- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mùa Phật Đản Đẫm Máu (phần 2 Của 3)

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 90814)

III. TUYÊN CÁO CHUNG 16/6/1963:

Do áp lực Mỹ, từ giữa tháng 5/1963, Diệm đã gặp lãnh tụ Phật Giáo để thảo luận về 5 đòi hỏi ngày 10/5. Tuy nhiên, chế độ chỉ muốn kéo dài thời gian để vô hiệu hóa dần cuộc tranh đấu. Họ Ngô không muốn nhận trách nhiệm vì cho đó là nhược điểm. Diệm cũng không muốn thỏa mãn các nguyện vọng ngày 10/5 vì sợ Phật Giáo sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều hơn. Áp lực khuyên Diệm hòa hoãn của Mỹ thì được giải thích theo một ý nghĩa khác–thực ra, chế độ Diệm đang rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin với Mỹ, và Nhu đang bí mật ve vãn Cộng Sản với sự tiếp tay của Pháp và India. (58)
Trong khi đó, lãnh tụ Phật Giáo khéo léo phối hợp giữa biểu tình và ngoại giao, nhất là việc sử dụng các cơ quan truyền thông quốc tế. Một số giáo chức Tây Germany [Đức] và ký giả ngoại quốc cũng tích cực tiếp tay. (59)
Biến cố gây xúc động nhất là cuộc tự thiêu của Thượng tọa Quảng Đức ở Sài Gòn ngày 11/6/1963. Có thể nói lần đầu tiên mới có một cuộc đấu tranh tinh xảo đến thế. Bởi vậy, Mỹ không ngừng áp lực Diệm phải giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ngày 16/6, Diệm và Tịnh Khiết ra một Thông cáo chung. Nhưng Diệm không thực tâm thi hành những điều đã ký kết. Thục và vợ chồng Nhu-Lệ Xuân cũng tìm mọi cách ngăn chặn việc thực thi tuyên cáo ngày 16/6. Phật giáo không lùi bước.

A. THƯƠNG THUYẾT:
Chiều ngày 5/6/1963, Ủy Ban Liên Bộ [UBLB] cùng các Thượng Tọa Thiện Minh và Thiện Hoa ngồi vào bàn thương thuyết. Ngay sau buổi họp đầu, cả đôi bên đều thất vọng về sự thiếu thành khẩn của nhau. Dẫu vậy, Thuần cùng Thiện Minh, phụ tá của Trí Quang, bí mật đạt được thỏa thuận sơ khởi trên 5 đòi hỏi của Phật giáo, với điều kiện phải được Diệm phê chuẩn. ( 60) Hôm sau, 6/6, hai bên đồng ý chính phủ sẽ rút quân đội và an ninh khỏi vùng lân cận các chùa, Đỗ Cao Trí ngừng biểu dương võ lực. Ngược lại, Phật giáo ngừng tuyên truyền chống chính phủ.
Thiện Minh lập tức lên đường ra Huế tường trình về những điều thỏa thuận với UBLB, mang theo một cư sĩ quen biết Thuần để bảo đảm rằng những phần tử “quá khích” [extremist elements] không phá hoại thương thuyết. Theo dự trù, Tịnh Khiết, đang tuyệt thực ngoài Huế, cũng sẽ vào Sài Gòn ký tuyên cáo chung.( 61)
Ngày 6/6 này, Diệm đọc một diễn văn truyền thanh ngắn, kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh vì chính phủ cần thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng.( 62)
Nhưng tại Huế, tình hình thêm căng thẳng. Trong ngày 5/6, bạo động lại diễn ra khiến 4 Phật tử chết, hơn 100 bị thương và hơn 1,000 người bị bắt. Hai sinh viên bị mất tích. 3 y sĩ Germany [Đức] và 2 y sĩ Mỹ đang phục vụ tại Huế đã tích cực giúp đỡ Phật tử. Diệm bèn cho lệnh hai y sĩ Germany, Erich Wulff và Hans Holterscheidt, phải lập tức rời cố đô. Sau đó, trục xuất họ khỏi Sài Gòn với lý do “không được ưa chuộng” [Persona Non Grata].( 63)
Chính quyền Huế còn ngưng tiếp tế cho những người biểu tình bị cô lập. Lãnh sự John J. Helble báo cáo rằng tình trạng thực phẩm và nước uống tại chùa Từ Đàm đã ở mức báo động đỏ. Phi cơ chính phủ thì rải truyền đơn đả kích Trí Quang và đòi bắt giữ cả Tịnh Khiết.( 64)
Tại Sài Gòn, thái độ họ Ngô cũng đột ngột cứng rắn. Vợ chồng Nhu-Lệ Xuân công khai trách mắng Thuần đã nhân nhượng quá nhiều. Ngày 7/6, Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới [PTPNLĐ] của Lệ Xuân ra “quyết nghị” lên án những cuộc biểu tình chống chính phủ là chống lại chính nghĩa quốc gia (anti-nationalist), bị “Cộng sản khai thác và lợi dụng, dẫn đến hỗn loạn và trung lập.” Và yêu cầu chính phủ không thể tiếp tục im lặng trước những mưu toan chính trị, lập tức trục xuất những ngoại nhân chuyên phá hoại, dù mặc áo thày tu hay không, đặc biệt là những kẻ mưu toan biến Việt Nam thành chư hầu ngoại bang.( 65) Quyết nghị này được trao cho báo chí ngày hôm sau, 8/6/1963.
Ngày này, Trueheart gặp Thuần về quyết nghị của PTPNLĐ trên nhưng Thuần thú nhận mình không giải quyết được gì. Chiều đó, Truehart vào Dinh Gia Long, đích thân phản đối lời tuyên bố của vợ Nhu, và dọa sẽ công khai không ủng hộ chính sách Phật giáo của Diệm. Diệm nói không thể bác bỏ quyết nghị của PTPNLĐ, vì đây là một hội đoàn tư nhân, nhưng sẽ cho lệnh Bộ trưởng Nội vụ phải để những người biểu tình tại chùa Từ Đàm được tiếp tế lương thực và nước uống. Diệm cũng nói không biết gì về việc phi cơ chính phủ thả truyền đơn sỉ nhục lãnh tụ Phật giáo. Sau đó, Diệm khẳng định lập trường: Sẽ thương thuyết trong thế mạnh; Phật giáo vi phạm lời cam đoan tạm ngưng chiến dịch tuyên truyền, tiếp tục phát tài liệu cho báo chí ngoại quốc (như Thiện Minh đã tiết lộ về những điều khoản thỏa thuận); Phật giáo thiếu thành tín (bad faith). Lần đầu tiên, Diệm thú nhận với Trueheart rằng chính quyền địa phương bất lực trong việc đối xử với Phật giáo; vì mãi đến ngày 24/5–tức hơn hai tuần lễ sau cuộc thảm sát ở Huế–chuyên viên y khoa mới báo cáo là thương tích không do mảnh lựu đạn gây nên. Nhưng Diệm nhấn mạnh sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì trật tự nếu hỗn loạn tiếp tục.( 66)
Hôm sau, 9/6, báo Times of Vietnam [Việt Nam Thời Báo] đăng nghị quyết ngày 7/6 của PTPNLĐ. Báo này nhấn mạnh vai trò các tăng sĩ Nam tông (Therevada) trong những cuộc rối loạn hiện nay. Hàm ý là phe Nam tông có liên hệ với chính sách trung lập hoá miền Nam của Charles de Gaulle và Norodom Sihanouk. Các báo Việt ngữ không đăng. Diệm cũng cho lệnh đài phát thanh không nhắc đến lời Lệ Xuân đả kích Phật Giáo. Tuy nhiên, lệnh này ban hành sau khi đài Sài Gòn đã phát thanh vài ba lần.
Tại Huế, số Phật tử bị phong tỏa đã 3 ngày không có nước uống, thực phẩm và thuốc men. Một số tư nhân mang tặng thực phẩm, nước uống. Chính phủ cho chụp hình, loan báo đó là do chính phủ cung cấp. Trong khi đó, điện thoại với Sài Gòn bỗng dưng bị “hư.” Lãnh sự Helble không thể liên lạc được với Trueheart. Thuần cũng lâm vào cảnh tương tự. Phi cơ chính phủ tiếp tục rải truyền đơn, tố cáo Trí Quang là Cộng Sản. Đây là bước chuẩn bị cho việc bắt giữ các lãnh tụ tranh đấu–vì chỉ cần “liên hệ với phiến Cộng” đã là trọng tội, có thể bị kết án từ khổ sai tới tử hình. Không ít người đã bị tra tấn đến chết hay thủ tiêu. (67)
Tại Oat-shinh-tân, trưa ngày 8/6 [đêm 8 rạng 9/6 tại Việt Nam], Ngoại trưởng Rusk chỉ thị Trueheart yêu cầu Diệm bác bỏ nghị quyết của PTPNLĐ, rút lại Sắc luật số 10, và cần xác định chính phủ duyệt trước hay chăng lời tuyên bố của Lệ Xuân. Lời tuyên bố của Lệ Xuân, Rusk nhấn mạnh, làm suy giảm vị thế của VNCH, và tổn hại uy tín của Mỹ, có thể gây khó khăn cho việc tiếp tục yểm trợ VNCH tại Quốc Hội cũng như dư luận Mỹ. (68) Ngày 9/6, Trueheart gặp Thuần, cho biết chỉ thị của BNG Mỹ. Rồi đả kích việc chính phủ đang chuẩn bị phản biểu tình vào ngày 10 hay 11/6. Kế hoạch phản biểu tình của Paul Hiếu này gồm có những thủ thuật sử dụng “sư giả” từ các tỉnh, Thanh Niên Cộng Hoà và bọn tệ đoan xã hội Chợ Lớn giả làm sư. Trueheart cảnh cáo rằng nếu quả thực như vậy, cần phải ngừng ngay. Trueheart cũng nêu lên vấn đề giáo dân Đà Nẵng đang chuẩn bị ra nghị quyết cách chức Thiếu tá Thiệt, Tỉnh trưởng Quảng Nam, nhân dịp làm lễ cầu hồn cho Giáo hoàng John XXIII (1958-1963) vào ngày 10/6. Nếu đúng sự thực, cần chấm dứt ngay. Trueheart còn nêu lên vấn đề 4 ký giả (Michaud của AFP, Sheehan của UPI, Browne của AP và Parry của báo NY Times) đã bị bắt giữ 1 giờ đồng hồ tại Quận 3. Hành động này, Trueheart bảo thẳng Thuần, là “khùng” và bất lợi. ( 69)
Mãi tới 9 giờ sáng ngày Thứ Hai, 10/6, Thuần mới gặp Trueheart để phúc đáp. Thuần nói đã trình bày với Diệm và Nhu về những đề nghị của Mỹ. Về Sắc luật số 10, Diệm không có quyền rút lại. Quyết nghị của PTPNLĐ không phải là “tuyên bố của bà Nhu,” mà là của “một tổ chức đại chúng” (cả Thuần lẫn Trueheart đều mỉm cười). Diệm đã điện thoại cho Paul Hiếu trước mặt Thuần về vấn đề tổ chức phản biểu tình. Hiếu chối không có kế hoạch đó. Cũng không có kế hoạch đòi cách chức Tỉnh trưởng Quảng Nam. Đang dàn xếp cho những người trong chùa Từ Đàm ở Huế ra về không gặp trở ngại, ngoại trừ các công chức. Chính phủ không đứng ra tổ chức lễ cầu hồn cho John XXIII. Diệm vẫn muốn thương thuyết, nhưng cần cô lập những thành phần quá khích. UBLB sẽ họp lúc 10G00 để nghiên cứu lá thư mới nhất của UB Tranh đấu Phật giáo.( 70)

B. NGỌN LỬA CÚNG DƯỜNG ĐẠO PHÁP:
Biến cố khiến cuộc tranh đấu của Phật giáo được dư luận thế giới chú ý nhất là cuộc tự thiêu của Thượng tọa Quảng Đức tại ngã tư Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt Sài Gòn (ngay trước Tòa Đại sứ Kampuchea).
Quảng Đức, tục danh Lâm Văn Tức (1897-1963), đang tu tại chùa Quán Thế Âm trên đường Nguyễn Huệ, Gia Định. Lúc 9G30 sáng ngày 11/6–giữa lúc Diệm và hầu hết nhân viên cao cấp trong chính phủ đang tham dự buổi quốc lễ cầu hồn cho Giáo Hoàng John XXIII– chiếc xe Austin của một Phật tử, dưới sự dẫn đường của một đoàn 400-500 tăng sĩ, đưa Quảng Đức tới chỗ hóa thân. Địa điểm này được các tăng ni làm hàng rào cản không cho Cảnh sát can thiệp. Số khán giả tò mò lên tới khoảng 500 người, ngày càng đông. Một số ký giả như Sheehan của hãng UPI cũng được báo trước. Từ xe bước xuống giữa ngã tư, Quảng Đức ngồi xuống theo thế thiền định, nhờ một Đại đức đổ xăng lên thân thể mình, rồi tự tay châm lửa bằng diêm (quẹt). Malcolm Browne, nhân viên hãng AP, thu được tấm hình này–bức hình rồi sẽ gây chấn động dư luận thế giới. (71) Trưa đó, khoảng 400 tăng sĩ đưa thi hài Quảng Đức tới chùa Xá Lợi. 2,000 Phật tử cũng lũ lượt kéo nhau tới chùa. Khoảng 1,000 Cảnh sát tới “bảo vệ an ninh,” nhưng các tăng ni được di chuyển tự do. (72)
Khoảng 12G30, quân đội được lệnh cấm quân. Bảy tiểu đoàn Dù nhận lệnh ứng chiến. Đại tá Lê Quang Tung tăng cường 2 Đại đội Lực Lượng Đặc Biệt [LLĐB] cho Sài Gòn, trí quân trong phi trường Tân Sơn Nhất. Nhân viên Mỹ được nghỉ sớm, và khuyến cáo không nên đến gần các đám biểu tình. (73)
Phần Trueheart tới gặp Thuần tại tư dinh, bảo thẳng Thuần rằng Diệm phải có thái độ ngay chiều đó, bằng không Mỹ sẽ tuyên bố không liên hệ đến chính sách tôn giáo của Diệm. Khi Thuần hỏi có thể dẫn lời Trueheart cho Diệm và Nhu nghe được không, Trueheart đồng ý. Trueheart cũng lưu ý Thuần về kháng thư của PTPNLĐ đăng trên Times of Vietnam sáng đó để phản đối hãng UPI khi gửi đi bản tin của Sheehan; và cảnh cáo rằng nếu đây là bước đầu để trục xuất Sheehan thì là một điều “ngu xuẩn” (stupid). (74)
Phó Tổng thống Thơ và Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cũng vào yêu cầu Diệm phải có hành động tức khắc, đồng thời chỉ thị UBLB xúc tiến nhanh việc thương thuyết với Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo Tranh Đấu. (75)
Ngay tối 11/6 đó, Diệm đọc diễn văn, cam kết là “phía sau Phật Giáo trong nước còn có Hiến Pháp, tức là có tôi.” (76) Diệm hy vọng diễn văn truyền thanh của mình sẽ trấn an dư luận cho tới hôm sau, khi UBLB gặp mặt Ủy Ban Liên Phái.
Tại Oat-shinh-tân, gần nửa đêm 11/6 [gần trưa 12/6 tại Việt Nam], Rusk chỉ thị cho Trueheart: “Nếu Diệm không có những bước cấp tốc và hiệu lực để giải quyết cuộc khủng hoảng để gây lại niềm tin của Phật tử, chúng ta sẽ phải tái duyệt xét việc ủng hộ chế độ Diệm.” (77)
Tối ngày 12/6, Trueheart mới gặp được Diệm. Không những thông báo cho Diệm biết cuộc tự thiêu của Quảng Đức đang gây sôi nổi dư luận thế giới, Trueheart còn trao cho Diệm một văn bản cảnh giác–theo đúng chỉ thị của Rusk–là Mỹ có thể sẽ công khai tuyên bố không ủng hộ chính sách Phật giáo của Diệm. Trước khi kiếu từ, Trueheart nêu lên 3 điểm:
1. Báo cáo ngày 11/6 cho biết chính quyền Huế và Đà Nẵng tiếp tục bắt giữ người biểu tình.
2. Chính phủ không thể truy tố những người “giúp” Quảng Đức tự thiêu. (Diệm nói có người giúp Quảng Đức đổ xăng lên mình, và châm lửa. Trueheart nhấn mạnh rằng hai nhân chứng đích mắt thấy Quảng Đức tự mình tưới xăng và châm lửa).
3. Có tin chính phủ đang cấm các tăng ni từ các tỉnh vào Sài Gòn. (Cả Diệm lẫn Thuần trả lời là vì lý do an ninh. Diệm thêm rằng Quốc Hội đang thành lập tiểu ban nghiên cứu việc sửa đổi Sắc Luật số 10). (78)

C. THÔNG CÁO CHUNG:
Từ sáng 12/6, Hoà thượng Tịnh Khiết cùng Trí Quang và Thiện Minh rời Huế vào Sài Gòn để thương thuyết với UBLB. Ba lãnh tụ Phật giáo tới phi trường Tân Sơn Nhất lúc 13G15, và tạm trú tại chùa Xá Lợi. (79) Phó TT Thơ viết thư yêu cầu hai bên họp ngay lúc 18G00 hôm đó để giải quyết mau chóng các đòi hỏi của Phật giáo. Phật giáo muốn trì hoãn ít ngày để bàn bạc với các đại diện miền Nam, nên nêu lý do Tịnh Khiết còn yếu sau 5 ngày tuyệt thực, cần tĩnh dưỡng ít lâu. Thơ lại đề nghị gặp nhau hôm sau, giờ và địa điểm do Phật giáo chọn. Cuối cùng, Phật giáo đề nghị họp ngày 14/6, với điều kiện chính phủ nhân nhượng toàn bộ 5 đòi hỏi ngày 10/5/1963. ( 80)
Ngày 14/6, phái đoàn Phật Giáo do Thiện Minh làm Trưởng đoàn–gồm Thiện Hoa, Tâm Châu, Huyền Quang (Thư ký), và Đức Nghiệp (Phó Thư ký)–bắt đầu họp với UBLB. Do áp lực của Trueheart, ngay sáng hôm đó, chính phủ nhượng bộ đòi hỏi thứ nhất: đồng ý cho Phật tử treo cờ. Trong phiên họp chiều, đồng ý sửa lại Sắc luật số 10. Để tỏ thiện chí, Tịnh Khiết kêu gọi Phật tử tạm ngưng biểu tình. ( 81)
Hôm sau, khoảng 18G30, thương thuyết hoàn tất. Ngày Chủ Nhật, 16/6, hai bên ra thông cáo chung với những điều khoản sau: Ngưng áp dụng Dụ số 10; cứu xét lại những khiếu nại của Phật Giáo; xác nhận tự do tôn giáo; sẽ “trợ cấp” (không “bồi thường”) cho gia đình nạn nhân ở Huế. Tịnh Khiết và Diệm cùng ký vào Tuyên Cáo–nhưng Diệm không ký ngang chỗ “Khán” của Tịnh Khiết mà ghi vào góc trên của bản Thông cáo chung như sau: “Những đều được ghi trong thông cáo nầy thì đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ đầu; Ngô Đình Diệm.” (82)
Trong khi thương thuyết đang diễn ra, Phật tử và một số lãnh tụ Phật giáo thiên về bạo động hơn. Ngày 13/6, Phật tử khắp nơi treo cờ Phật Giáo, chống lệnh cấm của Diệm (thực ra Diệm đã bí mật đồng ý). Buổi lễ cầu siêu cho Quảng Đức ngày 16/6 tại chùa Xá Lợi qui tụ hàng chục vạn người. Hơn 500,000 thanh niên, hoc sinh và Phật tử xuống đường biểu tình. Xô xát Cảnh Sát kéo dài 45 phút trước chùa. (83) Buổi tối, Thiết Giáp phải tăng cường cho Cảnh Sát. Một thiếu niên 15 tuổi bị tử thương vì trúng đạn ở đầu. 3 tăng và 2 Phật tử bị thương. Hàng ngàn người bị bắt giữ. (84)
Ba ngày sau, 19/6, nhờ Cảnh Sát, Công An nỗ lực ngăn chặn Phật tử tham dự, lễ hỏa táng Quảng Đức bớt hỗn loạn hơn.

IV. GIAI ĐOẠN “HƯU CHIẾN,” 19/6-20/8/1963:

Thông cáo chung ngày 16/6/1963 là cơ hội tốt nhất cho chính phủ Diệm giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo. Nhưng vì những nguyên do thầm kín, họ Ngô quyết định không tôn trọng những điều đã cam kết. Phật Giáo chẳng phải không đề phòng. Lãnh đạo Phật Giáo chỉ tạm thời “ngưng chiến” trong vòng 2 tuần lễ, chờ đợi thành tâm của chính phủ.

A. NỖ LỰC PHÁ HOẠI THÔNG CÁO CHUNG 16/6/1963:
Có dấu hiệu cho thấy vợ chồng Nhu-Lệ Xuân muốn phá hoại việc thực hiện thông cáo chung với Phật giáo.
Một mặt, Nhu vận động các hội Phật giáo độc lập chống lại cuộc tranh đấu. Ngày 20/6, Phật Giáo Cổ Sơn Môn –mới thành lập tại chùa Giác Lâm, Chợ Lớn; do Huệ Tâm, Hoà thượng trụ trì chùa Trung Nghĩa, Sa Đéc, thủ lĩnh Lục Hòa Tăng làm Tăng thống–tuyên bố ủng hộ chính sách tôn giáo của chính phủ, và đứng ngoài chính trị.( 85) Nhu còn cho lệnh cắt bỏ đoạn phim thời sự về cuộc thương thuyết giữa chính phủ và Phật giáo.
Mặt khác, Nhu sai các tỉnh tổ chức mít-tinh lên án phong trào tranh đấu của Phật giáo và phong tỏa các chùa chiền. Đoàn viên Thanh Niên Cộng Hoà [TNCH] mặc đồng phục xanh dương đậm đi lấy chữ ký để ra thỉnh nguyện thư phản đối bản thông cáo chung 16/6/1963, và chuẩn bị biểu tình đòi xét lại thông cáo chung này. Bản thông cáo số 3 của TNCH đệ trình lên “Tổng thủ lãnh” Nhu đề ngày 25/6/1963 gồm nhiều lời đả kích Phật giáo nặng nề như “dị đoan cuồng tín,” “phản loạn, tay sai của kẻ thù chung,” v.. v... Đồng thời, lên án Tuyên cáo chung 16/6/1963 là “không phù hợp với lý tưởng của TNCH, co đặt những đặc quyền và độc quyền cho một nhóm, có những chủ trương trái với luật lệ hành chánh.” ( 86) Trước sự phản kháng của Phật giáo, ngày 1/7/1963, TNCH lại ra Tuyên cáo số 4, ám chỉ lãnh tụ Phật giáo tranh đấu liên hệ với bọn phản loạn và phản quốc, trong khi đích thân Tổng thủ lãnh “cảnh giác để không cho phép bọn đầu cơ chính trị và Cộng Sản lợi dụng Thông cáo chung [16/6] đó hầu làm sai lệch nó ra ngoài phạm vi tôn giáo.”( 87)
Lệ Xuân thì cho PTPNLĐ họp tại trụ sở trung ương ngày 16/6, dùng loa phóng thanh công bố Quyết nghị ngày 7/6. Rồi ra một Bạch thư [Sách trắng], do vợ chồng Gene và Ann Gregory, chủ nhiệm báo Times of Vietnam soạn thảo, đăng trên chính tờ Times of Vietnam số ra ngày 17/6, miệt thị cuộc tranh đấu của Phật giáo, tố cáo cuộc tranh đấu không vì lý do tôn giáo mà chỉ vì lý do chính trị. ( 88)
Rồi đến kế hoạch ăn mừng lớn suốt ba ngày, từ 25 tới 27 tháng 6/1963, để kỷ niệm 25 năm Thục được phong chức Giám mục (Lễ Ngân Khánh = Tea Deum).( 89)
Có lẽ anh em họ Ngô muốn sử dụng ngày lễ này để vận động sự ủng hộ của khối giáo dân Ki-tô chống Phật Giáo. Bởi thế, ngày 16/6, Tổng Giám Mục Paul [Nguyễn Văn] Bình chỉ thị các họ đạo phải giữ tôn giáo biệt lập với chính quyền. “Một giáo dân Ki-tô tốt, và đạo hạnh, là công dân thượng hạng, ràng buộc với tổ quốc, trung thành với chế độ cầm quyền, bất kể sự chính thống của chính quyền ấy.” Đó là lời giải thích của Pie XI, trong Sắc Dụ ngày 31/12/1929.” (90)
Hệ thống tuyên truyền của chế độ cũng tìm đủ cách hạ giá trị các lãnh tụ và mục tiêu tranh đấu của Phật tử. Cán bộ chính phủ loan tin Cộng Sản đã nhúng tay vào máu khi ném lựu đạn vào đám đông đêm 8/5/1963. Khi những cuộc giải phẫu tử thi không tìm thấy mảnh lựu đạn, câu chuyện biến thành mìn từ lực Cộng Sản. Ít năm sau, lại mọc ra chi tiết một Đại úy Mỹ đã chết từng tự nhận đặt chất nổ.
Thượng tọa Trí Quang, linh hồn của cuộc tranh đấu miền Trung, bị cáo buộc là cán bộ Cộng Sản cao cấp, từng bị Pháp bắt giữ, âm mưu lật đổ chính quyền từ năm 1960. Hòa thượng Tịnh Khiết, theo những lời tuyên truyền này, không biết quốc ngữ, chỉ ký vào những gì các sư trẻ, quá khích bắt buộc phải ký. Cuộc tự thiêu của Quảng Đức không tự nguyện, mà là một hình tội sát nhân. Quảng Đức, theo lập luận này, đã bị chích thuốc trước khi “sát nhân” đổ dầu và châm lửa đốt cháy. Diệm và Nhu còn đe sẽ truy tố những người đã trợ giúp thượng tọa hóa thân ra tòa.
Lệ Xuân thì khẳng định rằng cuộc tự thiêu của Quảng Đức chỉ là một màn “nướng thịt sư” [barbecue of a bonze] với xăng nhập cảng. Bác sĩ riêng của Diệm mật báo với Nolting rằng Quảng Đức bị một số sư trẻ thuyết phục nên tự thiêu; vì ít năm trước, Quảng Đức từng hứa với một người bạn là sẽ “đồng tử,” và nay người bạn đó đã chết, Quảng Đức cần giữ lời thề. Nói cách khác, Quảng Đức không thích chính trị, và không tự thiêu để chống chính phủ. ( 91)
Trong khi đó, tại vài địa phương, viên chức thông tin loan tin chống Phật Giáo, chùa chiền bị phong tỏa, sinh viên, học sinh và thanh niên Phật tử liên tục bị gây khó khăn, và bắt giữ. Điều khiến các lãnh tụ tranh đấu bất mãn nhất là tổ chức Cổ Sơn Môn công khai tố cáo phe tranh đấu có ý đồ làm chính trị. Ngày 26/6, Tịnh Khiết phải than với Diệm rằng “tình thế không những không thay đổi mà còn trầm trọng hơn.”( 92)
Ngày 1/7, Hoàng Văn Giàu, Trưởng đoàn Thanh Niên Phật Tử, gay gắt lên án thái độ của chính phủ và kêu gọi Phật tử quyết tâm tranh đấu. (93)

B. NỖ LỰC HÒA GIẢI CỦA MỸ:
Kennedy và các cố vấn cực kỳ bối rối. Trong một phiên họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia [ANQG], Kennedy đặt câu hỏi phải chăng Quảng Đức đã bị “thuốc” [drugged], nhưng các cố vấn khẳng định đức tin đã quá đủ cho những hy sinh tương tự. Dù là giáo dân Ki-tô, ủng hộ Diệm từ thập niên 1950, Kennedy chỉ thị Đại sứ Sài Gòn áp lực bắt Diệm phải đáp ứng ngay đòi hỏi của Phật giáo. Ngày 14/6 [11 giờ sáng 15/6/1963 VN], Rusk chỉ thị Trueheart cứu xét việc đưa Phó Tổng thống Thơ lên thay Diệm trong trường hợp bất trắc, và Trueheart phải tiếp xúc Thơ cùng những người không ủng hộ Diệm. (94) Nhưng hai ngày sau, Trueheart trả lời là không tiện bàn với Thơ, vì tình hình đã sáng sủa hơn–Phật giáo và UBLB đạt được thông cáo chung. Trueheart chỉ hứa sẽ thuyết phục Diệm hoà hoãn, và nếu Diệm không chịu thực thi thông cáo chung, sẽ xúc tiến tìm “một giải pháp khác Diệm.” (95)
Ngày 18/6, Trueheart bảo Thơ rằng chỉ nên coi những thỏa thuận như bước khởi đầu mà chưa phải hồi kết của cuộc khủng hoảng. Diệm cần thực hiện những điều đã thỏa thuận. Sáng đó, khi gặp Thuần, Trueheart cũng nói tương tự, với lời lẽ cứng rắn hơn. Trueheart đặc biệt nhắc Thuần về luận điệu của tờ Times of Vietnam ngày 17/6 về tuyên cáo chung, và hành vi khiêu khích của PTPNLĐ. ( 96)
Tối 19/6 [8G28 ngày 20/6/1963 tại VN], Roger Hilsman chỉ thị cho Trueheart nên lưu ý các viên chức Việt là đừng nên đồng hoá một cá nhân với chế độ. Thí dụ như lời tuyên bố “Phật giáo có thể tin cậy nơi Hiến pháp, nghĩa là tôi” của Diệm tạo nên những cảm tưởng xấu ở Mỹ. Viên chức Việt cũng cần tiếp xúc thường xuyên với lãnh tụ Phật giáo và đối xử đồng đẳng với họ. Đặc biệt, thỏa ước 16/6/1963 phải được tôn trọng và nhanh chóng thực hiện để giảm thiểu sự nghi ngờ của Phật tử. ( 97)
Dư luận thế giới cũng đã chú ý hơn đến cuộc tranh đấu của Phật giáo. Ngày 14/6, Norodom Sihanouk viết thư cho Kennedy, phản đối việc đàn áp Phật giáo tại Nam VN. Sihanouk cũng gửi cho TTK/LHQ U Thant, Thủ tướng Bri-tên McMillan, TT Pháp de Gaulle và TT India, Radhakrishnan, thông điệp tương tự. Sihanouk còn trao cho Đại biện VNCH tại Phnom Penh một công hàm về vụ tàn sát Phật tử ở Huế. ( 98)
Hôm sau, 15/6, lần đầu tiên tin Phật Giáo Việt Nam được lên trang nhất báo The New York Times [Nữu Ước Thời Báo], tờ báo uy tín của giới trung lưu Mỹ. Max Frankel, tác giả, cho rằng nhân viên ngoại giao Mỹ đã nói thẳng với Diệm bằng giọng điệu gay gắt rằng VN phải thỏa mãn các đòi hỏi của Phật Giáo, bằng không Mỹ sẽ tuyên bố không yểm trợ chính sách Phật Giáo của Diệm. ( 99) Thông báo cho Trueheart tin này, BNG chỉ thị Trueheart nói với Diệm rằng chính phủ Mỹ vẫn yểm trợ Diệm; tạm thời không đề cập đến bài báo trên NYT. Hầu hết báo lớn và các lãnh tụ Mỹ đều chỉ trích chế độ Diệm.
Ngày 18/6, Thủ tướng Ceylon là Bandaranaike cũng gửi thư cho Kennedy, yêu cầu hòa giải để Phật tử, vốn chiếm đa số tại Việt Nam, được quyền tự do tín ngưỡng. Mười ngày sau, 28/6, đại biểu Cambodia, Ceylon và Nepal tại LHQ gặp đại biểu Mỹ để bày tỏ quan tâm về tình hình Phật giáo Việt Nam.( 100)
Đáng lưu ý là trong hai tháng đầu đấu tranh của Phật Giáo–mặc dù chính phủ Diệm không ngớt vu cáo cuộc tranh đấu do Cộng Sản xúi dục, và sau này Nguyễn Hữu Thọ đánh gía nó như “món quà từ trên trời rơi xuống”–cả Hà Nội lẫn MT/GPMN đều chưa bày tỏ một thái độ rõ ràng nào ngoài những phản kháng chung chung của Võ Nguyên Giáp hay Hà Văn Lâu gửi Ủy Ban Quốc Tế Kiểm soát Đình chiến, hay Tuyên cáo của MTGPMN về việc vi phạm Hiệp định “Giơ neo vơ.” (101)
Mãi tới ngày 15/7 mới có tin tình báo là MTDT/GPMN kêu gọi binh sĩ và cảnh sát ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo. (102) Cũng từ ngày này, cán bộ nằm vùng CS xâm nhập vào các cuộc tranh đấu, lôi kéo thanh thiếu niên nam nữ. (103)
Các cơ quan tuyên truyền của Đảng Lao Động Việt Nam mở nhiều chiến dịch khai thác cuộc tranh đấu:
- Mít tinh, tuyên cáo đả kích Mỹ-Diệm và ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo trước dư luận quốc nội cũng như quốc tế.
- Xâm nhập cán bộ vào các đô thị và phong trào tranh đấu
- Gia tăng hoạt động quân sự, đánh phá các đồn bót và Ấp chiến lược.
- Khoét sâu sự khác biệt giữa chính quyền miền Nam và Phật Giáo.
Vì vậy, có lúc an ninh Mỹ phải đặt câu hỏi thực chăng CS đã bỏ vùng thôn quê, dồn vào mặt trận tỉnh thị.

C. THAY ĐỔI ĐẠI SỨ MỸ:
Giữa thời gian này, Oat-shinh-tân gửi công hàm hỏi ý kiến Diệm về việc thay Đại sứ ở Sài Gòn. Ngày 20/6/1963, BNG Mỹ chỉ thị cho Trueheart xin gặp Diệm để xin ý kiến về việc cử Henry Cabot Lodge thay Nolting. (104)
Sau khi tiếp Trueheart khoảng 1 tiếng đồng hồ chiều ngày 22/6, ba ngày sau, 25/6, Diệm sai Thuần cho Truheart biết Diệm rất bất mãn. Diệm cho rằng Mỹ đang thay đổi chính sách và nỗ lực bắt Diệm phải làm theo Mỹ hay sẽ bị loại bỏ [Diem thought a new American policy was involved and an effort to force him to do our bidding or to unseat him]. Diệm cũng nhắn đến tai Lodge rằng “họ có thể gửi 10 Lodge tới đây, nhưng tôi không để cá nhân tôi hay đất nước này bị hạ nhục, kể cả việc họ huấn luyện pháo binh bắn vào dinh thự này [they can send ten Lodges, but I will not permit myself or my country to be humiliated, not if they train their artillery on this Palace].( 105) Theo Thuần, Diệm sẽ trở nên cứng đầu hơn. Truheart bảo thẳng Thuần rằng cách tốt nhất để tránh đương đầu với Mỹ là chính phủ Diệm nên bắt đầu thay đổi cách làm việc.( 106)
Ngày 26/6, Thứ trưởng Ngoại giao George W. Ball chỉ thị cho Trueheart gặp Diệm, giải thích rằng chính sách của Mỹ không thay đổi; đó là yểm trợ chính phủ chống Cộng miền Nam. Riêng việc bổ nhiệm Lodge đã được quyết định từ tháng 4/1963, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo, vì Nolting đã ở Việt Nam hai năm. Mục đích của Mỹ là cảnh giác Diệm về những hiểm họa có thể tránh, không để làm suy yếu Diệm. Nhưng quyết định và hành động là trách nhiệm của riêng Diệm.(107) Hôm sau, Diệm tiếp Trueheart khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, tuyên bố sẽ thực hiện việc dân chủ hóa từ nông thôn lên, nhưng không muốn vợ chồng Nhu bị tách xa cá nhân mình.( 108) Thuần cũng thông báo với Trueheart là Chính phủ Việt Nam sẽ ra chỉ thị cho các tỉnh thi hành nghiêm chỉnh bản tuyên cáo chung 16/6/1963. Cá nhân Diệm có thể sẽ ra Huế để nghiên cứu và giải quyết mọi sự; Diệm cũng sẽ đọc diễn văn về việc thực thi tuyên cáo chung.
Nhưng ngày 27/6, Bộ trưởng Nội Vụ Lương lại tuyên bố với một nhân viên CIA rằng Cộng sản đã xâm nhập phong trào tranh đấu của Phật giáo, và trong vài ngày tới, sẽ ra thông cáo về việc những người bị bắt giữ. (109) Lời cáo buộc của Lương báo hiệu chính sách mới của họ Ngô với Phật giáo. Rất có thể chính sách này được thảo luận kỹ càng hơn trong dịp anh em họ Ngô về Huế dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thụ phong Giám mục của Thục, trong các cuộc họp mật vào cuối tháng 6/1963.( 110)

Tại Mỹ, Kennedy và các cố vấn theo dõi những biến chuyển ở Sài Gòn với mắt nhìn bi quan. Phản ứng tại nội địa Mỹ cũng chẳng có gì đáng lạc quan. Ngày 27/6, báo New York Times đăng bài cậy đăng nguyên một trang của 12 lãnh tụ Tin lành Mỹ, kể cả Reinhold Niebuhr và James Pike, yêu cầu Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam. Bài cậy đăng trên có cả hình Quảng Đức tự thiêu của Browne. Chỉ còn vài ký giả ủng hộ Diệm trên những tờ báo mà Giáo Hội Ki-tô Mỹ có ảnh hưởng.
Quyết định bổ nhiệm Lodge cũng tạo nên những tia lửa điện trong chính giới và hàng ngũ Tướng tá Việt Nam. Lodge, một lãnh tụ đảng Cộng Hoà từng đứng phó trong liên danh Richard M. Nixon năm 1960, nổi danh la ợ“vua đảo chính” (đặc biệt là việc đảo chính Lý Thừa Vãn ở Nam Hàn). Bởi thế, các mưu toan đảo chính Diệm bắt đầu rộn rịp tại Sài Gòn. Tin đồn đảo chính loan truyền rộng rãi. Cuối tháng 6/1963, cơ quan CIA đã thiết lập được danh sách các nhóm có ý làm đảo chính. Đáng kể nhất có nhóm “Bác sĩ” Trần Kim Tuyến. Tuyến mới mất chức Giám đốc Mật Vụ, và đang chờ đi ngoại quốc. Quanh Tuyến có một số nhân viên Bộ Công Dân Vụ của Paul Hiếu, Tổng Nha Thông Tin, Mật Vụ, và một số sĩ quan trẻ. Nhóm khác do Huỳnh Văn Lang và Trung tá [Albert] Phạm Ngọc Thảo, Thanh tra Ấp Chiến Lược, chủ trương. Nhóm này gồm hầu hết cựu đảng viên của hệ Cần Lao “Liên kỳ Nam-Bắc Việt” do Lang thiết lập tại miền Nam, kể cả Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu trưởng Liên quân.
Từ ngày 30/5, đã có tin đồn Tuyến và Albert Thảo mưu làm đảo chính. (Tuyến bị thất sủng; sau đó bị gửi qua Morocco [Ma Rốc] và Cộng Hòa Arab, nhưng hai xứ này không nhận). Hai nhóm Tuyến và Thảo, phần đông là Ki-tô giáo, không muốn thấy “thiên mệnh Mỹ” rơi vào tay Phật giáo. (Theo tình báo Mỹ, Tuyến được sự yểm trợ của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Hoà thượng Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh, Trung Tướng Dương Văn “Big” Minh và Thiếu tướng Tôn Thất Đính. Lãnh tụ của nhóm Tuyến có lẽ là Nguyễn Ngọc Thơ). Nhưng mạnh nhất, và được Mỹ tin cậy nhất, là nhóm do Trung Tướng [André] Trần Văn Đôn, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, đại diện. Từ tháng 6/1963, André Đôn và em rể là Lê Văn Kim đã xin Nolting cho làm đảo chính, nhưng bị Nolting nghiêm khắc trách mắng:
Đừng cho tôi mấy thứ làm loạn và yểm trợ nổi loạn. Tại sao mấy ông không lo làm trọn nhiệm vụ của các quân nhân? Nước Mỹ không dính líu vào vấn đề đảo chính.( 111)

Ngày 8/7, André Đôn nói với một nhân viên CIA là nhóm mình được đa số cấp chỉ huy ủng hộ, ngoại trừ Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh QĐ IV, và Tôn Thất Đính, Tư lệnh QĐ III.( 112)
Nhưng khuôn mặt mà chế độ gờm sợ nhất vẫn là Trung Tướng Dương Văn Minh (1916-2001). “Big” Minh, một thời được ca tụng như “Anh hùng Rừng Sác,” đang là một Tướng không có quân, vô quyền lực với chức vụ Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống từ ngày 8/12/1962. Không ai rõ tại sao Tướng Minh bỗng dưng bị thất sủng. Người nêu lý do Minh đã dấu đi một phuy vàng tịch thu được trong chiến dịch truy lùng Bình Xuyên. Người suy diễn rằng Diệm không tin Minh, một Tướng ngoại đạo, do Pháp đào tạo, lại có em trai theo Việt Minh. Thêm vào đó, một số quan Tướng Mỹ, kể cả Lansdale, không ưa “Big” Minh. Ngày 27/12/1961, chẳng hạn, Lansdale phản đối việc cử “Big” Minh nắm giữ quân đội vì, theo Lansdale, Minh từng công khai nói về ý định đảo chính Diệm.( 113) Theo Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, cá nhân ông ta và Big Minh bị Ngô Đình Nhu dèm xiểm với Tổng thống Diệm là thành phần “chủ bại,” nên bị nghi ngờ và thất sủng từ năm 1959.
Cách nào đi nữa, “Big” Minh từng mưu định ám sát Nhu, nhưng phải bỏ dở. Trong số đồng minh “tự nhiên” của “Big” Minh có Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, các sĩ quan gốc miền Nam và một số đảng viên Đại Việt thời cơ như Đặng Văn Sung và Bùi Diễm.

D. ĐỢT TRANH ĐẤU THỨ HAI CỦA PHẬT GIÁO:
Phần Phật giáo vẫn chuẩn bị tiếp tục tranh đấu, nếu cần. Ngày 26/6, Thiện Minh viết thư phản đối với UBLB về việc thành lập Phật Giáo Cổ Sơn Môn. Không hài lòng với thư trả lời ngày 28/6 của UBLB, nhóm tranh đấu quyết định xuống đường. Ngày 30/6, hàng ngàn tăng ni Sài Gòn bắt đầu tuyệt thực. Qua đầu tháng 7/1963, sinh viên, học sinh Sài Gòn biểu tình trước Quốc hội để yểm trợ cuộc tuyệt thực của các tăng ni.
Ngày 1/7, tờ Times of Vietnam cho đăng trên trang nhất bản tin tựa đề: “Băng keo Scotch bí ẩn và Đoạn kết chứng hoang tưởng đã ló dạng” [Mysterious Scotch Tape and End to Schizophrenia In Sight]. Bài này hàm ý có sự chia rẽ giữa Nhu và Thơ-Thuần, cáo buộc Quảng Đức đã bị “thuốc” trước khi tự thiêu, và đưa ra nhận định thời gian hưu chiến hai tuần đã qua, nhưng Sài Gòn vẫn yên tĩnh; ngoại trừ có một biến cố đặc biệt nào, thí dụ như một cuộc tự thiêu khác, có thể kết luận rằng những đòi hỏi của Phật giáo đã được thỏa mãn.”( 114) Hai ngày sau, 3/7, Phó TT Thơ tuyên bố vào là, theo sự điều tra của chính phủ, chính “Việt Cộng” đã gây nên cuộc thảm sát đẫm máu ở Huế. (Vì việc này, ngày 10/12/1963, Thơ đã bị chất vấn gay gắt trong một buổi họp báo ở Sài Gòn sau ngày đảo chính Diệm)
Tại Mỹ, từ ngày Thứ Hai, 1/7, Michael Forrestal đã yêu cầu cho Nolting trở lại Việt Nam vì Phật giáo có thể biểu tình trở lại sau thời gian “hưu chiến.” Tối 1/7 đó, Ball chuyển chỉ thị của Hilsman và Nolting cho Trueheart là phải gặp Diệm ngay, bảo thẳng Diệm rằng dư luận Mỹ nghĩ rằng người thân của Diệm đang cố tình phá hoại sự thỏa thuận với Phật giáo. Đúng hay sai, dư luận Mỹ cũng cho rằng đang có bách hại tôn giáo ở miền Nam. Khi gặp Thuần, Trueheart yêu cầu Thuần đọc bài viết trên Times of Vietnam, và đề nghị Mỹ muốn Lệ Xuân đừng nên tuyên bố gì hết; bài báo trên Times of Vietnam hàm ý thách thức Phật giáo tiếp tục tự thiêu. Rồi thêm chẳng lẽ Diệm không hiểu rằng chỉ cần một vụ tự thiêu nữa là chính phủ Mỹ sẽ tuyên bố không dính líu gì đến chính sách tôn giáo của Diệm? Thuần trả lời rằng Diệm không biết điều đó, và đề nghị Trueheart nên nói thẳng với Diệm.( 115)
Trueheart xin chỉ thị của Bộ Ngoại Giao và Ball cho gặp Diệm, nói thẳng với Diệm; và nếu cần, gặp cả Nhu. (116)
Buổi Diệm gặp Trueheart chiều ngày 3/7 khiến liên hệ giữa hai bên thêm căng thẳng. Khi Trueheart đề nghị Diệm đích thân gặp các lãnh tụ tôn giáo để giải quyết, Diệm nói sẽ nghiên cứu lại. Khi Trueheart đề cập đến bài trên Times of Vietnam, Diệm cũng chỉ nói sẽ nghiên cứu.( 117)
Hôm sau, Thuần cho Trueheart biết rằng có lẽ Diệm không hành động gì về những đề nghị của Trueheart và yêu cầu Nolting trở lại Sài-Gòn càng sớm càng tốt.(118) Cũng trong ngày 4/7 này Lệ Xuân viết bài “Who Is Spokeman of Whom?” [Ai là phát ngôn viên của ai?] trên Times of Vietnam, phủ nhận tờ Times of Vietnam là cơ quan ngôn luận của mình. Nếu những bài trên Times of Vietnam có trùng hợp ý kiến của Lệ Xuân, đó cũng không phải là quan điểm của chính phủ. Lệ Xuân cũng khẳng định không đại diện cho chính phủ VNCH, và những kẻ xuyên tạc có thể bị lợi dụng bởi Cộng Sản và tay sai [lackeys] của chúng. Bài này đã được phát cho báo chí ngày hôm trước.( 119)
Trong phiên họp HĐ/ANQG từ 11G00-11G45 ngày 4/7 (khoảng nửa đêm ngày 4/7 tại Sài Gòn), ý kiến chung của các viên chức Mỹ là Diệm không chịu xa Nhu. Hilsman, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ, thông báo cho Kennedy biết sẽ có đảo chính trong vòng 4 tháng.( 120)
Hôm sau, 5/7, từ Greece về tới Oat-shinh-tân, Nolting được mời tham dự phiên họp của HĐ/ANQG, rồi nhận lệnh trở lại Sài Gòn càng sớm, càng tốt, với hy vọng cho Diệm cơ hội chót. Giữa lúc Nolting đang trên đường về nhiệm sở, ngày Chủ Nhật, 7/7, tại đường Trương Minh Giảng, Công an hành hung một nhóm ký giả ngoại quốc nổi danh chỉ trích chế độ như Browne, Trưởng văn phòng hãng AP, Peter Arnett, gốc New Zealand, Sheehan, Halberstam, v.. v..., khi họ đang quan sát và thu hình cuộc biểu tình của các tăng ni chùa “Miên.”( 121)
Ngày 10/7, bản ước lượng tình báo đặc biệt [SNIE 53-2-63] của Hội đồng ANQG Mỹ dự đoán rằng nếu Diệm không thi hành nghiêm chỉnh tuyên cáo chung 16/6, sẽ có đảo chính trong tương lai gần, với hơn 50% cơ hội thành công.( 122)

D. NỖ LỰC VÔ VỌNG CỦA NOLTING:
Nolting vừa về tới Sài Gòn ngày 11/7 đã được Diệm mời vào Dinh Gia Long, trình bày tình hình. Để trả lời câu tuyên bố của Nolting với giới truyền thông khi vừa bước xuống phi trường–là mong muốn hai bên tiếp tục nói chuyện để đạt thỏa thuận–Diệm nói kết quả thương thuyết tùy thuộc vào phe tranh đấu.( 123)
Vì nghi ngờ rằng Phật giáo bị Cộng Sản giật giây, Nolting nỗ lực nối lại mối giao hảo giữa Toà Đại sứ và Diệm. Ngày 15/7, Nolting khuyên Diệm nên công bố một số nhân nhượng cần thiết với Phật giáo. Diệm đồng ý, nhưng chưa có hành động nào. Theo Nolting, chính Diệm cũng đang muốn tử vì đạo (124)
Nhưng cuộc diễn hành tới trước tư thất Đại sứ Nolting ngày 16/7, do Tâm Châu dẫn đầu, để phản đối việc chính phủ tiếp tục đàn áp, bắt giữ tăng ni, Phật tử, và khẳng định Phật giáo không phải là Cộng sản hay bị Cộng sản lợi dụng, khiến Diệm cứng rắn hơn.( 125) Hôm sau, 17/7, Trần Văn Tư, Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành, sai Cảnh sát đàn áp dữ dội cuộc biểu tình bất bạo động ở Sài Gòn và chùa Giác Minh tại Chợ Lớn. Hàng chục xe chở người bị bắt đến các trại tập trung vào An Dưỡng Địa Phú Lâm để sưu tra lý lịch. Các chùa đều bị phong tỏa.
Sau khi Kennedy tuyên bố trong buổi họp báo ngày 17/7 tại Oat-shinh-tân là hy vọng cuộc tranh chấp tôn giáo sẽ được giải quyết sớm, ít giờ sau [ngày 18/7 tại Việt Nam], Diệm tuyên bố trên đài thanh không hề đàn áp Phật giáo, yêu cầu mọi người đoàn kết sau lưng chính phủ, rồi kết luận bằng câu “Xin ơn trên ban phép lành cho chúng ta.”
Hôm sau nữa, 19/7, Diệm cho phát lại bài diễn văn truyền thanh vỏn vẹn 2 phút kể trên. Ngày này, Ủy Ban Liên Phái Tranh Đấu Bảo Vệ Phật Giáo tán thành lời kêu gọi của Diệm; và yêu cầu có những biện pháp cụ thể để thực hiện Tuyên cáo chung 16/6/1963, như phóng thích những người bị bắt giữ từ ngày 8/5, trừng phạt những người gây nên tội ác trong ngày 8/5, và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình. Hôm sau, 20/7, đích thân Paul Hiếu và Trần Văn Tư tới Phú Lâm yêu cầu các tăng ni bị bắt giữ được trở lại chùa Xá Lợi.( 126)
Ngày 22/7, Ủy Ban tranh đấu gửi điện văn thông báo khắp nơi là cuộc đấu tranh đòi hỏi thực thi Thông cáo chung chưa chấm dứt: Luân phiên cầu nguyện và tuyệt thực.( 127) Các lãnh tụ tranh đấu cũng tổ chức họp báo tại chùa Xá Lợi, lên án chính phủ không giữ lời hứa.( 128)
Điều đó, có lẽ Nolting rõ hơn ai hết. Chiều ngày 16/7/1963, khi Nolting vào Dinh Gia Long gặp Nhu, Nhu đã tuyên bố Phật giáo không có sự đe dọa nào đáng kể.
Nhưng các cố vấn của Kennedy nhìn sự việc một cách khác. Ngày 23/7, Hilsman chỉ thị cho Nolting là Bộ Ngoại Giao dự trù sẽ còn nhiều cuộc biểu tình của Phật giáo; những cuộc biểu tình này khích động thị dân, và có thể sẽ có đảo chính trong vài tháng, nếu không phải vài tuần; và những cuộc đảo chính ấy hy vọng thành công. Bởi thế, Nolting có thể ra tuyên cáo tự cách biệt với chính sách của Diệm; khuyến khích việc kế vị hợp hiến (Thơ lên thay); thuyết phục những người muốn đảo chính bỏ ý định; hoặc, tiếp tục chờ đợi, hy vọng Diệm cải cách. Hiện tại, nên theo đuổi chính sách chờ đợi.( 129)
Nolting vẫn ra công bảo vệ Diệm. Theo Nolting, Diệm là cơ hội tốt nhất của miền Nam.( 130) Ngày 28/7, Nolting còn tuyên bố với hãng UPI là không hề có việc đàn áp Phật Giáo ở VNCH, vì Bộ trưởng Nội Vụ Lương đã cho Nolting biết sẽ không dùng biện pháp mạnh để đàn áp; và dân chúng đã chán ngán cảnh hỗn loạn. Diệm còn trực tiếp chỉ thị cho Đại tá Nguyễn Văn Y, Giám đốc Mật vụ, và Trần Văn Tư, Giám đốc Cảnh Sát Đô thành, không được dùng võ lực. Phó Tổng thống Thơ cũng nói đại diện Phật giáo đồng ý gặp Thơ trên căn bản bán chính thức từ ngày 31/7/1963.
Nhu và Lệ Xuân tiếp tục sử dụng cán bộ Cần Lao cùng các tổ chức ngoại vi như Thanh Niên Cộng Hoà, Thanh Nữ Cộng Hoà chống Phật Giáo. Vì quá hăng say phục vụ lãnh tụ và để chuộc tội thua trận Tua Hai (Tây Ninh) hơn ba năm trước, ngày Chủ Nhật 23/7, Trung Tá Trần Thanh Chiêu, Giám đốc Nha Thanh Tra Dân Vệ, tụ tập khoảng 100 dân vệ, gia đình tử sĩ và thương phế binh trước chùa Xá Lợi, yêu cầu “các thày trở lại việc tu hành, ngưng tiếp tục gây rối loạn chỉ làm lợi cho Cộng Sản.”( 131)
Lỗ mãng nhất là Lệ Xuân. Không những chỉ thị cho tờ Times of Viet Nam đả kích Phật giáo, mà còn hàm ý thách thức các tăng ni tiếp tục tự thiêu.( 132) Để trả lời Lệ Xuân, ngày 23/7, Sư bà Diệu Huệ, mẹ Giáo sư Bửu Hội, họp báo tuyên bố sẵn sàng tự thiêu cúng dường tam bảo. Tuy nhiên, cuối cùng Bửu Hội thuyết phục được mẹ mình ngưng tự thiêu.( 133)
Ngày 1/8, Lệ Xuân tuyên bố với phóng viên đài truyền hình Mỹ CBS rằng các lãnh tụ Phật giáo đang âm mưu lật đổ chính phủ; và tất cả những gì Phật tử đã làm chỉ có mỗi việc “nướng thịt một sư” [barbecue a bonze] với “săng nhập cảng” [imported gas]. Hai ngày sau, 3/8, Lệ Xuân tuyên bố trước khoá sinh khoá III Phụ Nữ Bán Quân Sự rằng những vụ tranh đấu chỉ có bề ngoài tôn giáo, nhưng mục đích là chính trị, với thủ thuật Cộng Sản, cần phải bẻ gãy. Đại sứ Trần Văn Chương, cha ruột Lệ Xuân, phải công khai trách Lệ Xuân là “thiếu tư cách và hỗn láo” [impertinent and disrespectful] trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ [VOA] vào ngày 6/8. Ngày 8/8, để trả lời Đại sứ Chương, Lệ Xuân tuyên bố dù có “thiếu lễ độ” cũng phải nói “sự thực.” Lệ Xuân cũng biện hộ cho những lời tuyên bố trên đài CBS ngày 1/8; khẳng định các lãnh tụ Phật giáo không đại diện cho Phật giáo hay dân tộc Việt Nam.
Hôm sau nữa, 9/8, trong bài phỏng vấn của tuần báo Mỹ Newsweek, Lệ Xuân còn hung hăng hơn.( 134)
Ngoài ra, còn có tin em trai Lệ Xuân, Trần Văn Khiêm, lên thay Trần Kim Tuyến làm Giám đốc Mật vụ, và Khiêm đã lập sẵn danh sách những người chống đối để quăng lưới. Khiêm mang danh sách trên ra khoe với cả một ký giả Australia.( 135)
Nhu cũng tiếp tay vợ trong chiến dịch đả kích Mỹ và Phật giáo. Trả lời câu hỏi của Reuters ngày 3/8, Nhu tuyên bố chùa Xá Lợi đang trở thành một trung tâm mưu lật đổ chính phủ, và nếu không giải quyết được vấn đề Phật giáo, sẽ có một cuộc đảo chính chống Mỹ và Phật giáo.( 136) Ngày 7/8, Nhu nói với Nolting là hoàn toàn ủng hộ chính sách của Diệm qua bản tuyên cáo ngày 18/7, nhưng Lệ Xuân có quyền phát biểu ý kiến riêng của một công dân.
Ngày 8/8, nhật báo New York Times đăng hai bài trên trang nhất về Việt Nam. Bài thứ nhất của Halberstam, từ Sài Gòn, với tựa “Bà Nhu Tố Cáo Mỹ Bắt Chẹt ở Việt Nam” [Mrs. Nhu Denounces U.S. for “Blackmail” in Vietnam]. Lệ Xuân, theo Halberstam, tuyên bố rằng Diệm không có quần chúng ủng hộ, phải dựa vào vợ chồng Nhu. Bài thứ hai của Tad Szulc ở Oat-shinh-tân, tiết lộ mối quan tâm ngày một gia tăng của chính phủ Kennedy về việc chính phủ Diệm khó sống còn nếu không hòa hoãn với Phật giáo. Tính sổ chung với những tuyên bố đòi rút số cố vấn Mỹ trong tháng 5/1963, kế hoạch âm thầm ve vãn Cộng Sản Bắc Việt và sử dụng Pháp để giải tỏa áp lực Mỹ, vợ chồng Nhu mới đích thực trở thành Persona Non Grata với Oat-shinh-tân.
Đặt mình trước nhiều hơn một lằn đạn–và nhất là đã bị thuyết phục rằng cuộc tranh đấu của Phật giáo chẳng những không thuần túy tôn giáo mà chỉ là một âm mưu chính trị, nhằm lật đổ chính phủ, do Cộng Sản xúi dục–mọi nỗ lực của Nolting ở Việt Nam hầu như uổng phí. Ngày 30/7, Phật tử tổ chức linh đình giỗ thất tuần (49 ngày) Quảng Đức. Hôm sau, 31/7, Ủy Ban Tranh Đấu Bảo Vệ Phật Giáo ra tuyên cáo phản đối lời tuyên bố ngày 28/7 của Nolting; và hôm sau nữa, 1/8, Tâm Châu gửi thư trách cứ Nolting, khẳng định “những vụ đàn áp là cực độ của cả một chuỗi lạm quyền, áp bức giết chóc mà Phật tử phải gánh chịu trong nhiều năm, dưới nhiều hình thức, do cấp thừa hành bên dưới của một nền hành chánh cố tình dung túng gây ra.”( 137)
Ngày 1/8, Tịnh Khiết cũng gửi công điện cho Kennedy, phản đối lời tuyên bố của Nolting rằng không có việc đàn áp Phật Giáo ở VNCH.( 138) Một Nhóm Người Yêu Nước thì ra tuyên ngôn phản đối Nolting là không hiểu biết gì về tình cảnh Phật giáo tại Việt Nam.
Ba ngày sau, 4/8, Đại Đức Nguyên Hương (Huỳnh Văn Lễ) tự thiêu trước Dinh Tỉnh trưởng Phan Thiết, và Phật tử xuống đường biểu tình đòi lại xác đã bị Cảnh Sát lấy đi. Ngày 12/8, một nữ sinh chặt một bàn tay phản đối chính quyền và luận điệu hỗn hào của Lệ Xuân đối với các tăng ni. Rồi, ngày 13/8, Đại Đức Thanh Tuệ cúng dường tam bảo ở chùa Phước Duyên, Hương Trà, Thừa Thiên. Hai ngày sau, ni cô Diệu Quang tự thiêu ở Ninh Hòa. Hôm sau nữa, 16/8/1963, Thượng tọa Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm, Huế.( 139)
Bẽ bàng hơn nữa là anh em họ Ngô cũng bắt đầu coi thường Nolting. Khi Nolting cho Diệm xem bức công điện khẳng định chính phủ Mỹ không thay đổi chính sách về Việt Nam, Diệm nói: “Tôi tin ông, nhưng không tin nội dung bức điện ông nhận được.”( 140) Khi Nolting đề nghị Diệm có biện pháp với Lệ Xuân–người mà theo Nolting đã vượt ngoài sự kiểm soát của cha mẹ và anh chồng–Diệm chỉ hứa “sẽ cứu xét.”( 141)
Ngày 12/8, khi tiếp kiến Nolting, Diệm cho rằng các tăng ni không thành thực, và thế giới không biết đến việc các sư giả muốn lật đổ chế độ. Sau dạ tiệc đưa tiễn Nolting của Diệm, ngày 13/8, Thơ họp báo, tuyên bố sẽ truy tố một số người tham dự biểu tình ngày 8/5, và những người bị bắt sau ngày 16/6 có thể không được khoan hồng. Trong phần hỏi đáp, Thơ so sánh trường hợp Lệ Xuân với những lời chỉ trích chính phủ VNCH của Thượng Nghị Sĩ Mansfield. Buổi họp báo của Thơ khiến Ngoại trưởng Rusk phải gửi điện tín cho Nolting, hỏi liệu Diệm có muốn đi nghỉ mát chung với vợ chồng Nhu chăng? (142)
Sau nhiều lần xin ở lại Sài Gòn nhưng bị từ chối, ngày 14/8, Nolting vào chào từ biệt Diệm. Gần lúc chia tay Diệm mới hứa sẽ phủ nhận những lời lỗ mãng của Lệ Xuân. Những lời hứa cho có. Ngày 15/8, tờ Times of Viet Nam ca ngợi Nolting như “người đầu tiên xứng đáng với tước hiệu đại sứ.”( 143)
Do sự dàn xếp của Nolting, báo New York Herald Tribune [Diễn Đàn Tiền Phong New York] đăng bài phỏng vấn Diệm của Marguerite Higgins. Higgins trích lời Diệm là chính phủ vẫn theo đuổi chính sách ôn hoà với Phật giáo. Diệm và gia đình cũng rất vui lòng về việc bổ nhiệm tân Đại sứ Lodge.( 144)
Thực ra, đây chỉ là món quà tiễn chân Nolting, và để trấn an dư luận Mỹ, vì Diệm-Nhu đang có kế hoạch xuống tay mạnh với Phật giáo.( 145)
Tại miền Trung, việc bắt giữ, hành hung, ám sát Phật tử vẫn diễn ra hàng ngày. Tại Huế, sau phiên họp giữa Thị trưởng Nguyễn Văn Hà và lãnh đạo Phật Giáo ngày 9/8, thái độ chính quyền ngày một cứng rắn. Ngày 10/8, Thị trưởng Huế yêu cầu Thượng tọa Thiện Minh tháo gỡ các biểu ngữ chống chính phủ theo tinh thần buổi gặp mặt ngày 9/8/1963. (146) Phó Tỉnh trưởng Hồ Ứng Dần cũng yêu cầu Tỉnh hội Phật Giáo Thừa Thiên chấm dứt việc phổ biến các tin tức và tài liệu bất hợp pháp. Đồng thời ra thông cáo cấm dân chúng tập trung đông đảo tại chùa Từ Đàm và Diệu Đế vào những giờ phát thanh của Phật Giáo. (147)


Mờ sáng Thứ Ba, 13/8/1963, Đại đức Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên. (148) Cuộc tự thiêu này châm ngòi cho một đợt tranh đấu mới.
Ngày14/8, Hoà thượng Tịnh Khiết gưỉ văn thư than phiền về việc di chuyển linh cữu Thanh Tuệ. (149) Thượng tọa Mật Hiển với cũng xin gặp Đại biểu TNTP tường trình về trường hợp Thanh Tuệ. Trong khi đó, một thợ mộc Phật tử phụ trách việc treo biểu ngữ và cờ bị bắn chết. (150) Hôm sau, 15/8, khoảng 100 học sinh và sinh viên Huế biểu tình từ chùa Từ Đàm về Tòa Hành Chánh tỉnh. Cảnh sát trưởng quận Hữu ngạn chặn đoàn biểu tình trước trường Đồng Khánh, bị xô đẩy, mang thương tích cùng một cảnh binh. Sau đó đoàn biểu tình kéo tới ngồi tại hoa viên trước tòa hành chính. (151)
Cảnh sát đặt nút chặn phong tỏa chùa Từ Đàm. Buổi trưa, khoảng 300 Phật tử tụ họp trên đường Trần Hưng Đạo. Chính quyền thả chó đàn áp. Xô xát dữ dội. Một số bị bắt. Đám đông bị giải tán trong vòng nửa giờ. 50% nhà hàng, cửa tiệm đóng cửa. 70% sạp vải Đông Ba ngưng hoạt động. (152) Ngày này, Ni cô Diệu Quang–tục danh Ngô Thị Thu (1936-1963), sinh tại Phù Cát, Thừa Thiên, tu tại ni viện Vạn Thạnh, Nha Trang–tự thiêu tại chùa Ninh Hoà.(153) Hôm sau nữa, 16/8, Đại đức Tiêu Diêu–tục danh Đoàn Văn Mễ (1893-1963), cha của Đoàn Văn An, giảng sư Đại học Huế; năm 1930 mới đi tu, học trò Tịnh Khiết–tự thiêu ở chùa Từ Đàm. Chính quyền ban hành lệnh thiết quân luật từ 6 giờ sáng, xe tăng án ngữ ở một số ngã tư, kẽm gai kéo ra ngăn chặn. (154) Hội Phật Giáo tung tin quân đội đã cướp thi hài Tiêu Diêu dấu đi. Anh ruột Tiêu Diêu là Bùi Câu minh xác đã đến tận nơi xin lãnh thi hài về quê mai táng. (155)
Ngày Thứ Bảy, 17/8, Thị trưởng Huế Nguyễn Văn Hà lại ra thông cáo:
Yêu cầu đồng bào tuyệt đối tránh mọi lợi dụng tôn giáo để đả kích chính phủ, vi phạm luật pháp quốc gia và làm trở ngại công cuộc bảo vệ an ninh trật tự công cộng.
Đưa ra 4 điểm sẽ thi hành:
Triệt để thi hành thông cáo chung;
Phật tử được hoàn toàn tự do đi chùa dự lễ tôn giáo;
Không hề chủ trương bắt bờ Phật giáo đồ nếu các đồng bào đó không hành động gì phạm đến kỷ luật quốc gia; trong trường hợp có sự bắt bớ trái phép yêu cầu cấp tốc can thiệp với tòa [tỉnh] để giải quyết gấp;
Sẽ thiết lập một Ủy Ban đặc biệt có nhiệm vụ tiếp xúc với đồng bào Phật Giáo để giải quyết nhanh chóng những việc liên quan đến vấn đề thực thi thông cáo chung. (156)

Tuy nhiên thông cáo trên không đủ ngăn chặn tăng ni, Phật tử tấp nập tới chùa Từ Đàm bái viếng thi hài Thích Tiêu Diêu. Buổi chiều, Tiểu khu Thừa Thiên mở cuộc họp báo trình bày vụ Tiêu Diêu.
Trong khi đó, Chủ Nhật, 18/8, Thích Minh Nhật, Tổng thư ký THPG tại Sài Gòn, diễn thuyết tại chùa Diệu Đế. Đề tài: “Phật tử trong giai đoạn hiện tại.” Khoảng 2000 người tham dự. Tại Sài Gòn, Phật tử cũng tụ họp đông đảo ở chùa Xá Lợi vì có tin chính phủ sẽ ra tay tấn công. Trong khi đó, mười Tướng lãnh và Tư lệnh đơn vị họp mật. Đồng ý yêu cầu Diệm thiết quân luật, để bắt buộc các tu sĩ trở lại chùa.
Thời gian này, sinh viên Huế cũng bắt đầu xao động. Ngày 15/8, đại diện sinh viên Phật tử gặp Viện trưởng Đại học Huế là Cao Văn Luận, xin can thiệp trả tự do cho những người bị bắt giữ. Mới xuất ngoại trở về, ghi nhận được những đổi thay của chính giới Mỹ, Luận có phần thiện cảm với phe tranh đấu, nên hứa sẽ can thiệp.( 57) Nhưng ngay chính Linh mục đang bị thất sủng. Ngày 16/8, trong khi chính quyền địa phương ban hành lệnh thiết quân luật từ 6 giờ sáng, bố trí xe tăng án ngữ ở một số ngã tư, kẽm gai kéo ra ngăn chặn dự định tự thiêu của Đại đức Tiêu Diêu ở chùa Từ Đàm, Bộ trưởng Giáo Dục Nguyễn Quang Trình cùng Trần Hữu Thế, tân Viện trưởng Đại học Huế, tới cố đô để làm lễ bàn giao với Linh mục Luận vào ngày hôm sau.( 158)
Nhân cơ hội này, sinh viên tranh đấu khai thác việc thay thế Viện trưởng Luận. Ngày 17/8, lễ bàn giao chức Viện trưởng được đánh dấu bằng vụ từ chức tập thể của các Giáo sư Đại học Huế: Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Y khoa; Bùi Trần Huân, Luật khoa; Tôn Thất Hanh, Khoa học; Nguyễn Văn Trường, ban Khoa học Sư phạm; Lê Tuyên. Thế phải bỏ vào Sài-gòn báo cáo. Trong khi Luận lên đường vào Đà Nẵng, các giáo sư lại ký kiến nghị phản đối việc cách chức Luận (159)
Buổi chiều 17/8, Tiểu khu Thừa Thiên mở cuộc họp báo trình bày vụ Tiêu Diêu. Lúc 16G00, ký giả ngoại quốc kéo nhau rời phòng họp vì có tin khoảng 200 sinh viên Huế bắt đầu biểu tình tới Tòa Đại biểu TNTP đưa kiến nghị yêu cầu lưu giữ Viện trưởng Luận. Nguyễn Xuân Khương và Bộ trưởng Trình ra nhận kiến nghị trước cổng Tòa Đại biểu. (160)
Chủ Nhật, 18/8, một số Khoa trưởng, Giáo sư và khoảng 500 sinh viên hội thảo tại Đại học Huế. Vận động bãi khóa, bỏ thi cử, phản đối việc cách chức Cao Văn Luận, và thành lập một Ban chấp hành Sinh viên mới, hầu mở rộng liên lạc với Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Đà Lạt. Họ đưa kiến nghị lên Tổng thống. (161)
Hôm sau, 19/8, sinh viên Huế hủy bỏ một cuộc biểu tình vì sợ bị chụp mũ Cộng Sản (ngày kỷ niệm Cách Mạng tháng 8/1945). Nhưng các giáo chức đệ đơn từ chức trong khi sinh viên yêu cầu tân Viện trưởng Thế–đương kim Đại sứ Philippines, mới được Ngô Đình Thục đề cử thay Linh mục Luận mà không hề thông báo cho Bộ Ngoại Giao–chuyển thỉnh nguyện mời Cao Văn Luận trở lại. (162) Thứ Ba, 20/8, Viện trưởng Thế cho lệnh những buổi hội họp trong khuôn viên trường phải xin phép trước. (163)
Giọt nước làm tràn ly, và cũng chiếc đinh đầu tiên đóng lên nắp quan tài VNCH, là cuộc tấn công hầu hết các chùa chiền trên toàn quốc vào nửa đêm ngày 20, rạng ngày 21/8/1963. Đây là một tội ác vi phạm nhân quyền khác, nặng nề gấp trăm lần cách dùng đèn cầy [nến] đốt hậu môn tù nhân mà có nhân chứng tiết lộ rằng Tri huyện Ngô Đình Diệm sính dùng để khảo cung nghi can ngày còn làm quan cho Pháp hơn 30 năm trước. Cuộc tấn công này và những thủ thuật bưng bít, xuyên tạc của anh em ông Diệm-Nhu trong những ngày kế tiếp–như ông Diệm cả quyết rằng chỉ lục soát vài chục ngôi chùa lớn trong số 4,700 chùa khắp miền Nam–gỡ xuống chiếc mặt nạ “tiết trực tâm hư” của ông Diệm, và gột sạch bất cứ thiện cảm nào còn sót lại với ông ta trong đám đông thầm lặng cũng như viên chức Mỹ.
Cho đến nay, vẫn còn người cố tình xuyên tạc về biến cố tấn công các chùa chiền đêm 20 rạng 21/8. Bởi thế tưởng nên thuật lại tóm lược biến cố trên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 110729)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 93532)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 98830)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 117497)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90583)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90438)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 82451)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87246)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92576)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 94541)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?