- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Kẻ Bên Ngoài

08 Tháng Tư 20162:12 SA(Xem: 26559)

KE BEN NGOAI 1
Ảnh Internet


     Thế là, hắn đã quay lại.

     Đã có người thấy hắn trước tôi. Có lẽ không phải chỉ một mà nhiều người đã thấy hắn trước tôi. Lạ gì chứ, khu phố này chẳng hề mất an ninh tới mức cần đến lệnh giới nghiêm. Hắn hoàn toàn có thể đi lại tự do, nằm lăn giữa đường ngủ, thậm chí tán tỉnh các cô gái trẻ đẹp…Bộ dạng hắn vốn nhếch nhác. Bộ đồ xô gai chẳng biết mặc từ bao giờ đã rách tan nát, sánh đặc vì đất và bụi bẩn. Hắn không cao lắm nhưng gầy rộc. Xương nhô hết ra ngoài. Má hắn hóp sâu, cái miệng lúc nào cũng há để lộ ra hàm răng xỉn đen, vàng ố. Hắn chột bên mắt phải. Mắt trái thì lúc nào cũng mở trừng trừng, trắng dã. Hắn đi đất, hai bàn chân phồng rộp to tướng như bánh đa nhưng cũng chai sần và dày như da trâu. Mỗi bước đi của hắn đều để lại những dấu chân đen kịt bùn đất. Đã có lần tôi thấy dòi rơi ta từ người hắn. Những con dòi béo múp, ngoe nguẩy nhằm bò khỏi dấu chân hắn. Nếu không ai dẫm nát hoặc bị kiến ăn thì lũ dòi sẽ trở lại vo ve quanh hắn.

     Hắn chẳng một lần gây hấn với tôi. Tôi cũng luôn tránh mặt hắn vì lý do mình quá sạch sẽ. Ấy thế mà tôi lại luôn thấy hắn gai mắt. Có lẽ vì bộ dạng nhếch nhác, thối hoắc mùi rác rưởi của hắn chăng? Đây chẳng phải lý do lớn để tôi thấy cần phải loại bỏ hắn khỏi tầm mắt mình. Nhưng rõ ràng là thế. Khi nhìn thấy hắn thọc tay vào bới thùng rác, rồi hí hửng khi tìm được một miếng thịt thừa, hoặc chút patê còn dính lại trên một mẩu bánh mỳ đã mốc trắng tôi thấy phát tởm. Lúc đấy tôi đã muốn kết liễu hắn ngay, bằng gì cũng được. Nhưng tôi đã không xuống tay. Gia cảnh của hắn tôi không được biết, cũng chẳng ai biết. Giống như hầu hết kẻ vô gia cư, hắn vạ vật ngoài đường xá, gầm cầu, bãi rác hoặc ghế đá công viên. Không biết vì sao gần đây hắn lại thường xuyên lui tới khu phố này. Nhiều người cũng không ưa gì hắn. Họ không nói ra nhưng tôi biết là thế. Họ bố thí đồ ăn cho hắn, cho hắn uống nước, thậm chí còn hỏi thăm. Tôi biết tỏng. Họ nói thế vì có người nhìn họ, cũng vì đó là cách để họ giống con người hơn. Rất nhiều người muốn đập chết hắn. Đừng nghĩ là tôi võ đoán bởi đã có người làm thế. Kẻ đầu tiên tấn công hắn còn là chú ruột tôi. Chú tôi rất ôn hòa, dường như cả đời chẳng hại ai bao giờ. Chú tôi không bia rượu, thịt cá rất ít khi ăn. Mỗi tháng chú tôi thường đi lễ chùa, quỳ rất lâu dưới tượng tam bảo. Tôi nghĩ ông chú mình có căn tu, hoặc quá dư thừa lương thiện. Cái chết của chú tôi sẽ nhẹ nhõm như cất một hơi thở. Từ khi hắn xuất hiện chú tôi bắt đầu thay đổi. Tôi vẫn nhìn thấy sự nhã nhặn, ôn hòa của chú nhưng đấy là khi chú tôi chưa ở một mình. Lúc mọi ô cửa khép lại, chú tôi bước vào phòng thì vẻ mặt méo hẳn đi. Quả đấm cứ thế giáng nhiều lần vào vách tường. Miệng chú không ngừng chửi rủa. Ở vách tường bên kia, qua khe nứt tôi thấy chú đấm đá tay chân như đang vật lộn với một ác quái vô hình. Tiếng chửi không to lắm nhưng thế là đủ để tôi thấy choáng tai. Mấy lời nguyền rủa này sẽ hủy hết kinh phật trong bụng chú mất thôi.

     Chú tôi lén lút rời khỏi nhà, mang theo một cây gậy. Cũng như chú, tôi lén lút đi theo. Đêm hôm đấy tôi nhớ như in. Chú tôi xô ngã hắn xuống đất rồi bổ nhiều nhát gậy lên đầu hắn. Vẻ mặt chú tôi hung ác lạ thường. Chân mày nhướn cao lên, gân xanh nổi cộm từng sợi. Mỗi nhát gậy bổ xuống đều hết lực. Nếu đèn sáng hơn có thể tôi sẽ thấy cả mạt cưa. Nhìn chú tôi thỏa thê lắm. Hắn chẳng phản kháng, chỉ bò lăn dưới đất. Hắn không kêu tiếng nào, cũng chẳng chạy trốn. Con mắt trái của hắn nhìn chú tôi, cũng như nhìn cả tôi. Sau đấy, đội dân phòng đã phát hiện ra và giải chú tôi về đồn. Tôi không rõ chuyện sau đấy thế nào. Nghe người nhà tôi nói lại thì chú tôi khóc rất nhiều. Ai hỏi chú chỉ khóc. Bởi chú tôi chưa tiền án, tiền sự nên chỉ bị phạt hành chính. Trở về nhà. Chú tôi không nói gì về chuyện đã xảy ra. Bởi phòng tôi liền kề với phòng chú nên chú làm gì tôi đều biết. Qua bức vách, tôi nghe thấy tiếng gõ mõ. Chú có đọc một bài kinh. Sớm hôm sau, gia đình tôi phát hiện ra chú đã treo cổ trong phòng. Thật lạ, tối hôm đấy tôi không nghe thấy tiếng gì đổ vỡ ở phòng chú cả. Hay do tôi ngủ say quá. Cái mõ, quyển kinh nằm tứ tung dưới đất. Hàng chục viên hạt tràng rơi khắp nhà.

Còn hắn, vẫn lang thang trong khu phố. Nghe kể, trên phường từng gô cổ hắn lại để điều tra về thân thế nhưng không có kết quả. Sau một thời gian tạm giam, hắn được thả ra.

*

     Chưa một ai nghe thấy hắn nói bao giờ. Hắn từng vươn vai, ngoác miệng ngáp nhưng không thành tiếng. Lúc xin ăn, hắn chỉ chìa tay. Bị đánh đau, hắn cũng chẳng kêu lấy một tiếng. Lúc nhồm nhoàm ăn, tôi vẫn thấy cái lưỡi của hắn. Giả thiết bị mất một mẩu lưỡi là không thể. Bị câm bẩm sinh? Có lẽ là thế. Người hắn dính đầy đất và cáu ghét. Chắc hắn cũng chẳng tắm gội. Cơ thể hắn lở loét mủ và mụn cóc. Người đi đường luôn bịt mũi mỗi khi thấy hắn. Móng tay hắn đen kịt đất. Quần hắn rách đến tận đầu gối. Vảy đen đóng thành từng lớp dày. Họ nhường hẳn đường rộng cho hắn. Sang đường hắn chẳng đợi đèn đỏ. Xe cộ phóng vèo vèo, còn hắn điềm nhiên mà đi. Hắn không né, không vẫy tay xin đường, ngay cả chút sợ hãi khi một chiếc xe phóng vọt qua mặt. Tôi mong một chiếc xe tải không cầm lái kịp đâm thẳng vào hắn. Ác cảm về con người lở loét này vẫn không chịu rời tôi ra. Cái chết của chú tôi hắn vô can nhưng không hoàn toàn là vô tội. “Như một con chó ghẻ…” – Tôi nói thẳng ra miệng mà không sợ bị ai phán xét. Từng tuần trôi qua, hắn vẫn chưa chịu rời khu phố. Khu này đâu phát đạt tới mức trở thành miếng ngon cho những kẻ lười. Vẫn có người cho hắn đồ ăn. Đều là đồ ăn thừa nhưng chưa đến mức ôi thiu. Tôi đã một vài lần đụng mặt hắn trên đường. Nhìn gần tôi càng thấy ghê tởm. Trên người hắn không chỉ là mùi hôi từ quần áo, cáu ghét hay đất bẩn. Có cả mùi thối của cứt đái, bùn cống và thật kinh khủng khi tôi thấy một tổ dòi trong thịt hắn. Con mắt trái, ngọn đèn soi đường duy nhất chỉ một màu trắng đục. Mắt hắn không hề có lòng đen. Cũng không có lấy một sợi thần kinh trong tròng mắt. Kì lạ thay dù không hề có đồng tử, hình ảnh tôi vẫn in lại trong đấy. Tôi thù nhất con mắt hắn. Bởi nó đủ lớn để tôi soi được mặt mình. Để hình mình phản chiếu trong mắt con vật này thì thật sỷ nhục. Tôi nôn một bãi nhưng không quên ý nghĩ muốn tẩn cho hắn một trận. Lúc đó ngoài đường có người và tôi đã phải lấp sát ý bằng cách rẽ sang lối khác.

     Tối hôm đấy tôi không ngủ được vì nóng. Hắn vẫn vảng vất trong đầu tôi. Uống một cốc nước lạnh, tôi bớt nóng hơn nhưng tinh thần vẫn đờ đẫn. Tôi dị ứng với mùi xú uế. Kể cả khi đấy là mùi từ người mình. Nghĩ rằng ngoài đường sẽ mát hơn, tôi ra khỏi nhà. Tôi mặc mỗi chiếc áo ba lỗ, quần đùi, dép tổ ong. Tôi cao 1m80, vì tập thể hình thường xuyên nên tôi khá cường tráng. Ăn mặc thế này có khi lại hút hồn được một cô nàng hư hỏng. Ngoài đường mát, kha khá người đi lại.

     Đi được một lúc tôi gặp hắn. Hắn ngồi dựa vào cánh cửa kéo của cửa hàng quần áo. Cửa hàng đóng lâu rồi. Hè vắng, thỉnh thoảng lại có gió mát, thằng cha này cũng thật khéo chọn địa điểm. Hai tay hắn đặt trên bụng. Một đàn ruồi bay quanh người hắn tạo thành những vòng xoắn ốc không giao nhau. Hắn đang ngủ thì phải. Mùi hôi thối chẳng dịu đi mà nồng nặc hơn khi có cơn gió thổi qua. Cần phải đi thế nhưng tôi đã ở lại. Trong đầu tôi lúc đấy chẳng nghĩ gì. Thứ quái gì đã níu tôi lại, và còn sai khiến để bàn chân tôi bước lên từng bước, thật chậm về phía hắn. Ngọn đèn cao áp không sáng lắm để tôi có thể thấy trọn vẹn thân hình hắn. Như vậy cũng tốt. Cứ nhá nhem thế này tôi sẽ không phát hoảng nếu có nhìn thấy một đoạn thịt chảy mủ vàng bị rữa đến tận xương. Nhịp tim tôi vẫn ổn định. Hắn kia, ngay trước mặt tôi. Chợt, con mắt trái đáng lẽ đã nhắm lại mở thô lố. Hắn thấy tôi và nhỏm dậy. Tôi ở gần hắn lắm, lúc nhìn vào mắt hắn tôi còn thấy cả bộ mặt mình. Nỗi thù hằn từ đây. Chính cái ảnh tôi trong mắt hắn. Ở cái màu trắng đục, chỉ thấy tôi đang đứng. Trông tôi lở loét không khác gì hắn. Nhìn vào mắt tôi, hắn có thấy mình. Cũng lở loét, chắc thế. Nhưng lúc này đây các ngón tay tôi đã chụm lại thành quả phật thủ. Một quả đấm, thêm một quả nữa. Đấm, rồi đạp, cùi trỏ vào mặt, vào bụng, rồi hạ bộ. Định ngừng tay để chạy đi vì sợ bị ai bắt gặp nhưng lúc thấy bản mặt lở loét của mình trong mắt hắn, sát ý trong tôi lại sôi sục. Hắn co quắp trong trận đòn. Mỗi cú đánh của tôi đều hết lực. Cả người hắn giãy lên. Chưa bao giờ tôi đấm mạnh và điên cuồng đến thế. Quả đấm dính vào người hắn nhưng vẫn tiếp tục ấn mạnh vào như muốn xuyên thủng con người hắn. Cũng lạ là chẳng một ai can tôi. Có thể đoạn đường này quá vắng hoặc họ thấy nhưng thây kệ.

     Một lúc sau, khi chắc chắn hắn đã chết hẳn tôi mới dừng tay. Đèn cao áp vẫn mờ mờ nhưng tôi vẫn có thể thấy đôi bàn tay dính đầy máu. Ruồi bay toán loạn, nhiều con chui cả vào tai tôi. Toàn thân tôi nhễ nhại mồ hôi và máu. Thịt hắn dính một ít lên ngón tay tôi. Không phải thịt, có lẽ là mủ, một đoạn ruột, chất nhầy hoặc cái gì đấy kinh tởm hơn. Con mắt trái đã không mở ra. Nó còn chẳng lồi lên sau vành mắt, giống như đã biến mất khỏi hốc mắt. Tôi rất sợ nếu ai đó đã thấy tôi và lén lút chạy trốn để hôm sau sẽ báo với chính quyền. Mồ hôi tôi vã ra. Sống lưng lạnh buốt như dựa phải một phiến băng. Không kịp phi tang hắn, tôi chạy khỏi hiện trường. Cái áo ba lỗ tôi đã vứt vào thùng rác. Về đến nhà tôi lăn ra giường ngủ vì quá mệt.

      Tôi cứ nghĩ chỉ ít ngày nữa trên An Ninh Thủ Đô sẽ có một bài viết về nghi án khu phố này. Còng số tám mở sẵn, chỉ đợi đôi tay tôi giơ ra. Tôi đâm ra sợ ra ngoài, sợ tiếng đỗ xe ngoài cổng hoặc ngay đến một tiếng bấm chuông của người đưa sữa đậu nành cũng làm tôi rùng mình.

     Đến chiều, tôi thấy hắn qua khung cửa sổ. Sợ rằng mình nhìn nhầm tôi chạy xuống đường để nhìn thật rõ. Đúng là hắn. Vẫn cái áo xô gai rách bươm, cơ thể lúc nào cũng nồng nặc như cái xe rác. Con mắt trái mắt láo liên. Cứ cho rằng trận đánh hôm qua không lấy nổi mạng hắn thì hắn cũng phải bị thương nặng đến mức đi không nổi. Tôi vẫn nhớ là mình đã bẻ ngược tay hắn ra sau, có cả tiếng xương gãy rôm rốp. Một cú đấm hết lực của tôi có thể làm vỡ đôi cả gạch nung cơ mà. Giờ đây hắn đi lại bình thường ngay trước mắt tôi. Tay còn huơ hoắng, còn chìa ra, còn bốc cơm nguội ở âu…

      Hắn thấy tôi. Rồi chìa tay xin ăn. Tôi đứng yên đó, chỉ tay ra hướng khác. Hắn đi. Mái tóc hắn rối bù, bết cứng lại, nhiều sợi chổng lên chổng xuống. Dáng đi hắn vẫn thế, lúc lệch sang trái, khi rẽ sang phải, rất chậm. Ác cảm với hắn vẫn còn đấy. Ngay lúc hắn ngoảnh ra, rồi con người tôi hiện ra trong con mắt trắng đục đấy tôi đã điên tiết rồi. Chẳng rõ vì sao. Tôi chỉ biết là thế.

*

     Tôi thường đi xa khỏi khu phố để không nhìn thấy hắn. Công việc hiện tại của tôi là người mẫu ảnh. Chỉ là hợp đồng ngắn hạn, thậm chí chẳng cần đến hợp đồng. Hễ họ cần là gọi cho tôi. Nhiều chỗ đã yêu cầu tôi làm người mẫu đồ lót. Tôi nhận lời ngay. Để giữ vóc dáng và cơ bắp tôi thường xuyên tập thể hình. Dạo này tôi tập thường xuyên hơn. Ý nghĩ muốn đập chết hắn vẫn thôi thúc. Rất khó để quên cái bản mặt hắn. Có phải những thứ kinh tởm thường dễ nhớ hơn, hay vì tôi đã một lần gây tội với hắn nên chẳng quên được.

     Ở phòng tập đều là những tay đàn ông vạm vỡ. Nhiều lứa tuổi ở đây, chúng tôi vẫn thường bắt chuyện hoặc giúp đỡ nhau khi tập. “Thế có ai biết thằng cha đấy không?” – Tôi hỏi. “Chịu.” – Họ nói. Chỉ rất ít người là biết hắn. Số người lẻ đấy hoặc ở cùng khu phố tôi, hoặc ở khu phố bên cạnh, cũng có thể mấy người ở xa nhưng đã từng nhìn thấy hắn. Liệu đã người nào trong phòng tập này đã hành hung hắn chưa. Tôi hỏi và họ nói chưa. Tôi biết họ nói dối. Nhiều người có quả đấm to hơn tôi. Bụng sáu múi, bộ ngực vồng to, săn chắc lại trông như loài tinh tinh. Có người còn nâng được tạ 100. Nếu họ cũng thấy gai mắt thì sẽ như tôi, tấn công hắn khi trời tối. Và tôi tin thế nào hắn cũng sẽ trở lại trước mặt họ. Nhìn chằm chằm họ bằng con mắt trái đục ngầu. Hình của họ được chiếu ngược lại trong con mắt quạ tha đấy. Họ sẽ thấy mình bị lở loét, bị thối rữa. Không khó tin nếu họ thấy răng lợi mình bị tụt ra, mọi cơ bắp teo lại như cái xác khô. Mấy cô nàng điệu đà thường kiêu hãnh về nhan sắc sẽ ốm cả tháng trời nếu lỡ nhìn vào con mắt hắn. Cái kẻ này đây, sẽ chẳng tổ chức từ thiện nào chịu chứa chấp. Ngay đến lũ người vô gia cư thường tụ tập ở gầm cầu, công viên hoặc các công trường bỏ hoang cũng chẳng kết bạn với hắn. Mấy người đấy dù bẩn thỉu nhưng vẫn còn thấy vía người. Hắn thì không. Tôi nghĩ hắn chỉ mang bộ dạng người, hoặc là một dạng Zombie.(1)

     Đài báo hai hôm nữa sẽ có một trận mưa lớn. Mấy hôm nay trời oi, chốc chốc lại mưa bóng mây. Nhiều người ra đường phải mang theo áo mưa và ô. Có người mặc sẵn vào phòng khi cơn mưa đột ngột đến, phun ướt họ rồi trốn vào trong nắng. Đường xá nửa ướt, nửa khô ráo. Nắng không quá gắt nhưng oi quá. Lúc nào tôi cũng thấy khô cổ. Khu phố tôi ở có một địa điểm café. Quán đẹp, mặt tiền đẹp nhưng giờ chẳng mấy khách lui tới. Nguyên do là từ hắn. Dù hắn chẳng bao giờ vào quán xin café uống nhưng việc hắn có mặt đã làm vấy bẩn không gian, khiến tách café ngon mang mùi bùn hầm mộ. Có lần hắn nằm ngủ ngay ngoài quán. Người ở quán chửi bới, rồi hất nước, hắn vẫn chẳng buồn rời đi. Không ai kéo hắn đi cả vì hắn quá bẩn thỉu còn người dân phố này thì quá sạch sẽ. Ruồi bay thành từng đàn quanh hắn. Tôi nghĩ hắn chẳng còn mấy thịt đâu. Ruồi đã xơi hết rồi. Cũng có thể hắn giống như người đàn ông trong bộ phim The Fly(2) mà tôi từng hãi hùng tới mức không dám xem lại lần thứ hai.

   “Thằng bỏ mẹ đấy dai thế không biết.” – Một người nói.

   “Ai đập chết nó đi.” – Một người khác nói vào.

   “Ai đập đi.” – Hình như một người nữa.

     Sau đấy nhiều cái miệng luyến thoắng. Rồi chỉ mặt nhau. Tôi không buồn nhìn ra xem có ai quen hoặc người nào hăng máu nhất. Một hồi tranh cãi, đôi co nhau, tất cả đưa ra biểu quyết hòa bình. Lý do họ kết lại câu chuyện là về tình người, giá trị sống, quyền làm người và một mớ hầm bà lằng khác cốt để gột lại danh dự mình sau những lời đao phủ.

     Mỗi khi hắn đi qua dãy nhà nào, thì cửa ngõ nhà đấy lại thối hoắc. Mấy dấu chân đen vẫn có thôi, thậm chí còn có dòi ngoe nguẩy dưới đất. Nước hoa, nước xịt phòng, thậm chí đến thuốc tẩy cũng không át đi mùi hắn. Nhà tôi hắn cũng từng viếng qua. Cũng để lại dấu chân đen, cũng để lại dòi. Người nhà tôi đã rửa sạch lại ngõ bằng nước xà phòng. Bọn trẻ con bị cha mẹ quản chặt hơn. Trừ lúc đi học, còn thì chúng không được ra ngoài phố. Đấy chỉ là sự lo lắng của những người lớn. Họ sợ rằng bọn trẻ sẽ bị lây bệnh của hắn. Còn gì đáng sợ hơn việc một ngày nào đấy lại có một đứa trẻ giống hắn. Thời bình rồi, người ta sợ phải giết người lắm, trừ phi có ai đấy thay mặt họ giết người mà họ vẫn vô can và còn có cơ hội đứng ngoài lên tiếng như một nhà lương tâm bất đắc chí.

   “Mẹ kiếp, tởm quá đi…” – Lại một người nữa chửi rủa.

     Tôi bỏ tách café lại rồi ra quầy gửi tiền.

*

     Tôi ngủ không được vì nóng. Điều hòa vẫn chạy kia mà. Khắp nơi trong phòng nhà nghỉ vẫn mát lạnh. Vậy mà tôi vẫn thấy nóng. Cái cơn nóng này đây không làm tôi đổ mồ hôi, cũng không khiến da tôi khô rang lại. Chúng thôi thúc tôi phải tìm đến nước. Nước ở tủ lạnh, rồi nước lã tôi bật ở vòi nhà tắm cũng không làm cơn nóng trong người tôi dịu xuống. Không lẽ phải uống đến no căng bụng để hạ hoàn toàn cơn nóng? Hơi nóng từ thân nhiệt tôi thì phải. Cái cảm giác này tôi từng nhiều lần trải đến nhưng không giống lắm. Nửa thân dưới của tôi vẫn ổn định tới mức tôi còn kiểm soát được. Tay tôi nóng ran. Lúc xiết lại thành quả đấm tôi thấy nắm quyền mình như bốc cháy. Mở cửa rèm tôi thấy trời đã tối. Lúc đặt phòng tôi có nhìn đồng hồ. Ba giờ chiều. Sau khi dùng bữa qua loa tôi đã đi ngủ ngay vì quá mệt. Thế mà đã tối mịt rồi sao. Tôi không chắc giấc ngủ mình kéo dài đến thế. Mở điện thoại. Tôi thấy mới 6h chiều. Có lẽ hệ thống báo giờ ở điện thoại trục trặc.

     Đi xuống trả phòng, tôi có hỏi giờ cô gái lễ tân. 6h10, không trễ lấy một giây.

     Ra khỏi nhà nghỉ, tôi tính gọi cho vài đứa bạn để đi Bar hoặc lai rai ở quán café, không thì trở về nhà dùng bữa với gia đình. Tôi dần không thấy đường vì quá tối. Mây đen rất dày và không ngừng kéo đến. Nhiều nhà đã tắt hết đèn. Một giọt nước va xuống đầu tôi. Thêm vài giọt nước, rơi trúng vai, mặt. Mây kéo đen cả khu phố, rồi vạn giọt nước dội xuống khắp nơi như một cuộc dội bom. Mấy kẻ qua đường trú mưa ở các mái hiên. Số khác mua áo mưa hoặc ráng phóng xe thật nhanh, mong về kịp đến nhà. Tôi không kịp chạy đến mái hiên nào vì mọi luồng sáng đã tắt cạn. Mắt tôi không mở nổi vì bị nước văng vào. Tôi thấy rát và vì cơn mưa quá lớn nên dù có mở to mắt cũng chẳng nhìn rõ.

     Chạy loanh quanh một hồi, quần áo tôi ướt nhẹp. Trong tiếng mưa tôi nghe thấy một thứ tiếng khác. Dù âm vang này vẫn bị lẫn vào tiếng mưa nhưng tôi vẫn nghe được đại khái. Tiếng ai đấy đang chửi bới. Chính là thế. Màn mưa vẫn rất dày. Nhiều khe nứt dưới đường đã bị đổ tràn. Cống dềnh lên hôi thối. Tôi không thấy rõ mấy nhưng có lẽ lòng đường cũng bắt đầu ngập.

     Tiếng này rất gần. Đi vài chục bước nó đã sát bên tai. Mắt vẫn xót, khó mở to nổi nhưng tôi vẫn thấy hàng mấy chục người đang tụ tập lại. Họ chẳng đứng yên mà đang huơ hoắng. Kẻ cầm gậy, kẻ lăm lăm viên gạch, số khác thì đạp chân. Tiếng họ chửi rủa, gào thét ầm ĩ và hoàn toàn át đi tiếng mưa. Tôi chen vào không khó khăn gì.

   “Ra thế…”

     Giữa lòng đám người là hắn. Cái tên lở loét không tên tuổi lúc nào cũng đeo bám khu phố và sinh tồn bằng việc xin ăn. Giờ hắn nằm còng quoeo nơi đây, cô độc hứng chịu trận đòn từ bọn chúng tôi. Mặt mũi mấy người này trông hung dữ. Nét mặt họ làm tôi nhớ đến người chú của mình. Chính là thế. Cái tia nhìn hả hê này không khác nhau là mấy. Tôi không can họ mà đứng yên đó. Có người muốn đẩy tôi để chen vào nhưng tôi quá khỏe để bị xô ngã. Mưa vẫn xối xả. Một tầng mây đen nữa lại phủ lên. Khu phố tối thêm và tôi cũng không nhìn rõ mặt đám người hung dữ này. Nhiều đầu gậy bổ xuống. Rồi có kẻ lấy chiếc ghế nhựa đập mạnh tới mức vỡ tung ra. Hắn giật đùng đùng nhưng chẳng hét tiếng nào. Tôi không đủ sức để cản nổi bọn người này, thế nên tôi đã dồn sức, hô một tiếng lớn để bọn người này tạm dừng. Chỉ cần nửa giây ngắn, tôi sẽ có thể đem pháp luật ra để hăm dọa họ. Cũng lúc này đây, một ít mây đen lại hé ra. Chút ánh sáng đâm xuống chỗ chúng tôi và soi bừng khuôn mặt hắn. Con mắt trái độc nhất của hắn. Và tôi thấy hình mình được chiếu lại. Da mặt tôi giống như bức tường bị ngấm nước nhiều năm, đang tróc ra từng mảng. Cái mũi tôi như bị gọt mất, trơ ra hai hốc đen. Bởi lý do da đã bị tróc nên tôi thấy thịt, rồi xương mình lồi ra ngoài. Cái miệng đã ngấu nghiến không ít đàn bà giờ thật thảm hại. Viền môi lở loét, thậm chí một nửa môi đã tuột đi đâu mất. Tôi nhìn thấy rõ từng cái răng của mình. Tôi chỉ nhìn được thế vì cái lỗ nhỏ, mang đến ánh sáng đã bị mây đen lấp mất. Trời lại mưa. Tiếng hạt mưa chạm mái tôn nghe ào ào như núi lở.

     Luồng khí nóng tưởng đã dịu bớt, nay lại được dịp bốc lên. Có gì đấy đã thôi thúc nắm quyền tôi nắm chặt lại và giáng hết sức bình sinh vào tên người đang nằm co cụm trong đám đông. Chẳng phải nỗi oán hận. Cũng không phải lời mách bảo từ trong óc rằng đấy là kẻ mang trên người con số 666(3). Lưỡi lửa đã cuốn vào tôi và tôi cần chạy đến suối. Nhiều tiếng nói vẫn vang quanh tai tôi. Không có tiếng của tôi nhưng mỗi thương tích của hắn đều có dấu tay tôi. Cái mặt đáng kinh tởm của tôi dường như đang cười nhạo chính tôi từ trong con mắt hắn. Không thể nào đấy lại là tôi. Mưa xối xả. Trời tối hơn, không hẳn vì mây đen hay đèn tắt. Tôi không nghĩ lý do nào tốt hơn, nhưng đây có thể là một sự hưởng ứng của cả cộng đồng đang vây quanh hắn.

     Xương vỡ, thịt văng, dạ dày, ngũ tạng bắn ra và dính lại người mỗi chúng tôi.

     Từ xác hắn rất nhiều ruồi bọ bay ra. Có lẽ thế thôi vì tôi không thấy rõ hẳn. Tôi chỉ nghe thấy tiếng vo ve trong tai, rồi một con côn trùng rẽ màn mưa, đâm lạc vào mặt tôi.

     Tôi rã rời vì phải đấm đá quá nhiều. Bọn người quanh tôi nghiêng ngả. Đâm sầm vào nhau. Chưa có sự thỏa chí, và tất cả lại chụm lại như một bầy kên kên. Bủn rủn tay chân, mùi hơi người lẫn lộn. Tôi bị kẹt lại trong đám người. Phải, trái, ở sau đều có người. Người lạ, người quen, nếu có ai rọi đèn vào có khi tôi còn thấy người nhà mình. Vẫn có kẻ muốn chen lên để ít nhất lóc đi một miếng thịt hắn nhưng từng khối người đã tê cứng như bị trát keo dán sắt. Không thở ra hơi, tôi muốn xô hết ra để chạy ra ngoài. Sức lực tôi cạn dần. Từng thân người vẫn chồng chất lại như một bầy kiến lửa. Hắn hẳn đã chết và xác còn bị xé nát ra. Năm mươi mảnh? Có lẽ nhiều hơn thế. Con mắt quái quỷ kia…Sao tôi vẫn thấy nó vẫn mở và soi chiếu ảnh mình bằng thứ hình hài ung hoại.

     Mưa xả xuống, dữ dội như một trận bão.

*

     Lúc tỉnh lại tôi thấy mình nằm ngoài đường. Mưa tạnh, nắng ấm, và đường thoáng không chút nước đọng. Không một mùi hôi thối. Đường xá không một mảnh rác, vỏ lon hay xác lác. Ngay đến cống rãnh cũng đã thoát đi hết. Trận mưa ngày hôm qua đã rửa trôi tất cả. Mọi vật xinh tươi, nảy nở như vừa qua đại lụt Nô-Ê.

     Sự việc ngày hôm qua như khắc lại vào đầu tôi. Trí não tôi dường như chỉ lưu nhớ lại mỗi điều này. Hắn bẹp dí trong vòng vây của chúng tôi. Không chút phản kháng. Bất lực như con vật tế thần đã bị phế đi tứ chi.

     Trong một ngày mưa lớn, đường lầy lội, tối, ẩm ướt và nhiều người.

     Mặc áo mưa hoặc không. Cầm ô hoặc không.

     Kẻ lạ kia bị dồn vào một cái góc hẹp được tạo ra bởi những thân người. Bức tường này cứ thế ngày một dày lên. Thịt đè vào thịt. Chồng chất lên như tường thành. Chúng biết chuyển động, và xoay thành vòng tròn. Cái thân thể lở loét, còi cọc kia bị lóc nham nhở nhưng con mắt thì chưa chịu khép. Nó mở trừng trừng, lồi ra khỏi hốc mắt và giống như một chiếc máy ghi hình, nhiều thước phim được thâu lại.

     Hắn không quay về khu phố này nữa.

     Người con phố này ngại nhìn nhau. Chào, rồi phớt lờ nhau. Tôi có hỏi hắn và ai cũng đều lắc. Không ai nhớ về ngày hôm đấy ư. Họ quên, còn tôi thì nhớ. Các hình hài nứt toác và bị rút khỏi bộ xương. Không riêng hình tôi mà toàn bộ bọn họ đều bị chiếu ngược thành ác quỷ trong tròng mắt trắng đục đấy.

   “Ngày mới tốt lành…”

     Cũng trong cái ngày tốt lành đấy, tôi hay tin một người ở khu phố mình đã tự chọc thủng mắt mình. Xe cứu thương đã đến tận nhà để đưa người đấy vào viện.

*

     Vào phòng người chú quá cố, tôi bị trượt ngã vì dẫm phải một viên tràng hạt.

     Nhìn vào tấm kính cửa sổ, tôi thấy bóng mình lờ mờ. Đi gần về phía tấm kính vài bước, hình tôi rõ hơn. Tôi dẫm vào vài viên tràng hạt nhưng không ngã. Một vài viên dính dưới lòng bàn chân tôi và rơi xuống khi tôi nhấc chân lên.

     Nhìn sát vào tấm kính, tôi chợt run lên nhưng vẫn đứng yên.

     Mặt mũi tôi vẫn tươi tỉnh. Nửa thân người tôi hòa với chút khung cảnh phía ngoài. Trong tròng mắt mình, hình của tôi được phản chiếu lại. Nó mờ tối trong hạt đen. Tôi nhìn chằm chằm, và cái ảnh mang hình tôi cũng nhìn lại.

     Thế là,

 

 

(1) Zombie : Thây ma, xác chết sống dậy. Phổ biến trong văn hóa phương Tây từ thế kỉ 19, là nguyên mẫu cho nhiều bộ phim kinh dị.

(2) The Fly : Một bộ phim kinh dị của Mỹ.

(3) 666 : Trong chương cuối của kinh Cựu Tân Ước, ám chỉ dấu ấn của Satan.

 

 

 

TRU SA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95043)
Sự thật là tôi không khóc khi chị cướp mất người đàn ông của tôi. Chị trơ trẽn mơn trớn anh ngay trước mắt tôi, rồi lại giả đò lúng túng vì những hành động ấy. Giá tôi có thể đẩy chị về nơi thật xa. Đẩy chị vào khoảng không vô chừng của bóng tối, trong sa mạc, cát bụi.
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 82062)
Thật trơ trẽn, chúng nó hít hà, giá mà bóp vú em - dù chỉ qua lớp áo bà ba và áo nịt - được cái thì dù tử thần bảo phải nhượng cho mươi tuổi thọ, chúng cũng ký cả hai tay. Chàng cười diễu, bọn mày chẳng biết thế nào là tình ái. Chẳng chịu khó tìm phương đến đích. Nếu chinh phục được họ, sá gì hai quả đào mưng sữa kia chứ, bao nhiêu hầm mỏ ruộng nương mà các cô không dâng sạch cho tình lang?
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94032)
...Cô y tá nựng tôi! Tôi chồm lên ngang vai rồi liếm vào mồm, cô ngã ngửa ra, tôi tiếp tục vồ lấy. Tôi hôn cô. Tôi hít cô. Tôi xé quần áo cô. Tôi kiên quyết không rời cô. Tôi không có ý thức, mà cũng chẳng biết đạo đức là gì? Tôi đã tấn công cô y tá, đấy là họ bảo tôi thế, có người bàn thiến hai hạt dái của tôi...
17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93346)
Nơi nào mùa xuân bắt đầu? Mùa Xuân bắt đầu từ những mầm cây non còn ngủ sâu dưới lòng đất giữa mùa Đông giá buốt. Chúng là những đứa con của các cây bố cường tráng, khỏe mạnh; và những cây mẹ dẻo dai, sum suê kết quả suốt mùa Hạ thơm lừng; sau những đêm ấm nồng lửa nhiệt đới và mặt trời không bao giờ tắt giữa đôi tay. Các bố mẹ cây gửi tình yêu của họ trong bọc lụa theo gió, để những đứa con mang mùa Xuân đến cho mặt đất và muôn loài.
15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 96264)
Chuyên đề Tạp chí Văn : Nhiều Tác Giả (văn hóa) Sau chuyên đề về Tập san văn chương Ý THỨC, Văn Chương Việt hân hạnh được giới thiệu chuyên đề về Tạp chí Văn và chân dung những người đã dựng nên tờ tạp chí một thời vang bóng này.
14 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 119302)
Cũng chẳng cần mầu xanh của lá mầu đỏ của hoa hồng chỉ thấy trong veo như nước lọc nước tan trên môi nước hòa trong mắt làm thế nào mà tách được nước ra
14 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 121900)
Tháng sáu bắt đầu bằng cành hoa mong manh Trưa nắng chói chang lấp lánh mảnh thuỷ tinh vỡ Theo vòng tay buông lơi Mùa hè trở lại ở góc 360 Những cánh phù du trĩu nặng mắt chiều
14 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116261)
Sông như lọn tóc dài cầu gầy như cánh tay Sa Lung ga chờ anh vời vợi con tàu qua rất vội như là trốn chạy nhau
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93451)
Khảo sát trên những văn bản tác phẩm của Trần Vũ, tôi thu được một kết quả khá thú vị: có tổng số 13 trên 27 truyện ngắn mà trong đó có sự hiện diện hình ảnh của những cơn mưa. Điều này đủ để nói lên rằng mưa chiếm một vị trí nhất định trong ký ức của anh ― có thể nói gần như một nỗi ám ảnh.
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 85898)
Tôi biết Huệ đã lâu. Từ lúc Huệ còn niên thiếu, những trận mưa rào còn bất chợt đổ về qua qua ấp Tây Sơn, thứ mưa nóng và ẩm của vùng Qui Nhơn sỏi đá. Suốt quãng đời niên thiếu, hình như Huệ chỉ đi chơi xa có hai lần. Một lần lên Phú Xuân và một lần bơi xuồng băng ngang đầm Thị Nại.