một lu mờ dần hay không rõ nét nữa thì còn gì là Việt? Chạy theo trào lưu nước ngoài quá đáng đến độ thiếu độc lập trong tư duy, trong đời sống xã hội thì không thể có một nền độc lập chân chính, dù đất nước mang danh nghĩa độc lập và chính quyền là người Việt.

 

Phong trào ồn ào giữ lấy bản sắc dân tộc hiện nay chưa có nền tảng nên dễ trở thành kệch cỡm, từ giới trẻ sính ngoại quá lố đến độ hôn cả chỗ ngồi của nghệ sĩ Hàn quốc, đến nhà nước bối rối trong việc tìm ra một bộ quốc phục đúng nghĩa.

 

Năm 2006, Hội nghị APEC được tổ chức tại Hà Nội. Theo thông lệ, tất cả các thành viên đều mặc quốc phục của nước đăng cai. Phụ nữ đã có áo dài, lúc đầu nhà nước định vẽ kiểu áo cho nam giới, cuối cùng chọn áo the khăn đóng. Nhưng khi các nguyên thủ mặc áo vào chụp hình thì thấy đầu ai cũng không đội khăn đóng, áo lại đủ màu sặc sỡ khiến các nguyên thủ trông giống như phường tuồng chứ không phải mặc quốc phục Việt. Nhân sự kiện này,  người ta nhận thấy các lãnh tụ cộng sản chưa ai mặc quốc phục trong những dịp lễ tết hay đón tiếp nguyên thủ các quốc gia như lãnh đạo các nước chung quanh. Lịch sử gần đây cho thấy, ngoài cựu hoàng Bảo Đại, chỉ hai vị đã mặc quốc phục Việt trong dịp quan trọng là Tổng thống Ngô Đình Diệm và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu của Nam Việt Nam[11].

 

Chiếc áo dài truyền thống vừa tôn vinh hết những vẻ đẹp của phụ nữ Việt, vừa sang trọng, kín đáo ít lộ liễu ngày càng vắng bóng trên đường phố trong các dịp hội hè, lễ lạt. Trong sinh hoạt hàng ngày cũng thế, chưa có gì nhiều nổi bật Việt tính, từ chén đũa, ấm tách đến nhà cửa, bàn ghế… ngoại trừ một số món ăn nay đã được thế giới ưa chuộng. Nhìn vào chiếc cổng Torii (Điểu Cư) đi vào các ngôi đền, chùa, đơn giản với hai cột và hai đà ngang, đà dưới thẳng, đà trên hơi cong lên ở hai đầu, ai cũng biết đó là cổng Nhật. Ngược lại, nhìn vào những công trình quốc gia, các cơ sở uỷ ban nhân dân hay biệt phủ các công bộc nhân dân, chỉ thấy ở đó toàn là sự hưởng thụ, khoe của của quan tham, chẳng thấy kiến trúc Việt có nét gì đặc sắc? Một số nơi dựng chùa chiền to lớn cũng chỉ để buôn thần bán thánh, còn đâu nội dung tín ngưỡng dân gian của con người nhân chủ, nối trời và đất[12], hay chỉ là mê tín xì sụp bái lậy cầu ơn?

 

Nhưng quan trọng hơn hết là cách cư xử giữa con người với nhau trong xã hội. Đọc báo chí, người ta chỉ thấy đạo đức xuống dốc trầm trọng, nhiều trí thức đã lên tiếng nhưng tình hình ngày càng tệ hại. Đảng đã tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lê với vật chất và bạo lực làm tiền đề sản sinh ra tất cả, đất nước hoà bình mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù; đến thời mở cửa, quan quân cũng chỉ biết giành giật của cải vật chất, đạp lên nhau mà sống, còn đâu tình nghĩa của những con người cùng chung bọc Mẹ Việt Nam? Người cộng sản chủ trương triệt tiêu văn hoá dân tộc để “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa” theo chủ trương tam vô: vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc thì làm gì biết đến đạo nghĩa ông bà? Thế nên phong trào ‘về nguồn’ của những người cộng sản thiếu căn bản, đầy những nét bát nháo và cách cư xử giữa con người với nhau ngày càng tệ hại.

 

Chủ trương giữ bản sắc Việt trong thời hội nhập mà không thấy nội dung, đường nét Việt đâu, hội nhập chỉ còn là hoà tan và lệ thuộc.

 

Nhận định cuối của Hungtington là các khu vực kinh tế đang lớn mạnh. Đây là điều bình thường và hợp lý: Để có thể cạnh tranh với những nước giầu mạnh như Mỹ hay Trung cộng, các nước nhỏ không thể đơn độc đứng một mình mà phải liên kết với nhau thành từng khu vực, vừa giúp nhau sống còn, vừa có thể tạo đủ lực khả dĩ cạnh tranh.

 

Đây là mô thức do nhà tư tưởng, nhà cách mạng dân tộc Lý Đông A đã đề xuất trong thập niên 40 của thế kỷ trước: Độc lập dân tộc trong liên lập quốc tế - các nước cùng thành lập các tập đoàn an toàn (ngày nay ta gọi là tổ chức khu vực) với ba tiêu chí do ông đề xướng: cùng sống, giúp tiến, liên phòng[13]. Cùng sống bình đẳng về kinh tế; giúp nhau tiến bộ, nâng cao trình độ qua văn hoá; liên phòng về quốc phòng để bảo vệ lẫn nhau. Kinh nghiệm Kuwait bị Iraq xâm lăng hay bán đảo Crime của Ukraine bị Nga chiếm giữ còn đang nóng hổi cho bài học này.

 

Độc lập ngày nay không còn có thể là độc lập trong cô lập như một vài thế kỷ trước, mà phải liên lập với nhau, ngày nay gọi là hội nhập toàn cầu. Hội nhập với những nét đặc thù của mỗi thành viên chứ không phải hội nhập để bị hoà tan. Đó chính là ý nghĩa của đa nguyên trong nhất nguyên (unity in diversity). Xu hướng này ngày càng phát triển, với những khu vực được thành lập như Liên Hiệp châu Âu, ASEAN, khối Bắc Mỹ, khối Nam Mỹ, Thị trường chung Trung Mỹ… Và nhiều khối khác sẽ tiếp tục ra đời. Đa nguyên trong nhất nguyên không chỉ là xu thế giữa các quốc gia với nhau, mà ngay trong nội bộ mỗi dân tộc cũng thế. Các quốc gia có kinh tế phát triển đều tôn trọng đa nguyên. Những nước độc tài, độc nguyên đều là những nước tụt hậu. Nếu vươn lên được, nhưng lại vươn dậy cực đoan theo kiểu Đại Hán mới liền bị cả nhân loại chống đối như đang xảy ra, rồi cũng chỉ là một hiện tượng sớm nở, tối tàn. Việt Nam không việc gì phải quá sợ, nhưng cần nhìn rõ xu hướng chung để cổ suý đa nguyên làm cơ sở cho phát triển bền vững, chấp nhận các tiếng nói khác biệt để mọi thành phần dân tộc đều có thể đóng góp và đóng góp tích cực mà không cần nghị quyết nào, như Nghị quyết 36, chẳng hạn.

 

Lý Đông A nhận thấy ba xu hướng lớn, từ quốc gia đến quốc tế, từ dân tộc đến nhân loại trong một thế giới mới sẽ diễn tiến, như sau:

 

Tiểu đại đồng. Hungtington nhìn nhận xu hướng về nguồn đang diễn ra trong các nền văn minh phi phương Tây, như Lý Đông A đã nhìn thấy trước đây, ông gọi là dân tộc hướng tâm vận động.

 

Trung đại đồng. Các nước gần gũi về văn hoá và địa lý sẽ liên kết với nhau theo ba tiêu chí: cùng sống, giúp tiến, liên phòng như nói trên.

 

Đại đại đồng: Mỗi quốc gia, mỗi khu vực sẽ cùng đóng góp tinh hoa văn hoá của mình vào vườn hoa chung, tạo nên một cộng đồng nhân loại, chung sống với nhau trong ý nghĩa nhân loại nhất nguyên tính, tôn trọng dân tộc đa nguyên tính.

 

Tranh chấp để chiếm lấy vai trò độc bá như hiện nay giữa Mỹ và Trung cộng sẽ bị cả nhân loại chối bỏ. Thế giới không thể an bình nếu tiếp tục có những nước nuôi mộng bá quyền. Mỗi dân tộc và mọi dân tộc đều phải được vui sống như nhau, không thể dung dưỡng tư duy nước lớn là trọng, nhỏ là khinh, hay lợi nhuận nhiều nhất sẽ được thu về bởi các nước đại tư bản, các nước nhỏ chỉ là xưởng sản xuất, phục vụ nước lớn giầu mạnh.

 

Thời đại 2000 đòi hỏi một trật tự quốc tế toàn nhân loại, thật sự bình đẳng, cho cả da trắng lẫn da màu. Sự trỗi dậy cực đoan của Tàu (Đại Hán mới), mặc cảm bị chèn ép của Nga (hậu Liên Xô), tình hình bất ổn luôn có nguy cơ chiến tranh tại vùng Trung Đông, cộng với Phi châu chưa phát triển và ổn định, làn sóng di dân từ nước nghèo sang nước giầu, khủng bố nhắm vào phương Tây… đều là những vấn đề lớn của nhân loại và thời đại, không thể giải quyết được bằng tầm nhìn và trật tự quốc tế da trắng (Âu-Mỹ) đã nẩy sinh từ châu Âu phát triển ra toàn thế giới. Bối cảnh và các vấn đề phát sinh này đang vượt khỏi tầm nhìn, trật tự cùng với hệ thống điều hành chính trị, kinh tế, văn hóa… hiện nay tại các quốc gia tiên tiến cũng như trên toàn thế giới. Nó không còn thích hợp nữa trước một thế giới và cộng đồng nhân loại ngày càng mở rộng chứ không chỉ còn là văn hoá phương Tây sẽ trở thành phổ quát như Tây phương mong muốn để tư bản tiếp tục kiếm tiền, hay trỗi dậy cực đoan, tìm cách giành quyền độc bá như Đại Hán trông đợi. Cũng vì lý do đó, hiện đang có những nỗ lực để đại diện các châu lục đều có tiếng nói trong các tổ chức quốc tế, như một trong những giải pháp cố gắng tạo sự bình đẳng trong các mối tương quan quốc tế.

 

Lý Đông A còn dự kiến bốn xu thế thời đại[14], bao gồm:

 

-      Quốc tế tập đoàn an toàn (tổ chức khu vực).

-      Dân tộc hướng tâm vận động (hướng nội, trở về nguồn).

-      Quốc dân dân chủ chính trị hoá (chân chính, toàn dân, trực tiếp).

-      Quốc dân kinh tế xã hội hoá (chỗ khác ông viết ‘tư bản xã hội hoá’).

 

Hai xu hướng đầu đã giải thích ở trên. Về quốc dân dân chủ (ông còn gọi là dân chủ nhân chủ hay dân chủ toàn dân, trực tiếp), Lý tiên sinh nhận thấy khi người dân càng được tham gia vào nền chính trị quốc gia, trực tiếp quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống mình, thay vì chỉ gián tiếp qua các đảng phái trong chính phủ thì quyền dân càng cao. Khi người dân được tự quyết định thì quyền dân tăng lên, mà quyền dân càng cao, lực nhà nước càng mạnh. Quốc hội nếu không độc lập khỏi đảng, hay quốc hội chỉ bao gồm các đảng phái tranh giành quyền lợi, xung đột lẫn nhau, hoặc quyền lợi đảng đi trước quyền lợi quốc dân[15], thường gây trở ngại cho sinh hoạt chính trị quốc gia. Người dân chưa được ứng cử hay trực tiếp đề cử người đại diện mình vào quốc hội. Nếu có, họ cũng không có tiền quảng bá tên tuổi, thành tích cho mọi người biết đến như đảng viên các đảng được hỗ trợ tài chánh. Cơ hội thắng cử của họ rất mong manh nếu không muốn nói là không thể. Khi người dân bất mãn điều gì thì họ chỉ có quyền biểu tình hoặc lên tiếng trên báo chí (người Việt chưa có hai quyền này), hoặc chờ đến cuộc bầu cử kế tiếp chứ không được quyền quyết định. Quyền này vẫn còn nằm trong tay các chính đảng. Tới kỳ bầu cử, người dân cũng chỉ được bầu những người do đảng phái đưa ra. Nhiều người đã lên tiếng nhưng các chính trị gia chưa có giải pháp thích đáng[16].

 

Về xu hướng kinh tế quốc dân xã hội hoá (hay tư bản xã hội hoá): Nhiều nghiên cứu cho thấy khi kinh tế tư bản dựa trên nợ nần và lòng tham, càng vận hành sâu rộng thì chênh lệch giầu-nghèo ngày càng tăng, không có cơ suy giảm; người giầu ngày càng giầu thêm mà đời sống tầng lớp trung lưu ngày càng khó khăn, chật vật. Trong lúc chu kỳ kinh tế phát triển lâu dài nhất thì cũng là lúc dân không nhà (homeless) lên cao nhất, sinh viên khó trả được nợ, phần lớn dân Mỹ không có nổi một ngàn đô cho những chi tiêu khẩn cấp[17]. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, 10% số người giầu nhất nước Mỹ, làm chủ tới 72% toàn bộ tài sản[18].

 

Bối cảnh này dễ dẫn đến nền chính trị dân tuý như đã xảy ra tại nhiều nước. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tư bản khác cần thực hiện những cuộc cải tổ rộng lớn để thay đổi hiện trạng. Nói cách khác, cần ‘xã hội hoá’ tư bản để lợi nhuận và tài sản được phân phối tương đối công bằng hơn cho nhiều tầng lớp, thay vì tập trung phần lớn cho thiểu số nhà giầu.

 

Muốn thế, phải tạo được bình đẳng cơ hội cho mọi người, mọi giới.

 

Sống trong xã hội, người nào cũng có nghĩa vụ (duty, obligation) đóng thuế hay gia nhập quân đội ở hạn tuổi nào đó khi đất nước chiến tranh; bù lại, về già sẽ được hưởng quyền lợi (benefit) lương hưu, an sinh xã hội. Tuy nhiên, nếu cơ hội (opportunity) không bình đẳng, nghĩa vụ và quyền lợi công dân chưa đầy đủ ý nghĩa. Khi cơ hội không bình đẳng, tài sản (wealth) ngày càng tập trung vào tay một số ít, người giầu ngày càng giầu và càng có quyền, hố phân cách giầu-nghèo lẫn quyền lực chính trị ngày càng tăng, dễ trở thành mối đe dọa cho nền dân chủ (social unrest) như ta thấy hiện nay tại các quốc gia Âu Mỹ.

 

Trong ba điều, cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi, cơ hội là quan trọng nhất; trong đó bao gồm cả cơ hội chính trị lẫn cơ hội kinh tế. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền là làm thế nào để tạo được bình đẳng cơ hội (equal opportunity) cho mọi công dân, được Lý Đông A gọi là lập cước điểm[19] - điểm đặt chân trước khi chạy, nhảy. Nếu lập cước điểm không bình đẳng, kết quả tranh tài thể thao bị bóp méo và không còn ý nghĩa.

 

Bình đẳng trong kinh tế và chính trị cũng thế.

 

Khi hệ thống chính trị chủ yếu dựa trên đảng phái mà không trên toàn dân, gần như chỉ ứng viên các đảng đưa ra trong các kỳ bầu cử là dễ thắng cử, ứng viên độc lập rất khó thắng, gần như không có cơ hội. Trong vụ án truất phế tổng thống hiện nay, dù ông Trump có tội hay không, nhiều người cho rằng ông sẽ vẫn trắng án vì tinh thần đảng phái cao hơn công lý. Điều đó cho thấy hệ thống chính trị nước Mỹ vẫn cần được sửa đổi. Thế nhưng dù giai tầng lãnh đạo bị khủng hoảng nhưng các địa phương vẫn yên ổn, mọi việc vẫn bình thường vì các địa phương được trao nhiều quyền - một hình thức có thể được xem là tự quản (self governance).

 

Lãnh vực kinh tế cũng tương tự. Người giầu có nhiều cơ hội hơn, nấc thang thăng tiến xã hội rộng mở hơn tầng lớp trung lưu và người nghèo nhiều lần. Chính sách quốc gia cần tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần xã hội để giảm chênh lệch giầu-nghèo quá đáng, nhờ đó giảm bớt nguy cơ tài sản và quyền lực tập trung vào tay một nhóm ưu tú nhỏ (elites, established).

 

Một nguyên tắc quan trọng khác khi thiết kế nền kinh tế quốc dân là làm thế nào để giáo dục nhân dân có thái độ phù hợp với lối sống, tâm tình Việt đối với tiền tài vật chất. Kinh tế cần dựa trên nhu yếu (necessity), không nên dựa trên lòng tham (greed) hay lòng ham muốn, dục vọng (desires). Người biết đủ là người biết dừng lại đúng lúc, không việc gì phải miệt mài khổ cực kiếm tiền. Tiền bạc của cải chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Khi còn trẻ chỉ lo cạnh tranh nhau khốc liệt làm giầu, cuối đời đau nhức bệnh tật hay con cái hư hỏng, chung quanh nhiều người không đủ sống hay phải đi ăn xin thì dù có ngồi trên đống bạc, cuộc sống cũng vô nghĩa. Lão tử khuyên: Tri túc giả phú - người biết đủ là người giầu có.

 

Cha ông ta khi xưa êm ấm, hạnh phúc với triết lý sống giản dị trong tình làng xóm, sớm tối có nhau - bán anh em xa, mua láng giềng gần chứ không ưa bon chen mà đánh mất đạo lý làm người. Chẳng hạn về nông nghiệp, cha ông có chính sách quân điền thời Lý, Lê: ruộng trong làng được chia thành từng khu chín ô vuông như cách cột bánh chưng: tám ô chung quanh giao cho tám gia đình, ô ở giữa mọi người cùng chăm sóc để đóng thuế cho triều đình. Cứ ba năm là chia lại, mỗi hộ không còn làm ở mảnh ruộng cũ mà sang ruộng khác. Ai gặp phải ruộng xấu thì sau ba năm lại có thể được chia miếng đất tốt. Do đó mà ngày nay con cháu được truyền lại cách buộc bánh chưng đầy ý nghĩa với câu ca dao: không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời, có thể xem như một hình thức bình sản kinh tế - ai cũng có tài sản sinh sống mà không phải bon chen, chênh lệch giầu-nghèo quá đáng, lại sống với nhau trong tình thân ái.

 

Ngày xuân, thưởng thức bánh chưng hãy nhớ lời dặn của tổ tiên: chia sẻ, nâng đỡ thương yêu nhau, chị ngã em nâng, bầu bí chung giàn, nhiễu điều- giá gương chứ đừng dẫm đạp lên nhau mà sống.

 

Khi cả xã hội đều sống theo ba nguyên tắc: tận kỳ sở năng, toại kỳ sở nhu, chính kỳ sở mệnh (làm hết năng lực; hưởng đủ nhu yếu; sống đúng, đủ phận mình – Lý Đông A) - thay thế cho các tận sở năng, các toại sở nhu (“làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”) của cộng sản (thiếu phần sở mệnh của cá nhân); tư bản khá hơn: mặc dù được tự do cạnh tranh và có hướng dẫn năng khiếu (aptitude test) để biết đặc tính cá nhân nhưng vẫn chưa đặt nặng mặt công (để tư lợi lấn át công ích, dễ sinh ra tư bản bóc lột) - thì con người không cần phải khai thác thiên nhiên quá đáng, cũng không mải mê thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhưng thải đầy khí độc vào bầu khí quyển, gây tác hại tiêu cực cho môi trường sống; không phí tiền của lẫn tài nguyên thiên nhiên để bảo trì những căn nhà to như lâu đài mà chỉ vài người sống, rộng tới năm, mười ngàn thước Anh; hay tạo những chiếc xe trị giá vài trăm ngàn đô hay cả bạc triệu để lời nhiều. Ngược lại, người dân các nước nghèo phải tối tăm mặt mũi cũng không đủ ăn, con cái không được học hành đàng hoàng, lại còn bị nạn độc tài trong nước hoành hành nên phải chạy trốn. Họ tràn vào các nước giầu có kiếm ăn, gây hoảng loạn tại các quốc gia Tây Âu; nước Mỹ qua vị tổng tư lệnh thì nhất quyết xây tường biên giới. Tường ngăn di dân lậu tuy đúng với nhiều người, nhưng cũng là bức tường lòng với nhiều người khác, ngăn cản tình thương, tình đồng loại đến với nhau chỉ vì con người vẫn còn nhìn nhau xa lạ, vẫn sát phạt tranh giành nhau để mình được sống béo tốt hơn người khác. Thế mà hậu duệ của những người tinh khôn (homo sapiens) đã tự phụ là văn minh hơn hẳn các loài động vật thấp kém khác.

 

Thomas Piketty, tác giả cuốn Vốn Tư bản trong Thế kỷ 21 (Capital in the Twenty-First Century) cho rằng tài sản (nhà đất, vàng bạc, cổ phiếu…) được dùng làm vốn (capital) để đầu tư sinh lợi. Lợi tức từ những tài sản này có thể tăng nhanh hơn lương bổng nhiều lần (nhà đất, cổ phiếu có thể tăng tới 20% - 30% hay hơn một năm, trong khi lương bổng chỉ tăng 5%/năm). Tài sản và lợi tức này ngày càng tập trung vào một thiểu số ưu tú (giới giầu và trung lưu trí thức - elites), bỏ lại sau lưng đa số thuộc thành phần trung lưu vừa và thấp, thiếu bằng cấp chuyên môn, đại học, và những tầng lớp khác với số lương tăng chậm, đời sống ngày càng khó khăn. Phân cách giầu-nghèo do đó ngày càng tăng.

 

Kinh tế gia Richard Koo trong cuốn Mặt trái của Kinh tế Vĩ mô và Tương lai Toàn cầu hoá (The Other Half of Macroeconomics and the Fate of Globalization) nhận định rằng trong tiến trình toàn cầu hoá, các hãng xưởng di dời sang các nước nghèo nhằm khai thác lao động rẻ và luật lệ lỏng lẻo đã tạo ra lợi thế cho thành phần ưu tú thiểu số hơn là cho đại đa số còn lại. Những việc làm mới trong các ngành nghề từ sáng tạo (innovation), thiết kế (design), đến dịch vụ (service) được trả lương cao như y tế, tài chánh, trong tiến trình toàn cầu hoá đều đòi hỏi trình độ đại học hoặc chuyên môn cao. Tự động hoá (automation) và trí thông minh nhân tạo (artificial inteligence) lại càng đẩy thành phần trung lưu vừa và thấp, lẫn các thành phần khác ra khỏi thị trường lao động, không kiếm được việc làm lương cao như trước giai đoạn toàn cầu hoá. Vì tuổi đã cao, họ khó có thể trở lại trường để được tái đào tạo. Thành quả kinh tế, do đó, ngày càng tập trung vào giới ưu tú toàn cầu (global elites) có vốn tư bản (capital) và trình độ chuyên môn rất cao. Ông còn cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn toàn cầu hoá khiến các công ty đầu tư nước ngoài sẵn sàng dọn hãng xưởng sang các nước khác khi giá cả sinh hoạt và lương bổng nội địa tăng lên. Điều này làm cho giới công nhân từ các nước nghèo như Việt Nam, Phi, Nam Dương, Bangladesh…, nhất là những người di chuyển từ nông thôn ra thành thị kiếm việc, khó có thể tranh đấu cho quyền lợi của mình và cũng không có khả năng mua nổi nhà tại các thành phố đang được công nghiệp hoá, đành phải chịu sống trong các khu ổ chuột chật hẹp, tăm tối. Đó cũng là nguyên nhân rất khó để xây dựng thành phần trung lưu làm nền tảng cho chế độ dân chủ ở những nước đang mở mang, so với các quốc gia đã may mắn đi trước như châu Âu, Nhật, Hàn, Đài[20]

 

Toàn cầu hoá có ảnh hưởng tiêu cực tới các nước giầu Âu Mỹ không? Tất nhiên là có. Giới chủ nhân và nhà đầu tư khi mở hãng xưởng ở những nước nghèo để gia tăng lợi nhuận, họ phải đóng cửa các cơ xưởng sản xuất vốn từng là cái nôi nuôi dưỡng thành phần công nhân trung lưu, khiến thành phần này bị mất việc. Tình trạng đó đang gây ra xáo trộn chính trị tại các quốc gia Âu Mỹ và khiến giới trẻ trở nên ưa thích các ứng viên cánh tả.

 

Hai tác giả với hai cách nhìn khác biệt nhưng bổ túc cho nhau, giúp lý giải các giai tầng trong xã hội Mỹ không còn giống như trước kia có hình bầu dục. Từ thập niên 70-80 trở về trước, thành phần trung lưu ở giữa chiếm đại đa số, hai đầu giầu-nghèo trên dưới, nhỏ. Ngày nay, nó là hình ảnh của một hình tam giác: 20% giầu nhất làm chủ và kiểm soát tới 90% tài sản; dưới đáy là 80% dân số còn lại, làm chủ chỉ 10%. Tác giả Thomas Piketty trong cuốn sách nói trên cho biết, hiện có cá nhân tài phiệt giầu bằng cả một quốc gia (trang 324, 471). Nền kinh tế tư bản trong giai đoạn toàn cầu hoá chắc chắn sẽ không bền vững nếu cứ vận hành theo cách thức hiện nay, đẩy chênh lệch giầu-nghèo ngày một tăng cao.

 

Giải pháp để giảm thiểu chênh lệch này của phương Tây là gì? Với những người thuộc cánh tả (Bernie Sanders, Elizabeth Warren, hai ứng viên tổng thống 2020 của Mỹ) chủ trương đánh thuế luỹ tiến (progressive tax) lên tài sản và thu nhập của giới giầu, dùng tiền đó đầu tư vào an sinh xã hội, giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở… nhằm giúp đa số thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo. Ngược lại, cánh hữu (Trump, Macron của Pháp, nếu xem là thuộc hữu phái) lại muốn giảm thuế để khuyến khích tư nhân đầu tư nhằm tạo ra hàng triệu việc làm mới.

 

Ngoài ra, theo giáo sư Raghuram Rajan tại phân khoa Kinh doanh Đại học Chicago, người từng là thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, thì chủ nghĩa Tư bản đương đại thất bại vì quá chú trọng đến hai trụ cột chính là nhà nước (the state), và thị trường (the market) - có thể xem là Wall Street, bỏ quên trụ cột thứ ba không kém quan trọng nhằm tạo thế cân bằng, đó là cộng đồng (the community – Main Street)[21].

 

Giải pháp của hai phái tả, hữu nói trên là những cố gắng nhằm lấp bớt hố cách biệt giầu-nghèo, nhưng có vẻ cả hai chưa nhận ra những nguyên nhân đơn giản nhưng khá then chốt, hoặc nhìn ra nhưng chưa có giải pháp thích đáng. Đó là chưa tạo được cơ hội bình đẳng cho cả một cộng đồng dân tộc mà nghiêng quan tâm nhiều về phía nhà nước và thị trường, trong đó người giầu thường chiếm ưu thế hơn. Chẳng hạn trong giáo dục, con cái các gia đình giầu có không phải nợ tiền học và dễ có cơ hội theo học tại các trường mắc mỏ, danh tiếng. Tốt nghiệp xong, những người này có thể kiếm được việc làm lương cao ngay. Ngược lại con nhà nghèo, khó có thể kham nổi những trường với học phí cao (hiện nợ học của sinh viên Mỹ là 1.5 ngàn tỷ). Gánh nặng nợ nần thường phải mất khoảng 10 năm mới trả hết, thực tế cho thấy phải mất đến 20 năm. Sự tiến thân trong xã hội của người giầu thuận lợi hơn người nghèo rất nhiều lần. Như vậy cơ hội giáo dục không bình đẳng. Ví dụ khác là một người không bằng cấp đại học, sau một thời gian tận tụy học hỏi và làm việc, anh ta có thể giữ vai trò và được trả lương như một người tốt nghiệp đại học. Thuế suất thu nhập (tax bracket) của hai người bằng nhau. Tại sao lập cước điểm xuất phát khác nhau, nhưng nghĩa vụ lại như nhau? Điều cần lưu ý ở đây không hẳn là phải tranh đấu cho người không bằng cấp đóng thuế ít đi, mà là làm thế nào để tạo điều kiện cho lập cước điểm của mọi người ngang nhau, đều có cơ hội thăng tiến tương tự nhau.

 

Tiền đẻ ra tiền, người giầu ngày càng giầu và càng có quyền, hố phân cách kinh tế và chính trị ngày càng lớn. Khi một thiểu số giầu có nhàn nhã thụ hưởng lợi tức xã hội bằng thế lực chính trị và tài sản tích luỹ, cả nền dân chủ đại diện lẫn kinh tế tư bản dễ có khuynh hướng rơi vào khủng hoảng.

 

Đó là lý do tại sao Lý Đông A đề xuất nền kinh tế bình sản[22], phối hợp với hệ thống chính trị đan quyền[23] trong sử thống Việt, từng được thực hiện dưới hai thời thịnh trị Lý-Trần (không phân quyền như Mỹ, cũng không quân quyền như Tàu) để con người sống trong tình thân ái, có thái độ thân thiện với môi trường (qua chính sách tham tán hoá dục – câu đầy đủ là tán thiên địa chi hoá dục - do Lý tiên sinh đề ra), tránh được những khiếm khuyết tai hại của cả hai hệ thống tư bản lẫn cộng sản. Nền công nghiệp cần được quốc gia hoá, nghĩa là theo chính sách chung của quốc gia trên bốn hệ thống: quốc gia, địa phương, xã hội hợp tác và tư hữu (tiểu gia đình). Mục đích là làm thế nào để thực hiện tứ công (công lao, công bản, công phối, công độ) dựa trên tam phân (phân công, phân lợi, phân mệnh) nhằm bảo đảm bình đẳng cơ hội, bớt chênh lệch giầu-nghèo quá đáng.

 

 

Chúng ta mong mỏi những kinh tế gia gốc Việt nghiên cứu tài liệu Bình sản Kinh tế này nhằm sáng tạo một nền kinh tế cân bằng, tạo cơ hội thăng tiến đồng đều cho toàn thể quốc dân thời hậu cộng sản. Ông còn đề ra con đường tu dưỡng thắng nhân để quốc dân sống sao cho chừng mực, sống vui sống khoẻ, đối xử với nhau trong tình thân ái mà không phải lo âu quá đáng, dễ sinh những chứng bệnh kinh niên, nan y khó chữa.

 

Lý Đông A cho rằng Việt Nam có chu kỳ lịch sử 500 năm: 500 năm thịnh, 500 năm suy. Dân tộc ta đang ở cuối thời kỳ suy thoái 500 năm vừa qua (hậu Lê, Nguyễn, Tây thuộc, Cộng sản thuộc), đang tiến dần vào giai đoạn chuyển tiếp sang 500 năm hưng thịnh sẽ tới (Đại Việt 2000).

 

Điều này không thể xảy ra nếu những người cộng sản vẫn còn mê muội ôm chặt, không rời bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, trở về với dân tộc để cùng bắt tay nhau, tập đại thành tinh hoa văn hoá Đông-Tây, cổ-kim nhân loại, cộng với đạo thống Tiên Rồng làm nền tảng cho thời kỳ hoàng kim 500 năm sắp tới.

 

Thời tiền hưng thịnh Đại Việt 1000, cha ông ta đã tổng hợp và thống nhất những chia rẽ về chính trị (thập nhị sứ quân) và văn hoá (du nhập tam giáo, đạo thống Tiên Rồng lu mờ) nhằm sáng tạo ra mô hình kiến thiết mới cho Đại Việt Lý-Trần. Tương tự như vậy, từ thời Pháp thuộc (Tây phương thuộc) đến cộng sản thuộc (cũng từ phương Tây đến), hiện chúng ta lại đang bị chia rẽ do hậu quả của quốc tế phân tranh, vừa về chính trị (quốc-cộng, kinh-thượng) lẫn văn hoá (chia rẽ tôn giáo, bản sắc dân tộc bị chìm nghỉm và triệt tiêu).

 

Giai đoạn vừa qua đầy nhiễu nhương nhưng cũng tạo ra cơ hội mới. Trên phương diện địa lý, cha ông ta đã tiến về phương Nam tới tận mũi Cà Mau, nay lại có cả một cộng đồng người Việt đang lớn mạnh tại hải ngoại. Về mặt văn hoá, ngoài việc hoà nhập văn hoá Chàm và Chân Lạp, chúng ta còn tiếp thu thêm văn hoá phương Tây. Nhiều nền văn minh lớn qua đạo giáo đã hội tụ tại Việt Nam: Phật, Lão, Khổng Đông phương, Cơ đốc giáo Tây phương; các quốc gia hùng mạnh cũng đều đã góp mặt: Trung, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật.

 

Những người cộng sản cần phải nhanh chóng thức tỉnh, thấy được trào lưu thế giới, nhân loại và thời đại mà mạnh mẽ dứt khoát từ bỏ Mác-Lê-Mao-Hồ (Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch - Nguyễn Bỉnh Khiêm) để cùng quốc dân, thanh niên và trí thức trong, ngoài nước tổ chức những cuộc hội thảo sâu rộng nhằm tìm ra giải pháp đột phá, vượt trên tranh chấp quốc tế hoá do tư bản lẫn cộng sản để lại (quốc-cộng), cùng nhau tổng hợp văn hoá Đông-Tây, kim cổ, sáng tạo một mô hình kiến thiết mới, khắc phục những khuyết điểm của cả chủ nghĩa Tư bản lẫn chủ nghĩa Xã hội, đưa đất nước thoát khỏi bế tắc hiện nay để bắt đầu cất cánh, tiến đến giai đoạn khởi đầu cho 500 năm hưng thịnh mới mà các bậc tiền bối thuộc thế kỷ 20 đã dày công tạo dựng nhưng chưa có cơ hội hoàn tất: Từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, và Lý Đông A.

 

Tạ Dzu  

 

Xuân Canh Tý 2020



[1] https://thangnghia.org

[2] Samuel Huntington (1996), The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order, Simon and Schuster, trang 37 của bản dịch tiếng Việt online, Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh, Nguyễn Phương Sửu thay mặt nhóm dịch giả.

[3] Samuel Huntington. Sách đã dẫn, trang 44.

 

[4] S. Huntington. Sđd, trang 23. Những chỗ in nghiêng không có trong sách, chúng tôi in nghiêng là để nhấn mạnh.

 

[5] S. Hungtington. Sđd, tr. 41.

[6] S. Hungtington. Sđd, tr. 44.

[7] S. Hungtington. Sđd, tr. 20.

[8] S. Hungtington. Sđd, tr. 51.

[9]  S. Huntington. Sđd, tr. 28.

[10] S. Huntington. Sđd, tr. 28.

[11] Một số trong các đoạn trên là ý kiến của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt trong một điện thư mà chúng tôi xin phép đưa vào bài.

 

[12] Độc giả có thể tìm đọc bài thơ Vịnh Tam Tài của Trần Cao Vân (1866-1916) để thấy tinh thần nhân chủ này.

[13] Lý Đông A (1943). Mở Quyển. Học hội Thắng Nghĩa 2017-4986 T.V., tr. 17.

Ông gọi là chính sách Đồng Nhân với ba tiêu chí cùng sống, giúp tiến, liên phòng.

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/moquyen-version-layouted-jul2017-hvl-2.pdf

 

[14] Trong Chu Tri Lục 3, Cương Lĩnh 5, trang 33-34, Lý Đông A viết: “Văn hóa, khoa học, quân sự và kinh tế tư bản chủ nghĩa, quân hóa công nghiệp qua một thời kỳ chuyển hình dưới áp lực của hướng tâm cách mạng tất sẽ hình thành một thế giới mới trên nền tảng văn hóa ấn định có bốn tính chất: Quốc tế tập đoàn an toàn (bloc mà không phải sécurité collective), dân tộc hướng tâm vận động, quốc dân dân chủ chính trị hóa với quốc dân kinh tế xã hội hóa.”

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/chutriluc-version-layouted-nov2016.pdf

 

Về 4 xu thế thời đại, có thể tham khảo:

 

Socialized capitalism:  

http://www.jstor.org/stable/3347591?seq=1#page_scan_tab_contents

      

Social market economy:

http://countrystudies.us/germany/136.htm

      

Participatory Democracy:

http://www.glasgowdailytimes.com/opinion/what-is-participatory-democracy-it-means-  you-get-involved/article_d0e062df-de30-502e-94bd-7cfdf00a5130.html

      

Neohumanism:

https://en.wikipedia.org/wiki/Neohumanism

 

[15] Chúng tôi sẽ trình bầy đề tài này qua bài: Xây dựng dân chủ Việt Nam qua khái niệm công đảng. Mời độc giả đón xem.

 

[16] Mọi sinh hoạt quốc gia cần theo mô hình mới của Bản vị Học thuyết do Lý Đông A đề xuất để người dân có thực quyền. Chúng tôi sẽ trình bầy đề tài này qua bài: Lãnh đạo và tổ chức, trong đó vai trò của nhân dân và xã hội dân sự ngày càng có thực chất, đi sát với nguyện vọng người dân hơn là gián tiếp qua đảng phái. Mời độc giả đón xem.  

 

[19] Tham khảo về lập cước điểm qua tài liệu Duy Nhân Cương Thường theo đường dẫn dưới, trang 34.

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016.pdf

[20] Theo trang Blog Đoàn Hưng Quốc.

https://doanhquoc.blogspot.com/

 

[22] Độc giả có thể tham khảo tài liệu Kinh tế Bình sản tại đường dẫn:

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2020/01/binhsankinhte-version-layouted-nov2017.pdf

 

[23] Tham khảo về cơ chế Đan quyền theo Cơ năng quyền chế, trang 31:

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2019/01/bo5duydanconang-versionlayoutedjan2018.pdf

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 202412:02 SA(Xem: 8768)
Bạt Xứ là bút hiệu của Tiết Hồ, khi viết truyện ngắn ký tên Triêu Ca. Tiết Hồ còn là một nhiếp ảnh gia với nhiều cuộc triển lãm cá nhân và nhóm tại Úc. Có tác phẩm đăng trên Tập Họp, Da Màu, và trong bộ sách "Twenty years of Vietnamese Arts and Literature" (1995 - Dainam). Định cư tại Úc. Hiện sống ở Cam Bốt.
21 Tháng Bảy 202411:15 CH(Xem: 7703)
rì rào sóng / nằm thức trăng viễn mơ / làm sao nhớ biển / làm sao / đất nín thinh / đại lục biến hình vu vạ / làm sao ôm mi cong / khuôn mặt nàng cong / đầm đìa những má /
21 Tháng Bảy 202410:42 CH(Xem: 6477)
Ngày 5 tháng 8, 2024 sắp tới đây, đúng vào sinh nhật thứ 76 của cựu TT Samdech Techo Hun Sen, hiện là Chủ Tịch Thượng viện, lãnh đạo đảng Nhân Dân Cam Bốt (CCP), được con trai trưởng của ông là TT Hun Manet chọn là ngày Lễ Động Thổ khởi công Dự án Kênh đào Funan Techo – đang được rầm rộ chuẩn bị như là một ngày lễ hội lớn, với đốt pháo hoa và chiêng trống nổi lên từ khắp các chùa chiền cùng với lời cầu nguyện của giới sư sãi trên toàn Vương quốc Cam Bốt. Nhưng với cái giá môi sinh nào phải trả cho cả hai dân tộc Khmer và Việt Nam đang hiển lộ và không còn là những ẩn số.
21 Tháng Bảy 202410:30 CH(Xem: 7659)
lên cành níu một bóng cây / bữa kia em có đưa tay ra tìm / tìm anh ở những cánh chim / bay theo tiếng gọi con tim xa vời
17 Tháng Bảy 20245:04 CH(Xem: 6812)
rồi mơ có một ngày / ngồi bên em / tô hồng một làn môi ướt / thật ướt / ướt & mọng & nồng nàn / mới nghĩ thôi / đã thấy tay chân líu nhíu vụng về / chà, thật vô dụng
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 6626)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...
17 Tháng Bảy 20242:44 CH(Xem: 8186)
Gởi gió đi đường trưa trống trải / Gió ùa về trăm trận trốt giông / Một lần xô dậy bao chia biệt / Dặm mây tóc trắng không nguôi ngoai
17 Tháng Bảy 202411:26 SA(Xem: 5707)
Sáng hôm đó, lễ đón tân sinh viên trường ĐH Kinh Tế diễn ra thật vui. Đặc biệt mấy anh sinh viên lớp trên lúc nào cũng háo hức chào đón tân sinh viên hơn cả. Hoàng Tùng cũng vậy, anh cùng với nhóm bạn hôm nay đến trường sớm hơn mọi khi. Áo quần thẳng nếp, đầu tóc gọn ghẽ phong thái lịch lãm nhất có thể. Trong buổi này có nhóm tân sinh viên nữ làm anh và nhóm bạn chú ý nhất là ba em trong trang phục áo dài trắng, vàng và xanh thiên thanh ngồi gần nhau bên góc trái hội trường
17 Tháng Bảy 20241:05 SA(Xem: 6937)
Mấy tuần qua, nổi lên thống trị thế giới thông tin cả vỉa hè lẫn chính thống là biết bao lời rao giảng ồn ào về Nhân Quả, Nghiệp báo Luân hồi từ không ít vị “mũ cao áo dài” trong giới tu hành đạo Phật nhằm dẫn dụ Phật tử và đông đảo dân chúng vào mê hồn trận “Cúng dường”, “Giải oan”, “Giải nghiệp”, “Thỉnh vong”, “Trục vong Thỉnh linh bào thai”, v.v. Hắn chợt nhớ lại mồn một cái chết bi thảm của một ông Giám đốc dường phải trả nghiệp báo của ông bằng một tai nạn khủng khiếp mà nhiều năm qua, hắn tìm mọi cách cố tình rũ bỏ khỏi trí nhớ mệt mỏi của hắn nhưng không sao làm nổi…
17 Tháng Bảy 202412:55 SA(Xem: 6600)
Tiếc thương cho nước non nhà / Vói tay phủi cái sơn hà nhẹ tênh / Sơn hà tựa gái hớ hênh / Dăm thằng mặt thớt ngông nghênh chúng vầy