- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thú Và Người

26 Tháng Giêng 20152:56 SA(Xem: 34890)

   CAOthulinh-thuvanguoi

Cáo thủ lĩnh - ảnh Internet


     Xa xưa, ở mảnh đất nọ, một nhóm người du mục sống cùng loài thú. Họ là bạn, cũng là đồng hương.

     Chẳng rõ từ phương nào, một bầy quỷ lông lá đến xâm chiếm. Xác người, xác thú ngã chồng lên nhau. Số sống sót trở thành nô lệ của quỷ. Mảnh đất cắm dùi thành địa bàn của lũ quỷ.    

     Những người du mục phải đào sắn, trồng khoai và dựng lều cho chúng. Người già yếu hoặc làm việc kém trở thành mội nhắm của lũ quỷ. Đàn bà đẹp được chúng chọn để phối giống. Trẻ con vừa sinh ra phải uống máu quỷ. Mỗi ngày, lũ quỷ chọn ra một người khỏe mạnh và một con thú (báo, hổ, hoặc sơn dương…) để đưa ra sàn đấu. Chỉ có một kẻ được sống. Nhưng thường thì lũ quỷ phải giết cả hai vì không bên nào chịu khai chiến.

     Con cáo – Thủ lĩnh của loài thú nói với nhóm người du mục “Lũ quỷ đó rồi sẽ giết sạch chúng ta. Tôi không thích chiến tranh, nhưng cần phải thế.”

     Nhóm du mục đắn đo rồi gật đầu. Họ dùng vũ khí, đào hố đặt bẫy, còn loài thú thì dùng sức mạnh của răng và vuốt để chống trả lũ quỷ lông lá. Quá nhiều máu phải đổ. Xác người, xương thú và dạ dày quỷ lẫn lộn, chồng chất thành một bãi chiến trường. Bên thắng cuộc tốn thêm nước mắt cho đồng loại, người khóc vì thú, thú liếm vết thương cho người.

     Những người đàn bà có chửa với loài quỷ đều bị giết hết. Đám quỷ nhỏ mới sinh, đã bén hơi mùi máu cũng bị giết chôn theo. Nhóm người du mục không ra tay. Chuyện này được giao cho loài thú.

     Nhóm người du mục và loài thú sống vui vẻ với nhau. Cáo thủ lĩnh nói với người lớn tuổi nhất nhóm du mục “Sau trái núi này còn rất nhiều bãi đất trống. Tôi thấy chúng ta phải tiến ra xa hơn là ở mãi mảnh đất chật chội này.”

     Nhóm người du mục cùng loài thú đi khai hoang những mảnh đất chết và họ bắt đầu xây nhà, mở rộng lãnh thổ. Những mảnh đất cứ vậy rộng thêm.

     Nhóm người du mục xây nhà ở đồng bằng còn loài thú thì chọn cánh rừng lớn làm nơi an cư lâu dài.

     Chẳng rõ lý do gì, cáo thủ lĩnh lại rơi xuống vực. Khi xác nó được kéo lên, thì đấy chỉ là một tảng thịt vữa nát, bầy nhầy. Cả nhóm người du mục lẫn loài thú đều rất đau buồn vì việc này. Nhóm người du mục đã làm một nghi lễ hỏa thiêu để tiễn linh hồn cáo thủ lĩnh về trời. Để nghi lễ suôn sẻ, nhóm người du mục đã họp bàn với loài thú. Việc đóng xe để chở xác cáo thủ lĩnh, địa điểm cử hành nghi lễ và các thủ tục khác trong buổi lễ đều do nhóm người du mục quyết định. Ngoài cỗ xe trở xác cáo thủ lĩnh, nhóm người du mục đóng thêm vài chiếc xe để tiện đi tới nơi hỏa thiêu. Loài thú không phản đối. Những con thú mạnh khỏe nhất được chọn ra để chở những cỗ xe. Trên đường đi, những loài có nhiệm vụ kéo các cỗ xe nói “Tôi biết một đường khác gần hơn”, người du mục bảo “Anh hãy đi theo đường tôi chỉ. Chúng tôi có trách nhiệm trong nghi lễ hỏa táng này và các anh phải nghe chúng tôi.” Các loài kéo xe im lặng và đi tiếp.

     Nghi lễ diễn ra khá rầm rộ và loài thú thấy nhóm người du mục khóc rất nhiều. Vì xác con cáo được cuộn trong nhiều lớp chiếu dày nên trong suốt nghi lễ loài thú chẳng được thấy mặt thủ lĩnh chúng lần cuối. Tất nhiên cả ngày trước cũng vậy thôi, khi cáo thủ lĩnh gặp nạn và được người du mục tìm ra thì chỉ có một số ít loài chó nhìn thấy. “Ngài cáo của chúng ta nhiều bộ phận đã nát bấy. Chúng ta hãy để ngài ấy được yên hơn là vây quanh đó và ngắm nghía.” – Nhóm người du mục nói vậy và loài thú tin vào điều đó.

     Mọi công đoạn trong nghi lễ đều rất trang nghiêm và cẩn trọng. Phần cuối cùng của nghi lễ, chính tay nhóm người du mục đã châm đuốc hỏa thiêu. Họ làm nhanh chóng và có phần còn hơi vội vã. Loài thú vốn định tiến tới nhìn thủ lĩnh của mình một lần cuối nhưng nhóm người du mục đã chắn quanh chỗ hỏa thiêu. Xác con cáo được vùi trong nhiều lớp chiếu nên loài hươu cao cổ đứng ở xa chỉ thấy một khối hỗn độn.

     Xong nghi lễ, vài con thú nói với nhau.

   “Có thật bên trong là thủ lĩnh?”

   “Tại sao không?”

   “Tôi từng thấy qua, cái xác nát bấy và không có đầu…”

   “Này, ngài cáo vừa mới ra đi thôi đấy.”

     Những người du mục lớn tuổi nói to phía sau. Mấy con thú cúi đầu nhận lỗi, rồi ra về. “Thủ lĩnh đi thật rồi!” – Loài thú nói với nhau.

     Một buổi sáng tinh sương, loài thú thấy nhóm người du mục kéo vào rừng rất đông. Họ chỉ ở phía bìa rừng và bắt đầu đốn cây. “Chúng tôi muốn mượn chút gỗ để xây nhà, các bạn đừng lo, chúng tôi sẽ gieo hạt giống để bù lại với số cây đã chặt”. Loài thú chẳng để ý gì vì gỗ ở rừng thiếu vài cây cũng chẳng sao.

     Từng cây gỗ đổ xuống. Nhóm người du mục tiến thêm chút, thêm chút và vào sâu trong khu rừng. Từng tòa nhà cao được dựng lên. Một khu khai thác lâm sản, rồi một khu nữa được xây thật cao và có hàng rào sắt.

     Loài thú chỉ còn một phần tư cánh rừng.

     Loài thú nói với cộng đồng du mục “Chúng tôi ở trong rừng, các anh ở đồng bằng. Thủ lĩnh chúng tôi ngày trước đã phân chia như vậy, cớ gì các anh lại xây nhà lấn sang”

     Cộng đồng du mục nói “Mảnh đất này, cánh rừng này đều do loài người chúng tôi và loài thú các anh khai phá. Chẳng của riêng ai.”

     Loài thú tức giận và đòi cộng động du mục trở về đồng bằng. Nhưng dường như họ chẳng còn nghe thấy gì. Giữa họ không còn sự tương đồng của ngôn ngữ nữa, dù rằng loài thú vẫn hiểu tiếng nói của người du mục.

     Cộng đồng du mục cho rằng loài thú đang làm loạn và thay vì lời thoả thuận họ lại nghe ra tiếng gầm gừ của loài khát máu. Họ cầm vũ khí và tiêu diệt những loài mà họ cho rằng có thể đe doạ sự yên bình ở mảnh đất này. Cuộc chiến nổ ra. Cộng đồng du mục áp đảo về vũ khí. Họ đặt nhiều bẫy trong rừng. Giờ đây loài thú biết được những tòa nhà tường xây cao đặt quanh rừng đều là quân đội. Loài thú thất thế. Cộng đồng du mục ép loài thú ký giấy cầu hòa. Loài thú điểm chỉ.

     Giờ đây, Cộng đồng du mục đã thuần hoá loài thú thành những thợ kéo xe chuyên nghiệp. Họ phát hiện ra ở một số loài thú lông có thể may thành áo quần tránh rét, các con thú khác sừng và xương có thể làm thuốc. Họ phá đi nhiều đồng lúa khi biết rằng loài thú là món khoái khẩu. Đám thú còn nuôi mộng phản trắc bị bắn hạ bằng súng, hoặc thì tống vào cũi sắt. Chúng được bêu trong sở thú để ai cũng nhận diện được mặt. Nhiều con đã bị mổ giết thịt. Những loài ngoan ngoãn, đã thuần tính trở thành bạn và cùng sống trong cộng đồng du mục. Để no bụng, và có được bùa bình an chúng phải vẫy đuôi và đứng ngồi theo ý cộng đồng du mục.

     Cáo thủ lĩnh đã chết và ngủ say trong nhiều tầng ký ức. Nó được hỏa táng và vì thế không có mộ địa để viếng. Đời thú sau không biết đến vị già làng thủ lĩnh. Hiển nhiên rằng các bậc trưởng lão đời trước đấy không kể lại, cũng không hề dạy chúng cách đối thoại với cộng đồng du mục.

      “Tổ tiên du mục đã đổ máu để có được thời đại này…”

     Đấy là quá khứ, cũng là tư tưởng, là minh triết. Những trị giá còn mãi…Mọi thế hệ đều phải thuộc lòng. Thú và Người.

 

TRU SA

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Năm 20155:10 SA(Xem: 31829)
…Tôi bước lên những bậc thềm mịn rêu, bước chậm, sợ mình sẽ bị trượt ra sau, cái ngã ngửa chẳng khác nào cái rớt xuống trần gian đầy ngỡ ngàng của hai chàng Lưu Nguyễn. Tôi chưa muốn thế, tôi đang muốn sống cõi phi thực kia với từng rung động e dè chậm chậm, để nghe chạm vào cánh cổng đã hoen rỉ tháng năm, và dù nhẹ nhàng đến thế nào cũng sẽ ghê răng bởi tiếng rít của một cánh cửa lâu ngày không mở.
14 Tháng Năm 201511:28 CH(Xem: 31744)
Trăng đang vỡ trên ngọn đồi ký ức Bóng tim tôi vướng nhánh giao mùa Tiếng hát ai vỡ tràn đêm đắng Tôi vỡ vô vàn trong ánh trăng xanh
14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 30809)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.
14 Tháng Năm 20159:40 CH(Xem: 34788)
Chúng tôi lên Thăng Long Tết Ất Mùi, mặt hồ Dâm Đàm mỏng như ý nghĩ khoa cử trong đầu Kiệt. Kinh sư đầu triều Lý mang sắc đẹp bán khai dữ dội của những cánh rừng bàng chưa phát quang. Kiệt hay đứng ở bờ nước, mắt dõi theo những cuống sen già trôi quả quyết về hướng Cấm Đình. - Nay mai đỗ đầu tiến sĩ thì ngồi nhà mát ăn bát vàng.
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 30934)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
14 Tháng Năm 20155:55 CH(Xem: 33790)
Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy; đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản;
14 Tháng Năm 20155:36 CH(Xem: 33969)
Ngày 05.05.2015 nhà văn Võ Thị Hảo đã tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn Việt Nam, cùng ngày tổ chức này gạch tên 9 nhà văn khác đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trong phiên họp bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc. Dân Luận (DL) đã trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo (VTH) về vấn đề mà chị coi là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới...
14 Tháng Năm 20153:44 CH(Xem: 36769)
Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập. Những tưởng hành động này là "đòn giáng mạnh" vào các hội viên của Văn đoàn độc lập, tuy nhiên nó đã gây một hiệu ứng ngược khi hàng loạt những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng khác Tuyên bố từ bỏ Hội nhà văn VN (DL)
13 Tháng Năm 20155:54 CH(Xem: 30781)
Với Nguyên Ngọc và Văn đoàn Độc lập, vấn đề còn nguyên. Làm gì với tự do đã giành lại sau khai trừ rồi ly khai? Làm gì với mục đích độc lập tách rời ra khỏi Hội? Ra khơi, lên đường, hay lo ngại “phạm pháp” sẽ khiến nhòa nhòa trong vận hành của hệ thống? Tháng 5-1954, hai chữ “Độc lập” thét vang trong lồng ngực của năm mươi ngàn binh sĩ chiến thắng trận Điên Biên, để cuối cùng là một nền độc lập hà khắc trong toàn trị. Tháng 5-2015, “vì một nền văn học Việt Nam tự do, nhân bản” in đậm trên trang web của Văn đoàn Độc lập. Công chúng trông chờ câu trả lời.
13 Tháng Năm 20154:31 SA(Xem: 31045)
Qua tháng tư rồi Anh có trở về ngày bình thường Như đi bác sĩ, làm tình và các thứ Mình lại hẹn nhau mùa điên năm sau