- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HƯƠNG NƯỚC MẮM

19 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40917)

nguyenhoangnam-doi_cat
 Ảnh Nguyễn Hoàng Nam


LTS: Qua một loạt truyện gởi đến độc giả Hợp Lưu gần như liêu trai và siêu thực, Uyên Lê tâm sự: “ Em chỉ thích viết về quê hương này, về Việt nam, có những điều đẹp như hoang đường ... Chỉ có yêu thật lòng người ta mới thấy cái đẹp của người mình yêu. Em viết về Phan Thiết và nước mắm rất nhiều, em cho đó là cái đẹp và tình! Em cũng viết nhiều về Huế… em không biết HL có thích chất tự tình quê hương đó của em không…” Chúng tôi xin gởi đến quí bạn đọc một bài viết về Phan Thiết của tác giả Uyên Lê.

 

TCHL

 

 

Đèn pha lóa sáng.

Tiếng máy quay bắt đầu sè sè.

Ống kính camera zoom thẳng vào mặt.

Tấm bảng phản quang lấp lóe hắt ánh sáng mặt trời. Anh hơi nheo mắt lại, bàn tay có những ngón thon dài gạt mấy lọn tóc xoăn tự nhiên rũ trước trán, cử chỉ vừa điệu đàng, vừa lịch lãm.

Anh húng hắng giọng, ghé sát vào micro của cô phóng viên:

- Câu chuyện nước mắm của thương hiệu Nam Thành thì dài lắm, đặc biệt lắm vì gắn liền và chạy suốt lịch sử làm nước mắm của xứ Bình Thuận xưa...

Đám đông phóng viên nhà báo như bị thôi miên, mê man theo dòng kể tự nhiên, duyên dáng của anh. 

Em ngồi cách xa một khoảng vừa phải, đủ để nhìn rõ anh say sưa phát biểu trước đám đông, đôi mắt lóe sáng. 

Cũng vẫn hình ảnh rạng rỡ này của anh, ba mươi năm về trước, trên bến Cồn Chà.

Và ký ức, và kỷ niệm, miên miên, mang mang, lũ lượt tràn về trắng xóa.

 

* * *

 

...Như nước sông trên bến Cồn Chà.

Bến Cồn Chà nằm ngay cửa biển, nơi sông Cà Ty đổ ra biển Thuận Hải. Mỗi hừng đông vừa hé, hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân cập bến về đầy ắp cua, tôm, mực, cá, chen lẫn ghe nhỏ ghe to của chủ vựa , chủ chành ăn hàng rồi tỏa ra khắp các nhánh sông. Rộn rịp trên bờ là hàng trăm thân phận vất vưởng phu phen, bốc xếp và dân vét lượm cá mót.

Lúc mẹ bị chành cá nặng đè tắt thở ngay khi động cá vừa mở, em còn đang quờ quạng chiếc cào tre hót mớ tôm vụn trên mặt sình. Em ngồi ập xuống ngay bãi sình, chiếc quần bao bố dầy cộp trùm đến cổ, chỉ còn đôi mắt đen to chết sững, không có một giọt nước mắt!

Ông bà chủ chành cá tìm thấy em trong trạng thái đó.

Sau này nhiều người kể lại, cho đến khi mọi người khiêng mẹ em đi chôn rồi em vẫn còn ngồi quỵ trên bãi sình, đôi mắt vẫn mở to đen đứng tròng như đã nhốt trọn lại hình ảnh sau cùng của người mẹ bất hạnh.

Nhiều ngày về sau này khi cha mẹ anh, là chủ chành cá và lều nước mắm nổi tiếng cả vùng Phú Hài đưa em về nhà nuôi, em vẫn không nói được lời nào, chỉ mở to mắt đen lay láy như thế, ngay cả khi đi ngủ. Dần dà em tỉnh táo lại và hồi sinh nhờ mùi nước mắm.

Rất kỳ lạ, mùi nước mắm trong gian nhà lều mênh mông, xộc đến tận óc, ướp luẩn quẩn vào trong mồ hôi và hơi thở làm em trở lại với đời thường. Từ ngày đó em quấn quít với nhà lều, với dãy thùng chượp cá không rời được.

Anh là con trai duy nhất của ông bà chủ, sau này thành ba má nuôi của em. 

Anh bảnh bao , cao ráo, trán rộng, mắt đen, ăn nói hoạt bát, duyên dáng. Chỉ có đôi mắt e dè kín đáo ít khi nhìn ai thẳng mặt. Anh rất sợ gian nhà lều và dãy thùng lều nồng nặc mùi cá, suốt ngày anh quanh quẩn ở gian nhà trên , năm tầng lầu cao nghệu tách biệt hẳn ra khỏi gian nhà lều. Vậy mà duyên số ác nghiệt đã bắt em, con nhỏ mồ côi làm công cho nhà anh gặp anh và cuộc đời mình gắn chặt vào nhau.

Một ngày, em được kêu lên nhà trên. Năm đó em vừa tròn 13 tuổi, con gái miền biển quen lao động vất vả nên phát triển sớm, người thon thả mà chắc lẳn mặn mà. Anh đã được 15 tuổi và chuẩn bị đi học ở Sài gòn. Em nhớ cảm giác choáng ngợp của em khi bàn chân tóe móng xỉn màu phèn của em chạm vào lớp gạch bông trắng lốp và em như muốn ngã đổ nghiêng trước hàng cột bóng loáng thẳng đứng bên dãy chậu thiên tuế trước hàng ba .

Má anh hiền từ vuốt tóc em, bà đã nhận em làm con nuôi từ ngày tai nạn xảy ra:

- Con đừng sợ Bé. Má nhờ thầy coi số cho con rồi, con mạng thủy mà là thủy lớn, Thiên Hà Thủy đó con, cả nhà mình ai cũng mạng mộc, có ngày phải nhờ vào con. Anh con đây cũng mạng mộc, mà mộc nhỏ. Má coi tướng con bấy lâu, má biết má tin được ở con. Má kêu con lên đây là muốn con chỉ lại cho anh bây cách thức làm nước mắm trước khi anh mày đi học xa. Rồi sau này nghề này má trao lại cho anh, con phải cùng anh mà gánh vác cơ nghiệp của nhà mình. Má tin vào con.

Lúc đó em đã rúng động tâm can, đến ứa trào nước mắt. Chỉ bằng một lời ký thác của má, em đã một lòng một dạ theo anh và theo nghề lận đận bấy nhiêu năm trời, như con chó con chỉ biết một mùi chủ.

Mà đó là chuyện của sau này.

Cả tuần lễ liền anh quanh quẩn bên em, ngao ngán ngáp dài ngáp ngắn nghe em kể lể về cách chượp cá với muối vào thùng lều, cách chọn cá cơm than , cơm sọc tiêu sao cho đều mình, ăn muối, cá vào độ thán nào là làm ra mắm ngon nhất, muối già cỡ nào thì ướp vừa nhất. Rồi cách lắng nước bổi, lấy nước bổi rồi đảo cá, rồi thêm nước châm sau cho độ đạm tăng dần và pha chế nước nhất với nước nhì, nước ngang để cho ra thành phẩm nước mắm cuối cùng có thể đi đóng chai ăn hàng được.

Trong khi em càng nói càng say, thì anh càng lúc càng chán nản. Anh quay ra rủ em đi chơi biển, ngắm ghe cá, hoàng hôn trên biển, có lúc hứng lên thì kéo em nhảy sóng, theo thuyền đi câu mực. Em ngồi chống tay nhìn anh buồn thỉu, em hiểu trước mắt em chỉ là một "cậu" đã quen mùi an nhàn, em bắt đầu thấy gánh nặng cơ nghiệp làm nước mắm oằn trên đôi vai gầy guộc của em.

Ngày cuối cùng anh rủ em đi tắm đêm. 

Những quầng lân tinh chờn vờn trên mặt sóng che chắn cho em khi nước biển dán vào cơ thể vừa nảy nở. Thân thể anh chạm vào em qua lớp sóng ấm sực. Anh quàng tay vào cổ nâng em lên trên đầu con sóng rồi hụp xuống bên dưới chân con sóng chụp lấy chân em. Giong anh cười vang rền trong bóng tối. 

Lúc hai đứa lên trên bờ, anh nằm dài trên bãi cát và như bất chợt, trong cơn xốc nổi, bồng bột của tuổi trẻ, anh kéo mặt em sát lại gần. Em chưa kịp định thần, một nụ hôn ngắn, lúng túng và mặn chát nước muối đã ập xuống môi em. Răng anh va vào em đau điếng. 

Cảm nhận của em về cái hôn đầu đời chỉ có thế. Mà em nhớ đến suốt đời.

Và em lẳng lặng thề nguyện em đã mãi mãi là người của nhà anh rồi.

Sáng hôm anh đi lên thành phố, anh lần mò xuống nhà lều tìm em từ sớm. Anh kéo em vào một góc khuất, ngón tay thon dài lần dò trên môi em thì thầm:

- Em có biết là em có hàng ria mép xanh rì , trông ngộ lắm- Bàn tay của anh vuốt dọc theo cánh tay của em- tay em đầy lông măng, con gái gì mà ngộ quá! Mắt đen to nhìn thẳng băng như vầy. Con trai làng này sao không chết hết!

Anh đột ngột nắm chặt tay em kéo áp sát vào người anh:

- Em chờ anh không? Anh đi học về rồi mình sẽ làm đám cưới, anh và em , ông bà chủ hãng nước mắm. Em chịu không?

Em nhắm chặt mắt lại, niềm hạnh phúc đến bất chợt bóp nghẹt trái tim non nớt của em, em chỉ biết ứa nước mắt gật gật đầu. Em không biết ăn nói ngọt ngào và trơn tru như anh. Em thấm đậm như chất nước mắm cốt mà em làm ra.

Và anh như vậy mà đi, mùi thơm ngọt ngào của anh luẩn quất trên da thịt em mấy ngày là mấy ngày em kín đáo không dám tắm , chỉ sợ mùi của anh tan biến mất.

Một năm anh không về, rồi hơn 2, 3 năm anh cũng không về. 

Đến năm cuối cùng tốt nghiệp lớp 12, chuẩn bị thi đại học anh mới dắt bạn bè về thăm nhà vào dịp hè.

Em đã ngất ngây chuẩn bị từ cả tuần lễ. Em mặc chiếc áo đẹp nhất, tắm gội sạch sẽ bằng cục sà bông thơm mua ngoài chợ, kẹp tóc hoa tím cũng mới len lén đi sắm. Cả người em căng thẳng đau đớn nhức nhối trong nỗi mong chờ.

Anh không về một mình. Từ trên xe hơi bước xuống anh cẩn thận mở cửa cho một đàn con gái áo thun bó sát hồng tím, quần jean ôm chặt vào ống chân dài, từng cô thong thả bước xuống. 

Anh nói cười rộn rã, ngọt ngào, cử chỉ duyên dáng như xưa. Em đứng khép nép sau cửa cổng chờ tia mắt của anh tìm em. Nhưng anh quá bận rộn tíu tít để nhớ đến em.

Rồi cuối cùng anh cũng dắt mọi người xuống nhà lều giới thiệu. Cô gái xinh đẹp nõn nà nhất đám, khẽ chun mũi, đưa chiếc khăn mù soa lên phe phẩy:

- Trời cái mùi này, vừa ở ngoài đường đã nghe nồng nặc, vào đến đây thì mới thấy là không chịu nổi.

Rồi cô điệu đàng quay về phía anh:

- Vì vậy người ta mới phân biệt mùi và hương. Hương là hương hoa, hương tóc. Nước mắm chỉ có mùi chứ có ai nói là hương nước mắm đâu anh nhỉ?

Nói xong cô cười giòn giã như để tự tán thưởng câu nói dí dỏm của mình. Mọi người cười ầm ĩ theo râm ran. 

Tia mắt của cô gái lướt qua chạm vào đôi mắt u uẩn của em. Cô hất hàm hỏi:

- Cô nào kia anh?

- Là người làm công- anh lí nhí khoát tay, tránh tia nhìn của em. Rồi kéo đám bạn gái đi lên nhà ngang.

Em đứng chết sững bên thùng lều, thấy mình đau chát như con cá cơm bị xảm muối!

 

Những lời nói bạc bẽo đó chưa phải là điều đau đớn nhất em phải chịu đựng.

Điều đau đớn nhất vẫn còn chờ đợi em vào tối hôm đó và về sau này. Đời em không khác gì con cá cơm than đã vào thùng chượp, trải qua trăm lần chà đi xát lại, ướp hết lần muối mặn này đến lượt muối mặn khác, sau 18 tháng mới rút kiệt người cho ra giọt nước mắm trong vắt sóng sánh màu mật ong. 

Số phận em là như vậy.

Và cái đêm cay đắng hôm đó đã quyết định cuộc đời em. Không chỉ riêng cuộc đời em, cuộc đời của nhiều người cũng bị xô đẩy đi từ đêm đó.

Đêm đó, nhà anh đãi tiệc, em cũng được mời lên nhà trên. Nhưng em đứng trà trộn với người làm công trong nhà, em xa lạ lạc lõng giữa đèn nến sáng choang, áo quần là lượt, hương thơm sực nức và tiếng nói cười rộn ràng, thỏa mãn.

Mở đầu buổi tiệc, anh dắt tay cô gái xinh đẹp hôm đó lên đầu bàn tiệc, anh trịnh trọng nói, một tay vòng ngang eo cô gái:

- Thưa ba má và cả nhà, con xin giới thiệu , Hương ;là người yêu của con. Gia đình Hương danh giá, có tiếng tăm ở Sài gòn. Hương là tân sinh viên khoa Hóa- Sinh đại học Tổng hợp. Quan trọng nhất là, cô ấy có những sáng kiến độc đáo tuyệt vời cho việc sản xuất nước mắm của nhà mình. 

Cả phòng tiệc chết lặng. Mặt đất dưới chân em có sụt và em có rơi sâu vào hố tử thần cũng không làm em chao đảo như thế. Như cái chết đã ập đến, lạnh lẽo và đen đặc trùm lên em.

Hương tiến lên phía trước một bước, cố ý cho ánh đèn tập trung vào khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng của mình, đôi môi mỏng tô màu đỏ mận chín khẽ phô ra hàm răng trắng đều xin xít:

- Thưa hai bác, con nghe anh Văn kể gia đình mình đã lâu. Ba con làm bác sĩ, mẹ con là giảng viên đại học. Nhưng không giống như những người trí thức khác, nhà con không coi thường người lao động tay chân, hay tầng lớp buôn bán như gia đình mình đây - em thấy một thoáng mây mờ phủ lên đôi mắt của ba má- Con có ấp ủ một nghiên cứu về đề tài làm nước mắm từ khi con quen anh Văn. Nước mắm phải được sản xuất theo kiểu hiện đại, kiểu dây chuyền lớn, trong phòng thí nghiệm. Bây giờ không còn là thời của thùng lều, nhà lều nữa, vừa mất vệ sinh, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tốn kém thời gian công sức lao động...

- Không bao giờ! - từ đầu bàn đối diện, ba của anh, ông chủ Nam Thành đứng bật dậy, chỉ thẳng vào mặt cô gái- cái ý tưởng quái thai, dị dạng, mất gốc đó , không bao giờ được len vào cái nhà này!

Ba anh run run chỉ tay vào mặt anh:

- Cả trăm năm nay nhà mình sống nhờ thùng lều chượp cá. Phát minh mà cô nói ra tôi chẳng lạ gì. Chẳng có gì sáng tạo, làm nước mắm mà không nhờ vào con cá ,chỉ lạm dụng hóa chất, là kiểu làm ăn chụp giựt gian dối. Đất này không dung cho kiểu đó! Nhà này không có chỗ cho kiểu đó! Mà mày- cặp mắt nảy lửa của ba anh cắm thẳng vào khuôn mặt tái ngắt của anh- mày còn có tư tưởng đó thì tao từ mày!

Cô gái vùng vằng bỏ chạy ra khỏi phòng. Anh lật đật chạy theo. Tiếng xe hơi rồ lên hậm hực. Khói xe phả vào phòng ăn mùi ngột ngạt chết chóc. Cả gian nhà chết lặng không một tiếng động, không ai dám thở mạnh. Ba má anh lảo đảo bỏ về phòng.

Nửa khuya, má gọi em vào phòng ngủ. Mặt má xanh nhợt nhạt dưới ánh đèn, má vuốt tóc em âu yếm:

- Bé à, bắt đầu từ bây giờ má sẽ cho con đi học. Không phải đi học bổ túc như lâu nay con vẫn học, mà là học đại học. Con có đồng ý không?

- Dạ, con ham học lắm. Nhưng mà con không nỡ để ba má một mình. Con sẽ học quanh quẩn trong tỉnh để con coi ngó việc nhà và gần gũi ba má.

Má khóc nức lên, những giọt nước mắt to tròn rớt qua kẽ tay xuống mặt em nóng ấm:

- Má vô phước quá! Ba má chắc không còn nhờ cậy vào anh của mày được rồi. Má thương thân con , cơ nghiệp nhà mình rồi đây một mình con phải gánh vác.

Và má ôm em vào lòng suốt đêm đó. Nước mắt má không ngừng rơi. Nước mắt của em cũng lặng lẽ tràn trên mặt. Lần đầu tiên em biết nước mắt mặn và chát hơn nước biển.

Những năm tháng sau đó em lao vào việc học như điên cuồng, như sống chết. Em học vất vả, đau đớn, cực nhọc bằng mười sinh viên bình thường, vừa học, vừa quản lý xưởng nước mắm, vừa chống cự với vết thương trong lòng không ngừng rỉ máu.

Càng học em càng như say, em lần mò áp dụng tất cả những kiến thức học được đẩy nhanh quá trình chượp cá ra nước mắm, thử nghiệm trên nhiều dãy chạp lều mỗi kiểu hình chế biến khác nhau. Em hiểu rõ nước mắm hơn hiểu rõ bản thân mình, từ loại cá cơm than mình tròn trùng trục béo nục tháng tám cho ra nước mắm nhĩ loại nhất có màu vàng non của rơm rạ, hương trong trẻo và thơm nồng thanh tao, hậu ngọt mềm nơi cuống họng đến lọai cá nục mình dầy tháng ba cho ra loại nước mắm cốt nâu đục như mật ong nguyên chất, nếm vào tê rần đầu lưỡi vì độ đạm cao nồng nàn. 

Thương hiệu nước mắm Nam Thành ngày càng nổi tiếng. Đẩy được độ đạm trong nước mắm cao đến 40-41 độ chỉ có thương hiệu của Nam Thành . Em trở thành chuyên gia pha chế nước mắm và chượp cá giỏi của cả vùng Bình thuận.

Cùng lúc em vừa tốt nghiệp đại học, tin anh lén lút làm đám cưới với cô Hương đã làm ba má ngã quỵ.

Đám tang để đến ngày thứ ba, em trong áo xô, tóc xõa lầm lì trước quan tài đợi anh về. Anh vừa tông cửa xe hơi bước như chạy vào nhà, bát hương trên bàn thờ bùng lên bốc cháy ngùn ngụt trong nắng trưa. Tất cả mọi người làm công phủ phục trước quan tài òa lên khóc tức tưởi. Chỉ có em quỳ bên thềm đá, mắt khô khốc trừng trừng không một giọt nước mắt. Cảm giác bi thương, cô đơn và tan nát ruột gan hơn 20 năm trước bên bãi sình Cồn Chà lại ùa về. Như em lại lần thứ hai bị mồ côi.

Như em đang một mình lênh đênh trước biển. Trước cơn sóng dữ đang ập đến.

Giông gió thật sự ập đến sớm hơn em nghĩ, ngay khi quan tài ba má vừa hạ xuống huyệt.

Ngay chiều hôm đó, cô Hương vợ anh đã tập họp hết họ hàng và người làm công trong lều chạp lên gian nhà ngang. Cô đứng ngay chính giữa gian nhà thênh thang, đi giày bốt ống cao "để tránh sình bùn của xác cá", khăn áo tang đã được lột ra, lộng lẫy trong chiếc áo đen mouseline mỏng phất phơ, khuôn mặt vẫn trang điểm cẩn thận như trước. Anh ngồi phía sau, lặng lẽ như cái bóng, mắt trống rỗng tránh không nhìn thẳng vào mặt em.

Cô Hương không vòng vo, đi thẳng ngay vào vấn đề:

- Ông bà chủ Nam Thành đã mất rồi. Chồng tôi và tôi bây giờ là chủ nơi đây. Chúng tôi đã có kế hoạch lâu dài, thay đổi lột xác hoàn toàn thương hiệu nước mắm Nam Thành trở nên hiện đại, "hot" cả trong nước lẫn nước ngoài. Đầu tiên tôi sẽ dẹp hết gian nhà lều , bán hết công nghệ làm nước mắm kiểu cũ, kể cả mấy chục thùng lều. Ai theo tôi thì được trả lương gấp đôi, gấp ba. Còn ai không đồng ý , ai chống lại tôi, tôi sẽ mời ra cổng ngay lập tức!

Em cắn môi sải một bước qua khoảng trống bên cạnh.

- Tôi không đồng ý. Ba má tôi còn sống cũng sẽ không đồng ý với cách làm này.

Cô Hương hất hàm nhìn em, nhếch miệng cười:

- Tôi biết ngay sẽ là cô mà. Càng tốt. Cô trước sau cũng chỉ là con nhỏ làm công, cho cô ăn học tới nơi tới chốn là đã trả công tử tế cho cô rồi. Ở đây cũng không ai cần cô nữa!

Em nhìn thẳng vào bàn thờ. Sau mờ mờ khói nhang , đôi mắt của má nhìn em trìu mến, từng lời cuối cùng của má vang lên trong đầu em: " Bé Ba à, kiếp người là duyên phận. Đến cuối đời má nghiệm ra rằng, gia tài sự sản đều chỉ là ảo mộng, ngay cả chuyện con trai má không nối được nghiệp nhà bây giờ cũng không còn quá quan trọng với má nữa. Chỉ còn Nam Thành là quan trọng. Má tin con sẽ truyền giữ được nghề cho đời sau". Ba má ơi, không ngờ ba má đã nghĩ ra đến lúc cạn cùng như vầy!

Lần lượt từng người một, bác Ba thu mua cá, anh Bảy đóng thùng lều, chú Sáu chuyên gia chượp cá, đảo cá đầy mình kinh nghiệm đứng vào hàng với em. Cô Hương cau mày:

- Có vậy thôi à? Thật ra chúng tôi cũng không cần thợ cũ , nước mắm sẽ chế biến ngay trong phòng thí nghiệm, những người lao động tay chân không có học hành, không kiến thức cũng chẳng giữ lại làm gì!

Người cuối cùng bước ra cùng với xấp giấy tờ dày cộp làm cô Hương giật nảy mình:

- Anh là luật sư của hãng Nam Thành? Ai gọi anh tới đây?

- Trên tay tôi có di chúc của ông bà Nam Thành và biên bản sang nhượng 49 phần trăm cổ phần của hãng cho cô Bé Ba, ngoài ra cô Bé Ba đã dùng tiền riêng của mình mua thêm 2 phần trăm cổ phần cho đủ 51 phần trăm cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất của hãng. 

Cô Hương rít lên:

- Đồ phản phúc, thứ ăn cháo đá bát. Tôi đã nói trước với anh là sẽ có ngày này mà- cô hằn học quay sang chồng- cái ngữ này từ ngày đầu tôi đã thấy chỉ có tham tiền và lường gạt. Anh thấy chưa, nó không quyến rũ mồi chài được anh thì quay sang mồi chài ông bà già để chiếm đoạt tài sản.

Anh nhìn em bằng đôi mắt tối tăm, thảng thốt, đầy oán trách.

Đến đây thì em không im lặng được nữa, em hít một hơi dài hương cá biển vào lồng ngực. Em tiến lên một bước, cô Hương giật mình lật đật lùi lại phía sau. 

- Tôi không chiếm đoạt gì của ai, vì từ lâu Nam Thành đã là nhà của chúng tôi rồi. Chúng tôi không làm việc vì đồng tiền như cô , chúng tôi làm việc vì thương hiệu Nam Thành, chúng tôi sống chết với nó. Nên ai yêu thương nó là người nhà của chúng tôi. Ai phá hoại nó là người ngoài. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Em hạ giọng thật trầm :

- Nhân tiện đây tôi cũng báo cho cô biết, thương hiệu Nam Thành đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền của công ty chúng tôi. Cô có thể kiếm một nhãn hiệu khác để tha hồ thử nghiệm kế hoạch sáng tạo của cô. Có điều, tôi sợ rằng người không nhận ra nổi hương vị nước mắm như cô sẽ không bao giờ thành công với nước mắm!

Em nhìn anh, tia mắt của anh đã dịu xuống, đôi mắt mà xưa kia đã ám ảnh em trong mỗi giấc ngủ, hàng đêm. Bây giờ sao mà bạc nhược , sao mà thất thần:

- Còn về phần anh. Em bây giờ bình đẳng với anh như tất cả cô bác ở đây. Em mong anh sẽ suy nghĩ lại để mình cùng gìn giữ cơ nghiệp cho ba má. Em không giành giật anh với cô ấy, cái mà em và bà con cần giữ lại là tình nghĩa thủy chung, không ai cần giành giật một người không tình không nghĩa!

Nói những lời cuối cùng, em như đã trút cạn ruột gan, cơn lũ uất nghẹn, đau thương trào vỡ bờ, nước mắt em lã chã tuôn ra mặn đắng. Ba má ơi, sao con phải luôn luôn mang trĩu gánh nặng trên vai quá lứa tuổi 25 của con?

Em khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc cho cả con nhỏ 8 tuổi mặc quần bao bố dày cộp ngồi trên bãi sình bến Cồn Chà nhìn xác mẹ nằm dẹp dưới chành cá. Chưa bao giờ em thấy em cô đơn và trống rỗng như lúc này. 

Cô Hương kéo sềnh sệch anh đi, ra đến cửa còn quay lại mắt lóe tia căm giận :

- Đừng tưởng tôi chịu thua tụi dốt nát như mấy người . Rồi mấy người sẽ thấy cái thứ nước mắm cá sình thúi tanh tưởi đó sẽ chết lần chết mòn không còn ai nhớ tới! 

***

Tưởng cô Hương chỉ dọa chơi, không dè cô ấy làm thiệt. Cô tung toàn bộ tiền đằu tư vào thương hiệu nước mắm mới "Perfect" Hoàn hảo, cái tên lơ lớ nửa Việt, nửa Tây cũng có một thời làm điên đảo thị trường nước mắm vì chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên ti vi, và báo chí hàng ngày. Mùi vị pha trộn giữa nước mắm thành phẩm loại 1 của các hãng khác và bột ngọt thời gian đầu cũng làm mê muội đầu lưỡi của người không sành ăn nước mắm, cuối cùng trơ lại lớp nước muối khé chát và chất cặn hóa chất không lắng hết.

Một đêm trời nồng, không chút gió, anh lần về nhà tìm em, bộ dạng tiều tụy, mắt trõm lơ như vừa trải qua cơn bịnh nặng. Em chưa kịp đóng cánh cửa phòng làm việc sau lưng, anh đã ôm trọn em trong vòng tay, giọng buồn như rên:

- Cô ấy bỏ anh rồi. Anh chẳng biết đi đâu mà cũng chẳng còn ai thân thiết nữa.

Em không nỡ gỡ tay anh ra, nhưng toàn thân em cứng lạnh và em ráng ngoảnh đi xa khuôn mặt điển trai , đôi môi nồng nàn, hơi thở nóng bỏng quen thuộc của anh. Em đặt anh ngồi xuống ghế bành, pha cho anh một tách cà phê thật đậm. Em không kịp rời khỏi anh, anh kéo em trở lại trong tay anh, thật gần, giọng tha thiết:

- Em đừng có tránh né anh như vậy, anh cần em. Anh không còn ai thân thiết trên đời ngoài em ra, em là tuổi thơ của anh.

Em than thầm trong lòng, Sao giờ này anh mới nhớ đến tuổi thơ của em và anh. Anh quên rồi có lúc anh đã coi em là con nhỏ làm công. Sao anh lúc nào cũng phải dựa vào ai đó để sống? Nhưng em nuốt ngược cay đắng vào bụng, ráng làm ra vẻ tỉnh bơ:

- Anh nghỉ ngơi đi cho khỏe. Tuần sau em giao lại công việc cho anh. Thiệt ra , trước lúc ra đi, ba má có gửi cho anh một cái thư , dặn em chừng nào anh trở về nhà mới đưa thư cho anh coi.

Anh úp mặt vào tay khóc rưng rức như trẻ con:

- Anh bất hiếu, anh có tội với ba má, phải chi anh nghe lời ba má thì đâu có chuyện tác tệ như ngày hôm nay. Anh không còn tâm trí đâu mà làm việc. Em cần gì anh sẽ phụ tá cho em thôi. Hai anh em mình ráng gìn giữ cơ nghiệp của ba má như ngày xưa.

Anh chợt kéo ghì khuôn mặt của em gần sát lại, thì thầm:

- Mình có trở lại như ngày xưa được không em? Em còn yêu anh không, bé?

Hơi thở em lạc đi, tim em thắt lại. Em chưa bao giờ hết yêu anh, nhưng lòng tin của em không còn tròn vẹn như xưa nữa. Em khẽ quay mặt đi, nói thật nhỏ mà cương quyết:

- Anh cần phải tĩnh tâm lại. Lúc này mình không nên nói chuyện đó anh à. Ngày mai đài truyền hình có hẹn làm phóng sự về thương hiệu của mình. Anh giúp em chuyện này nhé, em vốn không có khiếu ăn nói và ngoại giao như anh.

Anh tươi tắn ngay trở lại, hất mái tóc xoăn tự nhiên, cái duyên điển trai trời ban cho anh và nở nụ cười mê hồn quen thuộc.

- Em để mấy chuyện đối ngoại đó cho anh lo. Anh quen hết đám phóng viên này, bản tin này sẽ nổi tiếng cả nước cho em coi.

Em cúi đầu giấu nụ cười buồn. Anh là thế, chỉ đam mê danh vọng và phù hoa. Có anh bên cạnh mà em chỉ thấy lạnh lẽo trong lòng. Khoảng cách giữa anh và em dường như mênh mông thêm.

 

***

 

Tiếng hô "cận máy" của đạo diễn truyền hình làm em giật mình, quay trở lại với thực tại.

Camera đang chiếu thẳng vào em, nụ cười của anh rực sáng bên cạnh. Em ngơ ngác nhìn mọi người. Anh cúi xuống nói khẽ với em:

- Anh đang kể cho mọi người nghe em đã phát hiện ra hương nước mắm như thế nào, và tụi anh đồng ý đặt tên cho khúc phim thời sự này là " Hương nước mắm". Em cũng nên nói vài lời để kết phim đi chứ!

Em lúng túng nhìn vào ống kính, nụ cười của em chắc hẳn rất méo mó gượng gạo, và khuôn mặt em cũng mộc mạc không hề có chút son phấn. Em hít vào một hơi dài, mùi tanh của chành cá cơm dưới bến nhà lều, mùi nước bổi đang chiết ra đợt đầu nâu đỏ trữ ngoài trỗ, mùi nước mắm cốt đặc quánh sóng sánh nâu dẫn vào các vẹm sành và mùi hương thơm rờn rợn lưỡi của nước mắm nhĩ màu rơm non trộn lẫn vào nhau, lẫn vào máu thịt của em, rần rần chảy khắp cơ thể em.

Em mỉm cười thong thả nói:

- Tôi không nghĩ mình thật sự là người khám phá ra hương vị của nước mắm. Thật ra hương vị nước mắm đã ngấm lâu đời trong hồn người Việt cả ngàn năm rồi, từ cái mùi rơm non, mùi của biển cả , mùi nắng nóng như rang, mùi gió nồng, tất cả hun đúc nên hương vị bát nước mắm. Chúng tôi chỉ làm một việc là tìm lại hương vị đó, gói lại tinh tuyền và gửi đến cho người dân Việt nam. Người Việt mình còn, là hồn Việt mình còn, bát nước mắm giữa mâm cơm người Việt mãi còn.

Ngây ngất trong cơn xúc động, em không ngờ đã ở trọn trong vòng tay ôm chặt cứng như gọng kềm của anh, nụ hôn nóng bỏng từ môi anh phả vào em hương nồng nàn của nước mắm.

Như em và anh đang trở lại góc nhà lều năm nào, và anh thì thầm bên tai em như ngày xưa:

- Anh chờ em. Rồi mình sẽ làm đám cưới, anh và em, ông bà chủ hiệu nước mắm, em chịu không???... 


UYÊN LÊ

Ý kiến bạn đọc
02 Tháng Hai 201912:09 SA
Khách
Tuyệt vời!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Chín 20149:44 CH(Xem: 36518)
“Hoàng Ngọc Thư nói về con đường văn chương chữ nghĩa của chị, cùng những nhận xét, đánh giá của hai nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn về tác phẩm của Hoàng Ngọc Thư.” (SBS)
23 Tháng Chín 20149:32 CH(Xem: 35648)
"Đến Úc lúc mới 15 tuổi, Hoàng Ngọc Thư là cây bút thuộc thế hệ 1,5, sớm chứng tỏ tài năng và đặc biệt nỗi bật với những bài thơ, những truyện ngắn, tùy bút đậm màu sắc chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, mảnh đất chưa có nhiều nhà văn Việt Nam khai phá." (SBS)
23 Tháng Chín 20141:06 CH(Xem: 38557)
Chiều nghiêng, nghiêng sầu xuống đầy Ngồi hong sợi tóc ru tình ngủ say Một mai tình úa mộng phai Em nghiêng áo lệch ngồi hong lệ người
22 Tháng Chín 20142:00 SA(Xem: 40251)
Hiện nay con người gần như không đủ kiên nhẫn cho những cái gì hơi cũ và dài dòng. Tuy nhiên, nếu thưởng thức thơ mà bạn bảo rằng không có nhiều thì giờ thì thật tội nghiệp cho thơ...Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những bài thơ tiêu biểu của Ngô Đại Nguyên đến với quí bạn đọc và văn hữu của Hợp Lưu.
22 Tháng Chín 20141:40 SA(Xem: 40173)
Hàng phi lao run rẩy dưới ánh trăng. Loáng thoáng hai dấu giày hằn rõ trên cát. Đặng Lân bật dậy, hú xé màn đêm như con sói cô độc. Xẻng và đá dội lên không trung những âm thanh khô khốc. Lân điên dại, hoang dã…đào mộ. Thúy hốt hoảng chạy đến, dừng tay anh… Nhìn tấm bia, rùng mình, Lân nhớ năm Kỷ Dậu.
20 Tháng Chín 20145:29 SA(Xem: 38322)
Trong số 26 con đập dòng chính Sông Mekong, thì Noạ Trát Độ / Nuozhadu 5,850 MW trên Vân Nam là con đập lớn nhất, và Don Sahong 260 MW là con đập nhỏ và quan trọng nhất thuộc địa phận Nam Lào (không kể tới Thakho Diversion, cũng của Lào, 50 MW được bảo trở bởi CNR & EDL). Bài viết là một phân tích về hai thái cực của sự huỷ hoại: từ con đập lớn nhất tới con đập nhỏ nhất trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong.
20 Tháng Chín 20145:03 SA(Xem: 38322)
Trong đám anh em thúc bá, chỉ có mình tôi được học ở Hà Nội. Tôi học trường tiểu học Nguyễn Du, gọi nôm na là trường Hàng Vôi. Bà tôi hãnh diện lắm vì có thằng cháu học trường công nơi đất ngàn năm văn vật. Bà thường khen tôi thông minh, sáng dạ. Bà lấy ngón tay dí vào trán tôi: - Cái trán này này!… Mai sau thế nào cũng đỗ ông Nghè, ông Cống nuôi bà.
20 Tháng Chín 20144:30 SA(Xem: 43340)
Một người ngồi trong ghế bành trích từ tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nxb Sóng, Sàigòn, 1974. Đặc điểm của truyện ngắn này là xây dựng trên đối thoại nhân vật trong một không khí Tây phương xám lạnh dưới trần mưa ám khói thuốc, và cách dứt truyện đột ngột. Truyện mang khí hậu riêng của những quán hầm lạnh lẽo và ảm đạm. . trong cùng tập truyện... [Trần Vũ]
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 41870)
tôi thường nhớ rất viễn vông sớm nay đặc biệt nhớ ông thôi à nhớ nụ cười nhẹ như là có mang hương của loài hoa thân tình
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 42944)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…