- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vì Sao Tham Nhũng?

07 Tháng Mười Hai 20143:51 SA(Xem: 31504)

HoiLo

Việt Nam ngày nay đứng trước rất nhiều vấn nạn gần như không giải quyết được. Ngoài dối trá (đã nói đến ở bài trước), tham nhũng cũng là một trong những vấn nạn đó. Dĩ nhiên, tham nhũng chính là một phương diện của sự dối trá. Có tham nhũng là bởi vì có dối trá. Nếu việc sử dụng tiền bạc được công khai, được minh bạch hóa, nếu pháp luật là pháp luật đúng nghĩa, trừng trị hết tất cả mọi trường hợp tham nhũng, thì hẳn nhiên, tham nhũng sẽ thôi không còn là vấn nạn. Nhưng vì sao không thể minh bạch, vì sao những gì cần công khai lại biến thành bí mật quốc gia? Vì sao pháp luật biến dạng đến mức có những nhà báo chống tham nhũng phải vào tù ?

Chính quyền thỉnh thoảng đưa ra xử một vài trường hợp tham nhũng. Và có trường hợp xử được, có trường hợp cho chìm xuồng. Trên thực tế, việc xử vài trường hợp như vậy không giải quyết được vấn đề. Những vụ xử đó chẳng làm cho những kẻ tham nhũng sợ hãi (vì sao?). Trái lại, tham nhũng càng ngày càng lan rộng ra toàn xã hội, ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Chỉ cần gõ hai chữ « tham nhũng » lên google thì sẽ có ngay tất cả những thông tin về hiện trạng tham nhũng. Dĩ nhiên, cần hiểu rằng, những thông tin có thể công khai hoàn toàn chưa phản ánh được một cách đầy đủ và thực chất tình trạng tham nhũng. Nhưng dù sao chúng cũng đủ để cho tất cả mọi người không thể phủ nhận được thực trạng trầm trọng và nguy hiểm của tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề này, người Việt Nam đối diện với những câu hỏi căn bản sau đây :

-Vì sao nạn tham nhũng có thể bị đẩy đến mức trầm trọng như vậy ?

-Có thể giải quyết được nạn tham nhũng không ?

-Nếu không giải quyết được thì hậu quả sẽ như thế nào ?

Trong bài này, tôi chỉ đề cập đến câu hỏi thứ nhất, đúng hơn là một khía cạnh của nó : nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thảm trạng tham nhũng.

Tôi tìm thấy cái nguyên nhân gốc ấy trong cuốn sách « Giai cấp mới » của Djilas. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những gì tôi đọc được, cứ coi như tôi đang làm công việc giới thiệu sách cho quý vị. Vì sao cuốn sách của Djilas khiến tôi phải chú ý như vậy, và hẳn còn phải trở lại với nó nhiều lần nữa ?

Thứ nhất, bởi vì Djilas là một người cộng sản, tham gia vào quá trình vận động và phát triển của chủ nghĩa cộng sản, nên hiểu rất rõ bản chất của nó. Thứ hai, người cộng sản ấy đứng ở gần như đỉnh cao của quyền lực mà dám từ bỏ tất cả quyền lực và đặc quyền đặc lợi kèm theo, chấp nhận từ bỏ vị trí phó tổng thống của toàn liên bang để vào tù. Điều này khiến ta có thể tin rằng tiếng nói của ông là tiếng nói của con người truy tìm sự thật, có đủ can đảm trả giá vì sự thật. Thứ ba, nếu so sánh những gì được Djilas miêu tả trong sách của ông, thực tế của một nước cộng sản châu Âu vào giữa thế kỷ trước, với thực tế của Việt Nam hiện nay, sẽ thấy những sự trùng hợp đáng kinh ngạc, sẽ thấy sự chính xác trong các nhận định của ông. Hơn nữa, Djilas nhận định về các chế độ cộng sản nói chung trên toàn thế giới, chứ không riêng gì đất nước ông, điều đó giúp ta hiểu rõ hơn bản chất của chế độ chúng ta. Để ta khỏi rơi vào cái bẫy đổ lỗi cho cha ông, đổ lỗi cho truyền thống về các vấn nạn của mình ngày hôm nay, để ta thấy rằng chính ta phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra.

Sau đây là một đoạn trong đó Djilas nói về sự tham nhũng trong chế độ cộng sản :

« Thói bon chen, xa hoa, hám quyền là không tránh được.[...] Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên. Việc đồng nhất chính quyền và đảng với nhà nước (thực ra là với sở hữu) đã làm cho nhà nước cộng sản trở thành, có thể nói, nhà nước tự-tham-nhũng, nhất định kèm theo đặc quyền đặc lợi và những kẻ ăn bám. » (Trích tr.55, bản pdf do dịch giả của cuốn sách cung cấp. Về sau trích dẫn chỉ ghi số trang)

Như vậy, theo Djilas, tham nhũng, cũng như dối trá, thuộc về bản chất của chế độ cộng sản. Nhà nước cộng sản là một nhà nước « tự tham nhũng », nói theo ngôn từ của Djilas. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế Việt Nam hiện nay. Chừng nào còn nhà nước cộng sản, chừng đó còn tham nhũng. Và chế độ cộng sản càng tồn tại lâu dài bao nhiêu, tham nhũng càng trầm trọng bấy nhiêu. Đã đến lúc không chỉ bộ phận lãnh đạo, không chỉ giới cầm quyền, không chỉ bộ phận đảng viên, tham nhũng đã lan ra toàn xã hội. Phong bì kẹp vào bó hoa chúc mừng thầy cô ngày 20/11, phong bì kẹp vào luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Phong bì kẹp vào sổ khám sức khỏe, phong bì được gửi gắm cho bác sĩ cùng sinh mệnh của bệnh nhân, phong bì nhét vào túi áo của các cô y tá mỗi khi bệnh nhân phải tiêm, hay phải làm bất kỳ xét nghiệm nào... Phong bì rải khắp nơi nơi, người người tham nhũng, nhà nhà tham nhũng.

Theo Djilas thì tham nhũng phát sinh, một phần do thói hám xa hoa của giới lãnh đạo cộng sản, và thói tật này đi liền với cơn khát quyền lực. Ông viết :

« Các lãnh tụ cộng sản còn có xu hướng xa hoa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh và hơn nữa ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, » (tr.55)

Nếu đặt cái hội trường lộng lẫy xa hoa của Quốc hội bên cạnh hình ảnh trẻ em phải đu dây hay chui vào túi ni lông để qua sông đi học, sẽ thấm thía những gì Djilas nói từ gần một thế kỷ trước.

Còn đây là định nghĩa của Djilas về "người cộng sản chân chính":

« Người cộng sản chân chính phải là hai trong một: cuồng tín và hám quyền vô bờ bến. »(tr.55)

Djilas viết điều này vào những năm 50 của thế kỷ trước. Bây giờ, nếu ông còn sống, và chứng kiến thực tế Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Việt Nam, có lẽ ông sẽ phải sửa câu đó thành : « người cộng sản chân chính phải là hai trong một : hám tiền và hám quyền vô bờ bến. »

Nếu nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay thì có thể thấy vào thời điểm hiện tại hoặc tương lai gần không thể nào xảy ra chuyện chế độ hiện hành có thể sụp đổ (còn tương lai xa hơn thì không ai dám chắc).

Bởi vì không chỉ có mấy triệu đảng viên ít ỏi cố hết sức bảo vệ nó, mà tất cả các thành phần ăn theo, có đặc quyền đặc lợi nhờ chế độ độc đảng, cũng đều bảo vệ nó, nhất là các thành phần kinh tế (giới kinh doanh, ngân hàng, thương mại... dù là nhà nước hay tư nhân), và các thành phần làm nhiệm vụ « xây dựng đường lối » cho đảng cộng sản (các « nhà khoa học xã hội » ở Viện Hàn lâm KHXH, ở Học viện quốc gia Hồ Chí Minh, cũng như ở các viện và các trường đại học nói chung). Ngoài ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng giáo sư trong các ngành, số lượng tướng tá công an, quân đội tăng đột biến những năm gần đây. Dĩ nhiên, kèm với các cấp bậc, chức vị đó là những đặc quyền đặc lợi khiến cho những người được hưởng sẽ kiên quyết bảo vệ chế độ. Vì thế mà cũng chẳng có gì khó hiểu khi càng nhiều tướng được phong thì phát ngôn của những người đứng đầu Quân đội Việt Nam càng bạc nhược. Và điều đó có nghĩa là chế độ này trường tồn thì dân tộc sẽ tiêu vong.

Mặt khác, phong trào dân chủ quá yếu ớt, phân tán và chia rẽ, quá chậm chạp và kém hiệu quả trong việc truyền bá tinh thần dân chủ trong nhân dân, cũng không làm thay đổi được nhận thức của các đảng viên nói chung, và của bộ phận lãnh đạo cao cấp nói riêng.

Sự thật mà người Việt Nam phải đối diện là, nếu thể chế chính trị này tiếp tục duy trì, nếu chế độ tham nhũng này tiếp tục duy trì, thì Việt Nam sẽ mất hai thứ quan trọng nhất : mất CON NGƯỜI (hiểu theo nghĩa : nhân tính và phẩm giá), và mất độc lập vào tay Trung Quốc.

Và cũng cần phải hiểu rằng, nếu Việt Nam mất độc lập vào tay Trung Quốc, thì bởi vì trước hết Việt Nam đánh mất con người, bởi vì người Việt Nam đánh mất phẩm giá và lòng tự trọng, lòng tự trọng hiểu theo hai nghĩa : tự trọng cá nhân và tự trọng dân tộc.

Đó là sự thật bi thảm mà tôi nhìn thấy, và tôi chẳng hề muốn tỏ ra lạc quan vờ vĩnh, chẳng hề muốn tự lừa dối mình bằng bất kỳ một thứ ảo tưởng nào, dù là ảo tưởng về dân chủ, hay ảo tưởng về sức mạnh của một dân tộc đã từng chiến thắng nhiều đế quốc lớn trong lịch sử.

Phải chăng cần bắt đầu lại từ điểm này : mỗi người Việt Nam cần tìm lại lòng tự trọng của chính mình, từ đó mà chọn cho dân tộc những người lãnh đạo biết thế nào là tự tôn dân tộc ?

Paris, 30/11/2014

Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn: RFA

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 36857)
D ohamide là một tên tuổi quen thuộc trên báo Bách Khoa trước 1975, chuyên khảo về lịch sử và văn minh Chàm. Đã xuất bản năm 2000: “Dân Tộc Champa: Hành trình Tìm về Cội Nguồn”. Xuất thân Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và tốt nghiệp M.A. Đại Học Kansas, Hoa Kỳ. Lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc nên rất am tường về hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đây là bài điểm sách thứ hai của anh Dohamide nhân dịp CLCD BĐDS tái bản lần thứ 3.
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34088)
e m đừng hỏi tôi một thứ tình yêu mỏng như giấy kẹp thời buổi lơ mơ hàng họ giấy má tái sinh hầm cầu những khuôn mặt người từ đâu hoang mang đại để kim rãi đường mũi dùi cắm sâu vào họng nựng nịu lũ đầu têu hí hửng cá độ hung tàn
05 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 28868)
...nhắc đến cuộc vượt thoát của những cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, người ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những cái chết ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh chỉ mới hai tháng trước. Ngày 18/4 năm 2014 đã có những người Duy Ngô Nhĩ tị nạn, tuyệt vọng tự sát tại cửa khẩu Quảng Ninh. Hình ảnh thi thể của họ bị vất nằm ngổn ngang trên những chiếc xe lôi đã đem đến cho chúng ta cái cảm giác bất nhẫn, thương tâm.
04 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 32967)
A nh đang làm gì sao chưa ngủ Em biết anh đang yêu Như vòng tròn tự vẽ Như cởi truồng tắm với vòi sen Em không ghen sao anh lại sợ Một bề mặt phi lý của đêm...
03 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 31418)
c ứ sống như đã sống cứ rầu như đã vui cám ơn người dăm mống lân la. đủ dập dìu
02 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34733)
Lê Văn Hiếu lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, thơ của anh ray rứt như những câu chuyện buồn trải dài từ rừng cao nguyên đến vùng sóng biển…Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những thi phẩm của Lê Văn Hiếu đến cùng quí văn hữu và độc giả Hợp Lưu… (TCHL)
01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 45393)
Bài viết của Tiến sĩ Sử học và Tiến sĩ Luật học Vũ Ngự Chiêu "Nhìn Lại Vấn Đề Hoàng Sa" trên cả hai bình diện sử học và công pháp quốc tế. Bài nghiên cứu được viết vào năm 2009 và đã đăng trên Hợp Lưu báo in cũng như trên trang nhà của Hợp Lưu. Dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tính thời sự vẫn còn rất mới ... Chúng tôi xin post lại bài viết để gởi đến quí bạn đọc và văn hữu Hợp Lưu. TCHL
01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 32750)
Ở khúc nhạc nào cho em đây Những dở dang cùng buổi chiều vàng Nghe mưa mây cũng buồn u uất Ta nợ tình em một dịu dàng…
01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 35787)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, Minh Thùy sống và làm việc tại Âu Châu. Truyện của Minh Thùy sống động và lôi cuốn người đọc từ những dòng đầu tiên. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu truyện "Terminal, miễn phí!" cùng quí văn hữu và độc giả Hợp Lưu. (Tạp Chí Hợp Lưu)
01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34710)
T ôi nhận công việc làm thợ sơn trong một hãng sửa chữa tàu sông nằm sát bên hồ Michigan. Thực ra tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc này. Sếp tôi, ông Anthony, cứ nhất định là tôi sẽ làm được. “Dễ thôi mà!” Ông nhìn tôi sau một hồi rồi bảo thế.