- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỌC THƠ LÝ THỪA NGHIỆP

07 Tháng Chín 20183:06 CH(Xem: 25389)

 ve ngh bat nha ca

 

Anh là một nhà thơ độc đáo, làm thơ y hệt như người hát Kinh Phật. Không phải một hình thức đọc tụng Kinh Phật như đời thường. Thơ Lý Thừa Nghiệp không đời thường, tuy vẫn nói về Sóc Trăng quê ngoại, nói về mẹ, nói về em, nói về Melbourne với Cù Lao Dung… nhưng tất cả hình ảnh đời thường hiện lên trong thơ anh đều nhắc tới những pháp ấn, rằng tất cả các pháp là bất như ý,   là vô thường, là không gì nắm bắt được. Thơ Lý Thừa Nghiiệp là một thân chứng về cõi đời này, trong niềm vui đã ẩn tàng nước mắt, trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt, trong những tình cờ gặp gỡ vừa khởi lên đã thấy những rỗng lặng trống không của tâm hiện ra.

Đó là những bài thơ hiếm gặp trên đời này. Đó là thơ Lý Thừa Nghiệp. Đó là những dòng chữ làm chúng ta giựt mình ngay tức khắc. Như dường chữ nhảy ra khỏi trang giấy. Nhiều bài thơ của anh có sức mạnh làm tôi sững sờ, ngồi yên lặng lẽ, và dõi mắt nhìn cho tới dòng cuối bài thơ.

 

Thí dụ, trong bài Nghe Kinh trong thi tập “Về Nghe Bát Nhã Ca” của Lý Thừa Nghiệp, trích:

 

Sáng nghe một bài kinh

Ngũ uẩn bỗng cựa mình

Nhang thắp hồng sám hối

Bụi tàn bay lung linh.

 

Làm sao có thể có những dòng thơ dị thường như thế? Kinh nghe buổi sáng có cả triệu triệu người từng nghe. Khi thi sĩ viết “ngũ uẩn bỗng cựa mình,” chúng ta có cảm giác như trang kinh oằn xuống với cả biển khổ của trần gian. Ngũ uẩn là một khái niệm trừu tượng, là năm nhóm hình thành thân tâm chúng ta - sắc thọ tưởng hành thức - vậy mà, từ khái niệm trừu tượng trở thành cái gì rất cụ thể, để “cựa mình” và để làm hồng lên nén nhang sám hối. Dòng thơ như len vào làn da được, hệt như làn gió ban mai bên cửa sổ.

 

Thơ Lý Thừa Nghiệp cũng phần lớn mang giáo lý nhà Phật, có khi nêu ra những câu hỏi rất mực gian nan, như trong bài Căn Nhà:

 

Sao gọi là sinh, sao gọi là tử

Khi tâm người rỗng lặng trống không.

 

Đó là các dòng thơ tự thân là những câu hỏi làm chúng ta mất ngủ, có khi vật vả cả một đời. Khi tâm rỗng lặng? Lấy chữ đâu để ra thơ? Thắc mắc của tôi cũng hệt như khi đọc thơ của nhiều thiền sư năm xưa, khi sinh và tử là suy nghĩ trọn đời cho một công án, thế rồi một hôm thấy tâm mình rỗng lặng, không thấy tâm mình sinh khởi, và do vậy cũng không thấy tâm mình biến diệt nữa. Thơ Lý Thừa Nghiệp nơi đây là những câu hỏi lớn, với sức mạnh thi ca như thế, hiển nhiên là thơ của anh phải từ máu xương da thịt của anh, không giống ai và như một ngọn núi tách rời các rặng núi.

 

Và do vậy, có rất nhiều khi, thơ Lý Thừa Nghiệp như một dạng kể lại Kinh Phật, không phải như người tụng kinh đời thường, mà như một người hát rong Kinh Phật. Thoạt nghe như thơ tình, thoạt nghe như thơ Thiền, nhưng từng câu chàng đứng hát giữa trận mưa đầy nước mắt của ba cõi vô thường. Thí dụ, như trong bài Mùa Dược Thảo, trích:

 

Núi xanh ngăn ngắt mùa dược thảo

Ta đứng bên đồi mưa Pháp Hoa

Cỏ cây bỗng chốc thay dung mạo

Hà sa hà sa lệ nhạt nhòa

Ta hẹn em về mùa thảo dược

Bùn sen ngơ ngác tiếng mưa rào

Chớ hỏi vì sao con trăng khuyết

Tam giới rơi đều, bọt nước xao.

 

Chúng ta có thể thắc mắc: phải chăng Lý Thừa Nghiệp đang làm thơ, hay đang hát lời Kinh Phật? Vì sao trong thơ họ Lý đầy những pháp ấn chư Phật? Thí dụ như trong bài Trên Ngàn Năm, chúng ta nhìn thấy pháp ấn Vô Thường hiển hiện qua các hình ảnh: mưa suốt những ngàn năm chuyển biến, trong đó cưu mang cả vui và buồn

 

Mưa trên ngàn năm cũ

Hạnh phúc lẫn ngậm ngùi

Lớn ròng theo thác lũ

Đất trời hề đang trôi...

 

Hay như pháp ấn Khổ tức là Bất Như Ý, đã ẩn tàng trong dòng thời gian miên viễn và hiển hiện trong thơ Lý Thừa Nghiệp, qua bài Lên Đồi Xem Mưa Bay, nơi những cảnh đời như lau sậy bị xô giạt hiện lên trên ngàn ngàn trang giấy, nơi mưa trôi lũ cuốn trong dòng thời gian, thoạt sinh rồi thoạt tử không ai hay, trích:

 

Chầm chậm từng hạt mưa

Rơi trên ngàn trang giấy

Những thân người lau sậy

Qua đời không ai hay

 

Và kỳ lạ như thế, các bài thơ nghe như là thơ tình, vì nói về một “em” năm xưa của những ngày mưa hay nắng, khi qua chiếc cầu đã rêu phong mấy độ vô thường, vậy rồi nhắc nhở tới một đường chim bay của tâm thức… Phải chăng là thơ tình, hay thơ Thiền? Như trong bài Đường Chim Bay Ngày Trước, trích:

 

Em về đây ngày mưa hay ngày nắng

Nhịp cầu này mưa gió đã rêu phong

Xin hãy nhớ đường chim bay ngày trước

Bên rặng dừa biển nối biển mênh mông

 

Một số bài thơ Lý Thừa Nghiệp dùng nhiều chữ cổ, hình ảnh cổ. Chữ “thất đại” là trong Kinh Phật, hay các hình ảnh cổ như thời Đường: áo hoàng hoa, bầy hạc cũ, bờ dâu xưa, khói tang điền… Trường hợp này, độc giả không đủ kiến văn về tích cổ có thể không nắm hết ý. Dù vậy, ngay cả khi không hiểu hết, những cảm xúc bùi ngùi cũng hiện ra giữa các dòng thơ của anh, rằng lia thất đại mới có tri giác thực, từng trang thơ của họ Lý hiện lên các bờ khói sương vô thường, như trong bài Vỗ Cánh Thiên Thu,

 

trích:

 

Ly thất đại bước lên thềm tri giác

Áo hoàng hoa lất phất bên sông

Bầy hạc cũ bay về phương khác

Bờ dâu xưa nghi ngút khói tang điền…

 

Đặc biệt, Lý Thừa Nghiệp có những bài thơ tình rất mực đậm đà, nơi đó giai nhân có môi hồng tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch, là gần Tết, tượng trưng cho mùa xuân sắp đến) thắm đỏ dòng mực từ nghiên bút thư sinh (hẳn là chàng họ Lý?). Nhưng còn “rám buồng cau” thì sao? Có phải chữ người xưa ám chỉ “buồng cau” là nữ tính chơm chớm, vừa nhu nhú như cau của cô nàng tuổi mười lăm? Bài thơ Nghiên Mực Đỏ rất mực lãng mạn, trích:

 

Nghiên mực đỏ pha hồng môi tháng Chạp

Gió dậy thì ai thổi rám buồng cau

Lòng ta chở nguyên dòng sông bạc

Trăng mười lăm con bướm mộng khay trầu

 

Một độc đáo của Lý  Thừa Nghiệp còn là thơ lục bát, nơi đây anh viết có khi hệt như ca dao, có khi hệt như người đạo sĩ thơ mộng đi hái thuốc trên núi Cấm, và có khi hệt như quý ngài du tăng. Trích phần đầu của bài Tụng Một Thời Kinh như sau:

 

Vì người tụng một thời kinh

Tôi đi rước nắng về in hiên trời

Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi

Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà

Tâm ai bủa khắp sơn hà

Tôi đi gieo hạt di đà mười phương

 

Thể thơ thất ngôn qua tay Lý Thừa Nghiệp cũng là một tuyệt kỹ. Trong bài thơ đề tặng Hòa Thượng Thích Từ Thông, năm Hòa Thượng 90 tuổi, nhà thơ họ Lý viết bốn đoạn thơ 7 chữ, mỗi đoạn 4 câu, người xưa gọi là thất ngôn     tứ tuyệt. Cũng cần nhắc rằng, Thầy Thích Từ Thông còn được nhiều học giả Việt Nam xưng tặng là Đệ nhất giảng sư về Đại Thừa, với hàng ngàn băng giảng trên YouTube. Trong bài thơ đề tặng Hòa Thượng, Lý Thừa Nghiệp viết, trích 4 dòng cuối:

 

Lô nhô sinh tử hề! Như bụi

Tấm áo phong phanh gió bạt ngàn

Cười khan một tiếng rền trăm núi

Xuống hàng vẫy mực thuyết Kim Cang.

 

Thơ Lý Thừa Nghiệp hay tới như thế, thơ hay tới dậy sóng khắp biển trời trên từng trang thơ, thơ hay tới cả ngàn năm mưa bụi rù nhau về mừng ngày hội chữ nghĩa trên thơ, thơ hay tới mức trăng xanh và nắng vàng cùng về chiếu rọi trên trang chữ. Anh là người dùng thơ để hát các pháp ấn Kinh Phật.

 

Vẫy mực thuyết Kim Cang… Tuyệt vời là thơ. Xin ghi lời trân trọng cảm ơn nhà thơ nơi đây. Rất mực trân trọng.

 

Phan Tấn Hải

Tháng 3/2018.

 
Sách phát hành ở Amazon :

https://www.amazon.com/s/ref=nb_sb_noss?url=search-alias%3Daps&field-keywords=Ly+Thua+Nghiep+Ve+Nghe+Bat+Nha+Ca

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91159)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78325)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 100553)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85356)
T ừ xưa tới nay chúng ta cứ nghĩ rằng sở dĩ con người biết đọc là vì i biết nói, nghĩa là biết tạo ra ngôn từ và phát biểu - còn thú vật vốn không biết nói thì làm sao biết đọc cho được. Thế mà các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm khoa tâm lí và khả năng nhận thức gọi là laboratoire de la psychologie cognitive thuộc trung tâm nói trên, chỉ sau một tháng rưỡi trời khảo sát, đà có thể phủ định điều mà chúng ta hằng tin chắc, khẳng định ngược lại rằng loài vượn babouin tuy không biết nói nhưng biết đọc hẳn hòi.
04 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 98152)
C húng tôi nhận được tin buồn Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Pháp Danh Thiền Ngộ vừa qua đời vào lúc 22 giờ 15 phút ngày 2 tháng Bảy năm 2012 lúc 10:15 pm tại tư gia (Westminster, California, USA) Nhà văn Nguyễn Mộng Giác từng đảm nhiệm chức vụ Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến 2004 và là tác giả của các bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Mùa Biển Động và Sông Côn Mùa Lũ ...
05 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 135721)
C ó thể rồi đóa hoa nở ra không trọn vẹn Gãy mất một cánh thiên thần Đóa hoa cũng chẳng có mùi thơm Nhưng tôi mong chờ điều gì đó khác hẳn
04 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 104965)
N gày 6 tháng năm 2012, ông François Hollande thuộc Đảng Xã hội (PS, cánh tả) được bầu làm tổng thống nhiệm kì 2012-2017. Và sẽ chánh thức được chuyển quyền thay thế đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc Đảng Liên hiệp Phong trào Bình dân (UMP, cánh hữu) ngày 15 sắp tới. Từ đây tới đó, ông Nicolas Sarkozy vẫn còn là tổng thống, với đầy đủ quyền lực tối cao. Trong thời gian chín mười ngày này, nước Pháp coi như có hai vị tổng thống, một cánh hữu đương nhiệm và một cánh tả sắp chắp chánh.
31 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 97952)
N goài tập Gái quê, do chính gia đình bỏ tiền ra in năm 1936, trong suốt những năm bệnh tật và nghèo khổ, Hàn còn phải lo tìm cách in thơ, nhưng những cố gắng của Hàn đều thất bại. Hoàng Diệp viết: “Suốt ba năm kế tiếp 1937, 1938 và 1939, ngoài sự sáng tác Hàn Mặc Tử phải mất nhiều thì giờ trong việc tìm kiếm lại tất cả những bài thơ chàng đã làm, để chuẩn bị cho việc ấn hành”. Hai người bạn tâm giao là Quách Tấn và Trần Thanh Địch không có đủ tiền in. “Cuối cùng Thế Lữ xuất hiện và hứa giúp chàng hoàn thành việc ấy [...] Nhưng “Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin đầy tang tóc kết thúc công việc in thơ chàng. Thế Lữ vừa cho chàng biết rằng trên một chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của chàng đã bị bỏ quên và không tìm lại được nữa”.
31 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 135625)
M ây cũng trắng như ngày xưa cố quận Gió muôn chiều hôm sớm biết về đâu Sao cứ mãi một đời ta lận đận Quảy trên vai chung thủy mấy lượng sầu
31 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 109693)
C ăn bệnh kì lạ của ông ngày một nặng. Tôi vẫn mang bánh mỳ, sữa và vài ba can nước lên cho ông đều đặn. Vài ngày nữa là tôi phải chia tay với ông. Chuyến đi này có thể là mãi mãi. Ông nằm trên giường, mỗi cử động của ông đều khiến chân giường kêu ken két. Những chiếc chậu cũ kĩ bày lộn nhộn. Mấy ngày nay không có mưa và nếu không phải tôi vô tình tới cái làng này thì rất có thể ông sẽ chết khô. Dân làng đã đi hết rồi.