- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lữ Quỳnh, Buồn Như Ly Rượu Cạn!

08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 33539)


lu_quynh-_pho_to_by_ng_song_ba-content
Lữ Quỳnh photo by Nguyễn Sông Ba

Tôi gặp anh lần đầu ở tuổi ngoài bảy mươi. Anh từ Sài Gòn ra, tôi từ Ninh Hòa tới, trong căn nhà lộng gió của Nguyễn Lệ Uyên, ở Tuy Hòa.

Gặp nhau lần đầu nhưng không bỡ ngỡ. Vì trước đó, chúng tôi đã từng biết nhau qua những trang viết. Mà những trang viết của mỗi người, tuy không nói về mình, nhưng cái “hồn” của người viết vẫn cứ hiện ra: tôi, dữ dội, cay chua, anh thâm trầm, nhân ái.

Trong buổi gặp đó, tuy không uống rượu (vì bệnh), nhưng anh vẫn lấy từ trong túi xắc ra một chai whisky, có lẽ mang từ Mỹ về để mừng cho buổi gặp mặt.

Chúng tôi, uống ít thôi, nhưng nói khá nhiều. Nói đủ thứ chuyện, không đâu vào đâu.

Khoảng 2 giờ tôi xin xuống ga, về Ninh Hòa (vì đã lấy vé khứ hồi). Nhưng các anh bảo về chi vội, để tối cùng đi với Quỳnh và Minh, tôi thấy cũng được, nên ở lại.

Chiều, Nguyên Minh đi thăm sui gia, rồi chúng tôi cùng đến nhà Trần Huiền Ân, ăn Tết muộn.

Ga ngày Tết đông cứng người, tôi định nếu không mua được vé, thì cứ leo đại lên tàu, chịu phạt vậy. Nhưng không ngờ, anh lại lấy được vé cho tôi, mà là ghế ngồi có số đàng hoàng chứ không phải ghế súp như của anh và Nguyên Minh .

Lên tàu, rất may có các cô gái nhường chỗ. Tôi và Minh nói chuyện cùng với tiếng tàu chạy rì rầm. Anh chỉ yên lặng.

Xuống Nha Trang, anh rủ tôi và Minh lên ngồi uống nước trên Book-coffee ở gần ga, đợi tiễn tôi về lại Ninh Hòa.

Có thể nói, suốt một ngày dài, anh nói rất ít. Mà lại nói rất nhỏ nhẹ. Nhẹ đến nỗi có lúc tôi giật mình, tưởng cái bóng của anh nói chứ không phải anh.

Đêm đó tôi tưởng các anh ngủ ở một khách sạn ven biển, rồi sáng dậy sớm ra bãi ngắm mặt trời mọc. Ai ngờ, đi mỏi cẳng chẳng tìm ra khách sạn nào còn phòng. Đành lên ga, quay về Sài Gòn. Mà nghe đâu chỉ đứng chứ không có chỗ ngồi. Mấy ngày sau, lại nghe anh vào viện để giải phẫu gì đó.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến các cụ ngày xưa, chống gậy đi tìm nhau chỉ để uống một chén rượu mùa thu. Anh từ Mỹ, ngồi trên máy bay hơn 20 giờ, rồi lại ngồi xe lưả ngày Tết chật cứng người, đến những mười mấy tiếng nữa, mang theo chai rượu chỉ để nhìn bạn uống. Cái tình của anh còn dài rộng hơn các cụ ngày xưa rất nhiều.

Không phải vì một cái vé tàu Tuy Hòa-Ninh Hòa, mà tôi quý anh. Mà vì cái lo kín đáo của anh, lo vì ở lại với anh, nên tôi có thể không lên được tàu. Một điều nữa, giá như xuống ga Nha Trang, anh và Nguyên Minh kêu taxi đi tìm khách sạn, thì thế nào cũng kiếm được một chỗ qua đêm. Đàng này, anh không nỡ bỏ tôi ở lại ga một mình để chờ chuyến tàu khuya. Cơ sự như thế nên mới ra cái nông nỗi, hai ông bạn già lang thang trong thành phố biển đã bắt đầu say ngủ!

Cái “buổi ban đầu ấy” đọng lại trong tôi rất nhiều. Đương nhiên, anh cao lớn hơn Minh, nhưng trông anh, tôi thấy sao giống Thạch Lam quá. Giống ở đôi mắt to, sâu và buồn. Và nhất là giống những trang viết. Giản dị, nhẹ nhàng nhưng buồn kín đáo.

Ở Thạch Lam, là nỗi buồn ga nhỏ, buồn của nhà mẹ Lê. Ở anh là buồn với “Những cơn mưa mùa đông” xứ Huế, buồn vì mất bạn cũng mồ côi*, vì quán hoa giấy chiều nay lãng đãng/uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không.

Dường như có rất nhiều người đến tưới rượu lên mộ Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ là để nhớ một bạn nhậu chứ không phải nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh.

Anh, nhớ bạn, vào quán một mình, kêu một ly rượu đầy và một chiếc ly không. Lặng lẽ ngồi, lặng lẽ uống. Hết ly mình, đến ly bạn. Mà ly bạn chỉ có ngụm nắng tàn.

Cái cảnh một ly mình và một ly không, tôi cho là buồn và thật đẹp. Đẹp vì cái tình bạn sóng sánh trong ly rượu. Đẹp vì chiếc ly không đựng chút nắng tàn.

Nhưng anh không phải là con người của trầm tư, hay làm ra vẻ trầm tư. Anh là con người của công việc, của gia đinh vợ con. Không ai dám phê phán anh điều gì.

Nhưng sao anh cứ buồn, không phải cái buồn vạn cổ, cũng không phải cái buồn thời đại, một cõi buồn riêng có vẻ bơ thờ lạc lõng, buồn của một điếu thuốc lá ngậm hoài thấy nhạt.

Giờ đây đã đến lúc chống gậy đi tới nơi phải tới, biết đâu , tôi hay anh, sẽ là người đựng chút nắng tàn trong chiếc ly không.

Dù, chỉ có vậy, cũng xin uống cạn.

Khuất Đẩu

22/7/2014

*thơ Đinh Cường

In nghiêng: thơ Lữ Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Quán Văn 25/ 8-2014.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Hai 20143:51 SA(Xem: 31537)
Việt Nam ngày nay đứng trước rất nhiều vấn nạn gần như không giải quyết được. Ngoài dối trá (đã nói đến ở bài trước), tham nhũng cũng là một trong những vấn nạn đó. Dĩ nhiên, tham nhũng chính là một phương diện của sự dối trá. Có tham nhũng là bởi vì có dối trá.
03 Tháng Mười Hai 20143:26 SA(Xem: 32360)
Đêm sũng nước đọng từng vệt lớn ẩm mờ mịt, trên cửa kiếng. Khi cô len mình được vào phòng qua khe cửa sổ rất hẹp, cô gần như ngạt thở. Anh khép hờ cánh cửa, không mở toang như mọi lần, có lẽ vì trời đã trở lạnh. Anh nằm đó, dưới ánh sáng hắt ra từ thân hình của cô, từng đường viền lóng lánh trên gờ cơ thể, như không thật.
01 Tháng Mười Hai 20145:39 CH(Xem: 32283)
Trận mưa đêm qua khiến hai mươi lăm người ở Thung Lũng Già Nua bị sét đánh. Chết tươi và đen như quỷ. Trong số đó, có con mụ Trung, người có thể xem là kẻ thù của gia đình họ. Bao nhiêu năm, nhưng hận thù vẫn ăn sâu vào máu của họ.
01 Tháng Mười Hai 20145:02 CH(Xem: 34235)
trên con thuyền nan thật nhẹ chẳng động tiếng buông mà se tím nỗi buồn em về vén sợi tà vương mái thề rét buốt
30 Tháng Mười Một 20144:10 CH(Xem: 34292)
LTS: Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trở lại với bạn đọc bằng tác phẩm “Hầm Mộ” sau một thời gian khá lâu từ tập truyện “Bóng Đè” được xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh được gởi đến quí bạn đọc và văn hữu trích đoạn tác phẩm “Hầm Mộ” của Đỗ Hoàng Diệu. Tạp Chí Hợp Lưu
12 Tháng Mười Một 20144:11 SA(Xem: 33813)
Chiều cuối năm ở xứ tuyết lạnh buồn và dài thê thảm. Nắng lạnh nhưng gay gắt. Những mảnh tuyết như hàng vạn tấm gương phản chiếu ánh trời tàn. Nhà tù liên bang Lost River nằm đìu hiu, trơ trọi gần sát biên giới Canada.
12 Tháng Mười Một 20143:58 SA(Xem: 36240)
Họ đã dong cánh buồm và nói với sự hèn nhát rằng họ quá sợ hãi mà bỏ chạy một ngày kia biển sẽ cạn và con thuyền sẽ chẳng mãi ra khơi
11 Tháng Mười Một 20143:44 SA(Xem: 31806)
Chỉ có niềm khao khát mãnh liệt mới thôi thúc con người vượt lên trên chính họ, vượt qua nỗi sợ hãi, để bằng một hành động dũng cảm tự giải thoát chính mình.
11 Tháng Mười Một 20143:00 SA(Xem: 31854)
Khi cô mở mắt ra, đã thấy con thuyền chỏng chơ cập sát vào sàn nước nhà mình. Lặng không một chớm chòng chành. Nước mắt cô ứa ra từng giọt nặng chĩu. Doi đất phía bên kia chỉ còn là một vệt mờ mờ phủ trong màu xanh dừa nước và bần Đước. Đã hết thật rồi.
11 Tháng Mười Một 20142:52 SA(Xem: 32169)
xuất áo trắng vô thường che chi đời mộng mị chiều lây lan tà dương lây cả hồn vô ý